THẦY DẠY VỀ CHỮ ĐỊNH VÀ CHỮ NHẪN
(Trích Kinh “Vô Thừa Chơn Giáo”)
THI:
Cao Thiên giáng hạ điển đàn tiền,
Đài Bửu thành tâm giải nghiệp duyên;
Tiên Phật đồng thanh hòa thế tục,
Ông trương giáo pháp định thần yên.
P.N: Kỉnh bạch Thầy con đã hiểu rõ!
THẦY: Hôm nay Thầy dạy tiếp về chữ “Định”, rồi sau đó Thầy sẽ dạy mầu nhiệm về chữ “Nhẫn”.
BÀI:
Nay Thầy giảng tiếp về chữ “Định”,
Nối truyền nhau thành kỉnh Đạo Thầy;
Định đi con thấy đạo khai,
Định lòng mới biết quả dày hay nông!
Định bổn thân giải vòng đau khổ,
Định nơi ý tiêu chỗ vọng sanh;
Định khẩu thì Đạo tác thành,
Định hòa các khiếu đơm nhành Như Lai.
Định chín phương Thầy sai chư tướng,
Định mười cõi thành ngưỡng tâm từ;
Định trung mực thước chơn như,
Định nơi Thiên trụ Đại Từ bố ban.
Định song mâu “Nhãn tàng Diệu Pháp”,
Định “Cực Đồ Bửu Pháp Tiên Ông”;
Định xoay Bát Quái chín vòng,
Định trừ Tam Nghiệp mới thông vẹn mười.
Định trừ động chớ lười con hỡi,
Định trừ tà vì bởi tâm mê;
Định sanh yến sáng bồ đề,
Định vào hư tịch não nề xóa tan!
Định một điểm xé màn huyền bí,
Định Hà Đồ khơi chỉ nam mô;
Định khi tương khắc mịt mờ,
Định trong mới thấy Đồ Thơ bí truyền.
Định nhíp tánh tự nhiên con nhé!
Định khép lòng con sẽ thấy ngay;
Định riu riu xuất điển đài,
Định cung Nê khiếu huệ khai Bửu truyền.
Định đúng giờ Đồ Thiên xoay chiếu,
Định trọn thời am hiểu Thiên cơ;
Chữ Định con chớ hững hờ,
Rất là trọng yếu tu thời biết ngay!
Thầy giảng định hôm nay con rõ,
Về mầu nhiệm tỏ ngộ thành tâm;
Định ngoài xóa sạch lỗi lầm,
Định đi con thấy uyên thâm chánh truyền.
Vì bao đời không yên nghiệp quả!
Nay dùng định mô tả lý huyền;
Định vào hít thở hạo nhiên,
Định trong “Vô Cực” đầu tiên điển Thầy.
Định huờn bổn tâm chay bí mật,
Định phá vòng chồng chất bấy lâu!
Có Định con mới gồm thâu,
Rút vào khí lực nơi bầu âm dương.
Con có định ghét thương sẽ bỏ,
Con dùng định để có quyền năng;
Con định khí nhíp chơn thần,
Đó là vi diệu rất cần người tu!
Lấy chữ định phá tù u tối,
Dùng chữ Định nơi cõi Niết Bàn;
Chữ Định trừ thói ngổn ngang,
Định tâm, định tánh, lên thoàn Long Hoa.
Định Thần Thất Bửu Tòa khai vị,
Định chủ trì mở lý siêu nhiên;
Định chìm trong lúc tham thiền,
Trừ tiêu phát động tự nhiên phát thành.
Vì Thầy thấy trường sanh nghiệp quả!
Bởi tàn nguơn nghiệp trả không vay;
Cho nên Thầy dạy Định ngay,
Trừ tiêu lục tặc thường bày biện trong.
Cơ sàng sảy nếu không định tánh,
E cuồng tâm trống rỗng ma xen;
Nếu tu phải nhíp bao phen,
Lấy Định làm gốc thắp đèn chơn tri!
Dùng chữ Định đánh ly trược cấu,
Dầu hậu thiên tạo bấu thân lòng;
Nhưng mà con Định huờn không,
Thì đâu sanh dữ bên trong tặc đồ?
Do bí yếu “Huờn Vô” nhíp tánh,
Thế hôm nay tạo cảnh thiện từ;
Thầy dạy chữ Định tâm tư,
Đem vào trọng điểm để tu trọn lành.
P.N: Kính bạch Thầy con đã rõ!
THẦY: không phải dùng chữ định là nói ngồi không biết chi, cũng không phải nói Định là câm nín, nhưng phải hiểu rõ định là như thế nào và định từ nơi đâu, xuất phát từ nơi đâu và kềm chế từ nơi đâu đó Phục Nguyên!
THI:
Định tâm xuất phát điểm Huỳnh trung,
Định tánh kềm an chớ ruỗi dong;
Định ngoại thân yêu thường bất động,
Định lòng nhíp bổn chẳng lao lung.
BÀI
Vì chữ định con đừng vi diệu,
Giúp ích nhiều có hiểu hay chăng?
Chữ định con chế chơn thần,
Phát sanh Đạo khởi hòa ngân Bửu truyền.
Định đi con Huyền Thiên trợ điển,
Định mở khiếu biến chuyển con hành;
Định đi nguồn Đạo khởi sanh,
Điểm định xuất phát tâm lành qui y.
Định từ từ con ghi nhớ lấy,
Định chế hồn đào thải trược âm;
Định dương huyền mật phóng tầm,
Định âm kết nạp con tầm bổn nguyên.
HỰU
Bổn nguyên Phật tánh chiếu huyền hư,
Con định lòng chơn tiếp Đại Từ;
Chế phách luyện hồn y đủ số,
“Điền Ly chiết Khảm” mở tâm tư.
Tâm tư nặng trĩu mối dây oan!
Định tánh huờn không ngộ “Nhãn Tàng”;
Mật bửu “Tâm kinh” Thầy tỏ rõ,
Đạo lòng bỉ ngạn bước sang ngang.
Sang ngang bến tục Đạo tương sanh,
Nhíp bổn chơn như định tánh lành;
Diệu khuyết nhơn ông gom một điểm,
Huỳnh tiền “Thái Cực” nở huê nhành.
Nhành dương tịnh thủy nước ma ha,
Tam muội hòa chung thấy Phật Đà;
Cứu cánh tâm hồn xa bến tục,
Quày đầu diệu hiệp điển Trời Cha.
Đó Phục Nguyên!
Hôm nay Thầy tiếp Phục Nguyên con hãy thành tâm, Thầy giảng tiếp về chữ “Nhẫn”. Vì kỳ mạt pháp hạ nguơn này tu lẫn lộn, tu sàng sảy này, Thầy chọn lọc thật là kỹ lưỡng. Vì số nguyên nhân không về đủ, thế nên, trong kỳ tam này bao nhiêu chộn lộn với nhau để tu hành, thì Thầy xét thấy rằng trong số những nguyên nhân đó, như con đã thấy, người tu mà không “Nhẫn Nhục” thì không tác thành được Đại Đạo bao giờ! Phải không con Phục Nguyên?P.N: Kỉnh bạch Thầy đúng vậy!
THẦY: Thế cho nên, từ từ Thầy sẽ dạy từ thứ lớp về vấn đề tu hành có những điểm trọng yếu nhưng nếu không hiểu rõ những điểm yếu này thì e rằng đường tu khó tiến đạt mà cũng không trọn kiếp tu này mà tạo thành được. Bởi vì Thầy cho biết rằng cơ sàng sảy đã đến cận kề quá rồi mà thời gian sống chết của con người có giới hạn! Thế cho nên, luật vô thường Thầy mong rằng các con hiểu rõ để rốt ráo tu hành kẻo không kịp trong hơi thở cuối cùng của mình, phải không Phục Nguyên con?
P.N. Bạch Thầy đúng vậy!
THẦY: Vì chữ “Nhẫn” rất trọng yếu trong vấn đề tu hành mà theo Thầy giảng rằng: người đời nếu không tu, mà muốn làm một bậc vĩ nhân cũng phải dùng chữ nhẫn huống hồ chi người tu không dùng chữ nhẫn thì làm sao đạo sanh mà phát triển khởi tâm từ đặng, phải không Phục Nguyên con ?
P.N. Bạch Thầy đúng vậy !
THẦY:
BÀI:
Điển đàn Thầy tiếp hôm nay,
Giảng về chữ “Nhẫn” con rày hiểu thêm;
Ôi! Quả báo tiền khiên chẳng dứt,
Nghiệp chúng sanh quá sức kinh hồn.
Động lòng nơi Đấng Chí Tôn,
Nên Thầy giảng dạy huờn hồn nguyên nhân;
Cơ sàng sảy rất gần con hỡi!
Phút vô thường đi tới không lui!
Thương con tu nếm nặng mùi,
Nhưng mà không nhẫn rèn trui tâm lòng;
Nên Thầy giảng thông đồng lý diệu,
Cho con tường điển chiếu huờn kinh.
Tâm lành trụ đạo Huỳnh đình,
Học về chữ nhẫn phát sinh tâm hiền;
Gương Hàn Tín lòn tuốt chợ đời;
Nhẫn lòng chịu đựng ngày trôi,
Công hầu bực nhứt đương thời Hán tranh.
Nhẫn Trương Lương sẵn dành tâm thiện,
Đã bao lần nơi biển phía Đông;
Luôn luôn tâm thiện ôm lòng,
Hạ mình xách dép ba lần không ngơi!
Nhẫn Tử Nha suốt đời nghèo khổ,
Áo rách rưới khắp chỗ lở loang;
Quần tơi chẳng dép chợ đàng,
Ngẫm nghiền thông suốt thiện an cứu người.
Nên nhà Châu có người lịch lãm,
Vì dùng nhẫn mới dám thi công
Các con gương sử lấy lòng,
Đó là những bậc đã thông nhẫn hòa.
Nhẫn đi con hiệp Cha Đạo cả,
Nhẫn diệu huyền hãy xả xác thân;
Chữ nhẫn con phải chuyên cần,
Nhẫn là bí yếu tâm thần an vui.
Nhẫn Việt Vương nếm mùi đau khổ,
Biết bao năm nơi chỗ đọa đày;
Chịu nhiều khổ nhọc đắng cay,
Nhưng lòng ôm nhẫn đến ngày hôm sau.
Người chí lớn anh hào khí khái,
Dùng chữ nhẫn kết lại tấm lòng;
Đó là gương sáng sạch trong,
Con nên ghi nhớ nằm lòng đó con!
Nhẫn Văn Vương làm tròn phận sự,
Bảy năm trường trọn giữ bề tôi;
Lúc nào cũng nhẫn cho trôi,
Để thành Vũ Lý bậc ngôi Thánh Hiền.
Đó danh đời Phục Nguyên con hỡi!
Con dùng nhận cho trội danh thơm;
Người tu càng nhẫn kiên hơn,
Đó là hạnh đạo chu toàn bổn nguyên.
Nhẫn Di Đà phá xiềng u tối,
Chịu nhiều bề bao nỗi nhọc nhằn!
Thầy đem mắng chửi bao lần,
Đệ huynh cấu xé nhẫn cần ngậm câm.
Nhẫn Thích Ca đi tầm diệu pháp,
Biết bao lần đời đáp nhục ôi!
Luôn luôn sỉ vả nặng lời,
Chặt tay roi đánh vậy thời cũng yên.
Nhẫn Gia Tô lưu truyền hậu thế,
Để ngày sau thừa kế người hành;
Đinh đời đóng quả tim trong,
Máu trào tuôn đổ bao dòng thảm thương!
Nhưng vì nhẫn đoạn trường không biết,
Nguyện cho đời thảm thiết gào la!
Luôn luôn gọi Đấng Trời Cha,
Cứu người oan nghiệt để ra trọn lành.
Nhẫn Quan Âm bao năm lăn lóc,
Tu một xó mà học chơn truyền;
Dù cho bạc ác đảo điên,
Đốt chùa đánh sãi vẫn yên tâm lòng!
Nhẫn Trường Xuân bao năm lặn lội,
Biết bao lần nông nỗi hàm oan!
Nhưng mà câm nín chẳng than,
Thầy la cam phận quì hàng gối bên!
Nhẫn như thế đắp nền Đạo pháp,
Nhẫn như vậy mới đáp lòng từ;
Nhẫn kiên cho trọn tâm tư,
Dựng đàn Thầy hẹn chiều khai chánh truyền.
Thôi Thầy thăng, chiều Thầy dạy tiếp về chữ “Nhẫn”. Vì chữ nhẫn không phải đơn giản như thế. Thầy chỉ nói đại khái những gương sử đời, rồi Thầy sẽ nói những gương Đạo để cho con gìn tâm mà trọn lòng. Đó là dùng chữ nhẫn điêu luyện lấy tâm đạo của mình.
Thôi Thầy thăng.
Dậu thời.
ĐẠI TỪ PHỤ DẠY TIẾP CHỮ NHẪN
THI
Nam Cung chuyển đạo độ trần gian,
Phương thức tu tâm giải mộng vàng;
Giáo hóa nguyên nhân huờn bổn gốc,
Chủ trì đức hạnh xiển kim cang.
Vì do kỳ hạ nguơn, kẻ tu thì lại ít, người mê lại nhiều mà người tu thì đa lý đa sự phải không con Phục Nguyên?
P.N. Bạch Thầy đúng như vậy!
THẦY: Cho nên dùng lý phá lý, dùng sự phá sự đó Phục Nguyên con! Chớ nói chủ về đạo thì không có nói nhiều phải không?
P.N: Kỉnh bạch Thầy đúng vậy !
THẦY :THI:
NHẪN hòa hành hạ đúng người tu,
Nhẫn chịu gian nan phá mịt mù;
Nhẫn nại cho lòng mau tiến bước,
Nhẫn kiên định tỉnh hiệp chơn như.
BÀI
Nay Thầy giảng dạy về chữ Nhẫn,
Nhẫn vun bồi giải nạn phù sinh;
Cho nên nghiên cứu hữu hình,
Luận đề thuyết giảng huờn minh tu trì.
Vì mạt pháp kỳ thi phút chót,
Lý càng nhiều nên lọt diêm phù;
Người tu đa sự là ngu,
Thầy xoay cơ chuyển tâm tư hiệp về.
Chỉ do tâm làm đề trước nhứt,
Tâm phá lý vô cực siêu hình,
Tâm không nào vướng sắc thinh,
Quay về chỉ một câu kinh “Vô Thừa”.
Do vì lý đẩy đưa mê muội,
Lý giảng hoài dong ruỗi chơn linh;
Thế nên đắm lụy hữu tình,
Hơi tàn khí dứt đeo nghìn sầu đau!
Còn đa sự thì nào phát triển,
Mạch đạo lòng tâm thiển cận suy;
Đó là những kẻ vô nghì,
Đúng chơn tu thật phải qui thanh lòng.
Vì có lý chấp tông cuồng thói,
Lại thêm sự buộc trói chúng sinh!
Nhập vào với khẩu hữu hình,
Nói sao cho hết vẹn tình thế gian?!
Cơ sàng sảy đa đoan đau khổ!
Kíp mau tu giác ngộ chơn lòng;
Ló mòi nguồn Đạo khai thong,
Ngược bằng ắt bị não nồng đau thương.
Đó Phục Nguyên!
P.N: Con kính vâng!THẦY: Hàng tu hành chỉ sợ Thân Khẩu Ý không được thanh tịnh. Thế cho nên, trường hợp con gặp những kẻ đa sự cũng chẳng nên tiếp; vì đa lý đa sự thì không đúng hạnh người tu, mà trong thời kỳ mạt pháp này chỉ lo tu không kịp, chớ không phải ngồi đó rồi đa lý, đạ sự, phải không Phục Nguyên con?
P.N: Kỉnh bạch Thầy đúng vậy! Lâu nay con cũng hằng thận trọng điều Thầy đã dạy.
THẦY: Vì Thân Khẩu Ý nếu không thanh tịnh :- Thân không thanh tịnh sẽ diêu động mãi mãi thì làm sao tham thiền nhập định đi đến rốt ráo đặng.
- Khẩu không thanh tịnh thì diêu động mãi mãi làm cho tâm hồn xáo trộn và tạo thêm cái nghiệp khẩu, phải không? Mà trong tất cả các nghiệp chỉ có nghiệp khẩu là nặng nhứt.- Rồi Ý không thanh tịnh thì làm sao định được mà chữ định rất là quan trọng theo Thầy đã giảng. Nếu không định là không gom được chơn thần; mà không gom được chơn thần thì không hiệp với Đại Từ Phụ Kỳ tam này !Vì trong kỳ tam này Thầy chưởng quản mối đạo của Thầy, Thầy khai sáng, Thầy ân xá để cho các con dưới mặt hữu hình này tu rút ngắn thời giờ, rút ngắn trong đường tu để mà giải thoát trong kiếp phù sinh đau khổ này; không có ai qua quyền Thầy đặng, vì kỳ tam này quá ư là hậu thiên, phải không Phục Nguyên?
P.N: Kỉnh Thầy đúng như vậy !
THẦY: Dù cho thời Nhứt Kỳ có Nhiên Đăng Phật Đạo – Thời Nhị kỳ có Thích Ca; nhưng Kỳ tam này Thầy không giao mối Đạo cho một ai, là vì do Thầy xét thấy rằng các con quá ư là trầm kha mê muội, nên Thầy phải xạ điển lực để cho oai linh đánh tản cái phần mê của các con ra mà trở lại tu. Đó là quyền hành của Thầy là như thế đó, nếu các con tu mà còn lý sự Thầy e mắc lầm phải ma Vương cuồng ngông làm xáo trộn tâm tư các con không tu được, dẫn đi sai đường lạc lối, đó Phục Nguyên! Thế cho nên con phải dè dặt vì khẩu là trọng tâm, nghiệp khẩu rất ư nặng nề, mà nghiệp khẩu cũng đưa đến bước đường sa đọa!
Thầy giảng tiếp sâu vào chữ Nhẫn,
Hạnh người tu phải nắm vững lòng;
Nhẫn đi nguồn đạo sạch trong,
Nhẫn kiên chịu đựng thông đồng tiên thiên.
Nhẫn chịu hết lụy phiền dương thế,
Nhẫn cho mình giải kế quần ma;
Nhẫn tâm con phải hiệp hòa,
Nhẫn tâm con phải hiệp hòa,
Nhẫn đâu trước hết Tam gia mới về.
Nhẫn nhẫn đi mà kề Từ Phụ,
Nhẫn cho xong kết đủ tháng ngày;
Nhẫn lòng để Đạo phát khai,
Nhẫn mình trước hết chớ lai lung lòng!
Nhẫn sự việc cho xong tất cả,
Nhẫn hạ mình giải họa thế gian;
Nhẫn kiên xóa bỏ thảm nàn,
Nhẫn là hạnh nguyện Kim cang hành trì.
Nhẫn mới thấy kỳ thi phút chót,
Nhẫn hạ mình đẻo gọt thân tâm;
Nhẫn đi con thấy diệu thâm,
Nhẫn bình hòa ái xoay mầm Như Lai.
Nhẫn mà chịu dạn dày đau khổ!
Nhẫn rèn mình đến chỗ “Không không”
Nhẫn tu mới thấy rõ lòng,
Nhẫn đi con sẽ thông đồng Vô Vi.
Không có nhẫn ắt thì không đạt,
Có nhẫn lòng giải thoát mau lên;
Người tu lấy nhẫn làm nền,
Nhẫn xây kiên cố đề tên Niết Bàn.
Nhẫn cho qua các đàng rắc rối,
Nhẫn tự rèn các thói chúng sinh;
Nhẫn là chịu đựng tự mình,
Con tu phải lấy nhẫn sinh làm đầu.
Kỳ mạt pháp ngũ châu rối loạn,
Con càng nhẫn tóm gọn Tiên Thiên;
Nhẫn lo con tự chủ quyền,
Nhẫn đi mới thấy hạo nhiên lấy về.
THI
Nhẫn nại tròn xong hạnh nguyện lòng,
Nhẫn bình tác tạo lý Không Không;
Nhẫn khai diệu khuyết hòa tâm thể,
Nhẫn chịu gian nan diệt ngã không.
BÀI
Thầy thương trẻ giảng dòng Đạo lý,
Khuyên con trần ngẫm nghĩ vào tâm;
Con ơi! Đâu sống trăm năm,
Thân tàn ma dại nặng trầm khổ đau?
Kiếp phong sương dạt dào tê tái,
Làm con người thì phải khổ đau;
Chịu nhiều sóng gió ba đào,
Bởi con mê muội ngọt ngào trần gian!
Nay Thầy giảng lên đàng tu học,
Để con hiểu tự lọc thân tâm;
Con tu đừng có lạc nhầm,
Đạo Thầy chỉ một câu Tâm làm đầu!
Tâm chủ vì nhíp bầu “Hư Khí”,
Con gìn tâm hòa lý thiên nhiên;
Hư linh đoạt máy diệu huyền,
Đó là trọng yếu Huyền Thiên khuyên lần.
Vì sát phạt nhân dân thảm ách,
Chúng sanh tàn cưỡng bách để tu;
Thảm nàn cơn lốc mịt mù!
Ấy là cơ trận Thầy trừ ác ma!
Vì con trần đã xa mùi Đạo,
Mãi đến gần lơ láo ma vương;
Gây nên thảm cảnh đoạn trường,
Nhóm mùi vật chất ghét thương vô chừng!
Động lòng Thầy Huyền Khung tế độ,
Giáng đàn tiền Thầy lộ Thiên cơ;
Để con chớ có vực ngờ,
Lo tu sửa tánh ngày giờ mau đi!
Thầy dạy trẻ những gì siêu đẳng,
Tu không khó vì chẳng ý sâu;
Tu mà con mãi cứng đầu,
Làm sao đạt đạo gồm thâu lý huyền!
Do không nhẫn ngửa nghiêng tâm tánh,
Chẳng sửa lòng tròn hạnh người tu;
Lại không tạo tác tâm từ,
Nay Thầy đã giảng tâm tư để vào.
Thôi Thầy hẹn đàn sau sẽ tiếp,
Về chữ nhẫn mau kíp y hành;
Hòa nguồn mạch lý tương sanh,
Phục Nguyên bươn chải trọn lành thế thiên !
Con phải ráng tham thiền chững chạc,
Giải mộng sầu để đạt “Không Không”;
Trong cơn thảm ách nặc nồng!
Tiên Thiên Thầy xạ vào trong “Hư Huyền”.
Con phải tịnh y nguyên điều tánh,
Thầy trợ điển để lãnh mạng Trời;
Cứu người đau khổ muôn nơi,
Con dùng “Siêu Pháp” không lời độ tha!
Đó Phục Nguyên! Thôi Thầy thăng, đàn sau Thầy sẽ tiếp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét