Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2012

Chiêm nghiệm và phân tích một đoạn trong văn ngôn hào Sơ Cửu quẻ Kiền




CHIÊM NGHIỆM VÀ PHÂN TÍCH MỘT ĐOẠN
TRONG VĂN NGÔN HÀO SƠ CỬU QUẺ KIỀN
Chánh Tuân

“Lấy câu đạo đức làm vinh,
Ẩn thân, lánh tục, lặng thinh không buồn.
Dầu ai chê dại nói khôn,
Cũng không vì đó bồn chồn lo âu.
Gặp thời, co duỗi tự do,
Đem tài tháo vát, giúp cho nhơn quần.
Phải hồi hoạn nạn gian truân,
Vui nơi lam dã, lánh thân chợ đời.”
(Đức Thánh Trần Hưng Đạo)

Văn Ngôn hào Sơ cửu quẻ Kiền viết: “Tiềm long vật dụng, hà vị dã?
Tử viết: Long đức nhi ẩn giả dã, bất dịch hồ thế, bất thành hồ danh, độn thế vô muộn, bất kiến thị nhi vô muộn, lạc tắc hành chi, ưu tắc vi chi. Xác hồ kỳ bất khả bạt, tiềm long dã.
Tạm dịch: Hào sơ cửu nói: Rồng lặn chưa dùng là bảo làm sao?
Đức Khổng Tử nói: Đó là con rồng còn đương ẩn núp, không đòi theo đời, không nổi về tiếng, trọn đời không buồn, chẳng được nhận là phải mà không buồn, vui thì làm, buồn thì thôi, vững chắc (như cột đồng) không thể nào nhổ lên nổi. Đó là con rồng lặn.
Hào Sơ cửu của quẻ Kiền là hào khởi đầu cho sáu hào, là con Rồng đang ẩn núp, đang ẩn thân để lo trau dồi hạnh đức và rèn luyện tài năng chờ cơ hội ra giúp đời, độ thế.
Chúng ta biết rằng con người tốt hay xấu đều do lúc khởi thỉ xuất thân. Phải có cái nhân tốt mới xây dựng tư cách của một người như ở hào Sơ Cửu. Rồi sau mới đủ điều kiện đức hạnh, để bước lên địa vị cửu nhị (Hiện long tại điền) nắm lấy vận mạng nhơn sanh.
Do vậy quan trọng nhất là lúc ban đầu, đầu mà không ra gì thì cuối cùng cũng sẽ nhận lấy kết quả chua cay. Cây chanh không thể trổ trái cam.
Lúc khởi đầu cần đóng cửa tu thân, giấu mình tu học, tránh xa cuộc thế nhơn tình, sống với chim muôn cây cỏ, cơm hẩm nước suối, mà cũng không buồn: “độn thế vô muộn”, như lời dạy của Đức Thánh Trần Hưng Đạo:
“Lấy câu đạo đức làm vinh,
Ẩn thân, lánh tục, lặng thinh không buồn.”
Người mà có chí hướng lớn, phương châm hay, dầu gặp hoàn cảnh nào cũng giữ chặt một lòng sắt đá, uốn khúc theo thời mà giữ tròn đạo nghĩa. Tiền bạc không mua chuộc được chí họ, quyền thế không đổi được lòng họ, sắc đẹp không cám dỗ nổi họ, uy võ không thể dọa nạt được họ, cùng khổ không lay chuyển họ được. Chí khí ấy, tâm lượng ấy, hoàn cảnh thế tục làm sao thay đổi được: “bất dịch hồ thế”? Trong kinh Sám Hối, Ơn Trên có dạy:
“Người quân tử chẳng thà chịu khổ,
Ðâu làm điều nhục tổ hổ tông.
Ðứa ngu thấy của thì mong,
Không gìn tội lỗi, phép công nước nhà.”
(Trích Kinh Sám Hối)
Chúng ta không nên hiểu rằng việc ẩn thân lánh tục mang một ý nghĩa tiêu cực là vì sợ đời khổ đau mà đi lẫn trốn cho được an thân. Đây là việc xử thế đúng vị, đúng thời của mình. Đó là vị trí của hào Sơ Cửu, là con rồng ở dưới thấp nhất, cho nên ví nó với con rồng còn nấp ở dưới vực sâu, chưa thể làm mây biến hóa được, còn phải đợi thời. Biết thân phận mình chưa gặp thời thì nên phải lo tu đức bồi tài nhằm sau này giúp ích cho nhơn quần xã hội, không vì thế tục mà đổi chí, không cầu danh, ở ẩn, không ai biết mình cũng không buồn, không gì lay chuyển được chí của mình. 
Khi ở vào vị trí của hào Sơ Cửu, chúng ta cần phải có sự chuẩn bị thật chu đáo, kỹ lưỡng trước khi hành sự.
Ví như một người muốn báo thù nhà nhưng đối phương quá mạnh, không thể ra tỉ thí ngay được mà phải ngày đêm khổ luyện võ công mới đủ sức ra báo thù. Nếu chưa đủ sức mà ra nghinh chiến thì khác nào đem trứng chọi với đá.
Vua Lê Lợi muốn khởi nghĩa thành công, đêm nằm gai, ngày nếm mật để rèn luyện bản thân, rèn luyện ý chí binh sĩ, chờ thời cơ chín muồi mới mang lại thắng lợi trong cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược.
Một sĩ tử muốn đỗ đạt cao thì phải ngày đêm lo đèn sách miệt mài, ôn luyện chuyên cần mới mong ra ứng thí mới có kết quả tốt được.
Đức Thánh Trần tiếp tục khuyên:
“Dầu ai chê dại nói khôn,
Cũng không vì đó bồn chồn lo âu.”
Nếu có chí hướng cao cả, đường lối rộng lớn, thân phận khiết tịnh, đúng đắn mà vẫn có kẻ nhận lầm nghĩ sai, chỉ trích chê bai, cũng không hề buồn: “bất kiến thị nhi vô muộn”.
Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Thầy có dạy:
“Ðinh ninh Thầy dặn trẻ đôi lời,
Mình biết đạo mình giữ đó thôi;
Mặc kẻ thường tình ngu biếm nhẻ,
Phải coi nên chỗ để nên lời.”
(Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế - TNHT)
“Nên trò đạo đức dễ gì đâu,
Vui chẳng vui sầu chẳng dám sầu;
Cái khổ của đời mình ước vọng,
Cái chê của chúng lại nài cầu.”
(Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế - TNHT)
Chê dại nói khôn: Giỏi như vậy và không được đời sử dụng thì quá uổng phí, thà chết đi còn hơn, sống vậy mà không biết nhục, bị gièm pha nói xấu, nói sai, nói không đúng sự thật về mình .v.v... mà mình vẫn không vì thế mà tự ái, bồn chồn lo âu. Khi làm được điều này, chúng ta sẽ có được Phật tánh như lời dạy của Đức Quan Âm Bồ Tát:
“Chư hiền muốn thành Phật ư? Muốn thành Tiên, Thánh, Thần ư? Được, tốt lắm.
Chính trong thân tâm chư hiền, mỗi người đều có, tạm gọi là vốn liếng để thành Phật, Tiên, Thánh, Thần. Miễn chư hiền biết trọn lành từ tư tưởng đến việc làm cùng lời nói. Loại nào của các bực Phật, Tiên, Thánh, Thần nên nuôi dưỡng mà tiến hành. Còn những tư tưởng, hành động, lời nói nào của ma quỉ, phải chừa ngăn. Có như vậy mới sớm toại nguyện.
Thử đặt một câu hỏi: Nếu mình làm đúng, nói đúng, trong lúc đó có người nói ngược lại, mình có bực tức giận chăng? Nếu có, tức là không được Phật tánh!”
(Đức Quan Âm Bồ Tát, Tý thời, 14 rạng Rằm tháng 5 Ất Tỵ (13-6-1965)
Ngoài ra, nếu thực hiện được điều trên chúng ta sẽ rèn luyện được đức tính Kiên nhẫn, Khiêm tốn và hạnh Vô ngã. Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Thầy có dạy:
“Không chịu lãnh những phần khen ngợi,
Không chịu làm tư lợi tổn nhơn;
Không oán để tiếng khinh lờn,
Ham làm Ðạo đức nghĩa nhơn gọi là.
Người hiền để người ta biết đó,
Thì cũng chưa thiệt rõ người hiền;
Người hiền an tịnh nhẫn kiên,
Lo làm âm đức mới thiền tâm linh.
Còn nhớ đến rằng mình hay giỏi,
Thì ai đâu còn gọi người hiền!
Người hiền trầm tĩnh ổn yên,
Thủy triều vận tải căn nguyên đức tài.”
(Trích bài Hạnh Kiên Nhẫn – Đại Thừa Chơn Giáo)
Trong Kinh Vô Thừa Chơn Giáo, Thầy cũng có dạy về chữ Nhẫn như sau:
“Nhẫn Tử Nha suốt đời nghèo khổ,
Áo rách rưới khắp chỗ lở loang;
Quần tơi chẳng dép chợ đàng,
Ngẫm nghiền thông suốt thiện an cứu người.
.....................................................
Nhẫn Văn Vương làm tròn phận sự,
Bảy năm trường trọn giữ bề tôi;
Lúc nào cũng nhẫn cho trôi,
Để thành Dũ Lý bậc ngôi Thánh Hiền.
......................................................
Nhẫn Quan Âm bao năm lăn lóc,
Tu một xó mà học chơn truyền;
Dù cho bạc ác đảo điên,
Đốt chùa đánh sãi vẫn yên tấm lòng!"
(Trích Kinh Vô Thừa Chơn Giáo, bài Chữ Định và Chữ Nhẫn)
Ngày xưa, Ngài Khương Tử Nha dù rất tinh thông về Binh Pháp nhưng khi không được Vua Trụ trọng dụng, ngay cả người vợ của Ngài cũng nói xấu, chê bai đủ điều, thậm chí bà còn cho rằng chồng mình là kẻ vô dụng rồi bỏ chồng đi lấy người khác nhưng Ngài cũng không vì thế mà buồn, Ngài thường ngồi một mình câu cá với cần câu không lưỡi cốt để chờ thời ra phò minh quân. Sau này Ngài đã thành công rực rỡ, sự nghiệp lẫy lừng, ghi nhiều chiến công hiển hách khi giúp nhà Châu diệt nhà Trụ.
Thánh Văn Vương đã phải chịu ngồi tù bảy năm trường để giữ trọn đạo bề tôi với vua Trụ. Suốt bảy năm ngồi tù ở thành Dũ Lý, Ngài đã vạch nên Bát Quái Hậu Thiên và viết ra Soán Từ của 64 quẻ - một kỳ công lưu truyền cho hậu thế. Lúc này Ngài đang ở vào vị trí Hào Sơ cửu của quẻ Kiền, đang ẩn thân làm gương cho con cái của Ngài để sau này con Ngài làm nên nghiệp lớn, đó là lãnh đạo nhà Châu diệt nhà Trụ bạo tàn để mang lại hạnh phúc ấm no cho muôn dân.
Công Chúa Diệu Thiện vẫn một lòng tu niệm theo Phật pháp dù bị Vua Cha tìm mọi cách ngăn cản không cho Ngài tu, thậm chí nhà Vua còn sai lính phóng hỏa đốt chùa và đánh sãi nhưng vẫn không thể làm lay chuyển được ý chí kiên định của Ngài và Ngài đã tu thành chánh quả Quan Âm Bồ Tát sau này.
Dầu cho có tài trí hơn người cũng không nên lòe loẹt, khoe khoang danh của mình cho mọi người biết: “bất thành hồ danh”. Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Thầy có dạy:
“Người hiền đức không cần danh vọng,
Làm thì ưa công cọng hiệp hòa;
Kính người quên phức đến ta,
Tự nhiên thanh tịnh giọng tà bất sanh.
......................................................
Người hiền chẳng khoe khoang tự đắc,
Lo cho người tai mắt ích chung;
Gìn tâm chẳng để buông lung,
Cúi lòn nhẫn nhịn dây dùng dứt coi.”
(Trích bài Hạnh Kiên Nhẫn – Đại Thừa Chơn Giáo)
Hai câu thơ tiếp theo, Đức Thánh Trần dạy:
“Gặp thời, co duỗi tự do,
Đem tài tháo vát, giúp cho nhơn quần.”
Nếu gặp thời đắc chí, người quân tử đem sở học của mình để giáo hóa chúng sanh, mở mang bờ cõi, làm cho bốn biển chung trong lẽ sống tình thương. Tâm lượng rộng lớn của người quân tử dung chứa được mọi người, mà cảm hóa sâu vào lòng dân, làm cho cõi đời trở nên văn minh đạo đức: “Lạc tắc hành chi”.
Đã sinh ra làm người, là một nhân sinh trong cộng đồng xã hội thì chúng ta phải thọ nhận biết bao công ơn như công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ, công người trồng dâu nuôi tằm, công người dệt vải để ta có áo mặc, công người trồng lúa để có cơm cho ta ăn… Xét về phần Nhơn Đạo đã thọ nhiều ơn thì chúng ta phải biết trả ơn cho đời (làm tròn Nhơn Đạo):
Trải thân đền nợ nước non,
Máu xương lấp mấy cho tròn hiếu trung.
Do vậy, khi người quân tử gặp thời, có cơ hội ra gánh vác trách nhiệm phù hợp với khả năng của mình để mang lại hạnh phúc cho nhơn quần xã hội thì phải sẳn sàng thực hiện mà không nên tháo trút.
Khi gặp thời, thuận lòng Trời thì không nên chần chừ mà phải bắt tay vào thực hiện ngay vì mọi việc sẽ được thuận lợi, hanh thông như lời dạy của Đức Bảo Pháp Chơn Quân Thanh Long Lương Vĩnh Thuật (Đức Bảo Pháp Thanh Long):
“Gặp thời mau khá thi vi,
Trời che đất chở việc chi cũng thành.”
(Đức Bảo Pháp Thanh Long– TTTH 4)
Nếu không gặp thời, hoặc thời đã qua rồi thì Đức Thánh Trần có lời khuyên:
“Phải hồi hoạn nạn gian truân,
Vui nơi lam dã, lánh thân chợ đời.”
Nếu gặp lúc hoạn nạn, chưa thể tiến hành thì ta nên ẩn mình lánh đời mà lo tu học, nung nấu tâm trường, chờ có cơ hội để đem chí hướng mình mà giúp đời độ thế: “ưu tắc chi vi” theo lời khuyên của Đức Bảo Pháp Thanh Long:
“Thời chưa tới bôn ba thêm hại,
Thời đã qua kéo lại ích chi?”
(Đức Bảo Pháp Thanh Long– TTTH 4)
Đặc biệt với những người có đạo như chúng ta thì càng nên tâm đắc câu lánh thân chợ đời, vì chúng ta biết rằng cuộc đời vốn dĩ rất vô thường, giả tạm, thành trụ hoại không luôn biến đổi không có gì trường tồn mãi mãi, hễ hữu hình là hữu hoại cho nên việc lánh thân chợ đời để tìm nguồn an lạc thân tâm là rất thiết cần. Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Thầy có dạy:
“Làm lành cho trọn Phật Trời thương,
Hai chữ hơn thua chớ liệu lường.
Mừng thiệt là khi nương cảnh tịnh,
Khen chê giận ghét lẽ đời thường.”
(Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế - TNHT)
“Hay gần đạo đức mới nên thân.
Lánh chốn phồn hoa giữ tánh thần.
Một nét vạy tà Thần Thánh chép,
Rèn lòng trong sạch thoát mê tân.”
(Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế - TNHT)
Trong Thánh Truyền Trung Hưng, Đức Bảo Thọ Thánh Nương cũng có dạy:
“Danh không chuộng hòa mình lẽ sống,
Lợi không say ảo mộng tỉnh rồi;
Việc đời muôn việc đều thôi,
Trải lòng ở với người người đẹp vui.”
(Đức Bảo Thọ Thánh Nương – TTTH 4)
TẠM KẾT:
Ôi! Đức long Hào Sơ cửu của quẻ Kiền đã đặt mình trước bao hoàn cảnh khó khăn, nuôi một chí hướng, giữ một lập trường, dầu thời thế ngược xuôi, lòng người đen đỏ, cũng không làm sao thay đổi được tâm chí đó. Nên cũng chẳng khoe khoang lòe loẹt, bần cùng hẩm hút, ẩn mình giữ lấy đạo nghĩa, giá cách con người, mặc kẻ khen chê. Phải thời tiến thân, không phải thời thối ẩn, đâu ham danh mà đắm tục, vì khổ mà quên thân. Người xưa ví như con rồng lặn. Người quân tử nên học và dựa vào hình tượng đó để giúp đỡ và lập công với Đời, Đạo.
Chánh Tuân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét