Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2010

Phương pháp tu thân theo Đức Quán Thế Âm Bồ Tát


PHƯƠNG PHÁP TU THÂN 
 THEO ĐỨC QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
Trích Dặm Dài Gánh Đạo của Đạo Trưởng Chí Tín


Tại sao ta phải tu? Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy:
Nhìn xem thế sự trước mắt bao nhiêu việc đổi thay, thay đổi, luật tuần huờn luân chuyển chuyển luân, cõi vô thường kẻ đến trước, người đến sau, kiếp nhơn sanh nay về mai ở. Thế nên con người phải tu. (…) Biết tu mới tiến hóa, vì nơi trần gian là trường tiến hóa của nhơn loại. Nếu nhơn loại không tu là tự mình dấn thân vào luật đào thải của Hóa Công.
Thế nên chữ tu mà chư hiền đệ muội tu đây là một lẽ tất yếu của kiếp sinh tồn, nào phải đâu tu là khuôn khổ buộc ràng con người vào chỗ khó khăn hạn hẹp.”

Mục tiêu của con đường tiến hóa là tự hoàn thiện hóa thân tâm để trở nên hàng chí thiện chí mỹ mới phản bổn huờn nguyên; tiểu linh quang con người mới trở về hiệp nhứt với Đại Linh Quang của Thượng Đế được.

1. Nội công tu tiến là hướng về nội tâm mà không hướng ra bên ngoài hình thức. Vì tâm là chủ tể, điều khiển ngũ tạng lục phủ của cơ thể thân xác mà vừa chủ trì về thần linh, điều khiển bảy tình, sáu dục.

Tu nội công, cần dùng phương pháp quán tâm của Đức Đông Phương Lão Tổ chỉ truyền như sau:
Đức Quán Thế Âm Bồ Tát đại diện cho Phật Giáo trong Tam Kỳ Phổ Độ, dạy về phương pháp tu thân ngày 14-01 Kỷ Dậu (02-3-1969) tại Minh Lý Thánh Hội như sau: “Con người muốn toại hưởng cõi thanh bình phải nhắm vào thực hành các điểm sau đây: nội công tu tiến, ngoại công đức hạnh, quá khứ tâm nên dứt bỏ, hiện tại tâm không có, vị lai tâm đừng vọng tưởng.”
“Đây phương pháp thực hành bồi dưỡng,
Bồi dưỡng tâm quán tưởng vào tâm;
Xét lòng trừ khử lỗi lầm,
Học hành đạo lý đặng tầm nguồn vui.
 
Tâm không để lấp vùi tham dục,
Tâm đừng cho suy tục vạy tà;
Tâm hằng bác ái vị tha,
Tâm hằng chánh trực, nhẫn hòa thuần lương.
 
Tâm đừng để giận hờn bực bội,
Tâm đừng cho giả dối riêng tây;
Tâm mình là điện thờ Thầy,
Giữ cho thanh tịnh hằng ngày kỉnh tin.
 
Hằng gìn giữ tâm bình hạnh trực,
Đừng để cho vọng thức lấn quyền;
Bảy tình sáu dục lặng yên,
Tâm hồn tươi sáng là Tiên trên trần.”

Chúng ta phải dùng gươm thần huệ đoạn trừ bảy tình sáu dục, phải trừ cho hết những thói hư tật xấu, trừ cho xong tánh nết hủ lậu, phàm phu, trừ tánh xấu ích kỷ riêng tư tính toán, trừ mưu đồ độc đoán độc tôn, v.v...

Nếu chúng ta diệt được loạn bên trong để nội tâm được lắng yên, tâm thần được ổn định, vững vàng thì phần tu ngoại công dễ dàng hơn, nhẹ nhàng hơn vì nội tâm có tu tiến thì ngoại thể mới thuần thành đức hạnh.

2. Ngoại công đức hạnh là tu ngoại thể, hình hài, để xuyên qua diện mạo con người, tư cách đi đứng nằm ngồi, lời nói, cử chỉ hành động đều thể hiện tác phong đạo đức khoan dung, hòa ái, cởi mở, lời nói êm ái, dịu dàng, dễ thương, dễ mến.

Mừng, giận, ghét, thương không để lộ ra nét mặt, lúc nào cũng thản nhiên hòa hài vui sống theo đạo lý nhơn luân.

Chúng ta lưu ý, tu nội công và ngoại công đều có chữ công ở sau. Công là phải ra công sức, dùng tự lực, kiên gan, trì chí, nhẫn nại mới thắng được lũ thập tam ma, thường vừa cám dỗ vừa chống trả với chúng ta.


Đức Quán Thế Âm Bồ Tát trong Thánh giáo ngày 16-6 Canh Tuất (18-7-1970) tại Minh Lý Thánh Hội có dạy rõ: “ Chư hiền sĩ hiền muội đã theo dõi và hình dung một con người có hai trạng thái, từ trong nội tâm cũng như nơi ngoại thể hằng mâu thuẫn nhau. Vì vậy trong cửa tôn giáo, nói đúng hơn là phần đạo học, thường dạy người tu thân học đạo nên thận trọng, kỹ lưỡng, theo dõi để phân tách và kiểm soát phần nội tâm của mình, từ ý nghĩ, lời nói đến việc làm, xem coi phần nào là Thiên phú (Thiên tánh, chơn ngã) và phần nào là của cái ta (giả ngã). Có như vậy mới phân tách nhận định được việc nào nên nghĩ, nên nói, nên làm và việc nào không nên nghĩ, không nên nói, không nên làm.” 


Phần thuộc về Thiên tánh (chơn ngã) luôn luôn hoạt động trong lãnh vực thiện mỹ, từ ái, đạo đức, tình thương, nhân nghĩa, ích chúng lợi nhơn. Còn phần của phàm ngã (giả ngã) thì hoạt động trong lãnh vực tình cảm, ích kỷ, tự đắc, tự cao, tự tôn, tự ái! Thế nên người chơn tu cần phải cẩn thận phân biệt nhận xét, việc nào là chơn, việc nào là giả, để nghĩ, nói và làm cho đúng đạo lý, tránh những điều sơ suất lỗi lầm. Đức Quán Thế Âm Bồ Tát ngoài việc dạy luyện kỷ như trên còn khuyên chúng ta nên bổ túc bằng những việc làm phúc đức nhơn hậu để tạo nền âm chất, trước là để giải trừ nghiệp lực tiền khiên, sau là để trợ duyên cho phần luyện mạng công phu cho bớt phần khảo đảo.

Làm công quả đúng ý nghĩa chơn chánh của nó là làm với tâm vô phân biệt, không xem mình là người thi ân bố thí, không xem người nhận là người thọ ân của mình. Làm một cách tự nhiên như nhiên vì lòng trắc ẩn thương người đau khổ chớ không có ý gì khác. Đức Bồ Tát lại khuyên tận dụng chơn lý đạo để độ đời vì chơn lý đạo là lẽ thiệt sáng chói ở tâm linh, ở hành động của mỗi người: “Nếu hiền sĩ dùng tài vật để độ người, khi tài vật kiệt quệ, người sẽ không tiến bước nữa, vì tài vật là yếu tố để cho những hàng lợi dụng câu nhử đám thường nhân. Nếu hiền sĩ dùng quyền lực hoặc mưu chước để độ đời, khi quyền lực hết, mưu chước sẽ theo đó mà rã tan, thì người đời sẽ ngoảnh mặt làm lơ. Nếu hiền sĩ dụng lòng từ bi bác ái cảm hóa độ đời bằng thiết tha, bằng mến luyến thương yêu, thì chắc chắn sẽ còn lưu lại trong lòng nhân thế một vài điểm tựa của thiên lương. Như vậy, chỉ có những cái gì bất biến như chơn lý, như tâm linh thì mới khỏi bị con người phàm phu phản phúc, bởi giác ngộ đã đem đến cho họ bằng sự thật.”

Việc nội công tu tiến, ngoại công tu đức hạnh và bồi công lập đức là rất cần thiết cho những ai dốc lòng tu hành chơn chánh, cố gắng hằng ngày hằng giờ chăm lo hoàn thiện hóa thân tâm cho trở nên hàng chí thiện chí mỹ. Đức Bồ Tát khuyên người tu hành chúng ta, sau một ngày bận việc mưu sinh nên dành chút thì giờ để kiểm điểm nội tâm bằng phương pháp tọa thiền để an định thân tâm. Khi lòng mình được an định rồi, sẽ kiểm điểm lại suốt ngày qua mình đã tiếp xúc với những ai, có ý nghĩ gì, nói những ngôn ngữ nào và có những hành động gì, xứng đáng là môn sanh của Đức Chí Tôn Thượng Đế hay không? Nếu thấy còn phạm lỗi lầm thì phải ăn năn tự hối, sửa mình; phải công bình mà tự phán như vị quan tòa nghiêm khắc, phải vô tư tự kiểm tự phán xét một cách gắt gao, dẹp lòng tự ái, ích kỷ, tự kiêu, tự tôn, tự đại thì dễ dàng thấy nổi lên những nét thiện ác trong những hoạt động hằng ngày.

Tu ngoại công là trau dồi tác phong đạo hạnh, thể hiện qua phong thái ăn mặc, đi đứng trong giao tế nhân sự; ấy là phần hữu vi vật chất nhưng có tác dụng lớn lao vì người ngoài sẽ qua đó mà đánh giá mình. Đối với tổ chức đạo, chính cách sống đạo của người trong tổ chức đạo đó, sự tôn trọng đạo đức kỷ cương của mọi người, cho thấy thuyết đi đôi với hành, không giảng đạo một đường mà hành đạo một ngã khác, sẽ độ được người vào Đạo.

Ba phần tiếp theo là: quá khứ tâm nên dứt bỏ, hiện tại tâm không nên có, vị lai tâm đừng vọng tưởng. Ba điểm đều quy về chữ tâm, vì Phật có dạy siêu đọa cũng nơi tâm.

Đây là tu theo bực thượng thừa tâm pháp. Thường là hàng đã xuất gia nhập tự, ly gia cắt ái, quyết dứt tuyệt lòng trần, chỉ mong cầu tu giải thoát, tự giác, giác tha, không còn tham luyến thế tục nhơn tình. Nên phải diệt tam tâm trừ tứ tướng: tam tâm là tâm quá khứ, tâm hiện tại và tâm tương lai như lời Đức Bồ Tát. Ngài dạy phải dứt bỏ cái tâm quá khứ không nên có cái tâm hiện tại và đừng vọng tưởng những việc tương lai sắp đến. Vì còn nhớ lại những việc gì đã qua thì tâm sẽ nhớ nhung luyến tiếc những thụ hưởng sung sướng, hoặc đau buồn ray rứt bị mất mát, đau khổ. Như vậy cái tâm chưa dứt niệm. Hễ còn niệm nhớ tiếc vui buồn... thì không thể giữ được cái tâm thanh tịnh; tâm còn tính toán, mưu sự tương lai thì sẽ bị vọng động đảo điên, không còn bình tĩnh yên lặng được. Tất cả ba cái tâm đó phải diệt trừ mới dứt niệm được, mà thiền định cốt yếu là diệt trừ niệm lự, nên Ơn Trên có khuyên, vào thiền định phải "Niệm lự giai vong, vạn duyên đốn tuyệt".

Còn tứ tướng là bốn cái tướng: ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng và thọ giả tướng.

Người tu vào hàng thượng thừa phải diệt trừ cho được tứ tướng và tam tâm để thuần chơn vô ngã mới huyền đồng cùng hư không, mới đắc nhứt đạt đạo giải thoát. Và Đức Quán Thế Âm Bồ Tát nhận xét: “Đó là hạng tu tiến một quãng đường khá dài mới có thể thực hành được trọn vẹn.” Tuy khó khăn gian khổ nhưng cũng đã có lắm người đạt Đạo với quả vị thanh cao nhờ tâm chí thành, hành thâm chuyên nhứt đạo pháp với đức tin dũng mãnh vượt qua mọi khó khăn khảo đảo từ nội tâm đến ngoại cảnh, không hề nao núng ngã lòng thối chí.

“Rèn luyện con người đến chí nhân,
Xuyên qua phương pháp để tu thân;
Tuy còn tại thế trong trần trược,
Tâm tánh hoát khai tợ Thánh Thần.”

Đạo Trưởng Chí Tín.