Tự xoa bóp cải thiện chức năng tiêu hóa
Theo quan niệm của y học cổ truyền, chức
năng tiêu hóa thức ăn và hấp thụ chất dinh dưỡng thuộc về hai cơ quan chủ yếu
là phủ Vị và tạng Tỳ. Để cải
thiện chức năng tiêu hoá và phòng chống các chứng trạng này có thể tiến hành
các thao tác xoa bóp đơn giản vùng bụng, hai đường kinh Vị, Tỳ và một số huyệt
vị đặc hiệu.
Xoa bụng trên và toàn bụng
Lựa chọn tư thế nằm hoặc nửa nằm nửa ngồi,
dùng hai bàn tay đặt lên nhau, lấy điểm giữa đường nối mỏ ác và rốn làm trung
tâm xoa vùng trên rốn theo chiều kim đồng hồ chừng 100 vòng với một lực ấn vừa
phải. Tương tự như vậy, lấy rốn làm trung tâm xoa toàn bụng theo chiều kim đồng
hồ từ trong ra ngoài rồi lại từ ngoài vào trong chừng 100 vòng sao cho toàn
bụng ấm lên là được.
Xát mặt trước cẳng chân
Chọn tư thế ngồi, gác cẳng chân phải lên
đùi trái, xòe rộng ngón cái bàn tay phải, bốn ngón kia khép chặt, đặt hổ khẩu
vào bờ trước xương chầy ở dưới gối, các ngón tay ôm lấy cẳng chân, xát từ trên
xuống dưới mắt cá với một lực ấn vừa phải chừng 30 - 50 lần sao cho cẳng chân
ấm nóng lên là được. Sau đó đổi cẳng chân trái, tiến hành thao tác tương tự như
đối với cẳng chân phải. Hai
đường kinh Vị và Tỳ nằm hai bên phía trước cẳng chân, xoa xát như vậy có tác
dụng làm lưu thông kinh mạch, tăng cường công năng của Tỳ Vị, góp phần cải
thiện chức năng tiêu hóa.
Day ấn huyệt Trung quản
Chọn tư thế nằm
ngửa hoặc nửa nằm nửa ngồi, dùng ngón tay cái day ấn huyệt Trung quản trong 1
phút. Vị trí huyệt Trung quản: lấy ở điểm giữa của đoạn nối rốn và điểm mũi ức.
Nghiên
cứu hiện đại cho thấy, day bấm huyệt vị này có tác dụng tăng cường nhu động của
dạ dày và ruột, kích thích tiết dịch, thúc đẩy quá trình tiêu hóa và hấp thu,
dự phòng tích cực các chứng bệnh như đầy bụng, chậm tiêu, buồn nôn, ợ hơi, ợ chua,
chán ăn, nấc...
Day ấn huyệt Kiến lý
Chọn tư thế nằm
ngửa hoặc nửa nằm nửa ngồi, dùng ngón tay cái hoặc ngón giữa day ấn huyệt Kiến
lý trong 1 phút. Vị trí huyệt Kiến lý: lấy ở điểm nối 3/8 dưới và 5/8 trên của
đoạn nối rốn và điểm gặp nhau của hai bờ sườn. Huyệt vị này có tác dụng vận tỳ
lý khí, hòa vị tiêu tích, thường được dùng để phòng chống các chứng bệnh
như đầy bụng, chán ăn, chậm tiêu, đau bụng, nôn mửa...
Day ấn huyệt Thiên khu
Chọn tư thế nằm
ngửa hoặc nửa nằm nửa ngồi, dùng hai ngón tay cái hoặc hai ngón giữa day ấn
đồng thời cả hai huyệt Thiên khu trong 1 phút. Vị trí huyệt Thiên khu: lấy ở
rốn ngang ra 2 thốn. Huyệt vị này có tác dụng điều hòa vị tràng, lý khí
tiêu trệ, phù thổ hóa thấp, thường được dùng để phòng chống các chứng bệnh như
đau bụng vùng quanh rốn, sôi bụng, đầy bụng, chán ăn, ăn không tiêu, nôn, táo
bón, tiêu chảy, kiết lỵ...
Huyệt Túc tam lý
Day ấn huyệt Túc tam lý
Chọn tư thế ngồi,
dùng ngón tay cái hoặc ngón giữa day ấn huyệt Túc tam lý trong 1 phút. Vị trí
huyệt Túc tam lý: sờ bờ trước xương ống chân (mào chày) từ dưới cổ chân ngược
lên, đến gần khớp gối ngón tay bị mắc lại ở đâu thì đó là lồi củ trước xương
chày, từ đây đo ra ngoài một khoát ngón tay là vị trí của huyệt, ấn có cảm giác
tê tức lan xuống bàn chân. Huyệt vị này có công năng điều hòa tỳ vị, hóa thấp
tiêu trệ, kiện vận tỳ dương, ôn trung tán hàn, bổ trung ích khí, điều hòa khí
huyết, bổ hư cường thân, chuyên được dùng để phòng chống các bệnh lý thuộc
đường tiêu hóa và nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Nghiên cứu hiện
đại cho thấy, day ấn huyệt Túc tam lý có tác dụng điều hòa chức năng co bóp và
tiết dịch của dạ dày và ruột, tăng cường năng lực tiêu hóa và hấp thu, dự phòng
tích cực các chứng bệnh như đau dạ dày, ăn không tiêu, táo bón, sôi bụng, tiêu
chảy, nôn nấc...
Day ấn huyệt Tam âm giao
Chọn tư thế ngồi,
dùng ngón tay cái day ấn huyệt Tam âm giao trong 1 phút. Vị trí huyệt Tam âm
giao: ở trên mắt cá chân trong 3 thốn, ngay sau bờ trong xương chày. Đây là huyệt
vị thuộc kinh Tỳ, có tác dụng bổ tỳ thổ, trợ tiêu hoá, thông khí trệ, kiện tỳ
trừ thấp, bổ can ích thận, thường được dùng để phòng chống các chứng bệnh ở
đường tiêu hoá như ăn kém, đầy bụng, chậm tiêu, nôn, tiêu chảy...
ThS. Hoàng Khánh Toàn
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét