Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

Kinh Sám Hối minh họa


Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát trong Tam Kỳ Phổ Độ




ĐỨC ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT
TRONG TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Đạt Tường


I. SỰ HIỆN DIỆN CỦA ĐỨC ĐỊA TẠNG VƯƠNG
   TRONG CAO ĐÀI GIÁO
- Thuở mới lập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, vào buổi ban sơ ấy Cao Đài giáo có sử dụng một số bài kinh cúng của Phật giáo như Bát Nhã Ba La Mật Kinh,… cho nên việc cầu nguyện với chư Phật và Bồ Tát là thường xuyên.
Ngay trong năm đầu tiên – Bính Dần 1926, Đức Chí Tôn đã dạy chư vị Tiền Khai tìm thỉnh thêm kinh từ Ngũ Chi Minh Đạo.[1] Sau khi chư vị đến Minh Lý Đạo để tham khảo, trong đàn ngày 28.6 Bính Dần (06.8.1926), Đức Thái Thượng Đạo Tổ dạy quý vị bên Minh Lý:
Chư nhu phải sắm 12 cuốn Kinh Sám Hối… cho đi mời Trung, Lịch, Kỳ lại nhà chư nhu, biểu chúng nó làm lễ mà thỉnh kinh ấy.” [2]
Trong số các kinh này có bài do Đức Chuẩn Đề Bồ Tát giáng cơ ban cho, đoạn đầu như sau:
“Đầu vọng bái Tây Phương Phật Tổ,
A Di Đà Phật độ chúng dân;
Quan Thế Âm lân mẫn ân cần,
Vớt lê thứ khổ trần đọa lạc.
Đại Thánh Địa Tạng Vương Bồ Tát,
Bố từ bi tế bạt vong hồn.(...)”
Minh Lý Đạo gọi bài kinh này là Sám Cầu Siêu. Cầu siêu có nghĩa là cầu nguyện, xin cho vong linh được siêu rỗi, thoát qua cảnh đọa đày ở chốn U Minh. Theo truyền thống của nhà Phật, Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát được xem là Đấng chánh yếu có vai trò siêu độ chúng sanh.
- Qua cơ bút Cao Đài, Đức Địa Tạng Vương được nhắc đến trong việc cầu nguyện để giúp cho vong linh được siêu thoát bắt đầu hiện diện vào ngày 28.8.1926 [3] khi thân mẫu của Ngài Nguyễn Trung Hậu [4] tạ thế. Lúc đó, chư Tiền Khai lập đàn cầu Thầy hỏi về cách thức cử hành tang lễ. Hôm đó Thầy dạy:
Con Trung, con viết một lá sớ như vầy:
Lịnh Ngọc Hoàng Thượng Đế viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát hứa dữ Địa Tạng Vương Bồ Tát khả thâu chơn hồn thị… tử… nhựt… ngọat… niên, giam tại Vọng Thiên Cung.
Chờ công quả Hậu mà thăng lần lên.” [5]
Qua đây chúng ta thấy muốn cầu cho Cửu Huyền Thất Tổ được siêu thoát cần thực hiện việc đọc kinh cầu nguyện siêu độ. Trong số những Đấng Thiêng Liêng có vai trò cứu độ vong linh thì vai trò của Đức Địa Tạng Bồ Tát rất quan trọng không thể thiếu. Thời Tam Kỳ Phổ Độ, Cao Đài giáo kế thừa và phát huy truyền thống của Tam Giáo, riêng trong việc cầu siêu độ tử kế thừa tinh hoa văn hóa Phật giáo nhất là mỗi khi vào dịp tháng 7 âm lịch hàng năm lại càng làm nổi bật hình ảnh của Đức Địa Tạng Bồ Tát.
Cũng vì thế, mỗi khi cần thực hiện nghi thức cầu siêu trong các đám tang, cúng cửu cho đạo hữu Cao Đài hay cho các đẳng cô hồn hoặc chiến sĩ trận vong, v.v... thì việc hướng về Ngài để cầu nguyện không thể nào thiếu được. Mặc dầu trong nghi thức thờ phượng của Cao Đài giáo không hề có sự hiện diện của Đức Địa Tạng Vương nhưng trong các bài kinh siêu độ danh của Ngài không thể nào thiếu vắng.