Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Chiếc hộp quẹt lửa


Hộp quẹt lửa 2 tia honest H-733

Cái hộp quẹt lửa


Ðể kỷ niệm một trận chiến, một quận công bên Anh Quốc đã làm một bữa tiệc khoản đãi một nhóm cựu sĩ quan đã từng chiến đấu sát cánh bên ông.
Trong bữa tiệc, ông đem khoe một hộp quẹt lửa rất đẹp mà Nữ hoàng Anh đã tặng cho ông. Cái hộp quẹt lửa đã được truyền từ tay người này đến tay người nọ để được trầm trồ khen ngợi.
Sau bữa ăn, mọi người được mời ra phòng khách để uống trà. Ông quận công mới đem thuốc lá ra mời mọi người. Nhưng mặt ông bỗng biến sắc, vì ông lục lạo mãi trong túi áo mà vẫn không tìm ra hộp quẹt lửa. Ông hỏi quan khách có ai thấy nó ở đâu không. Mọi người chia nhau đi tìm khắp nơi mà tuyệt nhiên vẫn không thấy cái hộp quẹt lửa.
Lúc bấy giờ, một viên sĩ quan mới đề nghị cho tất cả mọi quan khách nên lật túi áo của mình ra may ra mới có thể tìm thấy nó chăng. Lần lượt tất cả mọi người đều kéo tất cả những gì có trong túi áo của mình ra. Duy chỉ có một người không chịu chấp nhận công việc này. Mọi người đều đưa mắt nhìn về ông và ai cũng đoán chắc đây là người đã đánh cắp cái hộp quẹt lửa, bởi vì dáng vẻ của ông tiều tụy, áo quần của ông lại rách rưới. Ông lấy danh dự của một cựu sĩ quan để thề thốt và dứt khoát không mở túi áo ra cho mọi người xem.
Vài tuần lễ sau, ông quận công lại mở một bữa tiệc khác và lần này, ông khám phá ra cái hộp quẹt lửa trong túi áo của ông. Cảm thấy xấu hổ vì đã nghi oan cho một viên sĩ quan đã từng chiến đấu bên cạnh mình, ông quận công đã quyết định đến thăm anh ta để xin lỗi.
Nhà của viên cựu sĩ quan này nằm trong khu phố lầy lội nghèo nàn. Sau khi đã xin lỗi, ông quận công đã hỏi viên sĩ quan: “Tại sao trong bữa tiệc hôm đó, anh đã khước từ không mở túi ra cho mọi người xem?”.
Anh ta mới giải thích như sau: “Hẳn ngài đã thấy được căn nhà tôi đang ở tồi tàn như thế nào. Từ lâu, tôi đã thất nghiệp mà vẫn phải nuôi nhiều miệng ăn trong nhà. Ngài đâu có biết rằng hôm đó, tôi đã nhét vào túi tôi tất cả những đồ ăn thừa trên bàn để mang về cho vợ con tôi”.
Sau khi hiểu được hoàn cảnh đáng thương của một người đã từng vào sinh ra tử với mình, ông quận công quyết định đền bù bằng cách tìm cho viên cựu sĩ quan một công việc xứng đáng. 
 Nguồn: FB Ngoc Truc

Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Đừng chờ đến ngày mai



ĐỪNG CHỜ ĐẾN NGÀY MAI


Hành trình đi về phía cuối chân trời còn xa diệu vợi. Có những điều con người chưa biết rồi sẽ ra sao. Thật là thú vị khi ta chợt nghĩ đến tương lai, vào một ngày mai tươi sáng. Chắc hẳn trong cuộc đời bạn không ít lần chuẩn bị hành lý cho một cuộc đi xa, hay chỉ chuẩn bị vài thứ cho một cuộc hẹn, một lần đi ra phố hội ngộ bạn bè,... Cảm giác của chúng ta lúc đó thế nào nhỉ? Mỗi người sẽ suy nghĩ một cách, nhưng chắc chắn sẽ có một mẫu số chung cho tất cả: hồi hộp, lo lắng, vui tươi, hạnh phúc,... Ta trông chờ lắm và hứa hẹn biết bao điều.
          Ta đi rồi vẫn còn khối công việc ở lại. Ta hẹn, ta hứa, sau chuyến đi này ta sẽ làm. Hoặc sau khi đi công việc về, đi phố về ta sẽ làm hết. Ta đã hẹn như thế không biết bao nhiêu lần, có lẽ đã hẹn từ lúc sanh ra cho đến bây giờ...
Thế nhưng, ai trong chúng ta ngờ được rằng sau những cuộc ra đi không có ngày trở lại.
Có những lời hứa, những cuộc hẹn mãi mãi chẳng bao giờ thực hiện được.
Còn nhớ, cha của bạn tôi đã từng hứa cho nó một cây vàng làm vốn nếu nó hoàn thành tấm bằng đại học. Thế rồi ông đã đột ngột ra đi trong một tai nạn giao thông không hề biết trước. Ông cũng đã bỏ lại những cuộc hẹn, những dự tính công việc và đặc biệt ông vẫn còn nợ đứa con ông một lời hứa. Đưa xác cha từ bệnh viện trở về nó khóc nức nở, nó khóc không phải vì không được cây vàng kia mà nó khóc vì cuộc sống quá vô thường. Hành trình trên giao lộ cuộc đời ta cũng thế. Ta đã hứa thật nhiều, nhưng rồi thất hứa cũng không ít.
Ta nợ đời, nợ người và nợ chính bản thân ta. Cứ lập trình sẵn sau khi đi công việc về ta sẽ vắt cho mẹ một ly cam, ủi áo quần cho chị, gửi cho người yêu thương một tin nhắn hỏi thăm, hay sẽ dọn dẹp không gian riêng đang bề bộn,... Nhưng rồi trong ngàn lẻ một lần ra đi ấy, biết đâu có một lần ta sẽ phải sang ngang. Sẽ đớn đau, nuối tiếc biết bao nhiêu khi mọi thứ vẫn còn dang dở. Ta hối hận sao mình không hoàn thành mọi thứ, không giải quyết mọi việc êm xuôi khi ta còn có thể? Tại sao ta phải hẹn, phải đợi, phải chờ? Ta nuối tiếc một tài sản kếch xù chưa xài đến. Ta đau khổ vì phải đột ngột chia ly người yêu duy nhất của ta. Chính những điều đó làm tim ta đau đớn, xót xa,...
Vẫn biết đời vô thường lắm, nhưng mấy ai ý thức được điều đó để áp dụng cho chính bản thân mình? Cứ áp đặt sẵn những điều bất ngờ không mong đợi ấy sẽ đến với ai kia, nó hoàn toàn không phải đến với mình, nó không thật sự dành cho mình.
Vì ta chủ quan, vì ta không chuẩn bị tâm lý, nó sẽ đến với ta, nên cứ nhởn nhơ sống trong thờ ơ, lạnh nhạt, ghen tuông, thù hận, ganh đua,... cho đến một ngày ta vấp ngã rồi không kịp trở tay, không kịp nói với người thân những điều ta muốn nói, không kịp làm nốt những việc còn dang dở, không kịp nói lời xin lỗi đến ai, không kịp nói rằng ta đã thật lòng yêu thương ai đó... Hãy chuẩn bị đi các bạn! Hành trình đi về phía cuối con đường. Nơi ấy không phải chỉ dành cho những cụ già tóc trắng, da nhăn, không phải chỉ dành cho những người mang các căn bệnh ngặt nghèo, nguy hiểm, mà nơi ấy còn dành cho tất cả chúng ta... tất cả đều không hẹn trước.
          “Hãy sống như ngày mai ta sẽ không còn!”
Nếu phút chốc nữa đây, hay đêm nay, ngày mai, rồi ngày mai nữa chúng ta sẽ ra đi, vĩnh biệt cõi đời. Biết trước như vậy ta sẽ chuẩn bị kỹ hơn cho hành trình đi về phía trước. Lúc nào tâm cũng ở trong trạng thái sẵn sàng cho một cuộc ra đi. Mọi thứ đều chuẩn bị sẵn hành trang lên đường, không lo lắng, ưu tư, sợ hãi, tiếc nuối,... Vì ta biết chắc, ai rồi cũng phải một lần ra đi. Chánh niệm tỉnh giác từ trong hơi thở, ngay đây và bây giờ.
          Quá khứ đã qua không thể tìm lại,  tương lai xa vời không thể với tới,  chỉ có giây phút hiện tại sẽ quyết định cho cuộc sống của ta, hạnh phúc hay đau khổ.
Nếu làm được gì ngay hôm nay, hãy tranh thủ hoàn tất sớm, đừng hẹn, đừng đợi và đừng chờ! Vậy thì còn chần chờ gì nữa!
Nào chúng ta hãy tỉnh mộng đi thôi, quay lại với thực tại để thấy giây phút này là giây phút đẹp nhất, tuyệt vời nhất.
Phan Minh Đức

 Chúng ta đều là khách trọ

Có một người lỡ đường trong đêm tối tìm đến gõ cửa một nhà nọ để xin ngủ nhờ qua đêm. Người chủ nhà không chấp thuận cho người khách lạ tá túc. Hết sức nhẫn nại, người khách cố gắng thuyết phục chủ nhà:
- Ông có thể trả lời tôi ba câu hỏi không? Tôi tin chắc là sau khi trả lời ba câu hỏi này, ông sẽ vui lòng giúp tôi.
Người chủ nhà tỏ ra tò mò và có hứng thú trước thái độ của người khách lạ:
- Ông muốn hỏi điều gì?
Người khách nói:
- Xin ông cho hỏi, trước đây ai ở căn nhà này?
Chủ nhà đáp:
- Bố mẹ của tôi.
Người khách hỏi tiếp:
- Xin cho hỏi, trước bố mẹ ông thì ai ở?
- Ông bà của tôi.
Người khách lại hỏi:
- Vậy sau ông thì ai sẽ ở đây?
Chủ nhà tỏ ra bực bội:
- Sau tôi là con cháu của tôi ở chứ ai!
Lúc bấy giờ vị khách mới nói:
- Thưa ông, vậy thì ông cũng là người ở nhờ như mọi người, nhưng ông là người ở nhờ lâu hơn tôi vậy thôi. Sao ông nỡ lòng nào không giúp tôi ở nhờ một đêm chứ?
Sau một lúc trầm ngâm suy nghĩ, người chủ nhà như chợt nhận ra điều gì, ông tỏ ra cởi mở, niềm nở mời người khách vào nhà. Suốt đêm hai người còn vui vẻ trò chuyện với nhau rất tâm đắc. (Theo Thế giới trong ta)
          Người khách lỡ đường trong câu chuyện trên rất chí lý khi thấy rằng không có ngôi nhà nào là tài sản vĩnh viễn của một người, mà trải qua nhiều thời kỳ nó thuộc sở hữu của nhiều người. Như vậy không ai là ông chủ thật sự cả, tất cả chỉ là những khách trọ mà thôi. Người thì trọ trong thời gian ngắn, người thì trọ trong thời gian dài.
Không có ta (ngã), không có cái của ta (ngã sở), nhưng ai cũng thấy có ta, có cái của ta nên mới chịu nhiều đau khổ. Nếu thấy được vạn vật đều là duyên sinh vô ngã, không cố chấp bám víu, thuận theo lẽ vô thường, biết chấp nhận sự đổi thay, thịnh suy, được mất thì lòng thanh thản, không khổ não lo buồn. Muốn được tâm bình thản như thế thật không dễ, nhưng nếu nỗ lực tu tập thì sẽ thành tựu. Thực tập thiền quán về vô thường, vô ngã để có thể buông bỏ xả ly, thì dẫu phải đối mặt với nhiều biến động trong đời thì lòng cũng bớt giận dỗi, muộn phiền và tâm không chao đảo. Sống với từ bi, vô ngã, vị tha thì tấm lòng rộng mở, tự tại thong dong và lợi đạo ích đời.
Phan Minh Đức

Thứ Sáu, 21 tháng 12, 2012

Ngày cuối cùng - cơ chuyển thế



Ngày cuối cùng - Cơ chuyển thế

(Dưới đây cơ bút của Vị Đại Tiên Hồng Quang
Giáng cơ  ban cho  vào năm 1970)


Thương Nhân loại đã kề miệng hố,
Động lòng, đây tiết lộ đôi hàng;
Để cho Bá tánh biết đàng,
Tránh cơn nguy biến: muôn ngàn khổ đau.

Cơ Tận diệt có đâu tránh khỏi,
Phật-Thánh-Tiên các cõi xuống Trần;
Lịnh truyền bố trí xa gần,
Lập phương cứu thế, khắp miền Đông Tây.

Cuộc Đại Tạo, Âm Dương biến chuyển,
Do cơ đồ phát triển canh tân;
Cõi trên, Cõi dưới đổi dần,
Vô hình định đoạt, hữu hình hiện y.

Muốn đổi mới cái gì có sẵn,
Phải san bằng cho sạch cũ đi;
Là cho đúng lúc kịp thì,
Đó là Định-luật chuyển-di tuần-huờn.

Cuối Nguơn-Hạ, máy Huyền phát động,
Khắp Địa cầu đâu đặng còn nguyên;
Bao nhiêu những chuyện kinh Thiên,
Tang-điền Biến-hải, đảo điên muôn loài.

Lúc chúng sanh đang còn ngơ ngác,
Tin chắc rằng: đời sống văn minh;
Của nền khoa học hiện tiền,
Là đà chiến thắng Thiên nhiên của người.

Đâu có biết cơ Trời lại khác,
Trao cho người khí giới diệt vong;
Để cho tự giết cho đồng,
Để cho Thần thánh nhọc công ngày cùng.


Nguyên tử lực, tân kỳ khoa học,
Một phát minh cao cả của người;
Là con rắn độc hai đầu,
Nắm đuôi cũng khổ, nắm đầu cũng nguy.

Khoa học biết: ngoài da, nhánh lá,
Đạo học thông: nguồn-gốc vạn loài;
Biết da, đốt gốc: phàm nhơn,
Biết da, thông gốc: Phi-nhơn siêu phàm.

Thời Âm trược, cực hung cực ác,
Trận thứ ba hồn xác khó tồn;
Chia ra hai mối tranh hùng,
Văn minh vật chất đến ngày cáo chung.

Nền trật tự Hóa công đã sắp,
Mà con người muốn lấn sang tranh;
Vệ tinh hỏa tiễn phóng nhanh,
Ra ngoài biên giới hành tinh của mình.

Làm rối loạn quân bình vũ trụ,
Hãnh diện rằng: chinh phục không gian;
Ngờ đâu phản ứng dây chuyền,
Rồi đây Hạ giới chịu nhiều họa lây.

Lẽ tiến hóa, ai đâu chẳng muốn,
Nhưng phải cùng Định luật Thiên nhiên;
Thông minh trí thức làm liều,
Là cơ phản tiến, tiêu điều trần gian.

Cơ khí hóa, muốn bằng Tạo hóa,
Trớ trêu thay: châu chấu chống xe;
Sức người mà lại muốn khoe,
Sánh cùng Thiên Địa, Mẹ Cha muôn loài.

Muốn như vậy phải lo tu tập,
Đạt đủ Huyền, đủ lục Thần thông;
Được cùng Trời Đất hòa đồng,
Góp phần tân tạo lập công hội này.

Rồi sẽ thấy huyền năng Tạo hóa,
Triệu ức lần hơn cả sức người;
Tạo Trời lập Đất muôn loài,
Sanh ra Vũ trụ chẳng cần máy chi.

Đảo lộn hết, không gì ngăn nổi,
Tạo lại liền, chẳng nhọc công lao;
Toàn chân, Thiện mỹ, ly hào,
Phật Trời Tiên Thánh xem vào ngẩn ngơ.

Thượng-Trung-Hạ bắt đầu thay đổi,
Từ Đất trời, tinh tú, loài người;
Cỏ cây, cầm thú, núi sông,
Nắng mưa, thời tiết, đâu còn như xưa.

Quyền Tạo hóa, Chơn âm nắm giữ,
Đến kỳ ba lập lại Nguơn tân;
Đà Hoa thiên mạng giáng Trần,
Miền Nam nước Việt: trung ương Địa cầu.

Tây phương đến, Thánh Tiên cung kính,
Đợi lịnh truyền, sứ mệnh hành y;
Tiên Thiên rồi đến Hậu Thiên,
Hiền tài sỹ tử khắp miền lập công.

Huyền lực hóa vô biên khó tả,
Xưa Nữ oa luyện đá vá trời;
Đà Hoa vá đất hiện thời,
Chỉnh luôn tam cõi mà đời chưa hay.

Bầu Thái cực, hóa sanh vạn hữu,
Cũng là nguồn dưỡng dục muôn loài;
Âm Dương tiêu trưởng vận hành,
Ngũ-hành Tứ-tượng Hà-đồ Lạc thơ.

Đất Nam Việt, trung ương Mồ Kỷ,
Nơi tập trung xuất phát Huyền năng;
Kỳ ba nắm hết chuẩn thằng,
Bảy hai, ba sáu, tùy tùng tại đây.

Chốn Linh địa, trổ sanh Nhân kiệt,
Để sau này phát triển hậu lai;
Thông minh trí thức thời nay,
Nhiễm sâu tư tưởng ngoại lai khó dùng.

Người Đạo đức chân tài minh triết,
Đủ Nghĩa Nhân, hạnh nết vị tha;
Tước quyền, danh lợi chẳng màng,
Quên mình để giúp vạn dân muôn loài.

Đời Mạt Pháp sanh nhiều quỷ quái,
Tuy hình người, trong lại yêu ma;
Còn nguyên thú tính ngụy tà,
Đại gian, đại ác, điêu ngoa khôn lường.

Một dân tộc kiêu hùng oanh liệt,
Mà lẽ nào chẳng biết phục sinh;
Khuyên người ẩn nhẫn qua truông,
Hết cơn đen tối, đến ngày quang vinh.

Muốn dọn đất, phải làm sạch cỏ,
Hễ phá rừng, sâu bọ chết tiêu;
Đến mùa ruộng rẫy xanh tươi,
Thâu nhiều huê lợi, người người hưởng chung.

Hãy trở lại gốc nguồn Dân tộc,
Lo phá điền, dọn đất chờ mùa;
Đợi Thấy Thập-tự giáng trần,
Đem nhiều giống quý lưu truyền đời sau.

Không dùng đến binh hùng tướng mạnh,
Cũng chẳng cần cơ khí tối tân;
Một mình vận chuyển Âm Dương,
Thắng binh, thắng tướng, thắng khoa học đời.

Mượn hình thức đá-cây-đất-nước,
Vận huyền vi, trừ khử trược âm;
Một bầu Vũ trụ bao hàm,
Nằm nhà điều khiển, khỏi cần đi đâu.

Lo lập lại cơ đồ nước Việt,
Sửa bàn cờ bốn biển năm châu;
Trong tay nắm đủ Pháp mầu,
Địa hình, địa vật khắp miền đổi thay.

Đuôi Tây tạng, đầu về Nam Việt,
Miệng Cửu long, ngậm biển Đại Thanh;
Huyệt linh kết tụ Khí Huyền,
Chờ giờ sấm nổ, chuyển mình thị oai.

Cuộc địa chấn, xảy ra rùng rợn;
Từ Nam quan tới mũi Cà mau;
Núi sông đất sụp ầm ầm,
Nước trào, lửa dậy, đá bay mịt mù.

Vùng Bảy núi, chẳng còn nguyên vẹn,
Trừ vài nơi, các chỗ đều thay;
Cù lao, rừng biển, thị thành,
Chỗ trồi, chỗ xụp, âm thanh rợn người.


Nhiều ranh giới quốc gia thay đổi,
Các liệt cường chịu khổ nhiều hơn;
Đó đền tội ác bao thời,
Đòn cân công lý Đất Trời nào sai.

Nước Việt mới, Kinh đô dời chỗ,
Về Hậu giang, bờ biển phía tây;
Tàu bè lui tới đông đầy,
Đền đài cung điện, kỳ quan tuyệt vời.

Nước thơm ngọt, trị lành các bịnh,
Tháp chín từng, mầu nhiệm vô cùng;
Lên trời, xuống biển có đường,
Cây đờn, chim hát, gió nồng mùi hoa.

Khắp các nước đổ xô nhau đến,
Để dò xem huyền diệu tân kỳ;
Thấy rằng thế giới không bì,
Tinh thần vật chất, cực kỳ siêu linh.

Đến chừng đó, mới xin thọ giáo,
Tôn làm thầy, học Đạo học Đời;
Sau về truyền bá khắp nơi,
Văn minh tuyệt đỉnh của thời Thượng Nguyên.

Sẵn vàng bạc ngọc ngà châu báu,
Thêm các hầm có mỏ lộ thiên;
Giúp cho thập bát còn tồn,
Đủ phương kiến Quốc sống Nguơn thanh bình.

Có điềm trước, báo ngày tận thế,
Trên bầu trời, đổi sắc xám đen;
Mây giăng lơ-lửng ưu-sầu,
Mùi hôi nồng nực xông lên ngất trời.

Làm cầm thú chạy hoang sợ hãi,
Dưới biển-sông, cá nổi như bèo;
Tự nhiên cây ngả khắp cùng,
Không trung lửa dậy, nước thì rút khô.

Ba tiếng sấm, rung rinh Tam cõi,
Kế Ngũ lôi chuyển nổ kinh hồn;
Tuần huờn ngưng hẳn vận hành,
Thâu hồi Nhật-nguyệt Ngũ-hành còn đâu.

Tối như mực, ngày đêm năm bữa,
Không trời trăng, nóng lạnh gió tiêu;
Muôn loài bất tỉnh đê mê,
Lọc ra số ít, để dành Nguơn sau.

Dưới thủy quái, trồi lên chực sẵn,
Trên thú rừng, biến hóa thần thông;
Xông ra giết hại loài người,
Cướp hồn, cướp xác, nhiễu nhương khắp cùng.

Trước ngày đó, nhập trong dân chúng,
Bọn bàng-môn tả-đạo tung hoành;
Xuống-lên ợ-ngáp diễn tuồng,
Dụng bùa, dụng ngãi, pháp phù giết nhau.

Các đảng phái cũng ra múa rối,
Xưng rằng đây, mới đủ khôn lanh;
Chống nhau để nắm quyền hành,
Làm cho xáo trộn các ngành quốc gia.

Còn Tôn giáo, thiên về sắc tướng,
Đi quá phần, theo hưởng lợi danh;
Tín đồ chia rẽ phân tranh,
Tranh quyền lãnh đạo, rồi cùng hại nhau.

Thiên tai đến, tháp cùng địa ách,
Khắp hoàn cầu, hoạn nạn đủ bề;
Binh đao khói lửa mịt mù,
Thêm nhiều bịnh lạ, giết người phút giây.

Thời Âm cực, là thời đại loạn,
Cảnh máu đào, chết chóc thê lương;
Đâu đâu nước mắt đau thương,
Gia đình tiêu tán, ruộng vườn hoang vu.

Cơ đã định, chỉ còn có một,
Luật tuần huờn, thay đổi Nguơn kỳ;
Muôn loài phải chịu phân ly,
Để rồi tiến hóa thêm nhiều hơn xưa.


Có tận thế,
có Cơ Cứu Thế,
Vì lòng từ các Đấng Thiêng Liêng;
Cùng nhau xuống tận hạ miền,
Ra tay giáo hóa, cứu nguy muôn loài.

Vì nhiệm vụ, lìa ngôi cung thượng,
Đà-La-Hoa Thiên-mạng hiện thân;
Chơn âm ra lịnh ân cần,
Phật Trời Tiên Thánh cứu thêm vài phần.

Các Giáo chủ hội về đầy đủ,
Để xin cùng Phật Mẫu lãnh công;
Trước lo trật tự Giáo môn,
Sau cùng các Đấng lập phương cứu đời.

Tiên Thiên đến, Hậu Thiên tiếp sức,
Các Linh căn có xác dưới Trần;
Đều ra trình diện Mẫu Nghi,
Để lo cứu nước, cứu dân Hội này.

Giờ cứu thế thật là huyền diệu,
Mùi hoa thơm, Mẫu rưới khắp miền;
Tiếng đờn nhạc trỗi triền miên,
Chuông ngân trầm bổng, ru hồn vạn linh.

Phật Tiên Thánh đi trên thây chết,
Dụng pháp mầu chọn lọc xác hồn;
Lựa người, lựa vật được tồn,
Mùi hoa cho ngửi, chuông đờn cho nghe.

Lần lần tỉnh giấc mơ mới biết,
Hiện mình đang sống cõi xa xăm;
Lạ quê, lạ cảnh, lạ người,
Gia đình quyến thuộc, ít còn gặp ai.

Loài cầm thú, cỏ cây sông núi,
Được chuyển qua Cõi Thượng đều xinh;
Thuần Dương, Trái đất biến hình,
Thuần Âm, trọn đủ linh thiêng vô cùng.

Tạo lập lại, trong ngày hắc ám,
Mẫu Đà-Hoa diệu dụng Pháp Huyền;
Di Đà khai sáng ba miền,
Bốn mưới tám nguyện đến nay viên thành.

Cơ phán xét, tới đây chấm dứt,
Đại Phong-Thần đủ bảng kỳ ba;
Long-hoa Đại Hội cộng đồng,
Định xong ngôi vị muôn loài Nguơn tân.

Địa cầu mới, số ghi sáu bảy,
Chất đất thuần, thơm mãi mùi hoa;
Chơn Âm thống lãnh Nguơn đầu,
Thời kỳ định lại ba ngàn sáu trăm.

Hiệp tam giáo, quy còn một Đạo,
Lưu truyền do bốn tám Tổ sư;
Khai nguyên tân Pháp nhiệm mầu,
Lục căn đã diệt, tu mau đắc thành.

Xã hội mới, văn minh cao độ,
Các nghành đều tiến bộ khó lường;
Con người sống cảnh Thần tiên,
Thân hình đẹp đẽ, thông minh vô cùng.

Miệng cười mãi, thân hình thơi thới,
Nhờ mùi hoa, nước miếng ngọt hoài;
Đất linh, học ít, biết nhiều,
Giống dân Nam Hớn duyên ra nối truyền.

Hoa nước Việt, toàn cầu được hưởng,
Hai miền trên, Trung-Thượng được nhờ,
Là hoa Thượng cổ không trồng,
Huyền-năng vô-lượng, hóa sanh muôn loài.

Một tiểu quốc, thay hình đổi dạng,
Thành Đại Bang chủ tể hoàn cầu;
Thật là huyền bí nhiệm mầu,
Hậu Hồng Bàng đó, Nhị Đồ Tạo-công.


Đây là báo trước việc vui việc khổ,
Nước tới chơn, nên lộ vài phần;
Mong cho Đời Đạo ân cần,
Thâm Tâm lo chỉnh để còn ngày sau.

Chớ ỷ lại có người cứu thế,
Rồi tha hồ tự tạo nghiệp sâu;
Cộng trừ dưới điểm được tồn,
Hùm tha, sấu bắt, xác hồn ra tro.

Một kiếp sống, bao nhiêu đau khổ,
Được làm người trên cả các loài;
Phải cho xứng đáng làm Người,
Chớ đâu sanh sống, chết như các loài.

Sao không biết tu-Thân tích-Đức,
Để đến gần Tiên Phật Thánh Thần;
Các Ngài sẽ hiện xuống trần,
Sống bên dân chúng ở thời Hậu lai.

Phật, Tiên, Thánh: người Phàm đắc Đạo,
Cũng là người, đâu phải quỷ ma;
Sao không có tiến kịp đà,
Để cho sa đọa dưới hầm lửa sâu.

Kỳ ba, lọc quan-quân tu-sỹ,
Cùng xét chung tất cả các loài;
Màn đêm phủ đến nơi rồi,
Mạng nào cũng trễ, không xong trong ngày.

Hiểu lý chết, mới tường lý sống,
Nên biết rằng, chết-sống tương quan;
Đó là nhân quả luân hồi,
Sống lành chết nhẹ, tái sanh tiến hoài.

Đời với Đạo tuy cùng tại thế,
Chia hai đường phát triển song hành;
Xác-Hồn phải được quân bình,
Lo trau vật chất, tinh thần muội mê.

Các Tôn giáo phổ truyền Từ-Ái,
Mà được Từ, được Ái mấy người?
Tu theo thế kỷ hai mươi,
Đâu rồi hoàn đó, Đạo đời khó phân.

Tu kinh kệ, âm thinh, sắc tướng,
Tạo cho nhiều chùa thất, tượng hình;
Đạo mầu Vô thượng,Vô thinh,
Tâm là Chơn Phật, xác thân là chùa.

Chạy tìm Đạo, Đông Tây khắp chốn,
Không biết rằng tại nước non nhà;
Phật Trời Tiên Thánh hội về,
Lập Đời, lập Đạo, Pháp mầu độ sinh.

Ham mau đắc, huyền linh lạc nẻo,
Lưới Ma vương giăng bủa đón mồi;
Phỉ nhơn, phân biệt, không rời,
Chín phần lọt rọ, chỉ còn một thôi.

Trong Vũ trụ con người gồm đủ,
Cùng vạn loài, một thứ mà ra;
Tướng hình tuy khác bề ngoài;
Đều do Tứ-đại Âm-Dương tạo thành.

Tu phải biết tìm trong xác thể,
Chủ-Nhơn-Ông lồ lộ bên trong;
Linh thiêng, xinh đẹp nhiệm mầu,
Chớ đâu ông Phật xi-măng ở Chùa.

Cứ tụng đọc sách kinh có chữ,
Không chịu tìm Vô-tự Chơn-Kinh;
Kinh này không chữ không hình,
Tụng trì đắc quả, rõ thông Đất trời.

Học ba mớ bề ngoài chưng diện,
Rồi xúm tôn ông nọ, ông kia;
Đạo mầu không chức tước nào,
Không cần chưng diện, Huyền vi vô cùng.

Tướng ngoài-Phật, Tâm trong: yêu quái,
Dắt chúng sanh về với Ma vương;
Đạo trong thể hiện Tâm-Vương,
Trừ tà, giác-chúng ngoài thường không lo.

Tu cho Hồn được tự do xuất nhập,
Lìa thân nhà, về viếng Quê xưa;
Đó là Cư sỹ xuất gia,
Chớ đâu trốn mẹ, trốn cha vô chùa.

Người chân chánh, không phân Tôn giáo,
Giáo chủ đều
cùng gốc xuống Phàm;
Tuy dùng phương tiện khác nhau,
Tín đồ chia rẽ, Đạo Tâm một mà.

Đâu cần phải Chùa to, Phật lớn,
Ở chòi tranh, Đạo vẫn quang minh;
Tại gia cũng chung quả lành,
Không thâu, không lấy của tiền thập phương.

Học Đạo lý, học trong thể xác,
Khỏi cần tìm lý thuyết mông mênh;
Phật xưa đâu có học kinh,
Làm câm, đui, điếc, Đạo Tâm mau thành.

Khi biết được trong Thân đầy đủ,
Màn Vô-minh tan vỡ lần lần;
Tâm linh sáng tỏ trong ngần,
Càn Khôn vạn vật trong tầm mắt ta.

Không cần học Đạo, Tâm vẫn biết,
Đủ phép mầu, diệu dụng vô biên;
Công-viên, Quả-mãn, Siêu-phàm,
Giúp cơ cứu thế cuối ngày Hạ Nguơn.

Đạo không nói, vô hình im lặng,
Đức không khoe, cũng chẳng cần khen;
Hạnh-lành đầy đủ âm thầm,
Hóa-sanh dưỡng-dục, muôn loài vạn linh.

Đã nhiều vị xuống Cơ, ra Sấm,
Khuyên Dương-trần lo sửa Thân-Tâm;
Cũng cho biết việc xa gần,
Bị người chế nhạo nói khùng, nói điên.

Đây có nói, e người không thích,
Nhưng lộ cho, biết chuyện hãi hùng;
Của ngày Tận diệt cuối cùng,
Để đời nghĩ lại: ai khùng, ai điên.

Khuyên bá tánh, chăm lo ruộng rẫy,
Sắm lưới chài, dò đẫy, đăng nò;
Tới mùa thu lợi đầy kho,
Gia đình sung túc, quốc gia phú cường.

Đất sắp chết, như người hấp hối,
Ngũ tạng lìa, Tứ đại đảo điên;
Năm châu, bốn biển ngả nghiêng,
Muôn loài rối loạn, đâu nguyên sắc màu.

Việc sẽ đến trong đời hiện tại,
Chớ đâu xa trăm vạn năm sau;
Cơ Trời như thể mộng mơ,
Ngủ đêm mơ giấc, ban mai đổi đời.

Qua năm tý, nhiều lời lắm chuyện,
Còn bây giờ, ít chuyện ít lời;
Nhắn cùng các Điển Linh – căn,
Thuyền gần rời bến, ngủ quên trễ đò.

Nghe Phụng gáy,Tây Kỳ vang dội,
Bạch Hổ gầm, rung động rừng sâu;
Là ngày vinh hiển bắt đầu,
Việt Nam phục nghiệp, Tiên Rồng rạng danh.


Tháng 8 Canh Tuất - 1970
ĐẠI TIÊN HỒNG QUANG

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

Pháp sống mang lại hạnh phúc đích thực



Pháp sống mang lại hạnh phúc đích thực

Hãy hạnh phúc với những gì mình đang có!
Có đôi vợ chồng ở dưới núi Phổ Đà làm nghề đốn củi, cuộc sống rất nghèo khó. Một hôm người chồng đào được ở dưới gốc cây một tượng La-hán bằng vàng! Gia đình ông trở nên sung túc giàu có.
Thế nhưng ông vẫn chưa thỏa mãn, suốt ngày cau có buồn bã, người vợ thấy vậy bèn hỏi: Bây giờ cái ăn, cái mặc chúng ta đã không thiếu, lại có cả vườn tược tốt và nhà cao cửa rộng, sao trông ông lại còn buồn bã như vậy?
Người chồng bực tức quát: Bà là đàn bà biết gì chứ! Mười tám tượng La-hán mà tôi chỉ lấy được có một tượng mà thôi. Vậy mười bảy tượng La-hán còn lại được cất giấu ở đâu? Làm sao tôi có thể an tâm được chứ?
Người chồng tham lam cuối cùng sinh bệnh và chết với nỗi buồn đó. 
Nếu không biết hài lòng với những gì mình đang có, chúng ta không có khả năng sống hạnh phúc trong hiện tại. 
Chúng ta thường hay quên rằng hạnh phúc không phải do ta đạt được cái chúng ta không có, mà đúng hơn là do ta nhận biết và trân trọng những gì chúng ta đang có. 
Hãy quay về với hiện tại và biết bằng lòng với những gì mình đang có là pháp sống mang lại hạnh phúc đích thực!
Nguyệt Hòa

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Sự tích con nhái - Thắng vạn quân không bằng tự chiến thắng chính mình


Sự tích con nhái

Sự tích con nhái

Ngày xưa có một vị Hòa thượng trẻ tuổi nổi tiếng chân tu. Mọi “thị dục” của bản thân, Hòa thượng đều kiên quyết cắt đứt, chỉ một lòng chuyên chú vào lẽ hư vô của đạo Thiền. Nhà vua nghe tiếng, vô cùng kính trọng, vời về cung, ban tước Quốc sư và sai tu bổ một ngôi chùa ở Nam kinh thành để cho sư trụ trì. Nhưng Hòa thượng từ tạ vua, chỉ xin phép đi xem chùa chiền, cảnh đẹp trong thiên hạ.
Một hôm, Hòa thượng một mình tìm đến một ngôi chùa xa ở vùng Bắc. Ở đó có một vị sư bạn trụ trì mà Hòa thượng lâu ngày chưa gặp.
Từ lâu Phật Bà Quan Âm đã nghe tiếng đồn về Hòa thượng, Phật Bà định bụng thử xem con người đó như thế nào. Nếu quả đúng là chân tu thì Phật Bà sẽ đưa về Tây Trúc, cho hóa thành Phật.
Lúc Hòa thượng sắp qua một con sông rộng, Phật Bà hóa ngay làm một cô gái rất đẹp chống đò cập bến chờ khách quá giang. Hôm ấy cũng theo phép mầu nhiệm của Phật Bà, khúc sông đó trở nên vắng vẻ, người và thuyền bè qua lại rất ít. Khi Hòa thượng chui vào trong khoang đò thì cô gái nhổ sào chèo ra giữa sông. Ðoạn nàng chèo thuyền đến một bãi cát vắng đậu lại. Hòa thượng lấy làm lạ hỏi cô lái vì sao không đi thẳng qua bờ bên kia. Cô lái chỉ đợi có câu hỏi ấy là buông chèo, cười một nụ cười rất tình tứ rồi cùng chui vào khoang, trả lời một cách trắng trợn là thấy sư đẹp trai quá nên cắm lại đấy cầu xin một chút tình yêu. Hòa thượng vốn nghe nói con gái ở vùng này có nhiều người đáo để nên nghiêm nét mặt lại:
- A Di Ðà Phật! Mong người trần giới buông tha cho kẻ tu hành này.
Nhưng cô lái đò đâu có buông tha, cô cố sán lại gần gợi tình. Hòa thượng không nói gì, lẳng lặng mở gói lấy quyển kinh Kim Cương Tam Muội ra tụng. Tiếng đọc của sư mỗi lúc mỗi lớn, át cả tiếng của cô lái đò. Nhưng cô lái đò vẫn cười cười nói nói. Rồi cô che tay lên quyển kinh. Hòa thượng ngoái cổ nhìn ra ngoài đò rồi nghiêm khắc cảnh cáo:
A Di Ðà Phật! Trong người bần Tăng có một tờ lệnh chỉ của Hoàng đế. Trong đó Hoàng đế đã ra lệnh là hễ người nào phạm vào người bần Tăng sẽ bị án trảm quyết. Vậy bần Tăng mong người đừng phạm vào phép của thiên tử.
Lời dọa của nhà sư không làm cho cô lái nhụt một tí nào. Cô nói:
- Em đang muốn chết đây! Em chỉ mong chàng đoái thương một tí rồi chết cũng thỏa.
Nhưng hồi lâu, thấy lòng nhà sư không chuyển, cô lái đò lại thi hàng một mưu khác, cố quyến rũ cho bằng được. Cô bắt đầu cỡi áo ra. Khi chiếc yếm có đuôi nhạn bỏ xuống thì Hòa thượng nhắm mắt lại. Hòa thượng quay về cái gói lấy chiếc áo của mình khoác vào người nàng. Trong khoang đò chật chội, tay Hòa thượng vẫn lần tràng hạt, miệng vẫn lẩm nhẩm đọc kinh. Trong khi đó những tiếng cô gái như mật rót vào tai:
- Chàng thương em một tí… Chàng nhìn ra ngoài xem, không có một ai cả.
Nhưng vô hiệu.
Phật Bà Quan Âm rất cảm động. Những người con Phật như thế này rất xứng đáng chiếm một chỗ ngồi trên Niết bàn. Nhưng đã thử thì phải thử cho trót. Lần tấn công thứ chín, cô gái vẫn bị cự tuyệt. Hơi thở của cô gái trẻ và đẹp phảng phất ở trên má, nhưng nét mặt của Hòa thượng vẫn không thay đổi.
Nhưng đến lần thứ mười, cô gái không ngờ thành lũy tưởng là kiên cố lại bị hạ một cách bất ngờ như thế. Bàn tay Hòa thượng tự nhiên bỏ lên mình nàng. Thôi thế là chỉ trong một phút, vứt bỏ hơn hai ba mươi năm tu luyện.
Thế là chuyến đó Phật Bà Quan Âm không được hài lòng. Giận vì Hòa thượng đã thiếu kiên trì trước sức cám dỗ của “thị dục”, mà đã như thế thì thanh danh cũ không còn đáng đếm xỉa nữa, nên Phật Bà lại nắm cổ Hòa thượng vứt ngay xuống sông như người ta vứt một cái xác. Như thế mà Phật Bà còn cho là chưa đáng tội, mà còn bắt hóa làm loài nhái là một động vật hạ đẳng. Cũng vì thế mà người ta nói rằng ngày nay dòng dõi của loài nhái vẫn còn giữ cái thói quen của tổ tiên, ví dụ khi chúng bị chặt đầu, chúng vẫn chắp hai chân trước lại với nhau như người đang vái.
Nguyễn Ðỗng Chi
Truyện cổ Việt Nam tập II

“Giới là phao nổi để vượt qua bể khổ, nên người qua biển quý trọng phao nổi như thế nào, thì người tu hành cũng giữ gìn quý trọng giới luật như thế ấy”.

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Những "thiên đường" tuyệt đẹp của trái đất


Hang Ngọc Bích, Cửu Trại Câu hay Hồ Moraine sẽ mang lại cho khách du lịch những kỷ niệm khó phai về cảnh đẹp tuyệt vời nơi đây.
Mỏm đá Preikestolen, Naouy
Mỏm đá Preikestolen, Naouy
Mỏm đá Preikestolen, Naouy
Preikestolen là khối đá vuông vức này trông giống như một chiếc bục giảng kinh của cha xứ. Khối đá tự nhiên này có diện tích bề mặt là 24.99m × 24.99m, khá bằng phẳng, cao 604m so với mực nước biển. Để có thể đến được đây, du khách phải mất hơn 2 giờ đi bộ, tuy nhiên khối đá kỳ vĩ này cũng có thể được thưởng ngoạn bằng cách đi thuyền trên biển. Tên gốc của tảng đá này là “Hyvlatonnå”, nghĩa là lưỡi của cái bào gỗ.
Hang Ngọc Bích, Hy Lạp
Cái tên này xuất phát từ màu xanh thật đáng kinh ngạc của vùng nước biển nơi đây do sự khúc xạ của ánh sáng. Thời gian tốt nhất trong ngày để ngắm những hang động này là khoảng buổi trưa, khi mặt biển yên tĩnh ta có thể thấy cát hạt cát lăn tăn hòa quyện cùng nước biển.
Hang Ngọc Bích, Hy Lạp
Hang Ngọc Bích, Hy Lạp
Các hang động ngọc bích được hình thành do cấu tạo địa chất đặc biệt tạo thành một chuỗi các hang động dọc bờ biển theo hướng Tây Bắc của hòn đảo, bắt đầu từ Agios Nikolaos và kết thúc gần Skinari Cape.
Các hang động này chỉ có thể tham quan bằng đường biển, từ thành phố Zakynthos hoặc bằng thuyền từ ngọn hải đăng Skinari gần đó.
Hang băng Skaftafeli, Iceland
Hang băng Skaftafeli, Iceland
Hang băng Skaftafeli, Iceland
Hang băng Skaftafeli nằm trong khuôn viên công viên quốc gia Skaftafeli ở niềm Nam Iceland. Bước vào hang, bạn sẽ có cảm giác như bước vào trong nhà gương bởi băng ở đây trong suốt.
Hồ Plitvic – Croatia
Hồ Plitvic – Croatia
Hồ Plitvic – Croatia
Vườn quốc gia Plitvice nằm trên cao nguyên cùng tên ở Croatia, gần biên giới với Bosnia và Herzegovina – một nơi nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Công viên Plitvice trở thành Di sản quốc gia của Croatia năm 1949 và đồng thời cũng được công nhận là Di sản thế giới 30 năm sau đó. Plitvice có 16 chiếc hồ nối liền với nhau từng tầng ở độ cao 636m tới 503m,trong đó có 12 hồ ở trên cao và 4 hồ nước ở phía dưới.
Cửu Trại Châu, Trung Quốc
Cửu Trại Châu, Trung Quốc
Cửu Trại Châu, Trung Quốc
Cửu Trại Châu (Thành Đô, Trung Quốc) mùa thu đẹp như một bức tranh. Quả nhiên xứng với tên gọi “thiên đường hạ giới”, Cửu Trại Châu sở hữu phong cảnh thiên nhiên độc đáo, gần như chưa có sự can thiệp của bàn tay con người.
Đảo Bora Bora
Đảo Bora Bora cách Papeete, trung tâm Polynésie, Pháp, 230km về phía tây bắc, được bao quanh bởi một đầm phá lớn và một rặng san hô dài. Trung tâm của đảo là tàn tích của một ngọn núi lửa đã tắt. Qua thời gian và các hoạt động địa chất, hai ngọn núi lớn của đảo là Pahia và Otemanu đã được hình thành.
Đảo Bora Bora
Đảo Bora Bora
Bora Bora rất nổi tiếng với làn nước trong xanh và dải cát trắng mịn màng quanh đảo. Hỏn đảo xinh đẹp này được rất nhiều người ưu ái gọi là thiên đường du lịch biển ở Thái Bình Dương.
Động Cẩm Thạch, Chile
Động Cẩm Thạch, Chile
Động Cẩm Thạch, Chile
Vẻ đẹp thiên nhiên độc đáo của những vách đá cẩm thạch cùng với dòng nước trong xanh tuyệt đẹp đã mang lại cho động cẩm thạch Marble Cathedral nét cuốn hút đặc biệt đối với du khách thập phương. Động cẩm thạch Marble Cathedral tọa lạc tại hồ General Carrera (hồ nước ngọt lớn thứ hai của vùng Nam Mỹ) ở Pantagonia, Chile
Vườn Marqueyssac
Vườn Marqueyssac
Vườn Marqueyssac
Marqueyssac là một khuôn viên có từ thế kỷ 17 với những khu vườn nằm ở Vézac, tại Dordogne của nước Pháp. Khuôn viên được tạo dựng vào cuối thế kỷ 17. Đó có thể gọi là công trình tuyệt đẹp với những view trên cao của khối vách đá nhìn xuống thung lũng Dordogne.
Đường trượt băng giữa hồ Paterswoldse Meer, ở miền nam Hà Lan
Đường trượt băng giữa hồ Paterswoldse Meer, ở miền nam Hà Lan
Đường trượt băng giữa hồ Paterswoldse Meer, ở miền nam Hà Lan
Đường trượt băng giữa hồ Paterswoldse Meer, ở miền nam Hà Lan
Đường trượt băng giữa hồ Paterswoldse Meer, ở miền nam Hà Lan
Hẻm băng, Greenland, Đan Mạch
Hẻm băng, Greenland, Đan Mạch
Hẻm băng, Greenland, Đan Mạch
Greenland là một quốc gia tự trị nằm trong vương quốc Đan Mạch và là hòn đảo lớn nhất thế giới. Đây là một quốc giá rất đặc biệt, bởi khoảng 81% diện tích bề mặt Greenland bị băng bao phủ. Hiện tượng băng tan ở đây đã tạo nên một hẻm núi sâu khoảng 46m.
Cầu treo Capilano
Cầu treo Capilano
Cầu treo Capilano
Cầu treo Capilano (Capilano suspension bridge) ở Vancouver là một cây cầu đoạt được 3 cái nhất thế giới: cao nhất, xưa nhất và dài nhất. Mỗi năm khoảng trên 800.000 du khách đến đây thăm viếng và đi qua cây cầu này.
Hồ Moraine, Canada
Moraine thuộc công viên quốc gia Banff, cách làng hồ Louise 14km, ở tỉnh Alberta, Canada. Hồ nằm trong thung lũng dưới chân núi Ten Peaks, gồm 10 đỉnh phủ đầy tuyết trắng, ở độ cao trung bình 1.885m trên mực nước biển, được bao bọc bởi dãy núi đá Canada Rocky xinh đẹp. Diện tích mặt hồ rộng 0,5 km2.
Hồ Moraine, Canada
Hồ Moraine, Canada
Hồ Moraine chỉ đón du khách từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm khi băng tuyết trên núi Ten Peaks tan chảy và trút xuống lòng hồ tạo thành sắc xanh diễm lệ.
Petra, Jordan
Petra – khu di tích khảo cổ ở miền Tây Nam Jordan, một trong những điểm du lịch nổi tiếng với nhiều công trình kiến trúc và tượng đài được chạm trổ tinh xảo trên vách đá.
Petra, Jordan
Petra, Jordan
Nét kiến trúc A Rập cổ độc đáo cùng với bề dày văn hóa lịch sử, thể hiện trên các di vật ở đây đã tạo nên nét hấp dẫn thu hút du khách khắp nơi đến tham quan Petra mỗi năm.
Lâu đài Benteng Chittorgarh, Ấn Độ
Lâu đài Benteng Chittorgarh, Ấn Độ
Lâu đài Benteng Chittorgarh, Ấn Độ
Lâu đài Benteng Chittorgarh, Ấn Độ đẹp như bước từ trong các câu chuyện cổ tích ra đời thật.
Vườn hoa Keukenhof, Hà Lan
Vườn hoa Keukenhof, Hà Lan
Vườn hoa Keukenhof, Hà Lan
Keukenhof, ở Lisse, một thị trấn nhỏ ở phía nam Amsterdam, Hà Lan, là một trong những vườn hoa lớn nhất thế giới. Keukenhof mở cửa cho khách du lịch bắt đầu từ tuần cuối cùng của tháng 3 đến giữa tháng 5.
Lễ hội đèn trời tại Đài Loan
Lễ hội đèn trời tại Đài Loan
Lễ hội đèn trời tại Đài Loan
Vào dịp lễ Nguyên Tiêu, giống như nhiều nước khác, Đài Loan cũng tổ chức lễ hội đèn trời với qui mô hoành tráng. Trong lễ hội, những chiếc đèn lồng được thả lên trời sau khi được viết vào giấy đèn lồng những mong muốn, ước nguyện của người thả với niềm tin là mong muốn của họ bay lên trời và được chuyển giao cho thần thánh…
The Wave, Arizona, Mỹ
Sau hơn 190 triệu năm hình thành, những đụn cát biến thành núi đá gặp sự bào mòn bền bỉ của gió đã hình thành vô số đường cong mềm mại như những con sóng, tại khu vực nằm giữa hai bang của Mỹ là Arizona và Utah.
The Wave, Arizona, Mỹ
The Wave, Arizona, Mỹ
Để chiêm ngưỡng kỳ quan thiên nhiên nhưng còn ít người biết đến này chỉ có cách đi bộ khoảng ba dặm, từ nơi gần nhất mà ôtô có thể tiếp cận.
Đỉnh Roraima, Brazil
Núi Roraima là ngọn núi cao nhất trong cao nguyên Pakaraima, Nam Mỹ. Nó nằm trên biên giới 3 nước Venezuela, Brazil và Guyana.
Đỉnh Roraima, Brazil
Đỉnh Roraima, Brazil
Núi Roraima là dãy núi luôn ngập trong mây, khung cảnh tựa như trong truyện cổ tích với một hệ động, thực vật phong phú và rất nhiều giống, loài độc nhất vô nhị chỉ có ở nơi đây. Toàn bộ bề mặt của núi là đá sa huỳnh. Do luôn nằm lẫn trong mây nên Roraima quanh năm mưa ẩm.
(TP)
Nguồn: nguyentandung.org