Bạn có biết cách cho và nhận?
Tôi học được ở người Nhật - trong hai tháng thực tập ngắn ngủi tại cố đô Kyoto, Nhật Bản - văn hóa cho và nhận.
Người Nhật không nợ của ai bất cứ điều gì. Khi nhận từ ai một điều gì đó, ngay lập tức họ đáp lại bằng cách này hay cách khác.
1. Tôi nhớ một chi tiết rất đắt trong truyện Cú điện thoại.
Ngày lễ Thanksgiving... Gần 9 giờ tối, chuông điện thoại lại đổ. Nam nhìn số và nhận ra số điện thoại của Aika. Tim anh nặng trĩu. Anh lưỡng lự rồi quyết định kệ cho chuông điện thoại đổ dài. Không thấy Aika để tin nhắn... Mười một giờ đêm, Nam nằm trên giường đọc sách. Chuông điện thoại lại đổ, xâm chiếm cả căn phòng. Anh nhìn số. Tim anh đập thình thịch. Vẫn là Aika.
Sau đó khi căn phòng đã trở lại im ắng, Nam bấm nút vặn nhỏ chuông để nếu có ai đó gọi lại thì anh sẽ không nghe thấy. Sáng hôm sau khi Nam tỉnh dậy, trên màn hình điện thoại không báo cuộc gọi nhỡ nào.
Mọi chuyện tưởng chừng đã chấm dứt... Nửa năm trôi qua... Nam gặp Toko trên đường về nhà.
- Cách đây lâu rồi Aika có gọi điện cho tôi. Không biết cô ấy dạo này ra sao. Đã tốt nghiệp và về Kyoto chưa nhỉ?
Toko đang đi tháo găng tay, ngừng hẳn lại nhìn Nam :
- Aika ở bên DePaul à? Anh không biết gì sao?
- Biết gì?
- Cô ấy chết được nửa năm rồi. Cô ấy tự tử vào đúng đêm Thanksgiving năm ngoái. Cô ấy chích dao vào bụng rồi cứ để máu chảy ra đến chết. Theo kiểu samurai ngày xưa. Thế mà nửa năm rồi...
(Trích Phù phiếm truyện, Phan Việt)
Một sự vô tâm, một chút ích kỷ đã giết chết một sinh mạng (dù Nam không trực tiếp gây nên cái chết của Aika).
Khi bạn nhận được một tín hiệu cầu cứu, có thể là một cú điện thoại gọi lúc nửa đêm chẳng hạn, hãy đáp lại. Nếu không, có thể bạn đang quay lưng với sự tuyệt vọng của một con người!
2. Lên đại học, tôi có dịp tiếp cận một loại hình học mới: seminar.
Theo đó, từng nhóm SV sẽ nhận một đề tài nào đấy theo định hướng của giảng viên, sau đó họ sẽ tìm hiểu đề tài ấy và trình bày trước lớp cho toàn thể SV cùng thảo luận. Không phải nhóm nào cũng có khả năng trình bày tốt, dù ai cũng chuẩn bị rất chu đáo. Tôi còn nhớ có những nhóm sau khi say sưa trình bày xong, quay xuống đau đáu chờ các bạn đặt câu hỏi. Một sự im lặng khó chịu bao trùm toàn giảng đường. Các bạn đã hiểu hết những gì người thuyết trình nói hay không hiểu gì cả? Hay...?
Tôi không bàn đến nội dung bài seminar ấy hay hoặc dở. Nhưng khi có ai đó trình bày một chuyên đề nào đấy cho bạn nghe, nghĩa là họ đang cho đi những hiểu biết của họ sau một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu; nghĩa là bạn đang nhận từ họ những kiến thức đã được chắt lọc trong biển trời thông tin trên Internet, sách vở, tạp chí. Bạn đang nợ họ một lời đáp.
Khi bạn lắng nghe một bài giảng của thầy cô hay một bài thuyết trình của bất kỳ diễn giả nào, dù hiểu hay không hiểu hãy cho họ biết điều đó!
3. Tôi đang tham gia ban điều hành một CLB sách với gần 80 thành viên, mỗi tháng chỉ gặp nhau hai lần, toàn bộ thông tin hoạt động chủ yếu trao đổi qua email. Mỗi ngày tôi dành một khoảng thời gian kha khá để soạn và gửi email, những email dài và chứa khá nhiều thông tin. Trong list mail hơn 80 cái tên tôi gửi đi, chỉ dăm ba người gửi trả lời cho tôi. Phần lớn trong số còn lại tôi không biết email có đến được không, chủ nhân email có đọc được thông tin tôi cung cấp trong email hay không...
Khi nhận một email (ngoại trừ spam), nghĩa là bạn đang nhận một thông điệp (dù nội dung email đó có cần thiết cho bạn hay không), hãy trả lời ngay khi đọc xong email lần đầu tiên, đừng để nó trôi qua và bạn lại nợ người gửi một lời đáp!
4. Trong buổi sinh hoạt chuyên đề CLB sách của chúng tôi vào chủ nhật vừa qua, tinh thần cho và nhận đã được thể hiện qua những hành động rất đẹp, rất nhân văn. Minh Quân và Đỗ Linh (giáo viên ĐH Hoa Sen) cùng được bình chọn là hai nhân vật có những chia sẻ về người bố ấn tượng nhất trong chủ đề Chân dung của bố hôm đó: 21-6-2009. Chỉ có một phần quà là một quyển sách quý cho hai bạn mà ai cũng xứng đáng được nhận, làm sao đây?
Cuối cùng Minh Quân tặng lại quyển sách ấy cho Đỗ Linh, “Sách thì quý, nhưng có một người bạn càng quý hơn”. Đỗ Linh nhận quyển sách từ Minh Quân và tặng lại cho Book & Friend Club. Quân và Linh, ai sống đẹp hơn?
Tôi xin kết bài viết này bằng một câu nói quen thuộc của ai đó mà tôi không nhớ tên:
“Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.
Hạnh phúc là khi cho đi, nghĩa là bạn đang nhận lại rất nhiều.
NGUYỄN LÊ MINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét