YẾU LÝ DƯƠNG LÀM CHỦ
VÀ ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN VỀ QUYỀN NĂNG,
TÌNH THƯƠNG YÊU CỦA ĐỨC MẸ TỪ TÔN
Chánh Tuân
I. YẾU LÝ DƯƠNG LÀM CHỦ:
1. Từ nguyên lý của Lạc Thư nói lên yếu lý Dương làm chủ:
Nếu chúng ta sắp xếp tự nhiên cho các số tăng dần từ 1 đến 9, (trừ trái qua phải và từ trên xuống dưới) thì chúng ta sẽ có hình số (1) như sau:
1. Từ nguyên lý của Lạc Thư nói lên yếu lý Dương làm chủ:
Nếu chúng ta sắp xếp tự nhiên cho các số tăng dần từ 1 đến 9, (trừ trái qua phải và từ trên xuống dưới) thì chúng ta sẽ có hình số (1) như sau:
(1)
Theo hình số (1) thì hai trục chính ngang dọc là các số chẵn (số âm): 4;6 và 2;8 (Âm làm chủ). Với hình số (1) này thì chỉ có 2 đường chéo và 2 trục chính có tổng các số bằng 15 (3+5+7=15; 1+5+9=15; 4+5+6=15; 2+5+8=15), còn 4 cạnh xung quanh không bằng 15 (1+2+3=6; 1+4+7=12; 7+8+9=24; 9+6+3=18). Do vậy nếu để âm làm chủ thì sẽ không thể quân bình được âm dương (tổng tất cả các cột, các dòng, các đường chéo không cùng bằng 15).
Bây giờ chúng ta hãy tịnh tiến các số lẽ trong hình số (1) theo ngược chiều kim đồng hồ 3 đơn vị (đi nghịch lại 3 ô) và tịnh tiến các số chẵn theo cùng chiều kim đồng hồ 1 đơn vị (đi thuận tới 1 ô), số 5 vẫn cố định ở trung cung thì chúng ta sẽ có Lạc Thư như hình số (2):
(2)
Với Lạc Thư hình số (2) này thì chúng ta thấy có 2 trục chính ngang dọc là các số lẽ (số dương): 3;7 và 9;1 (Dương làm chủ). Lúc này tổng của tất cả các cột; các dòng và các đường chéo đều cùng bằng 15.
Như vậy ta thấy rằng nếu Dương làm chủ thì sẽ quân bình được âm dương, tất sẽ được thái bình thạnh trị (tổng tất cả các phương hướng đều bằng 15). Còn nếu để Âm làm chủ (như hình số (1)) thì sẽ không thể quân bình được Âm dương, tất sẽ bị loạn động.
Theo dịch lý thì Nam thuộc dương và Nữ thuộc Âm.
Chính vì lẽ đó mà phần lớn Nguyên Thủ của các Quốc Gia trên thế giới từ xưa đến nay thường do Nam giới nắm giữ (Dương làm chủ đất nước).
Trong các Tôn Giáo cũng vậy, hầu hết các Đấng Giáo Chủ và các Chức Sắc lãnh đạo cao cấp của các Tôn Giáo cũng đều do Nam phái nắm giữ (Dương làm chủ nền Đạo).
Với tôn giáo Cao Đài chúng ta thì phẩm Chức Sắc cao nhất do Nữ Phái nắm giữ là phẩm Đầu Sư. Theo Pháp Chánh Truyền chú giải có đoạn:
“PHÁP CHÁNH TRUYỀN: Nữ Phái phải tùng Ðầu Sư Nữ Phái song Ðầu Sư lại phải tùng quyền của Giáo Tông và Chưởng Pháp.
Chú Giải: Hội Thánh Nữ Phái phải tùng quyền Ðầu Sư Nữ Phái, song cả thảy đều phải tùng quyền Giáo Tông và Chưởng Pháp.
Xem rõ lại thì Pháp Chánh Truyền truất quyền Nữ Phái không cho lên địa vị Chưởng Pháp và Giáo Tông.
Hộ Pháp để lời phân phiền cùng Thầy như vầy: Thưa Thầy, Thầy đã nói con cũng đồng con, Nam Nữ vốn như nhau mà Thầy truất quyền của Nữ Phái không cho lên địa vị Chưởng Pháp và Giáo Tông, thì con e mất lẽ công bình chăng?
Thầy dạy: "Thiên Ðịa hữu Âm Dương, Dương thạnh tắc sanh, Âm thạnh tắc tử. Cả Càn Khôn Thế Giái nhờ Dương thạnh mới bền vững; cả chúng sanh sống bởi Dương quang, ngày nào mà Dương quang đã tuyệt, Âm khí lẫy lừng, ấy là ngày Càn Khôn Thế Giái phải chịu trong hắc ám, mà bị tiêu diệt. Nam ấy Dương, Nữ ấy Âm, nếu Thầy cho Nữ Phái cầm quyền Giáo Tông làm chủ nền Ðạo thì là Thầy cho Âm thắng Dương, nền Ðạo ắt bị tiêu tàn ám muội."
Hộ Pháp lại kêu nài nữa rằng: Thầy truất quyền Giáo Tông Nữ Phái thì đã đành, song quyền Chưởng Pháp thì tưởng dầu ban cho cũng chẳng hại?
Thầy dạy: "Chưởng Pháp cũng là Giáo Tông, mà còn trọng hệ hơn, là vì người thay mặt cho Hộ Pháp nơi Cửu Trùng Ðài. Thầy đã chẳng cho ngồi địa vị Giáo Tông, thì lẽ nào cho ngồi địa vị Hộ Pháp con. Bởi chịu phận rủi sanh, nên cam phận thiệt thòi, lẽ Thiên Cơ đã định, Thầy chỉ cậy con để dạ thương yêu binh vực thay Thầy kẻo tội nghiệp!”
Chúng ta biết rằng Tiên Thiên Đại Đạo là Đạo có trước Trời Đất, là Vô Cực.
Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Thầy có giảng về Vô Cực như sau:
"Trước khi chưa định ngôi Thái Cực thì trong khoảng không gian ấy còn đương mịt mịt mờ mờ với Khí Hồng Mông, vì đó là còn trong thời kỳ hỗn nguyên vậy. Không gian ấy tức là Vô Cực."
(Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 23-9 Bính Tý (1936)
Trong Đạo Đức Kinh, chương I, gọi Vô Cực là: "Vô danh Thiên Địa chi thỉ". Cái vô danh có trước Trời Đất.
Và, trong Đạo Đức Kinh, chương 42, Đức Lão Tử có nói thêm rằng: "Đạo sanh nhứt; nhứt sanh nhị, nhị sanh tam, tam sanh vạn vật". Nghĩa là Đạo sanh Thái Cực; Thái Cực phân Âm Dương; Hoàng Cực hỗn hiệp Âm Dương hóa sanh vạn vật.
Đây chính là nguyên lý: Nhất Thể biến sinh Tam Cực; Tam Cực biến sinh vạn pháp. Rồi vạn pháp trở về Nhất Thể (Nhất bổn tán vạn thù, vạn thù quy nhất bổn).
Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Thầy có dạy: "Đức Thái Cực [mới] vận hành khí Chơn Dương hiệp cùng khí âm (âm dương là cơ với ngẫu). Khí âm dương hỗn hiệp nhau, đụng chạm mà hóa hóa sanh sanh, là do trong chỗ điều hòa, tương ứng, tương cảm, huân chưng đầm ấm, mới tạo thành nghìn giống muôn vẻ, thiên hình vạn trạng. Khi âm dương bắt đầu sanh hóa ra muôn loài vạn vật, muôn loài vạn vật cứ hóa sanh mãi mãi, đời nọ sang đời kia, không bao giờ ngưng nghỉ. Đó là một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật; nhưng vạn vật cũng phải quày đầu về một, là vì "nhứt bổn tán vạn thù, vạn thù quy nhứt bổn"."
(Đức Đại Đức Cao Tiên; 03-8 Bính Tý (1936)
Tam Cực là Thượng Đế 3 Ngôi: Ngôi thứ nhứt là Vô Cực (Đức Diêu Trì Kim Mẫu); Ngôi thứ nhì là Thái Cực (Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế); Ngôi thứ ba là Hoàng Cực (Đức Hồng Quân Lão Tổ). Tam Cực là 3 trạng thái khác nhau của cùng một bản thể Đạo.
Luận về Tam Cực, Ngài Minh Thiện (Minh Lý Thánh Hội) có viết như sau:
“1)- Vô Cực: Vô Cực nghĩa là cực vô, trong đó cực kỳ trống không, chẳng có gì khác lạ hơn nó nữa, gây ra các sự trở ngại cho Nó, nên gọi là Khí hồn nhiên. Tuy vậy mà Nó đủ các đức tính tiềm tàng, còn kín đáo, ẩn núp, cũng như con gà còn trong trứng gà, chưa có lộ hình dạng mà ta có thể thấy được. Cũng như trong một hột giống lúa, tuy ta chưa thấy cây lúa, mà trong đó có đủ sinh lực để sanh ra sau nầy cây lúa vậy.
Đạo Đức Kinh gọi cái đó là: "Đạo tự hư vô sanh nhứt khí", nghĩa là từ trong Đạo hư vô mà sanh ra Nhứt khí. Nhứt khí có ba phương diện hay là Ba ngôi, mà ngôi Thứ nhứt gọi là Vô Cực.
2)- Thái Cực: Thái cực nghĩa là cực thái hay là cực đại. Từ trong Vô Cực là ngôi thứ nhứt lại có một điểm khí dương phát sanh. Hễ khí động phát sanh tức là khí dương, thì phần tịnh còn lại là khí âm. Cho nên Kinh Dịch nói: "Thái Cực sanh lưỡng nghi", nghĩa là Thái Cực sanh ra khí âm và khí dương. Đạo Đức kinh gọi là Một sanh ra hai. Đây là ngôi thứ nhì của Nhứt khí, mà ngôi Thứ nhì gọi là Thái Cực.
3)- Hoàng Cực: Hoàng nghĩa là ông vua. Cực là cực cao như nói trên. Cũng gọi là Nhơn cực hay là cái phần tinh thần, phần tâm linh cực cao, chẳng phải ở trong vua chúa mà thôi, như người xưa hiểu, mà ở trong tất cả mỗi con người. Nói theo Nho giáo, thông thường, ta có thể gọi Nó là Lương tâm, là Lương tri, Lương năng, là Tánh lý, là Thiên lương, là Thiên chơn, . . .Thái cực (thèse) sanh ra âm dương, mới có hai bên tương đối (anti thèse), còn Hoàng cực, đây có nghĩa là hỗn hiệp âm dương (synthèse), mới có xuất ra vạn pháp. Nếu không có âm dương tương hiệp, thì làm sao sanh hóa được! Nên Đạo Đức Kinh nói: "Nhị sanh Tam", là âm dương hỗn hiệp sanh ra Hoàng cực.
Vậy thì Ba ngôi chỉ có Nhứt khí, mà mỗi ngôi đều có một vai tuồng riêng biệt, chẳng giống nhau mà luôn luôn bổ túc cho nhau. Tuy phân ba thời kỳ cho dễ hiểu, kỳ thiệt là Ba ngôi cùng đồng thời, phân cao hạ.”
Như vậy cái Vô danh, Vô Cực, hay khí Hư Vô, tuy có khác danh từ nhưng tựu trung vốn một, mà Đức Lão Tử tạm gọi là Đạo. Còn Âm Dương do Thái Cực sanh ra là hai yếu tố tạo lập Càn Khôn Thế Giới.
Nếu như hỏi cái Vô danh mà Đức Lão Tử tạm gọi là Đạo kia ra sao? Ngài nói rằng: "Có vật tự nó sanh nó. Vật ấy có trước Trời Đất yên lặng trống không; đứng riêng một mình mà chẳng hề nghiêng chích; lưu hành khắp nơi mà chẳng hề mỏi mòn. Vật ấy khá gọi là nguồn sanh hóa thiên hạ. Ta chẳng biết tên, song mượn chữ gọi là Đạo". "Hữu vật hỗn thành. Tiên Thiên Địa sanh, tịch hề, liêu hề, độc lập nhi bất cải, châu hành nhi bất đãi; khả dỉ vi thiên hạ mẫu, ngô bất tri kỳ danh; tự chi vi Đạo" (Đạo Đức Kinh, chương 25). Rồi Ngài nói tiếp rằng: "Ta suy diễn thì thấy Đạo lúc nào cũng có một thể, không biết đâu là đầu đuôi; đâu là manh mối; thế mà nơi nào cũng có Đạo. Ta trông lên phía trên thì không thấy phản chiếu ánh sáng; xem xuống phía dưới thì không thấy ẩn khuất bóng tối, lâng lâng trong sạch, hồn nhiên, giản dị, mà chính Đạo là bản thể của Vũ trụ".
Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Thầy có luận về chữ Đạo như sau:
“Đạo mầu sản tạo Càn Khôn,
Hư Vô Chi Khí, Chí Tôn chưởng quyền;
Hóa sanh Phật, Thánh, Thần, Tiên,
Môn loài vạn vật lưu truyền thỉ chung.
Đạo vô tận, Đạo vô cùng,
Đạo là mẹ đẻ khắp chung muôn loài.”
(Đại Thừa Chơn Giáo; Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 02-8 Bính Tý (1936).
Vô Cực được biểu trưng là một vòng tròn (O), đến khi trong lòng Vô Cực xuất hiện một điểm chấm Cơ chính giữa vòng tròn (.), là Thái Cực (Trong lòng Vô Cực, Nguyên Lý Thiên Nhiên và Nguyên Khí Tự Nhiên dần dần kết hợp với nhau, tạo thành một khối Tinh Quang tuyệt đối hoàn hảo.
Thái Cực
Đến ngày giờ, khối Tinh Quang này bùng nổ, tạo ra một khối Đại Linh Quang, hay là Thái Cực), đây chính là Quyền Pháp để hóa sanh muôn loài vạn vật. Nếu Vô Cực không có điểm Quyền Pháp này thì sẽ không sinh ra được Thái Cực, và, nếu không có Thái Cực thì không có chi trong Càn Khôn Thế Giới cả (Giống như quả trứng gà phải có ngòi gà mới nở thành con gà được, nếu không có ngòi gà thì quả trứng vẫn mãi là quả trứng mà thôi).
Nói về điểm Quyền Pháp này, Thầy cũng đã từng dạy: “Khí Hư Vô lại phát hiện một vòng Đại Quang Minh là Thái Cực, đó kêu rằng Vô Cực một vòng ¡ sanh Thái Cực (không mà có).”
(Đại Thừa Chơn Giáo; Đức Đại Đức Cao Tiên; 03-8 Bính Tý (1936)
Đức Lý Giáo Tông cũng có dạy:
“Điểm Quyền Pháp được chứa đựng trong Vô Cực là ngôi Thái Cực, là Thầy.”
“Đại Từ Phụ nắm Quyền Pháp mới chuyển cơ sanh hóa vạn vật vũ trụ.”
(Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Thánh Giáo sưu tập 1968 – 1969)
Và Thầy cũng có dạy: “Cái lý Thái Cực là lý đơn nhứt, cầm quyền sanh hóa, thống chưởng Càn Khôn”.
(Đại Thừa Chơn Giáo; Đức Đại Đức Cao Tiên; 03-8 Bính Tý (1936)
Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Thầy cũng có dạy rằng:
"Khi chưa có Trời Đất thì khí Hư Vô sanh có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực. Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi; Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng; Tứ Tượng biến ra Bát Quái; Bát Quái biến hóa vô cùng mà lập Càn Khôn Thế Giái".
“Khí Hư Vô sanh có một Thầy. Nếu không Thầy thì không có chi trong Càn Khôn Thế Giái này, mà nếu không có Hư Vô chi khí thì không có Thầy”.
(Vô Cực sanh Thái Cực, Thái Cực Sanh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng, Tứ Tượng biến ra Bát Quái, Bát Quái biến hóa vô cùng hóa sanh ra vạn vật)
Như vậy Thái Cực chính là đầu mối để bắt đầu cho cơ sanh hóa ra vạn vật. Thái Cực cũng chính là ngôi chủ tể, chưởng quản và điều hành cả Càn Khôn Thế Giới.
“Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,
Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên;
Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế,
Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên."
II. ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN VỀ QUYỀN NĂNG VÀ TÌNH THƯƠNG YÊU CỦA ĐỨC MẸ VÔ CỰC ĐẠI TỪ TÔN:
1. Sự tương quan giữa Thầy và Mẹ:
Trong Đạo Cao Đài, Vô Cực là Đức Diêu Trì Kim Mẫu Vô Cực Đại Từ Tôn (Mẹ, Vô Cực, Phật Mẫu, Từ Mẫu…), còn Thái Cực là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế (Thầy, Thái Cực, Chí Tôn, Từ Phụ...). Vô Cực khi động là Thái Cực. Thái Cực khi tịnh là Vô Cực. Vô Cực – Thái Cực là hai mặt của một Bản Thể Đạo (Giống như trên cùng một bàn tay có mặt xấp và mặt ngửa vậy). Vô Cực lặng lẽ là bản thể tịnh của Thái Cực, Thái Cực chiếu soi là bản thể động của Vô Cực.
Theo Minh Lý Chơn Giải trang 12 có viết: “Chơn Nguyên động, sanh Dương, thì gọi là Thái Cực. Thái Cực động sanh Dương, rồi tịnh sanh Âm; là theo kinh Châu Dịch. Kỳ thiệt, Thái Cực động sanh Dương, rồi hết động là tịnh, thì huờn lại Vô Cực, gọi là sanh Âm”.
Do vậy, Thầy với Mẹ tuy Hai nhưng bản thể chỉ là Một (Vô Cực nhi Thái Cực). Ở đâu có Thầy là ở đó luôn luôn có Mẹ. Trong Mẹ luôn có Thầy và trong Thầy luôn có Mẹ (Trung Âm hữu Dương và trung Dương hữu Âm). Đức Mẹ đã từng dạy:
“Hỡi con! Nơi đâu có Thánh Thể của Thầy (Thái Cực) là đã có Mẹ bao vòng trong và ngoài ngôi Thánh Thể ấy, vì Mẹ là Vô Cực Vô Vi…”.
(Đức Diêu Trì Kim Mẫu; Thánh Thất Bình Hòa; 15-8 Đinh Mùi)
Và Thầy cũng có dạy:
“Thầy là Hư Vô Chi Khí thì Đạo cũng đồng nghĩa đó thôi.”
(Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Ngọc Minh Đài, 29-12-Bính Ngọ)
Đức Hộ Pháp đã có lần cho biết về sự tương quan giữa Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu như sau:
"... Buổi mới mở Đạo, Bần Đạo biết công-nghiệp của Phật-Mẫu thế nào, Ngài và Cửu vị Nữ Phật dìu-dắt con cái của Đức Chí-Tôn từ ban sơ đến ngày đem giao lại cho Thầy. Ngày mở Đạo, vì cái tình-cảm ấy, mà các vị Đại Thiên Phong buổi nọ xin thờ Phật-Mẫu ở Đền-Thánh, thì Phật-Mẫu cho biết rằng quyền Chí-Tôn là Chúa, còn Phật-Mẫu là Tôi, mà Tôi thì làm sao ngang hàng với Chúa. Chúng ta thấy Phật-Mẫu cung kính Chí-Tôn đến dường ấy không gì lượng được.”
(Trích thuyết đạo của Đức Hộ-Pháp tại Báo-Ân-Từ ngày mồng một tháng hai Đinh Hợi / 1947).
Đức Phật Mẫu nhường quyền cho Đức Chí Tôn làm chủ tể Càn Khôn đã đành (Dương làm chủ), nhưng tại sao quyền hành của Đức Phật Mẫu lại còn thấp hơn so với quyền hành con của mình là Đức Di-Lạc Vương Phật? (Di Lạc Chơn Kinh cho chúng ta biết Đức Di Lạc Vương Phật cai quản tầng Trời Hỗn Nguơn Thiên, trong khi đó Đức Phật Mẫu cai quản tầng Trời Tạo Hóa Thiên, thấp hơn tầng Trời Hỗn Nguơn Thiên).
Điều này đã được Đức Phạm Hộ Pháp lý giải qua bài thuyết đạo về Con Đường Thiêng liêng Hằng sống tại Đền Thánh, đêm 30 tháng 03 năm Kỷ Sửu (27-04-1949) như sau:
“Ngày kia vào nhà tịnh có thì giờ Bần-Đạo sẽ tỏa cái Tướng và cái Hình của nó, khi Pháp-Xa ấy dung ruỗi trên con đường Thiêng-Liêng Hằng-Sống ấy. Bần-Đạo đi ngang Cung Hỗn-Nguơn Thượng-Thiên là nơi Đức Di-Lạc đã thâu Pháp, đã định-vị nơi đấy.
Bần-Đạo có tỏa mà trong tâm còn mờ hồ không biết tại sao, vì lẽ gì Đức Phật-Mẫu là Mẹ phải chịu dưới quyền con là Đức Di-Lạc, trong bụng coi hơi bất mãn. Liền khi ấy Bần-Đạo ngó thấy cái Tướng Hình của Đức Phật-Mẫu đứng đàng trước, còn Đức Di-Lạc ở đàng sau lưng quì xuống đưa hai bàn tay lên, đặng tỏ cho Bần-Đạo hiểu dầu cho người con ấy mạnh-mẽ, quyền hành thế nào mà quyền Mẹ cũng vẫn là quyền Mẹ, không thể gì qua được. Ngài chỉ tuân theo mạng lịnh của Đức Phật-Mẫu đặng trị thế mà thôi.”
(Trích CON ĐƯỜNG THIÊNG LIÊNG HẰNG SỐNG, BÀI 35)
Quyền Mẹ cũng vẫn là quyền Mẹ! Quả thật đúng như vậy! Chúng ta biết rằng trong cuộc sống ở cõi Nhị Nguyên này, khi một người mẹ ở thế gian sanh ra một người con, bà chăm lo cho con mình từng mớm cơm, giấc ngủ…, nuôi dạy cho con ăn học khôn lớn nên người, có thể sau này người con đó thi đỗ đạt cao, làm quan này quan nọ, thậm chí trở thành một Nguyên Thủ quốc gia đứng trên vạn người nhưng khi người này đứng trước người mẹ sanh ra mình, dù cho bà có quê mùa lạc hậu đến đâu đi nữa thì cũng phải lễ phép cung kính vâng lời, bởi vì một thực tế không thể chối cãi được, đó là quyền mẹ cũng vẫn là quyền mẹ!
Lẽ ra Đức Mẹ Vô Cực Từ Tôn là khởi thủy của Vũ Trụ phải nắm quyền Chủ Tể của Càn Khôn mới phải nhưng vì Đức Mẹ Vô Cực làm chủ Âm Quang (Phật Mẫu Chơn Kinh có cho chúng ta biết Đức Mẹ làm chủ Âm Quang: “Chủ Âm Quang thường tùng Thiên mạng”), có tính nhu thuận (tịnh) của quẻ Khôn nên Vô Cực chủ về cơ tạo hóa và dưỡng dục quần sanh (Trong bài Di Lạc Chơn Kinh có đoạn nói về quyền năng của Đức Mẹ: “…Năng tạo năng hóa vạn linh, năng du Ta bà Thế giới dưỡng dục quần sanh qui nguyên Phật vị…”). Còn Thái Cực (Thầy) làm chủ Dương Quang, có tính Cương Kiện (động) của quẻ Càn nên giữ vai trò Chúa Tể điều hành và giáo hóa vạn linh sanh chúng. Hai vai trò này không thể tách rời và không thể thiếu một được, nếu thiếu một thì sẽ không có chi trong Càn Khôn Thế Giới cả. Bởi vì trong tất cả mọi sự vật hiện tượng đều có Âm có Dương, không thể thiếu một. Không thể có một vật độc dương hoặc độc âm. Vật được gọi là dương vì dương thịnh âm suy và Vật được gọi là âm vì âm thịnh dương suy. Âm Dương tuần hoàn trong cơ tạo, là quy luật của Vũ Trụ. Âm Dương được kết hợp theo hai phương thức khác biệt để tạo thành thời gian và không gian: thời gian được tạo thành trong sự tiếp diễn của Âm Dương theo định luật: “Dương cực Âm sinh, Âm cực Dương sinh”; Không gian được tạo thành theo sự đối ngẫu của Âm Dương theo định luật: “Trung Âm hữu Dương và trung Dương hữu Âm”. Sự hợp nhất này chính là Vũ Trụ. Vạn vật trong Vũ Trụ có muôn hình vạn trạng do âm dương giao hòa, vạn vật cũng biến dịch đắp đổi nhau như (sáng tối, thịnh suy, cứng mềm, nóng lạnh, động tịnh, tốt xấu, sướng khổ, trắng đen, sống chết, lớn bé, sang nghèo, vinh nhục ...), nhưng tất cả cũng chỉ từ một gốc sinh ra, đó là Âm Dương, là Đạo (Nhứt bổn tán vạn thù). Nói tóm lại, Âm và Dương đều vô cùng hệ trọng như nhau, chúng ta không thể coi trọng cái này mà xem nhẹ cái kia. Thông thường chúng ta thường hay nghĩ rằng: những gì thuộc về Âm là xấu và những gì thuộc về Dương là tốt. Thật ra, Âm Dương là nguồn gốc của vạn vật, dù tốt xấu, hay dở, trắng đen… cũng đều có nguồn gốc từ Thượng Đế hóa sanh ra cả. Tất cả cũng chỉ phục vụ cho cơ tiến hóa của Vũ Trụ mà thôi. Sở dĩ Dương làm chủ cũng chỉ là tuân theo quy luật của Tạo Hóa để bảo tồn cơ sanh hóa vạn vật.
Như vậy, Thầy với Mẹ xét về bản thể cũng chỉ là Một. Thầy Mẹ hằng ngự trong tất cả qua lời dạy của Đức Quảng Đức Chơn Tiên:
“Ngoài Trời Thượng Đế bao la,
Trong lòng vạn tượng cũng là Chí Tôn.”
(Đức Quảng Đức Chơn Tiên; Minh Lý Thánh Hội, 07-6 Tân Dậu)
2. Quyền năng của Đức Mẹ là QUYỀN LÀM MẸ CỦA VẠN LINH:
Đức Hộ Pháp xác nhận:
"... Nếu có Đức Chí-Tôn mà không có Đức Diêu-Trì Kim-Mẫu thì trong vũ-trụ không có chi về mặt hữu vi..."
"Cả cơ-quan tạo đoan hữu tướng thảy đều do Phật-Mẫu tạo thành. Khi ta đến cõi Trần mang mảnh hình hài, cái chơn-linh khi đến, khi về cũng do tay Phật-Mẫu sản-xuất, Phật-Mẫu là Mẹ linh-hồn, nếu chúng ta biết ơn nặng ấy, thì càng cảm mến cái công-đức hoá-dục sản-xuất của Ngài vô cùng.”
(Thuyết đạo của Đức Hộ-Pháp tại Báo-ân-từ ngày mồng một tháng 02 Đinh-Hợi/1947).
Trong Phật Mẫu Chơn Kinh có đoạn:
“Thiên cung xuất vạn linh tùng pháp,
Hiệp âm dương hữu hạp biến sanh;
Càn Khôn sản xuất hữu hình,
Bát hồn vận chuyển hóa thành chúng sanh”.
Và, trong bài kinh Táng Tụng Công Đức Diêu Trì Kim Mẫu cũng có đoạn:
"Lưỡng nghi phân khí Hư-vô,
Diêu-Trì Kim-Mẫu nung lò hoá sanh;
Âm dương biến tạo chơn-thần,
Lo cho nhơn vật về phần hữu vi.”
Diêu-Trì Kim-Mẫu nung lò hoá sanh;
Âm dương biến tạo chơn-thần,
Lo cho nhơn vật về phần hữu vi.”
Như vậy chỉ có Đức Mẹ mới có đủ đầy Quyền Pháp làm một Đấng Tối Cao tạo hóa và dưỡng dục ra muôn loài vạn vật. Tuy NGƯỜI không nắm quyền chủ tể Càn Khôn nhưng với vai trò là Mẹ linh hồn của tất cả chúng sanh thì cũng vô cùng thiêng liêng cao cả và duy nhất. Không có Đức Mẹ Đại Từ Tôn thì vạn linh sẽ không thể nào sinh trưởng, tồn tại và tiến hóa được (Vì Mẹ nắm quyền tạo hóa và dưỡng dục quần linh).
3. Tình thương yêu của Đức Mẹ Vô Cực Từ Tôn:
Đức Mẹ Vô Cực Từ Tôn chính là Mẹ linh hồn chung của tất cả chúng sanh. Đã là Mẹ vạn linh thì tình thương yêu dưỡng dục dành cho chúng sanh là vô cùng vô tận.
Đức Mẹ có dạy:
“Lòng Từ Mẫu vô cùng vô tận,
Đức Từ Tôn khó nhận khôn lường;
Không lãnh vực, không biên cương,
Bao trùm vũ trụ tình thương vạn loài.”
Đức Từ Tôn khó nhận khôn lường;
Không lãnh vực, không biên cương,
Bao trùm vũ trụ tình thương vạn loài.”
(Đức Diêu Trì Kim Mẫu; Thánh giáo sưu tập năm Đinh Mùi 1967)
Tình thương của Đức Mẹ đối với nhân loại thật là vô điều kiện. NGƯỜI không phân biệt sang hèn, thiện ác, nhất là đối những người yếu đuối thiệt thòi lại được Đức Mẹ thương xót che chở nhiều hơn.
Chúng ta có thể tạm mượn đức tính của Đất để có thể hiểu được phần nào tình thương và tấm lòng quảng đại vô lượng vô biên của Đức Mẹ Từ Tôn: Dù người ta có đổ hay rải lên đất những thứ tinh sạch và thơm tho như hoa hương, nước ngọt, sữa thơm… hoặc những thứ hôi hám và dơ dáy như máu mủ, nước tiểu, phân rác… thì đất cũng tiếp nhận những thứ ấy một cách rất thản nhiên, không vướng mắc tự hào cũng không oán hờn tủi nhục. Vì đất có dung lượng rất lớn, có khả năng tiếp nhận và chuyển hóa tất cả.
Lòng Từ Mẫu thương đều muôn vật, không phân biệt tốt xấu, thiện ác,… vì tất cả chúng sanh đều là con chung của Đức Mẹ (Cũng giống như Mặt Trời, Mặt Trăng luôn sáng soi đều muôn vật, cho dù người nào có xấu xa tội lỗi, tán tận lương tâm đến đâu đi chăng nữa thì ánh sáng vẫn rất chí công vô tư chiếu đến mà không thiên vị hay ghét bỏ bất kỳ một ai cả). Điều này cũng giống như trong một gia đình ở thế gian, một người mẹ có thể sanh ra năm bảy người con, có thể có người con thông minh lanh lợi, tướng mạo đẹp đẽ, đỗ đạt thành danh, hiếu thảo nhưng cũng có thể có người con lại bị bất hạnh tật nguyền, phạm tội trộm cắp cướp giựt, ngỗ nghịch bất hiếu. Nhưng với tấm lòng thương yêu của người mẹ thì con vẫn đồng con, tình thương dành cho tất cả các người con đều như nhau vì tất cả cũng đều từ khúc ruột của người mẹ ấy sinh ra. Thậm chí với những người con kém may mắn hay ngỗ nghịch đó, người mẹ càng thương xót và khổ tâm dành nhiều tình thương yêu hơn nữa là khác.
Điều này Đức Hộ Pháp cũng đã khẳng-định rằng:
"Bần Đạo dám cả-quyết nơi Đền thờ của Đại Từ-Mẫu chúng ta, bà không kể con cái sang-trọng cao sang của Bà đâu, trái ngược lại Bà lại thương yêu bênh-vực những em nào thiệt-thà, hèn yếu hơn hết, ấy vậy Qua nói rằng: Trong cả mấy em đây, nếu có em nào thiếu thốn cả tinh-thần và vật-chất, thiệt-thòi nghèo khổ, tật-nguyền, Qua dám chắc, Bà Mẹ thiêng-liêng của chúng ta sẽ vui ở với kẻ ấy lắm vậy. Qua chẳng phải nói để an ủi mấy em, mà sự thật quả quyết vậy. Qua chỉ cho các em một bí-pháp, là khi nào mấy em quá thống-khổ, quá đau đớn tâm-hồn mấy em đừng vội sầu thảm, các em quỳ xuống giữa không- trung, các em nguyện với Bà Mẹ thiêng-liêng ấy một lời cầu-nguyện, Bần Đạo quả-quyết rằng Bà chẳng hề khi nào từ chối cùng mấy em. Qua đã thử nghiệm rồi, cả toàn con cái của Đức Phật-Mẫu thí-nghiệm như Qua thử coi.”
(Trích thuyết Đạo của Đức Hộ-Pháp ngày rằm tháng 8 Nhâm-Thìn (1952) tại Cửu-Long-Đài đền thờ Phật-Mẫu).
Chính điều này mà Đức Hộ Pháp có giải thích thêm rằng:
"Chúng ta đã có một bà Mẹ là Phật-Mẫu cầm quyền năng tạo đoan xác thịt hình hài của ta, Chí-Tôn là Cha cho nhứt điểm Tính, Phật-Mẫu là mẹ của xác, cho nhứt điểm Khí, cha mẹ hữu hình, vâng lịnh Phật-Mẫu tạo xác thịt hiện hữu đây, còn quyền-năng thi-hài Đấng ấy làm chủ. Phật-Mẫu có tính-chất của Bà Mẹ, Bần Đạo xin làm chứng rằng: tính-chất bà mẹ hữu-hình thế nào thì tính chất của bà mẹ Phật-Mẫu cũng hiện y nguyên như vậy, nhưng có phần yêu-ái hơn, bảo trọng hơn, binh vực hơn.”
(Trích thuyết Đạo của Đức Hộ-Pháp đêm mồng 01 tháng Mười năm Đinh Hợi/1954).
Đức Chí Tôn ban cho chúng ta điểm linh quang là phần tinh thần, còn Đức Phật Mẫu ban cho chúng ta phần khí chất là phần sinh lực. Cũng do yếu nhiệm đó mà Đạo Cao Đài thờ Đức Chí Tôn bằng Thiên Nhãn mà không thờ hình tượng, còn thờ Phật Mẫu thì thờ bằng hình tượng, về đẳng cấp triều nghi của nhân loại thì trước Đức Chí Tôn có phẩm trật, sắc phục khác nhau, còn trước Đức Phật Mẫu thì con người không phân biệt đẳng cấp, sắc phục như nhau, vì ở đây không còn phân biệt thượng hạ mà chỉ còn cốt nhục tương thân, đồng sanh đồng tử mà thôi.
Điều này Đức Hộ Pháp cũng đã nói rằng:
"... Vào Đền thờ Phật-Mẫu đều bạch-y tất cả, dầu Giáo-Tông hay Hộ-Pháp cũng phải cổi thiên-phục để ở ngoài. Hỏi tại sao như vậy? Lấy tánh đức thường tình của một bà mẹ không có gì lạ, ta thấy trong gia-đình kia dầu rân-rát, một người dầu quyền cao chức trọng, dầu làm quan toà, tham-biện hay tể-tướng đi nữa, mà bước vào nhà, con làm tể-tướng thì bà mẹ không ưa, lại thêm phiền luỵ, làm quan với ai kia, chớ về làm quan với gia-đình à! Oai quyền với thiên-hạ ở ngoài chớ ở đây không thể làm oai-quyền với mẹ được, dầu bậc nào cũng vậy vẫn là con thôi..."
(Trích thuyết Đạo của Đức Hộ-Pháp ngày mồng 01 tháng 10 Đinh Hợi/1947).
Đức Hộ-Pháp còn dẫn giải thêm nguyên nhân đó như sau:
"Trong cửa Đạo Cao-Đài có hai đền thờ: một đền thời ta ngó rất trật-tự hàng ngũ, bởi vì nguyên-căn tâm-hồn của chơn-linh chúng ta đều có trong hàng phẩm Cửu-Thiên Khai-hoá cả. Quý-phái như thế. Còn một đền thờ nữa thờ Phật-Mẫu tức là Mẹ của chúng ta, thì cái quý-phái của chúng ta không còn giá-trị gì nữa. Đến Phật-Mẫu không muốn cả chức-sắc Thiên-Phong đi đến đền thờ của Người và Người nhứt-định không chịu điều ấy, vậy phẩm-tước và giai-cấp đối với Phật-Mẫu không có giá-trị, vì Phật-Mẫu không muốn đứa nào áp-bức đứa nào cả, hành-tàng như vậy bị tiêu-diệt.”
(Trích thuyết-đạo của Đức Hộ-Pháp đêm 15 tháng 8 Mậu Tý/1948).
Như vậy tình thương yêu mà Đức Mẹ Vô Cực Từ Tôn dành cho tất cả vạn linh sanh chúng thật là vô lượng vô biên mà rất ít người trong chúng ta hay biết đến.
III. KẾT LUẬN:
"Thiên Ðịa hữu Âm Dương, Dương thạnh tắc sanh, Âm thạnh tắc tử. Cả Càn Khôn Thế Giới nhờ Dương thạnh mới bền vững; cả chúng sanh sống bởi Dương quang, ngày nào mà Dương quang đã tuyệt, Âm khí lẫy lừng, ấy là ngày Càn Khôn Thế Giái phải chịu trong hắc ám, mà bị tiêu diệt". Do vậy Dương làm chủ để bảo tồn cơ sanh hóa, là quy luật của Tạo Hóa vậy.
Quyền năng của Đức Mẹ Vô Cực Từ Tôn là rất bao la, trí phàm không thể nào hiểu nổi, bổn nguyên của NGƯỜI lại quá ư linh diệu, ngôn ngữ hữu hạn của thế gian không có thể nào giải rõ. Nên trong sưu tập này chỉ có thể nêu trong muôn một những quyền năng quá ư kỳ diệu của NGƯỜI mà thôi, nhưng chỉ có một điều thực tế rất hiển nhiên là chúng ta đang có một Bà Mẹ Thiêng Liêng quyền lực vô song, chứa chan niềm từ bi bác ái luôn ban ân sủng cho mọi người, chúng ta chỉ cần một tín ngưỡng mạnh mẽ, một thân tâm thanh tịnh trong sáng thì sẽ đón nhận được ân huệ và lắng nghe được huyền âm vi diệu của NGƯỜI hướng dẫn dìu dắt chúng ta trong mọi sinh hoạt hàng ngày.
Vì thương yêu vô lượng, Đức Mẹ đã tạo dựng nên loài người và đã cưu mang trong vô lượng kiếp. Đức Mẹ đã thị hiện xuống nhiều nơi trên thế gian để cứu vớt an ủi nhân loại cả cộng đồng hay từng cá nhân, NGƯỜI không từ bỏ một ai, nhất là con cái bị ức hiếp, khốn khổ của NGƯỜI. Vì thương con cái mãi bị mê luyến chốn hồng trần giả tạm, mến mùi chung đỉnh mà quên ngôi xưa vị cũ của mình, nên chính Đức Mẹ đã lãnh lịnh Đức Chí Tôn khai sáng Tam Kỳ Phổ Độ, để diệt tà pháp của thế gian tạo cho nhân loại một cảnh đại đồng, an lạc:
"Chiếu nhủ lịnh Từ Huyên thọ sắc,
Độ anh nhi Nam Bắc Đông Tây;
Kỳ khai tạo nhứt Linh Đài,
Diệt hình tà pháp cường khai đại đồng."
(Phật Mẫu Chơn Kinh)
Để Thầy Mẹ khỏi phải đau lòng nhỏ lệ nhìn đàn con thương yêu của mình mãi lặn hụp đắm chìm nơi biển khổ trần ai, bổn phận mỗi người tín đồ Cao Đài chúng ta là phải lo tu hành, lập công bồi đức để được trở về bên Thầy Mẹ. Đây chính là món quà tinh thần dâng lên NGƯỜI, hầu phần nào đền đáp công ơn tạo hóa và dưỡng dục vô bờ bến mà Thầy Mẹ đã dành cho chúng ta:
" Riêng thương Kim-Mẫu khóc thầm,
Biển trần thấy trẻ lạc lầm bấy lâu;
Đôi phen Mẹ luống ưu sầu,
Cũng vì tà mị dẫn đường con thương.”
(Kinh táng tụng công đức Diêu Trì Kim Mẫu)
Biển trần thấy trẻ lạc lầm bấy lâu;
Đôi phen Mẹ luống ưu sầu,
Cũng vì tà mị dẫn đường con thương.”
(Kinh táng tụng công đức Diêu Trì Kim Mẫu)
“Muôn kiếp các con chịu lạc đường,
Thấy vầy Thầy luống động lòng thương;
Nên đoan thệ với hàng Tiên Phật,
Lập Đạo không thành chịu tội ương.”
(Đại Thừa Chơn Giáo; Đức Cao Đài Giáo Chủ, ngày 25-09 Bính Tý (1936)
Thay lời kết, Chánh Tuân kính gửi đến quý anh chị em “Bức tâm thư của Đức Mẹ Diêu Trì Kim Mẫu” để quý anh chị em chúng ta cùng nhau gắng công tu học theo lời dạy của Đức Mẹ:
BỨC TÂM THƯ CỦA ĐỨC MẸ DIÊU TRÌ KIM MẪU
Thánh Tịnh Ngọc Minh Đài, 09.01.Đ.Đ.10.Ất Hợi (12.2.35)
T H I
DIÊU điện ký lời gởi các con,
TRÌ tâm chiến hữu lẽ châu son;
KIM thơ học lấy cho thông thuộc ,
MẪU huấn ghi lòng khỏi héo hon .
B À I
Lệ hòa mực MẸ đề thư gởi,
Cho các con trần giới đôi câu;
Con ôi! Mẹ luống đau sầu!
Vì tình mẫu tử bấy lâu phai mờ.
Thương vì trẻ ngây thơ khờ dại,
Đắm say trần nên phải quên ngôi,
MẸ đây trông đứng, trông ngồi,
Các con thì lại, ham nơi bể trần.
MẸ xót dạ bao lần giáng thế,
Đã nhiều lần thỏ thẻ cùng con;
Thấy đời lắm cảnh héo don,
Thương cho con trẻ nặng đòn phải mang!
Nhìn máy Tạo ngày càng thúc giục,
Khiến MẸ đây muôn khúc đoạn trường;
Nhìn con trước cuộc tang thương,
Thế mà con mãi chủ trương lợi tài.
MẸ khuyên con Liên Đài Đại Hội,
Kêu chúng sanh hãy vội tu hành;
Đời tàn khó tránh đao binh,
Dù thương MẸ cũng khôn tranh luật Trời.
Ngày tận diệt còn thời bao lắm,
Mà nhơn sanh bước chậm quá rồi!
Cũng vì danh lợi trì lôi,
MẸ đây vì trẻ đứng ngồi không yên.
Mong Nam Nữ lửa phiền tưới tắt,
Để tránh cơn gió bấc thổi lùa;
Chữ TU vàng cũng khó mua,
Thân sanh con chỉ ở chùa mới an.
Đừng lầm tưởng bạc vàng là quý,
MẸ khuyên con hãy nghĩ cho cùng;
Rồi đây trước cuộc hải hùng,
Con đâu có được thung dung như vầy!
Bởi MẸ thấy gần đây sẽ khổ,
Khổ các con MẸ đổ dòng châu;
Hãy mau thức tỉnh hồi đầu,
Mới là được MẸ hộ phù vững an.
Ôi trước cảnh tương tàn tương sát!
Tấm thân con bèo bọt nỗi trôi;
MẸ dù ân huệ liên hồi,
Cũng không cứu vãn cuộc đời chinh nghiêng.
Nay MẸ gởi lời khuyên chung tất,
Bớt lần đi vật chất thế trần;
Rán nhìn từ lúc xuân phân,
Nhơn sanh phải chịu não nùng đáng thương!
Con nghe MẸ lên đường kẻo khổ,
Biết bao điều sụp đổ con ơi!
Hôm nay MẸ hé cơ Trời,
Các con phải liệu gìn thời thân sanh.
Muốn vẹn giữ tu hành làm gốc,
Nếu các con chí dốc theo THẦY;
Dù cho cát chạy, đá bay;
Có chư Thần Thánh hộ rày trẻ thơ.
Con nên biết ngày giờ đã hết,
Đừng tưởng rằng hễ chết là xong,
Khi ra Tam giáo cộng đồng,
Con còn phải chịu ngồi trong ngục hình.
Thế là điểm chơn linh con mất,
Các ngôi về Thánh Phật Thần Tiên;
Nhào lăn xuống cõi Huỳnh tuyền;
Con chờ đến bảy ức niên sau này.
Đến lúc đó Đạo THẦY mới mở,
Phách hồn con khiếp sợ hãi hùng,
Hết đường trở lại Tiên cung,
Để cho MẸ phải đau lòng xiết bao!
Vậy con phải ngăn rào sau trước,
Một chữ thành cũng được hồi nguyên;
Kỳ phùng hưởng chút ân Thiên,
Mong rằng các trẻ Kim Tiên ráng gìn./.
MẸ hồi cung./.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Thánh Ngôn Hiệp Tuyển các Quyển 1 và 2. - Đại Thừa Chơn Giáo.
- Thánh Ngôn và Thánh Giáo sưu tập.
- Kinh Tận Độ.
- Yếu Điểm Giáo Lý Đại Đạo của CQPTGL ĐĐ.
- Pháp Chánh Truyền chú giải.
- Đạo Đức Kinh của Đức Lão Tử.
- Lời Thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp các quyển 1,2,3,4,5,6.
- Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống.
- Đạo Sử 1 và 2 của Nữ Đầu sư Hương Hiếu.
- Kinh dịch – Đạo người quân tử của Nguyễn Hiến Lê.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét