Thứ Bảy, 9 tháng 10, 2010

8 món quà vô giá trong cuộc sống


8 món quà vô giá trong cuộc sống

1. Món quà từ sự lắng nghe:
Khi bạn thực sự lắng nghe, bạn chú ý, không ngắt ngang, không mơ màng, chỉ lắng nghe để cảm nhận về thấu hiểu. Đó là món quà vô giá thứ nhất bạn có thể dành cho người khác đặc biệt là những người thân yêu của mình.

2. Món quà từ sự trìu mến:
Hãy thể hiện sự trìu mến với những người thân yêu bằng những lời nói ân cần và cử chỉ trìu mến, bạn sẽ thấy điều kỳ diệu.


3. Món quà từ sự vui tươi:
Hãy cắt những biến họa, chia sẻ những mẩu chuyện cười và những tin vui nhộn cho các cộng sự và người thân. Họ sẽ hiểu và cảm nhận rằng bạn luôn muốn chia sẻ niềm vui và do đó họ sẽ dành cho bạn những điều to lớn hơn.


4. Món quà từ những mẩu giấy viết tay:
Hãy viết ra từ những lời chân thật, dù rất ngắn, nó có sức mạnh phi thường đấy, dù nó là dòng chữ “cảm ơn bạn đã giúp đỡ tôi” hay “xin lỗi vì mình đã quá nóng với bạn”. Hay thậm chí một bài thơ hay một lời khuyên đẹp. Chính những điều nho nhỏ đó, có thể đi suốt cuộc đời ta.


5. Món quà từ sự khen ngợi:
Sự ngợi khen thật lòng có sức mạnh không ngờ, đó có thể là “chiếc áo đỏ thật tuyệt với bạn” hay “một bữa ăn rất ngon” có thể đem lại niềm vui cho người khác suốt cả ngày.

6. Món quà từ sự giúp đỡ:
Mỗi ngày hãy chủ động làm một vài điều tử tế, bạn sẽ thấy cuộc sống thật vui vẻ và nhẹ nhàng.


7. Món quà của sự yên tĩnh:
Hãy luôn nhạy cảm về điều này và để sự yên tĩnh cần thiết cho người khác cũng như có những lúc bạn cần sự yên tĩnh ấy.


8. Món quà từ sự thân thiện:
Hãy vui vẻ nói “Xin chào”, “Hi”, “Hello”, “khỏe không? Mọi việc ổn chứ”… điều thật dễ dàng nhưng sẽ đọng lại hình ảnh tốt của bạn nơi người thân.
 

Bạn chọn món quà nào cho người thân của bạn? Hay là tất cả?
Sưu tầm

Tìm hiểu về Đạo Cao Đài - Thiên Đạo


TÌM HIỂU VỀ ĐẠO CAO ĐÀI: THIÊN ĐẠO

Quý anh chị em vào đường link sau để cùng xem quyển Thiên Đạo của 2 tác giả Nguyễn Trung Hậu và Phan Trường Mạnh:


Chánh Tuân.

Thứ Sáu, 8 tháng 10, 2010

Trong cái rủi có cái may

  

TRONG CÁI RỦI CÓ CÁI MAY

 

Ngày xửa ngày xưa ở đất nước Trung Quốc có một anh nông dân nghèo khốn khổ. Anh ta không có nhiều tiền và để thay thế máy kéo, anh sử dụng một con ngựa già để cày xới cánh đồng của mình. 
Một buổi trưa hôm nọ, trong khi đang làm việc trên cánh đồng, con ngựa già đột nhiên lăn đùng ra chết. Mọi người trong vùng thấy vậy liền nói: "Ồ, thật là một điều khủng khiếp đã xảy ra". 
 Sau đó, vì cảm phục bản lĩnh của anh nông dân nghèo lạc quan, mọi người trong làng tụ tập lại và góp tiền mua tặng anh ta một con ngựa mới coi như là một món quà chia sẻ rủi ro.
Bây giờ, phản ứng của mọi người là: "Anh ta là một người may mắn!".
 
Hai ngày sau, con ngựa mới phóng qua rào và chạy mất. Mọi người trong làng lắc đầu than: "Thật là một anh chàng tội nghiệp".
Sau một vài ngày dạo chơi, rốt cuộc, con ngựa cũng tìm được đường về nhà, và mọi người một lần nữa lại mừng cho anh: "Thật là một anh chàng tốt số".
 
Không lâu sau, khoảng vào cuối năm, anh nông dân trẻ trong một cú té ngựa đã bị gãy chân. Người trong làng bàn tán: "Thật tiếc cho anh nông dân đen đủi".
Hai ngày sau, quân đội đến làng để bắt quân dịch. Khi họ trông thấy anh nông dân với chiếc chân bó bột, họ đã không nhận anh.
Được dịp, mọi người lại xì xào: "Số anh ta hên thật!"
 
Trong cuộc sống, không có gì là chắc chắn. Nhiều lần chúng ta cứ tưởng rằng đấy là tai họa nhưng thực chất đó lại là một món quà ẩn dấu. Và khi tâm hồn chúng ta rộng mở, tất cả những trở ngại hay tình huống khó khăn mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống sẽ biến thành những phần thưởng mà từ đó chúng ta có thể rút ra được những bài học quý giá.
Sưu tầm

Học tập lời dạy của Ơn Trên về Đức Tính Kiên Nhẫn



HỌC TẬP LỜI DẠY CỦA ƠN TRÊN
 VỀ ĐỨC TÍNH KIÊN NHẪN
Chánh Tuân




A.   DẪN NHẬP:
     Có lẽ đức tính được người đời ca tụng nhiều nhất là tính kiên nhẫn. Cato The Elder đã nói: “Kiên nhẫn là đức tính lớn nhất trong mọi đức tính”.  Issac Newton nói: “Nếu tôi có được khám phá giá trị nào, đó là nhờ chú ‎ý kiên nhẫn hơn là bất kỳ tài năng nào tôi có”.
Vậy, kiên nhẫn là gì và làm sao để ta có được đức tính kiên nhẫn?

B.   NỘI DUNG:

I.       THUẬT NGỮ:
-         Kiên: làm cho vững vàng, chắc chắn.
-         Nhẫn: là chấp nhận sự đau đớn về thể xác cũng như tinh thần để phấn đấu cho lý tưởng cao cả. Chữ Nhẫn, Hán ngữ chiết tự gồm chữ đao ở trên, đâm mũi nhọn vào chữ tâm ở dưới. Thể hiện sức chịu đựng rất phi thường của một người có đức tính nhẫn.

 

II.     NHỮNG TẤM GƯƠNG KIÊN NHẪN:
Từ nghìn xưa đến nay có rất nhiều tấm gương kiên nhẫn đã mãi đi vào lịch sử mà người đời luôn xem đó là những tấm gương quý giá để học tập noi theo. Như Trương Lương ba lần hạ mình xách dép cho một Cụ Già để rồi được Cụ Già ấy trao tặng sách quý; Khương Tử Nha ngồi câu cá bằng cần câu không lưỡi chờ thời để được phò minh quân; Thánh Văn Vương ngồi tù suốt 7 năm ở thành Dũ Lý, trọn đạo bề tôi với Vua Trụ và đã nghiên cứu để lại cho đời những công trình vô giá về Kinh Dịch như vạch ra Bát Quái Hậu Thiên và viết soán từ cho 64 quẻ trùng quái…
Trong kinh “Vô Thừa Chơn Giáo”, khi dạy về chữ Nhẫn, Thầy cũng đã nhắc lại cho chúng ta thấy được những tấm gương kiên nhẫn bất hủ của người xưa:
“Tâm lành trụ đạo Huỳnh đình,
Học về chữ nhẫn phát sinh tâm hiền;
Gương Hàn Tín lòn tuốt chợ đời;
Nhẫn lòng chịu đựng ngày trôi,
Công hầu bực nhứt đương thời Hán tranh.
Nhẫn Trương Lương sẵn dành tâm thiện,
Đã bao lần nơi biển phía Đông;
Luôn luôn tâm thiện ôm lòng,
Hạ mình xách dép ba lần không ngơi!
Nhẫn Tử Nha suốt đời nghèo khổ,
Áo rách rưới khắp chỗ lở loang;
Quần tơi chẳng dép chợ đàng,
Ngẫm nghiền thông suốt thiện an cứu người.
………………………………………..
Nhẫn Việt Vương nếm mùi đau khổ,
Biết bao năm nơi chỗ đọa đày;
Chịu nhiều khổ nhọc đắng cay,
Nhưng lòng ôm nhẫn đến ngày hôm sau.
………………………………………..
Nhẫn Văn Vương làm tròn phận sự,
Bảy năm trường trọn giữ bề tôi;
Lúc nào cũng nhẫn cho trôi,
Để thành Dũ Lý bậc ngôi Thánh Hiền.
………………………………………..
Nhẫn Di Đà phá xiềng u tối,
Chịu nhiều bề bao nỗi nhọc nhằn!
Thầy đem mắng chửi bao lần,
Đệ huynh cấu xé nhẫn cần ngậm câm.
Nhẫn Thích Ca đi tầm diệu pháp,
Biết bao lần đời đáp nhục ôi!
Luôn luôn sỉ vả nặng lời,
Chặt tay roi đánh vậy thời cũng yên.
Nhẫn Gia Tô lưu truyền hậu thế,
Để ngày sau thừa kế người hành;
Đinh đời đóng quả tim trong,
Máu trào tuôn đổ bao dòng thảm thương!
Nhưng vì nhẫn đoạn trường không biết,
Nguyện cho đời thảm thiết gào la!
Luôn luôn gọi Đấng Trời Cha,
Cứu người oan nghiệt để ra trọn lành.
Nhẫn Quan Âm bao năm lăn lóc,
Tu một xó mà học chơn truyền;
Dù cho bạc ác đảo điên,
Đốt chùa đánh sãi vẫn yên tâm lòng!
Nhẫn Trường Xuân bao năm lặn lội,
Biết bao lần nông nỗi hàm oan!
Nhưng mà câm nín chẳng than,
Thầy la cam phận quì hàng gối bên!”

          Ngoài ra, trong cuộc sống cũng có biết bao tấm gương kiên nhẫn rất đáng để chúng ta học tập và noi theo.
          Sau đây là 1 câu chuyện nói về đức tính Kiên Nhẫn:
Thiền sư người Nhật Bản tên là Muju (Vô Trú) viết một tập sách nhan đề Shaseki-shu (Sa thạch tập), Đỗ Đình Đồng dịch dưới tên “Góp nhặt cát đá”, nhà xuất bản Lá Bối - Saigon xuất bản năm 1971. Trong tập sách có chuyện “Mùi vị của lưỡi kiếm Banzo”:
“Matajuro Yagyu là con trai của kiếm sĩ Nhật lừng danh. Cha anh cho rằng tài nghệ của con ông quá tầm thường khó mong chức phận làm thầy, nên ông đã từ chối dạy anh. Vì thế Matajuro đến núi Futara và tìm được một kiếm sĩ lừng danh khác ở đó là Banzo. Banzo lại xác định lời phán quyết của cha Matajuro Yagyu.
Banzo nói: “Anh muốn ta dạy anh kiếm thuật phải không? Anh không đủ điều kiện để học kiếm đâu.”
Matajuro một mực hỏi tiếp: “Nhưng nếu con luyện tập chuyên cần thì con phải mất bao nhiêu năm để trở thành một kiếm sĩ?”
Banzo đáp: “Cả quãng đời còn lại của anh.”
Matajuro giải thích: “Con không thể chờ lâu đến thế. Con sẽ vượt qua bất cứ khó nhọc nào, nếu thầy dạy con. Nếu con làm một người hiến mình giúp việc cho thầy thì con phải mất bao lâu?”
Banzo hơi dễ dãi: “Ồ, có lẽ mười năm.”
Matajuro hỏi tiếp: “Cha con đã già rồi và con sớm phải săn sóc ông. Nếu con luyện tập chuyên cần hơn nữa thì phải mất bao lâu?”
Banzo đáp: “Ồ, có lẽ ba mươi năm.”
Matajuro hỏi: “Sao thế? Trước thầy bảo mười năm bây giờ ba mươi năm. Con sẽ vượt qua bất cứ cực nhọc nào để nắm vững kiếm thuật trong một thời gian ngắn nhất.”
Banzo đáp: “Được, với điều kiện anh phải ở lại đây với ta bảy năm. Một người quá nóng nảy muốn đạt kết quả như anh, ít khi học nhanh được.”
Sau cùng, Matajuro hiểu rằng mình đang bị trách mắng vì không có tính kiên nhẫn. Anh ta kêu lên: “Hay lắm, con đồng ý.”
Matajuro không bao giờ nghe nói một lời nào về kiếm thuật và cũng không bao giờ đụng tới thanh kiếm. Matajuro nấu ăn cho thầy, rửa chén bát, dọn dẹp giường ngủ, quét sân, quét nhà, chăm sóc vườn, nhất nhất không nói một lời nào về kiếm thuật.
Ba năm trôi qua, Matajuro vẫn làm việc, nghĩ đến tương lai, anh ta buồn. Matajuro vẫn chưa bắt đầu học thứ nghệ thuật mà anh ta đã hiến mình cho nó. Nhưng một hôm Banzo bò đến sau lưng Matajuro và tặng cho anh ta một đường kiếm rợn tóc gáy bằng một thanh kiếm gỗ. Ngày hôm sau, lúc Matajuro đang nấu cơm, thình lình Banzo nhảy bay qua người anh ta.
Sau đó, ngày đêm Matajuro phải phòng vệ những cú đánh bất ngờ như thế. Bất cứ ngày nào, không một phút giây nào Matajuro không suy nghĩ đến ý vị của lưỡi kiếm Banzo. Matajuro học rất nhanh, anh mang lại cho thầy những nụ cười vui vẻ. Matazuro đã trở thành kiếm sĩ vĩ đại nhất nước.

III.  PHƯƠNG PHÁP RÈN LUYỆN ĐỨC TÍNH KIÊN NHẪN:
1.    Rèn luyện tinh thần kiên định:
Lòng kiên định là sự chắc chắn, quả quyết của bản thân trước công việc. Người kiên định luôn vững lòng, cho dù có gì ảnh hưởng, có vật gì cản đường cũng không thay đổi quyết định chính xác của mình. Vì yếu tố bên ngoài, chướng ngại khó khăn mà xoay chuyển, mà nghĩ lại không tiếp tục công việc, đó chính là những người thiếu kiên định. Kiên định quả thật là một đức tính cần thiết đối với mỗi cá nhân trong xã hội ngày nay. Trong công việc, học tập, mọi thử thách gian lao, nhờ lòng kiên định, con người sẽ không bị chi phối, không bị ảnh hưởng, luôn vững lòng để hoàn thành, để vượt qua.
Ông cha ta, từ xưa cũng luôn khuyên răn con cháu, phải biết vững lòng mình. Bằng tiếng cười dân gian, truyện “Đẽo cày giữa đường” kể về 1 anh nông dân, vì thiếu kiên quyết, không tự tin trước bản thân, nghe theo lời của nhiều người qua đường mà đẽo chiếc cày dở dở ương ương cũng là một bài học bổ ích về lòng kiên định.
Tục ngữ có câu: “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” là nói lên tinh thần kiên định lập trường trước mọi khó khăn nghịch cảnh.
Trong kinh “Vô Thừa Chơn Giáo”, Ơn Trên cũng có dạy về lòng kiên định như sau:
Thầy giảng tiếp sâu vào chữ Nhẫn,
Hạnh người tu phải nắm vững lòng;
Nhẫn đi nguồn đạo sạch trong,
Nhẫn kiên chịu đựng thông đồng tiên thiên.”
 

2.    Rèn luyện tính kiên trì, bền bỉ:
Tục ngữ có câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim” hoặc “Nước chảy đá mòn”. Cả hai câu tục ngữ này đều cho chúng ta thấy được một tính kiên trì rất phi thường, bởi vì một thanh sắt muốn trở thành một cây kim thì đòi hỏi người mài sắt phải hết sức kiên trì mới hoàn thành công cuộc to lớn đó được; Tuy nước mềm nhưng nước cứ chảy hoài trên bề mặt cứng cáp của tảng đá lớn thì lâu ngày đá cũng phải bị bào mòn theo năm tháng.

        

Dân gian thường nói: Lấy lửa thử vàng. Trong cuộc sống cũng vậy, bất kỳ một thành công nào cũng phải có sự kiên trì bền bỉ và phải chịu sự nhồi luyện thử thách để cho thật sự xứng đáng là vàng mười thử lửa.
Đức Chí Tôn cũng đã tiên tri cho biết rằng sứ mạng của đoàn Tứ Linh Đồng Tử truyền đạo ra Trung sẽ gặp rất nhiều thử thách chông gai nên Thầy đã ân cần căn dặn Ngài Bảo Pháp Thanh Long như sau:
“Thanh Long con đường trường giục ngựa,
Mảnh thân sinh đứng giữa trần gian;
Vui chi cười, buồn chi than,
Hễ càng cay đắng, con càng nên con.”
(Trích Hồi Ký Thanh Long Lương Vĩnh Thuật)

Trong Đại Thừa Chơn Giáo Thầy cũng có dạy:
“Biết Ðạo Đức chịu lỳ với Ðạo,
Ðể quỉ ma nó khảo mới cao;
Phơi gan trải mật anh hào,
Ðại hùng, đại lực mới vào cảnh Tiên.”

3.    Phải Nhứt Tâm và Minh Thệ:
Khi có minh thệ chúng ta mới không thối chuyển, có nhứt tâm vững đức tin nơi Đấng Chí Tôn chúng ta mới có thể đi trọn con đường tu thân hành đạo của mình. Chính vì điều này mà Thầy cũng đã có lần nhắc nhở Ngài Bảo Pháp Thanh Long phải luôn ghi nhớ lời thề trước lúc thọ nhận trọng trách truyền giáo ra Trung để giúp Ngài nhứt tâm đặt trọn lòng tin nơi Đức Chí Tôn mới có thể hoàn thành sứ mạng mà không thối chuyển:
“Long con hãy nặng phần trách nhiệm,
Bảng Quy, Lân, Phụng nhắm rừng non;
Lời thề gắng nhớ nghe con,
Dầu chi chi nữa cũng còn Thầy đây”.
(Trích Hồi Ký Thanh Long Lương Vĩnh Thuật)

4.    Phải có sự quyết tâm:
Đã có dự tính làm gì thì chưa đủ, chúng ta cần phải quyết tâm cố gắng hết sức để theo đuổi việc ấy đến cùng. Khi thất bại chúng ta phải biết tự đứng dậy và tiếp tục theo đuổi mục đích chứ không được để giữa đường gãy gánh, đó mới là con người có quyết tâm.
Trong Thánh Truyền Trung Hưng, Đức Quan Thánh Đế Quân có dạy:
“Phải giác ngộ thiết tha tu học!
Phải quyết tâm khó nhọc đừng lui;
Nếm cho thấu vị  biết mùi,
Thì lòng mới khỏi ngược xuôi đoạn đời.”
(Trích Thánh Truyền Trung Hưng, quyển 4)

5.    Phải thường xuyên cầu nguyện:
Chúng ta biết rằng trong cuộc đời tu học hành đạo của mỗi người sẽ gặp không biết bao nhiêu là thử thách chông gai. Tùy nghiệp duyên của mỗi người mà phải đón nhận những khảo thí khác nhau: hoặc thuận khảo hoặc nghịch khảo. Do vậy chúng ta không nên quá chủ quan tin tưởng rằng mình sẽ có đủ nghị lực can trường vượt qua tất cả những khảo thí đó, mà, trong tâm phải luôn cầu nguyện Ơn Trên hộ trì soi dẫn cho chúng ta luôn vững đức tin để đi trọn vẹn con đường mình đã chọn.
Cầu nguyện là một bí pháp nhiệm mầu, nếu chúng ta đặt hết lòng thành tín vào đó. Nên khi thuyết giảng về quyền năng Phật Mẫu, Đức Hộ Pháp đã nói về kết quả của sự cầu nguyện, theo kinh nghiệm tâm linh của Ngài như sau:
“Qua chỉ cho mấy em một bí pháp là khi nào mấy em quá thống khổ, quá đau đớn tâm hồn, mấy em đừng vội sầu thảm, các em quỳ xuống giữa không trung, các em nguyện với Bà Mẹ Thiêng liêng ấy một lời cầu nguyện, Bần Đạo quả quyết rằng Bà chẳng khi nào từ chối cùng mấy em, Qua thử nghiệm rồi … ”. (Trích lời thuyết đạo của Đức Hộ Pháp ngày rằm tháng tám Nhâm Thìn / 1952 tại Cửu Long Đài).
Đức Chí Tôn là Đấng Cha Lành luôn luôn cứu vớt chúng ta, sự cứu vớt nầy đôi khi không cần qua trung gian của bất cứ một quyền lực nào, hay hình thức nào, mà chỉ cần một “đức tin” vững chắc của chính mình đặt để nơi Đức Chí Tôn. Nên khi thuyết giảng về sự cứu rỗi, Đức Hộ-Pháp đã dạy rằng:
“Đức Chí Tôn đã để trong phương pháp cứu rỗi của Ngài đã nói rằng: Tội tình các con dù đầy dẫy nơi mặt địa cầu nầy, mà đến giờ chót các con biết kêu danh Thầy thì Thầy đến cứu. Thầy đem bí pháp giải thoát để trong tay các con, đặng cho các con đạt chơn pháp mà giải thoát đó vậy. Kêu danh Thầy là niệm Nam-mô Cao-Đài Tiên Ông Đại Bồ-Tát Ma-ha-Tát” (Trích lời thuyết đạo của Đức Hộ Pháp về Con đường Thiêng Liêng hằng sống tại Đền Thánh đêm 12-02 Kỷ Sửu / 11-03-1949).

6.    Phải học hạnh Nhẫn Nhục và đức tính Khiêm Tốn:
          Để thực hiện được đức tính kiên nhẫn thì đòi hỏi ở chúng ta phải thực hiện được hạnh Nhẫn Nhục và đức tính Khiêm Tốn.
          Gương Việt Vương Câu Tiễn ngày xưa muốn báo thù phải chịu nhục, đêm nằm gai, ngày nếm mật để kiên định ý chí, chịu nhục nếm phân của vua Ngô Phù Sai để được tha mà trở về phục hận.
          Hạnh nhẫn nhục ngoài việc chịu nhục như cách làm của Việt Vương Câu Tiễn thì nhẫn nhục ở đây còn mang một ý nghĩa là vui vẻ đón nhận mọi điều lụy phiền gây ra cho mình mà không oán hờn tủi nhục, miễn sao đạt được mục đích cao thượng là mang đến nguồn hạnh phúc an lạc cho mọi người.
          Trong Kinh “Vô Thừa Chơn Giáo”, Thầy có dạy:
“Nhẫn sự việc cho xong tất cả,
Nhẫn hạ mình giải họa thế gian;
Nhẫn kiên xóa bỏ thảm nàn,
Nhẫn là hạnh nguyện Kim cang hành trì.
Nhẫn mới thấy kỳ thi phút chót,
Nhẫn hạ mình đẽo gọt thân tâm;
Nhẫn đi con thấy diệu thâm,
Nhẫn bình hòa ái xoay mầm Như Lai.
Nhẫn mà chịu dạn dày đau khổ!
Nhẫn rèn mình đến chỗ “Không không”;
Nhẫn tu mới thấy rõ lòng,
Nhẫn đi con sẽ thông đồng Vô Vi.”
                                                  
          Một đức tính không thể thiếu để thực hiện trọn vẹn đức tính kiên nhẫn, đó là Khiêm Tốn. Khiêm tốn là tính nhã nhặn, biết sống một cách nhún nhường, luôn luôn hướng thượng, tự khép mình vào những khuôn thước giới luật, bao giờ cũng nêu cao tinh thần học hỏi. Hoài bão trọng đại của cá nhân là tiến mãi không ngừng, chủ đích là không khoe khoang, không tự đề cao cá nhân mình với người khác.
Trong “Đại Thừa Chơn Giáo”, Thầy có dạy:
“Nên hạ mình chìu lòn chúng bạn,
Ðức hạnh tròn chói sáng mọi nơi;
Khuyên con con biết nghe lời,
Dạy con con biết tùy thời chấp trung.
............................................................
Người hiền để người ta biết đó,
Thì cũng chưa thiệt rõ người hiền;
Người hiền an tịnh nhẫn kiên,
Lo làm âm đức mới thiền tâm linh.
Còn nhớ đến rằng mình hay giỏi,
Thì ai đâu còn gọi người hiền!
Người hiền trầm tỉnh ổn yên,
Thủy triều vận tải căn nguyên đức tài.
Người hiền chẳng khoe khoang tự đắc,
Lo cho người tai mắt ích chung;
Gìn tâm chẳng để buông lung,
Cúi lòn nhẫn nhịn, dây dùn dứt coi!”

7.    Phải rèn luyện thân thể để có đủ sức khỏe:
          Có đủ sức khỏe thì chúng ta mới có sức mạnh tinh thần để hoàn thành các mục tiêu mà mình đã vạch ra, bằng không sẽ bị lực bất tòng tâm.
          Đức An Hòa Thánh Nữ có dạy: “Vì không còn nhục thể nên thiếu phương tiện rất lớn, chư liệt vị còn sanh trưởng tại thế gian đủ điều kiện để bồi công lập đức, chỉ có một điều hơi trở ngại đó là tự mình nuông chiều tánh lười biếng để dễ thối chí ngã lòng trước những việc hơi khó khăn. Nếu mỗi người khắc kỷ, khép mình giữ tánh nết để đủ kiên nhẫn trước mọi trở ngại hầu tiến thẳng trên đường tu học thì sự thành đạo rất dễ dàng.” 

C.   KẾT LUẬN:
Nói tóm lại, đức tính kiên nhẫn là một trong những đức tính hết sức quan trọng và cần thiết đối với mỗi chúng ta. Có kiên nhẫn, chúng ta mới có đủ can trường và nghị lực để vượt qua mọi thử thách chông gai trên bước đường tu thân hành đạo của mình. Có kiên nhẫn, chúng ta mới hoàn thành được các mục tiêu do mình đã vạch ra mà không phải chịu giữa đường gãy gánh.
Do vậy, mỗi chúng ta hãy luôn cố gắng hết sức học tập và rèn luyện hằng ngày để đức tính kiên nhẫn trong bản thân mỗi người ngày một tăng trưởng.

Thứ Tư, 6 tháng 10, 2010

Thế gian là cõi tạm, sớm biết lo tu để giải thoát


Mãi lẩn quẩn trong vòng lẩn quẩn,
 Mặc, uống, ăn, vui, giận, ghét, thương;
Rồi đây mái tóc pha sương,
Rồi đây nắm đất vùi chôn cuộc đời.
Trích Thánh Giáo Sưu Tập


THẾ GIAN LÀ CÕI TẠM,
SỚM BIẾT LO TU ĐỂ GIẢI THOÁT
(Ngân Hoa Đàn, Tý thời 16 tháng 01 năm Đạo 33 Mậu Tuất)


THI
LÊ SƠN mừng cả các con thơ,
THÁNH MẪU ban ân trước Điện thờ;
NGỰ BÚT đề thơ kỳ Thượng Hội,
CHỨNG MINH lễ hiến Đạo tâm thơ.

THI
Thăm thẳm non cao ứa lụy tròng,
Nhìn đời xem trẻ luống đau lòng;
Con ôi! Sớm bước qua bờ giác,
Chứng quả lập công  đến cảnh không.

HỰU
Cảnh không thong thả sớm chiều trưa,
Vui thú cờ tiên ấy lẽ thừa;
Vật chất giả trò con sớm lánh,
Nó làm hại trẻ ráng tương dưa.

Nầy các đồ đệ mỗi con! Trong thế kỷ mạt đời, nhơn vật phải chịu dưới luật Tuần Huờn chuyển vận. Để sàn sảy đem lại bao nhiêu chơn linh phục vị. Thế thì các đồ đệ mỗi con gát bỏ lại mùi vật chất, để tìm lý thú thanh nhàn dưỡng tánh, tồn tâm mà tìm con đường cực lạc là nơi cảnh tiên xưa vị cũ.
Các đồ đệ con rất hữu hạnh, mà ngộ kỳ truyền Tam Kỳ Đại Đạo, cần nên phấn chí để lượm lặt âm chất quả công, rồi đây Tôn Sư sẽ chiếu điển lần lượt điểm truyền mỗi đồ đệ con, tùy  theo sự thích ứng để bảo tồn sanh mạng của mỗi đồ đệ con.
Các con đã là người, đã lỡ sanh trên trường mạng bạc của thế hệ, phải chịu dưới sự nô đùa của những khách trần gian tiếng tặng.
Bởi chỗ sự thiếu đức kém tài, nên có nhiều môn đồ con phải sa vào vòng trụy lạc.
Giờ đây Tôn Sư đã lãnh truyền mẫu mạng nơi cảnh Diêu Cung để hạ trần xoè tay nâng đỡ bằng sự truyền lời, hoặc sự cứu vãn phần hồn khi ly trần chứng vị. còn phần xác đồ đệ mỗi con cần nên trau sửa nó, hễ có nó các con mới trả đặng nghiệp quả xưa mà huờn nguyên mạng thể.
Vậy các con từ đây lấy sự tương thân hòa ái để nâng đỡ chị trước em sau, mà đi đến con đường đạo đức chung mạt nên nhớ.

BÀI
Đêm Thượng Nguơn trăng tròn vừa khuyết,
Ban ân lành thời tiết gội nhuần;
Cho con đồ đệ hồi xuân,
Đặng tầm chơn Đạo thục thuần học thêm.
Đời cùng cuối đắm chìm bể khổ,
Thế điêu nguy nhiều chỗ tai nàn;
Nhìn đời lắm cảnh gian nan,
Màn the vân cẩu lỡ làng đời tu.
Tu con phải lọng dù xa lánh,
Lánh phồn ba tìm cảnh thanh nhàn;
Nhìn đời lắm cảnh gian nan,
Luyện hồn chế phách hào quang thượng đằng.
Con đã là trong hàng Phật tử,
Lẽ nào con chẳng giữ tánh xưa;
Bỏ đi lần bước thượng thừa,
Chơn truyền học tập sớm trưa đặng rành.
Thất ức niên nhơn sanh gặp Đạo,
Dễ gì con đặng tạo linh hồn;
Còn Trời còn Mẹ bảo tồn,
Con tua cố gắng sớm hôm tu trì.
Tu thì phải quy y cho đúng,
Hạnh hoàn toàn đồ trúng Thiên thơ;
Đừng như giữa bến bên bờ,
Đạo đời chẳng vẹn u ơ dã tràng.
Nay Thượng Nguơn Thiên ân Địa kiệt,
Ban phước lành thời tiết vui tươi;
Thì con chớ có biến lười,
Học hành siêng sắn như người hy sinh.
Đem vóc ngọc chôn mình đáy bể,
Có chi mà lưu thế truyền đời;
Sang giàu như thể sương mơi,
Như dòng nước cuốn tả tơi bèo tàn.
Con đã chán trần gian giả tạm,
Vào Đạo thì khử ám hồi minh;
Kính tin công quả, công trình,
Học hành cho vẹn sử kinh giồi mài.
Con nhìn kỹ lá lay phận bạc,
Kìa màu hoa nhan nhác dẫy đầy;
Trắng, xanh, vàng, đỏ hây hây,
Hoa tàn úa nhụy rụng đầy cội cây.
Nên sớm tỉnh theo Thầy nương bạn,
Mà ẩn thân dày dạn qua ngày;
Tu thì chịu khổ trường chay,
Thượng thừa đăng bảng sau ngày đăng Tiên.
Bực hạ thừa trần duyên đời Đạo,
Thì lập công bổ báo ơn dày;
Giúp đời lo Đạo cả hai,
Đó là hướng thiện đầu bài sử kinh.
Thăng.

Thứ Ba, 5 tháng 10, 2010

Đôi tai của tâm hồn


Đôi tai của tâm hồn

Một cô bé vừa gầy vừa thấp bị thầy giáo loại ra khỏi dàn đồng ca. Cũng chỉ tại cô bé ấy lúc nào cũng chỉ mặc mỗi một bộ quần áo vừa bẩn, vừa cũ lại vừa rộng nữa. 


Cô bé buồn tủi ngồi khóc một mình trong công viên. Cô bé nghĩ: Tại sao mình lại không được hát? Chẳng lẽ mình hát tồi đến thế sao? Cô bé nghĩ mãi rồi cô cất giọng hát khe khẽ. Cô bé cứ hát hết bài này đến bài khác cho đến khi mệt lả mới thôi. 

"Cháu hát hay quá!". Một giọng nói vang lên: "Cảm ơn cháu, cháu gái bé nhỏ, cháu đã cho ta cả một buổi chiều thật vui vẻ". Cô bé ngẩn người. Người vừa khen cô bé là một ông cụ tóc bạc trắng. Ông cụ nói xong liền đứng dậy và chậm rãi bước đi. 

Hôm sau, khi cô bé tới công viên đã thấy ông già ngồi ở chiếc ghế đá hôm trước, khuôn mặt hiền từ mỉm cười chào cô bé. Cô bé lại hát, cụ già vẫn chăm chú lắng nghe. Ông vỗ tay nói lớn: "Cảm ơn cháu, cháu gái bé nhỏ của ta, cháu hát hay quá!" Nói xong cụ già lại chậm rãi một mình bước đi. 

Cứ như vậy nhiều năm trôi qua, cô bé giờ đây đã trở thành một ca sĩ nổi tiếng. Cô gái vẫn không quên cụ già ngồi tựa lưng vào thành ghế đá trong công viên nghe cô hát. Một buổi chiều mùa đông, cô đến công viên tìm cụ nhưng ở đó chỉ còn lại chiếc ghế đá trống không. 

"Cụ già ấy đã qua đời rồi. Cụ ấy điếc đã hơn 20 năm nay" - một người trong công viên nói với cô. Cô gái sững người. Một cụ già ngày ngày vẫn chăm chú lắng nghe và khen cô hát lại là một người không có khả năng nghe?
Sưu tầm

Thứ Hai, 4 tháng 10, 2010

Cái giá của sự trung thực



Cái giá của sự trung thực

Vào một buổi chiều thứ bảy đầy nắng ở thành phố Oklahoma , tôi cùng một người bạn và hai đứa con của anh đến một câu lạc bộ giải trí. Bạn tôi tiến đến quầy vé và hỏi: "Vé vào cửa là bao nhiêu? Bán cho tôi bốn vé."
Người bán vé trả lời: "3 đô la một vé cho người lớn và trẻ em trên sáu tuổi. Trẻ em từ sáu tuổi trở xuống được vào cửa miễn phí. Các cậu bé này bao nhiêu tuổi?”
“Đứa lớn bảy tuổi và đứa nhỏ lên bốn,” bạn tôi trả lời, “như vậy tôi phải trả cho ông 9 đô la tất cả.”
Người đàn ông ngạc nhiên nhìn bạn tôi và nói:
“Lẽ ra ông đã tiết kiệm cho mình được 3 đô la. Ông có thể nói rằng đứa lớn chỉ mới sáu tuổi, tôi làm sao mà biết được sự khác biệt đó chứ!”
Bạn tôi từ tốn đáp lại:
“Dĩ nhiên, tôi có thể nói như vậy và ông cũng sẽ không thể biết được. Nhưng bọn trẻ thì biết đấy. Tôi không muốn bán đi sự kính trọng của những đứa con và lòng trung thực của mình chỉ với 3 đô la.”
 Patricia Fripp



Lòng trung thực là chương đầu tiên của cuốn sách trí tuệ.
Thomas Jefferson


Không có di sản nào quý giá bằng lòng trung thực.
William Shakespeare

Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2010

Hãy cùng suy ngẫm


Hãy cùng suy ngẫm

Năm 1889, Rudyard Kipling - nhà văn được giải Nobel Văn học năm 1907, đã từng nhận một lá thư từ chối của hội đồng chấm thi San Francisco : "Tôi rất lấy làm tiếc, thưa ông Kipling, nhưng quả thực ông không biết cách sử dụng tiếng Anh."

Winston Churchill từng thi rớt kỳ thi vào lớp sáu. Ông trở thành Thủ tướng của nước Anh khi đã 62 tuổi, sau cả một đời chỉ toàn gặp thất bại. Sự đóng góp lớn nhất của ông là khi ông đã về hưu.

Albert Einstein đến năm lên 4 tuổi mới biết nói, và phải đến năm 7 tuổi mới biết đọc. Thầy giáo đã từng nhận xét về ông như sau: "Chậm phát triển, khó gần, luôn có những ước mơ ngớ ngẩn." Ông từng bị đuổi học và bị từ chối nhận vào trường Bách khoa Zurich .

Louis Pasteur chỉ là một sinh viên bình thường trong số những sinh viên chưa tốt nghiệp, từng xếp thứ hạng 15/22 ở môn Hóa.

Tướng Douglas MacArthur đã từng bị từ chối gia nhập West Point không chỉ một mà đến hai lần. Đến lần thứ ba, ông mới được chấp nhận và đã lập nhiều chiến công ghi vào sử sách.

Năm 1944, Emmeline Snively, giám đốc của hãng đào tạo  người mẫu Blue Book từng nói với cô người mẫu triển vọng Norma Jean Baker (Marilyn Monroe) rằng: "Cô nên học làm thư ký hay lấy chồng đi thì hơn."

Khi từ chối ban nhạc rock The Beatles của Anh, người quản lý của hãng thu âm Decca đã nói rằng: "Chúng tôi không thích thứ âm nhạc của họ. Mấy nhóm guitar như thế đã lỗi thời rồi!"

Năm 1954, Jimmy Denny, giám đốc của hãng Grand Ole Opry, đã sa thải Elvis Presley chỉ sau một buổi biểu diễn. Ông nói với Presley rằng: "Anh chẳng thể đi đến đâu được. Anh nên quay về lái xe tải đi thì hơn."

Khi Alexander Graham Bell phát minh ra chiếc điện thoại đầu tiên vào năm 1876, nó đã không nhận được sự ủng hộ của mọi người. Tổng thống Rutherford Hayes nói: "Đây quả thực là một phát minh gây ngạc nhiên, nhưng liệu có ai muốn sử dụng nó không?"

Trước khi phát minh ra bóng đèn tròn, Thomas Edison đã tiến hành hơn 2.000 cuộc thử nghiệm. Một phóng viên trẻ hỏi về cảm giác của ông sau khi thất bại quá nhiều lần như vậy. Ông nói: "Tôi chưa bao giờ thấy mình thất bại, dù chỉ một lần. Tôi phát minh ra bóng đèn tròn. Quá trình phát minh này có đến 2.000 bước".

Sau nhiều năm thính lực bị giảm, đến năm 46 tuổi, nhà soạn nhạc người Đức Ludwig van Beethoven hoàn toàn không thể nghe được. Bất chấp điều đó, ông vẫn viết được những tuyệt phẩm âm nhạc - gồm năm bản nhạc giao hưởng - vào những năm cuối đời của mình.
 Jack Canfield và Mark Victor Hansen

 

Thất bại chính là cơ hội để bạn khởi đầu lần nữa một cách hoàn hảo hơn.
Henry Forda

Tiễn đưa

 

TIỄN ĐƯA

Canh Dần đang giữa tiết thu,
Anh đi phủi lớp bụi mù nhân gian.
Năm chín tuổi bước sang trang,
Trước cơ ly biệt đôi hàng lệ rơi.
May duyên gặp được Đạo Trời,
Tụng kinh Tận Độ thay lời tiễn anh.
Nguyện cầu thấu đến Cao Xanh,
Cho hồn anh được vãng sanh Thiên Đường.
Linh sàn ngút tỏa khói hương.
Em xin đề khúc đoạn trường tâm giao.

Em Trần Thanh Triều, con Trần Chánh Tuân xin cúi đầu tiễn biệt người anh, người cha là Trần Thanh Nhàn đã về chầu Thầy Mẹ vào lúc 02 giờ ngày 18.08. Canh Dần (25.09.2010).

Bạn có biết cách cho và nhận




Bạn có biết cách cho và nhận?


Tôi học được ở người Nhật - trong hai tháng thực tập ngắn ngủi tại cố đô Kyoto, Nhật Bản - văn hóa cho và nhận.
Người Nhật không nợ của ai bất cứ điều gì. Khi nhận từ ai một điều gì đó, ngay lập tức họ đáp lại bằng cách này hay cách khác.

1. Tôi nhớ một chi tiết rất đắt trong truyện Cú điện thoại.
Ngày lễ Thanksgiving... Gần 9 giờ tối, chuông điện thoại lại đổ. Nam nhìn số và nhận ra số điện thoại của Aika. Tim anh nặng trĩu. Anh lưỡng lự rồi quyết định kệ cho chuông điện thoại đổ dài. Không thấy Aika để tin nhắn... Mười một giờ đêm, Nam nằm trên giường đọc sách. Chuông điện thoại lại đổ, xâm chiếm cả căn phòng. Anh nhìn số. Tim anh đập thình thịch. Vẫn là Aika.
Sau đó khi căn phòng đã trở lại im ắng, Nam bấm nút vặn nhỏ chuông để nếu có ai đó gọi lại thì anh sẽ không nghe thấy. Sáng hôm sau khi Nam tỉnh dậy, trên màn hình điện thoại không báo cuộc gọi nhỡ nào.
Mọi chuyện tưởng chừng đã chấm dứt... Nửa năm trôi qua... Nam gặp Toko trên đường về nhà.
- Cách đây lâu rồi Aika có gọi điện cho tôi. Không biết cô ấy dạo này ra sao. Đã tốt nghiệp và về Kyoto chưa nhỉ?
Toko đang đi tháo găng tay, ngừng hẳn lại nhìn Nam :
-  Aika ở bên DePaul à? Anh không biết gì sao?
- Biết gì?
- Cô ấy chết được nửa năm rồi. Cô ấy tự tử vào đúng đêm Thanksgiving năm ngoái. Cô ấy chích dao vào bụng rồi cứ để máu chảy ra đến chết. Theo kiểu samurai ngày xưa. Thế mà nửa năm rồi...
(Trích Phù phiếm truyện, Phan Việt)

Một sự vô tâm, một chút ích kỷ đã giết chết một sinh mạng (dù Nam không trực tiếp gây nên cái chết của Aika).
Khi bạn nhận được một tín hiệu cầu cứu, có thể là một cú điện thoại gọi lúc nửa đêm chẳng hạn, hãy đáp lại. Nếu không, có thể bạn đang quay lưng với sự tuyệt vọng của một con người!

2. Lên đại học, tôi có dịp tiếp cận một loại hình học mới: seminar.
Theo đó, từng nhóm SV sẽ nhận một đề tài nào đấy theo định hướng của giảng viên, sau đó họ sẽ tìm hiểu đề tài ấy và trình bày trước lớp cho toàn thể SV cùng thảo luận. Không phải nhóm nào cũng có khả năng trình bày tốt, dù ai cũng chuẩn bị rất chu đáo. Tôi còn nhớ có những nhóm sau khi say sưa trình bày xong, quay xuống đau đáu chờ các bạn đặt câu hỏi. Một sự im lặng khó chịu bao trùm toàn giảng đường. Các bạn đã hiểu hết những gì người thuyết trình nói hay không hiểu gì cả? Hay...?
Tôi không bàn đến nội dung bài seminar ấy hay hoặc dở. Nhưng khi có ai đó trình bày một chuyên đề nào đấy cho bạn nghe, nghĩa là họ đang cho đi những hiểu biết của họ sau một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu; nghĩa là bạn đang nhận từ họ những kiến thức đã được chắt lọc trong biển trời thông tin trên Internet, sách vở, tạp chí. Bạn đang nợ họ một lời đáp.
Khi bạn lắng nghe một bài giảng của thầy cô hay một bài thuyết trình của bất kỳ diễn giả nào, dù hiểu hay không hiểu hãy cho họ biết điều đó!

3. Tôi đang tham gia ban điều hành một CLB sách với gần 80 thành viên, mỗi tháng chỉ gặp nhau hai lần, toàn bộ thông tin hoạt động chủ yếu trao đổi qua email. Mỗi ngày tôi dành một khoảng thời gian kha khá để soạn và gửi email, những email dài và chứa khá nhiều thông tin. Trong list mail hơn 80 cái tên tôi gửi đi, chỉ dăm ba người gửi trả lời cho tôi. Phần lớn trong số còn lại tôi không biết email có đến được không, chủ nhân email có đọc được thông tin tôi cung cấp trong email hay không...
Khi nhận một email (ngoại trừ spam), nghĩa là bạn đang nhận một thông điệp (dù nội dung email đó có cần thiết cho bạn hay không), hãy trả lời ngay khi đọc xong email lần đầu tiên, đừng để nó trôi qua và bạn lại nợ người gửi một lời đáp!

4. Trong buổi sinh hoạt chuyên đề CLB sách của chúng tôi vào chủ nhật vừa qua, tinh thần cho và nhận đã được thể hiện qua những hành động rất đẹp, rất nhân văn. Minh Quân và Đỗ Linh (giáo viên ĐH Hoa Sen) cùng được bình chọn là hai nhân vật có những chia sẻ về người bố ấn tượng nhất trong chủ đề Chân dung của bố hôm đó: 21-6-2009. Chỉ có một phần quà là một quyển sách quý cho hai bạn mà ai cũng xứng đáng được nhận, làm sao đây?
Cuối cùng Minh Quân tặng lại quyển sách ấy cho Đỗ Linh, “Sách thì quý, nhưng có một người bạn càng quý hơn”. Đỗ Linh nhận quyển sách từ Minh Quân và tặng lại cho Book & Friend Club. Quân và Linh, ai sống đẹp hơn?
Tôi xin kết bài viết này bằng một câu nói quen thuộc của ai đó mà tôi không nhớ tên:
“Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.
Hạnh phúc là khi cho đi, nghĩa là bạn đang nhận lại rất nhiều.


NGUYỄN LÊ MINH

Khuyên con nhìn Chơn Lý Đạo





KHUYÊN CON NHÌN CHƠN LÝ ĐẠO  
THÁNH THẤT BÌNH HÒA (Gia Định)
Ngọ thời Rằm tháng 8 Đinh Mùi (18-9-1967)



THỂ LIÊN TIÊN NỮ chào chư Thiên sắc, Chị mừng các em nam nữ. Chị vâng lịnh báo đàn, có VÔ CỰC TỪ TÔN DIÊU TRÌ KIM MẪU giáng cơ. Vậy các em nghiêm chỉnh đàn tràng, thành tâm tiếp giá. Chị chào các em, Chị xuất ngoại ứng hầu, thăng.
           

Tiếp điển:
DIÊU TRÌ KIM MẪU VÔ CỰC TỪ TÔN Mẹ linh hồn các con nam nữ.
Mẹ mừng các con toàn thể lớn nhỏ trong ngoài.

THI:
vi mà có mới là ngoan,
 CỰC Lạc lòng đây Mẹ ước rằng: 
TỪ thiện mỗi con đà sẵn có, 
TÔN vinh hành Đạo cứu đời an.
            Mùa Thu này, Mẹ đến trần gian để chứng lòng thành kỉnh của các con hiến lễ cho Mẹ. Mẹ cũng vui mà nhìn thấy các con cũng như những đóa hoa sen đang vượt lên trong cảnh bùn đen nước đục, và những khóm trúc cội tòng đang vươn mình trước gió Thu thổi loạn lá vàng rơi.
            Mẹ sẽ chan rưới ân hồng cho những đóa hoa sen được gội nhuần sắc hương ngào ngạt và tòng trúc được hùng vĩ xinh tươi.

THI:
Trải mấy mươi Thu dụng lý huyền,
Đạo mầu rộng mở cõi Nam Thiên;
Phá mê khi trẻ đang mơ mộng,
Đánh thức người đời lúc đảo điên.
Vượng khí thái hòa yên sóng gió,
Ban tình Vô Cực đoạn trần duyên;
Thu Đông rồi cũng sang Xuân Hạ,
Thoát kiếp phàm phu lại cảnh Tiên.
            Các con đã chung tâm hiệp sức, kẻ có của, người có công, đã xây cất nên hình thể trụ tướng, để tượng trưng lòng kỉnh thành ngưỡng mộ đối với Mẹ. Đó là về mặt tinh thần của các con. Còn về phần công quả hành đạo đối với ngôi Diêu Trì Bửu Điện cần phải có một tác dụng gì đáng kể để cứu thế độ dân. Nếu không phải nhằm vào tác dụng ấy thì không thể hiện đúng lòng đại từ đại bi của Đức Mẹ Diêu Trì nơi Cung Vô Cực.            
Các con thử nghĩ lại: Một bà mẹ phàm trần nhục thể có khi nào bằng lòng nhìn thấy sự hy sinh đói rét dốt nát tội lỗi để tạo phần vật chất xây dựng lầu đài cho mình an hưởng đâu con? Có ý thức được như vậy rồi các con mới hiểu được lời Mẹ dạy kế tiếp theo đây. Mẹ miễn lễ,các con đồng an tọa.
            Hỡi các con!
Thiên Địa tuần hườn, châu nhi phục thỉ. Trước mọi sự vật biến chuyển như ngày nay đều nằm trong luật ấy. Hễ vận hành giáp mối rồi cũng trở lại chỗ khởi thỉ. Các con hãy bình tâm tiếp nhận mọi sự biến chuyển hiện tại và tương lai.
           
Do luật đó cho nên Đức Chí Tôn đã sắc chiếu ân phê cho các Đấng Thiêng Liêng dụng huyền linh điển ban ra Thánh Ngôn Thánh Giáo để dạy dỗ các con nhìn rõ chơn lý Đại Đạo, đâu là chánh? đâu là tà? đâu là vàng thau chì thiếc? để các con khỏi ngộ nhận giữa lý trí và chơn tâm. Các con ôi! mọi sự ở thế gian phát khởi đều do nhân dục. Hễ có nhân dục lại đồng chung với bản ngã. Hễ có bản ngã thì ắt có tư tâm, ích kỷ, tự ái, tự tôn, làm cho lý trí phải bị mờ lu, không phân biệt được cái nào là chơn, là giả. Đời nay, nhân loại thường bị lý trí chế ngự lương tri, nên mới nảy sanh bao nhiêu thảm cảnh mà các con đang chứng kiến và ảnh hưởng đến mọi sự hành thiện.
           
lý trí chế ngự lương tri nên rất đổi Đạo Trời là lối giải thoát cho nhân loại, mà vì lý trí chế ngự mọi phương cách hành sự cùng lãnh đạo, nên mới nảy sanh ra cảnh loạn ly tang tóc, từ ngoài đến trong tôn giáo. Tự nơi đó mà các nhà lãnh giáo không còn giữ đúng tâm niệm lương tri và sứ mạng cao cả của mình. Đáng lý tôn giáo là nguồn an ủi tâm hồn của người đau khổ, đem yên tĩnh chế ngự loạn động, đem tình thương bác ái chế ngự sự thù oán vô lương, đem sự sinh tồn chế ngự điều giết chóc. Nhưng trái lại, tôn giáo kỳ thị tôn giáo, gây bao sự thù hiềm giết chóc, đau khổ, tang tóc cho sanh linh. Bởi đó các con chưa được hưởng sự bảo tồn che chở và tình thương của đạo lý và tôn giáo.
            Các con ôi! Chân lý là gì? Nghĩa nhân là gì? Đạo là đâu? Mà đời là đâu?

THI:
Đời là thể xác, Đạo linh hồn,
Thể xác tượng hình bậc Thế Tôn;
Đạo ấy là hồn linh bất diệt,
Đạo đời xa cách khó sinh tồn.
            Các con! Cuộc tuần huờn không ngừng lại để cố định một thời gian, mà nguơn phản cổ không phải là nguơn tận diệt. Những thảm trạng ngày nay là luật nhân quả của sự vay trả của mỗi cá nhân đã thành cọng nghiệp khi tái tạo dinh hoàn.
THI BÀI:
            Mẹ nhìn chiếc lá Thu rơi,
Xót thương con trẻ trong thời Hạ Nguơn.
           
Sống cuộc đời bao cơn thống khổ,
            Khổ của đời đến độ gian nguy;
            Động lòng Kim Mẫu Diêu Trì,
Lâm trần giữa lúc Thu về với con;
            
Còn Xuân Hạ thì còn Thu tới,
            Tới hồng trần để gởi niềm riêng;
            Hồng trần đang lúc đảo điên,
Tang thương cảnh vật, ngửa nghiêng đạo Trời.
             

Mưa Thu rưới cho vơi lửa Hạ,
            Trăng Thu soi mát cả lòng người;
            Hương Thu nhụy thắm hoa tươi,
Lòng Thu Thu vẫn vì đời thiết tha.
          

  Đời là chỗ phù ba vật chất,
            Con vào đời đắc thất dinh hư;
            Kim thân nung giữa lò cừ,
Vàng mười giữ vẹn chơn như mới còn.
           
Con hiểu Đạo là con giải thoát,           
Hiểu Đạo rồi con đoạt thiên nhiên;
            Dầu con sanh cõi hậu thiên,
Tánh hằng Thượng Đế ban riêng mỗi người,
             
Cơ Tạo Hóa thuận thời sanh hóa,
            Lý vô vi nghịch giả vô sanh;
            Cũng trong cái Đạo lập thành,

             Pháp luân thường chuyển vận hành càn khôn.           
Nào những bực Thế Tôn vô thượng,
            Nào những hàng danh tướng vĩ nhân;
            Cũng đều sanh ở trong trần,
 

Song tu tánh mạng giữ phần chấp trung.
            Mùa Thu đến với các con để điều hòa vạn vật. Các con hãy vui lên, nhận lãnh lời Mẹ dạy để làm phương châm trên quãng đường đi đến cuối Đông.            
           Các con ôi! đời không có loạn ly con không mơ ước hòa bình, nếu không có đau khổ thì người không khát vọng điều an lạc. Nếu các con muốn được hòa bình an lạc, thì con hãy nhìn nhận chơn lý, hãy tạo lại lòng nhân để làm phương châm cải thiện cho cá nhân mình. Các con ôi! Chơn lý là đâu? Lòng nhân là gì? Mỗi đứa đều có hết cả.
THI:
Lý là lý tánh của Trời ban,
Cho trẻ làm người ở thế gian;
 

Tánh chẳng lập qui, tâm chẳng thiện,
Người không nhân nghĩa, thế không an.
 

Lòng nhân bền bỉ như dòng bạc,
Ý ngụy tiêu ma tợ lá vàng;
 

Chơn lý lòng nhân đem thực hiện,
Bên con sẵn nẻo đến Thiên Đàng.
            Hỡi các con! học Đạo, hành Đạo, các con hãy ý thức điều này: Mẹ là sự sống và trong sự chết. Ở đâu có sống có chết là có Mẹ. Mẹ không khởi điểm và không tận cùng. Không hẳn ở đâu có Thánh Thể của Thầy là phải có Cung Vàng của Mẹ. Chính Tòa Thánh, vì là tượng trưng biểu thị nên phải đủ đầy nghi thể đó thôi. Các con đừng tưởng ở đâu đều cũng phải như vậy. Con ôi! Mẹ vẫn biết các con càng khổ lụy lại càng nhớ đến Mẹ. Có thể ví Mẹ như Từ Mẫu hằng ngày gần gũi bên con chắt chiu nâng đỡ, an ủi, dỗ dành lòng con. Mẹ đã bù lại bằng ân huệ vô biên khi các con nên người và hiểu Đạo.
            Nhưng hỡi con!
Nơi đâu có Thánh Thể của Thầy là đã có Mẹ bao vòng trong và ngoài ngôi Thánh Thể ấy, vì Mẹ là Vô Cực Vô Vi.
Nên từ đây về sau, các con đừng có ý tạo ngôi Diêu Trì Bửu Điện song hành với ngôi Thánh Thể là sai lý Đạo nghe con. Những nơi nào đã có rồi, hay thay vì lòng tưởng niệm, các con được phép tượng trưng và hãy dùng đó làm nơi cứu khổ cho nhơn loại chúng sanh.
           
Con ôi! Vô Cực Từ Tôn không ngự trên đài cao hoang vắng tình thương, mặc dầu có đầy đủ vẻ vàng son rực rỡ. Ở đâu có ấu nhi đau khổ là có Mẹ, ở đâu có liễu bồ bất hạnh là có Mẹ. Nếu các con làm được những việc đó là Mẹ đã ngự trong tâm hằng cứu rỗi đó con
. Mẹ không nắm quyền sanh phạt các con. Ngược lại. Mẹ nắm phần cứu rỗi. Cho nên, thương là Mẹ, yêu là Mẹ, tha thứ, sinh dưỡng, bảo tồn, tất cả đều là Mẹ. Các con có nghĩ đến lòng Từ Mẫu chăng?


TIẾP BÀI:

            Lòng Từ Mẫu vô cùng vô tận,            
Đức Từ Tôn khó nhận khôn lường;             
Không lãnh vực, không biên cương, 
Bao trùm vũ trụ tình thương vạn loài.            
Ôi! Thế sự ngày nay không thể,            
Lòng chúng sanh càng kể càng đau;            
Tình thương biết nghĩ làm sao, 
Hố thù vực hận không đào mà sâu.
            Cùng một nhà thương nhau đùm bọc,
            Cùng một đoàn chí dốc đỡ nâng;
            Binh nhau vì một giống dân,
Giúp nhau vì một tình thân đạo đồng.
           
Ngoài gia đình thì lòng không nghĩ,
            Ngoài tập đoàn không ý giúp vùa;
            Không tình dân tộc không ưa,
Không đồng tôn giáo không vừa tình thương.
            

Lý do đó tạo đường nghiệp quả,
            Thế nhân rồi
mất cả từ tâm;            
Dàm danh khóa lợi giam cầm,
Làm sao nhơn loại muôn năm thái bình?
            
Hỡi con ôi! Đây tình Từ Mẫu,
            Có con nào hiểu thấu lòng Già;
            Gieo mầm bác ái vị tha,
Tu thân học Đạo cho hòa vạn dân.
            Từ đây về sau, các con nữ phái hãy bảo với nhau làm sống dậy tinh thần đạo đức, đem lý trí phục vụ lương tri, để vun trồng hạnh phúc chung cho con và nhơn loại. Các con không nên dừng bước trên đường hành Đạo trong khi mọi người đang đau khổ, mà cũng chớ nên đi hẳn trên đường vật chất, đem ủy mị làm cho nhụt chí râu mày. Các con hãy xây dựng lại Nữ Chung Hòa để đào sâu giếng nước giữa bãi sa mạc, để biến thành đám ruộng phì nhiêu và hãy gieo lên hạt giống lành cho mai hậu. Các con có kinh khủng khi nhìn thấy các giống vi trùng độc đã lan tràn trong thế hệ này chăng? Nếu các con không sớm đem sở năng đạo đức của mỗi đứa để thực hành phổ tế, tìm phương pháp chữa trị kẻ bịnh, và tách rời đứa mạnh ra khỏi những khung cảnh bịnh hoạn, thì ngày kia con sẽ thấy những cảnh hãi hùng trong cơ hủy diệt. 
            Con ôi! Hãy dốc vươn lên khi triền đi xuống…
            Không một Thánh Ngôn nào Tiên Phật bảo rằng tiên tri, nhưng con nào biết hãy giữ lấy…
            Bao nhiêu lời dạy đó đủ rồi, Mẹ ban ơn lành toàn thể các con vui vẻ một mùa thu đầy ý nghĩa, đầy đạo lý, đầy lòng nhân. Từ giã các con, Mẹ hồi Diêu Điện, thăng.





PHỤ CHÚ:
Lý trí chế ngự lương tri: Lý trí: nhận thức , phán đoán bằng cảm quan , kinh nghiệm, bằng sự phân biệt ta người, hơn thua, tốt xấu. Lý trí thường có tính chủ quan.Lương tri: nhận thức bằng lương tâm, phán đoán khách quan, vong kỷ, không lệ thuộc cảm tính
Thiên Địa tuần huờn, châu nhi phục thỉ: trời đất chuyển động lập đi lập lại, giáp vòng thì trở lại chỗ khởi đầu. Câu nầy nói về qui luật của vũ trụ được diễn giải bằng những câu: “ Thu Đông rồi cũng sang Xuân Hạ” hay “ Còn Xuân Hạ thì còn Thu tới”.
Cọng nghiệp: nhiều nghiệp quả kết hợp lại 
Dinh hoàn: cõi thế gian 
Hiểu Đạo rồi con đoạt thiên nhiên: đọat thiên nhiên: hiểu được qui luật của trời đất. Đó là luật tiến hóa trong vũ trụ: “Dầu con sanh cõi hậu thiên, Tánh hằng Thượng Đế ban riêng mỗi người,” Con người tuy sanh ở cõi trần (hậu thiên), nhưng ai cũng có tánh Trời tiềm ẩn (tiên thiên), nhờ đó có thể tu hành siêu thoát.
Cơ Tạo hóa thuận thời sanh hóa, Lý vô vi nghịch giả: đây là hai giai đọan thuận nghịch của chu trình vận chuyển của vũ trụ. Giai đoạn thuận từ Khởi thỉ là nguồn gốc (vô vi) của vũ trụ, sanh hóa ra vạn vật (hữu hình, hữu vi); giai đoạn nghịch  là giai đoan từ hữu vi tiến về vô vi hay bản thể trời đất, tức cõi vô sanh bất diệt. 
Vô sanh: Không sanh, không khởi. Không sanh thì không tiêu diệt, không có sống thì không có thác, không khởi thì không diệt, đó là chơn lý của Niết Bàn, chơn lý của nền Trung đạo. Ai quán tưởng cho đắc nhập cái lý Vô sanh thì phá vỡ các mối Phiền não, các mối đau khổ dính với cuộc sanh tử: luân hồi, dính với các cuộc phát hiện và tiêu diệt. Như tu hành đắc quả A La Hán, A La Hán có nghĩa là Vô sanh, Bất sanh thì nhập Niết Bàn. Đối với những vị ấy, cuộc sanh diệt, sanh tử của mình đã dứt, bèn trông ra các pháp, cũng chẳng còn cái tâm sanh diệt. Thật là những vị hoàn toàn đắc nhập cái chơn lý Vô sanh. (Phật Học Tự Điển – Đoàn Trung Còn )
Lê Anh Minh giải thích hai câu trên:

«Cơ Tạo Hóa thuận thời sanh hóa,
Lý vô vi nghịch giả vô sanh.»
(giả chứ không phải giá).
thời = thì;
sanh: sinh
vô sinh: không còn tái sinh, tức là giải thoát (đồng nghĩa với vô lậu).

 Nghịch giả: kẻ chuyển động ngược lại.
Chữ giả này có chức năng giống như chữ giả trong: học giả, hành giả, sứ giả, v.v... ám chỉ «cái hay người làm việc gì».

Pháp luân thường chuyển vận hành càn khôn:
Pháp luân: Dharmachakra
Bánh xe Đạo lý. Pháp luân tức là Giáo pháp mà đức Phật vận chuyển. Bánh xe là tượng trưng Giáo pháp của Phật, cũng như Hoa sen là tượng trưng quả vị của Phật.
Cũng như bánh xe lăn tới trước chớ chẳng thối lui, giáo pháp mà Phật thuyết ra đưa chúng sanh lên đường tấn hóa, lên cõi Giải thoát. Cũng như bánh xe lớn lăn tới đâu thì diệt sạch các gai cỏ, Giáo pháp mà Phật thuyết ra có thể dùng để diệt tận các phiền não, mê hoặc. . . .(Phật Học Tự Điển – Đoàn Trung Còn)

Pháp luân trong phạm trù vũ trụ có nghĩa là nguyên lý vận hành hay Đạo lý (nghĩa rộng) thúc đẩy cuộc sanh hóa và tiến hóa không ngừng trong vũ trụ vạn vật.
Càn khôn: tổng thể vũ trụ hữu hình lẫn vô hình, tiên thiên lẫn hậu thiên. Trong phạm trù con người, càn khôn chính là tiểu vũ trụ nhân thân mà con người có thể dùng đạo pháp vận hành trong nội thể để tiến hóa trở nên bậc chơn nhơn hay thánh hiền. Nói theo đạo thơ, đó là song tu tánh mạng.
Mẹ là sự sống và trong sự chết. Ở đâu có sống có chết là có Mẹ.
Mẹ không khởi điểm và không tận cùng:
- Mẹ là sự sống và trong sự chết: Mẹ là Bản thể vô cực nên sự sống và sự chết đều được bao hàm trong lòng Bản thể. Bản thể thì thường hằng bất biến, sự sống sự chết thuộc về vô thường, chỉ là những biến dịch nhất thời.
- Ở đâu có sống có chết là có Mẹ: Cõi có sống có chết là cõi trần gian, cõi ta bà, là thế giới của vạn hữu, vạn vật. Đức Mẹ là tình thương vô cực bao trùm vạn sanh vạn vật, tình thương đó chan rưới mọi lúc; mọi nơi; mọi người, mọi vật, không phân biệt. Nên Đức Mẹ dạy: Con ôi! Vô Cực Từ Tôn không ngự trên đài cao hoang vắng tình thương, mặc dầu có đầy đủ vẻ vàng son rực rỡ. đâu có ấu nhi đau khổ là có Mẹ, ở đâu có liễu bồ bất hạnh là có Mẹ. Nếu các con làm được những việc đó là Mẹ đã ngự trong tâm hằng cứu rỗi đó con.” 
- Mẹ không khởi điểm và không tận cùng: tức là tự hữu và hằng hữu, Phật gọi là Bản thể chơn như; không do cái gì sinh ra, không bởi cái gì làm kết thúc. Trong bài viết NIẾT BÀN TRONG TRUNG QUÁN LUẬN của Giáo sư Trần Ngọc Ninh có đoạn: “Niết bàn và tất cả những gì trong cõi Niết bàn đều ở ngoài vòng nhân duyên nên không có sự tương liên tương đối và không có sự sinh sự tử; vì lẽ ấy cũng không có sự tái sinh và luân hồi. Niết bàn không hiện hữu và là cõi vô sinh.