Thứ Tư, 27 tháng 10, 2010

Hoàn thiện hóa bản thân



HOÀN THIỆN HÓA BẢN THÂN
Vạn Quốc Tự, Tuất thời 14 tháng 6 Kỷ Dậu (27/07/1969)

THIỆN TÀI ĐỒNG TỬ, Tiểu Thánh chào chư Thiên mạng, chào chư liệt vị đàn tiền. Vâng lịnh báo đàn, chư liệt vị thành tâm nghinh tiếp Đức QUAN ÂM BỒ TÁT, Tiểu Thánh chào chung xin xuất ngoại ứng hầu, thăng.


TIẾP ĐIỂN:

THI:
 

Khói tỏa mây giăng phủ bít đầu,
Con thuyền khổ hải luớt về đâu;
Thắp đèn chơn lý soi đường sáng,
Cho khách hồng trần thoát bể dâu.


QUAN ÂM BỒ TÁT, Bần Đạo chào chư Thiên mạng, mừng chư hiền đệ hiền muội đàn trung.

Vâng lịnh Đức DIÊU TRÌ KIM MẪU, Bần Đạo đến trước giây lát để có đôi lời đạo lý cùng chư hiền đệ hiền muội. Miễn lễ đàn trung đồng an tọa.

Trước hết, nhơn danh TAM TRẤN OAI NGHIÊM, Bần Đạo chứng lòng thành của chư hiền đệ muội đã tuân hành sắc lịnh của Đức VÔ CỰC TỪ TÔN DIÊU TRÌ KIM MẪU [. . .]

Đã nhiều lần Bần Đạo đến trần gian, mỗi một lần đến đều có đem phần giáo lý ban cho chư hiền đệ muội để làm đề tài tu học, hầu trở nên hàng thánh thiện, có thể sống sót để làm công dân trong buổi lập đời Thượng Nguơn Thánh Đức.

Lời chỉ dạy rất rành rẽ trên nhiều lãnh vực, tuy nhiên cũng còn nhiều đệ muội thắc mắc phân vân, tự hỏi lòng không biết phải làm một việc nào chánh đáng để trúng ngay vào trung tâm điểm đạo đức hầu làm lối đi tắt đến con đường thánh thiện. Vì Thiêng liêng đã dạy nhiều vấn đề trên nhiều lãnh vực, đã rộn ràng trước mắt không biết nên chọn điều nào. Nào là công phu tịnh luyện, nhập định tham thiền, nào là bố thí thi ân, giúp đời tế chúng trên phương diện vật chất, nào là tứ thời cúng lạy tụng niệm kinh lễ, nào là trường trai giới sát, thả cá phóng chim, nào là khuyên nhủ người đời theo đường chánh đạo học hỏi giáo lý trên phương diện phổ độ chúng sanh, nào là tu thân tề gia ở phần nhơn đạo, vân vân… Vì sức người có hạn mà đạo lý thì lại rộng lớn bao la.


Sự thắc mắc phân vân đó cũng có một phần đúng với tầm nhận xét hiểu biết của một con người, nhưng đó không phải là vấn đề chánh làm cho người tín hữu phải bận tâm, vì đạo lý pháp môn vô lượng, chúng sanh căn trí cũng vô lượng.

Đạo lý mà muốn biện luận ra cho hết các pháp môn, thì dầu cho đời người có sống được ngàn tuổi, đầu thai muôn kiếp cũng chưa học hết pháp môn. Nhưng không phải vì lý do đó mà con người không thể học đạo, hành đạo và đắc đạo. Dốt chữ như Huệ Năng còn có thể trở thành Lục Tổ kia mà. Như vậy Đạo được thành phải do chỗ bí yếu của nó.

Thí dụ như một nhà máy nguyên tử trong bộ máy ấy không biết muôn triệu bộ phận nhỏ li ti, nhưng chỉ cần biết chỗ trọng yếu của nó, nhận một cái nút nhỏ, tức thì hằng triệu bộ phận khác đều chuyển động tức thì.


Trong đường đạo cũng thế. Phải có cái bí yếu của nó. Việc làm trước tiên là hoàn thiện hóa con người. Chư hiền đệ muội phải làm thế nào hoàn thiện hóa bản thân mình rồi sẽ nói đến các hành động khác.


Thế nào là hoàn thiện hóa bản thân?

Thiện có nghĩa là khác với ác. Sở dĩ con người bị luân hồi trong chốn mê đồ, nguyên do tại các điều ác. Các điều ác đó tự đâu mà có? Do nơi ý nghĩ, mắt thấy, miệng nói, thân hành động.
 
Đề tài mà Bần Đạo đang diễn tả đây vẫn là chi tiết hóa một số chi tiết trong Bát Chánh Đạo.


Vì mắt mà xem không chánh, sẽ khiến ý dục loạn động, nghĩ ác. Hễ ý nghĩ ác là nguồn gốc phát xuất những lời nói ác và hành động ác.

Hằng ngày, trong kiếp làm người, chung đụng, tiếp xúc biết bao nhiêu là sự vật. Người tu phải cần kiểm điểm chủ động và chế ngự mắt, tai, ý, khẩu và thân. Đừng chủ quan cho rằng tất cả mọi hành động của mình đều là đúng, rồi để tánh nuông chìu cái tự cao tự đắc của cái sai, rồi đi vào đường tội lỗi. Vì Thiêng Liêng thường dạy rằng: Rất đỗi hàng Thiên Tôn như Phật, Tiên, Thánh khi lâm trần, mang nhục thể, nếu không tu kỷ theo đường chánh đạo, vẫn bị đọa như thường chớ đừng tưởng rằng mình là hàng nguyên căn Thiên Phong Thiên mạng mà khỏi luật ấy đâu.


Mắt nhìn - Từ trong cái nhìn ấy đã định nhiều ý nghĩa. Một cái nhìn với lòng bác ái, thương hại kẻ cô đơn khổ sở, động mối từ tâm, rủ lòng trắc ẩn đến giọt lệ nhỏ rơi. Cũng một cái nhìn với ý nghĩa đố kỵ, ghen hờn, xuyên tạc. Cũng một cái nhìn với ý nghĩa khiêu khích hận thù tức giận, v.v …

 
Một lời nói có thể xoa dịu nỗi khổ đau của người bạc số hoặc trong cảnh khốn cùng rủi ro hoạn nạn. Một lời nói sẽ an ủi cứu mạng người trước khi tự sát. Một lời nói khích lệ người vào đường tu hành công quả giúp đời. Một lời nói làm cho người nên danh, thành sự nghiệp. Một lời nói làm cho những kẻ xa lạ chưa từng biết nhau trở nên người tình thân bạn tốt. Cũng thời một lời nói làm cho người với người rẽ chia thù hậu tàn sát lẫn nhau. Cũng thời một lời nói làm cho nhiều người vong gia bại sản chết chóc đau thương.

 
Đến hành động cũng vậy. Từ sự nhìn, ý nghĩ, lời nói đến hành động, mỗi cái đều có phần thiện phần ác. Vậy người tu thân muốn hoàn thiện bản thân, phải cần hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, kiểm điểm phân tách chọn lọc, từ sự nhìn, ý nghĩ, lời nói, hành động của mình, xem cái nào là thiện, cái nào là ác. Hễ điều nào thiện thì hãy hoan hỉ tiếp tục mà làm, trái lại, điều nào ác phải
can đảm loại trừ ngay, mặc dầu có đụng chạm đến quyền lợi bất chánh và tự ái nhỏ hẹp của mình, hoặc có liên hệ đến thân nhân cũng vậy.
 
Bần Đạo dùng hai tiếng "can đảm" vừa rồi, nghĩa là muốn lưu ý mỗi người phải thật can đảm mới hoàn thiện hóa bản thân, gọi là gạn đục lóng trong. Nếu không can đảm ắt còn trong vòng lẩn quẩn của hố sâu, của cái bẩy tự ái, tự tôn, tự cao và ích kỷ. Đó là điều kiện trước tiên của con người trong cửa đạo để làm nấc thang bước vào hàng Thánh Thiện. Vì con người có hoàn thiện hóa bản thân rồi mới có những điều kiện phát triển trên đường đạo lý. Con người được hoàn thiện đương nhiên được thể hiện trên gương mặt hiền hòa, khả ái, đức độ đáng kính, tác phong thanh nhã, lời nói dịu hiền, cái nhìn khoan dung rộng lượng. Đó là những phép mầu bảo vệ cho con người mình được an ninh trên mọi bước đường, an ninh trong mọi hoàn cảnh.


THI:
 Tâm lành thể hiện mọi điều lành,
Ý nghĩ việc làm sẽ phát sanh;
Vốn liếng của người tu cõi thế,
Lo chi Tiên Phật sẽ không thành.

Đức Quan Thế Âm Bồ Tát