NGUYÊN TỬ VÀ VÔ NGÃ
Wu Shu - Đồng Thành (dịch)
Mọi người đều đồng ý rằng khoa học là yếu tố tiên phong để tạo nên nền văn minh hiện đại. Những khám phá gần đây về sự giải phóng năng lượng hạt nhân đã đưa nhân loại đến một thời đại mới: thời đại nguyên tử. Song, bất hạnh thay, dấu hiệu đầu tiên của sự khai sinh thời đại mới này là việc gia tăng một loại vũ khí giết người mới, đó là bom nguyên tử.
Nhân loại cảm thấy lo âu khi sống trong thời đại nguyên tử, một thời đại mà sự hủy diệt toàn bộ các nền văn minh trên thế giới này là điều có thể xảy ra. Khi biết mình đang sa vào vết lầy của thời đại, con người bèn nghĩ đến việc nên loại bỏ thứ năng lượng giết người đó để tận hưởng một cuộc sống thanh bình, giản dị như tổ tiên đời trước. Tuy nhiên, lịch sử không để cho các sự kiện trôi ngược về quá khứ. H. Compton - một khoa học gia có thẩm quyền ở Mỹ, đã từng tuyên bố trong cuốn Một thế giới hay là không, rằng: "Không một ai có đủ sức để ngăn chặn sự hình thành của thời đại nguyên tử".
Do vậy, điều đúng đắn duy nhất mà con người cần làm là phải ý thức được rằng vị thế của mình đang đứng là nghiêm trọng và cần phải thích ứng tư duy cùng lối sống của mình bằng một cách nào đó để sử dụng hiệu quả nhất nguồn lực mới đang trong tầm tay của mình. Rõ ràng bản thân bom đạn không có gì sai lầm mà sai lầm phát sinh từ chính con người. Hơn nữa sự thật là bản chất nội tại của nguyên tử không có ảnh hưởng mấy đối với khoa học hay các lĩnh vực khác như tri thức, tâm lý, triết học và ngay cả thần học. Mục đích của chúng tôi là giới thiệu những sự kiện quan trọng cùng những quan niệm mới mà các nhà khoa học hiện nay đã khám phá để so sánh sự giống nhau giữa những khám phá đó với các nguyên lý căn bản về thực tại mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã giác ngộ và thuyết giảng cách đây hơn 2500 năm.
Năm 1808, John Dalton đề xuất lý thuyết nguyên tử. Ông tin rằng một nguyên tố bao gồm nhiều nguyên tử không thể thấy và không thể chia chẻ được. Ông cho rằng các nguyên tử có đặc tính cô kết như những viên bi-da. Cuối thế kỷ ấy, các nhà khoa học vĩ đại như Michael Faraday, James Maxwell và Lord Kelvin bắt đầu sự nghiệp phát triển nền khoa học điện tử. Bản chất điện tử của một nguyên tử phần nào được khám phá. Năm 1913, Niel Bohs đề xuất một lý thuyết mới, theo đó nguyên tử gồm hai phần: một hạt nhân nhỏ và nặng được bao quanh bởi một khoảng không lớn hơn và ở đó các electron luôn di chuyển cũng giống như các hành tinh xoay quanh mặt trời, bao quanh các electron là những dòng từ trường lạ.
Về lý thuyết, ảnh hưởng của các dòng từ trường này luôn mang tính phổ quát. Faraday minh họa một nguyên tử cũng giống như con sao biển với thân nhỏ và các chi tương đối dài. Sao biển sẽ bị vướng vào một vật khi các chi của nó tiếp xúc với vật đó. Hình ảnh minh họa này có nghĩa là: sự cấu thành của vũ trụ vật chất có tương hệ đến các vũ trụ khác và chúng không thể tách rời được. Quan niệm về nguyên tử như thế có một ý nghĩa triết học vô cùng quan trọng: các sự vật không thể tồn tại riêng lẻ, tách biệt nhau, do đó ý niệm về sự tồn tại của một vật thể cá biệt thực ra chỉ là một ảo tưởng trong tâm mà thôi. Vũ trụ chẳng qua là một quá trình, một hệ thống vận hành có sự tương tác lẫn nhau và ở đó không một sự vật nào vận hành độc lập với các sự vật còn lại, và cũng ở đó tất cả đều vận động không ngừng. Quá trình này, tuy cách diễn dịch có vẻ khác lạ, nhưng rất khế hợp với giáo lý vô thường của đạo Phật, một giáo lý nói về bản chất biến dịch và vô thường của các pháp.
Khi đã giải phóng được năng lượng hạt nhân, con người vẫn còn mang một niềm tin mù mờ về sự tồn tại của chín mươi bốn nguyên tố mà nguyên tử của chúng được xem là không thể hủy hoại được. Tuy nhiên, vào đầu năm 1905, nhà bác học Albert Einstein đã khám phá một sự thật là khối lượng và năng lượng có thể hoán đổi nhau được, và ông đưa ra một phương trình hoàn hảo: E = MC2, trong đó E là năng lượng, C là vận tốc ánh sáng và M là khối lượng. Theo phương trình này, một vật thể nhỏ nếu chuyển qua dạng năng lượng thì sẽ tạo ra một nguồn năng lượng rất lớn. Phương trình này đã được kiểm nghiệm là hoàn toàn đúng qua sức tàn phá của những quả bom nguyên tử tại New Mexico, Hiroshima, Nagasaki và vùng phụ cận Bikini Atoll ở Thái Bình Dương. Như vậy vật thể hay nguyên tử có thể được mô tả như những hình thái hợp nhất kiên cố của năng lượng. Phản ứng xảy ra trong một quả bom nguyên tử với sức bộc phá lớn có thể được thể hiện qua công thức sau:
U - 235 + Neutron = I = Y = N neutron. (U: Urani, I: iốt, Y: Yttriuna, N một con số nào đó).
Như thế, một nguyên tử Urani vỡ ra và chuyển thành những nguyên tử iốt và Yttrium. Nguyên tử, nghĩa gốc của nó là "không thể chia chẻ được", cuối cùng đã được chứng minh rằng có thể bị chia chẻ. Nhưng trong lĩnh vực hóa học ngày nay, lý thuyết quy ước về nguyên tử vẫn cần thiết cho các mục đích thực tế nhất. Điều nghịch lý là lý thuyết đó có thể được hiểu một cách triết lý rằng: một nguyên tử thực ra không phải là một nguyên tử; nó được đặt tên như thế vì để cho mọi người dễ gọi mà thôi. Người ta sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi nhận ra sự tương đồng giữa khoa học và Phật giáo qua lời tuyên bố sau trong kinh Kim Cang: "Khi Như Lai nói về thế giới, Ngài không cho rằng thế giới ấy là thực, Ngài chỉ gọi thế giới trên danh nghĩa mà thôi".
Chúng ta cùng chuyển sang một lĩnh vực khác mà các nhà khoa học ít quan tâm, đó là chức năng lý trí của con người. Dù các chức năng tâm lý phức tạp và vi tế hơn các hiện tượng vật lý, nhưng mỗi chúng sanh đều có đủ khả năng thấu hiểu chính mình nếu họ biết tự mình quán chiếu và thực nghiệm tu trì. Các chức năng lý trí và tâm lý của chúng ta có thể được chia làm hai loại: những chức năng hoạt động trong lĩnh vực của ý thức và những khả năng siêu thức. Nhiều chuyên gia tâm lý đã đưa ra nhiều thuật ngữ và định nghĩa khác nhau về những khả năng siêu thức, một số gọi đó là tiềm thức và những người khác gọi là vô thức.
Song nói chung họ đều đồng ý rằng hoạt động tâm lý của các chức năng đó vượt khỏi sự nhận biết và điều khiển của tâm mình. Về bản chất của lĩnh vực tiềm thức này, các nhà tâm lý đưa ra nhiều tên gọi khác nhau như: sự ham muốn và khao khát ban sơ, bản chất nguyên ủy, sự nỗ lực, thôi thúc, giục giã, bản năng... Thực ra, khoa học nghiên cứu về lĩnh vực đặc thù này vẫn còn non trẻ.
Có một điều lạ là lĩnh vực tiềm thức, một lĩnh vực khá mơ hồ đối với con người trong thời đại nguyên tử lại được đề cập nhiều lần và trình bày rất cụ thể trong kinh văn Phật giáo. Những tác phẩm này không những bàn luận về tâm thức mà còn đề cập đến các phương pháp hành trì vật lý và tâm linh để chế ngự các ham muốn và khao khát, để đoạn trừ chúng một cách hoàn toàn, và để đạt được trạng thái gọi là giác ngộ, nơi mà hành giả thể nghiệm được các pháp như thật, và cuối cùng thể hội giáo lý vô ngã, nghĩa là không có cái gì để gọi là bản ngã cá nhân cả. Thực không thể đề cập ở đây một cách chi tiết về triết lý và phương pháp tu tập tâm trong đạo Phật, nhưng có lẽ sẽ thú vị hơn nếu tôi trình bày khái quát triết lý của Pháp Tướng tông hay Duy Thức tông.
Theo triết lý của trường phái này, vũ trụ được hình thành trên nền tảng của tám thức. Năm thức đầu gắn liền với năm căn, tức là khả năng thấy, nghe, ngửi, nếm và cảm thọ. Thức thứ sáu là thức năng động nhất. Thức này bao gồm tất cả các chức năng tinh thần trong phạm trù nhận thức. Thức thứ bảy có công năng chấp thủ bản ngã, và thức thứ tám là thức quan trọng nhất. Thức này cũng được gọi là Tàng thức, nơi dung chứa các chủng tử, năng lượng của tất cả các hành vi và ý niệm. Thức thứ bảy và tám có công năng như những trung tâm tâm lý. Dù một người đang tỉnh táo hay ngủ say và ngay cả khi đang ở trong trạng thái thông thường mà người ta gọi là chết, hai thức này vẫn tồn tại.
Thậm chí khi sáu thức trên không còn hoạt động được nữa, năng lực của thức thứ bảy hay khả năng chấp ngã vẫn mạnh mẽ, nó giống như hạt nhân gắn liền với nguyên tử. Nó tạo ra một lớp vỏ bên ngoài với nhiều hình thức khác nhau, nhưng bên trong nó là bản năng tham ái để sống, để lớn mạnh, để sở hữu... thậm chí nó còn ảnh hưởng đến hệ thống lý trí của chúng ta. Nó khuấy động tâm thức chúng ta và tạo nên những ảo ảnh về sự tồn tại cá nhân "cái tôi", "chúng sinh", "sự vật"... và che phủ đi bản chất thực sự của những nguyên lý vô thường và vô ngã.
Vì tất cả các khả năng của tâm thức đều ít nhiều bị ảnh hưởng bởi sự chấp thủ mù quáng của bản ngã nên có thể nói một cách hình tượng rằng tiềm thức là hạt nhân trong đó chấp ngã là động lực trói buộc. Các thức khác di chuyển xung quanh nó như các electron đang vận hành xung quanh hạt nhân của nguyên tử. Sự phân bố của các electron trong quĩ đạo của một nguyên tử quyết định đặc tính hoá học của nó. Cũng thế, các yếu tố như ý thức, cảm thọ, lý trí...của mỗi cá nhân quyết định nhân cách hay tính cách của người đó.
Một khía cạnh khác đáng được đề cập là sức mạnh lý trí của con người. Lý trí có khả năng suy luận, hiểu biết và tổng hợp tất cả những sự kiện xảy ra trong kinh nghiệm. Như thế, qua khả năng này, con người có thể chuyển hóa cũng như trao đổi những tư tưởng và suy tư của mình giống như các electron ở quỹ đạo ngoài cùng có khả năng tạo ra dòng điện. Một điểm đặc biệt khác của lý trí là nó ít bị bản ngã chi phối nhất. Ngược lại, thông qua lý trí và quá trình quán chiếu, hành giả có được khả năng tự phản tỉnh về sự thật vô ngã. Chính phương tiện trí tuệ thâm diệu này đã dẫn đến sự xả ly mọi chấp thủ về bản ngã, hay nói một cách hình tượng hơn, nhờ vào đó, sự tan vỡ của một nguyên tử vật chất mới có thể xảy ra.
Có lẽ dưới tác động của những ý tưởng và lý thuyết khoa học mới được khám phá, William James, một nhà khoa học đồng thời là một triết gia, đã tuyên bố rằng thức chỉ là một loại chức năng và Bertrand Russell cho rằng thuật ngữ "tâm thần" không thuộc về một thực thể đơn lẻ trong thẩm quyền của nó mà chính là một hệ thống bao gồm các thực thể khác nhau. Sự xuất hiện của những lời tiên đoán về vô ngã có thể phục hồi niềm tin loài người về bản chất của thực tại, một niềm tin được hình thành trên nền tảng của triết lý sáng suốt có liên hệ mật thiết với nền khoa học hiện đại.
Nhưng hiểu được Tính Không của bản ngã là một chuyện, trực nhận và hành trì một cuộc sống vô ngã lại là chuyện khác. Einstein đã từng hình dung về khả năng giải phóng năng lượng hạt nhân nhưng mãi đến khoảng bốn mươi năm sau, bom mới được chế tạo. Có những bậc như Đức Thích Ca Mâu Ni và các đệ tử A la hán của Ngài, dù với mục đích hoàn toàn khác với các nhà khoa học, đã tuyên bố đạt được trạng thái giác ngộ viên mãn và hoàn toàn nhiếp phục được bản ngã, nhưng so với hàng tỷ chúng sinh khác thì họ cũng hiếm như các nguyên tố tự phóng xạ, Urani, radi, actinium và thorium trên trái đất này. Có một điều thú vị là trong giáo lý Phật giáo, nguyên lý Trung đạo được nhắc đến nhiều lần.
Nguyên lý này chủ yếu dạy con người chế ngự để không rơi vào những cực đoan trong bất cứ hành vi nào trên phương diện thể xác lẫn tinh thần. Chính nguyên lý này đưa hành giả đến sự thể nhập và giác ngộ. Trong tiến trình thâm nhập vào bản chất của nguyên tử, các nhà khoa học phát hiện ra rằng một nguyên tử bao gồm một hệ thống các electron âm tính bao quanh hạt nhân dương tính. Các phần tử nhỏ như proton, electron hay các hạt alpha và các tia điện từ (như các tia gama) mất đi năng lượng và yếu dần khi đi qua nhưng vùng từ trường của nguyên tử đó.
Cuối cùng, họ khám phá một loại hạt mới gọi là nơtron (neutron) không mang điện tích có thể tự do vượt qua quỹ đạo và xuyên vào hạt nhân. Dầu khoa học nguyên tử và Phật giáo có vẻ hoàn toàn khác nhau, nhưng hai hệ thống này cùng giải quyết vấn đề năng lượng và giải phóng năng lượng bằng cách phá vỡ một hình thái hợp nhất kiên cố của năng lượng, mà một bên gọi là nguyên tử, bên kia gọi là bản ngã. Hướng thực hiện của hai lĩnh vực này cũng là "hướng nội". Do đó chúng ta không nên ngạc nhiên về sự tương đồng giữa hai lĩnh vực này. Năng lượng được giải phóng qua việc từ bỏ bản ngã tuy không cụ thể như trường hợp bom nguyên tử, nhưng trí tuệ tối thượng và lòng từ bi vô biên của Đức Phật rất giống với ánh sáng và hơi ấm tỏa ra từ một nguồn năng lượng nguyên tử tự nhiên, đó là mặt trời.
Trên đây người viết đã đề cập ngắn gọn đến hai trong số ba nguyên lý căn bản của Phật giáo là vô thường và vô ngã. Nguyên lý còn lại là khổ: kết quả của một cuộc sống đầy ngã tính. Ba nguyên lý này quan trọng đến nỗi chúng được xem là những yếu tố để kiểm chứng của Phật giáo. Bất cứ lý thuyết hay triết lý nào tương hợp hoàn toàn với ba nguyên lý này thì được xem là thuộc về Phật giáo, và bất cứ giáo lý nào không tương hợp với chúng thì đó không phải là giáo lý đạo Phật. Từ sự thật này, chúng ta có thể nhận ra tầm quan trọng của lý trí trong đạo Phật.
Wu Shu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét