Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Đôi điều chiêm nghiệm về hành trì pháp môn công trình



ĐÔI ĐIỀU CHIÊM NGHIỆM VỀ
HÀNH TRÌ PHÁP MÔN CÔNG TRÌNH
CHÁNH TUÂN
                                                                                                  
A.    DẪN NHẬP
Lâu nay chúng ta thường nghe nói rất nhiều về pháp môn Tam Công, đặc biệt là pháp môn Công quả và Công phu, còn đối với pháp môn Công trình lại ít khi được nghe nhắc đến, hoặc nếu được đề cập đến thường cũng nói rất chung chung ở tầm vĩ mô mà ít khi nói đến những điều căn bản nhất, cốt lõi nhất, ở mức độ tế vi nhất nên chúng ta rất khó hình dung và hiểu được rốt ráo diệu dụng của pháp môn Công trình để từ đó giúp cho việc hành trì pháp môn này có được một kết quả tu tiến nhất định cho chính bản thân mình.
Nếu như pháp môn Công quả giúp giải trừ những oan khiên nghiệp chướng, trả nợ tiền kiếp; Pháp môn Công phu giúp chế ước được lòng tà, trí huệ được sáng suốt, giải thoát tâm linh thì pháp môn Công trình chính là giúp chúng ta tránh gây thêm nghiệp chướng ở kiếp hiện tại cũng như  đóng góp một vai trò đặc biệt quan trọng giúp chúng ta thực hiện pháp môn Công quả và Công phu đạt được kết quả rốt ráo sau cùng.
Do vậy, để tìm hiểu được vai trò đặc biệt quan trọng của pháp môn Công trình đối với đời sống tu học của mỗi người như thế nào, chúng ta hãy cùng nhau có đôi điều chiêm nghiệm về việc hành trì pháp môn Công trình.
B.     NỘI DUNG
I.      KHÁI LƯỢC VỀ PHÁP MÔN CÔNG TRÌNH
Công trình theo nghĩa thông thường là một chuỗi cố gắng nỗ lực thực hiện một việc gì đó để đạt được một thành quả sau cùng. Đối với đạo Cao Đài, công trình là rèn luyện bản thân hoàn thiện chính mình, để đạt được một thành quả tốt đẹp, có được cái tâm trong sáng. Phương châm thực hiện công trình có thể được tóm tắt trong những từ như khắc kỷ, tu thân, trì giới, tự kiểm, kiên nhẫn, trì thủ, hy sinh, nhẫn nhục, tinh tấn… Khắc kỷ, tu thân là tự kiềm chế bản thân không để cho cái ta kiêu căng, sân hận, si mê, dục vọng nổi lên, chính mình phải làm chủ con người của mình, biết phần nào là bản năng phàm ngã, phần nào là thiên tánh để ngày càng tự hoàn thiện lấy chính mình theo hướng chân, thiện, mỹ.
Trong Kinh Tam Thừa Chơn Giáo, Thầy có dạy về Pháp môn Công trình như sau:
“… Bước “Công Trình” hội dự nữ nam;
Thì giờ rỗi rảnh con làm,
Dạy nhau lập chí lần đam đức hiền.
  Bỏ thói xấu tư riêng tật đố,
Dạy cho nhau yếu tố yêu thương;
Bỏ đi những nỗi cang cường,
Dạy truyền hòa nhẫn nêu gương thuận tùng.
Bỏ những lúc nhàn dung đôi mách,
Dạy từng lời tư cách tiếp giao,
Bỏ xa thế lực phú hào,
Dạy tôn phẩm vị đặt vào nhơn phong.
Bỏ lối nói dài dòng tục tĩu,
Dạy học lời êm dịu thanh bai;
Bỏ khi lêu lỏng chiều mai,
Dạy nên cần mẫn giồi mài điểm linh…”
(Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Tý thời, 17 tháng 8 Canh Tý (07-10-1960) [Tam thừa Chơn Giáo, Quyển Tiều Thừa, bài Tam Công])
 II. ĐÔI ĐIỀU CHIÊM NGHIỆM VỀ HÀNH TRÌ PHÁP MÔN CÔNG TRÌNH
Đức Quan Thế Âm Bồ Tát khi dạy về Pháp môn Tam công, Ngài đã so sánh pháp môn Tam công của Đạo Cao Đài không khác gì so với pháp môn Lục độ Ba la mật của Phật giáo Đại thừa. Nghĩa là Pháp môn Công quả tương ứng với Bố Thí (Gồm Tài thí, Vật thí, Pháp thí và Vô úy thí), Pháp môn Công trình tương ứng với Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn và pháp môn Công phu tương ứng với Thiền định, Trí huệ ba la mật của Phật giáo.
1.  TRÌ GIỚI:
Trì giới là làm theo đúng với các điều răn cấm mà Ơn trên đã chỉ dạy, không vì danh lợi, không vì háo thắng, không vì bị hoàn cảnh ép buộc mà trì giới phải xuất phát từ lòng tự giác với mong cầu ngày càng hoàn thiện bản thân không ngừng. Giới luật giống như chiếc hàng rào giúp chúng ta đi đúng đường lối, tránh nhầm đường lạc lối để rồi phải gây thêm nghiệp chướng oan khiên trong kiếp sống hiện tại.
Thông thường chúng ta chỉ nhận biết được mình đã phạm giới là khi mình đã vi phạm những lỗi nào đó cụ thể nhất, rõ ràng nhất, “to lớn” nhất hoặc dễ nhận biết nhất so với những quy định của giới cấm mà rất ít khi chú ý đến những điều hết sức nhỏ nhặt và tế vi nhất. Chính những điều nhỏ nhặt và tế vi nhất này đã khiến cho chúng ta phạm giới tự lúc nào mà mình không hề hay biết!
Khi nói về trì giới thì điều căn bản nhất là chúng ta phải giữ được Ngũ giới cấm. Chúng ta hãy cùng nêu lên một vài thí dụ để chiêm nghiệm về việc hành trì Ngũ giới cấm.
- Nhứt bất sát sanh (tương ứng với đức Nhân): Bất sát sanh là chẳng nên sát hại sanh vật. Giả sử một con muỗi đốt chúng ta, nếu chúng ta chỉ thuộc lòng lý thuyết về giới cấm thứ nhất thì chúng ta sẽ dừng lại ở mức độ là mình đuổi con muỗi đi với suy nghĩ là giữ giới cấm này là không nên giết hại sanh vật. Tuy nhiên nếu chúng ta hiểu được tất cả chúng sanh đều con chung của Đức Thượng Đế Chí Tôn, tất cả cũng đều cần có sự sống và tình thương yêu, việc hút máu người của con muỗi cũng chỉ là thực hiện theo bản năng sinh tồn của nó mà thôi. Có nhận thức được như vậy thì việc giữ giới cấm sát sanh sẽ xuất phát từ tấm lòng từ bi, lòng yêu thương chân thành  đối với tất cả chúng sanh của mỗi người, đây chính là kết quả cốt lõi sau cùng có được từ việc hành trì giới cấm sát sanh.
- Nhị bất du đạo (tương ứng với đức Nghĩa): Thông thường chúng ta chỉ nhận biết được mình hay người khác phạm giới cấm du đạo là vì đã vi phạm những gì to tát, cụ thể nhất như trộm cắp, cướp giựt của người khác mới cho là phạm giới cấm này. Nếu chỉ dừng ở mức độ này thì rất nhiều người trong chúng ta luôn tự nhủ rằng mình sẽ không bao giờ vi phạm giới cấm này cả. Tuy nhiên nếu chúng ta chiêm nghiệm thật kỹ những điều nhỏ nhặt và tế vi hơn thì chúng ta sẽ giật mình vì lâu nay mình đã “vô tình” phạm phải giới cấm này rất nhiều lần mà mình không hề hay biết. Chẳng hạn như vì sợ tốn tiền cá nhân mà chúng ta đã “âm thầm” sử dụng điện thoại bàn, máy in, xe ô tô hoặc bất cứ tài sản nào khác của Cơ quan, Công ty của mình vào các mục đích riêng tư, cá nhân, thậm chí ngay cả việc chúng ta chỉ sử dụng các tài sản này để phục vụ cho việc công ích như dùng cho việc Đạo hay bất kỳ việc từ thiện nào khác; Âm thầm lấy một số vật dụng không có giá trị cao của cơ quan, công ty đem về nhà sử dụng rồi không hoàn trả; Thường xuyên chiếm dụng thời gian làm việc tại Cơ quan, Công ty để làm việc riêng tư; Lãng phí, không có ý thức tiết kiệm tài sản của Cơ quan, Công ty; Mượn sách, tài liệu, Thánh ngôn Thánh giáo, Thánh kinh hiền truyện… của một ai đó nhưng khi đọc thấy hay quá nên mình lại cố tình “quên” không hoàn trả lại cho chủ nhân; Mua hàng biết mình đã nhận được tiền thối thừa nhưng không chịu trả lại cho người bán (dù thừa chỉ vài ngàn đồng) hoặc mua hàng quên chưa trả tiền rồi về đến nhà mới nhớ nhưng không đến trả lại cho người bán hoặc mua hàng thiếu nợ dù nhớ nhưng không thấy người bán đòi nợ thì mình cũng giả đò “quên” luôn… Những lỗi này thoạt xem qua chúng ta thấy rất nhỏ nhặt, không có gì to tát cho lắm để có thể làm ảnh hưởng nguy hại đến kết quả tu tiến của mình. Tuy nhiên, trong kinh Sám Hối, Ơn trên đã có lời răn dạy:
“Thấy lỗi mọn chớ nghi chẳng hại,
Thường dạn làm tội lại hằng hà;
Vì chưng tựu thiểu thành đa,
Họa tai báo ứng chẳng qua mảy hào”.
Chúng ta biết rằng, nếu thực hiện được tốt giới cấm du đạo thì chúng ta sẽ diệt trừ dần được tâm Tham (trong tam độc Tham, Sân, Si), từ đó chúng ta cũng sẽ tự nhiên có được đức tính trung thực, ngay thẳng và chánh trực.
Nói đến tâm Tham thì ngoài một số sự việc được nêu ở phần trên thì chúng ta cũng có thể nêu thêm một vài thí dụ khác cho thấy của sự tế vi do bản tính Tham gây nên, đó là: Trong lúc ăn uống, chúng ta thường xuyên lựa chọn những món ăn ngon nhất có trên bàn ăn để gắp bỏ cho riêng mình mà không cần quan tâm đến những người ngồi xung quanh mình có được thưởng thức những món ăn đó hay chưa; Hoặc trường hợp có 3 người nằm ngủ chung trên 1 chiếc giường chỉ giăng một cái mùng nhỏ, bên ngoài lại có thật nhiều muỗi. Nếu mình vào nằm trước mà chủ động dành phần chính giữa để tránh bị muỗi đốt thì mình sẽ là người ích kỷ, sống chỉ biết có riêng mình mà chưa nghĩ đến người khác; Vấn đề văn hóa xếp hàng vẫn chưa được thể hiện đúng mực như khi xếp hàng vào bãi giữ xe, làm hồ sơ giấy tờ, khám chữa bệnh, nhận hàng cứu trợ … đôi lúc chúng ta là người đến sau nhưng lại muốn chen ngang dành chỗ với người đến trước hoặc lạm dụng đến mối quan hệ quen biết, thậm chí còn có một số hành động tiêu cực khác để mình được ưu tiên hơn những người khác; Đi đến ngã tư gặp đèn đỏ, nếu quan sát không thấy cảnh sát giao thông và đường vắng người là mình cố tình vượt đèn đỏ chứ không nghiêm chỉnh chấp hành đúng luật lệ giao thông; Hoặc mỗi khi được phân công gánh vát đạo sự hay một công việc nào đó thì chúng ta thường ngại khó, luôn tìm cách lựa chọn những phần việc nhẹ nhàng, ít trách nhiệm về mình. Luôn sử dụng mọi cách thối thác để đẩy những việc khó khăn, trách nhiệm về cho người khác (mặc dù trong thực tế  biết rất rõ là mình hoàn toàn có đủ khả năng và điều kiện để có thể  thực hiện được công việc đó); Hoặc thỉnh thoảng chúng ta cũng bắt gặp một số người rất hăng hái nhận lãnh trách nhiệm trước lãnh đạo cấp trên, mỗi khi có cấp trên chứng kiến thì làm như thể là siêng năng, tận tâm, chu đáo trong công việc lắm nhưng khi cấp trên vắng mặt thì luôn tỏ ra so bì, hơn thua, nói xấu, chê bai người này người nọ đủ điều và mỗi khi được phân chia lợi ích thì lại luôn đấu tranh dành quyền lợi về cho mình cho bằng được; Hoặc làm công quả lại luôn có vọng cầu là mình sẽ mong được hưởng thật nhiều phước đức sau này …
Nói chung là hễ chúng ta làm bất cứ điều gì mà không chánh nghĩa và có yếu tố gian tham trong đó đều phạm giới cấm du đạo. Do vậy để không phạm phải giới cấm này, chúng ta nên hạn chế tối đa để tránh phải mắc nợ bất cứ ai và bất cứ điều gì. Hễ thọ ân thì mình phải luôn ghi nhớ và tìm cách báo đáp lại bằng cách trực tiếp hay gián tiếp mỗi khi có cơ hội. Giả dụ như chúng ta được khám bệnh, kê toa tại phòng khám từ thiện thì mình cũng nên hoặc là trực tiếp công quả lại số chi phí mà mình đã được thọ nhận từ phòng khám từ thiện đó hoặc gián tiếp giúp đỡ  bất kỳ một ai khác mỗi khi mình có cơ hội.
- Tam bất tà dâm (tương ứng với đức Lễ): Sắc dục là một mối giặc vô cùng nguy hiểm và rất khó kiểm soát mỗi khi nó trỗi dậy trong chính bản thân mỗi người. Để hành trì tốt giới cấm này, chúng ta hãy cùng chiêm nghiệm câu chuyện “Thiền Sư và cô lái đò” để giúp cho mình có được một học được một bài học tịnh tâm, vượt qua được những cám dỗ sắc tướng bên ngoài luôn tác động, chi phối khiến cho lục dục thất tình lúc nào cũng sẳn sàng khuấy đảo bên trong nội tâm của chính mình:
Một hôm, một Thiền sư phải qua sông. Sư bước lên một chiếc đò của một cô lái đò thật xinh đẹp.
 Đò cập bến cô lái đò thu tiền từng người. 
Sau hết đến nhà sư. Cô lái đò đòi tiền gấp đôi. 
Nhà sư ngạc nhiên hỏi vì sao?
Cô lái đò mỉm cười:
- Vì Thầy nhìn em.
Nhà sư nín lặng trả tiền và bước lên bờ.
Một hôm nhà sư lại qua sông. Lần nầy cô lái đòi tiền gấp ba.
Nhà sư hỏi vì sao?
Cô lái đò cười bảo:
- Lần nầy Thầy nhìn em dưới nước.
Nhà sư nín lặng trả tiền và bước lên bờ.
Lần khác nhà sư lại qua sông.
Vừa bước lên đò nhà sư nhắm nghiền mắt lại đi vào thiền định.
Đò cập bến cô lái đò thu tiền gấp năm lần.
Nhà sư hỏi vì sao?
Cô lái đò đáp:
- Thầy không nhìn nhưng còn nghĩ đến em.
Nhà sư trả tiền và lên bờ.
Một hôm nhà sư lại qua sông.
Lần nầy nhà sư nhìn thẳng vào cô lái đò.
Đò cập bến, nhà sư cười hỏi lần nầy phải trả bao nhiêu?
Cô lái đò đáp:
- Em xin đưa Thầy qua sông, không thu tiền.
Thiền sư hỏi:
- Vì sao vậy?
Cô lái đò cười đáp:
- Thầy nhìn mà không còn nghĩ tới em nữa. Do vậy em xin đưa Thầy qua sông mà thôi.”
- Tứ bất tửu nhục (tương ứng với đức Trí): Tuy không phải thuộc diện “đệ tử lưu linh” nhưng thỉnh thoảng chúng ta vẫn phạm phải giới cấm tửu nhục, đó là mỗi khi tham dự các buổi liên hoan tiệc tùng, đám giỗ… nếu mình bị những người xung quanh nói khích và trong người vốn sẳn đã có chút “tửu lượng” thì chúng ta cũng thể hiện “đẳng cấp” của mình là liên tục nâng ly cạn chén cho xứng mặc anh tài. Có thể không bị say đến mức độ không còn biết gì nữa nhưng như thế chúng ta cũng đã phạm phải giới tửu nhục rồi vậy.
- Ngũ bất vọng ngữ (tương ứng với đức Tín): Khi giữ được giới cấm vọng ngữ sẽ giúp cho chính bản thân mình tránh gây thêm nhiều khẩu nghiệp. Sau đây chúng ta hãy cùng thử nêu ra một vài thí dụ khiến cho mình phạm giới vọng ngữ.
Trên thực tế cũng đã diễn ra một sự kiện có thật nếu suy ngẫm thật kỹ thì với 2 cách nói khác nhau nhưng một cách sẽ khiến mình phạm giới trong khi đó cách nói còn lại thì không phạm giới vọng ngữ. Sự kiện đó là: Một hôm có một vị sư đến khám bệnh tại phòng mạch của một vị bác sỹ. Sau khi khám  bệnh và kê toa thuốc xong, vị bác sĩ ấy nói với nhà sư rằng: “Thông thường thì cháu lấy giá khám bệnh mỗi ca như vậy là 500 ngàn đồng nhưng vì sư là nhà tu hành, khó khăn nhiều về tài chính nên cháu chỉ lấy tiền thuốc có 300 ngàn đồng thôi ạ”. Tuy nhiên giá trị thực tế của toa thuốc đó chỉ là 100 ngàn đồng mà thôi. Do vậy để tránh phạm giới cấm vọng ngữ thì vị bác sĩ ấy nên nói lại một cách trung thực hơn: “Vì sư là nhà tu hành nên cháu sẽ giảm 40% giá trị thực tế của ca khám chữa bệnh này” (500 ngàn đồng sau khi giảm đi 40% sẽ còn lại 300 ngàn đồng).
+ Chúng ta không nên nói xấu sau lưng người khác mặc dù những lời nói ấy có thể hoàn toàn  phản ánh đúng với những gì đã diễn ra trong thực tế. Chúng ta biết rằng thành ngữ có câu “tam sao thất bổn” nên mỗi khi chúng ta nói xấu người nào thì một sẽ đồn ra hai, hai sẽ đồn ra ba… và không biết sẽ dừng lại ở mức độ nào. Suy cho cùng thì người bị nói xấu sẽ bị tổn hại uy tín và danh dự một cách rất nghiêm trọng, thậm chí có khi đưa người ấy vào bước đường cùng, không còn lối thoát; Hoặc thỉnh thoảng chúng ta cũng thường nghe mọi người nói xấu người khác sau lưng họ, tuy nhiên chúng ta không những không can ngăn, bênh vực cho người bị nói xấu đó mà còn hùa theo, thậm chí “châm thêm dầu vào lửa” nữa hoặc tuy im lặng nhưng  trong lòng lại rất hân hoan tỏ vẻ đắc ý “thỏa mãn” mỗi khi được nghe người khác nói xấu về những người mà mình không ưa thích.
+ Giữ đúng lời hứa: Một khi đã hứa với ai điều gì thì mình phải hết sức cố gắng thực hiện cho kỳ được lời hứa đó trên tinh thần trách nhiệm cao nhất. Nếu như gặp phải nguyên nhân khách quan bất khả kháng khiến mình không thể hoàn thành được lời hứa ấy thì phải báo sớm để người giao việc cho mình kịp thời xoay trở, tránh làm hỏng việc đại sự chung. Trong thực tế Chánh Tuân cũng đã từng gặp phải trường hợp là có một lần gọi điện thoại di động cho một người quen lái taxi chở mẹ ra ga để lên tàu về quê, đến giờ hẹn chưa thấy taxi đến nên đệ đã gọi điện hỏi thăm thì anh ấy trả lời là “anh sắp đến rồi!”, 15 phút sau, thậm chí đến 30 phút sau vẫn nhận được câu trả lời giống y như vậy. Đến lúc này thì Chánh Tuân đã không còn đủ kiên nhẫn để tiếp tục chờ đợi nữa mà phải gọi điện cho một hãng taxi khác đến chở đi. Rất may mắn là chiếc taxi thứ hai sau khi đưa mẹ ra đến ga, vừa bước lên tàu là đã đến đúng giờ lăn bánh, trong khi đó anh tài xế taxi ban đầu vẫn “bặt vô âm tín”;
+ Khi đang trình bày một đề tài giáo lý có vấn đề nào đó khó hiểu, chưa thuyết phục mà có một đạo hữu yêu cầu phân tích rõ hơn, nếu chưa biết hoặc chưa nắm vững vấn đề đó thì chúng ta nên khiêm tốn thừa nhận là mình chưa biết để tiếp tục học hỏi và nghiên cứu thêm chứ đừng tự ái sợ bị chê bai mà trả lời càng, không chính xác, điều này có thể sẽ gây ra một hậu quả rất nguy hại.
+ Chúng ta thích chạy theo thành tích nên trong các báo cáo thường nâng số lượng và chất lượng so với những gì đã diễn ra trong thực tế. Thí dụ số người đã tham gia một Hội nghị hay công việc nào đó chỉ có 20 người, nhưng khi báo cáo chúng ta lại sợ bị phê bình nên đã nâng lên 30 thậm chí 50 người để được cấp trên khen và lấy thành tích.
2. NHẪN NHỤC:
Nhẫn nhục là sự chịu đựng mọi việc với tâm tha thứ, không nhu nhược cũng không nuôi sự  oán giận, ganh ghét trong lòng. Đối với người tu thì nhẫn nhục còn nhắm vào mục đích trau dồi lòng từ bi và hỷ xả. Có nhẫn nhục mới làm nên được việc lớn, hành đạo mới đến nơi đến chốn. Nhẫn nhục trước hết phải do ý muốn diệt trừ lòng sân hận, kiêu mạn, tất đố, tự ái cá nhân… Chúng ta cũng cần phân biệt rõ đâu là nhẫn nhục, đâu là thâm hiểm, đâu là nhu nhược, yếu đuối, cầu danh, cầu lợi, nịnh bợ… Do vậy, khi gặp trường hợp bên ngoài trầm tĩnh chúng ta phải xét nội tâm bên trong để đánh giá.
Trong thực tế cuộc sống, chúng ta thỉnh thoảng gặp những trường hợp tương tự như nhẫn nhục nhưng thực chất đó là người không có lòng tự trọng, vì cầu danh lợi nên chịu hèn kém, nịnh bợ luồn cúi. Chẳng hạn, có người thấy người khác giàu sang bèn lân la kết thân. Khi người giàu tỏ ra khinh thường, sai làm hết việc này sang việc khác, thậm chí chửi mắng, họ cũng cười trừ coi như chẳng có gì quan trọng. Như vậy, không thể gọi là nhẫn nhục mà đó là cầu cạnh, luồn cúi, nịnh bợ; Khi thấy người thế cô tật nguyền bị thua thiệt, hiếp đáp mà mình lại “im lặng”, không có đủ dũng khí để bảo vệ và bênh vực cho họ; Hoặc khi lầm lỗi, được mọi người góp ý nhưng chúng ta vẫn cứ trơ ra, không biết hối hận, không biết sửa lỗi, vẫn tiếp tục tái phạm. Đó cũng không phải là nhẫn nhục mà gọi là trơ lì. Nhẫn nhục đúng nghĩa của nó là không có sự cầu danh, cầu lợi, không mong muốn điều gì cho riêng mình mà luôn nghĩ đến cái ích lợi chung, vì mình không muốn cuộc đời là một đấu trường, một bãi chiến, một lò lửa của sân hận để rồi phải đốt thiêu tất cả.
Khi rèn luyện được đức tính nhẫn nhục chúng ta sẽ có được hạnh khiêm cung, giảm dần được bản ngã tư tâm, phá chấp và diệt trừ dần được tâm sân si. Nếu chưa có được đức tính nhẫn nhục thì chúng ta sẽ trở nên chấp tướng, kiêu căng, ngã mạn, cái ta lúc này trở nên thật là to lớn! Chúng ta hãy cùng chiêm nghiệm về những  sự kiện đã diễn ra trong cuộc sống do cái ta ngã mạn quá lớn đã gây nên những hệ lụy nhất định để từ đó cố gắng rèn luyện cho bằng được đức tính nhẫn nhục.
+ Hạnh khiêm cung và giảm dần bản ngã tư tâm:
Trong thực tế thỉnh thoảng  chúng ta cũng đã từng chứng kiến trường hợp có một đạo hữu cúi đầu chào hỏi thăm một vị chức sắc cao cấp của một Hội Thánh nào đó thì được vị chức sắc này đáp lại lời chào ấy bằng một cách rất chiếu lệ, thậm chí đôi khi vị chức sắc ấy lại quay  mặt nhìn đi nơi khác không cần chào hỏi lại; Chúng ta tự xét lại mình xem mình đã từng có lần nào tỏ thái độ khinh khi, xem thường hoặc thậm chí gièm pha những người lang thang cơ nhỡ, tàn tật, nghèo khó, không có địa vị trong xã hội… hay chưa? Nếu có thì chúng ta nên sửa đổi, hãy dành cho họ một sự tôn trọng chân thành nhất xuất phát từ tận đáy lòng mình và cảm thông thật sự cho hoàn cảnh của họ; Vào phiên cúng tứ thời có một vị chức sắc nào đó vào dâng lễ trễ, bên trên đã chật kín chỗ quỳ nhưng vị chức sắc ấy vẫn tiến lên phía trước để tìm cho mình một chỗ quỳ cho đúng với phẩm vị của mình thay vì khiêm tốn âm thầm quỳ ở phía sau; Mình là người tu hành lâu năm, trong lòng lại có tham vọng muốn được thăng nhanh phẩm vị để được kẻ thưa người trình nên đã tìm mọi cách thể hiện cái tài của mình và lấy lòng cấp trên để được chú ý bổ nhiệm vào các vị trí mà mình hằng mong ước…
Chúng ta biết rằng hễ người đức hạnh càng cao thì hạnh khiêm cung, sự kính trọng người khác càng được thể hiện rõ nét nhất. Chánh Tuân đã từng nghe qua một giai thoại kể về đức tính khiêm cung của Đạo Trưởng Ngọc Chánh Phối Sư  Huệ Lương Trần Văn Quế, lúc bấy giờ Ngài là chủ trưởng của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài như sau: Một hôm nọ Ngài đến viếng tang một vị nữ đạo hữu vừa mới liễu đạo. Ngài đã vào dâng hương và quỳ lạy trước linh cửu của người đạo hữu này. Lúc này có một người tháp tùng đi theo ngạc nhiên hỏi tại sao Ngài đương kim là một vị Chánh Phối Sư, là chủ trưởng của cả một Hội Thánh mà lại quỳ lạy một người đạo hữu vô danh như vậy thì được Ngài trả lời là tuy phẩm vị có lớn có nhỏ song Chơn Linh thì đồng hóa sanh từ đấng Cha Lành Thượng Đế mà ra, mà đã là Chơn Linh thì  chưa biết ai lớn hơn ai nên Ngài quỳ lạy chính là lạy chính Chơn Linh của vị đạo hữu ấy vậy.
Chúng ta hãy cùng chiêm nghiệm câu truyện “Ý vị phương Đông” để hiểu thêm về giá trị của việc giảm dần bản ngã tư tâm: “Truyện kể rằng, có một vị thống đốc Kyoto nghe tiếng thiền sư Keichu nên mới đến viếng thăm. Người thị giả trình tấm danh thiếp của viên thống đốc, trên đó ghi: “Kitagaki, Thống đốc Kyoto”. Thiền sư Keichu bảo người thị giả: “Ta chẳng liên quan gì đến người này. Bảo ông ta rời khỏi đây ngay”.  Người thị giả mang trả tấm danh thiếp với lời xin lỗi. Viên thống đốc nói: “Đó là lỗi của tôi”. Rồi ông ta lấy bút chì gạch bỏ ngay dòng chữ “Thống đốc Kyoto” và nói: “Xin thưa lại với sư phụ lần nữa”. Lần này, thiền sư vừa nhìn thấy tấm danh thiếp đã kêu lên: “Ồ, là Kitagaki đó sao? Ta muốn gặp ông ta.” (Lời bình: ở đây ta bắt gặp hai tinh thần THIỀN lớn, đó là: Thiền sư Keichu không vì hai chữ “thống đốc” mà gợn sóng lòng. Còn mang hai chữ “thống đốc” là còn mang danh, là còn chưa buông bỏ được, là còn chưa nói chuyện với nhau được. ĐẠO KHÔNG ĐỒNG THÌ KHÓ NÓI CHUYỆN VỚI NHAU ĐƯỢC.  Thống đốc Kitagaki cũng thật đáng khen. Ngài kịp nhận ra lỗi lầm của mình “CHƯA TẨY TRẦN MÀ MUỐN GẶP PHẬT”, cho nên tự giác sửa chữa. Tinh thần buông bỏ danh vị “thống đốc” để chỉ còn là Kitagaki xin gặp thiền sư chính là tinh thần của đốn ngộ thành Phật vậy!)
+ Phá chấp:
Khi nói về vấn đề chấp tướng thì thỉnh thoảng chúng ta bắt gặp một số vị tu theo pháp môn tâm pháp Thượng thừa thì họ thường quan niệm là không nên tiếp xúc với những người chết (ngay cả với những người thân tộc ruột rà với họ) vì sợ bị nhiễm uế trược; Hoặc họ chỉ đặc biệt coi trọng pháp môn công phu (Phần thiên đạo), còn pháp môn công trình và công quả  (phần nhơn đạo) họ lại khá xem nhẹ và ít quan tâm đến. Thí dụ, trong lúc cha mẹ mình đang ốm đau bệnh tật, già cả neo đơn, có hoàn cảnh thật khó khăn không nơi nương tựa hoặc con cái chưa trưởng thành, bữa đói bữa no nhưng bản thân họ lại không lo báo hiếu và thực hiện bổn phận, trách nhiệm đối với gia đình mình mà lại bỏ vô chùa tu, bên ngoài ai khổ đau mặc kệ. Chúng ta biết rằng Đạo không dạy chúng ta phải xa lánh cuộc đời vì chúng ta là một nhân sanh trong cuộc đời, đã sống trong cộng đồng xã hội thì chúng ta đã cùng cộng hưởng thọ ân biết bao nhiêu điều từ nhơn quần xã hội  như công ơn dưỡng dục và sinh thành của cha mẹ, công người trồng dâu nuôi tằm, dệt vải để có áo quần cho ta mặc, công người trồng lúa để có gạo cơm cho ta ăn… Xét về phần nhơn đạo thì hễ thọ ơn thì mình phải biết trả ơn cho đời (Làm tròn nhơn đạo). Nhơn đạo chưa tròn thì mong gì thành Thiên đạo. Ơn trên đã từng dạy trên Thiên đình không có một vị Phật, Tiên, Thánh, Thần nào còn bất nhân bất nghĩa cả (nghĩa là nếu vị nào chưa làm tròn nhơn đạo thì không thể nào đắc quả được). Hơn nữa xưa nay tất cả các vị Phật, Tiên, Thánh, Thần luôn xem việc làm công quả cứu thế độ đời là việc làm vô cùng hệ trọng và luôn xuất phát từ tấm lòng từ bi vô lượng của các đấng Thiêng Liêng chứ không phải các đấng sau khi đắc quả rồi chỉ biết có hưởng thụ cho riêng mình là ngao du sơn thủy mà không động lòng cứu khổ chúng sanh. Chúng ta thấy rất rõ điều này qua đại nguyện của 2 vị Bồ Tát Quan Thế Âm và Bồ Tát Địa Tạng: Đức Quan Âm Bồ Tát có lời nguyện khi nào chúng sanh hết khổ thì mới nhận quả vị Phật và Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát cũng có lời nguyện khi nào địa ngục hết vong hồn sa vào thì mới nhận quả vị Phật. Qua đó cũng đủ cho chúng ta thấy được tuy công đức của các Ngài đã thật sự là vô lượng vô biên rồi nhưng với tấm lòng từ bi luôn xót thương đến tất cả chúng sanh đang mãi đắm chìm trong biển khổ sông mê chưa biết đâu là bờ giác nên 2 vị Bồ Tát mới có lời nguyện thật vĩ đại như vậy! Huống gì như mỗi huynh tỷ đệ muội chúng ta, tài còn hèn, đức còn kém mà không lo bòn mót công quả, vun đắp công trình cho thật vững bền trong kiếp sống hiện tại cũng như trong tương lai sau này;
Mỗi khi viết đề tài giáo lý gì thì chúng ta chỉ khăng khăng sử dụng có một nguồn Thánh giáo của Hội Thánh mình mà thôi, còn những nguồn Thánh Giáo khác mặc dù đã được cơ quan Hiệp Thiên Đài của các Hội Thánh đó phê duyệt hợp lệ, những lời dạy rất phong phú và rất phù hợp với đạo lý nhưng chúng ta lại chấp tướng cho rằng những nguồn Thánh giáo này không phải của Hội Thánh mình nên mình không sử dụng;
Đôi khi chúng ta bắt gặp một số huynh tỷ thường tỏ thái độ chê bai rằng các tôn giáo khác hiện nay đã thất chơn truyền rồi, chỉ có duy nhất Cao Đài giáo mới là chánh đạo nên thường tỏ vẻ xem thường tôn giáo họ. Nếu như chúng ta nghiên cứu kỹ giáo lý của các tôn giáo của họ thì vẫn có rất nhiều lời dạy tuy cách diễn giải khác nhau nhưng về ý nghĩa thì cũng tương đồng như giáo lý của Cao Đài giáo mà thôi. Do vậy chúng ta không nên phân biệt ta người, hãy cùng nhìn nhận tất cả đều là con chung của một Đấng Cha lành, tất cả đều là “hóa thân” của Thượng Đế (chi này phái nọ, tôn giáo nọ tôn giáo kia…) để thế gian này có thêm thiên hình vạn trạng, ngàn giống muôn tên, tất cả cũng chỉ là phương tiện để phục vụ cho cơ tiến hóa chung của nhơn loại mà thôi chứ chúng ta không nên chấp vào những hữu vi sắc tướng ấy mà cứ mãi lo đấu tranh cho sự hơn thua, tốt xấu, hay dở…
+ Về tâm sân si:
Trong các buổi họp tại Thánh Thất hay Hội Thánh thỉnh thoảng có diễn ra các tranh luận. Đôi khi chỉ có một lời nói sốc nhẹ của một vị đạo hữu nào đó cũng đủ khiến cho cuộc họp dần trở nên căng thẳng, nếu như không được hóa giải kịp thời thì tình trạng sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn như xảy ra lớn tiếng qua lại,  không ai chịu nhường nhịn ai cả, thậm chí còn khua tay múa chân…; Hoặc nếu chúng ta đã từng có cái nhìn không mấy thiện cảm, ganh ghét, đố kỵ về một ai đó thì ít khi nào chúng ta tự mở lòng để hóa giải các hiểu lầm này, ngược lại đôi khi sự việc ngày càng nên trầm trọng hơn. Do vậy để giúp cho tâm bớt sân si hơn, mỗi chúng ta hãy luôn tập rèn đức tính nhẫn nhục cho thật nhuần nhuyễn. Chẳng hạn như nếu có người chửi mắng, trước khi phản ứng lại ngay thì mình phải thật bình tĩnh tự nghĩ rằng: Mình có làm điều gì sai quấy không? Nếu có, thì mình bị sỉ nhục là phải, mình nên cảm ơn người đã dạy mình một bài học có giá trị như vậy! Nếu mình trong trắng, thì những lời sỉ nhục ấy có dính líu gì đến mình đâu, mà phải khổ tâm nghĩ đến làm chi vậy?; Hoặc khi chúng ta đánh hỏng một quả phát bóng khi đang chơi thể thao như cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền…, để tránh phát sinh giận dữ và tự trách bản thân mình sao đánh bóng tệ quá như vậy thì mình nên suy nghĩ một cách thoáng hơn là “À, việc chơi bóng chỉ là luyện tập thể dục thể thao thôi chứ có thi đấu hơn thua gì đâu mà phải giận dữ và tự trách mình đến mức độ nghiêm trọng quá như vậy?”; Hoặc mình đang không thích một huynh đệ nào đó thì cho dù có một đạo sự nào đó rất phù hợp với sở trường của huynh đệ ấy nhưng vì lòng đố kỵ, tự ái cá nhân mà mình lại giao việc đó cho một người khác chỉ vì người này chiếm được cảm tình của mình (dù biết rất rõ rằng công việc đó sẽ không phù hợp với người này). Chi bằng chúng ta hãy cố gắng hỷ xả bỏ qua, vui vẻ cộng tác với những người mình không ưa thích để cùng nhau xây dựng tình huynh đệ Cao Đài, hóa giải những hiểu lầm vốn có từ trước; Hoặc trên thực tế cũng có một vài đạo hữu bị xảy ra mâu thuẫn hoặc bị hiểu lầm với một số chức sắc, chức việc có trách nhiệm tại Thánh Thất hoặc Hội Thánh nên mỗi khi quý đạo hữu này về nhà Thánh luôn cảm thấy có một khoảng cách nhất định cũng như phải chịu đựng một bầu không khí khá nặng nề tại nhà Thánh nên họ dần dần xa lánh nơi nhà Thánh thân yêu thuở nào. Do vậy các vị chức sắc, chức việc có trách nhiệm nên hỷ xả, cảm thông, gần gũi, thăm hỏi, hóa giải những mâu thuẫn và hiểu lầm vốn có từ trước để giúp họ giữ vững được đức tin với Thầy, với Đạo.
 3. TINH TẤN
Tinh tấn tức là luôn có tinh thần cầu tiến một cách chân thành, không vì dục vọng mà chính là vì biết mình nhiều tội lỗi, nên quyết tâm sửa chữa, thấy mình cần giải thoát khỏi luân hồi sanh tử, nên phải chuyên cần tu luyện. Người có tinh tấn thì dù ở giữa đám đông người hay ở một mình, dù có người nhắc nhở kiểm soát hay không, dù đạt được quả vị cao hay thấp … cũng không bao giờ thay đổi ý chí và thái độ quyết tâm tu tiến của mình. Do vậy, trong mọi lúc, mọi nơi, trong từng lời nói, hành động và nhất là trong từng suy nghĩ, chúng ta phải luôn luôn tỉnh giác kịp thời để nhận diện cho được kẻ thù và chiến đấu với nó.Để nhận diện được những suy nghĩ, lời nói, việc làm nào là bất chánh, trái với đạo lý thì chính sự phán xét chí công vô tư bởi chính lương tâm của mỗi người sẽ giúp chúng ta kịp thời nhận diện được kẻ thù và chiến đấu với nó.
Tuy nhiên trong thực tế, đôi lúc trước mặt mọi người thì chúng ta luôn tỏ ra hết mực nghiêm túc, đạo hạnh lúc nào cũng thể hiện rất chuẩn mực làm cho bất kỳ ai nhìn vào cũng nể trọng nhưng khi vào giữa đêm khuya thanh vắng chỉ mình đối diện với chính mình, dù biết rất rõ là những việc mình đang làm, đang nghĩ như vậy là trái với lương tâm, trái đạo lý nhưng mình vẫn dễ duôi bỏ qua, nghĩ rằng không ai biết đến những sai quấy của mình thì có ảnh hưởng gì đâu hoặc tự nhủ thầm hứa với lòng mình rằng chỉ phạm lỗi duy nhất có một lần này thôi, lần sau sẽ không tái phạm nữa. Tuy nhiên khi sự kiện tương tự xảy ra lần sau thì mình lại tiếp tục dễ duôi nhủ thầm là thêm lần này nữa thôi nhưng rốt rồi vẫn cứ tiếp tục tái phạm. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên là vì trong nội tâm mỗi người luôn có một mối giặc vô cùng nguy hiểm, luôn đủ khả năng “hạ đo ván” chơn tâm bất cứ lúc nào. Mối giặc đặc biệt nguy hiểm ấy chính là thập tam ma (lục dục, thất tình) và tam độc tham sân si. Chính vì điều này mà Đức Tiếp Pháp Trương Văn Tràng đã có lời dạy:
Giặc ngoài dầu loạn mấy mươi năm,
Không ngại cho bằng giặc nội tâm;
Ngoài có thiên binh đem thạnh trị,
Trong đành tuyệt vọng bởi sai lầm.
[Nam Thành Thánh Thất, 22-8 Đinh Mùi (25-9-1967)]
Đức Đông Phương Chưởng Quản cũng có dạy:
Chư hiền đệ muội thử nghĩ, trên thế gian có rất nhiều người anh hùng có thể chiến thắng trăm trận, đoạt thành cướp lũy, kiến quốc tạo nghiệp, nhưng cũng chưa hẳn làm được anh hùng để chiến thắng những trận giặc bất chính ở cá nhân nội tâm. [(Thiên Lý Đàn, 24-7 Bính Ngọ (08-9-1966)]
Chính vì lý do đó, để tinh tấn có được kết quả tốt đẹp thì đòi hỏi mỗi chúng ta phải hết sức quyết tâm, nghiêm túc, khắc kỷ và có tinh thần kỷ luật thật cao đối với chính bản thân mình mới hoàn thành được “sứ mạng” trọng đại này.
 C.    THAY LỜI KẾT:
Nói tóm lại, chúng ta có thể ví việc hành trì giới luật giống như những cây cột, rui, mè chống vững một ngôi nhà lớn. Những lỗi được chúng ta cho là nhỏ chính là những con mọt, con mối ăn sâu vào thân mỗi cây cột, rui, mè đó. Nếu chúng ta cứ chủ quan để cho ngày càng có thêm nhiều con mọt, con mối ấy tiếp tục sinh sôi nảy nở, đục khoét, gặm nhấm các thân cây ấy mà không lo diệt trừ chúng thì sớm muộn gì ngôi nhà dù to lớn đến đâu đi nữa cũng sẽ có ngày bị sụp đổ (Lổ nhỏ cũng có thề làm đắm thuyền). Do vậy, ngay từ bây giờ, mỗi huynh đệ chúng ta trước tiên hãy có một bước đột phá mới là bắt đầu thay đổi tư duy, hãy cùng nhau thực hiện một cuộc “cách mạng” sửa từng lỗi một dù là nhỏ nhặt nhất, tế vi nhất để có được những kết quả lớn nhất cho chính đời sống tu học của mỗi người.
CHÁNH TUÂN

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Ý vị của phương Đông

calling-card2

Truyện kể rằng, có một vị thống đốc Kyoto nghe tiếng thiền sư Keichu nên mới đến viếng thăm. Người thị giả trình tấm danh thiếp của viên thống đốc, trên đó ghi: “Kitagaki, Thống đốc Kyoto”.
Thiền sư Keichu bảo người thị giả: “Ta chẳng liên quan gì đến người này. Bảo ông ta rời khỏi đây ngay”.
Người thị giả mang trả tấm danh thiếp với lời xin lỗi. Viên thống đốc nói: “Đó là lỗicủa tôi”.
Rồi ông ta lấy bút chì gạch bỏ ngay dòng chữ “Thống đốc Kyoto” và nói: “Xin thưa lại với sư phụ lần nữa”. Lần này, thiền sư vừa nhìn thấy tấm danh thiếp đã kêu lên: “Ồ, là Kitagaki đó sao? Ta muốn gặp ông ta.”
Ở đây ta bắt gặp hai tinh thần THIỀN lớn.
- Thiền sư Keichu không vì hai chữ “thống đốc” mà gợn sóng lòng. Còn mang hai chữ “thống đốc” là còn mang danh, là còn chưa buông bỏ được, là còn chưa nói chuyện với nhau được. ĐẠO KHÔNG ĐỒNG THÌ KHÓ NÓI CHUYỆN VỚI NHAU ĐƯỢC.
- Thống đốc Kitagaki cũng thật đáng khen. Ngài kịp nhận ra lỗi lầm của mình“CHƯA TẨY TRẦN MÀ MUỐN GẶP PHẬT”, cho nên tự giác sửa chữa. Tinh thần buông bỏ danh vị “thống đốc” để chỉ còn là Kitagaki xin gặp thiền sư chính là tinh thần của đốn ngộ hốt nhiên thành Phật vậy!
Đấy chính là ý vị của phương Đông.
Sưu tầm