ĐỜI NGƯỜI MỘT KIẾP SỐNG
VÀ TÁC DỤNG CỦA ĐẠO PHÁP
Trích Dặm dài gánh Đạo của Đạo Trưởng Chí Tín
Khi con người bắt đầu có trí khôn thì hay tự hỏi mình là ai, từ đâu tới đây, đến cõi trần ai này để làm gì, sống chi để phải chịu muôn ngàn khổ đau, sanh lão bịnh tử - tứ khổ - như Phật đã dạy.
Sống để làm gì? Chết rồi còn sống hay tiêu tan theo gió bụi? Hoặc đi về đâu? Có còn tái sanh lại cõi trần này nữa hay không? Biết bao nhiêu thắc mắc giày vò trí não con người biết suy nghĩ. Khoa học dầu có tiến bộ vô ngần, trên thông thiên văn, dưới đạt địa lý, sử dụng được nguyên tử năng, làm cho đời sống vật chất con người được thoải mái không khác nào Thần Tiên, giao thông mau lẹ với máy bay phản lực, thông tin nháy mắt bằng vô tuyến điện, internet, điện thoại di động cầm tay, muốn nói chuyện với ai dầu xa xuôi khắp năm châu thế giới bất cứ lúc nào cũng được, thế mà chưa giải đáp thỏa mãn cho chúng ta những thắc mắc vừa kể trên. Có lẽ vì con người chưa tiến bộ về tâm linh đạt đến mức cao thượng thuần khiết nên Thượng Đế chưa cho phép sử dụng được tất cả quyền năng của Tạo Hóa đã sẵn dành cho con người vì Trời có gì con người đều có cả – Thầy đã xác nhận như vậy.
Lịch sử nhân loại đã chứng minh, như dân tộc Atlantide thời cổ, vì sử dụng văn minh tiến bộ của mình vào vòng trụy lạc vật chất, gây tội lỗi cho nhân loại khổ đau nên phải bị luật Trời trừng phạt nhận sống cả một châu xuống đáy Đại Dương (Océan Atlantique). Trong đó, có một số người thoát chết lên xứ Ai Cập, nên xứ Ai Cập có một nền văn minh cổ rất cao, đã xây cất Kim Tự Tháp, một kỳ quan thế giới giữa sa mạc hoang vu mà nào có sử dụng cơ khí, xây dựng tối tân với kỹ thuật văn minh hiện đại như bây giờ chẳng hạn. Các nhà khảo cổ càng tìm tòi càng thấy nhiều huyền bí ẩn chứa trong Kim Tự Tháp. Giác quan con người bị giới hạn trong hữu hình vật chất nên lục căn (nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý) chưa đạt được lục thông (nhãn thông, nhĩ thông, tha tâm thông…).
Các bậc Chơn Sư Ai Cập, Tây Tạng, Ấn Độ, Trung Hoa đã đắc Đạo tại thế và họ đã đạt được những bí quyết đó nhưng không được truyền bá cho đại chúng, vì chúng ta còn phàm phu tục tử, còn thất tình lục dục chận đè chi phối, còn nhiều dục vọng thấp hèn sẽ lạm dụng khoa bí truyền để mà hại đời dối chúng như chúng ta từng biết.
Nhờ các tôn giáo, các vị Thánh sư đã hé lộ lần lần chút ít như ngày nay. Riêng giáo lý Cao Đài đã giải đáp hầu hết các câu hỏi kể trên cho người tín hữu Cao Đài được thấu đáo nếu biết tin tưởng nơi các Đấng Thiêng Liêng giáng cơ trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Giáo lý Cao Đài cho biết con người chơn thật không phải chỉ có xác thân hữu hình này do tứ đại (đất, nước, lửa, gió) kết hợp tạo thành, mà là điểm Linh Quang do Thượng Đế chiết ra từ khối Đại Linh Quang của Ngài cho xuống thế gian để tạm mượn xác thân hữu chất này làm nơi tạm trú cho linh hồn một thời gian hữu hạn vào khoảng 100 năm để học hỏi những kinh nghiệm, trui rèn bản tánh cho được sáng suốt, trở nên chí chơn, chí thiện, chí mỹ để trở nên hàng Thần, Thánh, Tiên, Phật và phản bổn huờn nguyên trở về hiệp nhứt cùng Khối Đại Linh Quang của Thượng Đế.
Giáo lý Cao Đài cho là Nhứt bổn tán vạn thù (từ một nguồn gốc của Đại Linh Quang Thượng Đế tán ra vạn thù, tức là phân tán, phóng phát ra muôn phương hằng vạn triệu Linh Quang để tiến hóa), và cuối cùng vạn thù cũng phải qui về nhứt bổn, trở về cội nguồn là Đại Linh Quang của Thượng Đế.
Con người xuống cõi thế gian này như đã nói: chỉ tạm mượn một thời gian hữu hạn xác thân vật chất này để học hỏi, rèn luyện, trau giồi để tiến lên hàng Thần, Thánh, Tiên, Phật, vì thế chúng ta đừng coi xác thân hữu hình hữu hoại này là bền bỉ trường tồn vĩnh viễn để cầu trường sanh, đừng nên ôm chầm bám víu và làm nô lệ cho nhục dục thúc đẩy để tạo nên tội lỗi oan nghiệt, mà phải chịu lôi cuốn mãi trong vòng luân hồi vay trả, trả vay không bao giờ dứt.
Sứ mạng con người đến cõi dinh hoàn này, theo lời dạy của Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Lý Thái Bạch Tiên Trưởng “là để làm công việc tiến hóa trong đức háo sanh của Thượng Đế. Trong một chuỗi tiến hóa đó mỗi hồn hay tiểu linh quang, có mang mỗi hình thể khác nhau, mỗi giai đoạn, mỗi một tiến trình đều mượn để mà tiến.”
“Không nơi nào là trụ tướng bất di bất dịch. Trải qua một giai đoạn dài trên đường tiến hóa, những hồn ấy ví như một hoặc những khách lữ hành, từ Đông sang Tây, từ Nam qua Bắc, đã thay đổi biết bao nhiêu phương tiện để di chuyển. Linh hồn đối với những phương tiện là thể xác của mỗi giai đoạn nó đã mang, vì vậy Thiêng Liêng thường nói cõi đời là chốn phù du, là sông mê, là giả tạm, đừng ai quá chấp mà ôm chầm lấy nó để rồi hủy hoại bước đường tiến hóa.” Con người có một tính thiêng liêng hơn vạn vật, biết đâu là phải, đâu là trái, đâu là thiện ác, đâu là tội phước, đâu là liêm sỉ, đâu là không liêm sỉ... Con người phải biết tự mình làm cho mình tiến hóa, đó là bổn phận vi nhân tại thế do Thiên cơ định đọat. Tiến hóa cách nào?
Theo lời dạy của Đức Vạn Hạnh Thiền Sư: “tiến hóa bằng cách tu học, tu hành khêu tỏ ngọn đèn thiên lương và giữ ánh sáng thiêng liêng ấy mãi mãi trong nội tâm (tức là tự giác) kế đến là đem Đạo vào đời (tức là giác tha) để cảnh tỉnh, giác ngộ người đời hiểu biết để cùng khêu tỏ ngọn đèn thiên lương ấy mà danh từ Đạo học gọi là tâm đăng.”
Cao Đài gọi đấy là sứ mạng Đại Thừa Thiên Đạo, hay tự giác, giác tha như Đại Thừa Phật Giáo.
Đức Đông Phương Lão Tổ dạy: “Sứ mạng của mỗi nguyên căn mang vào mình là ngoài phần vụ tự tu, tự tiến, lại còn phải đem Đạo độ đời để giác ngộ quần linh sớm thức tỉnh hồi đầu cải ác tùng lương, cải tà qui chánh, để lần hồi cải tiến từ bản thân đến xã hội loài người đến tận thiện, tận mỹ. Khi đến thế gian một khoảng thời gian nào đó, hoặc một kiếp hoặc trăm ngàn muôn kiếp, cuối cùng rồi cũng trở lại nguồn xưa là nơi xuất phát từ khối Đại Linh Quang.”
Đạo gọi đó là phản bổn huờn nguyên. Nhưng muốn phản bổn huờn nguyên, hành giả phải làm sao thoát khỏi cảnh trầm luân đọa lạc nơi cõi trần ai đau khổ này!
Đại Tiên Ngọc Lịch Nguyệt dạy rằng con người muốn giải thoát cảnh trầm luân đọa lạc, điều trước nhứt là hành giả phải nhận xét chân giả của cuộc đời: “Những gì vật chất hữu hình ảo ảnh phù vân, có tạm mượn cũng chỉ một trăm năm là nhiều rồi hoại diệt, mà có mấy ai đến hàng trăm tuổi! Dầu có chăng nữa thì cũng chỉ là một cụ già lụm cụm, tóc bạc da mồi, chân run tay yếu, sống thừa với thể xác cằn cỗi già nua, trọng nghiệp đeo đẳng dày vò, dầu đông con cháu cũng chỉ một mình mình chịu, một mình mình mang, ngẩn ngơ sớm tối. Đó là chưa kể đến những người mang trọng nghiệp bệnh tật hiểm nghèo, dầu đang ở trong mỏ bạc hầm vàng, họ hàng đông đảo, nhưng so với người cô độc xác xơ, xó chợ gầm cầu, thì nỗi khổ đau về thể xác nào có khác chi đâu?
Đó chỉ luận về nhơn thân, Bần Đạo chưa bàn đến đen trắng, vinh nhục, ấm lạnh đổi thay của tình đời thế sự. (...) Nếu kiếp con người chỉ có như vậy, hưởng thụ bao nhiêu mà phải bị khổ đau cho đến giờ phút cuối, thì câu “vi nhân nan đắc” (được làm người rất khó) có nghĩa gì đâu. (...) Quả thật vi nhân nan đắc, từ muôn ức kiếp tiến hóa làm người, trong thể xác hữu hạn này còn có một cái sống bất hoại trường tồn, từ muôn ức kiếp đã phải trải qua bao nhiêu đoạn đường ô trược, thay đổi bao nhiêu tánh danh thể xác mà cũng vẫn còn. Chính cái bất hoại đó hiện có ở trong con người “Thiên hạ tối linh.” (...) Chư đệ muội hẳn đã biết cái bất hoại này là cái gì rồi. Đó là Thần Khí, là sự sống, là Tánh Mạng của chư đệ muội đó.”
Nếu Thần Khí chủ sử rời ra thì cái thân tứ đại do đất nước gió lửa hợp thành này lại trả về cho tứ đại. Nếu hiểu biết như vậy, thì con người phải sớm giác ngộ, để không còn chú trọng bám víu vào thể xác hữu hạn này nữa mà lo chú trọng vào Tánh Mạng, Thần Khí của mình, phải biết tá giả luyện chơn để trở thành Thần, Thánh, Tiên, Phật. Ngài hỏi chúng ta: “Tại sao người không làm được như vậy? Người không làm được vì người còn mê danh lợi phù phiếm bên ngoài mà quên cái tánh mạng bên trong, ôm chầm lấy cái giả, suốt đời nô lệ nó mà không biết trọng dụng nó, trau chuốt nó mà có biết đâu chính ta đã đày đọa ta phải khổ đau trong tấm sơn mài danh vị lợi quyền, miếng ăn chỗ ở cũng vì nó. Có nhận biết rõ như thế, hành giả mới không mê mờ lầm lẫn trọng giả khinh chơn.”
Giả là cái gì hữu hạn sẽ phải bị hủy diệt, chơn là cái gì không bị hoại diệt, nên cần phải gìn giữ trau luyện nó để diệu dụng trường tồn.
Đó mới thấy là diệu dụng của Đạo Pháp để tham cầu tu luyện, quả thật Tiên Phật chứng ngộ, Hiền Thánh không lầm vì từ vô lượng kiếp đã có biết bao nhiêu người ngộ Đạo, chứng đắc Phật Tiên mà chúng ta đang chiêm ngưỡng tôn thờ.
Vậy Đạo Pháp là gì? Là những phương tiện pháp môn giúp hành giả tu luyện để có được một thể xác tráng kiện ít đau bệnh nhờ luyện Thần Khí, Âm Dương điều hòa và có được một tâm linh mẫn tuệ, thanh thản, thư thái, an nhàn, không vương mang phiền não bệnh tật, còn việc tạo Tiên tác Phật thuộc cõi hư linh.
Ơn Trên có dạy:
“Đạo là sức sống thiên nhiên,
Pháp là chiếc Bát Nhã thuyền sang sông.”
Pháp là chiếc Bát Nhã thuyền sang sông.”
Việc thứ đến là hành giả phải bồi công lập đức cho dứt khoát nghiệp chướng tiền khiên của mình đã gây ra, để tạo nền móng khả dĩ xây cất được ngôi nhà Đạo Pháp vững vàng để hỗ trợ cho việc công phu tu luyện bớt phần khảo đảo khắc khổ. Đạo như chiếc thuyền, Đức như nước, nước có thì thuyền mới trẩy sang. Phải hội đủ Đạo với Đức hành giả mới tu chứng được. Cái vốn của công đức là tâm từ huệ, lòng bác ái vị tha dầu lớn dầu nhỏ cũng là công đức. Hành giả đừng ngần ngại giàu nghèo, tùy khả năng mình mà thực hiện đừng từ nan, giúp người một viên thuốc, một chén cơm hay một chiếc áo cũng là làm công đức.
a. Đại Thừa Phật Giáo (lục độ ba la mật) dạy người làm phước:
1. Không nghĩ mình là người ban ân.
2. Không nghĩ người là người thọ ân mình.
3. Không nghĩ vật ban cho là của bố thí.
b. Giáo lý Cao Đài cũng có dạy làm công quả phải với tinh thần vô ngã, vô danh, vô công, không vụ lợi, làm vì lòng thương người đau khổ, coi đó là cần thiết như cơm ăn thuốc uống, như hơi thở.
Giúp người không kể công, không nêu danh và không nêu lại dấu vết, không cầu báo ân mới thiệt là công đức vô lượng. Điều quan trọng là hành giả phải có tâm Đạo chí thành, có đủ đức tin nơi Đạo Pháp, chấp nhận sự khảo thí vì vô ma khảo bất thành Đại Đạo.Chính Thầy đã cho biết trước lúc mới Khai Đạo năm Bính Dần 1926 (TNHT, tr. 75): “Mở Đạo kỳ Ba này Thầy mở cuộc khảo thí để tuyển chọn những con xứng đáng đưa về Bạch Ngọc Kinh cùng Thầy. Thầy lại tiên tri là Thầy thả một lủ hổ lang ở lộn cùng các con, lại hằng ngày xúi biểu nó cắn xé các con; song Thầy cho các con mặc một bộ thiết giáp, chúng nó chẳng hề thấy đặng, là đạo đức đó các con.”
Nếu không có tâm Đạo chí thành, kiên nhẫn thì sớm muộn gì cũng bán đồ nhi phế (bỏ dở dang, bỏ cuộc giữa đường) thì phải chịu đọa lạc trầm luân nơi cõi trần ai khổ lụy này. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ra đời, Trời mở rộng ân xá kỳ ba, hễ biết giác ngộ, tu nhứt kiếp ngộ nhứt thời, Đức Chí Tôn Thượng Đế đã tuyên bố như vậy.
Tác dụng của Đạo pháp:Nhơn đây chúng tôi cũng xin nhắc lại lời dạy của Ơn Trên mà chính những thiền sinh đã từng chứng nghiệm về tác dụng của Đạo pháp, vì nó không phải là trừu tượng mông lung, dị đoan mê tín, cho người đời ăn bánh vẽ.
Đạo pháp đem lại ba điều lợi ích như sau:
1. Trước nhứt là thần khí được điều hòa, thân tâm được an định. Thần khí, thân tâm được an định thì con người mới được tươi nhuận khỏe mạnh, khỏi bận lo đau ốm mỗi khi thời tiết đổi thay và khỏi tốn kém tiền thuốc men.
Đức Đông Phương Lão Tổ dạy:
“Biết hô hấp còn hơn dụng thuốc,
Vận khí công là nước ma ha;
Nhơn thân ít bệnh lâu già,
Xác thân tươi nhuận, thịt da hồng hào.”
Vận khí công là nước ma ha;
Nhơn thân ít bệnh lâu già,
Xác thân tươi nhuận, thịt da hồng hào.”
3. Thứ ba là có gần gũi thường với Thiêng Liêng bằng phương pháp tịnh tâm, thiền định hành giả sẽ tiếp được điển lành khiến cho lòng từ huệ sẽ khai mở, tánh tình sẽ dịu dàng, tánh sân si bớt lần, khiến lời nói dễ thương, dịu dàng, cảm hóa tha nhân.
Đó là ba điểm chánh yếu thực tiễn mà Đạo Pháp sẽ đem lại cho hành giả khi còn ở thế gian, còn việc thành Tiên tác Phật, khi công đức viên mãn đương nhiên sẽ kết thành quả vị. Xưa nay Phật Tiên, Hiền Thánh chứng quả cũng không ngoài việc đó.
Sau cùng chúng ta hãy đọc lại Thánh giáo của Đức Đông Phương Lão Tổ dạy về tác phong đạo hạnh của người tu thiền:
“Đã giác ngộ, biết cõi đời là trường tiến hóa của vạn sinh, thì hãy quay về sống Đạo tự hữu, tìm đến huyền môn, bước lên nấc thang đại thừa để học tu giải thoát. Giải thoát những phiền não vây hãm tâm hồn, che lấp chơn tánh, làm con người không trọn phận, không xứng đáng một con người mà nguồn gốc Thiên chân cũng đánh mất. Đã chấp nhận quày chơn trở lại, thời dầu là nấc thang đầu tiên (bậc sơ thiền) hành giả cũng phải thận trọng từ sự sống, ăn, mặc, ở, đủ thiếu giàu nghèo đều phải giữ tiết độ tri túc, an phận tùy duyên, để nội tâm được bình thản. Từ tư tưởng, hành động, ngôn ngữ đều phải khiêm tốn, từ hòa, mà không mất vẻ đoan trang nghiêm chỉnh. Nói tóm lại, đó là tác phong đạo hạnh của hành giả trong đời sống nội tâm và ngoại cảnh để tu tập Tam Công.
Hỡi chư hiền đệ hiền muội! Trước cuộc đời nhiều lẽ thạnh suy bĩ thới trong thời mạt kiếp này, chư hiền đệ muội cũng phải chịu nhiều thử thách đau khổ, nhưng trong đó cũng chính là đáp số cho mỗi người Thiên ân sứ mạng.
Tu là phép chữa bệnh trần,
Thiền là đoạn diệt tham sân dục tình.”
Thiền là đoạn diệt tham sân dục tình.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét