· Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai. Thử hỏi hoằng khai là gì? Có phải phát triển, khai phóng, mở rộng từ cơ sở đến giáo lý cho quảng đại quần chúng hiểu biết và làm theo hay chăng? Chớ không có nghĩa là đóng khung trong hình thức nhỏ hẹp như một hội thánh, một thánh thất hay tịnh thất để cho một thiểu số người mà dám gọi là Đại Đạo hoằng khai. (1)
· Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai, nhưng cứ ngồi khoanh tay chờ đợi huyền năng vô hình nào để đến hoằng khai cho mình. (2)
· Đạo là lý hư vô bàng bạc trong không thời gian và tất cả, thì tất cả đều hấp thụ sự sinh tồn bởi Đạo, cái Đạo vĩ đại vô cùng vô tận không kể xiết được.
Muốn hoằng khai cho thiên hạ biết được Đạo, phải qua trung gian của thiên hạ, tức là con người, là chư Thiên mạng có trọng trách thế Thiên hành đạo.
Thế Thiên hành đạo không phải chỉ ở hàng chức sắc chức vụ phẩm vị cao, mà bất cứ ai có tâm thành vì đạo, có nhận thức đạt được lý Đạo, đều có thể hoằng khai với bất kỳ hình thức nào.
Đối với mình, không hủy hoại tinh thần hay thể xác bằng những vật dục sở tế, khí bẩm sở câu,(3) cũng là đúng theo Đạo.
Đối với gia đình, xử cho ra vẻ vai trò của mình trong địa vị cũng là đúng theo Đạo.
Đối với xã hội nhơn quần, đều lấy lòng nhân trung nghĩa mà xử thế tiếp vật, không gây thù chác oán, chỉ đem tình thương của con người chính danh ban rải cho con người. Đó cũng tuân theo Đạo.
Và hơn nữa là đem chơn truyền pháp nhiệm của Đấng Cha Lành gieo rải cho toàn cả sanh linh tiếp nhận hầu trở về lẽ sống tự nhiên của nhân bản, của chơn như Phật thể. Ấy cũng là Đạo.
Hễ nói đến Đạo thì nói đến cái tiết điệu hoạt động của Đạo như thế nào?
Đấng Tạo Hóa sanh thành vạn vật bởi cái Đạo bao trùm, nên Ngài dưỡng dục quần sinh rất đầy đủ mà rất tự nhiên, không ai hay biết để tán thưởng ca tụng Ngài. Như mặt trời, mặt trăng giúp vạn vật sống còn theo định luật tự nhiên, mà mặt trời có bao giờ nói mình đã làm gì đâu, có bảo thiên hạ vạn vật khen ngợi mình đâu!
Dòng nước từ biển cả chứ chảy luân lưu vào những sông ngòi suối lạch, chỗ nào trũng thấp cũng có nước, tức là nước cứ êm đềm chảy đến chỗ đó cho đầy đủ mới thôi. Có bao giờ nước lại ham chảy lên gò lên chỗ cao tột đâu!
Tất cả những tác vi điển hình trên đều là hành động của Đạo.
Là người tín đồ Đại Đạo của Trời, phải noi theo hành động của Trời mà làm theo. Khi làm được, tức thị đã thể hiện, đã hoằng khai được Đạo vậy. (4)
· Nhì nguyện phổ độ chúng sanh. Phổ độ có nghĩa là mở rộng cùng khắp, độ rỗi chúng sanh tu thành chánh quả, không phân biệt màu da chủng tộc và tông phái, chớ không có nghĩa là chỉ nói đi nói lại bao nhiêu đó cho người tín hữu Cao Đài mà thôi. (5)
· Nhì nguyện phổ độ chúng sanh, nhưng cứ thu hình trong cái vỏ ốc ích kỷ ngàn đời và chờ đến phép mầu vô lượng nào đó để đến cứu rỗi mình. (6)
· Chúng sanh nói chung, từ loài khoáng vật tế vi đến loài vĩ đại con người. Về chúng sanh rất nhỏ, ngay ở nội thân mình đã có, muốn phổ độ chúng thì mình không nên lạm dụng lãng phí những tế vi tế bào trong thân người, vì nhờ nó mà thể xác được tồn tại, được sống còn để lo chuyện cao xa.
Về chúng sanh vĩ đại, từ động vật, con người, muốn phổ độ thì phải tận dụng quyền năng nhân bản của mình đối với mọi vật mọi người, không đánh đập sát hại gây gổ với bất cứ vật gì, người nào, trái lại còn phải ban bố cho họ những tình thương Thượng Đế vốn sẵn bao giờ mà trên kia mình đã có. (7)
· Tam nguyện xá tội đệ tử. Câu ấy nói lên cho người tín hữu tự nhận mình đã trải qua nhiều kiếp, từ loài khoáng sản chuyển mình đến thảo mộc, thú cầm mới đến loài người trong bánh xe tiến hóa. Trải qua nhiều kiếp, con người đã gây nhiều nghiệp xấu, mà nghiệp xấu tức là tội lỗi. Do đó, trước Thiên Bàn, sau mãn giờ cúng, cầu xin Thượng Đế giải trừ tội lỗi nghiệp chướng tiền khiên, và cũng dạy cho người tín hữu phải có đức độ khoan dung tha thứ mọi lỗi lầm từ kẻ khác đối với mình để thể hiện lòng bác ái vô biên của Thượng Đế. Mình có tha thứ kẻ khác lầm lỗi với mình để thân thiện, giác ngộ, dìu dẫn họ lại đường chánh giáo thì Thượng Đế mới xá lỗi tiền khiên của mình. (8)
· Tam nguyện xá tội đệ tử, nhưng cứ cố chấp lỗi lầm sơ suất của kẻ dưới, bề trên và chung quanh đồng đạo, hoặc cầu khẩn đức Chí Tôn tha thứ tội tình mà hằng ngày mình đã tạo. (9)
· Câu thứ ba là đối với tất cả mọi người chung quanh mình, từ trên tới dưới, từ lớn tới nhỏ, đều sẵn sàng khoan dung tha thứ, dù ai gây lỗi với mình cũng vậy. Một khi biết cầu khẩn Đấng Chí Tôn tha thứ lỗi lầm của mình, thì mình hãy thể theo lòng từ ái của Ngài để tha thứ anh em chị em của mình tại thế gian, vì thế gian không phải là một cõi hoàn toàn thánh thiện, nên lắm điều còn ô trược, tránh sao những vấp phải lỗi lầm hoặc nhiều hay ít cũng vậy.
Sự tha thứ, lòng từ bi bác ái không giới hạn ở đâu, nghĩa là vô biên, chớ chẳng phải chỉ tha thứ, chỉ bao dung rộng lượng đối với hạng dưới tay thân thuộc của mình, mà không tha thứ bao dung với kẻ thù nghịch, vì là con chung của Đấng Cha Lành. (10)
· Vậy còn câu nguyện Tứ nguyện thiên hạ thái bình? Có phải là lòng thương người thương vật của người tín hữu Cao Đài, muốn cho nhân loại được an hưởng trong cảnh thái bình, an cư lạc nghiệp và cũng gợi cho người tín hữu hiểu rằng không phải cảnh thái bình tự nhiên ai đem đến bố thí cho nhân loài, mà phải nhân loại tự tạo lấy cho mình. Muốn được thái bình, trước nhất mọi người phải lương thiện, có đức tánh công bằng của Nho Giáo. Những gì mình không muốn thì không làm việc ấy cho người khác. Có đức tánh bác ái của đạo Lão là lòng thương đời vô biên, không điều kiện, mong dìu dẫn họ lại đường chánh lẽ chơn, thương mọi người như thương gia đình quyến thuộc mình, dầu kẻ ấy là thù địch với mình. Phải có đức từ bi của đạo Phật, luôn luôn khởi lòng trắc ẩn trước nỗi đau khổ của người khác mà tìm phương an vui cứu khổ cho họ. Nếu muốn cho mọi người đều có đức tánh ấy, phi trừ giáo lý đạo Cao Đài không có giáo thuyết thứ hai.
Những giáo lý do Chí Tôn đã vạch sẵn mà người đạo Cao Đài không đem phổ truyền cùng khắp, tìm cách cảm hóa phổ độ người đời biết được, đừng ỷ vào câu: “Hữu xạ tự nhiên hương”. Đó là điều kiện đem lại thiên hạ thái bình. Chớ trong lúc nhân sanh chưa hiểu đạo, chưa có công bằng, chưa có lòng thương kẻ khác, một xã hội đa số toàn là người bất lương, giàu hiếp nghèo, mạnh lấn yếu, ỷ chúng hiếp cô, khôn hiếp dại, điêu ngoa xảo trá, xây dựng vinh hoa phú quý trên cảnh đau khổ cùng đinh và xương máu của kẻ khác, thử hỏi xã hội như vậy có có đem lại được cảnh thái bình cho thiên hạ không? Đó là câu nguyện thứ tư, nhắc đến nhiệm vụ nặng nề căn bản của người tín hữu Cao Đài. (11)
· Tứ nguyện thiên hạ thái bình, nhưng cứ để cõi lòng phóng túng bâng quơ chồng chứa nhiều thị dục làm bợn nhơ do lớp bụi vô minh, không lúc nào được bình thản và sáng suốt. (12)
· Mỗi khi cõi lòng của con người (thiên hạ) không còn chút vương vấn của thiên vị, những cố chấp bởi hoàn cảnh, bởi nhơn tâm chung quanh, thì tự nhiên sự bình tỉnh được phục hồi, không bận không lo điều sái lẽ phải, điều thiệt lẽ hơn, cái thua cái được, niềm thương nỗi ghét. Thái bình lúc ấy được lập lại nơi nội tâm con người vậy. Rồi con người cộng với hằng hà sa số con người thì ra thiên hạ. Khi mỗi thiên hạ được thái bình trong lòng rồi, thì thế giới thiên hạ đang ở sẽ không còn hỗn loạn phân ly xung đột với nhau nữa.
Sở dĩ con người không được thái bình nội tại, vì có tâm chấp trước. Một đàng thì muốn về Niết Bàn Cực lạc hay Bạch Ngọc Kinh hưởng phước đời đời, một đàng thì muốn công danh chức tước vinh thân phì gia, và đàng khác lại sợ sa vào địa ngục chịu đày đọa đời đời. Hỏi vậy con người nhiều dục vọng tham lam như thế, nội tâm có được thái bình chăng? Dĩ nhiên là không vậy. (13)
· Còn câu nguyện Ngũ nguyện thánh thất an ninh. Thánh thất nơi đây không có nghĩa nhỏ hẹp riêng của ngôi thánh thể thờ Đức Chí Tôn, gồm Bát Quái, Cửu Trùng và Hiệp Thiên. Ngoài cái nghĩa nhỏ hẹp ấy lại còn có nghĩa rộng lớn hơn nữa.
Thánh thất là nhà thánh. Hễ nhà thánh là nhà của chu thánh hội họp, thảo luận mọi việc theo thánh ý để hành thánh sự đúng theo tôn chỉ Đại Đạo. Đừng tưởng rằng mình còn phàm trần nhục thể không khi nào dám nghĩ đến nghĩa ấy. Vì người tín hữu mà hằng ngày thảo luận âu lo việc làm theo thánh ý, mở mang được thánh tâm để thực hành được thánh sự, đó là thánh tại phàm rồi còn gì nữa.
Thử hỏi Khổng Phu Tử ngày nay hậu thế tôn sùng bậc thánh nhân, nguyên thủy Người cũng là phàm trần nhục thể, nhưng đã lãnh hội được thánh ý, mở mang được thánh tâm, thực hành được thánh sự trọn vẹn một đời không xao lãng, đương nhiên đắc vị Thánh, nào ai chối cãi được. Chỉ e rằng mình ở trong nhà thánh, nhưng ý còn phàm phu tục tử, hờn giận ghen ghét đố kỵ, ố nhơn thắng kỷ, nói việc chẳng lành, làm việc chẳng lành, như vậy mới không xứng đáng là chớ.
Câu này nghĩa lý còn dài hơn nữa, nhưng hôm nay Bần Đạo chỉ nói những khía cạnh gần nhất đời sống chư hiền đệ muội đó thôi. Đừng tìm kiếm đâu xa, chỉ chung quanh mấy bài kinh nhật tụng, tìm hiểu đầy đủ nghĩa lý và thực hành cho đúng là đắc đạo tại trần. (14)
Chư hiền đệ, hiền muội! Trong giới Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, hằng ngày mỗi thời cúng đều có năm câu nguyện. Câu nguyện chót là Ngũ nguyện thánh thất an ninh. Thông thường, chư hiền đệ muội hiểu nghĩa rất hẹp là cầu nguyện cho thánh thất là chỗ thờ phượng được an ninh. Nếu hiểu như vậy thôi thì Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ không cần phải nêu câu ấy lên để mà làm chi.
Chư hiền đệ muội phải hiểu như thế này: Thánh thất gồm có Bát Quái, Cửu Trùng và Hiệp Thiên Đài. Thánh Thất cũng là tượng trưng cho hình thể Chí Tôn Đại Từ Phụ, trong đó có cả Thượng Đế đến vạn linh. Một tổ chức rộng lớn như vậy cũng thể hiện cho càn khôn vũ trụ. (15)
Thánh thất cũng tượng trưng cho lớn nhất là vũ trụ, nhỏ nhứt là bản thân cá thể của con người, cho đến từ cá thể côn trùng thảo mộc, bò bay máy cựa nữa. Nếu vũ trụ chẳng an ninh thì cơ sanh hóa không thể trưởng thành. Guồng máy cai trị nhà nước nếu chẳng an ninh thì xáo trộn từ đầu não chỉ huy đến hạ tầng quần chúng. Gia đình nếu chẳng an ninh thì làm sao an cư lạc nghiệp, hạnh phúc được. Bản thân nếu chẳng an ninh thì đời người như mất hết chín phần mười.
Như vậy, an ninh là nhu cầu cần thiết cho tất cả mọi giới, mọi lãnh vực. Chư hiền đệ muội là người tầm đạo tu thân, cũng hoài vọng an ninh. Nếu thậm đa tửu nhục thì ngũ tạng lục phủ mất an ninh. Nếu thậm đa sắc dục thì bản thân cũng mất an ninh. (16)
· Và cuối cùng, Ngũ nguyện thánh thất an ninh, mà cứ xem thường tôn ti trật tự trong đạo, chơn truyền luật pháp lãng lơi, không chặt chẽ nghiêm minh. (17)
· Mới nghe qua, những ai tò mò đều lấy làm ngạc nhiên, tại sao Đại Đạo Cao Đài chủ trương vạn giáo nhất lý, đại động nhơn loại mà lại chỉ cầu nguyện cho một thánh thất, thánh tịnh, hội thánh mình an ninh yên lành thôi? Không phải vậy đâu chư hiền đệ muội.
Như chư hiền đệ muội đã hiểu, Thánh thể của Đức Chí Tôn gồm có ba phần: Bát Quái Đài, Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài. Ba đài hiệp lại thành một thánh thể chung. Thánh thất hữu hình tượng trưng cho guồng máy Đại Đạo xoay vần trong càn khôn thế giới. Vì nếu hầu hết con người thế gian đều chấp nhận cái hình thức thánh thể ấy để đạt được cái lý siêu nhiên của Trời, của Đạo, gìn giữ được những bửu vật cố hữu của con người muôn thuở, thì càn khôn sẽ được an tịnh, thế giới sẽ được an ninh, phong hòa võ thuận, thế giới an khương. (18)
Nam mô
Nhứt nguyện Đại Đạo hoằng khai,
Vì đời nào ngại chông gai dữ lành.
Nhì nguyện phổ độ chúng sanh,
Quyết tâm hoằng giáo đạo lành giúp dân.
Tam nguyện xá tội bản thân,
Khoan dung phá chấp cõi trần vô minh.
Tứ nguyện thiên hạ thái bình,
Tịnh tâm chế động muôn nghìn trái oan.
Ngũ nguyện thánh thất bằng an,
Hai ngày sóc vọng đăng đàn thuyết minh.
Trấn an tâm đạo nhơn sinh,
Vai trò un đúc đức tin đạo đồng. (19)
------------------------------------------------------------------------------------------------
(1): Quan Âm Bồ Tát, Thánh Thất Tây Thành, 12-3 Kỷ Dậu (28/04/1969).(2): Đông Phương Chưởng Quản, Trúc Lâm Thiền Điện, 17 rạng 18-7 Canh Tuất (18-8-1970).
(3): Vật dục sở tế: Bị các ham muốn vật dục che lấp. Tế là che lấp. Khí bẩm sở câu : Bị bẩm sinh khí chất ràng buộc, giới hạn. Câu là bó buộc, hạn chế.
(4): Đông Phương Chưởng Quản, Trúc Lâm Thiền Điện, 17 rạng 18-7 Canh Tuất (18-8-1970).
(5): Quan Âm Bồ Tát, Thánh Thất Tây Thành, 12-3 Kỷ Dậu (28/04/1969).
(6): Đông Phương Chưởng Quản, Trúc Lâm Thiền Điện, 17 rạng 18-7 Canh Tuất (18-8-1970).
(7): Đông Phương Chưởng Quản, Trúc Lâm Thiền Điện, 17 rạng 18-7 Canh Tuất (18-8-1970).
(8): Quan Âm Bồ Tát, Thánh Thất Tây Thành, 12-3 Kỷ Dậu (28/04/1969).
(9): Đông Phương Chưởng Quản, Trúc Lâm Thiền Điện, 17 rạng 18-7 Canh Tuất (18-8-1970).
(10): Đông Phương Chưởng Quản, Trúc Lâm Thiền Điện, 17 rạng 18-7 Canh Tuất (18-8-1970).
(11): Quan Âm Bồ Tát, Thánh Thất Tây Thành, 12-3 Kỷ Dậu (28/04/1969).
(12): Đông Phương Chưởng Quản, Trúc Lâm Thiền Điện, 17 rạng 18-7 Canh Tuất (18-8-1970).
(13): Đông Phương Chưởng Quản, Trúc Lâm Thiền Điện, 17 rạng 18-7 Canh Tuất (18-8-1970).
(14): Quan Âm Bồ Tát, Thánh Thất Tây Tành, 12-3 Kỷ Dậu (28/04/1969).
(15): Tam Trấn Oai Nghiêm Quan Âm Như Lai, Minh Lý Thánh Hội, 14-01 Kỷ Dậu (02-03-1969).
(16): Tam Trấn Oai Nghiêm Quan Âm Như Lai, Minh Lý Thánh Hội, 14-01 Kỷ Dậu (02-03-1969).
(17): Đông Phương Chưởng Quản, Trúc Lâm Thiền Điện, 17 rạng 18-7 Canh Tuất (18-8-1970).
(18): Đông Phương Chưởng Quản, Trúc Lâm Thiền Điện, 17 rạng 18-7 Canh Tuất (18-8-1970).
(19): Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, Vĩnh Nguyên Tự, 15-3 Bính Thìn (14-04-1976).