Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

Người Thầy đáng kính



Người Thầy đáng kính 

Tôi nằm vùi chăn kín đầu cố gắng không nghĩ đến tiết học hãi hùng nhất trong tuần. Những dụng cụ  tập luyện rắn đinh, khô khốc, khuôn mặt hình sự của thầy và cả cái giọng oang oang như sấm: Làm lại.
Tiết học mà tôi đang nói đến là tiết thể dục. Thầy giáo mà tôi đang nói đến là người phụ trách tiết học đó. Cả hai đối với tôi đều đáng ghét và đáng sợ.
Bởi vì từ nhỏ tôi là đứa con gái thấp bé, ốm yếu. Mỗi lần đến giờ thể dục ngoài trời là tôi lại thấy khiếp đảm. Chưa bao giờ tôi nhảy qua được cây sào đặt ở mức thấp nhất, cũng như khi nhảy xa, tôi chỉ cách miệng hố được vài bước chân. Tổng kết học kỳ I, điểm trung bình môn thể dục của tôi dưới 5. Cô giáo chủ nhiệm cầm quyển số điểm, khuôn mặt thoáng vẻ băn khoăn. Tôi hiểu nỗi băn khoăn đó. Điểm tổng kết các môn của tôi đều trên 8  nhưng nếu không kéo được điểm môn thể dục lên thì tôi không đủ tiêu chuẩn học sinh giỏi.
Rồi cô đi tìm gặp thầy thể dục để trình bày và chờ một sự thông cảm ở thầy.
- Điểm số phải phản ánh đúng thực lực. Đó là nguyên tắc của tôi.
Thầy nói rồi đi thẳng. Cô chủ nhiệm nhìn tôi, an ủi:
- Cô rất lấy làm tiếc. Em đành phải cố gắng  thôi!
Trong buổi lễ tổng kết học kỳ I năm đó, tôi không có tên trong danh sách học sinh giỏi được tuyên dương. Nước mắt tôi chực rơi. Tôi ném cái nhìn tức giận về phía thầy. Và trong lúc tức giận ấy, tôi nghĩ : Nếu thầy là hòn đá hay viên sỏi tôi sẽ cầm lấy và quăng đi thật xa để không bao giờ phải nhìn thấy nữa.
Thế nhưng thầy vẫn là thầy giáo “hắc xì dầu”, là người phụ trách cái môn học mà tôi ghét cay ghét đắng. Cả trường tôi ngày ấy chỉ có mỗi mình thầy dạy thể dục nên nếu tôi muốn không chạm mặt thầy nữa thì phải chuyển sang trường khác. Nhưng điều đó với tôi không thể vì năm xã tôi hồi đó chỉ có một trường cấp 3.
Tôi không còn cách nào khác là phải cố gắng. Dù mỗi lần nghe thầy gọi đến tên tôi là người tôi dúm dó lại vì sợ.
Tôi còn nhớ như in buổi sáng hôm đó, lớp tôi có tiết học thể dục nhảy xa. Tôi chạy từ đằng xa lấy đà trước sự cỗ vũ của bạn bè. Khi đến gần miệng hố, tôi cố hết sức nhấc đôi chân lên khỏi mặt đất. Tôi không biết mình nhảy cách miệng hố  bao xa nhưng nghe tiếng vỗ tay của bạn bè tôi nghĩ chắc mình qua rồi. Nhưng khi đôi giày ba ta lấm đầy cát của tôi vừa bước ra khỏi hố thì cái giọng nặng như búa tạ của thầy cất lên:
- Phạm quy, nhảy lại.
Một vài tiếng ô, ơ cất lên. Có lẽ các bạn trong lớp thấy tôi bị bắt lỗi oan nên lên tiếng nhưng rồi tất cả đều im bặt khi thấy cái liếc mắt của thầy. Tôi hậm hực đi về vạch xuất phát nhảy lại. Tim tôi như muốn vỡ ra vì vui sướng khi giọng thầy hô to:
-  Qua.
Tôi từng có những bài văn điểm 9, được cô giáo đọc trước lớp nhưng chưa bao giờ tôi có cái cảm giác  sung sướng như thế.
Nhưng rồi tôi lại phải đối diện với nỗi sợ hãi mới: Đó là phải vượt qua cây sào trong môn nhảy cao. Tôi lấy đà mấy lần nhưng khi chạy đến gần cây sào tôi lại choáng ngợp, sợ hãi rồi dừng lại. Trời lạnh, khói từ miệng tôi bay ra theo từng nhịp thở dồn dập vậy mà  khuôn mặt thầy vẫn nghiêm khắc đến lạnh lùng:
- Tam quá ba bận, lần này nếu em không nhảy là tôi cho  điểm 1 vào sổ ngay đấy. Sau em còn bao nhiêu bạn, em bắt các bạn chờ đợi đến bao giờ.
Có cái gì đó chạm vào lòng tự trọng của tôi.  Trở về vạch xuất phát, bên tai tôi vẳng lời chỉ dẫn của thầy: Các bước chạy đà cuối cùng phải đạt tốc độ tối ưu và trọng tâm cơ thể hạ thấp nhất ở bước cuối cùng. Và dù đã làm đúng như lời thầy, chân tôi  vẫn va vào cây sào, đau tê tái.
Tôi nhăn nhó nhấc cái chân đau đi nhúc nhắc về phía thầy. Tôi nghĩ thầy sẽ có chút động lòng khi nhìn thấy hình ảnh đáng thương của tôi lúc này mà tha cho tôi. Nhưng thầy lờ đi như không nhìn thấy và một mệnh lệnh khô khốc lại cất lên:
- Chờ các bạn nhảy xong, cuối buổi em nhảy lại.
Thế nhưng phải sau vài tuần nỗ lực luyện tập và dăm ba lần đá văng cả sào tôi mới  qua được môn học đáng sợ của thầy.
Ám ảnh nhất với tôi hồi đó là môn đẩy tạ. Nhìn thấy quả tạ, tôi đã phát hoảng. Cố lắm, tôi mới không khóc trước mặt thầy:
- Thầy ơi, em không nhấc được đâu.
Thầy ngồi im, cái nhìn nghiêm nghị mang hàm ý: Đừng kêu ca, hãy nhấc nó lên.
Tôi cúi người, dồn hết lực vào cái cổ tay yếu ớt để nhấc quả tạ. Thầy bảo: Giữ thế lúc nào tôi bảo hạ xuống mới được hạ. Tôi vừa giữ vừa khóc. Và khi tiếng hô của thầy vang lên cũng là lúc tôi nhìn xuống bàn tay của mình đỏ tấy.
Sau buổi học hôm đó, thầy bảo tôi ở lại. Thầy hỏi tôi cái chân bị va vào sào hôm nọ còn đau không, cái tay nhấc tạ lúc nãy còn đỏ tấy không. Thầy khiến tôi ngạc nhiên vì sự thân mật và gần gũi mà tôi chưa từng thấy ở thầy.  Và cả cái giọng “búa tạ” hàng ngày cũng bỗng trở nên thật nhẹ:
- Em thấy không, nhảy cao, nhảy xa, đẩy tạ…em đều làm được đấy thôi. Vậy mà em cứ nghĩ là mình yếu, mình không làm được, đơn giản chỉ vì em chưa cố gắng hết sức.
Rồi ánh mắt thầy hướng ra phía ngoài cổng trường:
Đây là trường học, còn ngoài kia là cuộc sống. Mà cuộc sống vốn dĩ rất phức tạp và khắc nghiệt. Thầy biết em là đứa thông minh, học giỏi nhưng để thành công còn cần  rất nhiều thứ. Điều quan trọng là phải có sức khỏe, có ý chí, bản lĩnh để vượt qua thử thách, khó khăn và vượt lên chính mình.
Tôi tròn mắt nhìn thầy, chưa bao giờ giọng nói và ánh mắt thầy dành cho một cô học trò “yếu kém” như tôi dịu dàng đến vậy.
Ngày đó, tôi chưa hiểu hết ý thầy. Nhưng khi bước chân vào cuộc sống với những va vấp, những thất bại tôi  mới  thấm thía lời thầy. Cuộc sống không đơn giản chút nào, thành công không dễ dàng đến với bất kỳ ai. Nếu không có sức khỏe, ý chí, quyết tâm… để đương đầu với những gian nan, thử thách thì đường đi đến thành công càng xa vời vợi. Hóa ra những gì thầy mang đến cho tôi vượt ra ngoài khuôn khổ của một môn thể dục trong nhà trường.
Vậy mà suốt những năm ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã xem môn thể dục chỉ là môn học phụ, tôi đã có những ý nghĩ không tốt đẹp về thầy và ngay cả những ngày lễ, tôi cũng chưa bao giờ tặng thầy một bông hoa.
Thầy ơi, hãy tha lỗi cho con vì những điều con đã sai trong quá khứ.
Thầy ơi, cuộc sống với con bây giờ vẫn rộng lớn, bao la như cái hố nhảy xa ngày đó đối với một con chim bé nhỏ nhưng con đã không rụt rè, e ngại nữa mà sẽ vượt qua bằng đôi cánh tự tin, rắn rỏi  mà thầy đã dày công khổ luyện cho con.
Cảm tạ ơn thầy - người thầy đáng kính của con.
                                                                                     Bùi Thị Hoàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét