Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Dừng lại để biết thương




Dừng lại để biết thương



         
          Cách đây vài năm, ông Daniel Goleman, một nhà tâm lý học, có kể lại một thử nghiệm do trường đại học Princeton Theological Seminary tại New Jersey thực hiện. Họ muốn tìm hiểu tại sao trong cuộc sống, chúng ta có nhiều cơ hội để giúp người khác, nhưng có lúc ta làm và có khi lại không? 
Các vị giáo sư chọn một nhóm sinh viên trong một lớp thần học, và bảo rằng mỗi người sẽ phải chuẩn bị một bài thuyết trình về một dụ ngôn trong kinh thánh.  Phân nửa số sinh viên được trao cho đề tài “Dụ ngôn người nhân hậu” (The Parable of the Good Samaritan), và số còn lại được tùy ý chọn lựa bất cứ một dụ ngôn nào khác họ muốn. Dụ ngôn người nhân hậu là một tỷ dụ, kể lại câu chuyện một người bị nạn nằm bên đường, anh ta gặp những người nổi tiếng là đạo đức và tốt đi ngang qua, họ thấy anh nhưng cố ý tránh, không ai dừng lại để giúp đở.  Cuối cùng một người xa lạ, một người nhân hậu, đã dừng lại để chăm sóc cho anh.
Và từng sinh viên một được yêu cầu đi sang lớp học trong một toà nhà bên kia đường để thuyết giảng về đề tài của mình. Trên đường đi họ gặp một người đứng gục mình bên vệ đường rên rỉ và tỏ vẽ đau đớn.  Bạn nghĩ trong số sinh viên này có ai dừng lại để giúp người ấy không? Và câu hỏi thú vị hơn nữa là những sinh viên đang sắp sửa nói về “dụ ngôn của người nhân hậu” ấy, họ có hành xử khác hơn những người khác không? Kết quả là không có một ai dừng lại để giúp cả! Và dầu trong đầu họ đang nghĩ về vấn đề “nhân hậu”, họ cũng không hành xử gì khác biệt hết!
Sau cuộc thử nghiệm này, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, nếu như ta đang bận rộn hay quá vội vã, khi ta nghĩ là mình không có thì giờ, chúng ta sẽ không quan tâm đến người khác.  Hoặc khi đầu óc ta đang suy nghĩ, chìm đắm trong một vấn đề nào đó, một công việc sắp phải làm, cho dù là một việc tốt, ta sẽ không thể dừng lại cho ai.  Những khám phá mới của khoa học ngày nay cho thấy, bản chất của chúng ta không phải ích kỷ, ngược lại rất vị tha, nhưng vì chúng ta quá bận rộn mà thôi.
Và tôi nghĩ đó cũng là vấn đề chung của chúng ta hôm nay. Thời đại ngày nay, trong chúng ta ai mà lại không bận rộn, ai mà lại có dư thì giờ đâu bạn nhỉ?  Mặc dù tôi vẫn nghĩ là thật ra chúng ta chỉ tự tìm cho mình sự bận rộn mà thôi!

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2012

Vì sao niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát được cảm ứng


Vì sao niệm danh hiệu
Quán Thế Âm Bồ Tát được cảm ứng?

Tại sao có lòng ngưỡng mộ đặc biệt như thế? Chẳng qua không ngoài uy đức lẫy lừng của Bồ Tát Quán Thế Âm và lý do cảm ứng hiển nhiên không thể chối cãi được.
Bi tâm của Bồ Tát luôn luôn hưởng ứng với khổ tâm của chúng sanh kêu cầu. Vì có Cảm tất có Ứng, theo như luật “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, nghĩa là những vật cùng một thứ tiếng thì ứng nhau (như một con gà gày thì bầy gà đều gáy), những vật cùng một khí loại thì tìm nhau (như từ thạch thì hút sắt).
Vậy mỗi khi chúng sanh lâm nạn cầu cứu thì Bồ Tát hiện thân cứu độ. Sự hiện thân của Ngài chỉ là một công dụng của lòng Đại Bi. Trong mục “Tìm hiểu Quán Thế Âm Bồ Tát” Đại đức Thích Viên Giác đã trình bày lý do cảm ứng như sau: “Khi người nào chuyên tâm chú niệm danh hiệu Ngài, tức là người ấy đã chuyên chú niệm đức tánh Từ Bi của họ. Đồng thời tin tưởng của họ cũng đã nhập vào đức tánh Từ Bi của Ngài. Đồng thời đức tánh Từ Bi của Ngài cũng giao cảm với đức tánh Từ Bi cả người ấy.”
Ví như hai luồng ánh sáng tương tiếp giao hòa với nhau thì ánh sáng tỏa khắp rộng ra giữa không gian. Nói cách khác: khi tâm tánh của chúng ta đã thanh tịnh một phút nào đó, tức thì lúc đó chúng ta đã cảm nhận được ánh sáng từ quang của Ngài chiếu vào tâm tánh của chúng ta vậy. Như biển lặng sóng ngừng thì in rõ nền trời xanh vào lòng biển cả, nước hồ thu trong thì ánh trăng thu rọi vào.
“Trăng kia vẫn bình thản và thản nhiên chiếu nhưng nước đục thì không thấy trăng, chớ không phải trăng không soi đến hồ nước đục. Trời xanh vẫn hiển hiện vào lòng bể cả, nhưng bể cả sóng dồi thì làm sao thấy được nền trời xanh quang đãng.”
“Lòng Từ Bi của Ngài không bỏ một ai, nhưng vì ai đó sóng lòng còn xao động, tâm tánh còn thiên tà, không tin tưởng, không xưng niệm danh hiệu đấng Từ Bi. Người ấy không thấy đức Từ Bi, không thoát được khổ lụy, bị tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến nhận chìm xuống biển khổ.”
Để làm sáng tỏ thêm lý do cảm ứng, xin dẫn ra một thí dụ nữa: những làn sóng điện trên không gian thường chuyển đưa tin tức do các đài phát thanh phóng ra giữa vũ trụ, nhưng ai không có máy thâu thanh tốt thì không nhận được tin tức. Nếu máy thâu thanh tốt và đài phát thanh mạnh thì bất cứ ở đâu cũng nhận được tin tức. Máy thu thanh là nhân, đài phát thanh là duyên, nhân duyên đầy đủ thì tin tức phát hiện.
Ở đây, lòng khẩn xưng niệm danh hiệu Quán Thế Âm là nhân, Bi nguyện độ sanh sâu rộng của Ngài là duyên. Nhân duyên gặp gỡ thì cảm ứng rõ ràng: hoặc mộng thấy Ngài hiện thân chỉ bảo, hoặc thấy hào quang Ngài chiếu sáng, hoặc thấy các điềm lành khác như chuyển họa thành phước, tật bệnh tiêu trừ, tai qua nạn khỏi v.v…
Chỉ có những người chí tâm thành kính xưng niệm danh hiệu mới nhận thấy rõ sự cảm ứng ấy, cũng như chỉ những máy thâu thanh tốt mới bắt được tin tức rõ ràng.
Hơn nữa, người nào thường làm việc phước thiện, không tham lam mà bố thí, không giận dữ mà nhẫn nhục, không ghen ghét mà tùy hỷ, không hẹp hòi mà bao dung, hay thương xót kẻ đau khổ, cứu giúp kẻ lâm nạn, người đó là hình ảnh của Từ Bi, của Bồ Tát, của Phật Đà, người ấy thường được hưởng phước lạc và cầu nguyện gì đều được thỏa mãn.
Trái lại, người nào tư tưởng tà vạy, ngôn ngữ bất chính, cử chỉ hung tợn, có tật chấp nê, có tánh đố kỵ, hay ganh ghét kẻ hơn mình, thường khinh rẻ kẻ bần cùng, hất hủi kẻ tàn tật, người đó chính là hình ảnh của tàn bạo, của dạ xoa, của la sát, người ấy thường chịu quả báo đau khổ và lúc lâm nạn không gặp ai cứu vớt.
Vậy muốn thoát khổ, được vui, thiết tưởng đừng gây nghiệp ác mà tạo nghiệp lành, phải bỏ lối sống vị kỷ, nếp sống hẹp hòi, nếp sống thiển cận mà tập sống vị tha, sống rộng, sống sâu, sống với bác ái, sống với Từ Bi, sống theo gương đức Quán Thế Âm Bồ Tát. 
(MK)
Nguồn: FB Địa Tạng Vương Bồ Tát