Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2010

Ngũ Chi Đại Đạo Và Những Vấn Đề Liên Hệ Với Đạo Cao Đài

 

Ngũ Chi Đại Đạo Và Những Vấn Đề

Liên Hệ Với Đạo Cao Đài 

 

Nói đến Ngũ Chi Đại Đạo chúng ta có thể liên tưởng đến Ngũ Chi gồm: Nhơn đạo, Thần đạo, Thánh đạo, Tiên đạo và Phật đạo. Theo giáo lý Cao Đài giáo, đây là các phẩm bậc mà người tu theo đó thăng tiến dần lên. Đề tài này xin được trình bày trong một dịp khác.Ngũ Chi Đại Đạo cũng có nghĩa là năm chi đạo cùng họ Minh.
Ngũ Chi Đại Đạo cũng có nghĩa là năm chi đạo cùng họ Minh gồm: Minh Sư, Minh Đường, Minh Lý, Minh Thiện và Minh Tân. Năm chi đạo kể trên đều thờ Tam Giáo, xuất hiện trước Đạo Cao Đài một ít lâu và đều có mối liên hệ mật thiết với Đạo Thầy. Có thể nói các chi đạo họ Minh này được Ơn Trên cho xuất hiện trước, hầu tạo mặt bằng, chuẩn bị điều kiện hỗ trợ tốt nhất; đến khi Đạo Cao Đài gieo xuống, nhờ đó, sẽ trưởng thành vững chắc trong điều kiện khó khăn của xã hội miền Nam Việt vào những thập niên đầu thế kỷ 20.Sau đây chúng tôi xin lần lượt trình bày về sự xuất hiện của từng chi đạo, nói qua phép tu hành thờ phượng và mối liên hệ của mỗi chi ấy với Đạo Cao Đài.
CHI MINH SƯ:
Nhiều tác giả đã viết rằng Minh Sư xuất hiện tại Trung Quốc vào đầu nhà Thanh (khoảng 1620 đến 1670). Lúc ấy, các quan Võ cựu thần nhà Minh lập Thiên Địa Hội, các quan Văn lập Minh Sư, với cùng mục đích “Phản Thanh phục Minh”.
Thật ra, Đạo Minh Sư đã có từ xa xưa. Vị Tổ sư đầu tiên của Minh Sư là Đức Bồ Đề Đạt Ma (Ngài là tổ thứ 28 Thiền tông Ấn Độ, truyền Thiền tông qua Trung Quốc năm 520 và trở thành Nhứt Tổ Thiền tông Trung Quốc). Lại nữa, do nhận mình là một tông phái Phật giáo nguyên thủy nên Minh Sư lấy gốc từ Đức Nhiên Đăng Cổ Phật, và chọn triều đại Vua Hoàng Đế (2697 – 2597 TTL) – thời Đức Nhiên Đăng tá thế độ đời vào Nhứt kỳ Phổ Độ – làm niên biểu. Do vậy, trong sớ văn Minh Sư hiện nay (năm 2006) ghi năm đạo thứ 4704 (năm 2002, Đạo Minh Sư kỷ niệm năm Đạo thứ 4700, nhưng tại Việt Nam không thấy tổ chức).
Theo bản “Tóm yếu lịch sử Phật Đường Nam Tông” thì, thuở Đức Phật Nhiên Đăng khai đạo là “Sơ Hội Long Hoa”, tiếp đến, mối Đạo được Phật Thích Ca làm chưởng giáo thời thứ “Nhì Hội Long Hoa”. Từ đây, Thiền tông Ấn Độ bắt đầu với Đức Ca Diếp làm Nhứt Tổ, Đức A Nan Nhị Tổ, đến Tổ 28 là Đức Bồ Đề Đạt Ma.Ngày 21-9-520, ngài Bồ Đề Đạt Ma theo đường biển đến Quảng Đông (Trung Quốc). Truyền đạo nhiều nơi, cuối cùng ngài đến Thiếu Lâm Tự (Lạc Dương) tham thiền cửu niên diện bích và thị tịch năm 536. Các vị tổ Thiền tông kế tiếp như chúng ta đã biết:Nhị Tổ Huệ Khả (486 – 593)
Tam Tổ Tăng Xáng ( ? - 606)
Tứ Tổ Đạo Tín (580 – 651)
Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn (601 – 674)
Lục Tổ Huệ Năng (638 – 713)
Từ khi Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền tổ bàn cho Lục Tổ Huệ Năng, Phật giáo Thiền tông chia làm 2 phái:
- Về phía Bắc, Ngài Thần Tú truyền giáo pháp “Thật tu tiệm ngộ” ở các tỉnh : Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Bắc…, sang đến Cao Ly, Nhựt Bổn… Gọi là Bắc Tông.
- Về phía Nam, ngài Huệ Năng truyền giáo pháp “Đốn ngộ diệu tu” vùng : Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Giang Tây, Vân Nam … Gọi là Nam Tông.
Đến năm 713, trước khi viên tịch, Lục Tổ có di ngôn “từ Ta liễu về sau, Phật pháp truyền thừa bị đình đốn 70 năm. Sau sẽ có 2 vị Bồ Tát, một vị xuất gia, một vị cư sĩ đồng khai mở Đại Đạo”. Như vậy, Lục Tổ không trực tiếp truyền tổ bàn.Đúng như di ngôn Đức Lục Tổ, qua 70 năm bị đình đốn, đến năm 784, ngài Mã Công Đạo Nhứt người gốc Giang Tây học đạo với ngài Nam Nhạc, thấu triệt pháp môn thiền quán. Đồng thời ngài Nam Nhạc cùng có một đệ tử khác là vị Bạch Ngọc Cư Sĩ, Phật pháp uyên thâm. Nhị vị Mã Công và Bạch Ngọc cùng song thừa Thất Tổ, khai triển Thiền môn. Thời này khắp Trung Quốc có trên 800 Thiền viện.
Ngài Mã Công thị tịch trước. Đến khi ngài Bạch Ngọc sắp thị tịch có phó chúc truyền tổ bàn Bát Tổ lại cho ngài La Công Húy kế thừa.
Năm 955, nhằm đời vua Hiển Đức nhà Hậu Châu, xảy ra pháp nạn. Vua hạ lệnh phá hủy nhiều chùa chiền am viện, cả nước Trung Hoa có đến 3356 ngôi bị hại. Nhiều nhà sư phải sang lánh nạn nước ta (triều Ngô Xương Văn thứ 5).
Ngài Bát Tổ La Công Húy viên tịch trong nhà lao năm 956, cũng từ đó Phật Đường Nam Tông bị đình đốn đến 700 năm.
Gần cuối triều Minh, tại tỉnh Giang Tây nơi núi Lư Sơn có ngài Huỳnh Công Đức Huy lòng hằng mộ đạo. Ngài được một vị dị nhân mật truyền tâm ấn kế thừa tổ mạng thứ 9 (năm 1623).
Từ đây phái Phật Đường Nam Tông phát triển trở lại. Lúc sắp quy liễu, ngài Huỳnh Công Đức Huy phó chúc tổ bàn lại cho ngài Ngô Công Tinh Lâm kế thừa tổ mạng thứ 10. Tiếp đến, ngài Ngô Công Tinh Lâm mật truyền lại cho ngài Hà Lão Huệ Minh tiếp nối tổ mạng thứ 11.
Dòng đạo tiếp nối, ngài Hà Lão Huệ Minh chọn ngài Viên Lão Thối An – là người thông minh, học rộng, lại ham thích thanh tịnh – làm tổ thứ 12. Qua đến đời tổ thứ 13, Phật Đường Nam Tông một lần nữa có 2 vị đồng chấp chưởng Tổ Bàn (song thừa) đó là nhị vị: Ngài Vương Công Huờn Hư và ngài Từ Huờn Vô. Tổ mạng thứ 14 là Y Đạo Tổ Sư. Ngài có lời mật phó cho tổ 15 là ngài Đông Sơ Tổ Sư truyền pháp đạo xuống miền Nam. Trước hết mở đạo tại Thái Lan, sau qua Việt Nam , nhằm đời Vua Tự Đức thứ 16 (1863).
Theo chư vị trưởng lão Minh Sư cho biết: Mối đạo Nam Tông được dân gian gọi là Đạo Minh Sư vào thời điểm Lục Tổ Huệ Năng và vị Thần Tú có sự tách biệt trong việc truyền giáo pháp Nam Tông với Bắc Tông, như nêu trên. Gọi đúng phải là phái Phật Đường Nam Tông.Đến đây xin kể qua về mối Đạo Minh Sư ở Việt Nam .
Ngài Đông Sơ Tổ Sư lập tại Hà Tiên ngôi Quảng Tế Phật Đường. Ngôi chùa này do ông Ngô Cẩm Tuyền đứng ra xây dựng. Ông tu hành tiến lên bậc Đại Lão Sư (Ngô Đạo Chương). Năm 1905, ngài Ngô Đạo Chương về Sài Gòn tạo dựng ngôi Ngọc Hoàng Điện (Đa Kao), công việc chưa hoàn tất nhưng rồi vì lý do kinh tế phải sang nhượng đi. Một vài năm sau, bổn đạo Minh Sư tại đây lập ngôi Quang Nam Phật Đường. Ngài Thái Lão Sư Trần Đạo Minh qua Việt Nam cầm mối đạo một thời gian, sau đó trở về La Phù Sơn (Hong Kong). Thái Lão Sư Vương Đạo Thâm thay mặt ngài Trần Tây Lâm Tổ Sư điều hành mối đạo tại đây. Quang Nam Phật Đường (số 17 đường Trần Quang Khải, Quận 1) hằng năm vẫn lấy ngày giỗ Thái Lão Vương Đạo Thâm (30-4-ÂL) làm ngày kỷ niệm. Ở Việt Nam hiện nay còn tồn tại 3 chi nhánh đạo Minh Sư, tạm gọi là 3 tông:
- Tông Đức Tế: Nhánh của Đức Thái Lão Vương Đạo Thâm, có một số chùa như: Quang Nam Đường, Khánh Nam Đường (Bình Thạnh), Nam Nhã Đường (Bình Thủy – Cần Thơ); Mỹ Nam Đường (Mỹ Tho); Vận Bửu Đường (Gò Công); Nam Tôn Đường (Hội An); Hòa Nam Đường (Đà Nẵng)…- Tông Phổ Tế: Nhánh của Thái Lão Sư Trần Đạo Quang, có một số chùa như: Linh Quang Đường (Hóc Môn); Long Hoa Đường (Cai Lậy); Phổ Hòa Đường (Mỹ Tho)…


Linh Quang Phật Đường (Hóc Môn)
 
Quan Âm Đường - làng Thâm Nhiên, tỉnh Long An
 
- Tông Hoằng Tế: Nhánh của Thái Lão Sư Lâm Đạo Nguơn (thường được biết với bút danh Lâm Xương Quang). Một số chùa như Quan Âm Đường (Thâm Nhiên Long An) Quang Âm Đường (T.X Tân An); Trọng Văn Đường (Bình Điền)…
Toàn Việt Nam hiện có trên 50 ngôi chùa Minh Sư. Ngôi chùa được kể đầu tiên của mỗi tông (bên trên) là tổ đình của Tông ấy.
Chánh điện chùa Minh Sư thờ Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế và chư Phật chư Tiên Tam giáo (hoặc thờ tượng, hoặc thờ bài vị tùy nghi), tụng Ngọc Hoàng Tâm Ấn, Bắc Đẩu Chơn Kinh, Địa Mẫu Chơn Kinh…
Pháp tu Minh Sư rất nghiêm mật, muốn tu tiến hành giả phải khép mình trường trai tuyệt dục. Bên phái nam có 9 bậc tu, từ thấp lên:
- Nhất thừa, gồm Nhất – Nhị và Tam Bộ.
- Nhị thừa, gồm bốn bậc: Thiên Ân, Chứng Ân (chữ Minh lót giữa đạo danh); Dẫn Ân (chữ Xương); Bảo Ân (chữ Vĩnh).
- Tam Thừa có 2 phẩm: Lão Sư (chữ Vận) và Đại Lão Sư (chữ Đạo).
Tất cả các vị Lão Sư và Đại Lão đồng công cử một vị làm chưởng môn gọi là Thái Lão Sư.
Bên nữ phái có 7 bậc, đạo danh được ban từ đầu không đổi. Phẩm cao nhất cũng có chữ Thái, nhưng pháp tu chỉ cỡ bậc Bảo Ân ở phái Nam .
Đệ tử Minh Sư mặc đạo phục màu đen.
Ghi chú:
- Quan Âm Đường ở Phú Quốc xưa, nơi Đức Ngô Văn Chiêu thọ giáo pháp Cao Đài có lẽ thuộc tông Hoằng Tế. Đại Lão Sư Nguyễn Đạo Ngưỡng (ông sinh năm 1915) hiện trụ trì Quan Âm Đường (Tân An) cho biết khi ông còn nhỏ, có lần đã ra Phú Quốc hộ tịnh cho Thái Lão Sư Lâm Đạo Nguơn (Lâm Xương Quang).
- Một số bài kinh nhật tụng của chi Minh Lý và của Cao Đài Giáo, có gốc từ kinh Minh Sư (xin xem thêm về chi Minh Lý nơi trang 15).
CHI MINH ĐƯỜNG:
Nhiều sách cho biết tên Minh Đường là do viết gọn từ “Minh Sư Phổ Tế Phật Đường”, nhưng chưa rõ mức chính xác của các tài liệu này; chỉ biết rằng tôn chỉ, pháp tu, kinh kệ, phẩm trật của Minh Đường đều tương tự Minh Sư. Có thể nói Minh Đường là một phân nhánh của Minh Sư. Tuy vậy, các vị tu Minh Sư hiện nay hầu như không rõ sự tích và cũng không nghe nói nhiều đến chi Minh Đường.


 
Vĩnh Nguyên Tự (trước khi tái thiết).

Danh hiệu Minh Đường được tìm thấy trong Thánh ngôn và sử liệu do chư Tiền khai Cao Đài để lại, dùng chỉ bổn đạo Vĩnh Nguyên Tự thuở mới quy nhập Cao Đài (1926).Một số Thánh ngôn và sử liệu điển hình như:
- Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển – Bản in 1965 - Quyển 1 – Trang 29 có đoạn:
“Vĩnh Nguyên Tự (Cần Giuộc) Samedi, 21 Aout 1926: Lịch, mời chư môn đệ Minh Đường của Thầy ra nghe dạy…” (Lịch là ngài Lê Văn Lịch – Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt – chủ chùa Vĩnh Nguyên)
- Trong quyển Thánh ngôn " Niên sổ thời thiết lục" (viết tay) do ngài Đầu Sư Thái Thơ Thanh lưu lại có đoạn Thánh giáo ngày 16-3-1926:
“Trung, Cư, Tắc. Thầy dặn 3 con nội hạ tuần tháng 2 phải xin nghỉ một tuần lễ xuống ở tại chùa Minh Đường của Lịch mà học đạo thêm…”- Cũng trong quyển Thánh Ngôn trên, ngày 4-3-1926 (20 tháng Giêng Bính Dần) trong buổi lập đàn đầu tiên tại Vĩnh Nguyên Tự (do nhị vị Cao Quỳnh Cư và Phạm Công Tắc phò loan), Đức Thái Lão Sư Lê Đạo Long giáng cơ báo tin cho chư môn đệ biết Ngài đã đắc vị Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn. Ngài khuyên bổn đạo địa phương và gia đình quy nhập Cao Đài. Xin trích một đoạn Thánh giáo trên:“Lê Văn Tiểng… Lịch thính Ngã, Ngã thị nễ phụ, thọ mạng Cao Đài Tiên Ông viết Cao Đài Thượng Đế Giáo Đạo Nam Phương. Tiên nhựt Ngã thọ giáo Minh Đường Đại Đạo, thị chi nhứt dã nội Ngũ Chi Đại Đạo, thọ phong Trung Quốc vi Đại Lão. Ngọc Đế cảm xúc công quả thậm đa, bất lưu luân hồi tái thế, phú Thái Ất Chơn Quân độ dẫn. Thọ sắc Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn tại Tây Phương Cực Lạc…”
- Thân mẫu ngài Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu mãn phần ngày 28-8-1926. Lúc này Đạo mới mở, chư Tiền khai chưa rõ cách làm lễ tang đạo hữu nên thiết lập đàn cơ cầu Ơn Trên chỉ dẫn. Hôm ấy, Thầy giáng dạy:“Trung, con tức cấp xuống Cần Giuộc biểu Tương về. Và cả chư môn đệ Thầy hội lại cho đủ mặt. Phải nhớ biểu Lịch lên, nói với nó Thầy cần bốn vị chức sắc Minh Đường cầu kinh cho mẹ Hậu…” (Trích bản Thánh giáo do chính ngài Bảo Pháp viết, lưu lại)
Bốn Thánh giáo trên, Ơn Trên đều dùng tên Minh Đường để chỉ Vĩnh Nguyên Tự.
Về gốc tích Vĩnh Nguyên Tự, căn cứ phần tiểu sử Ngài Lê Văn Tiểng (Thái Lão Sư Lê Đạo Long) (1843-1913), in trong quyển Kinh Đạo Nguyên Chánh Nghĩa; theo đó: năm 1876, Ngài Lê Văn Tiểng thọ đạo Minh Đường từ Đức Di Minh Tử Ngô Đạo Chánh. Ngài trì hành pháp đạo, tu tiến đến bậc cuối Thái Lão, Pháp danh là Lê Đạo Long. Do muốn độ nhơn sanh vào đường đạo đức, năm 1908, Ngài Lê Đạo Long dùng phương tiện riêng xây dựng nên ngôi Vĩnh Nguyên Tự và, Ngài có lời tiên tri "nơi đây là Thập nhị khai thiên của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, hoằng khai chánh pháp chơn truyền sau này".
Nay, Vĩnh Nguyên Tự đã là chùa Cao Đài, tên Minh Đường không còn nghe nói nữa.
Ghi chú:
- Nhiều tài liệu ghi ngài Đầu Sư Ngọc Lịch Nguyệt trước đó tu Minh Đường đến phẩm Chứng Ân. Nhưng, theo lời xác nhận của Đạo trưởng Bạch Lương Ngọc (trụ trì Vĩnh Nguyên Tự) (1910 - 1999) thì đạo hiệu của Đức Ngọc Lịch là Lê Xương Tịnh – chữ Xương – do đó phẩm đạo của ngài phải Dẫn Ân (trên Chứng Ân một cấp). Theo luật đạo Minh Sư (và Minh Đường), người tu phải đến cấp Dẫn Ân mới đủ quyền pháp phổ độ và phụ trách một ngôi Phật Đường.
- Ngay sau khi quy hiệp Cao Đài, Ngài Lê Văn Lịch (lúc này chưa thọ phong Đầu Sư) thừa lịnh Đức Chí Tôn chọn các bài kinh quan trọng cho nền Đạo mới, xưng tụng Đức Thượng Đế và Tam Giáo Đạo Tổ. Đến nay, việc sưu tầm bản gốc chữ Hán các bổn kinh trên có khó khăn (đã tìm được gốc của bài Ngọc Hoàng Kinh, bài xưng tụng Tiên giáo và bài Nho giáo). Do vậy có thể suy nghĩ về các chi Minh Sư khác nhau ngay tại đất Trung Hoa.
- Có lẽ cũng cần nhắc lại thánh giáo ngày 3.2 Bính Dần (khoảng 10 ngày sau khi ngài Lê Văn Lịch quy hiệp Cao Đài), Thầy dạy :
"Lịch thính Ngã; Ngã tiền định trạch tam Đầu Sư giáo đạo. Đắc quy Ngũ Chi Đại Đạo hiệp nhứt. Nhữ thị nhứt chi. Khả năng truyền giáo. Khả giáo nhơn sanh. Khâm tai."
Tạm dịch: "Lịch nghe lời Ta dạy. Từ trước Ta đã quyết định chọn 3 người đứng vào hàng Đầu Sư (đại diện cho 3 phái Thái Thượng Ngọc - HN); Quy hiệp Ngũ Chi Đại Đạo về Một - là Đại Đạo - Ngươi thuộc một Chi trong đó. Phải cố truyền đạo để giáo hóa nhơn sanh".
Qua Thánh giáo này, một lần nữa chúng ta được thấy Đức Chí Tôn dùng từ "Ngũ Chi Đại Đạo" để chỉ các chi đạo họ Minh.
CHI MINH LÝ:
Ngài Âu Minh Chánh (1896 – 1941) (người gốc Minh Hương) tên tục là Âu Kiệt Lâm, khoảng năm 1920, muốn tìm hiểu về nhân điện (magnétisme) nên đã gởi mua tài liệu bên Pháp. Ngài nghiên cứu và học được cách chữa bệnh giúp bá tánh địa phương. Nhiều bệnh nhân trong cơn hiểm nghèo đã được trị lành. Lúc ấy, ngài đang ở nơi đường Barbier (nay là Thạch Thị Thanh, Quận I, Thành phố Hồ Chí Minh) và cùng hợp tác với nhiều thân hữu làm từ thiện. Dần dần, chư vị phát tâm tin tưởng Thiêng Liêng. Sau đó, Ngài Âu Kiệt Lâm cùng vài người khác tìm đến một vị cao tăng bên Tàu qua, đang giảng pháp tại chùa Minh Hương Phước An Hội Quán (đường Hùng Vương), học cách cầu huyền cơ hầu tiếp xúc với cõi Thiên. Do cách cầu huyền cơ đòi hỏi phải thật nghiêm cẩn nên ít thành công, chư vị chuyển sang tìm học cách cầu Đại ngọc cơ.


Tam Tông Miếu (ngôi chùa đầu tiên - ảnh chụp năm 1927)

Từ khoảng 1922, Ơn Trên hướng dẫn quý ngài dần vào đường tu. Buổi đầu ấy chư Tiền khai Minh Lý Đạo gồm 6 vị:
Nguyễn Văn Miết (Minh Thiện) (1897 – 1972);
Nguyễn Văn Xưng (Minh Giáo) (1891 – 1957);
Lê Văn Ngọc (Minh Truyền) (1887 – 1965);
Võ Văn Thạnh (Minh Trực) (1895 – 1976);
Nguyễn Văn Đề (Minh Đạo) (1893 – 1961);
Âu Kiệt Lâm (Minh Chánh) (1896 – 1941)
Các vị luân phiên nhau tổ chức cúng tại nhà vào các kỳ Sóc Vọng và tạm dùng vài bài kinh Minh Sư (bài Niệm Hương, Khai Kinh, Ngọc Hoàng Kinh…) chữ Hán Việt. Một lần, chư vị có than cùng nhau rằng: “Nghĩa lý chữ Nho rất cao sâu nên lời Thần Tiên để lại trong kinh sách bấy lâu nay, người đời ít ai thông hiểu những điều mầu nhiệm. Chớ chi Ơn Trên cho kinh bằng chữ quốc âm, dầu bực nào cũng dễ hiểu và thực hành được”.
Chẳng ngờ Ơn Trên chấp nhận lời cầu xin này. Đức Thái Thượng Đạo Quân trong lần giáng cơ sau đó dạy rằng:
“ Chư nhu tụng kinh chữ không thông nghĩa lý, nên ta cho kinh Nôm. Kinh này vắn tắt, cũng tiện cho chư nhu đọc”.
Đêm 27-11 Giáp Tý (23-12-1924) (thuộc tháng Bính Tý, ngày Bính Tý, giờ Mậu Tý), Minh Lý Đạo Khai Minh tại Thiên Bàn nhà Ngài Âu Minh Chánh.
Trước đó một ngày, vào 22-12-1924, nhằm ngày Đông Chí nhứt dương sơ phục, Đức Thái Thượng giáng tả bài Tặng Thiên Đế (Vì Thiên Đế Thái Cực Hoàng...) (diễn nôm từ bài “Đại La”). Nhiều bài kinh khác (gốc Minh Sư hay kinh mới) đều được chư Thiên tiếp tục ban bằng chữ quốc ngữ, thí dụ như:
* Ngày 11-1-1925, Đức Thái Thượng Đạo Tổ cho bài Thông Minh Chú (Gốc là bài "Cửu Thiên Đại La; Thân phi bạch y …" của Minh Sư).
* Ngày 21-6-1925, Đức Lý Thiết Quả cho bài kinh Thái Dương
* Từ ngày 19-4-1925 đến 21-11-1925, qua nhiều buổi đàn, Đức Đạo Tổ, Phật Nhiên Đăng, Phật Quan Âm, Đức Nam Cực Chưởng Giáo v.v.. tả bài kinh Sám Hối (còn đọc là Sấm Hối).
Sau khi bài kinh Sám Hối ban xong, Đức Văn Tuyên Vương dạy chư Minh Lý môn sanh rằng, trong khi chưa tạo dựng được nơi cúng lễ riêng, cần tạm mượn một ngôi chùa để làm chỗ tụ tập lễ bái, tu học, tụng các bài kinh Ơn Trên đã ân ban. Chư vị sau đó được vị Giáo Thọ trụ trì Linh Sơn Tự (đường Cô Giang) vui lòng cho mượn chùa làm nơi lễ bái Phật Trời, tụng kinh Sám Hối. Cũng chính do mượn chùa, các đạo hữu phải tránh các ngày Sóc Vọng – nhường cho gia chủ – nên lệ cúng hằng tháng vào các ngày 14 và 30 âm lịch còn giữ đến nay.
Từ đó, Minh Lý môn sanh quyết tâm xây ngôi chùa riêng. Nhờ ông Trần Kim Ký hiến đất vùng Bàn Cờ (lúc ấy trước chùa chỉ là một con hẻm đất, sau mới mở thành đường Cao Thắng) cùng quý bà Ba Ngỡi, Huỳnh Thị Ngôn… giúp một phần tài chánh, ngày 10-8-1926 chùa đặt viên đá đầu tiên. Chùa gác đòn dông ngày 15-9-1926 và đến cuối tháng 1-1927 việc xây dựng hoàn tất. Ngày 2-2-1927 khai buổi cúng đầu tại chùa mới. Như vậy, Minh Lý môn sanh đã mượn Linh Sơn Tự từ tháng 9-1925 đến tháng 2-1927.Trước đó, khi chuẩn bị xây dựng, Đức Diêu Trì Kim Mẫu giáng đàn ban đạo hiệu chùa là Tam Tông Miếu. Qua hai đợt trùng tu năm 1941 và 1957, Tam Tông Miếu mới có dáng như ngày nay.Tam: là Tam thể đồng nhứt; Tam giáo đồng nguyên.Tông: là thừa kế, tiếp nghiệp của Tổ truyền.Miếu: là tòa ngự của các Đấng Thiêng Liêng tại thế.Chánh điện Tam Tông Miếu thờ Tam Cực: Vô Cực (Diêu Trì Kim Mẫu); Thái Cực (Ngọc Hoàng Thượng Đế); Hoàng Cực (Hồng Quân Lão Tổ). Cấp thứ nhì thờ Tam Giáo Đạo Tổ. Cấp thứ ba thờ Tứ Đại Bồ Tát. Cấp thứ tư thờ Ngũ Vị Tinh Quân cùng nhiều bàn thờ khác từ trong ra ngoài…Năm 1972 bổn đạo Minh Lý phát triển thêm ngôi Bác Nhã Tịnh Đường ở Long Hải (chuyên để luyện tu).Đến nay, chư Minh Lý môn sanh, với đạo phục màu đen truyền thống, tiếp tục hành đạo theo giáo lý và giáo pháp đã được truyền dạy từ xưa. Nhiều môn sanh mới đã gia nhập Minh Lý Thánh Hội, kế thừa mối đạo Tam Tông.Ghi chú:
Buổi đầu mở đạo Cao Đài, tháng 6 năm Bính Dần (1926), Ơn Trên ban lệnh chư Tiền khai gồm quý ngài Lê Văn Trung, Lê Văn Lịch, Vương Quan Kỳ đến Minh Lý Thánh Hội thỉnh một số bài kinh. Đồng lúc ấy tại Minh Lý, Ơn Trên đã ban lệnh truyền kinh qua thánh giáo ngày 28 tháng 6 Bính Dần (6.8.1926) như sau :
"Ngã Lục Đinh Thần giáng đàn, hỉ chư nhu.
Ta vưng lịnh Đạo Tổ giáng xuống truyền cho chư nhu rõ: Chư nhu phải sắm 12 cuốn kinh Sấm Hối cho thiệt tốt, sạch, chẳng chút bợn nhơ gì hết. Sắm rồi thì phải cho đi mời Trung, Lịch, Kỳ lại nhà chư nhu, biểu chúng nó làm lễ mà thỉnh kinh ấy. Nơi bìa kinh phải đề hiệu 'Tam Tông Miếu'..."
Trước đó, vào ngày mùng 3 tháng 7 năm Ất Sửu (21.8.1925) trong một buổi hầu đàn, Ngài Minh Thiện có bạch "mỗi khi phát kinh Sấm Hối thì chúng tôi đặng phát luôn bài Khai Kinh và mấy bài kinh khác hay không". Đức Đạo Tổ hôm ấy dạy : "Phát luôn".
Quyển kinh Sấm Hối có in nhiều bài kinh, trong đó có các bài:
- Niệm Hương (Đạo gốc…)
- Khai Kinh (Biển trần khổ…)
- Kinh Sấm Hối (Cuộc danh lợi…)
- Kinh Xưng Tụng Công Đức (Hào quang chiếu…)
- Kinh Cầu Siêu (Đầu vọng bái…)
Từ đấy, các bài kinh trên chính thức đưa vào thành kinh lễ Cao Đài.Và, có điều trước nay nhiều người cho rằng chư Tiền khai Cao Đài thỉnh kinh tại Tam Tông Miếu. Thật ra, vào năm 1926 Tam Tông Miếu chưa cất, Minh Lý Hội còn tạm nơi chùa Linh Sơn. Việc thỉnh kinh diễn ra tại bàn thờ tư gia Ngài Âu Minh Chánh.
* Ngôi nhà ngài Âu Minh Chánh (Âu Kiệt Lâm) – là địa điểm tiếp các bài kinh Minh Lý Đạo – xưa ở đường Barbier (Lý Trần Quán – Thạch Thị Thanh ngày nay) trong một ngõ nhỏ. Ngôi nhà xưa bằng gỗ, khá rộng, nay không còn. Vị trí cuộc đất hiện thuộc nhà số 78/2 Võ Thị Sáu, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Nhân đây, xin nói thêm về Tứ Đại Điều Quy của Đạo Cao Đài cũng có phần gốc tích từ chi đạo Minh Lý như sau: Ngày 20.10. Ất Sửu (1925), Ngài Minh Thiện thọ lệnh Ơn Trên soạn điều quy cho Minh Lý theo sách Tàu xưa. Ngài Minh Thiện ghi lại: "Tôi mới lấy bổn Tứ Đại Điều Quy của ông Thương Châu Tử (sách chữ Tàu của Phái Minh Sư) mà dịch ra Việt Ngữ theo văn xuôi để trình bề trên duyệt phê. Bữa mồng 4 tháng 11 có Đức Vạn Pháp Giáo Chủ giáng, dạy đọc cho Ngài nghe bài của tôi vừa dịch ra đó. Khi đọc qua rồi, Ngài dạy rằng: “Ngươi làm như vậy thì dùng đặng rồi, chẳng cần phải sửa ...”.Chư Tiền khai Cao Đài khi soạn Tân Luật năm 1926 đưa Tứ Đại Điều Quy vào thành 1 chương (Chương 5)
CHI MINH THIỆN:
Từ trước năm 1915, một nhóm nhân sĩ thường họp mặt tại chùa Quan Đế, có tên là Thanh An Tư, ở thị xã Thủ Dầu Một (nay trên đường Hùng Vương) để cầu cơ thỉnh Tiên. Cách thức cầu cơ theo như Minh Sư (phò Đại ngọc cơ). Tại đây chư Thiên giáng dạy về thời cuộc và cho thuốc trị bệnh, có nhiều lời tiên tri rất linh hiển. Điều lạ là ông Nguyễn Văn Trượng làm đồng tử thường ngày không biết chữ, nhưng mỗi khi phò ngọc cơ, ông viết ra toàn chữ Nho, chữ Việt rất thông thái, càng làm cho đạo tâm quanh vùng thêm tin.
Đến khoảng năm 1915, ông Trần Hiển Vinh (1884 – 1962) được Tổ phụ truyền lại ngôi chùa này. Do chùa đã xưa cũ, trên 100 năm, nhiều chỗ hư mục nên ông cho tu sửa lại, mở rộng chánh điện ra phía trước, xây dãy nhà ngang, lót gạch toàn bộ nền chùa (phần gạch tàu cũ đem lót ngoài sân) và làm con ngựa Xích thố đặt trước cổng. Do vậy, dân gian gọi đây là chùa Ông Ngựa.
Xen lẫn những buổi hầu cơ có luận việc đời việc đạo, Thiêng Liêng thường ban ơn chữa bệnh cho bá tánh nên tên Đàn Minh Thiện có từ lúc này. Nhiều vị đạo tâm tích cực hành đạo như các ông: Trần Phát Đạt (anh ông Vinh); Lê Văn Hơn; Trần Duy Khánh; Lê Ngọc Lăng; Phan Văn Tý (1888 – 1962).
Chùa Minh Thiện thờ Đức Quan Thánh Đế Quân, tụng Minh Thánh Kinh, nhưng tại đây cũng có rất nhiều tượng chư vị Bồ Tát, Phật Tổ…

Thanh An Tự (đàn Minh Thiện xưa)

Sau khi đồng tử Nguyễn Văn Trượng mất, cơ bút đã bế, nhưng khách hành hương vẫn tấp nập và rất thành tín.Tiếp đến, khoảng năm 1963 – 1964, khi ông Trần Hiển Vinh qua đời. Do đã tham gia tích cực và có nhiều uy tín, ông Trương Kế An làm quản lý chùa. Ông cho thượng Thánh tượng Thiên Nhãn và dùng kinh Cao Đài cúng thường ngày. Được vài năm, do già yếu, ông giao chùa cho bổn đạo địa phương quản lý, chùa trở lại thờ Đức Quan Thánh như xưa.Có một số sự tích liên quan giữa Minh Thiện và Cao Đài :a. Với ngài Ngô Minh Chiêu.
Năm 1902, ngài Ngô còn trẻ (25 tuổi) chưa biết Đạo nhưng đã có tâm thành. Nghe đồn Tiên gia linh hiển, lại muốn cầu thọ cho thân mẫu, ngài Ngô lên hầu đàn Minh Thiên. Hôm ấy ngài được Ơn Trên ban 4 câu thơ:

Thủ bôi vị lễ diệt khả thông,
Trung dung hữu đạo thị tâm không.
Đắc vọng kỳ sự giả thân du,
Minh phong khả đối dữ thành công.
Đến năm 1919, do thân mẫu lâm bệnh nặng, ngài Ngô có lên Đàn Minh Thiện cầu thuốc, nhưng Ơn Trên lộ cho ngài biết cụ bà vận số đã hết. Ngày 15-11 năm ấy (24.9. Kỷ Mùi) cụ bà từ trần.
Nhờ nhiều lần hầu đàn Minh Thiện, biết rõ cách cầu cơ nên khi Thiêng Liêng dạy chư vị ở Tân An thay đổi từ chấp bút qua Đại ngọc cơ, ngài Ngô dễ dàng chấp hành.
b. Với Nhóm Hai (Nhánh Phổ Độ):
Buổi đầu thông công với các Đấng Thiêng Liêng, quý ngài Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang dùng phương pháp xây bàn theo sách Pháp. Cũng như nhóm chấp bút của ngài Ngô, Ơn Trên đã ban lệnh cho quý ngài chuyển qua sử dụng Đại ngọc cơ cho được nghiêm túc và thông linh hơn.
Khiến sao ông Phan Văn Tý (một vị trong ban cai quản Đàn Minh Thiện) là bạn ngài Cao Quỳnh Cư, lại ở gần nhà. Ông Phán Tý đã cho mượn và hướng dẫn nhị vị Phạm Công Tắc và Cao Quỳnh Cư phò Đại ngọc cơ thuần thục. Buổi phò cơ đầu tiên của chư vị nhằm lễ Hội Yến Bàn Đào (Rằm tháng 8 Ất Sửu). Bài cầu cơ lúc ấy cũng mượn của chi Minh Thiện. (Bài: “Chốn Bồng Lai là nơi thanh tịnh. Thú triều ưa…”).
c. Với Chi Minh Tân.
Ông Lê Minh Khá là xã trưởng ở Vĩnh Hội. Do bệnh ngặt nghèo, ông lên hầu đàn Minh Thiện được Ơn Trên ban thuốc uống lành. Sau đó, Thiêng Liêng hướng dẫn ông vào đường đạo đức, lập chi Minh Tân (sẽ nói rõ hơn ở phần sau).
Như vậy có thể nói chi Minh Thiện có nhiều căn duyên trong buổi đầu khai nền tôn giáo Cao Đài.
Ngày nay, đàn Minh Thiện (Thanh An Tự) thờ Đức Quan Thánh như nếp xưa và không còn cơ bút. Hằng năm vào Rằm tháng Giêng, người Saigon lên cúng rất đông.
Ghi chú:
- Ông Trần Hiển Vinh (1884 – 1962) vợ là Đặng Thị Hường (1900 – 1948), nhị vị có một gái là Trần Ngọc Anh, cô Anh lập gia đình với ông Phan Văn Bổn, là con trai ông Phan Văn Tý (Phán Tý) (1888 – 1962) và bà Cao Thị Nhiều (1892 – 1970). Bà Trần Ngọc Anh hiện ngụ tại cư xá Lữ Gia và kế tục quản lý Thanh An Tự.
- Về ông Trần Phát Đạt ( anh ông Vinh), bà Trần Ngọc Anh cho biết: "Ông Trần Phát Đạt (1881 - 1942) vào khoảng năm 30 tuổi, vì một vấn đề pháp lý nên đã đổi qu họ Nguyễn (Nguyễn Phát Đạt)".
Năm 1926, ông Trần Phát Đạt nhập nôn Cao Đài. Ngày 23.8. Bính Dần (1926), khi tham dự buổi họp Khai Tịch Đạo tại nhà ông Nguyễn Văn Tường (cũng là một trường hợp khác đổi họ Võ qua họ Nguyễn), Ông Trần Phát Đạt được Ơn Trên điểm vào danh sách 28 vị đứng tên Khai Tịch Đạo. Thường xuyên lui tới Thánh thất Cầu Kho, ông đã tích cực hành đạo đến cuối đời.
- Nhiều người kể lại rằng khoảng năm 1964 – 1965, khi ông Trương Kế An xây Bửu Sơn Tự ở núi Cấm, có định chở tượng “Ba ông” (hiện đặt trước chánh điện Thanh An Tự) về, nhưng không thể nào khiên đi được. Thế nhưng sau này, lúc bổn đạo Minh Thiện sửa chùa (thay cột gỗ bằng cột beton), xê dịch tượng rất dễ dàng.
CHI MINH TÂN:
Trong Ngũ chi, Minh Tân được lập cuối cùng, sau các chi khác.
Nguyên khoảng năm 1917, ông Lê Minh Khá (1868 – 1946) làm xã trưởng Vĩnh Hội, đồng thời là một doanh gia buôn bán gạo và phân bón khắp Nam Trung Bắc; Ông bị bệnh nặng, thuốc thang nhiều nhưng không khỏi. Nhờ thân hữu mách bảo, ông lên đàn Minh Thiện cầu xin và được Ơn Trên ban bài thuốc uống lành bệnh.



Chùa Minh Tân (Tam Giáo Điện Minh Tân)

Đến năm 1920, lại một cơn bệnh khác, và như lần trước, ông Lê Minh Khá lên hầu đàn Minh Thiện xin thuốc. Lần này, Đức Quan Thánh Đế Quân cũng ban bài thuốc trị bệnh cho ông nhưng thêm lời khuyên lo tu hành. Năm ấy ông 52 tuổi.
Tuân lời dạy của Đức Quan Thánh, ông Lê Minh Khá lập tại tư gia, số 236 quai de la Marne (nay là Nhà Văn Hóa Quận 4) một bàn thờ chư Tiên chư Phật. Trong thời gian này, khiến sao thỉnh thoảng những vị khuất mặt lại nhập điển vào mấy em nhỏ là con cháu của ông và dạy nhiều việc linh ứng, tạo niềm tin tưởng cho cả gia đình.

Qua năm sau, 1921, ông Lê Minh Khá thọ lệnh Thiêng Liêng lập ngôi Cao Thâm Đàn tại sở vườn cao su rộng trên 100 mẫu tại xã Gia Lộc, Trảng Bàng. Lệnh cũng giao cho hai con trai ông là Lê Minh Sanh và Lê Văn Trân coi sóc. Cao Thâm Đàn thờ Tam Giáo Đạo Tổ cùng chư Tiên Phật. Nơi đây thường thiết lập đàn cơ (song đồng âm dương phò Đại ngọc cơ) trị bệnh và dạy đạo đức cho dân chúng địa phương.
Năm 1922, ông Lê Minh Khá nhận lệnh Ơn Trên lập Cao Minh Đàn tại tư gia (236 Bến Vân Đồn). Cách thức thờ phượng nơi đây nghiêm túc hơn với vòng Thái Cực, bài vị Tam Giáo Đạo Tổ và chư Phật Tiên Thần Thánh. Lúc này, sự tin tưởng Thiêng Liêng trong toàn gia đình ông Lê Minh Khá thăng tiến rõ rệt, hầu hết mọi người đều tham gia hầu lễ Ơn Trên.
Qua năm 1923, tiếp tục có chuyển biến: Ơn Trên khuyến khích ông Lê Minh Khá mua lô đất gần nhà (cạnh bên phải số 221 Bến Vân Đồn – chùa Minh Tân hiện tại), để chuyển Cao Thâm Đàn ở Trảng Bàng về đây, lập thành ngôi Cao Tân Đàn. Lúc này Cao Tân Đàn thờ đủ bài vị: Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế và chư Tiên Phật. Có thêm bàn thờ Đức Lê Sơn Thánh Mẫu và Tề Thiên Đại Thánh hai bên. Sau khi xây dựng ổn định xong Cao Tân Đàn, Cao Thâm Đàn chấm dứt nhiệm vụ.
Không lâu sau đó, Ơn Trên chuyển lệnh sáp nhập hai đàn Cao Minh và Cao Tân thành Đàn Minh Tân. Đàn Minh Tân tạm đặt tại Cao Tân Đàn. Riêng Cao Minh Đàn trở lại thành nơi thờ phụng riêng của gia tộc họ Lê.
Như vậy, đến 1924 qua 1925, Đàn Minh Tân đã hình thành. Nơi đây chư Thiêng Liêng giáng điển qua cơ bút, dạy đạo cho tín hữu địa phương, thu nhận rất nhiều tín đồ vùng Khánh Hội, nhất là người nhà và số nhân công làm việc cho gia đình ông Lê Minh Khá.
Ngày 26-9-Bính Dần (1-11-1926) – tức là cận lễ Khai Minh Đại Đạo ở chùa Gò Kén – Đức Thái Thượng Đạo Quân giáng tại Minh Tân Đàn dạy: “Còn chẳng bao lâu nữa thì Tam Giáo Đạo đã ngưng lại hết, hễ ai có duyên phần thì Thầy độ lúc này. Vậy chư nhu phải truyền bá ra. Như người nào mộ đạo thì phải cầu đạo sớm đi. Nếu muộn thì đừng trách”… (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển)
Tiếp đến, Đức Lê Sơn Thánh Mẫu dạy :
“... Nay Đại Đạo gần mãn, nên Sư phụ các con cậy Thầy độ phái nữ Minh Tân ... khi lập xong rồi thì thượng sớ qua Tam Kỳ Phổ Độ. Phái nam cũng vậy. Như người nào chưa nhập Tam Kỳ Phổ Độ thì phải cầu xin. Lời Thầy nói đây là lấy chánh lý mà nói, chớ chẳng phải ép uổng ai đâu ...”. (Chữ Thầy đây chỉ Đức Lê Sơn Thánh Mẫu)Và như vậy, vào ngày mùng 6 tháng 10 năm Bính Dần, toàn thể nam nữ tín đồ Minh Tân quy tụ về chùa cùng làm lễ minh thệ nhập môn Cao Đài Giáo. Từ đây, chùa Minh Tân trở thành một Thánh thất Đạo Cao Đài.
Cũng từ đây, ông Lê Minh Khá càng tăng tiến việc tu hành. Sau khi mua thêm khu đất cạnh bên tổng cộng 601 m2 (số 221 Bến Vân Đồn hiện nay), ông tiến hành việc xây dựng ngôi chùa khang trang hơn. Ngày 15-12-1928, nhận được giấy phép, ông Lê Minh Khá cho khởi công xây dựng ngôi Tam Giáo Điện Minh Tân; đến năm 1930 hoàn tất, khánh thành. Lúc này trên chánh điện, ngoài các bàn thờ như trước còn có thêm bàn thờ Đức Tề Thiên Đại Thánh (bên nam phái). Xây cất xong ngôi chùa mới, Minh Tân Đàn chấm dứt nhiệm vụ, các bài vị thờ đưa qua lưu giữ tại Tam Giáo Điện Minh Tân.
Ông Lê Minh Khá liễu đạo ngày Rằm tháng Giêng năm Bính Tuất (1946) thọ 79 tuổi. Mộ phần tại Linh Xuân – Thủ Đức (cạnh sân banh).Ghi chú:
- Ông Lê Minh Khá (1868 – 1946) phối ngẫu với bà Nguyễn Ngọc Tâm (1876 – 1937), nhị vị có 5 người con là Bà Lê Ngọc Ý (1895 – 1941); ông Lê Văn Vị (1898 – 1945); Cô Lê Ngọc Trinh (1902 – 1941); ông Lê Minh Sanh (1906 – 1988); ông Lê Văn Trân (1908 – 1966). Với người vợ sau tên Huỳnh Thị Cấm có các người con là Lê Ngọc Sương, Lê thị Nữ , Lê Thị Liên và Lê Minh Chánh.
Riêng cô Lê Ngọc Trinh có tâm đạo từ nhỏ, không lập gia đình. Khoảng năm 1934, cô được Ơn Trên chọn vào trách nhiệm lập Nữ Chung Hòa Phái. Liễu đạo năm 1941, cô thọ Thiên phong Liên Hoa Tiên Nữ.
- Ông Lê Minh Khá và ngài Vương Quan Kỳ (một vị Tiền khai Đại Đạo) là thông gia với nhau (ông Lê Văn Trân và bà Vương Thanh Chi) và cùng hành đạo tích cực đến cuối đời.
- Sau khi lập thành Tam Giáo Điện Minh Tân, cách thức thờ phượng vẫn giữ nguyên như trước (lúc này đã quy nhập về Cao Đài). Chỉ thêm Thánh Tượng Thiên Nhãn phía trên cao.
Chính vì Minh Tân có thờ Đức Tề Thiên Đại Thánh, rồi đến chuyện biến “quỷ nhập tràng” tại Gò Kén, nên các bản Thánh Ngôn Hiệp Tuyển phát hành khoảng 1930 đến 1950 đều cắt bỏ ba bài Thánh giáo dạy ở Minh Tân. Gần đây mới in lại.
KẾT LUẬN:
Sau khi lược qua năm chi Đạo họ Minh - mà do phải gói ghém trong một bài viết ngắn như vậy, cũng khó trình bày hết những việc cần nói
- Điều chúng ta có thể tóm tắt lại là năm chi này cùng được Ơn Trên trực tiếp dạy đạo bằng phương tiện cơ bút (Đại ngọc cơ), thờ Thượng Đế và Tam Giáo Đạo Tổ, có ảnh hưởng lớn trong xã hội tại Nam Việt, nhất là tại Sài Gòn vào cận thời điểm trước khi mở Đạo Cao Đài. Năm chi này cùng họ Minh. Minh có nghĩa là sáng, (chữ Minh [明] gồm 2 chữ: Nhựt [日] và Nguyệt [月] ), chiếu sáng cả ngày lẫn đêm, chẳng những mình sáng mà làm cho mọi người đồng được sáng.Vậy là trước khi Đạo Trời xuất hiện, năm chi Đạo họ Minh cùng lúc có mặt tại chỗ để soi sáng. Soi sáng hầu vẹt đi cái hắc khí của thời Hạ nguơn. Soi cho tâm hồn của nhân sanh địa phương đất Nam Việt không còn u ám. Giúp mọi người nhìn thấy được sự lộng lẫy của mối Đạo Trời sắp ban xuống, nhờ vậy, mối đạo mới lập tức có đủ điều kiện thuận lợi và phát triển mạnh mẽ.Giờ đây nhìn lại, năm chi Đạo này có 2 chi đã quy nhập Cao Đài, ba chi kia tuy nay hành đạo với phương tu riêng của mình như trước nhưng vẫn liên hệ qua lại với mối thâm tình.Là những người tín hữu Cao Đài và là những hậu bối đi sau, nhìn về quá khứ, chúng ta hết sức trân trọng những gì được thừa hưởng và biết ơn các bậc Tiền Khai, dù ở chi đạo nào, Minh Sư, Minh Lý, Minh Thiện, Minh Đường hay Minh Tân đã góp phần vào đại cuộc chung này.
Huệ Nhẫn (7/1999)



PHỤ LỤC
Dưới đây là Thánh giáo của Đức Chí Tôn in trong quyển Thánh Ngôn Trích Yếu phát hành tại Linh Quang Tự (Hạnh Thông Tây, Gia Định) ngày mùng 4 tháng 4 năm Ất Hợi (1935). Xin trích đoạn phần Đức Chí Tôn dạy về Ngũ Chi Đại Đạo như sau:
“NGỌC kinh vừa tiếp sớ đàn trung,
HOÀNG lịnh Thầy khen biết phục tùng;
THƯỢNG giới ban hành lời chỉ dụ,
ĐẾ truyền tô điểm đạo trung dung.
(...)
Thầy phải lập Tam Kỳ Đại Đạo,
Rước nguyên nhơn huờn đáo cựu ngôi;
Tiên Thiên phẩm vị phục hồi,
Tránh nơi bến tục, xa mồi vinh hoa.
 
Thầy đã xin cùng Tòa Tam Giáo,
Lập Ngũ Chi Đại Đạo độ đời;
Ngũ Chi do gốc Phật Trời,
Minh Sư, Minh Thiện, Minh Đường, Minh Tân
. 
Thêm Minh Lý lãnh phần truyền đạo,
Ban sám kinh khuyên bảo tu hành;
Sáu mươi năm trước chỉ rành,
Thiên thơ ghi chép Thiên Đình luật ban.
 
Minh Sư cùng Minh Đường một phái,
Lo chấn hưng chế cải đạo Thiền,
Đạo Thích đã thất kỳ truyền,
Vì chưng tăng chúng không chuyên tu trì.
 
Làm mất lý vô vi của Phật,
Bày hữu hình vật chất không kiêng;
Minh Sư thọ đặng chơn truyền.
Rèn lòng tụng niệm tinh chuyên đạo mầu.

 Nhơn cuộc thế cơ cầu gay trỡ,
Nên Như Lai Phật Tổ truyền ngôn;
Truyền cho Đại Thánh Tề Thiên,
Hiệp cùng Thiết Quả giáng miền Nam Bang.
 
Cứu nguyên nhơn khai đàng dẫn nẻo,
Truyền Thánh Ngôn luật mẹo cứu đời;
Minh Tân Thánh Huấn truyền lời,
Chuyên theo Đại học chớ dời lòng son.
 
Bởi thấy đời vì còn vật chất,
Nên Cái Thiên Cổ Phật giáng trần;
Lập chi Minh Thiện độ dân,
Tùng theo Phật pháp tối tân Đạo mầu.
 
Y tam ngũ, hồi đầu phục nhứt,
Hiệp Thiên cơ tùng luật Thiên Tào;
Vì chưng lắm cuộc phong trào,
Mấy chi sợ khó hiệp vào một nơi.
 
Thầy phải sửa Cơ Trời khai đạo,
Nên truyền cho Đạo Tổ giáng trần,
Lập chi Minh Lý khuyến dân,
Truyền ban kinh luật hồng ân cứu đời.
 
Tới năm Dần phải thời mở Đạo,
Nên Tam Kỳ Đại Đạo phát minh;
Tiên Thiên một gốc ba nhành,
Thích, Nho, Đại Đạo hiệp thành Đạo Cao.

 Ba mối đạo gồm vào một chỗ,
Đặng để phương phổ độ nhơn sanh;
Tam Kỳ đạo cả dương danh,
Là nhờ tâm chí nhiệt thành nguyên nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét