Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

CON ĐƯỜNG GIÚP CHO NGƯỜI TÍN ĐỒ CAO ĐÀI THOÁT KHỎI LUÂN HỒI SANH TỬ


Thân ái chào quý anh chị em!
Vừa qua Chánh Tuân có nhận được một bài viết “TÂM TÌNH CHUYỆN ĐẠO” của một đạo huynh gửi đến với nội dung phân tích nguồn gốc ra đời của 4 tầng bậc tu châu của HTTG. Chánh Tuân đã viết một bài viết chia sẻ cùng với đạo huynh ấy. Nhân tiện đây, Chánh Tuân xin phép được chia sẻ bài viết này để quý anh chị em cùng tham khảo, rất mong quý anh chị em dành một ít thời gian để xem qua.
Bài viết bên dưới không mang tính chất tranh luận hơn thua, đúng sai, cao thấp… mà thông qua bài viết này Chánh Tuân chỉ mong muốn gửi gắm một điều tâm huyết duy nhất là một khi đã có đức tin tu theo Đạo Thầy thì phải biết được con đường để được trở về cùng Thầy là con đường nào mà thôi, để rồi từ đó trong hiện tại hoặc trong tương lai, mỗi người sẽ tự biết nên tìm và lựa chọn một con đường đi nào đó sao cho phù hợp với chính mình nhất vậy.

ĐÔI DÒNG CHIA SẺ CÙNG VỚI TÁC GIẢ BÀI VIẾT 
“TÂM TÌNH CHUYỆN ĐẠO”
 Cám ơn đạo huynh đã chia sẻ bài viết “TÂM TÌNH CHUYỆN ĐẠO”!
Tuy đệ thuộc hàng hậu bối (đệ sinh năm 1980) nhưng qua những sự kiện đệ được nghe kể lại và đọc qua một số tài liệu sử đạo thì đệ cũng có thể cảm nhận được phần nào tính logic từ bài viết của đạo huynh.
Đệ xin bày tỏ 2 vấn đề sau khi đọc qua bài viết “TÂM TÌNH CHUYỆN ĐẠO” của đạo huynh:
VẤN ĐỀ THỨ NHẤT: PHÁP TU ĐƠN LUYỆN MẠNG CỦA CAO ĐÀI
Trong bài viết, đạo huynh có đưa ra nhận định bên dưới:
“- Một điều tôi thắc mắc nữa là khi sanh tiền với pháp môn Vô Vi mà Đức Ngô đã chứng đắc và đã truyền cho lớp kế thừa Chiếu Minh thì cớ gì sau khi quy liễu lại dạy thêm một pháp mới TBHC khác nối tiếp 3 bậc linh châu, tướng châu, tâm châu và chỉ dành cho HTTG mà các HT khác, nhất là Chiếu Minh Vô Vi, lại không được Đức Ngô ưu ái chỉ dạy? Phải chăng Đức Ngô thiên vị, phân biệt cũ mới!? Đây không phải là hạnh của Đức Ngô.”
Đệ  đồng tình với quan điểm là cho dù HTTG có được Ơn Trên ban cho bậc tu Tam Bảo Hoàn Châu thì bậc tu này cũng không thể khác gì so với Pháp Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi do Đức Ngô truyền lại mới phải vì nếu khác thì Thầy đâu phải nhọc công khai mở mối Đạo Trời và Đức Ngô cũng không phải nhọc công giáng thế làm khuôn mẫu tu hành và chỉ truyền lại cho thế hệ sau để làm gì. (Nghĩa là Pháp Môn Bí Pháp Tâm Truyền mà có thể hướng dẫn được qua nhiều vị đồng tử khác nhau và mỗi Hội Thánh đều có một pháp tu riêng thì Đức Ngô đã không phải nhọc công giáng thế để làm khuôn mẫu tu hành làm gì!).
Đạo Thầy đã chia ra nhiều chi phái, mỗi chi phái đều có cách thờ phụng và nghi lễ riêng, hình thức có thể không có chi phái nào giống nhau hoàn toàn cả, chúng ta cũng cần có cái nhìn cảm thông vì dù sao hễ là hữu hình thì có thể có thiên hình vạn trạng, thiên biến vạn hóa – “Cao Đài ứng hóa theo lòng chúng sanh”. (Cao Đài ứng hóa theo lòng chúng sanh chỉ nằm ở mặt hữu hình như hình thức, lễ nghi thờ phụng…[tùy theo căn trí của từng người, nhận thức văn hóa của từng vùng miền… mà Ơn Trên đưa ra những lời dạy Đạo cho phù hợp, dễ hiểu hơn mà thôi]). Nhưng hễ nói đến Tâm Pháp Bí Truyền vô vi của Cao Đài thì không thể có hai. BÍ PHÁP TU ĐƠN LUYỆN MẠNG CỦA CAO ĐÀI CHỈ CÓ MỘT MÀ THÔI! TUY TÊN GỌI CÓ THỂ KHÁC NHAU (TAM BẢO HOÀN CHÂU hay TÂM PHÁP CHIẾU MINH TAM THANH VÔ VI…) NHƯNG PHÁP ĐẠO BÊN TRONG VẪN CHỈ LÀ MỘT (ĐƯỜNG ĐẠO VẬN HÀNHTHẦN KHÍ, ÂM DƯƠNG BÊN TRONG VẪN KHÔNG CÓ ĐIỂM GÌ GỌI LÀ KHÁC NHAU CẢ) [Nếu khác đi thì việc luyện Đạo ngay lập tức sẽ bịchuyển sang hướng khác như là luyện thần thông, pháp thuật, luyện nội công, cải thiện sức khỏe, dưỡng sinh, chữa bệnh… chứ không còn theo hướng tu luyện để kết tạo Linh Đơn, Thánh Thai, Phật Tử nữa vậy]. Nếu khác đi thì sẽ vô cùng nguy hại vì sai một ly có thể sẽ đi một dặm, tu hoài mà không thấy kết quả chứng đắc, thậm chí có người còn bị “tẩu hỏa nhập ma” do thực hành Pháp đạo không đúng. (Đệ xin mở ngoặc phân tích thêm một ý nữa: Có thể những vị đệ tử ban đầu khi thọ pháp được Đức Ngô trực tiếp chỉ truyền thì thực hành pháp tu sẽ rất giống nhau. Nhưng sau khi Đức Ngô qui vị rồi thì do bản ngã tư tâm mà có một số vị chỉ kiểu đã thay đổi, thêm bớt cách thức vận hành pháp Đạo so với buổi ban sơ. Có thể những người chỉ kiểu này nghĩ rằng nếu như mình chỉ hết các “bí quyết tu luyện” thì sợ người ta tu sẽ đắc đạo cao hơn mình nên đã cố tình giấu bớt không chỉ một hoặc một vài nội dung quan trọng nào đó; hoặc nghĩ rằng pháp của Đức Ngô như vậy không hay, còn thiếu sót, khiếm khuyết nên qua tay mình phải thêm chỗ này, bỏ bớt chỗ kia cho “hoàn thiện mỹ mãn” hơn, đâu ngờ rằng dần dần làm cho sai lệch so với Chơn pháp ban đầu do Đức Ngô để lại. Nghiêm trọng nhất là cải sửa nhiều đến nỗi không thể luyện tinh hóa khí được, tu hoài nhưng không thấy chứng đắc, không thể kết tạo được Linh Đơn, Thánh Thai, Phật Tử. Báo hại cho nhơn sanh tin tưởng, uổng cho họ một kiếp phải chịu khổ công chuyên cần dậy sớm thức khuya tu luyện nhưng không có kết quả, không thể giải thoát khỏi luân hồi sanh tử  được. Đối với những người chỉ kiểu như vậy tuy đã thỏa mãn được bản ngã dục vọng của mình nhưng vô tình gây ra trọng tội mà không hề hay biết. Đến khi thoát xác rồi họ sẽ bị luận tội trước Tòa Tam Giáo mà không thể nào bào chữa cho trọng tội mà mình đã gây ra được).
Theo tìm hiểu của đệ thì Pháp Tam Bảo Hoàn Châu của HTTG hiện nay chính là Tâm Pháp Bí Truyền của Chiếu Minh Tam Thanh Vô Vi đã được quý Đạo Trưởng trước đây vào Đàn Chợ Lớn thọ pháp rồi về truyền lại cho các Đạo hữu tu theo (Gồm có: Bá Nhựt Trúc Cơ, Nhứt Bộ, Nhị Bộ).
Và chỉ lên đến bậc Tam Bảo Hoàn Châu mới có thể chạm được đến việc “Luyện đơn nấu thuốc”; “Luyện Tinh Hóa Khí”… (mới có thể “nấu” nổi được nguơn Tinh).
Còn 3 tầng bậc tu châu trước gồm: Linh Châu, Tướng Châu và Tâm Châu chỉ mới tập cho quen dần với việc công phu để làm tiền đề, nền tảng trước khi bước vào Tam Bảo Hoàn Châu để mưu cầu giải thoát thật sự, chứ 3 tầng bậc tu châu này chưa thể “nấu” nổi được nguơn Tinh (Chưa thể luyện đơn nấu thuốc được).
Đệ cảm thấy thật xót xa vì phần đông quý đạo hữu thuộc HTTG hiện nay quan niệm cho rằng chỉ cần tu Tâm Châu, Tướng Châu, thậm chí Linh Châu thôi cũng sẽ được giải thoát rồi miễn là chí thành lo chuyên tâm tu luyện. (Họ đâu chịu để tâm dành thời gian phân tích thử xem cơ sở khoa học của việc tu đơn luyện mạng là để luyện đơn nấu thuốc, là luyện tinh hóa khí để kết tạo Linh Đơn, Thánh Thai, Phật Tử. Trong khi đó với 3 tầng bậc tu châu đầu chưa thể làm được việc vô cùng hệ trọng này thì làm sao thoát khỏi luân hồi sanh tử cho được chứ?) [Ở tầng bậc Linh Châu và Tướng Châu chưa hoàn toàn yêu cầu bắt buộc người thọ pháp phải trường trai và tuyệt dục – Trong khi đó việc trường trai và tuyệt dục là điều kiện tiên quyết, phải bắt buộc dành cho người tu đơn luyện mạng vì có tuyệt dục mới bảo tinh, dưỡng khí, tồn thần được, không tuyệt dục thì làm sao kết tạo được Linh Đơn, Thánh Thai, Phật Tử vì mỗi khi vừa kết tạo được một chút Linh Đơn mà không tuyệt dục thì phần Linh Đơn vừa mới được hình thành nên ấy cũng sẽ bị tiêu tan theo luôn vậy, bên cạnh đó vì không tuyệt dục nên không thể nào có đủ “thuốc” để mà “nấu” luyện; Có trường trai cơ thể mới trở nên thanh chất nhẹ nhàng để luyện đạo được dễ dàng (Nếu còn ăn mặn cơ thể còn nhiều trược chất nặng nề trọng trược, còn nhiều tham dục nên sẽ rất khó tu) , trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Thầy có dạy về việc phải giữ trường trai khi luyện đạo như sau: “Phải có một Chơn linh tinh tấn mới mầu nhiệm, huyền diệu, phải trường trai mới đặng linh hồn tinh tấn.”“Nếu như các con còn ăn mặn luyện Đạo rủi có ấn chứng thì làm sao mà giải tán cho đặng? Như rủi bị hườn, thì đến khi đắc Đạo, cái trược khí ấy vẫn còn, mà trược khí thì lại là vật chất tiếp điển thì chưa ra khỏi lằn không khí đã bị sét đánh tiêu diệt. Còn như biết khôn thì ẩn núp tại thế mà làm một bậc Nhân Tiên thì kiếp đọa trần cũng còn chưa mãn. Vì vậy Thầy buộc các con phải trường trai mới đặng luyện Đạo”. Ngoài ra ở 2 tầng bậc tu châu này hơi thở chỉ dừng ở mức độ hít vô thở ra điều hòa nương theo từng hạt châu, câu chú trong khi đó “Bí Pháp” để luyện tinh hóa khí, luyện đơn nấu thuốc tuy không quá phức tạp nhưng hoàn toàn không đơn giản chỉ có như vậy, nếu đơn giản chỉ có việc hít vô, thở ra, lần chuỗi, niệm chú thôi mà có thể kết tạo được Linh Đơn, Thánh Thai, Phật Tử  thì từ xưa đến nay có lẽ đã có không biết bao nhiêu người được giải thoát khỏi luân hồi sanh tử rồi chứ đâu cần chi phải đi tìm thọ “Bí Pháp” để tu luyện làm gì cho khổ công!; Và, ở tầng bậc Tâm châu tuy đã bắt buộc phải trường trai và tuyệt dục rồi nhưng cũng chưa thể “nấu” nổi được nguơn Tinh cho nên phải có thêm 01 tầng bậc tu châu nữa mới trọn vẹn, chỉ khi lên đến tầng bậc Tam Bảo Hoàn Châu mới làm được công việc vô cùng hệ trọng này!].
Lại có nhiều người cho rằng những người có tâm ý muốn tu lên đến Tam Bảo Hoàn Châu hoặc xin thọ pháp tu từ các Đàn Chiếu Minh như Đàn Chợ Lớn Phú Lâm, Đàn Linh Bửu, Đàn Long Hựu.… là tu vội tu vàng, đứng núi này trông núi nọ, vọng tưởng, trèo cao, tu như vậy sẽ dục tốc bất đạt… Do vậy đã có rất nhiều người suốt mấy mươi năm cuộc đời chỉ mới tu đến Tâm Châu hoặc thậm chí cứ ở bậc Tướng Châu tu hoài. Có thể có một số người lo sợ khi tu càng lên cao thì việc phải giữ giới luật càng thêm khắc khe hơn và khảo thí sẽ nặng nề hơn nên họ sợ không dám (hoặc không thể do bị nghiệp lực trì kéo, cản ngăn) bước chân vào. Đối với những người này thì chúng ta không phải bàn đến vì việc tu đòi hỏi cần phải có nghị lực, đủ căn duyên, đủ can trường, ý chí mới bước được vào con đường tu đơn luyện mạng được. Nếu chúng ta nghiêm túc mà nhìn nhận lại bản chất thật sự của vấn đề thì một khi ai đó đã dám bước chân vào ngưỡng cửa tu “luyện đơn nấu thuốc” thì đệ cho rằng người đó đã có rất nhiều nghị lực; dám phủi sạch tất cả những vui sướng, ham muốn dục vọng trên cõi đời này; đã quá chán ngán cuộc đời vốn dĩ rất vô thường giả tạm; đã biết mình mãi đắm chìm, lặn hụp trong bể khổ trần ai, nhân quả đeo mang nghiệp lực chất chồng không phương giải thoát; xem danh lợi và chức quyền nhẹ tựa lông hồng; sẵn sàng chấp nhận mọi sự khảo thí do những cơn nhồi quả mang lại, nếu như không muốn nói là việc trả quả của người tu quyết chí cầu giải thoát là vô cùng khủng khiếp, một khi không đủ đức và nghị lực can trường thì sẽ bị “bán đồ nhi phế” chứ không hề dễ dàng một chút nào. Chúng ta thử đơn cử 1 thí dụ cho dễ hiểu hơn về việc trả nghiệp quả: có 02 người cùng vay một món nợ  10 tỷ đồng, người thứ nhất trả trong vòng 60 năm, người còn lại chỉ trả trong vòng từ 9 đến 12 năm thì rõ ràng người thứ 2 phải chịu áp lực trả nợ nặng nề hơn rất nhiều so với người thứ nhất. Việc trả nghiệp quả đối với người muốn tu cầu giải thoát theo Tâm Pháp Bí Truyền cũng vậy, việc phải chịu nhồi quả mà mình đã gây tạo từ vô lượng kiếp đến nay sẽ vô cùng nặng nề (mặc dù có thể đã được Ơn Trên ân xá và gánh bớt cho một phần nghiệp quả nhưng những cơn nhồi quả còn lại phải chịu trả là không hề nhỏ một chút nào cả, bỡi lẽ theo luật công bình của tạo hóa thì hễ mình đã gây ra nghiệp dữ thì mình phải tự gánh chịu lấy việc trả quả thôi chứ không ai có thể gánh trả thay hết cho mình được cả).
Đệ cảm thấy tiếc thay cho nhiều người hoàn toàn có đủ điều kiện dấn thân vào tu Tam Bảo Hoàn Châu hoặc thọ pháp tu từ các Đàn Chiếu Minh (điều kiện kinh tế khá ổn định, vợ con đều ủng hộ, đã trường trai và tuyệt dục được…) nhưng cứ mãi chần chừ, lẩn quẩn tu 5, 10 năm, thậm chí có người từ lúc bắt đầu thọ Linh Châu đến Tâm Châu mất gần hoặc hơn 20 năm mà vẫn không dám xin keo tu lên bậc Tam Bảo Hoàn Châu. Đến khi quyết định xin keo tu lên TBHC thì đã quá muộn vì có người đã ngoài 64 tuổi, hào dương đã hết, nguơn Tinh đã cạn kiệt thì lúc này không còn đủ “thuốc” để mà có thể “nấu” luyện kết tạo thành Linh Đơn, Thánh Thai, Phật Tử cho đặng (tuy nhiên vẫn còn một vài trường hợp đặc biệt là khi đã ngoài 64 tuổi vẫn có thể còn tu đơn luyện mạng được) hoặc có người bị lâm trọng bệnh không thể tiếp tục tu được nữa hoặc thậm chí có người theo lẽ vô thường của cuộc sống đã đột ngột qui liễu, chưa kịp tu theo “dự tính” của mình, thật uổng cho một kiếp tu học lập công! Đối với những trường hợp này thôi đành hẹn lại kiếp sau tu tiếp vậy! Nhưng đâu ai có thể biết chắc được rằng kiếp sau mình sẽ như thế nào?! Biết đâu nhờ vào công đức do kiếp này mình tạo dựng mà kiếp sau mình được hưởng phước giàu sang phú quý, chức cao vọng trọng… rồi lại tiếp tục gây thêm nghiệp chướng oan khiên, quên mất con đường tu luyện để quay trở về. Như vậy cứ mãi lẩn quẩn loanh quanh trong nẻo luân hồi sanh tử! Âu cũng là do nghiệp duyên của mỗi người mà thôi vậy! Nếu người có hội đủ căn duyên lành sẽ được Ơn Trên vận chuyển thọ được pháp tu theo đúng với chơn truyền của Đức Ngô để lại. Ngược lại thì đành chấp nhận hẹn lại kiếp sau tu tiếp vậy!
Chúng ta biết rằng Bí  Pháp Tâm Pháp Vô Vi  ban đầu chỉ khởi nguồn từ Đức Ngô Minh Chiêu trực tiếp truyền lại cho nền Đại Đạo mà thôi. Mục đích chính Thầy mở Đạo là mong muốn cho chúng sanh luyện mạng để giải thoát khỏi luân hồi sanh tử chứ không phải cứ mãi để cho con cái của mình cứ mãi chịu đắm chìm luân hồi trong cõi trần gian đau khổ này. Nếu như Đạo Cao Đài được khai mở mà không có Bí Pháp Tu Đơn Luyện Mạng để giúp chúng sanh giải thoát khỏi luân hồi sanh tử thì cũng sẽ không khác gì so với các nền tôn giáo đã ra đời từ trước (Những nền tôn giáo đã ra đời trước đây thì ngay tại thời điểm các đấng Giáo Chủ khai sáng  và thành lập đều có bí pháp tu đơn luyện mạng để giúp chư môn đồ giải thoát khỏi luân hồi sanh tử như Phật Giáo, Lão Giáo… nhưng qua nhiều thế hệ thì bí pháp tu đơn luyện mạng này đã bị chính các môn đồ của các nền tôn giáo đó canh cải, sửa đổi nhiều đến nỗi làm cho sai lệch mất chơn truyền buổi ban sơ mà các Đấng Giáo Chủ của họ đã truyền lại, đã khiến cho về sau nhiều người tu hoài mà không thể nào kết tạo được Linh Đơn, Thánh Thai, Phật Tử đặng. Chính vì điều này mà trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Thầy đã dạy: “Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng chịu giao Chánh Giáo cho tay phàm nữa.”), có khác chăng là ở những điểm như tư tưởng tiến bộ hơn về tính đại đồng, dung hòa, lòng yêu thương, tình huynh đệ, từ bi, bác ái; quan niệm về Vũ trụ quan và  nhân sinh quan được cụ thể rõ ràng hơn… Nếu chỉ khác nhau như vậy thôi thì Thầy đâu cần phải nhọc công khai mở mối Đạo Trời để làm gì! Chính vì điều này mà trong Đại Thừa Chơn Giáo, đàn cơ ngày 13 tháng 08 năm Bính Tý (1936), bài Xả Thân Giúp Đời, Thầy có giải thích cho chúng ta rõ thêm hơn về vấn đề vừa nêu trên, như sau:
“Thầy trông thấy đàn con chịu dày  dạn cuộc trần ai mãn tháng quanh năm vùi chôn tâm trí vào vòng danh lợi đày đọa, mãi luân hồi ở trong lò Thiên Quân sanh hóa.  Thầy bao nỡ ngồi an hưởng chốn thanh nhàn, nên phải lâm phàm mà tế độ các con, dùng cơ pháp khai Chánh Ðạo, mở nẻo Thiên Ðàng cho chúng sanh qui hồi cựu cảnh.
Giờ hôm nay, Thầy đến đây rồi, là ngày giờ hạnh phúc chung cho nhơn loại.  Thầy muốn cứu vớt các con thoát khỏi chốn hồng trần biển khổ, dứt dây quả báo luân hồi; mà Thầy dùng phương pháp chi để cứu độ các con?
Trong đám các con, phần đông chưa rõ thông lý Ðạo, tưởng Thầy dùng cơ giáo hóa là đủ, nào ngờ phải có một cái Pháp mầu nhiệm bí truyền, để khẩu khuyết cho con nào chán đời tầm Ðạo. Nhờ cái pháp tâm truyền ấy mới cổi xác phi thăng, vượt ra ngoài vòng tứ khổ, các con nào thấu đáo.
Thi:
Tam Giáo xưa nay một phép truyền,
Ðộ người thành Ðạo đắc Thần, Tiên,
Ngày nay Thầy đến hưng Chơn Giáo,
Thống nhứt Tam Thanh chuyển diệu huyền.”
Dẫu biết rằng việc tu đơn luyện mạng là việc vô cùng hệ trọng nhưng do nghiệp lực của mỗi chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay quá sâu dày, nếu một người tu bình thường (không phải là người có đại căn) mà ngay từ đầu bước thẳng ngay vào con đường tâm pháp thượng thừa để tu cầu giải thoát thì e không thể nào chịu đựng nổi những cơn nhồi quả do nghiệp lực mang lại (mỗi khi ngồi vào tu sẽ không được an ổn) nên Thầy phải lập ra hàng ngũ chức sắc, chức việc để điều hành và quản lý nền hành chánh đạo cũng như nhằm giúp cho việc phổ thông (phổ độ) nền Chánh Giáo ra một cách nhanh chóng và rộng rãi. Chính vì vậy mà trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Thầy đã từng dạy rằng: “Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con, chẳng chịu giao Chánh Giáo cho tay phàm nữa. Nhưng mà buộc phải lập Chánh Thể, có lớn nhỏ đặng dễ thế cho các con dìu dắt lẫn nhau, anh trước em sau mà đến nơi Bồng Ðảo”.
Và cũng chính nhờ được nhận lãnh những vai trò nhiệm vụ chức sắc, chức việc đó mà người tín đồ mới ham tu, ham lập công để từ đó giúp cho họ giải trừ dần được những nghiệp lực oan khiên mà mình đã gây tạo bấy lâu. Đến khi nghiệp lực được giảm tiêu phần nào thì khi ấy mới có thể đủ sức vượt qua những khảo thí khi bắt đầu bước chân vào con đường tâm pháp bí truyền tu đơn luyện mạng.
Và, ngay từ đầu khi lập ra các Phẩm vị Chức sắc Thiên phong, Thầy cũng đã tiên tri với đại ý rằng: Nhờ có các phẩm vị này mà các con mới ham lo tu học lập công để giải trừ dần nghiệp chướng oan khiên mà các con đã gây tạo từ vô lượng kiếp đến nay nhưng cũng chính vì những phẩm vị này rồi đây sẽ làm cho các con nghịch lại lẫn nhau.
Quả thật đúng như vậy, chính áo mão cân đai, sắc tướng bề ngoài từ các Phẩm vị chức sắc đã vô tình làm tăng thêm bản ngã tư tâm, làm cho con cái của Thầy không biết đó chỉ là giả tạm phương tiện để tu học lập công giúp giải trừ dần nghiệp lực, mà trái lại đa phần cứ lầm tưởng đó là thật mà cứ mãi tranh giành, hơn thua, mâu thuẩn nghịch lẫn nhau để rồi nghiệp cũ chưa kịp trả xong lại tiếp tục gây thêm nghiệp mới! Chính vì điều này mà có lần Thầy đã đau lòng thốt lên:
“Thờ Cao Đài nhưng không rõ nghĩa Cao Đài;
Phụng Thiên Nhãn mà tâm toàn phàm nhãn!”
Bên cạnh đó, trên thực tế cũng đã có rất nhiều vị lầm tưởng rằng mình tu đến phẩm Chức sắc cao cấp sẽ được đối phẩm ngang hàng với Thần Thánh Tiên Phật. Thí dụ một vị chức sắc có phẩm Giáo Hữu nghĩ mình là Địa Thánh; một vị có phẩm Giáo Sư nghĩ mình là Nhơn Thánh; một vị có phẩm Phối Sư, Chánh Phối Sư nghĩ mình là Thiên Thánh; và với các phẩm cao hơn nữa cứ nghĩ mình ngang hàng với Địa Tiên, Nhơn Tiên, Thiên Tiên. Như vậy tự cho rằng là mình đã đắc Đạo giải thoát rồi mà không hiểu rằng đây chưa phải là điều kiện cần và đủ để giải thoát, nhận đúng phẩm vị thật sự. Điều kiện cần và đủđể được giải thoát khỏi luân hồi sanh tử, tạo Tiên tác Phật không gì khác hơn là ngoài việc phải thọ bí pháp tu của Cao Đài  là “Luyện Đơn Nấu Thuốc” để kết tạo Linh Đơn, Thánh Thai, Phật Tử. Chúng ta thử chiêm nghiệm lại xem, các vị chức sắc cao cấp của HTTG trước đây sau khi qui liễu có về cơ xưng phẩm vị đã được Ơn Trên ban phong (như Đạo Trưởng Huệ Lương Trần Văn Quế xưng phẩm Quảng Đức Chơn Tiên, Đạo Trưởng Thanh Long Lương Vĩnh Thuật xưng phẩm Bảo Pháp Chơn Quân…), chúng ta đều biết rằng lúc sanh tiền quý  Đạo Trưởng đều có tu đơn luyện mạng cả. Quý Đạo Trưởng thời bấy giờ ngoài việc lo dốc lòng hành đạo lập công là vẫn luôn song hành chuyên cần dậy sớm thức khuya tu đơn luyện mạng (PHƯỚC HUỆ SONG TU).
Chúng ta thử đơn cử một thí dụ cho dễ hiểu hơn về tầm quan trọng của việc tu đơn luyện mạng để kết tạo Linh Đơn, Thánh Thai, Phật Tử: một con cá nếu muốn lên trên cạn sống được thì nó phải luyện cho trong thân mình có một cái gì đó có đủ khả năng thích nghi được với môi trường sống ở trên cạn. Nếu không có sự thích nghi đó thì khi con cá ấy vừa mới lên tới trên bờ, chỉ sau vài phút là dứt hơi lìa mạng liền. Người tu chúng ta cũng vậy, muốn lên được các cung cõi cao hơn, thanh hơn so với quả địa cầu thứ 68 này (trái đất chúng ta đang sinh sống) thì phải luyện cho mình có được một cái gì đó để có thể thích nghi và chịu được nổi với những áp lực tác động từ những cõi thanh hơn đó.“Cái” giúp chúng ta có thể tồn tại được trên các cung cõi thanh hơn đóchính là Linh Đơn, là Thánh Thai,  là Phật Tử có được là nhờ vào pháp tu luyện đơn nấu thuốc mà thôi vậy. (Một khi đã không có Linh Đơn, Thánh Thai, Phật Tử mà “lãng vãng” lên các cung cõi trên thanh hơn quả địa cầu thứ 68 này thì sẽ không thể nào chịu đựng được nổi với những áp lực thanh chất từ các cung cõi đó tác động đến, không khéo sẽ bị tiêu tan luôn cả phách hồn!). [Trong  Đại Thừa Chơn Giáo (đàn ngày 25-8 Bính Tý, 10-10-1936), bài Khuyến Tu Cho Thuận Thiên Ý, Thầy có dạy: Các con ngày hôm nay gặp Ðạo Thầy hoằng hóa thì cần lập chí luyện phanh, đem cái bổn tánh hư linh trở về ngôi vị cũ. Ngày giờ cuối cùng, Thầy vì thương yêu các con phải giáng phàm mà dìu dắt các con trở lại, nhưng các con phải hết lòng, đừng ỷ mình, hay là tưởng Thầy thương yêu rồi biếng nhác. Các con nên biết rằng: dầu Thầy cũng phải chịu dưới quyền luật của Ðạo thay. Các con bị mang xác thịt nặng nề, ngũ trược chận đè, linh tánh lấp vùi trong đó, Thầy thương yêu các con là Thầy điểm hóa cho các con. Các con phải vùng vẫy mà nhảy ra cho khỏi non đè núi chận, chớ đừng ngồi đó hoài đặng chờ Thầy bồng ẵm, không đặng đâu các con!Đạo là phân thanh khử trược. Hễ nhẹ nhàng trong sạch thì được hiệp nhứt cùng Thầy, còn nặng nề mê muội phải chìm xuống đáy. Vậy các con phải luyện cho đắc tánh thuần dương mới ở vào cảnh thiêng liêng đặng. Nơi cảnh thiêng liêng, không khí nhẹ nhàng hơn trăm ngàn lần không khí ở gần các con, nếu các con còn nhơ bợn một chút cũng không thể ở đặng.Thầy nói sự di sơn đảo hải là chuyện thường của Tiên Thánh, nhưng dời non đổi biển thì dễ, chớ đem các con trở lại thì khó lắm. Non biển tuy nặng nề nhưng không có mang thất tình lục dục, chớ xác phàm con người, tuy nhỏ nhít, mà vì lẫn cả sự dục vọng tà tâm, nên nặng nề hơn muôn ngàn hòn núi. Thầy có thương các con cũng không thể ẵm bồng cho đặng. Vậy các con phải dùng phương pháp tu tánh luyện mạng, khử trược lưu thanh mà thoát khỏi luân hồi lục đạo.”]
Có Linh Đơn, Thánh Thai, Phật Tử chúng ta mới có thể trường tồn muôn đời được cũng giống như lẽ Đạo trường tồn mãi theo thời gian vậy. Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Thầy cũng đã từng dạy: Linh Đơn một phẩm trường sanh muôn đờiVà, cũng chính nhờ có Linh Đơn, Thánh Thai, Phật Tử sẽ tự nhiên giúp cho từ suy nghĩ, lời nói đến hành động của chúng ta dần dần thuận hợp theo lẽ Đạo, thuận theo Thiên ý, thuận theo lẽ tự nhiên, thanh tịnh, giảm dần tham muốn dục vọng tà tâm  (Bởi vì một khi Đạo đã có ở trong người mình rồi thì tự nhiên sẽ từ từ giúp [điều khiển] cho mình không còn làm điều gì theo phàm ý và trái với lẽ Đạo nữa vậy!). Mà để tạo được Linh Đơn, Thánh Thai, Phật Tử thì phải nhờ có nguơn Tinh hiệp cùng nguơn Khí với nguơn Thần vận hành theo lẽ âm dương tương tác, động tịnh hài hòa mới tạo thành được.Dẫu biết rằng cõi trần là trọng trược, nặng nề sắc dục, khổ đau… nhưng chính nhờ có nguơn Tinh, có thể xác mới có thể giúp mình tu luyện được dễ dàng mà thôi. Chớ chờ đến khi thoát xác rồi chúng ta mới bắt đầu tu luyện thì sẽ gặp muôn vàn khó khăn và thời gian để kết tạo được Linh Đơn, Thanh Thai, Phật Tử sẽ rất chi là dài lâu nếu như không muốn nói là lâu thăm thẳm do không còn thể xác và nguơn tinh để mà luyện Đạo nữa.(Chúng ta thử cùng nhau chiêm nghiệm một điều để cảm nhận về sự mầu vi của lẽ Đạo: Theo lẽ thông thường thì nguơn Tinh của một người đàn ông (dương) khi tẩu lậu ra ngoài [thuận chuyển] kết hợp cùng với trứng noãn của một người phụ nữ (âm), sau một thời gian nhất định sẽ tự nhiên hình thành nên một hài nhi có đầy đủ đầu, mình và 2 tay 2 chân – Đây là sự mầu vi của lẽ Đạo mà với trí phàm thông thường chúng ta không làm sao có thể hiều được nổi; Ngược lại nguơn Tinh nếu được dùng đúng Pháp đạo để vận hành thần khí, theo lẽ âm dương tương tác, động tịnh hài hòa ngay tại bên trong cơ thể [nghịch chuyển, không để nguơn Tinh tẩu lậu ra bên ngoài] thì cũng sau một thời gian nhất định tự nhiên sẽ hình thành nên một “anh nhi” (chính là Linh Đơn, Thánh Thai, Phật Tử)cũng có đầy đủ đầu mình, 2 tay, 2 chân ngay chính bên trong cơ thể của người luyện Đạo – Đây cũng chính là sự mầu vi của lẽ Đạo mà với trí phàm thông thường chúng ta không làm sao có thể hiểu được nổi –Không mà Cũng giống như trước khi hình thành nên Càn khôn Vũ trụ thì khí Hồng Mông mịt mịt mờ mờ, âm dương hỗn độn tương tác, động tịnh hài hòa, huân chưng đầm ấm với nhau, sau khi đầy đủ ngày giờ dĩ định đã phát ra một tiếng nổ lớn rồi tự nhiên sinh ra một Đấng tối cao chúa tể Càn khôn Vũ trụ cũng có hình thể gồm có đầu, mình và 2 tay 2 chân – Đây chính là sự mầu vi của lẽ Đạo mà với trí phàm thông thường chúng ta không làm sao có thể hiều được nổi – Không mà ).
Chính vì điều này mà trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Thầy đã từng dạy: “Dầu một vị Đại La Thiên Đế xuống phàm mà không tu, cũng khó trở lại địa vị đặng. Các con nghe à!”. Và trong Đại Thừa Chơn Giáo, Thầy cũng có dạy về tầm quan trọng của việc luyện đơn nấu thuốc vì người tu chỉ thật sự giải thoát được khỏi luân hồi sanh tử khi tu tạo được Thánh Thai (hay còn được gọi với các tên gọi khác như Linh Đơn, Nhị Xác Thân, Xá Lợi, Kim Thân, Chơn Thân, Phật Tử…). Từ một chức sắc cao cấp cho đến một người tín đồ bình thường nếu như chỉ đơn thuần làm công quả cho nền Đại Đạo có sâu dày đến bao nhiêu đi chăng nữa mà không có luyện mạng (không tu pháp bí truyền luyện đơn nấu thuốc) thì sau này cũng chỉ luân hồi hưởng phước giàu sang với đời mà thôi chứ không thể nào thoát khỏi luân hồi sanh tử cho đặng:
Dễ gì làm đặng Phật, Tiên!
Ðặng là nhờ pháp bí truyền mà thôi.
Ngoài ra thì khó mong rồi!
Tu không luyện mạng luân hồi hưởng an.
Dẫu nhiều công đức thế gian,
Sau này hưởng phước giàu sang với đời.
Dễ chi nhập đặng cửa Trời,
Dễ chi thoát khỏi luân hồi tử sanh!
Tại sao?  Tại chẳng chí thành,
Kim Thân chẳng có, cao thanh khó về.”
(Trích từ “ĐẠI THỪA CHƠN GIÁO” bài “NỀN TẢNG CAO ĐÀI ĐẠI ĐẠO)
GHI CHÚ: XEM THÊM TOÀN BỘ BÀI “NỀN TẢNG CAO ĐÀI ĐẠI ĐẠO” ĐƯỢC TRÍCH TỪ QUYỂN KINH “ĐẠI THỪA CHƠN GIÁO” QUA ĐƯỜNG LINK MÀU ĐỎ BÊN DƯỚI:
==============================
Chánh pháp nhiều người hiểu biết sai,
Chỉ đâu 
hình tướng ở bên ngoài;
Chánh tâm diệt dục Như lai hiện,
Phá vọng hiển chơn trí huệ khai.
Đóng cửa luân hồi ơn Tận Độ,

Lấp bằng biển khổ pháp Cao Đài;
Nhờ tu mà được nên Tiên Phật,

Khó nhọc đừng nao mới gọi tài.”
[Đức Chí Tôn; Thánh Truyền Trung Hưng Giáo Pháp; Huyền Quan Đàn, 15.7 Tân Mùi (24.8.1991)]
==============================
“… xét kỹ lại kẻ tu hành thì nhiều, nhưng người thực hành đúng theo chánh giáo thì có được mấy! Họ chỉ biết có việc ăn chay, làm lành, lập công bồi đức, chứ có mấy người rõ thấu con đường Chánh pháp Kỳ Ba là gì! Dù có đa số còn lầm lẫn mãi cứ chạy theo thanh âm sắc tướng, lo sơn phết bề ngoài, mến chuộng những sự hư huyễn của trần ai giả tạm mà xao lãng con đường tu tâm dưỡng tánh là một điều cốt yếu để phản bổn huờn nguyên…
Tệ Thần không hiểu tại làm sao có người tu hành đã nhiều năm mà không hiểu con đường tu của mình sẽ ra sao? Chánh pháp của nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do đâu mà có? Ta phải đi đến đâu mà được về cùng Thầy? Cứ lẩn quẩn loanh quanh trong việc quỳ hương cúng nước lập công, mà không thấy đó chỉ là bước tu hạ thừa mà thôi! Dù cho công chất bằng núi mà không gặp chơn truyền chánh pháp thì bất quá là hưởng hồng phúc kiếp sau mà thôi, chớ làm sao quy hồi cựu vị!”.
[Đức Tuệ Minh Thần, Thánh Truyền Giáo Pháp 1, Tịnh đường 23.6 Nhâm Dần (1962)]
==============================
VẤN ĐỀ THỨ 2: ĐỒNG TỬ CỦA CAO ĐÀI
Đồng tử là người phò cơ chấp bút để được các đấng Thiêng liêng chỉ dạy Đạo cho nhơn sanh tu học. Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển Thầy có dạy rõ: “Phải có một chơn linh tinh tấn mới mầu nhiệm, huyền diệu, phải trường trai mới đặng linh hồn tinh tấn, phải tập tánh chí Thánh Tiên Phật mới phò cơ dạy Đạo cả chúng sanh. Kẻ  phò cơ chấp bút cũng như tướng soái của Thầy để truyền Đạo cho thiên hạ. Con đừng tưởng việc bút cơ là việc tầm thường…”
Sứ mạng của người đồng tử thật quá quan trọng nên người đồng tử phải ý thức được vai trò rất thiêng liêng cao cả của mình mới xứng đáng với Thiên vị sẵn giành. Còn nếu không giữ được tinh thần thuần chơn vô ngã, chí công vô tư trong phận sự mình thì có ngày đền tội theo luật Thiên điều vậy.
Công việc tiếp điển của các vị đồng tử giống như một con dao hai lưỡi, nếu tiếp trọn được Thiên ý, hoặc chỉ viết ra theo nhơn ý thôi nhưng mang lại nhiều lợi ích cho nhơn sanh tu học tiến bộ thì được công đức, ngược lại nếu viết ra theo nhơn ý nhưng mang ý đồ chính trị đạo, làm báo hại cho việc tu học đi ngược lại với sự tiến bộ của nhơn sanh, một tay che Trời thì sẽ mang lấy trọng tội, sau này sẽ phải chịu tội trước Tòa Tam Giáo phán xét vậy.
Chúng ta đừng nghĩ rằng tất cả những bài Thánh Giáo được các đồng tử viết ra sẽ khiến cho mọi người ai đọc qua cũng đều tin tưởng những lời dạy đó 100% là lời dạy của Ơn Trên cả. Mỗi người tín đồ Cao Đài đều có một thiên tánh mách bảo, mỗi khi đọc qua 01 bài Thánh Giáo nào đó, dù không nói ra nhưng trong họ vẫn có thể tự cảm nhận được đâu là lời dạy của Thiên ý và đâu là của nhơn ý, họ có quyền tin hay không tin mà không ai có quyền bắt buộc họ phải tuyệt đối tin theo cả. Không phải tất cả những gì được người đồng tử viết ra thì đều là của Thiên ý cả là vì đôi lúc khi tiếp điển người đồng tử đã không giữ được tâm không, đại thanh tịnh, thuần chơn vô ngã, chí công vô tư, thậm chí còn có sự sắp xếp chuẩn bị từ trước thì dù có muốn vị đồng tử đó phải viết ra theo ý mình để dạy dỗ nhơn sanh thì Ơn Trên cũng phải “bó tay” trước những vị đồng tử như vậy. “Cao Đài ứng hóa theo lòng chúng sanh”, “Đạo khai thì Tà khởi”, do vậy nếu một vị đồng từ nào đó không giữ được chánh tâm thì ắt khi tiếp điển sẽ sai với Thiên ý. Chỉ chờ cho những vị đồng tử này thoát xác rồi thì Tòa Tam Giáo mới luận tội mà thôi.
Đệ Chánh Tuân.

=============================
PHỤ LỤC:
“Bực Ðại Thừa dạy về vô hình, nên cần tu tánh luyện mạng, muôn việc có như không có.  Xưa kia KHỔNG THÁNH cũng đã rõ thông chí lý về đại thừa trong lúc HẠNG THÁC truyền trao, nên sau mới thành đến bực Ðại Thành Chí Thánh.  Nhưng phần nhiều truyền dạy cho đời là chỉ về đường Nhơn Ðạo, cứ lo rộng mở cho con người biết luân thường Ðạo lý.  Còn về tâm pháp thì dạy cho có một phần ít trong đệ tử thôi.  Cho nên đời sau tưởng lầm rằng KHỔNG THÁNH không hề tu luyện đến Thiên Ðạo, chớ kỳ trung sao sao cũng phải rõ thông cơ Tạo Hóa, hòa hiệp máy âm dương mà luyện thành kim đơn thì mới thành Ðạo đặng.” (Trích từ kinh Đại Thừa Chơn Giáo, đàn cơ ngày 09 tháng 08 Bính Tý (1936), bài “KHỞI TRUNG TÂM ĐẠO”).
=============================
“Nguồn Ðạo đức gia công nghiên cứu,
Pháp chơn truyền chí bửu Phật, Tiên,
Chúng sanh nương lấy làm thuyền,
Vượt qua biển khổ vào miền Bồng Lai.
Luyện cho đắc Thánh Thai Phật Tử,
Lập chí cao quân tử tu hành,
Ðể lòng yên lặng bạch thanh,
Pháp luân tự chuyển vận hành ngũ quan.
Phục chơn dương Khôn Càn định vị,
Ðem trở về nguyên thỉ linh căn,
Ðạo càng ngày một tiến tăng,
Kiết đơn hiệp khí thượng tằng hư vô.”
(Trích từ kinh Đại Thừa Chơn Giáo, đàn cơ ngày 01 tháng 10 Bính Tý (1936), bài “TẦM TU CHƠN ĐẠO”).
=============================
“Thi:
NGỌC chẩm huyền môn phá khiếu trung,
HOÀNG lư pháp diệu Khảm Ly cung,
THƯỢNG điền ký tế âm dương huợt,
ÐẾ dĩ Càn Khôn vạn vật tùng.
Mừng các con, đại tịnh, nghe Thầy minh Ðạo.
Thầy giáng giờ nay là vì các con nhứt tâm thiện nguyện tu hành đặng thoát ly tứ khổ.
Than ôi! Các con còn khuyết điểm rất nhiều trong bước đường Ðạo đức.  Ngày nay đã tìm ra lý chánh, lánh đường tà thì các con phấn lực tận tâm thiệt hành pháp diệu.  Thầy sẽ truyền Ðạo pháp chỗ “QUÁN NHỨT CHẤP TRUNG” cho các con phanh luyện, tụ khí ngưng thần hầu có siêu phàm nhập thánh.  Nếu các con chẳng đặng nhứt tâm thì phải chịu luân hồi chuyển kiếp vạn vạn muôn muôn, tùy cơ tuần huờn vận chuyển mà tấn hóa mãi cho tận đến nơi Thầy, biết bao nhiêu là khó khăn lao lụy.  Vậy các con phải biết rằng: Ðạo là vô vi, hạo nhiên chi khí, vận tải châu lưu trước khi sanh Trời, Ðất.  Trời, Ðất phải bẩm thọ khí hạo nhiên sanh ra rồi phân định Nhựt, Nguyệt, Tinh cùng muôn loài vạn vật.
Các con ngày trước thọ bẩm nơi Thầy một điểm “thanh hư huyền khí” giáng trần, bị khí Hậu Thiên hãm sát vào làm cho vật báu linh biến tan ra nơi thất tình, lục dục, lục trần, lục căn mà tiêu tan lần lần hết tam bửu ngũ hành. Càng ngày càng làm cho hư hỏng cái điểm thanh quang của Thầy ban cấp, biết đường sá đâu mà trở lại, dầu có muốn trở lại cũng chẳng dễ gì.  Là tại sao các con?
Là tại không có Thánh Thai Phật Tử đó vậy.
Tại sao các con phải chịu chuyển kiếp luân hồi?
Là vì các con xa nơi chỗ Ðạo, hư hỏng tinh thần, tiêu mòn khí huyết, chẳng biết đem tánh mạng hiệp hòa, luyện tam bửu cho đầy, qui năm hành nhứt khiếu.
Sao lại tử tử, sanh sanh?
Các con muốn hiểu chỗ Ðạo thì trước phải phanh luyện tinh thần và phải tạo một cái xác thân thiêng liêng kêu rằng “Mâu Ni” hay là “Xá Lợi“.  Cái xác thân thiêng liêng ấy bất tiêu, bất diệt, bất tử, bất tồn, mà các con cần phải có xác thân ấy.
 Xác thân ấy là chi?
 Là cái bổn tánh thuần dương vậy. Khi các con bỏ xác phàm nầy thì điểm linh quang của các con nương theo đó mà về thẳng đến nơi Thầy. Còn các conkhông có cái xác thân ấy, các con phải chuyển kiếp khác hoài hoài, luân hồi khó dứt. Còn như các con không chuyển kiếp đầu thai thì các con phải luân vơi nơi âm dương khí mà hóa tan rã ra thành mây mưa gió bụi.  Vậy thì điểm linh hồn của các con phải tiêu diệt còn chi.  Các con phải biết rằng:  Muốn tạo xác thân thiêng liêng ấy chẳng phải dễ mà cũng không khó chi. (Cười . . .)


Thầy hỏi thử: như loài thủy tộc nó không luyện đến khí hư linh này, nó bỏ nước mà ở khô đặng chăng? Là vì nó ở chất thủy quen (khí chất lỏng).  Ít nữa muốn từ nơi thủy mà lên khô ở thì cá ấy phải luyện cho hạp với khí hư không, còn không hạp thì  trong đôi phút đồng hồ phải dứt hơi mà chết. Các con khá biết à! ” (Trích từ Đại Thừa Chơn Giáo, đàn cơ ngày 28 tháng 08 Bính Tý (1936), bài “THẬP TỰ TAM THANH”).
=============================
“Ðây Thầy minh về chương “LUYỆN ÐẠO” cho tất cả chúng sanh tường thức tu hành đặng thoát kiếp tử sanh cho kịp cơ tấn hoá.
Ðại Ðạo hoằng khai trải chín niên dư, mối chơn truyền chưa phải thời kỳ phát lộ, là vì đương buổi phôi khai phổ độ, để lần lần cho người tầm đến chỗ cao siêu.
Ngày nay Ðạo đã trải qua thời kỳ phổ thông mà bước đến thời kỳ giáo hoá, nên chi Thầy mới giáng cho một pho kinh ÐẠI THỪA TÂM PHÁP để cho các con tầm lối băng về.  Noi theo giáo lý của Thầy đây chắc là thoát khỏi bến mê, bể khổ.
Các con phần nhiều tu có tu, mà hành không chịu hành. Tu là sao? Hành cách nào? Chữ Tu Hành các con hằng nói mà các con không chịu tham khảo cho ra cái nguyên lý của chữ “Tu Hành”, rồi tu mãi không thấy ấn chứng (chẳng thành) thì các con lại ố Ðạo của Thầy mà theo kẻ manh sư, lạc vào bàng môn ngoại Ðạo.
Thầy chỉ sơ cho các con tường chỗ Ðạo.
Ðạo Thầy là vô vi thì dẫu cho sự chi cũng dùng vô vi mà chuyển hóa. Cái tâm pháp bí truyền của Tam Giáo Thánh Nhơn xưa kia với cái tâm pháp bí truyền ngày hôm nay cũng một, nhưng cái nền tảng giáo lý xưa kia rất cao siêu, tuyệt diệu, để khẩu truyền tâm thọ cho những người thượng đạt, kẻ hiền nhân, chớ những hạng trung trí, hạ ngu có dễ gì truy tầm cơ nguyên của Ðạo. Lần lần trải qua trong mấy thời kỳ, nhơn tâm biến đổi, xu hướng về lối vật chất phế bỏ tinh thần, nên chi cái tâm pháp lu lần là tại người tầm không thấu nổi.
Ngày nay Thầy thấy ba nền giáo lý đã xiêu bè, xiêu đổ, làm cho nhơn sanh không biết đâu mà tế độ đặng trông vào. Thầy mới giáng thế khai Chơn Ðạo đặng trao mối chuẩn thằng tâm pháp cho các con nào có thiện duyên, lo tu luyện mà thoát miền trần thế.
Thi
Ðạo mầu nguyên tố ở đâu ra?
CHIÊU xuất chơn linh đến Bửu Tòa,
Học pháp huyền  truyền lại thế,
Luyện thành Tiên, Phật, dứt tiêu ma.”…
Thi Bài
…“Bảo tồn cho cuộc tương lai,
Dựng gầy nền tảng Cao Ðài Tiên Thiên.
Luận qua  pháp tâm truyền,
Phương châm tu luyện mối giềng xưa nay.
Ðạo là một cái gia tài,
Lưu truyền giữ mãi tháng ngày không hư.
Biết tầm Ðạo, chọn Minh Sư,
Thọ lời bí khuyết cũng như thành rồi.
Phương chi thoát khỏi luân hồi,
Chỉ nhờ pháp nhiệm phủi rồi nghiệp duyên.
Muốn làm nên Phật, Thánh, Tiên,
Làm chi cũng học pháp huyền luyện đơn.
Luyện thành một vị Chơn Nhơn,
Muôn năm bền vững chẳng sờn hư tan.
Các con phải hiểu, phải tàng,
Ðạo Thầy u ẩn, minh quang tâm điền.
Con nào hữu kiếp thiện duyên,
Gặp Minh Sư chuyển diệu huyền nơi tâm.
Tu đừng luận phải nhiều năm,
Có duyên đặng ngộ Ðạo ngầm chuyển luân.
Tâm thần phát hiện kết ngưng,
Võ văn chế luyện có chừng thì thôi.
Công phu bốn buổi xong rồi,
Ðể giờ tu tịnh đắp bồi linh căn.
Xử tròn nợ thế Ðạo hằng,
Làm ăn cứ việc làm ăn như thường.
Nhưng mà đừng có vấn vương,
Ðừng đem vào dạ, đừng thương ghét người.
Ðạo càng cao, đức càng tươi,
Dầu ai nhục mạ cũng cười làm vui.
Trái oan con gỡ cho xuôi,
Nhơn tình qua lại, tới lui, bớt lần.
(Trích từ kinh Đại Thừa Chơn Giáo, đàn cơ ngày 01 tháng 10 Bính Tý (1936), bài “LUYỆN ĐẠO TU HÀNH”).
=============================
“Vậy con người cần phải phân biệt cái nào là nguơn thần, cái nào là thức thần, sự nào chơn, điều nào giả. Có khi thức thần tính làm chuyện quấy quá, tội tình, vô Ðạo đức mà trong đó lại có nguơn thần không chịu cho làm những chuyện quấy quá.
Nguơn thần muốn làm điều ít lợi chung, còn thức thần thì toan bề ích kỷ.
Sự nào không cắn rức lương tâm là của nguơn-thần muốn vậy, còn sự nào nhức nhói lương tâm là của thức thần ham muốn, khiến sai.
Trong tâm con người có nguơn thần và thức thần, khi thì muốn động tác lúc lại chịu vô vi, ấy là hai điều khá chọn lựa.  Phải biết nhơn tâm, đạo tâm khác xa. Giả thân, chơn thân hai thứ.
Sao là chơn thân, giả thân?  Ngoài cái giả thân này, còn một cái chơn thânkhác nữa. Chơn thân ấy là chi?  Là nhị xác thân vậy. Cái xác thân ấy vững bền muôn kiếp, sống mãi bằng Trời, không tử, không sanh, không thêm, không bớt.  Luyện đặng cái chơn thân nầy thì trường sanh bất tử, khỏi chịu quả báo luân hồi, đời đời, kiếp kiếp an hưởng vui chơi nên Bồng Lai Tiên cảnh, ấy là Chơn Nhơn vậy.
Thầy thấy người đời hằng lầm tưởng cái giả thân (nhơn thân) này tu luyện đặng cầu bất tử, trường sanh. Khờ lắm thay! dạy lắm thay! Bởi câu chấp mà sa mãi tội tình, trầm luân muôn kiếp. Cái xác thân nặng nề, nhơ bẩn thối tha này còn ham hố làm chi? Cái điểm linh hồn bị mang xác thịt này, chẳng khác chi bị núi Thái Sơn dằn chận. Cái điểm linh hồn ngày nào bỏ đặng xác thân này thì chẳng khác chi để gánh Thái Sơn xuống vậy. Người tu hành đắc Ðạo không bao giờ chịu mang xác thịt này nhiều ngày. Ở thế, nó nặng nề lắm, đường xa muôn dặm vơi vơi, dầu dùng sức ngựa truy phong đi mãn kiếp cùn đời chẳng thấu, chớ linh hồn mà đặng bỏ xác thịt nặng nề này rồi thì trong bốn biển nháy mắt đến nơi tận chốn.
Linh hồn ra khỏi xác thân này thì mừng vui khôn xiết, khoái lạc vô cùng, những linh hồn nào còn nặng nghiệp quả tiền khiên phải chịu vâng theo Tạo Công sai khiến, mượn xác thịt lập công, trả cho rồi nghiệp quả. Những Phật, Tiên ngày trước cũng dùng điểm linh quang giáng thế, mượn xác thịt mà luyện đạo. Lấynguơn khí, nguơn tinh hiệp cùng nguơn thần tạo nên Tiên, Phật. Có nhị xác thân thì từ đó sắp sau mới là có thứ ngôi địa vị, chứ điểm linh quang là một cái yến sáng mà thôi, nhưng cũng biết linh thông biến hóa.
(Trích từ Đại Thừa Chơn Giáo, đàn cơ ngày 16 tháng 08 Bính Tý (1936), bài “XUẤT THẦN”).

=============================
Ðiểm Linh Quang là gì?
Là một cái yến sáng mà thôi. Thái Cực là một “khối Ðại Linh Quang” chia ra, ban cho mọi người một điểm “tiểu Linh Quang”, khi đầu thai làm người. Ðến chết điểm linh quang ấy quày về hiệp nhứt với “Ðại Linh Quang”.
Các con có rõ hai chữ: Thiêng Liêng chăng?
Thiêng Liêng là nối tiếp theo. Hễ kẻ nào tu đắc Ðạo cũng phải chịu dưới luật riêng cơ pháp.
Trời ban cho mỗi người một điểm linh quang (nguơn thần). Ðiểm linh quang ấy phải đầu thai xuống thế giới hữu hình vật chất này, mượn xác phàm tu luyện mới thành Tiên đắc Phật. Nhờ có cái xác phàm nầy mới thành Ðạo mà tạo Phật tác Tiên, tiêu diêu cảnh lạc. Tại sao vậy?
Tại tuy có nguơn thần mà không có nguơn tinh, nguơn khí thì làm sao tạo thành nhị xác thân. Nguơn thần là dương, nguơn khí là âm. Ðạo phải có âm dương mới sản xuất anh nhi tạo thành xá lợi.
Mượn cái xác phàm này mà lấy nguơn tinh (khí, huyết) rồi luyện nguơn tinh cho thành nguơn khí thì tinh Hậu Thiên trở lại tinh Tiên Thiên.
Luyện nguơn khí là nuôi lấy nguơn thần cho sáng suốt. Dầu cho vị Phật, Tiên nào cũng phải chịu đầu thai vào thế giới vật chất luyện cho đắc thành Thánh Thai Phật Tử mới về ở thế giới hư linh, chớ đừng nói trong hàng Phật, Tiên đắc Ðạo mà không tu luyện theo pháp này thì làm sao thành chánh quả!
Phép luyện đơn chẳng chi lạ.  Hễ muốn tạo thành Thánh Thai tất phải dụng công phu nghịch chuyển pháp luân thì thành Thánh, còn thuận hành nhơn dục là vi phàm.”
(Trích từ kinh Đại Thừa Chơn Giáo, đàn cơ ngày 03 tháng 08 Bính Tý (1936), bài “LUẬN VỀ ĐẠI ĐẠO TÂM TRUYỀN”).
=============================
“Nhưng đã đặng làm người phải tấn hóa, mà tấn hóa mãi thì cần phải chịu chuyển kiếp trăm ngàn lần đặng học hỏi mọi lẽ thế gian. Ðặng làm người rất khó.
Người muốn tấn hóa đến phẩm vị Tiên, Phật, Thánh, Thần thì phải tu tâm, dưỡng tánh, tích đức, thi ân. Từ đây mà lên đến địa vị Tiên, Phật rất là chua cay nông nỗi, có dễ dầu chi . . .
Nhưng người nào có lòng thiện Ðạo tu hành, tánh cách hiền lương, hòa hảo thương yêu cả mọi người, thị của đời mộng ảo, không ưa vật chất, chỉ chuộng tinh thần, ý chán đời không lưu luyến đỉnh chung lợi lộc thì có ngày gặp Tiên, Phật chỉ truyền cái phép tu tánh luyện mạng, qui tam bửu ngũ hành, tạo thành ngôi vị.  Ấy là tấn hóa đến phẩm Tiên, Phật rồi thì tiêu diêu khoái lạc, an hưởng chốn thanh nhàn, không dời đổi biến thay.
Ðiểm linh hồn nào cũng phải chun qua cái cửa đó mới thành Tiên, Phật. Còn người không tu thì phải chịu ở mãi dưới thế giới hữu hình này mà lập công quả, học hỏi cho khôn ngoan cho đến tánh cách chí thiện, chí mỹ thì chừng đó mới sang qua thế giới khác, cũng làm y như vậy mà đặng sang qua thế giới khác nữa.  Ít ra con người phải đầu thai trăm ngàn lần, công phu khổ hạnh mới đặng bỏ địa cầu này đến địa cầu khác, khó nhọc biết bao, chuyển kiếp đi vòng quanh mãi, trong Tam Thiên Thế Giới, Tứ Ðại Bộ Châu, Thất Thập Nhị Ðịa, Tam Thập Lục Thiên. Ðúng ba nguơn sợ không có chí khó nhập vào Thiên môn Phật cảnh đặng, chi cho bằng tu tắt là thọ bí pháp luyện Tiên đơn, ấy là cái thang phép mầu vi vượt cảnh hay là cái “Bửu Phan” để rước linh hồn.  Các con khá kiếm hiểu lời Thầy nói đó.
Còn sự tấn hóa thì từ con thú đến làm người còn dễ, chớ người mà tấn hóa đến Tiên, Phật khó thay, vì con người cả mang lòng dục vọng, ham muốn, ưa chuộng tửu, sắc, tài, khí, lưu luyến tình đời, dâm dục quá độ, hung bạo không ngằn thì phải chịu thối hóa trở lộn xuống mang lông đội sừng mà đền bồi tội quả.
Thi
Then máy huyền vi đã mở rồi,
Vén màn bí mật dứt luân hồi,
Thiên cơ phát hiện ai tầm đoạt,
Tạo Phật tác Tiên trở lại ngôi.
Thi bài
NGÔI HAI giáng thế cứu đời,
Ban truyền pháp luật Ðạo Trời phá mê.
Cuộc trần ngó đến mà ghê,
Chúng sanh đắc tội khó bề thảnh thơi.
Kìa coi vật đổi sao dời,
Vững vàng chỉ một Ðạo Trời chẳng lay.
Thiên  mật pháp chỉ bày,
Hầu đưa nhơn loại đến đài Linh Tiêu.
Thầy vì quá lẽ mến yêu,
Nên chi giáng thế dắt dìu chúng sanh.
Thấy con không nở bỏ đành,
Bèn quay bánh pháp nghịch hành vớt lên.
Chỉ phương xây móng đắp nền,
Luyện huờn tam ngũ làm nền Tiên Gia.
Âm dương hỗn hiệp điều hòa,
Huân chưng đầm ấm mới là kiết đơn.
Ðiểm khai trong khiếu Nê Huờn,
Long thăng hổ giáng bảo nguơn xuất thần.
Luyện thành đặng nhị xác thân,
Lọc tinh lấy khí nuôi thần thông minh.
Ngày đêm trau sửa tánh tình,
Giữ tâm thanh tịnh vẹn gìn Ðạo cao.
Trong ngoài chẳng động đừng xao,
Hồi quang phản chiếu hiện màu bạch quang.
LY cung lấp đặng thì CÀN,
Chơn dương tám lượng rõ ràng trong âm.
LY thuộc hỏa, hỏa tạng tâm,
Huờn hư KHẢM vị khí trầm thần quang.
KHẢM LY trở lại KHÔN CÀN,
 Ðồ chánh Ðạo, sái đàng Lạc Thơ.
Tu đơn luyện k bốn giờ,
Hống Diên giao cấu đợi chờ thuốc sanh.
Dưỡng châu Bát quái vận hành,
Như gà ấp trứng, mèo rình chuột ra.
Luyện đơn lấy thuốc Tiên gia,
Xông riêm thần khí điều hòa đắc linh.
Thi:
Linh Ðơn chí bửu, bửu trường sanh,
Luyện đắc Thánh Thai Ðạo đức thành,
Trường cửu thiên thu an hưởng mãi,
Vò tròn quả phước đặng nhàn thanh.
(Trích từ kinh Đại Thừa Chơn Giáo, đàn cơ ngày 12 tháng 08 Bính Tý (1936), bài “NHƠN VẬT TẤN HÓA”).
=============================
“Thi
NGỌC chiếu huy hoàng vạn vật minh,
HOÀNG Thiên chuyển hóa độ quần linh,
THƯỢNG thừa tâm pháp truyền ban thế,
ÐẾ lịnh thi ân nhứt quyện kinh.
       Thầy các con. Thầy mừng các con.
       Thầy miễn lễ, các con an tọa.
Thi Bài:
       Thầy xuống thế kỳ ba khai Ðạo,
       Ðem ba nền Tôn Giáo thuyết minh,
              Gây thành chủ nghĩa hòa bình,
Ðại đồng chánh lý, Ðạo Huỳnh phát hưng.
       Quay bánh phép chuyển luân trở lại,
       Vớt chúng sanh khỏi hại luân hồi,
              Tiến hành phục đáo cựu ngôi,
Phá tan tứ khổ, dứt rồi nghiệp duyên.
       Chốn sông mê sẳn thuyền cứu vớt,
       Nước cam lồ rửa bớt oan khiên,
              Muốn làm nên Phật, Thánh, Tiên,
Thì Thầy khẩu khẩu tương truyền cho tu.
       Ðặng vẹn phá ám mù tục tánh,
       Rồi noi theo đường chánh tầm phăng,
              Luyện thâu không khí thượng tằng,
Kim thân xuất hiện đằng đằng khinh thanh.
       Có hai lẽ là Lành với Dữ,
       Có hai đường là Tử với Sanh,
              Biết tu thì đặng chứng thành,
Không tu phải chịu nhọc nhành bại vong.
       Tu cũng có đi vòng đi tắt,
       Ði tắt là ngộ đắc Thiên cơ,
              Công viên quả mãn đoạt cờ,
Nương theo xá lợi đơn thơ triệu hồi.
       Ði vòng cổi cho rồi thất phách,
       Trả quả mà rửa sạch lòng phàm,
              Tùy cơ tấn hóa mà làm,
Vòng quanh khu ốc quét tam tâm tà.
       Cao Ðài giáo kỳ ba chánh giác,
       Người chán đời tầm đoạt chơn truyền,
              Ðại thừa Ðạo chánh Tiên Thiên,
Luyện hồn chế phách đăng Tiên hưởng nhàn.
       Trong cửu chuyển phải tàng tâm pháp,
       Phải y hành cho hạp phép tu,
              Ăn ở theo lẽ hạp phù,
Trước tua vẹt phá ám mù cho tan.
       Làm Tiên, Phật phải tàng cơ nhiệm,
       Phải tham thiền mà kiếm lý minh,
              Nhứt là dưỡng khí, tồn tinh,
Tinh khô, khí tận, thần linh chẳng còn.
       Sơ Nhứt Chuyển lo tròn luyện kỹ,
       Xây đắp nền thần khí giao thông,
              Diệt trừ phiền não lòng không,
Thất tình, lục dục tận vongđơn thành.
       Tâm Ðạo phát thanh thanh tịnh tịnh,
       Dưỡng Thánh Thai chơn bỉnh Ðạo Huyền,
              Ngày đêm cướp khí hạo nhiên,
Hiệp hòa tánh mạng, hống diên giao đầu.
       Sang Nhị Chuyển diệu mầu ứng lộ,
       Bế ngũ quan Tứ Tổ qui gia,
              Âm dương thăng giáng điều hòa,
Huân chưng đầm ấm tam hoa kiết huờn.
       Khai cửu khiếu kim đơn phanh luyện,
       Vận ngũ hành lưu chuyển Càn Khôn,
              An nhiên dưỡng dục chơn hồn,
Làm cho cứng cát, lớn khôn diệu huyền.
       Ðến Tam Chuyển Hậu Thiên ngưng giáng,
       “Nhứt Bộ” thành Ngọc Bảng đề danh,
              Công phu khử trược lưu thanh,
Linh đơn một phẩm trường sanh muôn đời.
       Qua Tứ Chuyển cơ Trời phát lộ,
       Thoát ngoài vòng tứ khổ trần ai,
              Gom vào tư tưởng trong ngoài,
Luyện phanh trong sạch Thánh Thai nhẹ nhàng.
       Ngũ Chuyển Ðạo thông tàng cơ nhiệm,
       Ngồi định thần tầm kiếm căn nguyên,
              Xuất thần lên cảnh Thần Tiên,
Học thêm tâm pháp bí truyền cao siêu.
       Lần Lục Chuyển tam diêu bất động,
       Tâm vô vi trống lổng căn cơ,
              Bụi trần không thể đóng dơ,
Linh đơn hai phẩm giựt cờ Thánh, Tiên.
       Thất Chuyển pháp hạo nhiên chi khí,
       Luyện Chơn Thần qui vị hưởng an,
              Linh Sơn nở búp sen vàng,
Cổi rồi bảy thể nhẹ nhàng biết bao.
       Bát Chuyển đức thanh cao thấm nhuận,
       Ðến bực này thì chứng Kim Tiên,
              Không không, không hậu, không tiền,
Không hay, không biết, không phiền não an.
       Lửa cung Ly nấu vàng cung Khảm,
       Lọc âm dương hai tám thành cân,
              Hồn còn nương náu xác thân,
Nhưng không dính líu bụi trần vào thân.
       Cửu Chuyển đắt Lôi Âm an hưởng,
       Mặc vui chơi bốn hướng ba nhà,
              Rượu cờ vui thú sen hoa,
Ðào Tiên chung cuộc điều hòa cảnh không.
       Phép Tiên, Phật thần thông vô lượng,
       Ứng hóa linh cao thượng toàn năng,
              Quí thay cảnh báu chi bằng,
Nghêu ngao khiển hứng gió trăng khó lường.
       Thầy chỉ sơ con đường Trung Ðạo“,
       Ðạo trung hòa Thánh Giáo phát minh,
              Trung là nguồn cội nhơn sanh,
Không chinh, không đảo chung quanh qui về.
       Trung là cốt không xê chẳng xít,
       Trung là không lúc ít hồi nhiều,
              Trung bình bằng thẳng một chiều,
Vật chi không khỏi ngoài điều cái trung.
       Không thái quá, không dùng bất cập,
       Giữ bực thường bồi đắp thiện căn,
              Lương tri lại với lương năng,
Mở mang trí hóa Ðạo hằng luyện tu.
       Hòa âm dương thượng phù ngưng giáng,
       Kết lại thành hình dạng chúng sanh,
              Âm dương phản đối vận hành,
Huân chưng đầm ấm hóa sanh muôn loài.
       Người luyện Ðạo đừng sai Thánh huấn,
       Mà để làm triệu chứng đơn kinh,
              Người tu trước phải dọn mình,
Cho thanh bạch tượng, cho tinh sạch lòng.
       Giữ ngoài rồi gìn trong đúng đắn,
       Ðể cho tâm an lặng không không,
              Ấy là thần khí giao thông,
Càn Khôn thăng giáng, cọp rồng xuống lên.
       Pháp Cửu Chuyển là nền thanh khiết,
       Thoát luân hồi đoạn diệt oan khiên,
              Còn chi nghiệp quả nối chuyền,
Tâm không đắc Phật, thành Tiên tại trần.
Thi:
Trần ai đày đọa biết bao hồn,
Sóng dục đời người chịu lấp chôn,
Nặng nghiệp oan khiên nhồi quả kiếp,
Tùy cơ tấn bộ mới là khôn.
       Thầy ban ơn các con.  Thầy thăng.”
(Trích từ Đại Thừa Chơn Giáo, đàn cơ ngày 19 tháng 08 Bính Tý (1936), bài “TAM THỪA CỬU CHUYỂN”.

=============================
GHI CHÚ:
1. SAU KHI ĐỌC QUA BÀI VIẾT NÀY, RẤT MONG QUÝ ANH CHỊ EM DÀNH MỘT ÍT THỜI GIAN ĐỂ ĐỌC LẠI THẬT KỸ VÀ CHIÊM NGHIỆM LẠI TOÀN BỘ QUYỂN KINH “ĐẠI THỪA CHƠN GIÁO”, QUÝ ANH CHỊ EM SẼ CẢM NHẬN ĐƯỢC LỜI DẠY CỦA THẦY VÀ CÁC ĐẤNG THIÊNG LIÊNG TRONG QUYỂN BỬU KINH NÀY RẤT CHI LÀ THẤU TÌNH VÀ ĐẠT LÝ:

2. XEM THÊM TOÀN BỘ BÀI “NỀN TẢNG CAO ĐÀI ĐẠI ĐẠO” ĐƯỢC TRÍCH TỪ QUYỂN KINH “ĐẠI THỪA CHƠN GIÁO” QUA ĐƯỜNG LINK MÀU ĐỎ BÊN DƯỚI:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét