Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2010

Ý nghĩa trai đàn bạt độ


Ý NGHĨA TRAI ĐÀN BẠT ĐỘ
Thích Nữ Trí Hải


I. DẪN NHẬP
“Bạt” là nhổ lên, “độ” là vượt qua, thoát khỏi. Nhổ bật gốc rễ của lòng tham để vượt qua các nẻo luân hồi, đấy là mục đích chính của đạo Phật. Giáo lý Phật dạy rất nhiều, song chỉ có một vị duy nhất là ly tham, giải thoát. Để đạt đến cứu cánh ấy, có ba đường là Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông.

Thiền chú trọng tự lực, Tịnh chú trọng tha lực, còn Mật tông thì phối hợp cả tự lực và tha lực để cuối cùng thấy tự, tha chỉ là một. 

Trong một đàn tràng mandala, có đủ cả ba yếu tố thiền, mật và tịnh độ, nhưng yếu tố sau cùng là Tịnh độ thì khá lu mờ. Điều ấy làm ta thấy rõ, khi cô hồn đã lìa được tham ái chấp thủ thì ngay tức khắc được giải thoát, vì “Liên đài bất ly đương xứ, tịnh độ chỉ tại mục tiền”. (Đài sen không rời chỗ ở hiện tại, đất tịnh nằm ngay trước mắt). 

II. NỘI DUNG

1. Mười hai loại cô hồn
Được triệu thỉnh bao hàm tất cả mọi người thuộc đủ các tầng lớp trong xã hội xưa cũng như nay. Mỗi đoạn văn triệu thỉnh đều có hai phần: đoạn trước nói về thân thế lúc đang sống, đoạn sau kể từ hai tiếng “ô hô” là lời than cho số phận của cô hồn. Văn chương rất súc tích; chính Nguyễn Du đã lấy hầu hết ý tứ trong nghi lễ này để soạn thành bài “Văn tế thập loại chúng sinh”. Khi đọc lên, chúng ta có cảm tường không những kêu gọi nhắc nhủ người chết, mà còn cảnh tỉnh những người đang sống. Sau đây ta sẽ kể ra 12 loại cô hồn theo Khoa nghi, bản dịch của Cố HT Bích Liên, đồng thời đối chiếu các đoạn tương ứng trong Văn tế thập loại. 

Loại cô hồn đầu tiên là lụy triều đế chúa”, những ông vua các triều đại đã qua, phần lớn là những ông vua chết do tai nạn “đổi đời”. Đang trong cảnh thái bình “Mấy đời chín lớp ở cao, Non sông muôn dặm thâu vào một tay” nhưng bỗng chốc chiến hạm từ phương tây kéo đến, thế là “Thuyền chiến phút đổi thay vượng khí, Xe loan còn rủ rỉ hoan thinh”. Và rồi “Ôi thôi, Đỗ quyên kêu trót tàn canh, Máu hờn nhuộm mãi trên cành đào hoa”. 

Kế đến là quan võ hay tướng tá: Ngàn cân lực cử đảnh vàng, Thân trường thành vững trăm ngàn dặm khơi”, nhưng thường chết bất đắc kỳ tử “Trướng hùm lạnh uổng đời hãn mã, khói lan tràn nào gã Phan long”. Ôi thôi, “Ngựa nhà chiến tướng vắng không, Hoa hèn cỏ nội một vùng buồn thiu”. 

Loại cô hồn thứ ba là bá quận danh thần hay quan văn, gồm những quan huyện, phủ, tức là những nhân viên hành chính, thường phải nhậm chức xa nhà, chết xa quê hương. “Nhà châu quận xa làng phụ mẫu, Chốn nước trời theo dấu thần tiên. Ôi thôi, chinh chinh biển loạn sông nghiêng, Mờ mờ hồn bướm ly miền dương quan”.
 
Về ba hạng này văn tế Thập loại có khác: Nguyễn Du không kể những ông vua chết bình thường, “lụy triều đế chúa”, không kể những vua bị cướp ngôi, mà chỉ nhắc đến những kẻ “tính đường kiêu hãnh, Chí những toan cướp gánh non sông. Nói chi đương thuở thị hùng, Tưởng khi thế khuất vận cùng mà đau. Bỗng phút đâu lò bay ngói lở, Không đem mình làm đứa thất phu”. Tức là những oan hồn kiểu Từ Hải. Tướng cũng vậy, Nguyễn Du chỉ kể những ông tướng phản loạn: “Kìa những kẻ bày binh bố trận, Đem mình vào cướp ấn nguyên nhung. Gió mưa sấm sét đùng đùng, Phơi thây trăm họ làm công một người”. Để đến kết quả là “Khi thất thế cung rơi tên lạc, Bãi sa trường thịt nát máu rơi, Bơ vơ góc bể chân trời, Nắm xương vô chủ biết rơi chốn nào”. Về quan văn, Nguyễn Du nhấn mạnh hạng quan tòa xử án “Ngòi bút son thác sống ở tay”, đã gây nhiều oan trái: “Thịnh mãn lắm oán thù càng lắm”. Khi chết thì “Ngàn vàng khôn đổi được mình, Lầu ca viện xướng tan tành còn đâu”. 

Hạng thứ tư là hạng sinh viên học sinh, “bạch ốc thư sinh”. “Tan lửa đóm tiếc dày công học, Mòn đĩa nghiên uổng nhọc chí bền. Ôi thôi, lụa hồng bảy thước đề tên, Đất vàng một cụm lấp nền văn chương”. 

Đêm ngày chăm lo đèn sách, nhưng nửa chừng chết yểu thì những mớ kiến thức bỗng trở thành vô nghĩa. Hạng này tuy không bị bạo tử gian nan như ba hạng trên, vì chưa có danh phận, nhưng Khoa nghi cho ta thấy rằng kiến thức ở đời thật vô nghĩa khi đối mặt với cuộc tử sinh. Bởi vậy cái học đích thực phải là một cái học để thăng hoa, chuyển hóa con người, chứ không thể chỉ là kiến thức suông để tìm cơm áo, hư danh. Học cho nhiều mà đến khi chết vẫn mờ mịt về bản thân mình thì vẫn là một thất bại, vẫn thành một cô hồn vất vưởng. Trong Văn tế thập loại, Nguyễn Du nói về hạng này như sau: “Cũng có kẻ rắp cầu chữ quý, Đem thân vào thành thị lân la, Mấy thu lìa cửa lìa nhà, Văn chương đã chắc đâu mà trí thân?” Nghĩa là vì công danh, lên kinh đô ứng thí, chưa đỗ đạt gì đã thành cô hồn: “Dọc hàng quán phải tuần mưa nắng, Vợ con nào nuôi nấng kiêng khem”. Bệnh mưa nắng qua loa đáng lẽ không đến nỗi chết, song vì không được săn sóc, nên chết sớm: “Vội vàng liệm sấp chôn nghiêng, Anh em thiên hạ, láng giềng người dưng”. Người thiên hạ đã xa lạ mà gặp “anh em” của thiên hạ thì lại càng xa hơn một bực, kẻ láng giềng cũng không phải của mình mà là kẻ láng giềng của “người dưng” (chỉ chủ trọ): được hạng này chôn thì chỉ làm quấy quá cho xong chuyện, nên “Cô hồn nhờ gởi tha phương, Gió trăng hiu hắt lửa hương lạnh lùng”. 

Hạng thứ năm là một số các vị tu sĩ, mà nguyên văn gọi là “xuất trần thượng sĩ”. Hạng này cũng vậy, mục đích là xuất trần, và được gọi là thượng sĩ, nhưng tại sao lại còn quanh quẩn trong thế giới cô hồn? Ấy chính vì khi sống, họ chỉ nói suông những lời Phật dạy, lặp lại một cách máy móc lý Bát nhã, luận đàm về vô thường, khổ, không, mà chưa thực sự áp dụng chân lý ấy vào đời sống, vẫn còn tham một cái gì đó, nên không được siêu thoát. Do vậy, tuy rằng họ không bị chết bạo tử như vua chúa tướng tá, cái chết của họ vẫn là một tai nạn đáng thương, bởi vì chết mà chưa đạt mục đích của đời sống xuất gia. 

Họ vẫn còn tiếc nuối một cái gì, nên lai vãng chỗ ở của họ trước đây trong chùa chiền: “Cửa kinh trăng thảm lạnh lùng, nhà thiền leo lét đèn chong canh dài” (Kinh song lãnh tẩm tam canh nguyệt, thiền thất hư minh bán dạ đăng.) Họ không siêu do vì đã “không đàm bí mật chơn thuyên” và “đồ thuyết khổ, không diệu kệ”. Văn tế Thập loại của Nguyễn Du hoàn toàn không nhắc đến hạng này. 

Hạng sáu là các huyền môn đạo sĩ, những người luyện linh đơn trong đạo Lão, những người coi bói tướng, thiên văn địa lý, đoán vận mệnh người khác mà chính vận mệnh của mình thì mù tịt nên vẫn trôi lăn trong sinh tử và chết rồi vẫn vất vưởng trong cõi trung gian không giải thoát được. “Ôi thôi! Lò hương lâm quán lãnh sương, tiếu đàn gió lạnh thổi tàn hạnh hoa”. Văn triệu thỉnh nhắn nhủ họ quay về với chính đạo, bỏ các tà kiến, tà mạng nói trên. 

Văn tê thập loại của Nguyễn Du cũng không nhắc tới hạng này.

Hạng thứ bảy là thương gia lữ khách buôn bán xuôi ngược để kiếm lời, rủi bị chết dọc đường. Hạng này cũng do tham lợi mà chết bất kỳ. “Thân sương gió thịt chôn bụng cá, bước đá mây xương rã đường đê. Ôi thôi, Vía theo mây bắc sề sề, hồn theo ngọn nước xuôi về biển đông”. Nguyễn Du nói đến ba hạng thương gia: Hạng “tính đường trí phú, làm tội mình nhịn ngủ bớt ăn”. Đấy là hạng thương gia giàu nhưng cô độc và ích kỷ: “Ruột rà không kẻ chí thân, Dẫu làm nên nữa dành phần cho ai?”. Bởi thế nên khi họ chết thì “Khóc ma mướn thương gì hàng xóm, Hòm gỗ đa bó đóm đưa đêm, Ngẩn ngơ nội cỏ đồng chiêm, Tuần hương giọt nước biết tìm nơi đâu?” Hạng thương gia thứ hai tương đương với Khoa nghi chẩn tế: “Cũng có kẻ vào sông ra bể, Cánh buồm mây chạy xế gió đông Gặp cơn giông tố giữa dòng, Đem thân vùi lấp vào lòng kình nghê”. Hạng thứ ba là tiểu thương kiếm sống qua ngày: “Cũng có kẻ đi về buôn bán, đòn gánh tre chín dạn hai vai, Gặp cơn mưa nắng giữa trời, Hồn đường phách sá lạc loài nơi nao?”
 
Hạng tám là chiến sĩ trận vong.Cờ điều phất ngọn tương tranh, trong chòm mũi bạc đem mình chống đương. Gan ruột nát theo trường kim cổ da thịt rơi đầy chỗ can qua. Ôi thôi, cát vàng văng vẳng tiếng ma, mờ mờ xương trắng ai mà nhặt cho”. Nguyễn Du thì: “Cũng có kẻ mắc vào cửa lính, Bỏ việc nhà gồng gánh việc quan, Nước khe cơm vắt gian nan, Dãi dầu muôn dặm lầm than một đời”. Hạng này khi sống đã khổ, mà chết còn thảm thê hơn: “Buổi chiến trận mạng người như rác, Phận đã đành đạn lạc tên rơi, Lập lòe ánh lửa ma trơi, Tiếng kêu thăm thẳm tối trời càng thương”. 

Hạng thứ chín là những sản phụ chết cả mẹ lẫn con: “Vần cung phụng phút chường hung kiến, tuồng ngõa chương rơi rớt mẹ con”. Ôi thôi, “nhành hoa nở trận mưa tuôn, đương khi trăng tỏ gặp luồng mây xâm”. 

Văn tế thập loại chỉ nhắc đến trẻ sơ sinh bị chết: “Kìa những đứa tiểu nhi nhỏ bé, lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha, Lấy ai bồng bế vào ra, U ơ tiếng khóc xót xa nỗi lòng”. 

Hạng mười là những kẻ đui điếc câm ngọng, tôi tớ nô tỳ bị chết vì tai nạn lao động “cần lao thất mạng thương nô”, những tì thiếp bị vợ cả ghen tuông mà phải vong mạng do tự sát hay do bị đầu độc “đố kị thương thân tì thiếp”. Những người này sở dĩ phải chịu một đời khốn nạn vì kiếp trước đã không tu, khinh khi Tam bảo, ngỗ nghịch đối với cha mẹ, tạo nhiều tội nghịch nên nay phải trả quả báo, gọi là “báo chướng”. “Khinh Tam bảo tội dường cát bãi, nghịch song thân ác dẫy cõi người. Ôi thôi, đêm trường thăm thẳm bóng ma, cửa mù thui thủi như tòa thu đông”. (Trường dạ mang mang hà nhựt hiểu, U quang ẩn ẩn bất tri xuân). Văn tế thập loại không kể riêng một hạng này, thay vì thế, lại có một hạng mà Khoa nghi không nhắc tới, đó là hạng buôn hương bán phấn: “Lại có kẻ lỡ làng một kiếp, Liều tuổi xanh bán nguyệt buôn hoa”. Số phận của họ thật thảm: “Sống đã chịu một đời phiền não, thác lại nhờ hớp cháo lá đa” vì không có chồng con cúng tế. 

Hạng mười một là những cung phi mỹ nữ như Dương quý phi, gặp lúc thất thế phải tự sát, tự trầm: “Hồn vân vũ tan vườn Kim cốc, Ruột trăng hoa héo dọc Ma ngôi”. Ôi thôi, “Phong lưu ngày trước đâu rồi, xương khô lạnh lẽo trên chồi cỏ cây”. “Kim cốc” là nhà vàng do tỷ phú Thạch Sùng xây cho người đẹp Lục Châu ở, Mã Ngôi là nơi Dương quý phi bị bức tử. Văn tế nêu lên hai người đẹp chết oan, (một người đoan chính là Lục châu không chịu nhục nên tự sát, và một người ăn ở hai lòng là Dương quý phi thì bị bức tử) để cho ta thấy rằng “cô hồn” bao hàm nhiều hạng sang hèn thiện ác chứ không chỉ thuần là kẻ ác mới thành cô hồn. Văn tế thập loại thì “Kìa những kẻ màn lan trướng huệ, Những cậy mình cung quế Hằng nga” đến khi đổi đời “một phen thay đổi sơn hà” thì “Trên lầu cao dưới dòng nước chảy, phận đã đành trâm gãy bình rơi, Khi sao đông đúc vui cười, Mà khi nhắm mắt không người nhặt xương”.

Cuối cùng là những hành khất, tù nhân bị tử hình, những kẻ chết ngang trái do tai nạn nước, lửa, bị thú dữ ăn thịt, ngộ độc, tự ải, sét đánh... “Lại thỉnh kẻ cơ hàn khất cái, Cùng tù nhân mang phải trọng hình, Gặp tai nước lửa hại mình, Hoặc vương hùm sói tan tành thịt xương”. Văn tế thập loại có những đoạn tương đương như sau: “Cũng có kẻ nằm cầu gối đất, Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi, Thương thay cũng một kiếp người, Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan”. Về hạng tù nhân, Nguyễn Du nhắc đến hạng chết trong ngục thay vì bị tử hình: “Lại những kẻ mắc oan tù rạc, đem mình vào chiếu nát một manh. Nắm xương chôn lấp góc thành, Kiếp nào cởi được oan tình ấy đi?” Và trong đoạn cuối Văn tế thập loại, cụ Nguyễn Du đã kể chung các hạng người chết ngang trái như sau: “Có những kẻ chìm sông lạc suối, Cũng có người sẩy cối sa cây, Có người gieo giếng, thắt dây, Người trôi nước lũ, kẻ lây cháy thành.

Người thì mắc sơn tinh thủy quái, Người thì sa nanh sói ngà voi. Có người hay đẻ không nuôi, Có người sa sẩy, có người khốn thương!” Ngày nay còn các tai nạn khác như điện giựt, rớt máy bay, đụng honda, tai nạn lao động trong các nhà máy, tai nạn do nhiễm phóng xạ nguyên tử, tai nạn do hóa chất... không bút nào tả cho xiết những loại chết ngang trái này. Lại nữa, trong 12 loại cô hồn, cả trong Khoa nghi lẫn Văn tế thập loại đều không thấy nhắc đến một hạng người khốn đốn nhất ngay cả lúc đang sống, đó là hạng người mắc bệnh thần kinh. 

Sau nhiều giai đoạn nghi lễ rất chi tiết có tính cách chuyên môn – gồm có lễ Phật, thỉnh sư thăng tòa, thỉnh Tì lô giá na Pháp thân Phật ngự trên mão đội, kết giới năm phương hướng, kết giới hàng ma, và bắt ấn đọc thần chú để làm cho đàn tràng trong ngoài thanh tịnh, gia trì thần lực vào các pháp khí như chuông, mõ, linh, khánh, v.v.. cùng các đồ cúng – tất cả 12 loại cô hồn được mời thọ hưởng pháp vị Cam lồ. Vị chủ sám xướng đại khái như sau:
“Tôi nay thừa oai thần chư Phật, xin mời tất cả quỷ thần trong ba nẻo sáu đường. Nguyện cho tất cả các bộ loại quỷ thần nhờ năng lực Như lai, vào giờ này được hấp thụ Pháp vị cam lồ ngon nhứt cua Phật, ăn uống no đủ, phát tâm bồ đề xa lìa tà hạnh. Nhờ vậy không còn phải luân hồi trong các ác đạo, ba nghiệp thân miệng ý thanh tịnh, chứng đạo bồ đề”. Sau đó là phần khai thị cho cô hồn về chân lý nòng cốt của Phật, là tất cả đau khổ tội ác đều do vô minh, tham ái. Ánh sáng từ bi của Phật chiếu cùng khắp, như mặt trời không soi sáng riêng ai, chỉ tại người mù không thấy. Bây giờ, hãy từ bỏ vô minh cố chấp, nương theo ánh từ quang của Phật tức thì được giải thoát khỏi các đường dữ. 

2. Tam mật gia trì
Sự cầu nguyện cốt ở chỗ thân, khẩu, ý ba nghiệp phải hoàn toàn thanh tịnh gọi là “tam mật gia trì” để hợp nhất tự lực với tha lực, thành một năng lực vô biên có thể “bạt độ” tất cả cô hồn. 

Ở đây hai yếu tố Thiền, Mật kết hợp chặt chẽ. Trước khi quán các tướng (như quán ánh sáng của Phật, quán các đồ cúng đầy khắp hư không và đủ loại cần dùng cho đủ loại cô hồn: tỉ như nước uống thì phải quán nhiều thứ nước như la de, xá xị, nước mía, nước sinh tố, pepsi-cola và mọi thức uống khác hiện có trên thị trường) thì cần thiết tâm phải trống rỗng tất cả mọi khái niệm, như một bầu trời bao la không một gợn mây trong đó. Trong Chân không có đủ tất cả, mặc dù nhìn bằng mắt thịt thì chẳng có gì: tức Giới, tức Định, tức Tuệ, phi mộc, phi hỏa, phi yên”.
 
Từ cái tâm thanh tịnh quán ra chư Phật, Bồ tát đầy cõi Hư không, hoặc quán ra quỷ thần, cô hồn, thực phẩm đầy cả hư không. Khi đã quán được cái không thành cái có, thì có thể thấy được cái có cũng là không, cả hai cái có, không đều từ Chân tâm biến hiện, đều như huyễn. Bát nhã tâm kinh dạy, vật chất không khác chân không, chân không chẳng khác vật chất. Vật chất chính là chân không, chân không chính là vật chất. Trong Chân không, bao hàm tất cả vật chất, vì tất cả vật chất rút giảm đến cùng chỉ là nguyên tử, nguyên tử khi được phân tách lại gồm có âm điện tử, dương điện tử và trung hòa tử, những thứ này vừa là ánh sáng vừa là năng lượng, vừa động vừa tĩnh, vừa là sắc, vừa là không. Mọi sự vật từ vật chất đến tinh thần đều được kết hợp bằng những nguyên tố đơn giản nhất ấy, tùy tỉ lệ và cách sắp xếp của chúng mà có ra vạn loại. Sự khám phá này của khoa học vật lý đã tiến rất gần đến Phật giáo và giúp người ta hiểu được phần nào về mật tông. 

Trong mật tông, mỗi vị Phật hay Bồ tát, mỗi nguyên tố vũ trụ như địa thủy hỏa phong đều có chủng tự và ấn quyết riêng. “Chủng tự” là những âm thanh tương ứng với một vị Bồ tát, hình thức ngắn gọn của thần chú. Mỗi nguyên lý cấu tạo vũ trụ cũng có chủng tự riêng, như phạn tự LAM tiêu biểu Địa giới, VAM tiêu biểu Thủy giới, RAM tiêu biểu Hỏa giới và YAM tiêu biểu Phong giới (hay Không giới). Nghĩa là, không có gì khác nhau giữa LAM với đất, VAM với nước..., và một vị đắc tứ thiền (vì cần phải KHÔNG TÂM trước, tức là TỊNH CHỈ hoàn toàn, mới quán được thành công, và thành công đây là “thần thông” hô phong hoán vũ) chỉ cần lẩm nhẩm những chủng tự này và quán nước, quán đất là có thể hóa phép thành nước để dập tắt lửa, hay thành đất để đi giữa hư không hoặc đi trên nước. Tay bắt ấn là thân nghiệp, miệng đọc chú là ngữ nghiệp, tâm quán tưởng chủng tự là ý nghiệp. 
Có thể nói rằng, “tam mật gia trì” giống như một phòng thí nghiệm vật lý trong đó mọi điều kiện phải được hoàn tất thì mới có được hiệu quả mong muốn. 

3. Ngũ phương Phật
Ngũ phương Phật tượng trưng cho năm uẩn không còn bị chấp thủ trong một bản ngã, gọi là Ngũ trí Như Lai: Ở trung ương, đức Tì Lô Giá Na tượng trưng Sắc uẩn và cũng là Pháp giới thể tính trí. Đông phươngPhật Bất Động hay A Súc Bệ, tượng trưng Thức uẩn đã chuyển thành Đại viên cảnh trí. Nam phươngPhật Bảo Sinh, tượng trưng Thọ uẩn đã chuyển thành Bình đẳng tính trí. Tây phương là Phật A Di Đà, tượng trưng Tưởng uẩn đã chuyển thành Diệu quan sát trí. Bắc phươngPhật Bất Không Thành Tựu, tượng trưng Hành uẩn đã chuyển thành Thành sở tác trí. Mật tông khi truyền sang Trung Quốc còn chịu ảnh hưởng Dịch lý, nên Ngũ phương còn tượng trưng Ngũ hành trong Dịch học: Trung ương là hành Thổ, sắc vàng, phương Đông là hành Mộc sắc xanh, phương Nam là hành Hỏa sắc đỏ, phương Tây là hành Kim sắc trắng, phương Bắc là hành Thủy sắc đen (hoặc lục). 

Con người là một tiểu vũ trụ đầy đủ tất cả tiềm năng của đại vũ trụ bên ngoài, vì được cấu tạo bởi cùng những nguyên tố là địa thủy hỏa phong, và cũng theo những quy luật âm dương ngũ hành như vũ trụ.
Vì tự giam mình trong cái vỏ cứng của sự chấp thủ, gọi là năm thủ uẩn, ta tự tạo ra một bản ngã hẹp hòi mà chỉ là ảo tưởng, bản ngã ấy lên xuống qua lại trong các nẻo luân hồị để chịu bao nhiêu đọa đày thống khổ. Vì bản ngã đã phi thực, nên khổ cũng phi thực, chỉ như người và cảnh trong mộng. Khi tỉnh mộng rồi ta mới biết cái “tôi” trong mộng và những gì cái “tôi” ấy kinh nghiệm trong mộng đều không thực có. Giải thoát là lìa chấp thủ, khi hết chấp thủ vào một cái tôi riêng rẽ, thì con người và vũ trụ là một. Ngũ uẩn thành ngũ trí Như lai, nghĩa là thành những năng lực vô tận vô biên để cứu thoát chúng sinh trong các đọa xứ. 

Nhưng chúng sinh vốn là Phật, chỉ vì chấp thủ mà thành chúng sinh, cho nên trong việc “cứu độ” của Phật, cần có sự hợp tác chặt chẽ của chính những chúng sinh được cứu. Trong không gian luôn luôn có những luồng điện đủ các tần số đang phát sóng, mỗi chúng sinh ví như một cái radio, cần phải bật lên và vặn đúng tần số mới nghe được. Sự tu tập và cứu độ trong mật tông căn cứ trên nguyên lý ấy.
Tính Không, nguyên lý nòng cốt của mọi sự, gọi là Pháp giới, nằm ở trung tâm. Nó là chỗ phát xuất và chỗ trở về của vạn pháp trong vũ trụ. Tương tự nguyên lý Dịch, từ thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh ra bát quái, từ bát quái biến ra 64 quẻ cho đến vô cùng tận, một đồ hình mật tông cũng thế, tất cả Phật, Bồ tát, thiện thần, hung thần đều là hóa thân của Kim cương tát đỏa, và Kim cương tát đỏa là hóa thân của đức Tì lô giá na. Năm Phật ở năm phương chỉ cần ngồi đấy không cần phải làm gì cả, nên thường gọi là Phật thiền (Dhyàni Buddhas). Hành động phóng quang cứu khổ, vân vân, đã có các hóa thân thành hai mặt đối kháng như lành và dữ, nam tính và nữ tính, vân vân. 

Cho nên hai bên mỗi vị Phật thường có hai Bồ tát hầu cận, tượng trưng hai nguyên lý đối nghịch ấy, như lưỡng nghi sinh từ Thái cực. Phật không làm gì, nhưng không có Phật thì không xong việc gì cả. Ngài an tọa ở đấy nhưng cứu độ được cả mười phương chúng sinh, khi chúng sinh nâng cao tâm hồn đủ để bắt gặp những tần số rung động của các hóa thân Phật. Ta có thể ví chư vị Phật thiền ở ngũ phương giống như những yếu tố xúc tác (catalyst) trong hóa học, một hiện diện vô hành nhưng rất cần thiết. 

Khổng Tử cũng nói: “Trời không nói gì cả, mà bốn mùa vận hành, trăm hoa tươi tốt”. Lá xanh cần mặt trời như thế nào, thì chúng sinh cũng cần Phật như thế ấy, mặc dù Phật chỉ việc ngồi đấy mà thôi, mọi sự độ sinh đã có chư vị Bồ tát chiếu liệu. Và ở hóa thân, thì có hai mặt lành dữ, nhưng tựu trung cũng chỉ từ một căn bản. Như Bồ tát Quan Âm cứu khổ khi hóa thành Diện nhiên Đại sĩ để thống lĩnh 12 loại cô hồn thì phải có gương mặt thật dữ dằn. Tại vì chúng sinh có kẻ cần phải dùng biện pháp mạnh mới hàng phục được. 

Trong một mandala đầy đủ (gồm trên 100 vị phật, Bồ tát, thiện thần, hung thần – ngũ phương Phật chỉ là cái lõm) những hung thần (như Tiêu diện) tượng trưng cho những khuynh hướng xấu ác trong tâm, hoặc sự tự trừng phạt của một lương tâm bất an do ác nghiệp; vì Phật giáo vốn không công nhận có sự thưởng phạt của một quyền năng bên ngoài. Chư thiên thiện thần chỉ đóng vai trò ngoại hộ, hỗ trợ tinh thần cho bậc tu hành, chứ không giải thoát cho ai được cả. 

Nhiều người xem chẩn tế hiểu lầm mật tông là một hình thức mê tín đa thần (thần quyền), nhưng Tử thư – quyển sách mà người Tây Tạng đọc để hướng dẫn người sắp chết – luôn luôn nhắc nhở rằng, tất cả hiện tượng gì họ thấy trong tâm nhãn trước giờ chết đều do tâm biến hiện, đừng sợ hãi khiếp đảm mà cần giữ tâm chuyên nhất, hoặc hướng về ánh sáng tiếp độ của Phật thì sẽ được giải thoát. Người giữ được nhất tâm trước những hình ảnh khủng khiếp gọi là giải thoát nhờ thiền định, hay tùy pháp hành, còn người nhờ niệm Phật, sám hối mà không sợ hãi và cuối cùng nhận ra các hiện tượng đó đều do tâm tạo, thì gọi là giải thoát nhờ đức tin, hay tùy tín hành. Nhưng thiền định hay đức tin đều do tự mình khổ công đào luyện suốt cả đời may ra mới công hiệu khi chạm mặt với cái chết. 

Thần chú (mantra) cũng như chủng tự mỗi vị Phật liên hệ đến một màu sắc khác nhau, như Tì Lô Giá Na màu vàng, A Súc Bệ màu xanh, Bảo Sinh màu đỏ, A Di Đà màu trắng, Bất Không Thành Tựu màu đen hay lục. 

Sự đọc chú, tâm tập trung quán tưởng là điều kiện cần thiết để có cảm ứng chuyển được vật và triệu thỉnh được thần. Điều này có vẻ huyền bí nhưng kỳ thực chỉ là một sự nối dài của nguyên lý vật lý mà ta đã biết về âm thanh đến một tần số nào đó có thể làm vỡ kính, hay một ví dụ khác, người Việt khi nghe tiếng “me chua” thì chảy nước miếng. Nếu không để ý, hoặc phát âm thành “mè” hay “mẻ” thì không có tác dụng gì cả. 

Theo cuốn Tử thư của người Tây Tạng, một người mới tắt thở, nếu suốt đời đã tu chứng cao, có trí tuệ, khi gặp ánh sáng Pháp giới (biểu trưng năng lực vũ trụ) thần thức sẽ nhập một với ánh sáng và được giải thoát ngay, không phải trải qua giai đoạn trung ấm tức là khoảng thời gian người chết biết rằng mình đã chết (thường là ba ngày rưỡi sau khi tắt thở) cho đến 49 ngày sau. Nếu vụng tu, khi gặp ánh sáng Năng lực vũ trụ, thần thức sẽ vô cùng kinh hãi, trốn chạy như trong một cơn ác mộng, và thế là lỡ mất cơ hội giải thoát. Người mới chết thường chưa biết mình chết, nên thấy bà con khóc lóc thì bực mình. Họ kêu gọi người thân đang khóc nhưng không ai nghe, mặc dù họ vẫn nghe được, biết được mọi sự xảy ra trong thế giới người sống. Sau đó, người chết rơi vào một trạng thái bất tỉnh trong ba ngày rưỡi; và khi tỉnh dậy, có một sự sáng suốt bừng lên, biết mình đã chết, và do không chịu nổi trạng thái không thân, họ toan tìm lối nhập vào một bào thai để có một thân xác. Trạng thái 49 ngày của thân trung ấm khởi đầu từ đây. Ngày thứ nhất (tức khoảng ba ngày rưỡi sau khi tắt thở), hào quang vàng của Pháp thân Tì Lô Giá Na chiếu đến cứu độ và đồng thời lại có ánh sáng cõi trời màu trắng đục chiếu đến. 

Ánh sáng của Phật rất xốn xang (nhất là đối với người không quen nghe kinh niệm Phật) còn ánh sáng cõi trời thì dịu hơn, thế là người ấy tái sinh lên trời. Nếu là người ác, họ có thể để tuột mất cả hai ánh sáng này, lang thang qua ngày thứ hai. Khi ấy Kim cương tát đỏa hóa thân của Phật A Súc tượng trưng Thức uẩn thuần tịnh chiếu đến ánh sáng màu xanh; ngày thứ ba đức Bảo Sinh (tượng trưng thẩm mỹ) chiếu đến ánh sáng màu đỏ; ngày thứ tư Phật A Di Đà chiếu ánh sáng màu trắng (tưởng uẩn thuần tịnh); ngày thứ năm Phật Bất Không chiếu đến ánh sáng màu lục. Mỗi lần ánh sáng cõi Phật chiếu đều có thêm ánh sáng tương tự nhưng dịu và đục cũng chiếu đến, và những ánh sáng này tương đương với các cõi a tu la, người, địa ngục, ngạ quỷ. Do vậy, người chết được nhắc nhở luôn luôn đừng đi theo những ánh sáng đục, dịu vì đấy là những nẻo luân hồi mà họ sẽ rơi vào. Hãy luôn luôn đi theo những ánh sáng chói chang của Phật. Điều này theo quy luật đồng thanh tương ứng, nếu người chết từng nặng về sắc, hay thọ, hay tưởng, hay hành, hay thức, thì khi chết sẽ đi theo những gì mà họ khoái nhất lúc sinh tiền, tượng trưng bằng những ánh sáng của Phật và các cõi. Nếu người chết vẫn trốn chạy tất cả ánh sáng, do sợ hãi và lưỡng lự, thì qua ngày thứ sáu, tất cả hóa Phật ở năm phương hướng đồng loạt chiếu hào quang đến một lần chót, tựa như một mẻ lưới cuối cùng, để cứu vớt. Kể từ ngày thứ bảy trở đi, thần thức mò mẫm qua các nẻo luân hồi để tìm một thân xác, cho đến khi gặp một hoàn cảnh thích ứng với nghiệp của nó, và như thế là có tái sinh, nhập thai và già chết như cũ nên gọi là trôi lăn hay luân hồi. Đấy là sơ lược tiến trình của một thân trung ấm qua 49 ngày sau khi chết, vì lý do đó mà có sự kết giới ngũ phương tượng trưng năng lực cứu độ của chư Phật đối với 12 loại cô hồn.
Ở đây có thể khởi lên một câu hỏi: nếu không có một bản ngã, nếu là vô ngã, thì Ai luân hồi? Trả lời: không ai cả, chỉ có luật ĐỒNG KHÍ TƯƠNG CẦU vận hành ở đây. Năm uẩn khi tan rã, cái gì thuộc đất trở về đất, nước đi theo nước, hơi trở về hư không, đó là phần “sắc uẩn” tức thân xác. Phần vô hình cũng có nhiều yếu tố như thương, giận, sợ, si, thù, ghét, buồn, hận, vân vân, mỗi thứ đều có những “phóng xạ” những tần số rung động khác nhau. Nếu một người khi sống tham dục nhiều, thì phần “khí” của họ có rất nhiều phóng xạ tham dục, và sẽ bị thu hút tới những chỗ nào nhiều tham dục nhất như loài heo, nếu người ấy đồng thời không có một nghiệp lành nào, không ưa gì khác ngoài sự hưởng thụ vật dục. Con heo kiếp sau và con người kiếp trước không phải là một, nhưng quả có chịu ảnh hường của con người kiếp trước, nên cũng không thể nói là hoàn toàn khác. Cũng giống như trong một đời người, lúc sơ sinh khác hẳn lúc trưởng thành, từ thân thể cho đến tính tình, tri thức, đến nỗi ta khó mà nhận ra cả hai chỉ là một. 


III. KẾT LUẬN
 
Nếu ta ý thức sự cứu tế xã hội cần thiết trong cõi người sống như thế nào, thì trong cõi vô hình, sự bạt độ vong linh cũng cần thiết như thế ấy: “Sống làm sao, chết làm vậy”. Con người không những chỉ sống bằng lý trí mà còn sống bằng tình cảm. Cúng giỗ người chết cũng như tiếp tế cho người thân ở xa, chẳng những làm ấm lòng kẻ ra đi mà còn an lòng người ở lại. Điều cần thiết là phải làm thế nào để sự cúng tế vừa hợp lý vừa hợp tình “Lý” đây là chân lý Phật đã dạy, theo đó chết chỉ là một chuyển tiếp qua đời sống khác, nếu còn ở trong vòng luân chuyển.  

Như vậy, rất cần chuẩn bị cho người chết một tái sinh tốt đẹp bằng phương pháp thực hành các việc phước như ăn chay, bố thí, phóng sinh nhân danh người quá cố. Dù người chết không thực sự hưởng các đồ cúng, vẫn nhờ công đức bố thí ấy mà được lợi lạc. (Theo lời Phật dạy, chỉ có kẻ đọa vào loài quỷ đói mới hưởng đồ cúng.) Huống hồ, trong một trai đàn, phẩm vật hiến cúng tuy nhiều song vẫn chưa quan trọng bằng “pháp thí”, cam lồ pháp thực để cảnh tỉnh người còn kẻ khuất. Đó mới thực là cuộc lễ hội bố thí vĩ đại đem đến kết quả quốc thái dân an.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét