CAO ĐÀI TUYÊN NGÔN
VẠN GIÁO NHỨT LÝ
VẠN GIÁO NHỨT LÝ
Trích Dặm dài gánh Đạo của Đạo Trưởng Chí Tín
Vạn giáo hàm chứa ý nghĩa rất nhiều tôn giáo. Chúng ta có thể nêu ra những tôn giáo lớn làm tiêu biểu như Bà La Môn giáo hay Ấn Độ giáo, Phật giáo ở xứ Ấn Độ; Lão giáo, Nho giáo ở Trung Quốc, Hồi giáo ở Phi Châu, Ki tô giáo ở Trung Đông, Tin Lành ở Âu Mỹ, các đạo giáo thần bí ở Ai Cập, Hy Lạp, La Mã...
Còn hai chữ Nhứt Lý nghĩa là một lý hay lý duy nhứt, lý nhứt nguyên, nguồn gốc tạo ra càn khôn vũ trụ vạn vật trong đó có con người. Tất cả đều quả quyết nguyên lý thực tại đó vĩ đại vô cùng, vượt trên mọi khái niệm suy luận của con người và không thể mô tả được bằng ngôn ngữ của loài người, vì nó vốn vô hình, vô tướng, vô thinh, vô sắc, vô danh, nên Đức Lão Tử là nhà cách mạng vĩ đại của Đạo học không biết gọi nó là gì, gượng đặt tên là ĐẠO. Nó có trước khi có Trời Đất và vạn vật với tự tánh luôn luôn vận động và lưu hành không ngưng nghỉ. Đầu mối của nó là sự sống, sinh thành chuyển hóa từ cái này qua cái khác một cách vô cùng tận, bất tiêu bất diệt, trường tồn vĩnh hằng. Đức Lão Tử gọi đó là Mẹ, sanh ra Trời Đất vạn vật chúng sanh. Nho giáo gọi là Thái Cực, là Thượng Đế tạo hóa ra càn khôn vũ trụ và vạn vật. Phật giáo gọi là Hư Vô, không không vô sắc tướng.
Khi tạo ra con người, theo luật sanh thành, Đức Thượng Đế không những bảo tồn dưỡng nuôi con người mà còn ban cho con người phần Thiên tánh để con người sống có đạo đức nghĩa nhơn, biết thương yêu dìu dắt giúp đỡ lẫn nhau trong tình huynh đệ con cùng một Cha chung, xứng đáng đứng vào hàng tam tài: Thiên Địa Nhân trong vũ trụ.
Trải qua nhiều thời kỳ, Đức Thượng Đế đã sai các vị Thiên sứ giáng trần mở ra nhiều mối Đạo khắp hoàn cầu, tùy theo phong tục tập quán của các dân tộc mà lập ra nhiều tôn giáo để hướng dân vi thiện, khuyến khích con người làm điều lành, tránh gây tội ác, sống theo Thiên lý, lẽ phải của Trời, để tiến hóa lên hàng siêu xuất thế gian. Đức Cao Đài đã xác nhận từ khi khai Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ: "Thầy là các con, các con là Thầy, có Thầy mới có các con, có các con mới có Thần Thánh Tiên Phật".
Đức Quan Thế Âm Bồ Tát có dạy ngày 8 tháng 4 Canh Tuất (12-5-1970) về sự ra đời của tôn giáo như sau:"Nguyên thủy con người không tự có tôn giáo và không ý niệm gì về tôn giáo, vì tự trong sâu thẳm của con người đã có cả một nguồn sinh tồn vĩ đại bất biến về Đạo. Tôn giáo chỉ xuất hiện ngay nét mặt sẫm tối màu địa ngục của thế gian. Do cuộc chuyển hướng quan trọng của loài người, ý niệm về tôn giáo con người kết thành từ đó, và cũng từ đó những tai họa nổi lên cùng lúc như bão táp làm mặt nước đại dương bị thu hẹp vì những lượn ba đào liên tiếp. Các bậc chơn tu đứng ra kêu gọi con người quay về nhận lấy nguồn sống tôn giáo để không sa đọa thì thử hỏi quá trình phổ độ tôn giáo đã cứu vãn bao nhiêu phần nhơn loại, tất nhiên là vô biên so với pháp môn vô lượng. Tuy thế, con người vẫn còn quây quần trong núi sân si sát hại, thì sứ mạng tôn giáo vẫn phải tích cực độ đời."
Do đó, chúng ta thấy cái lý do duy nhứt các tôn giáo được lập ra là để cứu đời, cho nên tất cả mọi tôn giáo đều có chung cùng sứ mạng dẫn dắt con người trở về nẻo thiện, đó là nhứt lý.
Đức Chí Tôn Thượng Đế vì thương xót nhơn sanh chìm đắm đọa trần mới dạy các Thiên sứ giáng trần mở Đạo cứu vớt con người, các Đấng Giáo Tổ thế Thiên hành đạo cũng vì thương xót nhơn loại chịu khổ đau mà hy sinh vào cõi trần ai ô trược này để thành lập tôn giáo cũng không ngoài lý do, mục đích cứu khổ cứu nạn nhơn sanh đem lại hạnh phúc cho nhơn loài.
Như Thái tử Sĩ Đạt Ta chịu hy sinh, ly gia cắt ái, lìa bỏ ngôi báu vàng son, vinh hoa phú quí, vào rừng sâu chịu cực khổ, thiếu ăn, thiếu mặc, để tầm sư học đạo và tìm phương pháp giải tứ khổ cho nhơn loại (sanh, bịnh, lão, tử).
Như Đức Khổng Tử thời xưa chịu cực khổ đi hết nước này sang nước khác cốt chỉ để truyền bá mối Đạo của Ngài cho các vua chúa theo đó mà an dân trị nước trong hạnh phúc, thanh bình, an cư lạc nghiệp.
Như Đức Chúa Jésus chịu hy sinh đóng đinh trên thập tự giá để lấy máu chuộc tội cho loài người.
Như Thánh Pythagore, người Hy Lạp, phải sang học Đạo bí truyền ở Ai Cập 20 năm và bị lưu đày ở Babylone 12 năm để trở về mở Đạo, truyền bá giáo lý của Ngài ở miền Nam nước Ý Đại Lợi và Hy Lạp, giúp dân hưởng hạnh phúc thái bình được 250 năm và giáo lý của Ngài vẫn lưu truyền đến ngày nay.
Nói tóm lại, các Đấng Giáo Tổ vì thương nhơn sanh mới lập ra tôn giáo, vì mục đích chung duy nhứt để cứu thế độ đời chớ không vì danh vị, lợi quyền như người thế tục. Các Ngài không mong ước đời sau xưng tụng các Ngài là những bực thế tôn. Nhưng về phương châm mỗi người có một lập luận, tuy có vẻ khác nhau, nhưng tựu trung cũng quy về nguồn sống an vui cho nhơn loại. (Đạo Học Chỉ Nam).
Đức Quan Thế Âm Bồ Tát trong đàn 14 tháng 01 Kỷ Dậu (02-3-1969) có dạy: "Dầu mang sắc thái riêng biệt của mỗi tôn giáo, mỗi tổ chức hành đạo có khác nhau, nhưng cái cứu cánh căn bản của nó là tế nhơn lợi vật, giáo dân vi thiện để đem lại xã hội thanh bình, quốc gia thạnh trị trong tình thương."
Hiện nay, nhơn loại dù thiên về văn minh tiến bộ khoa học kỹ thuật vật chất, nhưng cũng có nhiều học giả và những tổ chức phi tôn giáo hướng về triết lý Đông phương nghiên cứu, tìm hiểu Kinh Dịch của Nho giáo, Đạo Đức Kinh, Huỳnh Đình Kinh của Lão giáo... Một ngày không xa, triết lý Đông Tây sẽ đối chiếu dung hòa và tổng hợp, các tôn giáo trên thế giới xích lại gần nhau hơn sẽ nhận chân được tinh thần "Vạn giáo nhứt lý" như lời Đức Khổng Tử đã tiên tri: "Thiên hạ có lo gì, nghĩ gì? Tuy muôn đường nghìn lối khác nhau, nhưng cũng chung về một mục đích". Và từ đó Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ sẽ thực hiện sứ mạng lịch sử của mình trước thế giới nhơn loài.
Nói tóm lại, tiêu đề "Vạn giáo nhứt lý" có thể hiểu gọn lại là: các tôn giáo hiện có nhiều trên thế giới, nhưng đều xuất phát từ Thượng Đế, là Lý Duy Nhứt hay Lý Nhứt Nguyên tức là Đạo, là Thái Cực. Các Đấng Giáo Tổ vâng mệnh Trời là Thiên sứ, giáng trần để mở đạo, lập các nền tôn giáo với một lý do, một mục đích duy nhứt là cứu thế độ đời, giáo dân vi thiện, tìm phương cách để thức tỉnh con người biết tránh làm điều tội lỗi, biết thích làm điều thiện lương và con người biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau trong tình huynh đệ con chung Thượng Đế, để tu tiến lên hàng chí chơn, chí thiện, chí mỹ đạt mục đích tối hậu là Đạo.
Tôn giáo là cửa ngõ để đưa con người tìm Đạo, tìm phương tu thân tâm để tiến hóa lên hàng siêu nhân thánh triết và giải thoát kiếp luân hồi sanh tử triền miên ở cõi trần thế khổ lụy này. Các tôn giáo hiện hữu tuy phương cách tổ chức có khác biệt tùy theo dân tộc tập quán địa phương nhưng cốt yếu cũng đều nhằm mục tiêu giải thoát con người khỏi kiếp luân hồi sanh tử. Nếu con người tu hành tiến hóa đến mức tối cao thì linh hồn không còn phải chịu luân hồi chuyển kiếp vào cõi trần ai, và đương nhiên đắc thành quả vị Tiên Phật, trở về nơi cõi Thiên đàng hay Niết bàn cực lạc là cõi hằng thường siêu sanh vĩnh cửu. Người tu hành chơn chánh không nên chấp nhứt những sự dị biệt về hình thức tổ chức, những phương tiện bề ngoài của các tôn giáo mà phải chú trọng phần tinh thần vì đó mới là cứu cánh giải thoát của mình.
Các tôn giáo hiện hữu không khác nào nhiều đường mòn từ dưới chơn núi, tuy nhiều, tuy cách xa nhau, nhưng cuối cùng cũng đưa dắt hành giả lên đến đỉnh núi cao tột. Tôn giáo cũng ví như những sông rạch muôn phương, cuối cùng cũng chảy vào biển cả, đại dương là Đạo. Nên Phật có nói: chúng sanh vô biên, pháp môn vô lượng. Các tôn giáo chỉ là những phương tiện, là những pháp môn mà thôi, chớ Đạo mới thật là cứu cánh giải thoát. Cũng ví như pháp môn là những chiếc bè đưa hành giả sang sông, lên bờ giác rồi thì bỏ bè, tội lệ gì phải ôm giữ chiếc bè cho khổ thân.
Ngày nào, con người không còn phân biệt đạo này, tôn giáo nọ để nhìn nhận tất cả chúng sanh từ thảo mộc, thú cầm đến nhân loại đều chung một nguồn cội; mỗi một đơn vị là một phần tử của đại thể hay là của Đạo, để nhìn nhận tất cả các tôn giáo hiện hữu đều do một bàn tay của Thượng Đế lập thành, chừng đó may ra nhân loại mới thấy được yếng sáng Đạo lóe ra trong tâm thức mà tìm mọi phương về cùng khối Đại Toàn thể.
Như vậy, tôn giáo chỉ là phương tiện hình thức tổ chức bên ngoài để dẫn dắt hành giả vào cửa Đạo. Hiểu Đạo là cứu cánh giải thoát để chúng ta không còn ý tưởng phân biệt tôn giáo này hay đạo nọ, mà nên suy nghiệm lời dạy của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát: "Người tu hành không tìm đạo lý ở ngoài thân, mà phải tìm ở nội tâm. Những hình tướng tạm mượn để đặt cho một danh từ đạo lý là phương tiện của hành giả trên đường tu học mà thôi.” Và ở đoạn khác, Đức Bồ Tát dạy tiếp: "Đại Đạo vô hình vô tướng thì con người tu hành cũng không nhứt thiết phải chấp tướng chấp hình. Sở dĩ có qui giới, có đạo luật, có quyền pháp, có hình tướng riêng biệt là để đánh vào thị giác chúng sanh để nhận định hình tướng thanh cao đức độ bác ái, từ bi trong lớp đạo phục, trong con người đạo đức. Hình tướng rất cần nhưng cần trong chơn lý, trong quyền pháp Đạo. Hình tướng không bắt buộc mọi người phải đổi thay để đóng vai trò tạm bợ mà mỗi người phải chấp nhận hình tướng làm một phương tiện khả dĩ trong đoạn đường tạo thế cứu cánh đó thôi."
Nếu các tôn giáo hiện nay trên thế giới đều hiểu đúng ý nghĩa “nhứt lý” của tôn giáo như lời Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dưới đây thì hạnh phúc lớn cho nhơn loại biết bao:"Tôn giáo là cái gì? Phải chăng tôn giáo là phương hướng giáo thuyết để dạy đời nhìn thấy những gì Thiêng Liêng cao cả. Chẳng những chỉ ở phần tâm linh tối thượng, mà tôn giáo còn dạy người đời xem nhau như tình ruột thịt huynh đệ đại đồng, tuy khác nhau ở màu da sắc tóc nhưng cũng đồng thọ bẩm đức háo sanh dưỡng dục an bài của luật đương nhiên Tạo Hóa.Tôn giáo dạy người phải lấy tình thương yêu hòa ái từ xã hội rất nhỏ như gia đình phu phụ, phụ tử, huynh đệ, bằng hữu, đến một xã hội bực trung là đoàn thể quốc gia dân tộc và chí đến nữa là đại xã hội nhân loại đại đồng. Xã hội nhỏ có thương yêu hòa ái thì gia đình được hạnh phúc, phụ từ tử hiếu, huynh hữu đệ cung.
Một xã hội bực trung có thương yêu hòa ái thì đoàn thể được phát triển nẩy nở mau lẹ trong sự dìu dắt giáo dục bảo vệ cho nhau. Một quốc gia, toàn thể dân trong nước đó từ vua quan cho đến lê thứ dân dã cùng đinh mà biết thương yêu hòa ái thì quốc gia đó được thạnh trị, dân tộc đó được phú túc sung mãn hùng cường.Nếu đại xã hội nhân loại đại đồng biết thương yêu hòa ái nhau thì đại xã hội đó là một Thiên đường cực lạc tại thế gian.”
Chung quy, sứ mạng trọng yếu của các tôn giáo cốt yếu là truyền bá lòng thương yêu hòa ái cho tất cả nhơn loại được biết và khuyến khích dạy dỗ tín đồ mình phải thực hành cho được thương yêu hòa ái đối với nhơn loại theo đường lối mà các Đấng Giáo Tổ như Đức Thích Ca, Khổng Tử, Jésus… đã vạch ra.
Đạo Trưởng Chí Tín.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét