ĐỪNG CHỜ ĐẾN NGÀY MAI
Hành trình đi về phía cuối chân trời còn xa
diệu vợi. Có những điều con người chưa biết rồi sẽ ra sao. Thật là thú vị khi
ta chợt nghĩ đến tương lai, vào một ngày mai tươi sáng. Chắc hẳn trong cuộc đời
bạn không ít lần chuẩn bị hành lý cho một cuộc đi xa, hay chỉ chuẩn bị vài thứ
cho một cuộc hẹn, một lần đi ra phố hội ngộ bạn bè,... Cảm giác của chúng ta
lúc đó thế nào nhỉ? Mỗi người sẽ suy nghĩ một cách, nhưng chắc chắn sẽ có một
mẫu số chung cho tất cả: hồi hộp, lo lắng, vui tươi, hạnh phúc,... Ta trông chờ
lắm và hứa hẹn biết bao điều.
Ta đi rồi vẫn còn khối công
việc ở lại. Ta hẹn, ta hứa, sau chuyến đi này ta sẽ làm. Hoặc sau khi đi công
việc về, đi phố về ta sẽ làm hết. Ta đã hẹn như thế không biết bao nhiêu lần,
có lẽ đã hẹn từ lúc sanh ra cho đến bây giờ...
Thế nhưng, ai
trong chúng ta ngờ được rằng sau những cuộc ra đi không có ngày trở lại.
Có những lời
hứa, những cuộc hẹn mãi mãi chẳng bao giờ thực hiện được.
Còn nhớ, cha của
bạn tôi đã từng hứa cho nó một cây vàng làm vốn nếu nó hoàn thành tấm bằng đại
học. Thế rồi ông đã đột ngột ra
đi trong một tai nạn giao thông không hề biết trước. Ông cũng đã bỏ lại những cuộc hẹn, những
dự tính công việc và đặc biệt ông vẫn còn nợ đứa con ông một lời hứa. Đưa xác cha từ bệnh viện trở về nó khóc nức
nở, nó khóc không phải vì không được cây vàng kia mà nó khóc vì cuộc sống quá
vô thường. Hành trình trên
giao lộ cuộc đời ta cũng thế. Ta đã hứa thật nhiều, nhưng rồi thất hứa cũng
không ít.
Ta nợ đời, nợ người
và nợ chính bản thân ta. Cứ lập trình sẵn sau khi đi công việc về ta sẽ vắt cho
mẹ một ly cam, ủi áo quần cho chị, gửi cho người yêu thương một tin nhắn hỏi
thăm, hay sẽ dọn dẹp không gian riêng đang bề bộn,... Nhưng rồi trong ngàn lẻ một lần ra đi ấy,
biết đâu có một lần ta sẽ phải sang ngang. Sẽ đớn đau, nuối tiếc biết bao nhiêu khi mọi thứ vẫn còn dang dở.
Ta hối hận sao mình không hoàn thành mọi thứ, không giải quyết mọi việc êm xuôi
khi ta còn có thể? Tại sao ta phải hẹn, phải đợi, phải chờ? Ta nuối tiếc một
tài sản kếch xù chưa xài đến. Ta đau khổ vì phải đột ngột chia ly người yêu duy
nhất của ta. Chính những điều đó làm tim ta đau đớn, xót xa,...
Vẫn biết đời vô
thường lắm, nhưng mấy ai ý thức được điều đó để áp dụng cho chính bản thân
mình? Cứ áp đặt sẵn những điều
bất ngờ không mong đợi ấy sẽ đến với ai kia, nó hoàn toàn không phải đến với
mình, nó không thật sự dành cho mình.
Vì ta chủ quan, vì
ta không chuẩn bị tâm lý, nó sẽ đến với ta, nên cứ nhởn nhơ sống trong thờ ơ,
lạnh nhạt, ghen tuông, thù hận, ganh đua,... cho đến một ngày ta vấp ngã rồi
không kịp trở tay, không kịp nói với người thân những điều ta muốn nói, không
kịp làm nốt những việc còn dang dở, không kịp nói lời xin lỗi đến ai, không kịp
nói rằng ta đã thật lòng yêu thương ai đó... Hãy chuẩn bị đi các bạn! Hành trình đi về phía cuối con đường. Nơi ấy
không phải chỉ dành cho những cụ già tóc trắng, da nhăn, không phải chỉ dành
cho những người mang các căn bệnh ngặt nghèo, nguy hiểm, mà nơi ấy còn dành cho
tất cả chúng ta... tất cả
đều không hẹn trước.
“Hãy sống như ngày mai ta sẽ không còn!”
Nếu phút chốc nữa
đây, hay đêm nay, ngày mai, rồi ngày mai nữa chúng ta sẽ ra đi, vĩnh biệt cõi
đời. Biết trước như vậy ta sẽ chuẩn bị kỹ hơn cho hành trình đi về phía trước.
Lúc nào tâm cũng ở trong trạng thái sẵn sàng cho một cuộc ra đi. Mọi thứ đều
chuẩn bị sẵn hành trang lên đường, không lo lắng, ưu tư, sợ hãi, tiếc nuối,...
Vì ta biết chắc, ai rồi cũng phải một lần ra đi. Chánh niệm tỉnh giác từ trong
hơi thở, ngay đây và bây giờ.
Quá
khứ đã qua không thể tìm lại, tương lai xa vời không thể với tới, chỉ
có giây phút hiện tại sẽ quyết định cho cuộc sống của ta, hạnh phúc hay đau
khổ.
Nếu làm được gì ngay
hôm nay, hãy tranh thủ hoàn tất sớm, đừng hẹn, đừng đợi và đừng chờ! Vậy thì còn chần chờ gì nữa!
Nào chúng ta hãy
tỉnh mộng đi thôi, quay lại với thực tại để thấy giây phút này là giây phút đẹp
nhất, tuyệt vời nhất.
Phan Minh Đức
Chúng ta đều
là khách trọ
Có một người lỡ
đường trong đêm tối tìm đến gõ cửa một nhà nọ để xin ngủ nhờ qua đêm. Người chủ
nhà không chấp thuận cho người khách lạ tá túc. Hết sức nhẫn nại, người khách
cố gắng thuyết phục chủ nhà:
- Ông có thể trả
lời tôi ba câu hỏi không? Tôi tin chắc là sau khi trả lời ba câu hỏi này, ông
sẽ vui lòng giúp tôi.
Người chủ nhà tỏ ra
tò mò và có hứng thú trước thái độ của người khách lạ:
- Ông muốn hỏi điều
gì?
Người khách nói:
- Xin ông cho hỏi,
trước đây ai ở căn nhà này?
Chủ nhà đáp:
- Bố mẹ của tôi.
Người khách hỏi
tiếp:
- Xin cho hỏi,
trước bố mẹ ông thì ai ở?
- Ông bà của tôi.
Người khách lại
hỏi:
- Vậy sau ông thì
ai sẽ ở đây?
Chủ nhà tỏ ra bực
bội:
- Sau tôi là con cháu của tôi ở chứ ai!
Lúc bấy giờ vị khách mới nói:
- Thưa ông, vậy thì ông cũng là người ở nhờ như mọi người, nhưng ông là
người ở nhờ lâu hơn tôi vậy thôi. Sao ông nỡ lòng nào không giúp tôi ở nhờ một
đêm chứ?
Sau một lúc trầm ngâm suy nghĩ, người chủ nhà như chợt nhận ra điều gì, ông
tỏ ra cởi mở, niềm nở mời người khách vào nhà. Suốt đêm hai người còn vui vẻ
trò chuyện với nhau rất tâm đắc. (Theo Thế giới trong ta)
Người khách lỡ đường trong câu chuyện
trên rất chí lý khi thấy rằng không có ngôi nhà nào là tài sản vĩnh viễn của
một người, mà trải qua nhiều thời kỳ nó thuộc sở hữu của nhiều người. Như vậy
không ai là ông chủ thật sự cả, tất cả chỉ là những khách trọ mà thôi. Người thì trọ
trong thời gian ngắn, người thì trọ trong thời gian dài.
Không có ta (ngã), không có cái của ta (ngã sở), nhưng ai cũng thấy có ta,
có cái của ta nên mới chịu nhiều đau khổ. Nếu thấy được vạn vật đều là duyên sinh vô ngã, không cố chấp
bám víu, thuận theo lẽ vô thường, biết chấp nhận sự đổi thay, thịnh suy, được
mất thì lòng thanh thản, không khổ não lo buồn. Muốn được tâm bình thản như thế thật không dễ, nhưng nếu nỗ
lực tu tập thì sẽ thành tựu. Thực
tập thiền quán về vô thường, vô ngã để có thể buông bỏ xả ly, thì dẫu phải đối
mặt với nhiều biến động trong đời thì lòng cũng bớt giận dỗi, muộn phiền và tâm
không chao đảo. Sống với từ
bi, vô ngã, vị tha thì tấm lòng rộng mở, tự tại thong dong và lợi đạo ích đời.
Phan
Minh Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét