Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2011

KINH DỊCH VỚI THIỀN CAO ĐÀI




 KINH DỊCH VỚI THIỀN CAO ĐÀI
Lê Anh Dũng 


I. KINH DỊCH KHÔNG PHẢI CHỈ LÀ SÁCH BÓI TOÁN, TRIẾT LÝ HAY Y THUẬT:
Thông thường, kinh Dịch vẫn được xem là sách bói toán, hoặc là sách triết lý, trong đó bao gồm vũ trụ quan, nhân sinh quan, sử quan... Ngoài ra, còn một xu hướng nữa là ứng dụng kinh Dịch vào phép dưỡng sinh hay trị bịnh theo y thuật cổ truyền phương đông.
Tuy nhiên, phạm vi ứng dụng của kinh Dịch vào đời sống không chỉ dừng lại ở bao nhiêu đó. Kinh Dịch còn một ứng dụng khác, không được phổ biến rộng rãi. Đó là ứng dụng kinh Dịch vào việc tu tập thiền định để giải thoát luân hồi sinh tử.
Những người đi theo con đường tu luyện này gọi là hành giả. Theo truyền thống có từ lâu đời, những gì hành giả được truyền thụ, đã thực hành và thực chứng trong đời sống thiền đều phải giữ kín, với nguyên tắc pháp môn tu luyện không được dễ duôi, khinh suất truyền cho người khác (đạo pháp bất khinh truyền).
Nói cách khác, có một pháp môn được giữ kín, gọi là bí pháp và chỉ được truyền thụ hạn chế, cẩn mật trong một số người tuyển chọn thu hẹp. Bí pháp này phương tây gọi là esoterism, đạo Nho gọi là hình nhi thượng học và Cao Đài gọi là nội giáo tâm truyền.
Ngoài phương diện nội giáo tâm truyền, các ứng dụng của kinh Dịch vào bói toán, triết lý và y thuật thường được nhiều người biết tới chính là phương diện được phương tây gọi là exoterism, đạo Nho gọi là hình nhi hạ học và Cao Đài gọi là ngoại giáo công truyền.
II. KHÁI NIỆM VỀ THIỀN CAO ĐÀI:
Việc thực hành thiền với ứng dụng kinh Dịch tạo ra một dòng thiền khác biệt với các dòng thiền có nguồn gốc Tây Tạng như Mật tông, hoặc có nguồn gốc Ấn Độ như yoga và thiền nhà Phật...
Các đạo sĩ Lão giáo ở Trung Quốc chính là những người nắm được bí quyết ứng dụng lý thuyết âm dương, ngũ hành và các quẻ Dịch để tu luyện ngõ hầu biến cải con người từ phàm phu chịu sự chi phối của luật sinh tử luân hồi trở thành bậc chân nhân siêu sinh thoát tử. Họ tạo thành một trường phái thanh tĩnh vô vi, chuyên luyện nội đan, tức là phái tu tiên, tu chân.
Phái này chủ trương bên trong thân người đã sẵn có những yếu tố thần minh và nếu biết khai phóng đúng phương pháp, con người sẽ đạt được trường sinh bất tử.
Để luyện thuốc trường sinh bất tử [1], họ chỉ sử dụng những vị thuốc, dược liệu tạo hóa đã dành cho mỗi người, ai ai cũng sẵn có trong thân (nội dược). Đối lập với họ là phái ngoại đan, chủ trương tìm kiếm các dược liệu ở ngoài thân (ngoại dược) để luyện thuốc trường sinh bất tử; như từng dùng các chất độc là chì (diên), thủy ngân (hống), chu sa (thần sa)... [2]
Ngoài kinh Dịch, phái nội đan còn ứng dụng Đạo đức kinh trong tu luyện. Đối với các hành giả này, Đạo đức kinh không phải chỉ là sách triết; tám mươi mốt (9x9) chương của Đạo đức kinh cũng là tượng số, liên quan đến thuật ngữ cửu chuyển công thành hay cửu chuyển đan [đơn] thành của các đạo sĩ. [3]
Các hành giả quan niệm rằng có hai bộ kinh Dịch: (1) Chu dịch là bộ Dịch với sáu mươi bốn quẻ; (2) Đạo đức kinh là bộ Dịch không mang quẻ.
Cao Đài kế thừa một phần thiền của đạo Lão, canh tân cho phù hợp với hoàn cảnh sinh sống và tâm sinh lý của con người trong thời đại ngày nay. Cao Đài gọi tên thiền pháp thời đại Tam kỳ Phổ độ là tân pháp Cao Đài. [4]
Dòng thiền Cao Đài khởi từ đầu năm Tân dậu (tháng 02-1921), trên đảo Phú Quốc với ông Ngô Văn Chiêu (1878-1932), đến nay đã trải qua gần tám mươi năm. [5] Dòng thiền Cao Đài phát triển và lần lần hình thành nhiều tịnh trường (nơi mở khóa tu thiền tập thể) tại nhiều địa phương khác nhau, chủ yếu ở miền Nam; trong đó có thể kể Cao Đài Tiên thiên, Cơ quan Phổ thông Giáo lý, và nhất là Cao Đài Chiếu minh...
Mỗi tịnh trường phân thành các cấp tu luyện với những bài khóa tương ứng. Phương thức truyền thụ pháp môn tuy có một số điều khác nhau, nhưng nguyên tắc chung của hành giả vẫn là thực hiện nếp sống của người tu tại gia (cư sĩ), hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ của con người đối với gia đình, xã hội, đồng bào, đồng loại. [6]

III. KHÁI QUÁT VỀ BA ỨNG DỤNG CƠ BẢN CỦA KINH DỊCH TRONG THIỀN CAO ĐÀI:
Ứng dụng kinh Dịch vào nội giáo tâm truyền trong tân pháp Cao Đài đương nhiên vẫn là những điều không được công truyền, theo đúng truyền thống đạo học phương đông; và như đã chép ở Đạo đức kinh -- Người biết không nói, người nói không biết [7] -- nên ngay cả những người trong cuộc là chính các hành giả cũng không dễ dàng tùy tiện thổ lộ cho nhau các bí quyết ấy.
Tuy nhiên, để minh họa rất khái quát về ứng dụng của kinh Dịch trong thiền Cao Đài, có thể nêu ra đây ba ứng dụng cơ bản. Nói cơ bản vì những khái niệm đầu tiên này người mới học thiền Cao Đài, mới tập sự làm hành giả, đều phải biết qua về phương diện lý thuyết. Nói cơ bản vì đây chính là những kiến thức khá sơ đẳng và phổ thông trong kinh Dịch có thể dễ dàng tìm thấy trong các quyển kinh Dịch đã được công truyền từ lâu.
Ba khái niệm cơ bản của kinh Dịch được ứng dụng trong thiền Cao Đài là:
(1) bát quái tiên thiên và bát quái hậu thiên; (2) tương ứng giữa các quẻ Dịch với tuổi con người; (3) tương ứng giữa các quẻ Dịch với giờ, tháng và tiết.
1.    Khái niệm về bát quái tiên thiên, hậu thiên:
Theo truyền thuyết, Phục Hy tạo ra bát quái tiên thiên, các quẻ theo thứ tự: Càn, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn.

Văn vương tạo ra bát quái hậu thiên, các quẻ theo thứ tự: Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, Kiền, Khảm, Cấn.

Theo các hành giả, bát quái tiên thiên với “trục” nam bắc là Càn-Khôn chính vị, diễn tả bản thể con người, theo đó tâm con người là tâm trời đất (thiên địa chi tâm) không bị điên đảo thị phi hay ô nhiễm kết tập.
Bát quái hậu thiên cho thấy Càn bị lệch về hướng tây bắc, Khôn bị lệch về hướng tây nam. “Trục” nam bắc là Ly-Khảm. Ly (hỏa) là tâm còn Khảm (thủy) là thận, diễn tả hiện tướng con người, theo đó tâm người là phàm tâm, bị thị phi điên đảo chi phối, có xu thế gần vật dục mà xa tâm linh.
Bát quái hậu thiên diễn tả cái dụng của con người. Tuy con người hậu thiên không phải là tiên phật nhưng trong bản thể con người đã sẵn tiềm ẩn một giá trị thiêng liêng, nếu biết tu bổ, trau giồi cái tiềm ẩn ấy thì con người sẽ từ phàm nhân trở nên tiên phật.
Cái sẵn có trong con người, đó là âm dương. Không biết luyện thì âm dương theo sự vận động hậu thiên, nam nữ giao hợp, tinh huyết kết thành thai nhi, rồi cứ thế tạo hoài những chu kỳ sinh lão bệnh tử hay thành thịnh suy hủy. Biết tu luyện, chuyển âm dương hậu thiên (Khảm, Ly) trở lại âm dương tiên thiên (Khôn, Càn), thì con người đắc đạo, thoát vòng luân hồi sanh tử, trở thành tiên phật.
Diễn tả khái niệm này, các hành giả có thuật ngữ chiết Khảm điền Ly, nghĩa là hoán đổi vị trí hào hai dương (cửu nhị) ở quẻ Khảm với vị trí hào hai âm (lục nhị) ở quẻ Ly (trong bát quái hậu thiên) để có được kết quả mà các hành giả gọi là Khảm Ly đổi lại Khôn Càn, chính vị như trong bát quái tiên thiên. 
Vị trí “trục” nam bắc của Ly, Khảm ở bát quái hậu thiên gợi ý về lý do cấu tạo quẻ sáu mươi bốn, quẻ chót hết của kinh Dịch, là quẻ Hỏa thủy vị tế. Vị tế nghĩa là chưa xong, chưa hoàn tất. 

Tại sao kết thúc kinh Dịch lại bày ra chuyện “dở dang”? Vì sao quẻ Vị tế lại phải nối tiếp Ký tế (đã xong)?
Theo Cao Đài, một điểm tiểu linh quang từ Thượng đế (Đại linh quang) phóng phát, làm loài kim thạch (khoáng chất) rồi tiến hóa dần lên làm thảo mộc, thú cầm, trải qua biết bao nhiêu kiếp mới được mang thân làm kiếp con người (hóa nhân).
Tuy vậy vẫn chưa phải là đỉnh cao của quá trình tiến hóa, mà mới chỉ là tạm xong cái hiện tướng con người với tấm thân huyết nhục cấu thành từ âm dương và ngũ hành, để có đủ điều kiện lập công, bồi đức, bền chí tu luyện cho đạt được cái “chưa xong” của sứ mạng làm người là tiến hóa lên làm tiên phật, [8] điểm tiểu linh quang (con người) trở về hiệp nhất với Đại linh quang (Trời, Thầy), hoàn tất chu trình tiến hóa.
Các hành giả Cao Đài vì thế coi ba cặp quẻ (1) Càn-Khôn, (2) Ly-Khảm, và (3) Ký tế - Vị tế là những cặp có quan hệ với nhau.
Thuật ngữ chiết Khảm điền Ly còn diễn tả chỗ dụng công của hành giả là chuyển hóa âm thành dương. Muốn nắm được bí quyết này con người phải tu. Trong quãng đời ngắn ngủi của kiếp người ở cõi thế, tu lúc nào là tốt nhất? Câu trả lời đặt trên cơ sở cho rằng con người theo tuổi tác tháng năm bị hao mòn dần, bị “âm hóa” từ chỗ thuần dương trở thành thuần âm, như một bình điện (ắc quy) cứ dùng mãi, không bồi bổ thì sẽ đến ngày hết điện, cạn bình.
Có sáu quẻ Dịch minh họa quá trình con người bị âm hóa dần dần theo tuổi tác mà thuật ngữ kinh Dịch gọi là dương tiêu âm trưởng.
2. Khái niệm về sự tương ứng giữa các quẻ Dịch với tuổi con người:
Các sách nghiên cứu Dịch thường cho rằng con trai thuộc dương, ứng với số 8; con gái thuộc âm, ứng với số 7. Số 8=1+2+5 gồm hai số dương 1, 5 và một số âm 2; dương nhiều, âm ít, nên 8 là số thiếu âm. Số 7=1+2+4 gồm hai số âm 2, 4 và một số dương 1; âm nhiều, dương ít, nên 7 là số thiếu dương.
Nội kinh viết: Con gái bảy tuổi (1x7), thận khí thịnh, răng thay tóc dài; mười bốn tuổi (2x7) thiên quý [9] đến, mạch nhâm thông, mạch thái xung thịnh, có kinh nguyệt, nên có thể có con được... Con trai tám tuổi (1x8), thận khí thịnh, răng thay tóc dài; mười sáu tuổi (2x8) khí thận đầy đủ, thiên quý đến, tinh khí đầy tràn, âm dương hòa, nên có thể có con được...[10]
Vậy con trai mười sáu tuổi và con gái mười bốn tuổi thông thường bắt đầu có tinh khí và kinh nguyệt; nếu giao hợp có thể sinh con đẻ cái trong vòng luân hồi sinh tử. Nhưng nếu muốn đoạn lìa sinh tử luân hồi cũng có thể khởi tu thiền từ tuổi này.
Với con trai thì luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần. Với con gái thì luyện huyết hóa khí, luyện khí hóa thần.
Sự tu hành được ấn chứng bằng hiện tượng khô tinh ở nam; ở con gái là hiện tượng bặt dứt kinh nguyệt. [11]
Nếu không tu khi còn dồi dào tinh huyết, đợi đến khi nam sáu mươi bốn (8x8) tuổi, tinh khí khô kiệt, nữ năm mươi sáu (8x7) tuổi, kinh nguyệt không còn, sẽ khó tu luyện (cũng giống như cây khô không còn sinh bông trái, tuổi đó cũng không mong sinh con đẻ cái chi được).
Căn cứ theo đoạn văn trích từ Nội kinh như dẫn trên, các điểm “mốc” tuổi của con người là các bội số của 8 (với nam) hay 7 (với nữ), như được trình bày trong biểu đối chiếu sau đây:
Tuổi Nam:
8 , 16, 24, 32, 40, 48, 56, 64
(1x8, 2x8, 3x8, 4x8, 5x8, 6x8, 7x8, 8x8)
Tuổi Nữ:
7 , 14, 21, 28, 35, 42, 49, 56
(1x7, 2x7, 3x7, 4x7, 5x7, 6x7, 7x7, 8x7)
Tuổi con trai 16, con gái 14 là lúc còn thuần dương, tượng trưng bằng quẻ Bát thuần càn (sáu hào dương, sáu vạch liền). Sau đó, con trai cứ mỗi tám năm, con gái cứ mỗi bảy năm lại “hao mòn” bớt một hào dương, đến khi nam 64 và nữ 56 tuổi thì hoàn toàn thuần âm (sáu hào âm, sáu vạch đứt), đi đến chung cuộc của bát quái hậu thiên. Quá trình âm hóa này tương ứng với sáu quẻ Dịch: Cấu, Độn, Bĩ, Quán, Bác và (Bát thuần) khôn. 
Tuổi Nam
Tuổi Nữ
16
14
24
21
32
28
40
35
48
42
56
49
64
56
Quẻ
CÀN
CẤU
ĐỘN
QUÁN
BÁC
KHÔN
 

Theo Cao Đài, con người tu thiền vào tuổi nào trong đời là do nhân duyên và căn nghiệp của mỗi người. Tuy nhiên, về mặt ý thức, trên nguyên tắc lục dương (quẻ Bát thuần càn, sáu hào dương) biến thành lục âm (quẻ Bát thuần khôn, sáu hào âm) như Biểu đồ 1 trên đây, rõ ràng con người tu thiền còn trẻ chừng nào càng tốt chừng đó; giống như khi cỗ máy còn mới, biết bảo dưỡng thì vẫn tốt và dễ hơn là đại tu một cỗ máy cũ nát, rệu rã.
3. Khái niệm về sự tương ứng giữa các quẻ Dịch với giờ, tháng và tiết:
Việc tu luyện của hành giả trong ngày và trong năm có một thời khóa biểu bắt buộc. Sự tuân thủ chặt chẽ thời khóa biểu này giúp hành giả thực hành có hiệu quả quá trình phục dương (âm tiêu dương trưởng) để chế ngự quá trình con người bị âm hóa (dương tiêu âm trưởng).
Biểu đồ 2: Tương quan giữa 12 quẻ Dịch, 12 giờ trong ngày và 12 tiết trong năm.
Tương quan giữa 12 quẻ Dịch, 12 giờ trong ngày và 12 tiết trong năm.
Để định thời khóa biểu tu luyện cho hành giả trong năm và trong ngày, có mười hai quẻ Dịch được ứng dụng, tương ứng với mười hai tháng âm lịch trong năm và mười hai giờ trong ngày.
Biểu đồ 2 trên đây cho thấy sự tương ứng này bao gồm quá trình âm tiêu dương trưởng trong nửa chu kỳ đầu, và quá trình dương tiêu âm trưởng trong nửa chu kỳ sau.
Biểu đồ 2a dưới đây trình bày quá trình khí dương tăng trưởng trong trời đất, từ giờ Tý (23.00-01.00) đến giờ Tỵ (09.00-11.00), từ tháng 11 đến tháng 4 âm lịch, từ tiết Đông chí đến tiết Lập hạ. Một dương sinh từ quẻ Phục (hào sơ cửu) và cực thịnh ở quẻ Càn (sáu hào dương). 
Giờ
SỬU
DẦN
MẸO
THÌN
TỴ
Tháng
11
12
01
02
3
4
Tiết
ĐÔNG CHÍ
ĐẠI HÀN
VŨ THỦY
XUÂN PHÂN
CỐC VŨ
LẬP HẠ
Quẻ
PHỤC
LÂM
THÁI
ĐẠI TRÁNG
QUẢI
CÀN
 
Biểu đồ 2a: Âm tiêu dương trưởng
Biểu đồ 2b dưới đây trình bày quá trình khí âm tăng trưởng trong trời đất, từ giờ Ngọ (11.00-13.00) đến giờ Hợi (21.00-23.00), từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch, từ tiết Hạ chí đến tiết Lập đông. Một âm sinh từ quẻ Cấu (hào sơ lục) và cực thịnh ở quẻ Khôn (sáu hào âm). 
Giờ
NGỌ
MÙI
THÂN
DẬU
TUẤT
HỢI
Tháng
5
6
7
8
9
10
Tiết
HẠ CHÍ
ĐẠI THỬ
XỬ THỬ
THU PHÂN
SƯƠNG GIÁNG
LẬP ĐÔNG
Quẻ
CẤU
ĐỘN
QUÁN
BÁC
KHÔN
 
 
 
Biểu đồ 2b: Dương tiêu âm trưởng

Ở Đông chí và Tý, nhân khi có một dương sinh (hào sơ cửu quẻ Phục), hành giả phải tấn dương hỏa để tăng thêm cho mình điểm dương.
Ở Hạ chí và Ngọ, vì có một âm khởi (hào sơ lục quẻ Cấu) nên hành giả phải thối âm phù để chế giảm âm.
Ở Xuân phân và Thu phân, ở Mẹo và Dậu, hành giả phải mộc dục để ôn dưỡng, giữ gìn khí dương đã có (thu liễm) được.
Kinh Dịch là một kỳ thư, với nhiều ứng dụng kỳ ảo vào các lãnh vực của đời sống con người. Riêng ứng dụng của Dịch trong thiền Cao Đài là một khía cạnh hầu như ít người biết (ngoại trừ các hành giả Cao Đài), và những điều khái quát trong bài này thật sự chỉ mới là một chút tơ tóc nhỏ nhoi, thô thiển nếu đem so cùng toàn thể nội dung nền nội giáo tâm truyền của đạo Cao Đài, một dòng thiền mới, và chữ “mới” này dĩ nhiên không phải chỉ hiểu đơn giản theo ý nghĩa về bề dày lịch sử hình thành.

--------------------------------------------------------

CHÚ THÍCH
[1] Trường sinh bất tử hiểu theo dân gian là sống lâu dài, không chết. Hiểu theo đạo Cao Đài, chỉ có tu cho thành bậc kim tiên hay phật mới thoát ra vòng luân hồi, không còn bị luật sinh tử chi phối, và đó mới thực là trường sinh bất tử.
[2] Chu, thần và đan (đơn) đều là màu đỏ thắm như son; sa là cát. Đạo Lão có môn phái thần tiên đan đỉnh dùng một thứ đá cát quến thành cục (sa thạch), lấy tay bóp vụn ra thành bột được. Đá cát này không mùi, vị lạt, có màu đỏ thắm như son, nên được gọi tên là chu sa, thần sa, đan sa. Cũng có sách cho rằng thần sa là chu sa của Thần châu. Đông y cho rằng chu sa có nhiều sắc đỏ khác nhau, càng thẫm màu càng tốt. Để thử, lấy tay bóp chu sa vụn thành bột, nếu màu đỏ không dính tay (không ăn da), đó là loại hảo hạng. Chu sa (cinnabaris) là hợp chất trong đó có chứa 86,2% thủy ngân (Hg: hydragyum) và 13% lưu huỳnh (S: sulfur). Khi đun chu sa, khí độc SO2 bốc ra, còn lại thủy ngân cũng là chất độc. Vì vậy, sách y cổ chỉ định phải dùng chu sa sống (mài với nước, không được đun nấu); những người lạm dụng chu sa có thể hóa ra si ngốc. Theo Đỗ Tất Lợi, Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam . Hà Nội: Nxb Khoa học Kỹ thuật, 1981, tr. 796-797; dẫn lại trong [Lê Anh Dũng 1995a: 82-83.]
[4] Cao Đài gọi chung giáo lý của Nhất và Nhị kỳ Phổ độ là cựu pháp. Một số nội dung của cựu pháp vẫn được kế tục trong tân pháp Cao Đài, như duy trì luân lý đạo Nho (nhân đạo), ngũ giới cấm (đạo Phật), công quá cách (đạo Lão, nhưng gọi là vô ngã kiểm), v.v...
[6] Có câu: Muốn tu đạo trời (tu giải thoát, tu thiền) trước phải tròn đạo làm người. Đạo làm người không vẹn vẽ thì đạo trời còn xa xôi vậy. (Dục tu thiên đạo, tiên tu nhân đạo. Nhân đạo bất tu, thiên đạo viễn hỹ.)
[7] Chương 56: Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri. .
[8] Theo Cao Đài, Trời và người đồng bản thể, bản thể ấy là linh quang (ánh sáng thiêng liêng). Vì đồng thể với Trời nên người sẵn có tính Trời (Thượng đế tính); và người cũng là một thiêng liêng ở cõi trần. Thánh giáo Cao Đài:
Con là một thiêng liêng tại thế,
Cùng với Thầy [Trời] đồng thể linh quang...
(Ngọc Hoàng Thượng Đế).
Vì đồng bản thể với Trời cho nên người có thể học làm Trời:
Tu hành là học làm Trời,
Phải đâu kiếp kiếp làm người thế gian.
[9] Thiên quý: Quý là can chót trong thập thiên can (Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý). Quý thuộc thủy, ứng với thận. Thận là nơi con trai chứa tinh, con gái chứa huyết. Thiên quý ám chỉ thời kỳ trai gái tinh huyết đầy đủ, có thể sinh con.
[10] Nội kinh: Nữ thất tuế (1x7), thận khí thịnh, xỉ canh phát trường; nhị thất (2x7) nhi thiên quý chí, nhâm mạch thông, thái xung mạch thịnh, nguyệt sự dĩ thời hạ, cố hữu tử... Nam tử bát tuế (1x8), thận khí thịnh, xỉ canh phát trường; nhị bát (2x8) thận khí thực, thiên quý chí, tinh khí dật tả, âm dương hòa, cố năng hữu tử... Dẫn theo [Đỗ Đình Tuân 1992: 173-174].
[11] Vì tinh màu trắng, thuật ngữ thiền gọi là trảm bạch hổ (chém cọp trắng). Vì huyết màu đỏ, thuật ngữ thiền gọi là trảm xích long (chém rồng đỏ). Thuật ngữ thiền có khi nói hàng long phục hổ (thu phục rồng cọp) cũng là ám chỉ việc “chế ngự” hai hiện tượng nói trên ở hành giả nữ, nam.
Lê Anh Dũng
(Đăng trên tạp chí Thông tin khoa học và công nghệ. Huế: Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường Thừa Thiên - Huế, 1999.)

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2011

Cho đi và nhận lại




CHO ĐI VÀ NHẬN LẠI


Có đôi khi bạn cảm thấy cuộc đời này thật bất công! Bạn đã cho đi quá nhiều mà không nhận lại được bao nhiêu....Vấn đề thật ra rất đơn giản. Khi bạn cho đi là bạn đã nhận được nhiều hơn thế, đó là những niềm vui vô hình mà bạn không chạm vào được.

Bạn thắc mắc rằng tại sao khi người khác buồn thì bạn luôn ở bên cạnh họ để xoa dịu vết thương lòng cho họ, rồi đến khi họ tìm lại được niềm vui họ sẽ lại quên bạn. Còn bạn, khi bạn buồn ai sẽ là người lắng nghe và thấu hiểu nỗi lòng của bạn đây?

Thiết nghĩ, cuộc đời này là một vòng tròn và luôn cân bằng. Không có sự bất công nào với bạn ở đây hết, có hay chăng sự nhận lại từ người khác chỉ là đến sớm hay muộn với bạn hoặc của những người khác với bạn mà thôi và cái quan trọng là bạn có mở rộng lòng mình để đón nhận nó hay không!

Tất cả chúng ta sinh ra và tồn tại trên đời này đều mắc nợ nhau. 

Cho đi, nhận lại là hình thức luân phiên để trả nợ lẫn nhau. Khi bạn cho đi những điều tốt đẹp thì điều quan trọng nhất là bạn nhận lại được sự bình yên trong tâm hồn. Bạn phải hiểu rằng cho đi không có nghĩa là có sự toan tính!

Tất cả mọi thứ chúng ta làm cho nhau đều có sự vay trả, đôi khi là hữu hình mà cũng có khi là vô hình.

Nhưng dù biết cuộc sống đôi khi không được như ý muốn của ta, bạn hãy cứ cho đi bởi cho đi là bạn đã yêu thương lấy chính bản thân mình, đã hòa vào dòng chảy của cuộc sống, của đời người!

Đời người như dòng sông, như cuộc sống hòa tan với thời gian luôn trôi đi nhưng không ngừng đổi mới, mãi biến chuyển nhưng muôn đời vẫn thế. Tất cả những dòng sông đều sẽ đổ về biển, và biển bao la lại rót vào những dòng sông mênh mông tràn đầy, mạch luân lưu không ngừng nghỉ ấy là cuộc sống.

Nguồn: FB Hạt Giống Tâm Hồn

Chủ Nhật, 16 tháng 1, 2011

Ôn tập Thánh Giáo của Đức Lý Giáo Tông




ÔN TẬP THÁNH GIÁO 
CỦA ĐỨC LÝ GIÁO TÔNG


1. Về tu học:
 “Học mà không tu như đọc thuộc lòng một bản thực đơn mà không thực phẩm, còn tu mà không học ví như người mù đi đêm. Học tu, tu học phải đi đôi.”

2. Năm ví dụ tu hành: 
"Bần Đạo không đưa ra những gì vượt quá tầm vói của chư đệ muội. Bần Đạo cũng không bảo chư hiền phải noi gương tử đạo của Jésus, Bần Đạo chỉ khuyên chư hiền đệ hiền muội hãy làm đúng lời dạy cũ từ mấy năm qua của Ơn Trên về nội tu và ngoại tu. Những gì đã được ban trao và dạy bảo, chư hiền đệ muội hãy lấy tâm chí thành thực hành cho đến nơi đến chốn sẽ thấy được kết quả, được Trời, được Đạo, được Tâm. 

Ví dụ 1: - Bảo chư hiền đệ muội phải giữ lòng chuyên nhứt, đứng yên một chỗ, gìn một tâm, tu học hành đạo cho nên người chí thiện chí mỹ. Nếu để tâm vọng cầu, chạy đây chạy đó, thỏa mãn tính hiếu kỳ, lập trường không vững, thì tránh sao khỏi cái vô thường thấy, vô thường nghe, ắt bị sa vào chỗ tối tăm phế phận, rất uổng một kiếp vi nhân, đắc tội cùng trời đất. 

Ví dụ 2: - Bảo chư hiền trải lòng bác ái Thiên Địa chi Tâm, học Đạo Thời Trung mà hành đạo để cho guồng máy đạo được luân lưu trên dòng đời sâu cạn để thực hiện sứ mạng độ kỷ độ nhân, thì chư hiền phải phá chấp, vượt ngoài nhân ngã. Có như vậy không bị quần ma biến tâm thiên địa thành tâm phàm tục biệt phân, tự đóng khung vào chỗ chật hẹp ích kỷ, tự cột chân bó gối, đãi biếng lười, không làm lợi ích gì cho ai, mà chính mình cũng đắc tội cùng trời đất. 

Ví dụ 3: - Bảo chư hiền cần nội tâm tu tiến để ngoại thể thuần thành cho nên người đạo đức, hầu bảo trì nhiệm vụ trong tập thể, kính trên nhường dưới, nhẫn nại khoan dung, để tránh bị tà ma xúi giục, biến tâm chơn chánh thành tâm nghiêng ngã, chia nhóm chia phe, phạm giới cấm, bỏ qui điều, dễ khinh quyền pháp Đạo, mới tròn sứ mạng được ban trao, mới xứng đáng là con tin THƯỢNG ĐẾ. 

Ví dụ 4: - Bảo chư hiền vào nhập các khóa tịnh, tu luyện thân tâm trong thời hạn vắn hay dài, là vì chư hiền đã giác ngộ và tự nhận sứ mạng vào Thiên Đạo để thực hiện sứ mạng Đại Thừa, để tự giải thoát và giải thoát vạn khổ của thế nhân, thì chư hiền phải có một công phu luyện kỷ thuần thành từ nội tâm đến ngoại thể. Có như vậy sự tu chứng mới thể hiện bên ngoài và thần lực được hiển lộ bên trong. Thần lực là chủ yếu của con người, bị suy vong do bởi tâm niệm lự phóng tán. Thế nên dầu trong thời hạn tịnh dưỡng, tuy chưa được kết quả bao nhiêu nhưng nó cũng có một mục đích, một ý nghĩa. Nếu chư hiền không nhắm vào một mục đích thì công phu khó đạt thành, chư ma chủ sử lộng hành phóng tâm rồi uể oải bực dọc, không được an ổn trong lúc công phu. Nếu thời hạn ngắn hay dài cũng coi như là bị giam lỏng nào có ích chi đâu. 

Ví dụ 5: - Bảo đào tạo thế hệ tiếp nối đạo nghiệp ngày mai phổ thông phổ truyền giáo lý Đại Đạo để xây dựng kỷ nguyên thánh đức cho thế giới hòa bình, càn khôn an tịnh, ngoài ra không được làm gì khác mục đích đã định.
Đây là năm thí dụ Bần Đạo vừa nêu lên để tóm tắt những lời dạy bảo vừa qua, chư hiền đệ muội đọc lại và cố gắng thực hành."

3. Sống đạo và hành đạo: 
“Chư đệ muội có biết không, đời mạt pháp người sống đạo là [người có] cuộc sống thung dung, rất căn bản, biết hài hòa cùng nhịp điệu thiên nhiên, biết tùy thời biến hóa trước những đổi thay của từng giai đoạn, ô trược hay thanh cao, loạn hay trị đều là những cuộc thách thức người sống đạo. Tâm đạo có dõng mãnh, Tánh đạo có chói ngời mới không bị vọng động đảo điên dễ dàng bước trên đường sứ mạng thiêng liêng.

Hành đạo là tác năng tự nhiên Thiên Phú cho người sanh cõi trần gian để tiến hóa. Sách nói: “Nhơn chi sơ tánh bổn thiện". Mỗi động tác thuở ấy đều sống theo lẽ đạo. Nếu cứ giữ cái gốc lành ấy mà đơm hoa kết quả thì vấn đề con người không có gì phải nhọc tâm bàn đến.

Người hành đạo là người biết giữ lấy gốc. Có xa rời đi chăng nữa cũng biết quay trở về. Muôn sai nghìn khác là cảnh giới bên ngoài hữu hình màu sắc. 

Nếu con người không chóa mắt, không đeo đuổi chụp bắt thì oan khiên nghiệp chướng làm sao có thể vương vấn buộc ràng được.”

4. Tu Tánh luyện Mạng: 
“Rồi đây bã nếp sẽ bị phế thải khi chất rượu đã được lọc qua hồ. Những vật vô thường sẽ hư hoại khi bản thể đã kết tinh. Những chướng ngại đau khổ là ngọn lửa nung đốt thêm cho vàng mười đúng tuổi. Con người có tánh mạng. Tánh là Thiên tánh, mạng là Thiên mạng, hai tú khí âm dương tạo thành là bản thể của Thiên địa vạn vật. Nếu biết tu tánh, đừng để tánh bị muội mê bởi tham dục che lấp vì danh lợi tình tiền. Những thứ vật vô thường đã gây cho con người biết bao thảm họa triền miên từ kiếp này sang kiếp khác. Biết tu tánh thời không tham, thì vẫn có mà ăn, mà mặc, không tranh đấu mà vẫn có chỗ ở, không lăn thân vào chỗ đau khổ mà vẫn có địa vị con người. Do đó, tu tánh là ánh linh sáng chói trong muôn ngàn nẻo Thánh. Còn biết luyện mạng là Thiên mạng hằng tại, không thiên, không lệch, không ô nhiễm tham dục, trên thuận cùng Trời, dưới an vui bốn cõi, hòa mình khắp chốn, lòng dân là lòng ta, lòng ta là lòng Trời, sống thì Thánh, thác thì thiêng. Ôi, nội Thánh ngoại vương, sống hằng sống trong cõi Thiên đàng cực lạc thì còn gì mơ ước nữa. Phật Tiên cũng chỉ thế thôi."

5. Tâm như nước đại dương: 
“Người tu hành phải có tâm như nước đại dương thì tình thương mới trải khắp.

Tuy nhiên, sự luân lưu của nước cũng theo đúng luật tắc lớn ròng. Nếu lúc nào đó nước tràn ngập lụt thì đem lại sự tai hại cho nhân sanh không phải nhỏ.

Đây là Bần Đạo muốn nói người sống chung trong một tập thể Cơ Quan, phải thương yêu nhau, đùm bọc lẫn nhau, phải quyết tâm xây dựng phát triển chung. Dầu tài bộ đến đâu, khôn ngoan rất mực mà vượt ra khỏi cái chung thì tập thể bị khuy khuyết,cá nhân cũng chẳng nên gì. Người hành đạo cũng thế.

Phải trải tâm từ huệ chính đạo chính danh, không vì tiếng ngợi lời khen, vì tình cảm vụn vặt mà làm mất thể đạo viên dung. Người dầu học rộng tài cao mà tâm đạo thiếu sáng soi thì tránh sao khỏi bị cái ta hẹp hòi hạn cuộc vào vòng nông cạn tư riêng, ví như nước ao hồ chỉ có ngần ấy mà không châu du cùng khắp."

Bao nhiêu lời khuyên dạy nhắc nhở của Đại Ân Sư đầy lòng từ bi quảng đại, không ngại khó khăn, dốc lòng độ rỗi, dẫn dắt đàn em khờ dại, tận tình. Chúng đệ tử vô cùng cảm đội thâm ân, xin nguyện đem hết tâm tư sức lực cuộc đời để tuân hành những lời dạy quí báu của đại ân sư. Xin Ân Sư chứng minh và hỗ trợ cho chúng đệ tử hoàn thành sứ mạng.

Trích Dặm Dài Gánh Đạo của Đạo Trưởng Chí Tín.