Số báo Công Giáo và Dân Tộc tuần rồi (1783) mở đầu với bài “Chia Sẻ Về Truyền Giáo”, của Đức Giám Mục G.B. Bùi Tuần.
Bài viết cô đọng, chuyển tải nhiều giá trị nhân bản được trình bày giản dị đến mức… “trong suốt”, để người đọc nhìn thấu tấm lòng người viết.
“Người truyền giáo sống tinh thần nhập thế. Họ phải trân trọng, yêu thương con người, đất nước, địa phương mà họ được sai đến.” (tr. 3)
“Trong truyền giáo, chúng ta nên để ý nhiều đến những tiếp xúc cá nhân. Rất nhiều trường hợp, tiếp xúc cá nhân sẽ mang lại nhiều thành công, miễn là người truyền giáo mang sẵn trong mình đủ hành trang (…).” (tr. 7)
Một lời vàng làm phương châm cho tất cả những người truyền giáo, truyền đạo trong tất cả mọi tôn giáo.
Riêng bốn chữ tiếp xúc cá nhân bắt tôi nhớ lại một chuyện cũ. Và đây là chuyện tôi nghe.
Vị giáo sĩ coi sóc một giáo xứ ở nước nọ để ý thấy rằng một giáo dân bỗng bặt dạng suốt mấy tuần liền. Mà đó vốn là người nhiều năm qua luôn luôn siêng năng tới giáo đường cầu nguyện, sám hối, dâng lễ…
Giáo sĩ quyết định đến thăm người vắng mặt. Buổi chiều cuối năm rét buốt. Giáo sĩ thấy chủ nhà ngồi lẻ loi trước lò sưởi. Ngọn lửa cháy rực.
Đoán biết lý do viếng thăm của người khách không mời, chủ nhà lễ độ chào, rồi kéo thêm một cái ghế tới gần lò sưởi, bên cạnh ghế của ông. Cả hai yên lặng ngồi ngắm ngọn lửa hồng nhảy múa.
Một lúc sau, giáo sĩ hơi nhoài tới trước, vói cầm que cời, gắp lấy một cục than đỏ hồng và cẩn thận đặt nó xuống lớp tro nằm bên ngoài đám lửa.
Chủ nhà vẫn nín lặng, nhưng đôi mắt không bỏ sót một cử chi nào của giáo sĩ.
Cục than đỏ hồng nằm lẻ loi trên lớp tro gần mép cửa lò sưởi chẳng mấy chốc tắt lịm, và một màu xám trắng bao trùm lấy nó.
Trong phòng vẫn lặng lẽ. Có thể nghe được tiếng than nổ tí tách.
Rồi giáo sĩ cầm lấy que cời, gắp cục than đã tắt bỏ trở lại vào đám lửa. Lập tức, nó bén cháy, đỏ rực lên, như chưa từng tắt đi.
Giáo sĩ đứng dậy, chào chủ nhà ra về.
Tiễn khách ra tận bực thềm ở hàng hiên, chủ nhà chắp tay xá sâu xuống, cung kính cúi đầu:
“Con xin tạ ơn bài giảng hôm nay đã rực cháy cõi lòng con băng giá. Ngày mai con xin trở lại giáo đường.”
Phú Nhuận, 16-11-2010
Huệ Khải
Tuần báo Công Giáo Và Dân Tộc số 1784, ngày 19-11-2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét