RÈN NỘI TÂM
(Trúc Lâm Thiền Điện, Tuất thời, mùng 7 tháng 7 Nhâm Tý (15-8-1972))
Thi:
THIỀN môn mở rộng đón người lành,
SƯ đệ cần tu buổi hiện sanh;
VẠN giáo cũng đồng trong một lý,
HẠNH đường gieo rải giữa trần thành.
Thi:
Trần thành gieo rải giống từ bi,
Ai có thiện căn hãy bảo trì;
Rèn luyện cho nên người thánh đức,
Giúp đời trong lúc cảnh đời nguy.
Này chư đạo hữu! Này hàng sứ mạng Thiên ân! Bần Tăng rất hoan hỉ trước bản hiệu Vạn Hạnh Đạo Tràng, không phải Bần Tăng hãnh diện bằng danh từ trùng hợp với sự chiêm ngưỡng của chư đạo hữu. Chư đạo hữu đừng nên ngộ nhận như thế làm thêm điều ngăn ngại cho công cuộc phổ thông giáo lý Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, mà chư đạo hữu nên hiểu rằng: Bần Tăng hoan hỉ chư đạo hữu đã đóng lên một tấm gương phản chiếu, đó là tấm gương vạn hạnh của người tu. Thế thì chư đạo hữu hãy siêng năng cần mẫn lau rửa tấm gương ấy hằng ngày trong sáng, và cũng siêng năng cần mẫn soi gương để nhìn thấy sắc diện của chính mình khi lành lúc dữ, khi thiện lúc ác, khi phải lúc trái. Những lúc nào chư đạo hữu tâm an thần định, soi vào gương thấy vẻ mặt thuần hậu đoan trang hiện nét vô tư nhàn hạ. Ngược lại, lúc nào chư đạo hữu thấy lửa lòng bốc cháy sân si phát khởi, cũng nên soi vào gương để nhìn thấy những nét hung hãn căm hờn hiện lên trên gương mặt của chư đạo hữu trong giờ đó, trong ngày đó.
Sở dĩ các bậc hiền nhân thánh triết có cái túi khôn muôn đời để thế nhân sùng kính là họ đã làm được người anh hùng chiến thắng nội tâm cũng như hoàn cảnh. Họ không sợ thấy gương mặt hung ác của mình, cũng như họ từng nhìn được gương mặt thuần lương thiện mỹ. Họ luôn luôn soi sáng để cân nhắc sửa đoan từng giây từng phút. Nhờ thế mà đã nêu lên câu "Đạo bất khả tu du lỵ dã" (1).
Ngày nay chư đạo hữu đem tấm gương ấy thể hiện theo sở học sở hành của các bậc Thánh nhân ư? Ôi! thế là quí hóa lắm! Bần Tăng hoan hỉ ở chỗ đó.
Thi:
Đời nguy vì bởi Đạo xa người,
Người biết Đạo rồi chẳng hổ ngươi;
Đối với đất trời non nước cả,
Vi nhân nhiệm vụ để lưu đời.
Chư đạo hữu hành theo sở hành của các bậc đáng kính ngày xưa, học theo sở học của các hàng hiền nhân thánh triết, Bần Tăng vẫn còn e ngại cái khuôn thước vạn cổ ấy người đời có đo lường được một hai phân tấc gì chăng? Hay là chỉ biểu dương hình thức mà muôn hạnh chưa thấm nhuần?
Thi:
Phù sanh một kiếp có chi rằng,
Tháng lại ngày qua hỏi thử chăng?
Trục lợi đồ danh đời lắm kẻ,
Tu tâm dưỡng tánh sánh đâu bằng.
Thi:
Đâu bằng bởi ít kẻ quày chơn,
Tìm lại quê xưa chốn thượng từng;
Quanh quẩn luân hồi trong vạn kiếp,
Dễ gì giác ngộ giữa tam nguơn.
Tam nguơn chuyển phục lại đời an,
Sớm biết Trời Cha mở Đạo vàng;
Tận độ quần sinh cơn mạt kiếp,
Cậy tay sứ mạng lập dinh hoàn.
Này chư đạo hữu lưỡng phái! Đời tranh đấu, đời loạn ly, lòng người chia rẽ, con người phải chịu điêu linh tàn khốc. Cái nguyên nhân đó tưởng lại mỗi người trên thế gian đều biết rõ, nhưng con người đã chấp nhận lấy cái nhân tranh đấu để gieo họa tranh đấu, chấp nhận cái nhân tham dục để gieo quả tiêu diệt. Đó là con người tự chấp nhận, nào phải Trời đất Phật Tiên Thánh Thần ban định cho đâu, cũng nào phải ma vương ác quỉ xui giục đâu. Đấng Tạo Hóa vẫn là Tạo Hóa, nhưng luật Thiên Điều thưởng phạt là do luật Thiên Điều. Ma vương ác quỉ là những tôi tớ cấu thành bởi Hậu Thiên trược khí hóa sanh, bởi sự tham dục kết thành nên các giống để làm cho những miếng tâm điền cằn cỗi khô khan mọc đầy gai góc chướng ngại phiền não. Từ trong cảnh hoang vu ấy mới phát hiện hình tướng Ma vương ác quỉ lôi cuốn kéo trì con người vào chốn đọa lạc trầm luân.
Tóm lại đều do một cái tâm: tâm bất trắc, tâm cố chấp, tâm tham dục, tâm sân si, tâm tranh đấu. Hiện tình thế sự ngày nay là do nơi các cái tâm mà Bần Tăng đã kể. Chư đạo hữu hãy mau mau xem xét lại nội tâm, nếu có tâm nào lẫn lộn vào đó thì nên diệt trừ hẳn đi để cho thánh tâm, lương tâm, linh tâm hay chơn tâm cũng thế, thì mới có một vốn liếng khả dĩ phô bày để phổ độ mọi người. Nếu mỗi người là con chung của Đấng Cha Lành, tất nhiên đều có thánh tâm hay linh tâm. Như vậy chỉ một phút sai lầm, bao kiếp đọa lạc quên nẻo quên đường, ắt phải nhờ ở sự dẫn độ của chư đạo hữu, của người có trách nhiệm vi nhân, của sứ đồ Thượng Đế dẫn độ bằng tinh thần, bằng giáo lý, bằng tình cảm, v.v...
Chư đạo hữu hãy độ lấy sức mình để đo lường nhân sự.
Thi:
Đời loạn lòng người cũng loạn ly,
Mới đem Đại Đạo mở Tam Kỳ;
Mỗi người tự giác tìm cơ bản,
Độ rỗi chính mình trước nạn nguy.
Nạn nguy vì bởi dục tâm sanh,
Chung đỉnh phù vân đã khoát mành;
Chịu lớp vô minh quên cội rễ,
Càng xa càng lụy kiếp phù sanh.
Có làm được như vậy thì mới mong kết quả tốt đẹp. Nếu dùng một gáo nước mà chữa lửa muôn xe, làm sao tắt được! Bần Tăng nói như vậy có nghĩa khuyên chư đạo hữu sở tại địa phương nầy, tỉnh này, cũng như địa phương khác, tỉnh khác, hãy củng cố nội bộ rèn luyện nhân cách, chỉnh đốn nhân sự, hòa hợp nhân tâm, làm được một phải nên một, được hai phải nên hai, để cho cốt cán chủ trương được vững vàng. Đó là "Tri chỉ để định, định để tịnh, tịnh để an" Khi nội bộ an rồi, muôn việc sẽ được.
Bần Tăng nói như vậy, chư đạo hữu cần suy gẫm để mà hành đạo. Bởi con người thiếu chủ trị nội tâm nên thiên hạ bất hòa. Bởi con người thiếu tự tín tự lập nên mới ương hèn trước uy quyền của những kẻ chia phe lập đảng. Bởi các tín đồ đạo hữu sứ mạng Thiên phong không giữ tròn trách nhiệm mình trong nội tâm chí thành mới chịu nhiều khảo đảo. Biết như vậy nên quan trọng ở nội tâm trước nhứt. Có quan trọng nội tâm thì hình thức mới đáng quan trọng.
Nay chư đạo hữu đã xây dựng về hình thức rất khả quan, thì về đạo lý cũng cố gắng tu học. Cần tu học hằng ngày để có đủ sự sáng suốt mới trắc định tâm lý nhân sinh trên đường hành đạo cứu cánh liên giao.
Đàn nay Bần Tăng dạy mấy lời để làm món quà Trung Nguơn trong năm Nhâm Tý.
Bần Tăng ban ơn toàn thể chư đạo hữu hiện diện nam nữ nơi đây. Tuy trong vài giờ hội ngộ, nhân duyên vẫn được ghi nhận giữa người hữu hình, người vô vi, dù hai cảnh sắc không, nếu chư đạo hữu cảm thành tắc ứng.
Thi:
Dinh hoàn tái tạo giữa kỳ ba,
Dựng lại phong cương của nước nhà;
Trách nhiệm có ai chừ gởi gấm,
Người sau kẻ trước chẳng đâu xa.
Xa thơ gồng gánh bước thiên luân,
Nên Đạo nhờ nơi một chữ thuần;
Thuần nhứt, thuần chơn, vô ngã tính,
Trên đời mới đáng mặt kinh luân.
Nhớ lại ngày xưa Bần Tăng còn là một Thiền Sư, một Thiền Sư đã để lại ngày nay dòng lịch sử giác ngộ cho muôn dân. Nếu là hàng trí giả thức thời nên tìm hiểu sở học sở hành của cổ nhân để hướng tâm về chỗ thanh tịnh mới mong đạt được công trình kiến tạo trong nguyện vọng to tát kia. Hiểu được sẽ còn ngày tái ngộ.
Thăng.
Phần chú thích:
(1) “Đạo bất khả tu du lỵ dã” nghĩa là: Đạo chẳng nên rời xa giây phút nào.