Rối loạn lipid máu và điều trị
Ở nước ta, bệnh vữa xơ động mạch (VXĐM) với các biểu hiện lâm sàng như suy mạch vành, đột tử, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não... trước đây ít gặp, nay đang có xu hướng tăng nhanh theo nhịp độ phát triển của xã hội. Nguyên nhân của bệnh VXĐM chủ yếu là do các rối loạn lipid máu.
Làm thế nào phát hiện rối loạn lipid máu?
Các loại apoprotein và lipoprotein đều có thể định lượng được trong máu. Tuy nhiên, trong thực hành lâm sàng, chỉ có 4 thành phần thường xuyên dược định lượng và đánh giá trong chẩn đoán và điều trị: cholesterol toàn phần, triglycerid, HDL(lipoprotein có tỷ trọng cao, có nhiệm vụ vận chuyển cholesterol dư thừa từ các tổ chức về gan (chất mỡ có ích) và LDL (lipid gây VXĐM). Khi có rối loạn 1 trong 4 thành phần nói trên, hoặc kết hợp nhiều loại thì được gọi là rối loạn lipid máu.
Điều trị rối loạn lipid máu
Điều trị nguyên nhân
Rối loạn lipid có thể là nguyên phát hoặc thứ phát. Đối với thể thứ phát, phải điều trị bệnh chính gây nên chứng đó (ví dụ bệnh đái tháo đường, cường giáp...) hoặc phải ngừng một số thuốc gây rối loạn lipid máu như hypothiazid, cyclosporin ...
Mục tiêu điều trị chứng rối loạn lipid máu là đưa các thông số lipid về giới hạn bình thường hoặc gần bình thường.
Việc chọn mục tiêu điều trị thích hợp phải dựa vào việc phát hiện và đánh giá tính chất của các yếu tố nguy cơ trên bệnh nhân như tiền sử có bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, tình trạng béo phì tuổi cao (trên 50 tuổi).
Các biện pháp can thiệp chứng rối loạn lipid máu
- Trước hết phải điều chỉnh chế độ ăn trong 2 - 3 tháng. Không quá vội vã dùng ngay thuốc. Trong nhiều trường hợp, chỉ bằng chế độ ăn bệnh lý nhất là với các rối loạn ở mức độ nhẹ và vừa, kết hợp với giảm cân nếu béo thì các trị số cholesterol, triglycerid, LDL-C đều giảm rõ rệt.
- Chỉ khi chế độ ăn không đủ hiệu lực, cholesterol vẫn > 5,8 mmol/l và/hoặc triglyceride > 2,3 mmol/l thì mới dùng thuốc. Trong khi dùng thuốc, vẫn phải duy trì chế độ ăn bệnh lý, 2 - 3 tháng một lần phải xét nghiệm lại các thông số.
- Tăng cường hoạt động thể lực: thể dục hoặc thể thao vừa với sức của mình, với những người cao tuổi, nên tập đi bộ, phải tập ít nhất 45 phút mỗi ngày, tập đều hàng ngày hoặc ít nhất 3 lần mỗi tuần, nếu ngừng tập thì những kết quả tốt sẽ mất ngay.
Chế độ ăn
- Giảm cân nếu thừa cân: bằng chế độ giảm năng lượng, tăng cường vận động thể lực. Giảm cân sẽ tham gia điều chỉnh có hiệu lực rối loạn lipid máu, làm giảm cholesterol và triglycerid máu.
- Ăn giảm mỡ động vật vì có chứa nhiều acid béo no, các acid béo này làm tăng cholesterol máu.
- Tăng dầu thực vật chứa nhiều acid béo không no, ăn cá có nhiều acid béo không no họ omega-3, các acid béo này làm giảm cholesterol máu.
- Giảm các thức ăn chứa nhiều cholesterol như phủ tạng động vật (bồ dục, óc, tim, lòng đỏ trứng, gan ...). Giảm các đồ ăn ngọt (bánh ngọt, sôcôla...).
- Tăng rau, quả tươi, uống sữa đậu nành.
- Hạn chế bia, rượu nhất là khi tăng triglycerid.
Thuốc
Có rất nhiều thuốc điều trị rối loạn lipid máu hiện nay, tuy nhiên, có 2 nhóm thuốc phổ biến nhất được áp dụng vào điều trị. Đó là các thuốc nhóm fibrat (như lipanthyl, lopid) và các thuốc nhóm statin (như zocor, lipitor, lescol, crestor...).
- Các fibrat làm giảm dòng acid béo về gan làm giảm tổng hợp VLDL, làm tăng độ thanh thải VLDL, giảm hình thành LDL nhỏ và đặc dễ gây VXĐM, giảm ôxy hoá LDL: kết quả là giảm cả triglycerid và cholesterol (giảm triglycerid nhiều hơn), giảm VLDL và LDL, tăng HDL.
Không dùng cho phụ nữ có thai, cho con bú.
- Statin: atorvastatin (lipitor), fluvastatin (lescol), lovastatin (mevacor), pravastatin (elisor), simvastatin (zocor), rosuvastatin (crestor)... Các statin ức chế men HMGCoA reductase làm cản trở quá trình nội sinh CT trong tế bào, làm tăng tổng hợp các thụ thể cho LDL để tăng thoái giáng LDL theo con đường các thụ thể. Các statin làm giảm cholesterol là chính, làm giảm nhẹ triglycerid và tăng nhẹ HDL.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới về bệnh động mạch vành cho thấy, các thuốc nhóm statin còn tỏ ra có hiệu quả tốt ngay cả ở những bệnh nhân không có rối loạn lipid máu (nghĩa là có mức cholesterol, triglycerid máu, HDL và LDL bình thường) trong dự phòng tiên phát (nghĩa là dự phòng các tai biến mạch vành ở những người chưa bị bệnh mạch vành) cũng như trong dự phòng thứ phát (dự phòng ở những người đã bị bệnh mạch vành). Nghiên cứu về thuốc crestor còn cho thấy, thuốc có tác dụng làm giảm thể tích của mảng VXĐM vành. Chính vì những lý do trên, chỉ định của việc sử dụng các thuốc nhóm statin đã được mở rộng hơn nhiều, và quan trọng là thuốc được chỉ định ngay cả ở những người không có rối loạn lipid máu.
Ngoài ra, còn có một số thuốc từ nguồn dược liệu trong nước đã được một số tác giả nghiên cứu và được dùng trên lâm sàng: Nghệ Curcuma Longa; Ngưu tất; Các acid béo không no chiết xuất từ dầu đậu nành và dầu mầm hạt ngô; chế phẩm từ dầu đậu nành mang tên Hypochol có hiệu lực tương tự như maxepa là các acid béo không no chiết xuất từ cá biển.
TS. Nguyễn Hải Anh
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét