MÌNH ĐÃ TU THẬT CHƯA
(Sưu tầm)
Cho đến bây giờ câu hỏi ấy vẫn làm cho tôi trăn trở và nhớ mãi không quên.
Cách đây hơn một năm, trong khi thiền viện chúng tôi có công tác xây dựng nhà khách nội viện ni. Mọi người đều bận rộn với công việc của mình, riêng tôi thì lăng xăng với "con tuấn mã" chạy tới chạy lui mua vật liệu.
Một hôm, khi đến cửa hàng bán đồ điện, nhìn thấy tôi, chị bán hàng cười vui vẻ. Tôi vội nói những thứ mình cần mua. Vừa soạn hàng chị vừa hỏi tôi:
- Em ơi! Em đi tu thật chưa?
Tôi trố mắt nhìn và nhanh nhẩu trả lời:
- Dạ thật chứ!
Chị ấy liền hỏi tiếp:
- Nhà em ở đâu? Em đi tu từ mấy tuổi? Năm nay em bao nhiêu tuổi?
Sau khi nghe tôi trình sơ "lý lịch trích ngang", chị nhìn tôi với vẻ ngại ngùng nói:
- Chị hỏi thật! Em có bị "trục trặc" về chuyện tình cảm không mà đi tu vậy?
Câu hỏi làm cho tôi không nín được cười. Tôi liền đáp :
- Em cũng nói thiệt với chị là từ nhỏ đến lớn, em chưa hề biết thương ai, thì làm gì có chuyện thất tình đi tu. Bộ chị nghĩ đi tu dể lắm sao?
Chị ấy cười thật tươi rồi nói:
- Ờ, thì chị chỉ hỏi vậy thôi, chớ chị cũng biết phải có duyên mới tu được.
Hôm khác tôi đến hiệu thuốc tây mua thuốc. Chú dược sĩ trạc khoảng năm mươi tuổi trông thấy tôi liền hỏi:
- Con tu ở chùa nào?
Tôi đáp:
- Dạ, con ở thiền viện Trúc Lâm.
- Con mua thuốc gì?
- Dạ một hộp Calcium, một vĩ Trandat.
Chú nhìn kỷ tôi rồi hỏi tiếp:
- Chú hỏi thật con, con đi tu thật chưa?
Câu hỏi này lại một lần nửa làm cho tôi vô cùng kinh ngạc. Tôi nghĩ thầm: "Chết rồi! Cái mặt mình bộ giả dối lắm sao mà người ta cứ hỏi tu thiệt chưa hoài, kỳ quá!?
Nhưng tôi vẫn đáp:
- Dạ thiệt chứ!
Chú dược sĩ điều tra lý lịch tôi tiếp:
- Con đi tu từ lúc mấy tuổi?
- Dạ mười tám tuổi.
- Năm nay con bao nhiêu tuổi?
- Dạ, con hai mươi sáu tuổi.
- Nhưng chú hỏi thật con bây giờ con quyết định tu thật chưa?
Tôi không trả lời mà hỏi lại:
- Chú ơi! Chú sống mấy chục năm ở ngoài đời có vui không? Vui nhiều hay khổ nhiều?
Vẻ mặt chú đang vui bỗng chùng lại, sau vài phút trầm ngâm suy nghĩ, chú trả lời:
- Vui thì ít mà khổ lại nhiều con ạ!
Tôi như người bắt được vàng liền nói:
- Chú làm dược sĩ chủ hai tiệm thuốc tây, là một người trí thức, danh cũng có lời cũng có, mà chú còn than khổ. Thú thật, ngó con còn không dám chớ đừng nói bước chân trở lại đời.
Chú cười nói:
- Ờ! Ráng tu nghe con, ở ngoài đời khổ lắm!
- Có bao giờ chú nghĩ mình sẽ đi tu không?
- Chú cũng chưa biết nữa. Thỉnh thoảng chú cũng có đến thiền viện, chú rất thích. Đó là những lời trò chuyện ngoài đường. Nhưng những câu hỏi ấy khiến cho tôi phải tự suy nghĩ: mình khẳng định với mọi người tu thật. Nhưng thực chất mình đã tu thật chưa?
Vừa về đến chùa, gặp cô tri khố, dù đang bận việc, vẫn tranh thủ lấy hai cái bánh chìa cho tôi. Có lẽ đã trưa, bụng đói cồn cào, thấy bánh tôi vội đi rửa tay lột ăn liền. Vừa để bánh vào miệng, tôi phát hiện bánh bị thiu, có vị chua. Khi ấy, phản ứng đầu tiên là nhăn mặt và định ré lên, nhưng tôi bỗng giật mình tự hỏi: "Mình đã tu thật chưa?"
Khi xưa cô Linh Chiếu đã từng nói: "Đói đến thì ăn, mệt ngủ khò". Còn mình thì sao?
Bánh đến miệng rồi còn khó chịu,
Giữa khi bụng đói vẫn so bì.
Thật là ngốc như con cóc trong hang.
Người Phật tử làm được một cái bánh cúng dường cho mình phải mất bao nhiêu tiền của và công sức. Họ đem đến cúng cho mình bằng cả tấm lòng, nhưng vì đường xá xa xôi nên khi đến tay mình thì bánh đã thiu. Một ngọn đèn dầu của bà lão nghèo khó vẫn quí hơn trăm ngàn ngọn của đấng quân vương.
Sư ông thường dạy chúng tôi phải luôn coi thường sự ăn mặc, đừng vì chút mùi vị mà quên mất mình. Thế mà suýt chút nữa tôi đã quên... Sau khi dở nhà khách gỗ, Nội viện Ni chúng tôi lại có thêm một căn nhà gác xinh xắn, tọa lạc phía sau nhà khách gần Ni đường II. Nghe nói ít hôm nữa sẽ trở thành Ni đường III. Tôi nghĩ mình phải xin qua Ni đường III ở mới được. Ở nhà gác cao ráo, thoáng mát mà lại ít người nên thanh tịnh dễ tu. Tôi đang hăm hở với dòng vọng tưởng, định đi xin thì bỗng giật mình tự hỏi : "Mình đã tu thật chưa?".
Ở chốn già lam thanh tịnh thì nơi nơi đều thanh tịnh. Từ nhà bếp đến trai đường, nhà kho hay thiền đường đều thanh tịnh như nhau. Chỉ tại tâm mình dấy khởi phân biệt đây kia nên mới lăng xăng rộn ràng.
Phật ngày xưa tu khổ hạnh chỉ ở dưới gốc cây, mình có nhà ở là quí rồi còn đòi hỏi thì thật đáng hổ thẹn. Vừa nghĩ đến đây, tôi chợt nhớ đến bốn câu thơ của Pháp sư Ấn Quang:
"Cơm rau đỡ dạ đói,
Nhà cỏ che gió sương;
Người đời nếu biết đủ,
Phiền não chẳng còn vương".
Sau đó, tôi quyết định thôi và tự nhủ: "phen này mình phải tu cho đàng hoàng, chăn tâm kỹ hơn, không để cho vọng tưởng kéo lôi nữa". Một hôm, có việc cần mua vật liệu, vì không cẩn thận tôi lại phải chạy tới, chạy lui hai ba lần để đổi, về đến chùa đã quá giờ nghỉ trưa. Chiều lại bận việc. Đến tối, khi nghe tiếng kẻng ngồi thiền tôi cảm thấy mệt mỏi làm sao, chỉ muốn đi ngủ thôi. Tôi tự làm luật sư bào chữa "khi trưa mình mắc đi chợ không ngủ, bây giờ buồn ngủ quá, chắc phải ngủ bù mai mới dậy nổi". Đang tìm lý lẽ để biện minh cho mình, tôi giật mình tự hỏi: "Mình tu đã thật chưa?"
Tu cho mình hay tu cho ai? Bây giờ còn trẻ mà lười biếng không chịu tu, mai kia già, chết, tử thần đến lấy gì chống trả. Khi xưa thầy Tri sự vì việc chùa nên được hoãn lại bảy ngày, còn mình chắc ổng không nghĩ tình đâu! Nghĩ đến Sư Ông tôi buồn thấm thía. Sư Ông tôi! Với tuổi tám mươi, sức khỏe yếu mòn mà còn phải bôn ba lo Phật Sự. Nơi nào thỉnh Người cũng đến, dù cách xa tận đầu miền đất nước hoặc cuối mũi Cà Mau hay xa xôi bên kia biển Thái Bình, Người vẫn vì chúng sanh không quản khó nhọc. Tôi nguyện sẽ cố gắng không buông lung nữa để không hổ thẹn là con cháu trong tông môn mà ý chí thấp hèn như loài chim sẻ.
Một ngày kia, tôi đang chăm chú vẽ hoa sen, một sư đệ đi ngang qua trông thấy tấm tắc khen: "Chị vẽ hoa sen đẹp quá! Cánh mềm nại giống như sen thật, vẽ cho em một cái với!". Tôi cảm thấy rất vui, hứng khởi ngắm lại đóa hoa mình vừa vẽ, chợt giật mình tự hỏi: "Mình đã tu thật chưa?"
Trời ơi! Bao nhiêu năm tu hành mà cũng chưa đủ sức vượt qua lời khen tiếng chê. Sư Ông nói: "Muốn thử người ta chỉ cần lấy bát phong đo lường". Vậy mà mới lãnh có "nửa phong" tâm tôi đã rung rinh như ngọn đèn dầu trước gió, đáng sợ thật!".
Quí Thầy, quí Cô tu sao mà ngon ơi, còn mình thì cứ trậm trầy, trậm trật. Những lúc nhập thất mới ra, tôi thấy mình tu cũng đâu đến nổi tệ. Nhưng ngờ đâu khi đối duyên xúc cảnh, tập khí nổi dậy chưa làm chủ được, chỉ cần lơ đễnh chút xíu là phạm bao nhiêu lầm lỗi. Người xưa đã từng nói: "Nếu thấy một mảy lông khác nơi tâm thì tự táng thân mạng".
Tu hành thật không dễ chút nào, dù mình biết tâm thể vốn thanh tịnh không dao động, nhưng từ vô thủy kiếp đến nay đã quen sống với vọng tưởng cho nó là thật rồi, bây giờ mới biết xoay trở lại, trong một sớm một chiều làm sao có thể đoạn trừ tập khí hết được. Dù sao, tôi nguyện sẽ cố gắng đoạn tận tập khí của mình. Tôi thầm cảm ơn các vị đã hỏi tôi câu hỏi "tu đã thật chưa?" vì nhờ đó giúp tôi xoay lại tự quán chính mình, để luôn thức tỉnh, không hổ thẹn là người mặc chiếc cà sa, y phục giải thoát./.
Sưu tầm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét