Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

Tình thương người, lòng dũng cảm và sự hy sinh của người Nhật trong thiên tai


Tình thương người, lòng dũng cảm
sự hy sinh của người Nhật trong thiên tai

Sự kiên cường, tấm lòng và nhân cách của người Nhật cho thấy có cả một năng lực phục hồi không tưởng tượng được khi đương đầu với thiên tai.

Cuộc chiến của cả quốc gia này làm cho mọi người đều ngưỡng mộ.

Đối diện với trận thiên tai tồi tệ nhất ở thành phố biển đông đúc từ sau thế chiến thứ hai, người Nhật đã làm cho cả thế giới nghiêng mình thán phục với những gì họ đang làm.

Sau cơn siêu động đất với cường độ 9.0 và kéo theo đại sóng thần, bốn nhà máy điện hạt nhân bị rò rỉ và chỉ số Nikkei bị giảm sút. Nền kinh tế bị ảnh hưởng, hàng ngàn người chết, nhiều người mất tích hoặc có thể đã chết, hàng triệu người vô gia cư, không có nước và điện.


Tuy nhiên, hình ảnh khắp nơi trên đất nước Nhật là sự kết nối giữa người và người, lòng hảo tâm  cũng như những ứng xử rất văn minh đáng tự hào.
Không hề có cướp bóc, không có sự rên rỉ kêu la, rất ít sự sợ hãi và không có sự đòi hỏi huyền bí để cứu họ.

Những câu chuyện đau lòng và cao đẹp nhất về tình người lại đến từ đây.

Nhiều bà mẹ xếp hàng bình thản giữ những em bé để được kiểm tra phóng xạ.

Những người còn sống xếp hàng hơn tám tiếng đồng hồ để lấy nước và thức ăn.

Tất cả những người Nhật còn lại tự nguyện giảm tiêu dùng điện để giảm sự mất điện.

Các cửa hàng ở Tokyo kêu gọi tất cả mọi khách hàng rằng : Mỗi người chỉ được một chai nước. Mọi người đang khát nước.”

Công nhân trở lại làm việc vào sáng thứ hai dù mất điện và chậm xe lửa.
Những người lái xe ô tô chờ đợi một cách kiên nhẫn để đổ xăng mà không hề có sự bóp kèn hay đùn đẩy nhau.

Ở Koriyama, gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima, người dân xếp hàng để lấy nước uống phải về nhà mà không hề có sự phàn nàn khi được thông báo nước đã hết.

Những người mua sắm ở cửa hàng chạy ra ngoài với hàng hóa trên tay khi động đất xảy ra. Khi động đất ngừng lại, họ chạy vào trong trả tiền.

Tại lúc đỉnh điểm của đại sóng thần, không hề có sự khóc than sợ hãi, không có chửi thề hoặc than thở được nghe trên các video của youtube, chỉ có những âm thanh của nhà cửa và xe cộ bị phá vỡ cuốn trôi theo dòng nước.

Sau đó là những người cứu hộ rất đáng kính đến lấy người chết và cầu nguyện cho từng nạn nhân khi xác được mang đi.

Người chủ của một cửa hàng vội chạy ra đường tìm kiếm 50 nhân viên của mình và cố gắng vượt qua một cách im lặng khi ông tìm được chỉ có một người.

Bác sĩ tại bệnh viện đa khoa Senen ở Tagajo được những đồng nghiệp khen là một “võ sĩ đạo (samurai)” vì ông đã quản lý tất cả 113 bệnh nhân trong tình trạng không có nước, điện, rất ít thức ăn và thuốc men.

 "Shikata ga nai," (chẳng thể nào giúp được) ông nói cho phóng viên biết như vậy. Đây là câu nói thông thường ở một đất nước khi những người tuyệt vời dùng để nói về những điều kém may mắn xảy ra.

Rất nhiều người ở những ngôi nhà tạm trú chia sẻ thức ăn với người lạ.

Một người đàn ông cô độc, với niềm hy vọng tràn đầy đang đi quanh các khu vực đổ nát với chiếc xe đạp cùng với tấm bảng viết tay hỏi lịch sự xem mọi người có thấy vợ ông ta đâu không.

Người đàn bà kiệt sức khi được đưa ra khỏi đống đổ nát cuối đầu cảm ơn người cứu bà.

Những người tìm kiếm thân nhân từ nhà xác tạm thời ở Sensai, chân không đứng vững, lấy tay che miệng lặng lẽ khóc.

Ngay cả khi các phương tiện truyền thông của Nhật, như trên truyền hình NHK, vẫn giữ bình tĩnh và đội nón bảo hiểm  khi giải thích về tình trạng của nhà máy điện hạt nhân.

Những vị lãnh đạo của nhà máy điện hạt nhân xin lỗi một cách kính cẩn trên tivi về sự “bất tiện.”

Sự bình tĩnh và cẩn trọng của thủ tướng nhật Naoto Kan, người vội đến ngay khu vực nhà máy điện hạt nhân có sự cố để nói chuyện với những người điều hành ở đây.

Và hiển nhiên là có rất nhiều những công nhân dũng cảm đã tình nguyện ở bên nhà máy điện hạt nhân Fukushima chiến đấu để đưa các lò phản ứng vào tầm kiểm soát ngay cả khi họ bị nguy hiểm đến tính mạng khi bơm nước biển vào những thanh phóng xạ. Bạn không thể tưởng tượng được hơn tinh thần vị tha quên mình của họ.

Một số phỏng đoán rằng sự pha trộn của đạo Phật và Khổng giáo đã mang đến cho người Nhật một tinh thần như vậy để đối phó với thiên tai. Hay có lẽ đó là điều cần thiết của một xã hội vững mạnh ổn định đến từ 127 triệu người dân chen chút nhau sống trên một hòn đảo nhỏ với rất ít tài nguyên thiên nhiên, trên một đường đứt gãy, và chỉ có bàn tay của họ tạo nên của cải để làm nên một cường quốc giàu thứ nhì trên hành tinh này.

Ở Tokyo, không hề thấy bóng dáng tội phạm trong thành phố với 13 triệu dân này. Bạn có thể để một túi mua hàng xinh đẹp, như tôi đã từng làm, ở nhà hàng McDonald và trở lại một giờ sau vẫn thấy chiếc túi còn nguyên vẹn.

Ở một số vùng lân cận, bạn có thể thấy hình ảnh một con mắt được sơn lên tường, một thông điệp tinh tế mà người dân địa phương đang xem chừng những dấu hiệu của sự rối loạn. Thay vì giao hết trách nhiệm cho nhà chức trách, người Nhật đảm nhiệm trách nhiệm này.

Là một đứa trẻ ở Tokyo, tôi lớn lên và hiểu rằng văn hóa Nhật Bản yêu cầu người Nhật phải tự hài lòng và kiên trì trong khó khăn mà không được than phiền.  Không hề có viễn cảnh như kiểu mọi người cùng khóc sau đám tang của công nương Diana. Những kiểu tình cảm như vậy là không thể tưởng tượng được.

Cộng đồng mạng đang chia sẻ với Nhật với những ngôn ngữ thông thường và nổi tiếng thường dùng ở Nhật trên các mạng như “Ganbatte” hay “Ganbatte Nihon” có nghĩa là “Cố gắng hết sức, Nhật Bản. Đừng đầu hàng.”

Cựu chiến binh và đại sứ của Uccs Murray McLean trong tuần này đã mô tả người Nhật là đau khổ trường kỳ trên nhiều mặt.”
 “Họ thật kiên cường. Họ có một tinh thần thật tuyệt vời. Họ là những  người vô cùng im lặng, bình tĩnh, trang nghiêm nhưng rất siêng năng.” Ông cho biết.

Thật là không công bằng khi so sánh sự kiên cường im lặng và  trật tự của Nhật với sự hỗn loạn, cướp bóc, tội phạm và khủng hoảng như trận bão Katrina hay sự rên rỉ đòi hỏi sau cơn bão Lary ở Queensland vào năm 2005. Thật không công bằng khi kết luận sự nuông chiều, buông thả của phương Tây mà quên đi nhân cách biết hy sinh, vô ngã, vị tha của người Nhật.

Cuối cùng, chúng ta đã thấy sự kiên cường và lòng hảo tâm của của mọi người trên thế giới ở một diện hẹp: ở Christchurch sau trận động đất, người dân New Zealand không la lối để cùng mang họ đến với thế giới. Tương tự như vậy, sau trận bão Yasi ở Queenland và Victoria, chúng ta thấy sự can đảm và sự kiên cường của cả những nạn nhân và người được cứu thoát để rồi làn sóng từ thiện khắp nơi ở Australia lại đổ về.

Trong những thời khắc như thế này, chúng ta học được tình người thật sự là như thế nào.

Theo Heraldsun.com.au
Minh Nguyệt dịch


     

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2011

Những hệ luận của giáo lý Đại Đạo từ hai nguyên lý Thiên Địa Vạn Vật nhất thể và Nhứt tán vạn - Vạn quy nhứt

Yin-yang

NHỮNG HỆ LUẬN CỦA GIÁO LÝ ĐẠI ĐẠO TỪ HAI NGUYÊN LÝ THIÊN ĐỊA VẠN VẬT NHẤT THỂ VÀ NHỨT BỔN TÁN VẠN THÙ VẠN – VẠN THÙ QUY NHỨT BỔN
(Tổng hợp: Chánh Tuân)

Vạn vật và con người cùng nguồn gốc với vũ trụ vì được sanh ra từ âm dương động tịnh có nguồn gốc từ ngôi Thái Cực là Đạo, là nguyên lý của vũ trụ. Nhờ có cùng một nguyên lý mà vạn vật tiến hóa từ kim thạch, thảo mộc, thú cầm đến con người là sự chuyển tiếp tiến hóa là thời gian vô tận, con người tiến hóa tu học rồi hiệp nhứt cùng Thầy.

1.    NGUYÊN LÝ THIÊN ĐỊA VẠN VẬT NHẤT THỂ:

Thiên địa. Trong nguyên lý này, Thiên Địa (hay Trời Đất) không phải là không gian vũ trụ vật chất. Con người Đại Đạo nhìn Trời Đất như một tổng thể có sức sống vĩ đại mà giáo lý Đại Đạo có thể diễn giải bằng phạm trù Càn - Khôn. Càn, hay Thiên, là nguyên lý tác động và định hình; Khôn, hay Địa, là nguyên lý tiếp thâu nuôi dưỡng.
Như thế Thiên Địa là thực tại vĩnh cửu, cho dù các hành tinh hay muôn ngàn thiên thể có di chuyển, đổi thay, nổ vỡ hay biến mất.
Vạn vật. Tất cả vật chất và sinh vật là hiện thân của tiềm năng Trời Đất. Tiềm năng ấy là bản thể của Càn Khôn, cũng là bản thể của vạn vật. Giáo lý Đại Đạo dùng khái niệm LINH QUANG ám chỉ bản thể ấy trong các sở vật thực tại.
Vậy, Thiên Địa là bản thể, bản căn của cuộc sinh hóa, và là tồn tại vĩnh cửu của thực tại vũ trụ vạn vật, cho dù vạn vật cứ tiếp diễn vô số chu trình thành trụ hoại không. Còn bản thân sự hiện hữu của vạn vật là trường tiến hóa.
Giáo lý Đại Đạo gọi bản thể ấy là Khí, bản căn ấy là Lý để nêu lên mối tương đồng tương quan giữ thiên địa vạn vật trong cơ nguyên sinh hóa, biến hóa và tiến hóa của vũ trụ. Khí là tuyệt đối thể thuộc Vô cực; Lý là nguyên lý Âm Dương của Thái Cực Đại Linh Quang.
Vạn vật – kể cả con người – cũng có Bản thể Linh Quang đồng nhất, nhưng chỉ có con người là loài đạt thành cấu thể của một Tiểu Thiên Địa.
"Người là Tiểu Thiên Địa đó,
Người với Trời nào có khác chi;
Hễ Trời có những món gì,
Người người đều cũng đủ y như Trời."
 (Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 28-8 Bính Tý (13 Octobre 1936); Đại Thừa Chơn Giáo)
Nói cách khác, Con Người là vũ trụ thu gọn, tức là một Tiểu Càn Khôn, một Tiểu Thái Cực.
Vậy, ngoài Bản thể Linh Quang tương đồng, Đại Thiên Địa và Con Người lại tương đồng ở cơ nguyên vận động nội tại hoàn bị nhất của một Thái Cực.
Nhưng Con Người không phải là một hệ thống vận động vô tri. Giáo lý Đại Đạo xác tín Thượng Đế, Đấng Chủ tể Càn Khôn và cũng nhìn nhận Con Người là một chủ thể, một tiểu ngã tương ứng với Đại Ngã Thái Cực Thánh Hoàng (Thượng Đế).  
Cái căn cơ của chủ thể Con Người là Chơn Tánh, là ánh sáng Linh Quang của sinh vật đạt đến nhân vị.
"Tánh ấy là gì? Tánh là NGUYÊN LÝ sở dĩ sanh ra nhân loại; thế nên cái Bản Nguyên về tinh thần của con người là Lý. Lý ấy rất linh diệu thiêng liêng của Trời đã phân ra mà ban cấp cho mỗi người, nên Lý ấy tức là Tánh vậy”. (Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 16-9 Bính Tý (1936); Đại Thừa Chơn Giáo)
Như thế Thiên Địa và Con Người là hai thực thể thống nhất về bản thể, về cơ cấu, về cơ nguyên vận động nội tại và quyền năng chủ sử. Những mối tương quan nhạy bén giữa hai thực thể đó thường xuyên biểu hiện trên sinh lý lẫn tâm linh con người.
Điểm đặc biệt là khả năng cảm ứng giữa Thượng Đế và Con Người. Chính mối thông linh này là cứu cánh tiến hóa giải thoát, đồng thời là điều kiện thực hành sứ mạng THẾ THIÊN HÀNH HÓA của Con Người Đại Đạo đối với nhân sanh:
"Trời với Người cũng đồng một lý, một khí mà ra thì không cảm ứng nhau sao được”. (Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 16-9 Bính Tý (1936); Đại Thừa Chơn Giáo)
Tóm lại, "Trời Đất" và "vạn vật" có những tương quan mật thiết từ trong nguồn gốc hóa sanh, hình thành, công dụng và tiến hóa. Tất cả, theo giáo lý Đại Đạo, đều được bao hàm trong ĐẠO:
"Đạo dựng nên Đất trời. Trời đất do Đạo [mà] hóa sanh vạn vật. Vạn vật cũng do Đạo [mà] tiến hóa không ngừng. Vì vậy nên trong vạn vật đều có Đất Trời, tức là có Đạo vậy. Từ loài khoáng sản đến côn trùng, thảo mộc, thú cầm, và nhơn loại đều chịu định luật chung của Đạo”. (Đức Di Lạc Thiên Tôn; Trúc Lâm Thiền Điện, Ngọ thời, 02-01 Bính Ngọ (22-01-1966); Thánh Giáo Sưu Tập 1966-1967)
Như thế Thiên Địa và Con Người là hai thực thể thống nhất về bản thể, về cơ cấu, về cơ nguyên vận động nội tại và quyền năng chủ sử. Những mối tương quan nhạy bén giữa hai thực thể đó thường xuyên biểu hiện trên sinh lý lẫn tâm linh con người.

2.    NGUYÊN LÝ NHỨT BỔN TÁN VẠN THÙ – VẠN THÙ QUY NHỨT BỔN:

Nhứt bổn tán vạn thù là Nhứt Thể biến sinh Vạn Pháp.
Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Thầy có dạy rằng:
"Khi chưa có Trời Đất thì khí Hư Vô sanh có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái Cực. Thầy phân Thái Cực ra Lưỡng Nghi; Lưỡng Nghi sanh Tứ Tượng; Tứ Tượng biến ra Bát Quái; Bát Quái biến hóa vô cùng mà lập Càn Khôn Thế Giái".
“Khí Hư Vô sanh có một Thầy. Nếu không Thầy thì không có chi trong Càn Khôn Thế Giái này, mà nếu không có Hư Vô chi khí thì không có Thầy.
Như vậy Thái Cực chính là đầu mối để bắt đầu cho cơ sanh hóa ra vạn vật (Nhứt bổn tán vạn thù).
Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Thầy cũng có dạy: "Đức Thái Cực [mới] vận hành khí Chơn Dương hiệp cùng khí âm (âm dương là cơ với ngẫu). Khí âm dương hỗn hiệp nhau, đụng chạm mà hóa hóa sanh sanh, là do trong chỗ điều hòa, tương ứng, tương cảm, huân chưng đầm ấm, mới tạo thành nghìn giống muôn vẻ, thiên hình vạn trạng. Khi âm dương bắt đầu sanh hóa ra muôn loài vạn vật, muôn loài vạn vật cứ hóa sanh mãi mãi, đời nọ sang đời kia, không bao giờ ngưng nghỉ. Đó là một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật; nhưng vạn vật cũng phải quày đầu về một, là vì "nhứt bổn tán vạn thù, vạn thù quy nhứt bổn". (Đức Đại Đức Cao Tiên; 03-8 Bính Tý (1936))
Chúng ta biết rằng trong tất cả mọi sự vật hiện tượng đều có Âm có Dương, không thể thiếu một. Âm Dương tuần hoàn trong cơ tạo, là quy luật của Vũ Trụ. Âm Dương được kết hợp theo hai phương thức khác biệt để tạo thành thời gian và không gian: thời gian được tạo thành trong sự tiếp diễn của Âm Dương theo định luật: “Dương cực Âm sinh, Âm cực Dương sinh”; Không gian được tạo thành theo sự đối ngẫu của Âm Dương theo định luật: “Trung Âm hữu Dương và trung Dương hữu Âm”. Sự hợp nhất này chính là Vũ Trụ. Vạn vật trong Vũ Trụ có muôn hình vạn trạng do âm dương giao hòa, vạn vật cũng biến dịch đắp đổi nhau như (sáng tối, thịnh suy, cứng mềm, nóng lạnh, động tịnh, tốt xấu, sướng khổ, trắng đen, sống chết, lớn bé, sang nghèo, vinh nhục ...), nhưng tất cả cũng chỉ từ một gốc sinh ra, đó là Âm Dương, là Đạo (Nhứt bổn tán vạn thù). Âm Dương là nguồn gốc của vạn vật, dù tốt xấu, hay dở, trắng đen… cũng đều có nguồn gốc từ Thượng Đế hóa sanh ra cả. Tất cả cũng chỉ phục vụ cho cơ tiến hóa của Vũ Trụ mà thôi.
Vạn thù quy nhứt bổn là một của nguyên lý vận hành của sự tiến hóa trong càn khôn vũ trụ này. Trong mỗi vạn vật đều có điểm linh quang của tạo hóa ban cho, trải qua nhiều kiếp hy sinh lập công tích lũy thành công năng để tiến hóa về hiệp nhứt cùng đại linh quang. Từ cái vạn pháp bất đồng trở về cái nguyên bản ban sơ. Với quá trình tiến hóa là trạng thái đồng nhất về tinh thần mọi mâu thuẫn đối lập đều có thể dung hòa để tổng hợp thành một thể thống nhất đó chính là Đạo.
Trong cơ tiến hóa có tám nấc thang ứng với bát phẩm chơn hồn (bát hồn vận chuyển), theo thứ tự từ thấp đến cao, kim thạch hồn, thảo mộc hồn, thú cầm hồn, nhơn hồn, thần hồn, thánh hồn, tiên hồn, phật hồn. Khi tiến lên được phẩm nhơn hồn nếu biết hy sinh tu học tiến hóa được trở về nơi xưa chớ Chí Tôn không bồng ẳm. Nếu thoái hóa của mỗi chơn hồn phải đầu thai trả nợ chu trình hiệp nhất sẽ chậm hơn các linh quang khác.
Đại Đạo là Thiên lý vận hành bất tức cuộc sinh hóa - tiến hóa của vũ trụ vạn vật. Giáo lý Đại Đạo dạy rằng tất cả các chánh giáo được sáng lập từ Nhứt kỳ đến Tam kỳ phổ độ đều có nguồn gốc Đại Đạo. Vì các hàng Giáo tổ của các tôn giáo đều là sứ giả của Thượng Đế Chí Tôn đến thế gian lập giáo tùy theo phong hóa của các dân tộc Do cuộc tuần hòan và đến cuối chu kỳ tiến hóa vào thời Mạt pháp hiện nay, máy Tạo vận chuyển và vì đức háo sanh của Ðức Chí Tôn Thượng Ðế nên ngài  mới chính mình mượn huyền diệu cơ bút làm phương tiện thông linh truyền dạy chánh lý qua Thánh giáo. Kỳ nầy Thầy mở Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ lấy tôn chỉ Tam giáo quy nguyên, ngũ chi hiệp nhất chính là mở ra cơ quy nguyên để các con cái tu học trở về hiệp nhứt cùng Thầy. Tuy nhiên vì người tìm Ðạo chớ Ðạo không tìm người cũng như Ðức Chí Tôn là Ðấng Toàn Năng Toàn Thiện mà ngài không thể bồng ẳm con cái ngài trở về cùng ngài vì ngài đã cho con cái ngài cái quyền tự do ý chí, tự do lựa chọn con đường tiến hóa hay thoái hóa hay luân hồi đi vòng vòng cho mình nên ai gõ cửa Cao Ðài thì Ðức Cao Ðài mở cửa.
Sự vận động sinh hóa trong vũ trụ không ngừng, nhưng công năng vận hành tiến hóa trở về với Bản thể vũ trụ mới là cứu cánh. Nếu trong vũ trụ chỉ có sanh hóa mà không có tiến hóa thì sự hiện hữu của vũ trụ vạn vật không có ý nghĩa, và tiến hóa không ngừng vì vũ trụ vận hành theo quy luật tuần hoàn. Quy nguyên là đỉnh cao tuyệt đối của con đường tiến hóa vì đó là Bản thể vĩnh cửu toàn thiện, toàn tri, toàn năng, biến hóa khôn lường. Nhưng tựu trung cùng hướng về một cứu cánh duy nhất là trở về với Đạo, với Thượng Đế.  Những gì có giá trị phổ quát, trường cửu, đại đồng và tiến hóa mới có chỗ đứng trong Đại Đạo. Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là một Đại Cuộc Thiên Cơ, trong đó mọi tôn giáo sẽ hoàn toàn từ bỏ chấp trước hình thức, giáo điều để khai phóng tâm linh con người về với Chân lý duy nhứt là Thượng Đế.

3.    NHỮNG HỆ LUẬN CỦA GIÁO LÝ ĐẠI ĐẠO TỪ HAI NGUYÊN LÝ TRÊN:

3.1  Sự vận động và biến hóa của vũ trụ:

Sự vận động và biến hóa trong vũ trụ không bao giờ ngừng nghỉ, và diễn ra theo hai quy luật:

-         Quy luật Âm Dương tương tác.
-         Quy luật tuần hoàn quy nguyên.
a.    Quy luật Âm Dương tương tác:
Theo Đại Thừa Chơn Giáo, Thầy có dạy:
“Khí Âm Dương bắt đầu hóa sanh vạn vật, muôn loài vạn vật cứ hóa sanh mãi mãi đời nọ sang đời kia không bao giờ ngưng nghỉ. Đó là một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật.” (Đức Đại Đức Cao Tiên; 03-8 Bính Tý (1936); Đại Thừa Chơn Giáo)
          Quy luật vận động này có thể được diễn tả theo hệ thống: Vô Cực – Thái Cực – Lưỡng Nghi của Dịch học.
b.    Quy luật tuần hoàn quy nguyên:
Trong Đại Thừa Chơn Giáo Thầy có dạy:
“Nhưng vạn vật cũng phải quay đầu về Một, là vì Nhất Bổn tán vạn thù, vạn thù quy Nhất Bổn.”(Đức Đại Đức Cao Tiên; 03-8 Bính Tý (1936); Đại Thừa Chơn Giáo)
Vậy sự vận động hóa sinh của vạn vật không phải là không có đường lối mà “cứu cánh” quay trở về gốc phát sinh. Gốc này gọi là Nhất (Bổn) để đối chiếu với Vạn (vạn thù, vạn vật). Do đó, chiều thứ nhất của sự vận động là chiều đi từ đơn giản đến phức tạp hay từ Vô đến Hữu. Chiều thứ hai là chiều đi từ phức tạp đến đơn giản hay chiều đi từ Hữu đến Vô.
Ý nghĩa của quy luật tuần hoàn này rất quan trọng. Và “Nhất Bổn tán vạn thù, vạn thù quy Nhất Bổn” là nguyên lý chi phối hệ thống giáo lý Đại Đạo, đặc biệt quan niệm về sự tiến hóa của vũ trụ.
Càn Khôn vũ trụ không phải chỉ là vũ trụ hữu hình với vô số tinh cầu, thiên thể vận chuyển trong không gian, mà còn bao hàm vũ trụ vô hình của các cõi tâm linh.
Xác tín vũ trụ tâm linh như trên, giáo lý Đại Đạo cho phép rút ra hai điểm quan trọng:
-         Trong vũ trụ, chẳng những có vật thể, sinh vật, còn hiện hữu vô vàn chủ thể tâm linh.
-         Trong vũ trụ có những nấc thang tiến hóa. Tiến càng cao, càng lột bỏ các cấu thể hữu hình hữu chất, trọng trược, u tối; để trở nên vô hình, vô chất, thanh khiết, sáng suốt và siêu việt.

3.2  Sự tiến hóa của Vũ Trụ:

Quan niệm tiến hóa của giáo lý Đại Đạo dựa trên hai nguyên lý trên như sau:
Vì vũ trụ vạn vật có chung một bản thể, mà bản thể này vừa là phẩm chất tốt đẹp tối thượng bất diệt, vừa là nguồn gốc hóa sinh vạn vật, nên nấc thang tiến hóa của vạn vật – trong đó có con người – chính là trở về được, là đạt được sự toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ của Bản Thể.
Chính tính nhất thể trong vạn vật là năng lực và động lực của cuộc tiến hóa.
Nguyên lý “Nhất Bổn tán vạn thù, vạn thù quy Nhất Bổn” trong sự tiến hóa đã trở thành “Thiên cơ”, “Thiên luật” của Thượng Đế, và “quy Nhất” trở nên “cứu cánh” của con người.
Là Thiên cơ, Thiên luật vì chính Đức Thượng Đế (cũng là Đạo, là Khí Hư Vô) thúc đẩy vạn vật – đặc biệt là con người – tiến hóa để hiệp nhất với Ngài:
“Thầy là Hư Vô Chi Khí, thì Đạo cũng đồng nghĩa đó thôi. Nên chi trong thời Hạ Nguơn chính mình Thầy dùng Khí Hư Vô trực tiếp hữu hình đến thế gian để dẫn dắt thâu hồi những điểm Linh Quang đã cho xuống trần gian trở về với khối Đại Linh Quang” (Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; Ngọc Minh Đài, Tuất thời, 29-12 Bính Ngọ (02-02-1967); Thánh Giáo Nguyên Bổn.)
Dù vậy, cuộc trở về này không phải là sự biến hóa của phép thần thông, mà phải noi theo con đường Đại Đạo chính là theo đúng quy luật vận hành của vũ trụ:
“Các con đã sinh trong Đại Đạo, hãy noi theo Đại Đạo mà thành về cõi Thượng Thiên Vô Cực.”  (Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; Minh Lý Thánh Hội, 09-01 Mậu Thân (07-02-1968); Thánh Giáo Sưu Tập 1968-1969)
Nơi con người, cuộc tiến hóa trở thành con đường phản bổn hoàn nguyên. Hoàn nguyên không phải chỉ là trở về khởi điểm, mà có ý nghĩa tiến hóa trở nên một chủ thể hoàn thiện, không đơn thuần là một điểm Tiểu Linh Quang như khi tách ra khối Đại Linh Quang, mà còn vượt lên đến phẩm vị Thiêng Liêng cõi Thiên Đình:
“Trời với muôn loài một Bổn Nguyên,
Cũng trong Linh Tánh, cũng tâm điền;
Linh Quang một khối chia nhiều ức,
Người, vật, tương đồng với Phật, Tiên.
………………………………………….
Luật Trời mầu nhiệm lắm ai ơi,
Một kiếp vi nhân quý một đời;
Linh tánh khôn ngoan hơn vạn vật,
Tu hành chắc thiệt sẽ thành Trời.”
(Đức Quan Âm Bồ Tát; Thánh Tịnh An Tiên (Giáo Hội Tiên Thiên), Tý thời, 01 rạng 02-02 Đinh Mùi (11-03-1967); Thánh Giáo Sưu Tập 1966-1967)
Cho nên sự kỳ diệu của nguyên lý “Thiên Địa vạn vật Nhất Thể và nguyên lý “Nhất Bổn tán vạn thù – vạn thù quy Nhất Bổn” được tìm thấy ngay nơi con người đang vươn mình tiến hóa.
“Người hành giả muốn tu chứng đắc quả, giải thoát luân hồi, phải đi theo con đường phản Bổn huờn Nguyên là trở về nguồn gốc con người; mà nguồn gốc con người không ngoài cái vũ trụ riêng tư của con người.”  (Đức Đông Phương Chưởng Quản, Vĩnh Nguyên Tự, 04.12 Ất Mão (11-03-1976); Thánh Giáo Nguyên Bổn.)
Trong vũ trụ con người, chính Chơn Thần là nguồn gốc (Thần, Phật giáo gọi là Tánh; Đạo học còn gọi là Khí Thể Tiên Thiên). Cho nên cuộc tiến hóa của vạn vật chí đến con người không chỉ đơn thuần là những biến đổi thể xác hay tinh thần của muôn ngàn thế hệ tại thế gian và chấm dứt tại thế gian cho mỗi cá thể, mà đây là cuộc tiến hóa xuyên suốt từ vũ trụ hữu hình sang vũ trụ tâm linh:
“Bậc chơn tu tỉ như hột giống tốt, hễ gieo xuống thì cây lên, cây lên thì trổ bông, trổ bông rồi sanh trái mà biến biến sanh sanh càng tăng số. Vì vậy mà các con phải bỏ xác trần, mà bông trái thiêng liêng các con sanh hóa Chơn Thần, Chơn Thần lại biến hằng muôn thêm số tăng lên hoài. Ấy là Đạo.”(Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 13-06 Bính Dần (Jeudi 22 Juillet 1926); Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Q.1, tr.31.)
Cho nên cứu cánh tiến hóa của chúng sanh chính là cứu cánh giải thoát khỏi cái tồn tại hữu hình hữu hạn để bước sang sự tồn tại vô hình vô hạn của tâm linh. Đây là con đường xuất thế gian đã được giáo lý Đại Đạo khẳng định, và con đường tiến hóa xuất thế gian cũng phải có nhiều nấc thang mới đến được hiệp nhất với Đức Thượng Đế:
“Có Thầy mới có các con, có các con rồi mới có Thần, Thánh, Tiên, Phật.”
“Thầy là Phật, chủ cả Pháp và Tăng, lập thành các Đạo mà phục hồi các con hiệp một cùng Thầy.”  (Đức Thích Ca Mâu Ni Phật tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát Giáo Đạo Nam Phương; Phước Linh Tự, 15-09 Bính Dần (Dimanche 24 Octobre 1926); Thánh Ngôn Hiệp Tuyển)
Tóm lại, giáo lý Đại Đạo trình bày một vũ trụ luận gồm đủ ba mặt của một hệ thống tồn tại khách quan: Nguồn gốc, sự vận động, sự tiến hóa của vũ trụ vạn vật. Vũ trụ luận Đại Đạo bao hàm các nguyên lý quan trọng:
-         Thái Cực – Âm Dương,
-         Thiên Địa vạn vật Nhất Thể,
-         Nhất Bổn tán vạn thù, vạn thù quy Nhất Bổn.
Đó là những nguyên lý dẫn đạo cho các luận thuyết về Bản Thể, về sự biến hóa, sanh hóa của vũ trụ vạn vật.
Thuyết tiến hóa chính là hệ quả của ba nguyên lý đó, hoàn thành một luận thuyết nhất quán về sự chuyển hóa của tiểu vũ trụ con người từ hữu hình đến Hư Vô.
Vũ trụ luận Đại Đạo còn nêu lên sự hiện hữu giữa vũ trụ tổng thể với hai chủ thể trung tâm là Thượng Đế và Con Người. Giáo lý Đại Đạo đã đồng nhất quan niệm vô ngã với quan niệm hữu ngã trong phạm trù Thượng Đế (chủ thể vận hành vũ trụ) và trong phạm trù Con Người (chủ thể nhận thức cứu cánh tiến hóa và chủ động thực hiện cuộc tiến hóa). Cặp phạm trù Đại Linh Quang - Tiểu Linh Quang khẳng định hai chủ thể Trời Người đồng một Bản Thể (đồng nhất thể), đó là Linh Quang.

KẾT LUẬN:

Vũ trụ luận Đại Đạo với quan niệm về con đường tiến hóa của vũ trụ vạn vật cho thấy sự hiện hữu của một vũ trụ tâm linh vượt lên trên và bao quát vũ trụ vạn vật. Trung tâm của vũ trụ tâm linh là Chơn Thần của Đức Thượng Đế, nơi quy tụ Chơn Thần của các hàng chủ thể đã và đang giải thoát.
Nói cách khác, vũ trụ luận Đại Đạo còn là nền tảng để xây dựng hệ thống tư tưởng về con người, nhân sinh và đạo pháp, để người tu nhận thức một đạo lý nhất quán dẫn đến cứu cánh cao tột của mình là hiệp một cùng Trời, cũng như dẫn đến sứ mạng cứu độ cộng đồng nhân loại là trực tiếp tham gia cùng Trời, vận hành cho vạn loại cùng tiến hóa.
(Tổng hợp từ một số bài viết trên trang http://www.nhipcaugiaoly.com/)

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2011

Bài học sau cùng

"Những ai muốn đạt tới một tương lai tốt đẹp, với một kết cục hoàn toàn theo ý muốn thì cách hiệu quả nhất là bạn từng bước dành tối đa thời gian quan tâm tới và làm cho những điều tốt, việc tốt và rèn luyện những đức tính tốt."


Bài học sau cùng
    Một nhà hiền triết dẫn một toán học trò của mình đi ngao du khắp chốn trên đời. Trong vòng 10 năm trời thầy trò họ theo nhau đi hầu hết các nước, gặp gỡ hầu như tất cả những người có học vấn. Lúc này, thầy trò họ đã trở về, người nào người nấy kinh luân đầy một bụng, kinh nghiệm đầy mình.
    Trước khi vào thành, nhà hiền triết ngồi nghỉ trên một bãi cỏ ở ngoại thành, nói với học trò của mình: "Mười năm ngao du, các con đều đã trở thành kẻ sĩ học rộng hiểu nhiều, lúc này đây, sự học sắp kết thúc ta sẽ giảng cho các con bài học sau cùng".
    Các học trò kéo đến ngồi vây quanh nhà hiền triết. Một lát sau, nhà hiền triết hỏi: "Hiện chúng ta đang ngồi ở đâu?"
Các học trò đồng thanh trả lời rằng đang ngồi trên bãi cỏ hoang ở bên ngoài thành. Nhà hiền triết lại hỏi: "Trên bãi cỏ hoang này có cây gì mọc lên?" Học trò đồng thanh đáp, trên bãi hoang mọc toàn cỏ dại ạ!
     Nhà hiền triết nói: "Đúng! Trên bãi cỏ hoang này mọc toàn cỏ dại. Bây giờ ta muốn biết bằng cách gì để trừ hết thứ cỏ dại này đi?"
     Các học trò nhìn nhau hết sức ngạc nhiên, họ thực sự không ngờ rằng, nhà hiền triết xưa nay vốn chỉ đi sâu nghiên cứu những điều huyền bí của cuộc sống, vậy mà trong bài học sau cùng này lại hỏi một vấn đề giản đơn như thế.
Một người trong toán học trò lên tiếng trước: "Dạ thưa thầy, chỉ cần có một cái xẻng thôi là xong hết ạ!"
Nhà hiền triết khe khẽ gật đầu.
   Một người học trò khác như phát hiện ra điều gì mới, nói tiếp: "Dạ thưa thầy, đốt lửa để diệt cỏ cũng là một cách rất hay đấy ạ!"
Nhà hiền triết im lặng mỉm cười, ra hiệu gọi một người khác.
    Người học trò thứ ba nó: "Thưa thầy, rắc vôi lên cũng có thể diệt được hết tất cả các giống cỏ đấy ạ!".
    Tiếp ngay sau đó là người học trò thứ tư anh ta nói: “Diệt cỏ phải trừ tận gốc, chỉ cần nhổ được rễ lớn là xong hết!”.
    Các học trò đã lần lượt nói hết suy nghĩ của mình, nhà hiền triết đứng dậy, nói: "Bài học hôm nay đến đây là hết, các con hãy về đi, rồi theo cách mình nghĩ, mỗi người hãy diệt cỏ ở một mảnh đất trên bãi hoang này. Nếu không diệt được cỏ, một năm sau quay lại đây ta nói chuyện sau".
    Một năm sau, mọi người quay trở lại, có điều khác là bãi cỏ năm trước không còn đầy cỏ dại nữa, mà đã trở thành cánh đồng ngô lúa xanh tươi. Toán học trò lại ngồi quây quần gần ruộng lúa, chờ nhà hiền triết tới nhưng chờ mãi vẫn không thấy ông tới.
    Mấy năm sau nhà hiền triết ấy qua đời, những người học trò cũ của ông đã chỉnh lý lại những tài liệu, luận thuyết mà ông nêu ra, thấy ở một chương cuối, ông đã tự ghi thêm vào một câu: "Muốn diệt hết cỏ dại ở bãi hoang, chỉ có một cách hay nhất, đó là hãy trồng cấy mùa màng lên đấy. Cũng như vậy, muốn để linh hồn không phải buồn lo tản mạn, thì cách duy nhất là hãy chiếm cứ nó bằng những đức tính tốt".
Lời bình:
     Đây là một câu chuyện giàu ý nghĩa. Nó cung cấp cho mỗi chúng ta bài học lớn, đó là: Những ai muốn đạt tới một tương lai tốt đẹp, với một kết cục hoàn toàn theo ý muốn thì cách hiệu quả nhất là bạn từng bước dành tối đa thời gian quan tâm tới và làm cho những điều tốt, việc tốt và rèn luyện những đức tính tốt.
    Càng quan tâm thực sự và đặt mức độ ưu tiên để thực hiện điều tốt, tránh xa những điều xấu xa, thói quen xấu thì kết quả bạn mong đợi sẽ càng nhanh chóng đạt được. Đó là luật nhân quả không loại trừ một ai trong chúng ta.
    Giữ một thái độ hài hòa trong hành động là điều quan trọng đảm bảo cho một cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.


Vì vậy, hãy cẩn thận những gì bạn gieo HÔM NAY, nó sẽ QUYẾT ĐỊNH những gì bạn gặt vào NGÀY MAI.
Quangloc tran sưu tầm
Nguồn: Group Kinhdichcanban

Thứ Ba, 15 tháng 3, 2011

Giai thoại về Đức Khổng Tử và Hạng Thác


Đức Khổng Tử và Hạng Thác

Một lần, Khổng Tử ngồi trên chiếc xe nhỏ có ngựa kéo chu du khắp các nước. Đến một vùng nọ thấy có chú bé lấy đất đắp một tòa thành, rồi ngồi vào trong đó, Khổng Tử liền hỏi:
“Này cháu, cháu trông thấy xe ta đi tới cớ sao không chịu tránh?”
Chú bé trả lời:
“Cháu nghe người ta đồn rằng, Khổng Phu Tử trên thông Thiên Văn, dưới tường Địa Lý, giữa hiểu lòng người. Vậy mà hôm nay cháu gặp Phu Tử thì không phải vậy.
Bởi vì từ xưa đến nay, chỉ nghe nói đến chuyện xe tránh thành, chứ thành nào lại tránh xe đâu?”.

Khổng Tử ngạc nhiên quá, liền hỏi:
- Cháu tên là gì?
- Dạ Hạng Thác
- Năm nay cháu bao nhiêu tuổi?
- Dạ, 7 tuổi ạ.
- Mới 7 tuổi mà đã khôn ngoan vậy sao?
- Dạ thưa, cháu nghe nói, con cá nở được 3 ngày đã bơi tung tăng từ hồ nọ sang hồ kia. Con thỏ 6 ngày tuổi đã chạy khắp đồng cỏ. Cháu sinh ra đến nay đã được 7 tuổi, lấy gì làm khôn?

Lần này thì Khổng Tử thật sự kinh ngạc, bèn đưa ra liền 16 câu hỏi khó để thử tài Hạng Thác. Thế nhưng Hạng Thác đã trả lời trôi chảy, rồi nói:
- Vừa nãy Khổng Phu Tử hỏi cháu nhiều quá. Bây giờ, cháu xin hỏi Phu Tử: Tại sao con ngỗng và con vịt nổi trên mặt nước? Tại sao chim hồng, chim hộc lại kêu to? Tại sao cây tùng, cây bách lại xanh cả mùa hè lẫn mùa đông?
Khổng Tử đáp: Con ngỗng, con vịt nổi được trên mặt nước là nhờ hai bàn chân vuông làm phương tiện. Chim hồng, chim hộc kêu to, là vì cổ chúng dài. Tùng bách xanh tươi bốn mùa là vì thân chúng đặc.
- Thưa, không đúng! Hạng Thác reo lên – con rùa nổi lên mặt nước, đâu có phải nhờ đôi bàn chân vuông làm bàn đạp. Con ễnh ương kêu to mà cổ nó đâu có dài. Cây trúc cũng xanh bốn mùa, mà ruột nó rỗng đấy thôi.

Khổng Tử chưa biết giải thích ra sao, thì chú bé lại hỏi:
- Thưa Phu Tử, cho phép cháu hỏi thêm. Tại sao mặt trời buổi sáng lại to mà buổi trưa lại nhỏ?
Khổng Tử nói:
- Là vì buổi sáng, mặt trời gần ta hơn.
- Không phải ạ! – Hạng Thác vặn lại – Buổi sáng mặt trời gần ta hơn, sao lại mát, còn buổi trưa mặt trời xa ta hơn, sao lại nóng?

Rồi Hạng Thác lý sự một hồi, khiến Khổng Tử phải thốt lên:
- Cháu còn ít tuổi mà lại thích hỏi những chuyện xa xôi, viễn vông, ở tận đẩu tận đâu, chuyện trước mắt thì không hỏi.
Hạng Thác cười khanh khách nói:
- Vâng, cháu xin hỏi chuyện ngay trước mắt ngài:
Vậy lông mày của Phu Tử có bao nhiêu sợi ạ?

Khổng Tử không đáp, sai người đánh xe đi, và than rằng: “Hậu sinh khả úy!”. Câu “hậu sinh khả úy” ra đời từ đấy. Hạng Thác mất năm 10 tuổi, được lập đền thờ, gọi là Tiểu Nhi Thần, nghĩa là Thần Nhi Đồng, gọi tắt là thần đồng. Chữ “Thần Đồng” cũng có từ ngày đó.
(St)


Thứ Hai, 14 tháng 3, 2011

Rèn nội tâm


RÈN NỘI TÂM
(Trúc Lâm Thiền Điện, Tuất thời, mùng 7 tháng 7 Nhâm Tý (15-8-1972))
 
Thi:
THIỀN môn mở rộng đón người lành,
đệ cần tu buổi hiện sanh;
VẠN giáo cũng đồng trong một lý,
HẠNH đường gieo rải giữa trần thành.

Thi:
Trần thành gieo rải giống từ bi,
Ai có thiện căn hãy bảo trì;
Rèn luyện cho nên người thánh đức,
Giúp đời trong lúc cảnh đời nguy.
      Này chư đạo hữu! Này hàng sứ mạng Thiên ân! Bần Tăng rất hoan hỉ trước bản hiệu Vạn Hạnh Đạo Tràng, không phải Bần Tăng hãnh diện bằng danh từ trùng hợp với sự chiêm ngưỡng của chư đạo hữu. Chư đạo hữu đừng nên ngộ nhận như thế làm thêm điều ngăn ngại cho công cuộc phổ thông giáo lý Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, mà chư đạo hữu nên hiểu rằng: Bần Tăng hoan hỉ chư đạo hữu đã đóng lên một tấm gương phản chiếu, đó là tấm gương vạn hạnh của người tu. Thế thì chư đạo hữu hãy siêng năng cần mẫn lau rửa tấm gương ấy hằng ngày trong sáng, và cũng siêng năng cần mẫn soi gương để nhìn thấy sắc diện của chính mình khi lành lúc dữ, khi thiện lúc ác, khi phải lúc trái. Những lúc nào chư đạo hữu tâm an thần định, soi vào gương thấy vẻ mặt thuần hậu đoan trang hiện nét vô tư nhàn hạ. Ngược lại, lúc nào chư đạo hữu thấy lửa lòng bốc cháy sân si phát khởi, cũng nên soi vào gương để nhìn thấy những nét hung hãn căm hờn hiện lên trên gương mặt của chư đạo hữu trong giờ đó, trong ngày đó.
      Sở dĩ các bậc hiền nhân thánh triết có cái túi khôn muôn đời để thế nhân sùng kính là họ đã làm được người anh hùng chiến thắng nội tâm cũng như hoàn cảnh. Họ không sợ thấy gương mặt hung ác của mình, cũng như họ từng nhìn được gương mặt thuần lương thiện mỹ. Họ luôn luôn soi sáng để cân nhắc sửa đoan từng giây từng phút. Nhờ thế mà đã nêu lên câu "Đạo bất khả tu du lỵ dã" (1).
      Ngày nay chư đạo hữu đem tấm gương ấy thể hiện theo sở học sở hành của các bậc Thánh nhân ư? Ôi! thế là quí hóa lắm! Bần Tăng hoan hỉ ở chỗ đó.
Thi:
Đời nguy vì bởi Đạo xa người,
Người biết Đạo rồi chẳng hổ ngươi;
Đối với đất trời non nước cả,
Vi nhân nhiệm vụ để lưu đời.
      Chư đạo hữu hành theo sở hành của các bậc đáng kính ngày xưa, học theo sở học của các hàng hiền nhân thánh triết, Bần Tăng vẫn còn e ngại cái khuôn thước vạn cổ ấy người đời có đo lường được một hai phân tấc gì chăng? Hay là chỉ biểu dương hình thức mà muôn hạnh chưa thấm nhuần?
Thi:
Phù sanh một kiếp có chi rằng,
Tháng lại ngày qua hỏi thử chăng?
Trục lợi đồ danh đời lắm kẻ,
Tu tâm dưỡng tánh sánh đâu bằng.
Thi:
Đâu bằng bởi ít kẻ quày chơn,
Tìm lại quê xưa chốn thượng từng;
Quanh quẩn luân hồi trong vạn kiếp,
Dễ gì giác ngộ giữa tam nguơn.
Tam nguơn chuyển phục lại đời an,
Sớm biết Trời Cha mở Đạo vàng;
Tận độ quần sinh cơn mạt kiếp,
Cậy tay sứ mạng lập dinh hoàn.
      Này chư đạo hữu lưỡng phái! Đời tranh đấu, đời loạn ly, lòng người chia rẽ, con người phải chịu điêu linh tàn khốc. Cái nguyên nhân đó tưởng lại mỗi người trên thế gian đều biết rõ, nhưng con người đã chấp nhận lấy cái nhân tranh đấu để gieo họa tranh đấu, chấp nhận cái nhân tham dục để gieo quả tiêu diệt. Đó là con người tự chấp nhận, nào phải Trời đất Phật Tiên Thánh Thần ban định cho đâu, cũng nào phải ma vương ác quỉ xui giục đâu. Đấng Tạo Hóa vẫn là Tạo Hóa, nhưng luật Thiên Điều thưởng phạt là do luật Thiên Điều. Ma vương ác quỉ là những tôi tớ cấu thành bởi Hậu Thiên trược khí hóa sanh, bởi sự tham dục kết thành nên các giống để làm cho những miếng tâm điền cằn cỗi khô khan mọc đầy gai góc chướng ngại phiền não. Từ trong cảnh hoang vu ấy mới phát hiện hình tướng Ma vương ác quỉ lôi cuốn kéo trì con người vào chốn đọa lạc trầm luân.
      Tóm lại đều do một cái tâm: tâm bất trắc, tâm cố chấp, tâm tham dục, tâm sân si, tâm tranh đấu. Hiện tình thế sự ngày nay là do nơi các cái tâm mà Bần Tăng đã kể. Chư đạo hữu hãy mau mau xem xét lại nội tâm, nếu có tâm nào lẫn lộn vào đó thì nên diệt trừ hẳn đi để cho thánh tâm, lương tâm, linh tâm hay chơn tâm cũng thế, thì mới có một vốn liếng khả dĩ phô bày để phổ độ mọi người. Nếu mỗi người là con chung của Đấng Cha Lành, tất nhiên đều có thánh tâm hay linh tâm. Như vậy chỉ một phút sai lầm, bao kiếp đọa lạc quên nẻo quên đường, ắt phải nhờ ở sự dẫn độ của chư đạo hữu, của người có trách nhiệm vi nhân, của sứ đồ Thượng Đế dẫn độ bằng tinh thần, bằng giáo lý, bằng tình cảm, v.v...
      Chư đạo hữu hãy độ lấy sức mình để đo lường nhân sự.
Thi:
Đời loạn lòng người cũng loạn ly,
Mới đem Đại Đạo mở Tam Kỳ;
Mỗi người tự giác tìm cơ bản,
Độ rỗi chính mình trước nạn nguy.
Nạn nguy vì bởi dục tâm sanh,
Chung đỉnh phù vân đã khoát mành;
Chịu lớp vô minh quên cội rễ,
Càng xa càng lụy kiếp phù sanh.
      Có làm được như vậy thì mới mong kết quả tốt đẹp. Nếu dùng một gáo nước mà chữa lửa muôn xe, làm sao tắt được! Bần Tăng nói như vậy có nghĩa khuyên chư đạo hữu sở tại địa phương nầy, tỉnh này, cũng như địa phương khác, tỉnh khác, hãy củng cố nội bộ rèn luyện nhân cách, chỉnh đốn nhân sự, hòa hợp nhân tâm, làm được một phải nên một, được hai phải nên hai, để cho cốt cán chủ trương được vững vàng. Đó là "Tri chỉ để định, định để tịnh, tịnh để an" Khi nội bộ an rồi, muôn việc sẽ được.
      Bần Tăng nói như vậy, chư đạo hữu cần suy gẫm để mà hành đạo. Bởi con người thiếu chủ trị nội tâm nên thiên hạ bất hòa. Bởi con người thiếu tự tín tự lập nên mới ương hèn trước uy quyền của những kẻ chia phe lập đảng. Bởi các tín đồ đạo hữu sứ mạng Thiên phong không giữ tròn trách nhiệm mình trong nội tâm chí thành mới chịu nhiều khảo đảo. Biết như vậy nên quan trọng ở nội tâm trước nhứt. Có quan trọng nội tâm thì hình thức mới đáng quan trọng.
      Nay chư đạo hữu đã xây dựng về hình thức rất khả quan, thì về đạo lý cũng cố gắng tu học. Cần tu học hằng ngày để có đủ sự sáng suốt mới trắc định tâm lý nhân sinh trên đường hành đạo cứu cánh liên giao.
      Đàn nay Bần Tăng dạy mấy lời để làm món quà Trung Nguơn trong năm Nhâm Tý.
      Bần Tăng ban ơn toàn thể chư đạo hữu hiện diện nam nữ nơi đây. Tuy trong vài giờ hội ngộ, nhân duyên vẫn được ghi nhận giữa người hữu hình, người vô vi, dù hai cảnh sắc không, nếu chư đạo hữu cảm thành tắc ứng.
Thi:
Dinh hoàn tái tạo giữa kỳ ba,
Dựng lại phong cương của nước nhà;
Trách nhiệm có ai chừ gởi gấm,
Người sau kẻ trước chẳng đâu xa.
Xa thơ gồng gánh bước thiên luân,
Nên Đạo nhờ nơi một chữ thuần;
Thuần nhứt, thuần chơn, vô ngã tính,
Trên đời mới đáng mặt kinh luân.
      Nhớ lại ngày xưa Bần Tăng còn là một Thiền Sư, một Thiền Sư đã để lại ngày nay dòng lịch sử giác ngộ cho muôn dân. Nếu là hàng trí giả thức thời nên tìm hiểu sở học sở hành của cổ nhân để hướng tâm về chỗ thanh tịnh mới mong đạt được công trình kiến tạo trong nguyện vọng to tát kia. Hiểu được sẽ còn ngày tái ngộ.
Thăng.

Phần chú thích:
(1) “Đạo bất khả tu du lỵ dã” nghĩa là: Đạo chẳng nên rời xa giây phút nào.