LỄ BÁI – Ý NGHĨA BẮT TAY ẤN TÝ
Hưng Đạo Đại Vương – Minh Lý Thánh Hội, ngày 03 tháng 03 Bính Ngọ (23.4.1966)
Đã có Hội Thánh, tức đã có Tam Đài chi đạo, Tam Giáo chi sư, thì phải đặt lòng chiêm ngưỡng mà hồi hướng, để tinh thần hội vào đó, đặng đồng nhứt cùng Đạo.
Đồng nhứt cùng Đạo, nghĩa là sao?
- Bí quyết ở trong sự lễ bái.
Lễ là trật tự, khuôn phép. Bái là sự cung kính. Có cung kính mới hạ thấp được cái kiêu khí, cái ngạo mạn. Có trật tự mới sống được an bài, thanh tịnh.
Lễ là Đạo lý. Đạo lý ở trong lòng, mà hiện ra bên ngoài, là bái. Bái nghĩa là cung kính.
- Tại sao nói là Đạo lý?
Hai tay chấp lại, trước hết là tỏ lòng kính mến. Tay trái là dương, tay mặt là âm. Âm dương hợp nhứt là Đạo.
Mỗi tay có 5 ngón, mỗi ngón có một tên: Ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa, ngón vô danh, ngón út, gọi là năm hành. Đầu ngón cái ấn vào cung tý. Ngón vô danh gọi là “vô danh thiên địa chi thỉ”. Ngón cái là “hữu danh thiên địa chi mẫu”. Bắt ấn tý là Thiên khai ư tý, mà Đạo cũng phát hiện tại đó.
Bàn tay mặt cũng có năm ngón gọi là năm thường. Ngón cái tay mặt xỏ trong tay trái. Tay trái nắm lại, rồi tay mặt bao ngoài, gọi là âm trung hữu dương là Khảm, dương trung hữu âm là Ly. Trong tay trái có ngón âm, trong tay mặt có ngón dương. Âm dương hiệp một gọi là Đạo.
Xòe ra, hai ngón cái chồng chữ thập, gọi là âm dương giao phối mà tác thành Bát Quái là tám ngón: Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Bát Quái biến hóa vô cùng, sanh thành Càn Khôn Vũ Trụ.
Nhập đàn, nam nữ phân ban, bước vào chân chữ bát, là trụ trên Bát Chánh Đạo. Đưa tay lên trán là Thiên, xá xuống là Địa, để vào ngực là Nhơn. Thiên Địa Nhơn là Tam Tài chi đạo. Lạy xuống ba lần, mỗi lần ba lạy, gọi là một mà ba, ba mà một: 3x3=9, 3+9=12.
3 là Tinh, Khí Thần.
9 là Cửu Thiên khai hóa.
12 là thập nhị khai Thiên.
Mà về phần Đạo Pháp thì: Tinh, Khí, Thần hiệp nhứt, thông cửu khiếu, đắc thập nhị trùng lầu, mà phát Kim Đơn nhập Thánh.