Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

Không đau khổ thì không trưởng thành - Vác Thánh Giá














Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011

An toàn khi đi tắm biển



Khi đi biển có những mối hiểm họa gây chết người. Điều quan trọng đầu tiên là chúng ta nên tắm biển ở những bãi tắm có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp và tắm trong những khu vực được báo hiệu an toàn. 
Ngoài ra, trước khi xuống biển, chúng ta cần quan sát bãi biển để tìm dòng chảy xa bờ (rip current) cũng như ước lượng độ dốc và độ sâu của bãi biển.

Dòng chảy xa bờ
Dòng chảy xa bờ là danh từ tôi tạm dịch từ “rip” hay “rip current”. Đây là một dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Chúng ta biết là sóng sẽ đánh và đưa nước biển vào bờ, nhưng khi nước biển được liên tục đưa vào bờ thì chúng tập hợp lại thành một dòng đi ngược ra biển. Dòng nước biển đi từ bờ ra biển này được gọi là rip (hay rip current).

 
Hình ảnh trên cho chúng ta thấy một dòng chảy xa bờ. Trong thí nghiệm này, người ta rắc chất màu sát bờ biển. Người ta quan sát thấy chất màu bị kéo ra xa bờ, chứng tỏ nơi đó dòng nước đi ngược từ bờ ra biển. Chúng ta cũng thấy nơi dòng nước đi từ bờ ra biển là vùng nước lặng, hầu như không có sóng.

Dòng nước ngược này có thể ổn định không thay đổi trong suốt cả tháng hoặc cả năm, tuy nhiên chúng cũng có thể liên tục thay đổi mỗi vài giờ. Ở một số bãi biển, dòng nước ngược này không đi hướng ra biển mà chạy dọc theo bờ biển.

Vì sao chúng ta phải nhận ra dòng chảy xa bờ trước khi xuống biển? Vì chúng rất nguy hiểm.

Tại sao dòng chảy xa bờ nguy hiểm?
Dòng chảy xa bờ là được xem là một trong những nguy hiểm hàng đầu trên bờ biển. Nó cũng là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp cứu nạn và chết đuối khi tắm biển. Dòng chảy xa bờ được ví như một dòng sông nhỏ sẽ cuốn tất cả những gì rơi vào nó xa khỏi bờ và đưa thẳng ra biển. Vận tốc trung bình dòng chảy có thể thay đổi từ 0,5 m/giây đến 1m/giây, khi đó không ai có khả năng bơi ngược nó để vào bờ. Có khi do những thay đổi đột ngột của sóng biển, vận tốc dòng chảy xa bờ có thể lên đến 2,5 m/giây, nhanh hơn cả vận tốc bơi của một vận động viên bơi lội Olympic! Dòng chảy xa bờ thường hẹp, có chiều ngang khoảng từ 1-3 mét. Tuy nhiên, có khi dòng chảy xa bờ rộng đến cả chục mét.

Dòng chảy xa bờ có thể cực kỳ nguy hiểm vì nó kéo người biết bơi ra xa bờ làm cho người biết bơi kiệt sức hoảng loạn rồi chết đuối do kiệt sức khi cố bơi ngược dòng chảy xa bờ.


Đối với người không biết bơi, dòng chảy xa bờ có thể kéo người đó ra chỗ sâu hơn dù người đó đang đứng ở mực nước ngang hông. Khi đó người không biết bơi sẽ hoảng loạn và có thể chết đuối.
 

Mặt nước nơi có dòng chảy xa bờ thường lặng, ít sóng nên thường làm cho người ta hiểu lầm đó là nơi an toàn. Người ta sẽ di chuyển sang tắm nơi đó thay vì tắm nơi có biển báo an toàn. Khi người tắm biển bơi vào dòng chảy xa bờ đó, ngay lập tức họ sẽ có thể bị cuốn trôi ra biển.

Do đó, khi tắm biển, chúng ta cần nhớ rằng vùng nước lặng không có nghĩa là vùng nước an toàn.


Trong hình trên đây, nơi có sóng bạc đầu là nơi dòng nước đi từ biển vào gần bờ. Nếu chúng ta tắm biển nơi có sóng bạc đầu (breaking waves) thì chúng ta sẽ được sóng đánh đưa vào bờ. Tuy nhiên nếu chúng ta di chuyển vào tắm chỗ lặng sóng (giữa hai mũi tên) là chúng ta rơi vào dòng chảy xa bờ. Dòng sông nhỏ này sẽ lập tức kéo phăng chúng ta ra xa khỏi bờ và đưa thẳng chúng ta ra biển. Như vậy, vùng có sóng không phải là vùng nguy hiểm mà vùng lặng sóng mới chính là vùng nguy hiểm.
 

Một ví dụ khác như hình trên đây. Vùng không có sóng bạc đầu chính là dòng chảy xa bờ. Vùng này rất nguy hiểm dù chúng lặng sóng. Khi chúng ta đi vào vùng này, chúng ta có thể bị bị dòng chảy xa bờ cuốn trôi ra biển.

Làm thế nào để nhận ra dòng chảy xa bờ?
Trước khi xuống biển, bạn nên dành khoảng 5-10 phút để nhận dạng dòng chảy xa bờ trên bờ biển mà bạn sắp xuống tắm.
 

Bạn có thể nhận ra dòng chảy xa bờ nhờ những đặc điểm sau đây:
• Dòng chảy xa bờ có màu sậm hơn vì nơi đó nước sâu hơn.
• Dòng chảy xa bờ có mặt nước lặng hơn, thường có sóng nhỏ hơn
• Đôi khi chúng ta có thể thấy các mảnh vỡ hay bọt nước nổi trên mặt dòng chảy xa bờ và trôi ra biển.

Cách thoát ra khỏi dòng chảy xa bờ
Các khảo sát cho thấy dòng chảy xa bờ không kéo người ta xuống nước. Dòng chảy xa bờ chỉ kéo người bơi ra xa bờ và thường sẽ đưa người bơi vào vùng có sóng bạc đầu (breaking waves) và sóng sẽ đưa người đó lại vào bờ. Tuy nhiên người ta thường chết đuối khi rơi vào dòng chảy xa bờ vì bản năng tự nhiên khiến người biết bơi bơi ngược dòng chảy xa bờ để vào bờ khiến người đó mau chóng kiệt sức rồi chết đuối. Bên cạnh đó, sự hoảng loạn khiến người bơi không còn khả năng phán đoán chính xác.

Dòng chảy xa bờ có thể gây nguy hiểm bất cứ lúc nào, không phải chỉ khi có sóng lớn. Khi sóng to thì vận tốc dòng chảy xa bờ cũng nhanh hơn gây nguy hiểm hơn cho người bơi. Tuy nhiên, khi đó thường ít có người xuống biển tắm vì e ngại sóng to. Vào những ngày sóng không lớn, trái lại, người ta thường chết đuối nhiều hơn vì có nhiều người xuống biển tắm. Khi thấy sóng không quá to người ta thường chủ quan và không quan tâm đến dòng chảy xa bờ.

Điều quan trọng khi bị rơi vào dòng chảy ra bờ là tuyệt đối không được cố bơi ngược dòng chảy xa bờ để vào bờ.

 
Lời khuyên của chuyên gia khi chúng ta bị rơi vào dòng chảy xa bờ:
• Bình tĩnh. Không hoảng loạn.
• Không cố bơi ngược dòng chảy xa bờ.
• Đối với người bơi giỏi: nếu bạn tự tin, hãy bơi song song với bờ biển, thường sẽ hướng đến chỗ vùng có sóng bạc đầu và nhờ sóng đưa bạn trở lại vào bờ.
• Đối với người bơi yếu: bất cứ khi nào bạn thấy không thể chạm bờ biển hoặc thấy đuối sức, hãy giơ tay lên ra hiệu, bình tĩnh, thả nổi để giữ sức và gọi trợ giúp.
• Nếu dòng chảy xa bờ yếu đi, cố gắng bơi song song với bờ biển để đến chỗ có sóng bạc đầu nhờ sóng đưa bạn vào bờ.
• Một lần nữa, bất cứ khi nào bạn thấy không thể chạm bờ biển hoặc thấy đuối sức, hãy giơ tay lên ra hiệu, bình tĩnh, thả nổi để giữ sức và gọi trợ giúp.

Để giảm nguy cơ rơi vào dòng chảy xa bờ, bạn cần phải có những hiểu biết về chúng, biết cách nhận dạng và không nên bơi trong hoặc gần dòng chảy xa bờ.

Bạn nên tắm biển ở những bờ biển có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp và bơi ở vùng an toàn (ở Úc là vùng giữa cờ đỏ và cờ vàng). Bạn cần quan sát các chỉ báo an toàn và nếu cần thì nên trao đổi với nhân viên cứu hộ để biết đặc điểm bờ biển mà bạn sắp xuống tắm.

Ngoài ra bạn cũng cần biết bơi và không nên bơi một mình. Nếu bạn không chắc thì không nên xuống biển tắm.

 
Lời kết
Trước khi tắm biển, chúng ta cần tìm hiểu đặc điểm và độ an toàn của bãi biển mà chúng ta sắp xuống tắm. Chúng ta cần dành vài phút để nhận dạng dòng chảy xa bờ và không nên bơi gần những vùng đó. Khi chẳng may rơi vào dòng chảy xa bờ, chúng ta cần bình tĩnh tìm cách thoát ra khỏi dòng chảy đó bằng cách bơi song song với bờ biển hoặc bơi vuông góc với dòng chảy xa bờ để vào vùng có sóng bạc đầu để nhờ sóng đưa chúng ta vào bờ. Tuyệt đối không nên bơi ngược dòng chảy xa bờ và luôn nhớ là vùng bờ biển lặng sóng không có nghĩa là nơi đó an toàn.

Chúng ta hãy cùng nhau phổ biến kiến thức về dòng chảy xa bờ này đến mọi người.

(Bài dịch của BS LinhBS Vũ (BVCR)

Thứ Ba, 8 tháng 3, 2011

Mẩu bánh mỳ

 

MẨU BÁNH MỲ

Một lần trong chiến tranh thế giới thứ hai có hai người tù Do thái trốn khỏi trại tập trung, họ chạy thục mạng và quyết định chia làm hai ngả. 
Người tù già hơn nắm chặt tay người tù trẻ, ông đắn đo một lúc rồi
nói
"Này cháu, ta chỉ có một mẩu bánh mỳ, cháu hãy cầm lấy, ta già rồi, chịu đói được lâu hơn cháu ... Nhưng cháu hãy hứa với ta rằng: chỉ khi nào cháu không còn cách nào, không còn một cách nào khác để có cái ăn thì cháu mới mở miếng bánh này ra ... Trong rừng có nhiều thứ ăn được, nếu đến chỗ có dân cháu có thể làm thuê kiếm miếng ăn ...Đường từ đây về nhà còn xa lắm, và nếu trong túi vẫn còn một miếng bánh thì cháu vẫn còn có thể chịu đựng được mọi gian truân..."
Người tù trẻ cảm động, hứa với ông già, nắm chặt lấy mẩu bánh mỳ rồi lao đầu chạy ... Ròng rã bao nhiêu ngày đêm anh nhằm hướng quê nhà mà chạy, khi thì phải lẩn trốn trong rừng, khi thì băng cánh đồng. Anh hái quả rừng, lội suối tìm cá, khi gặp những người chăn cừu anh bẻ củi đến cho họ để nhận một bát sữa, hay một miếng thịt cừu thơm lừng…
Đã có lúc anh tưởng chừng không còn cách nào khác để có một miếng ăn, tránh né bọn Đức, anh lẩn trốn vòng qua đầm lầy trong cái nóng hầm hập, xung quanh chỉ một màu xám xịt của lau sậy ... không biết bao nhiêu lần anh rút mẩu bánh mỳ đã khô cứng như đá ra khỏi túi, anh ngắm cái gói nhỏ gói bằng một miếng vải thô, quấn thật chặt và buộc bằng một sợi dây gai thắt nút, cái gói chỉ bằng nửa miếng xà phòng, chắc mẩu bánh mỳ còn bé hơn, song anh vẫn nuốt nước miếng, nghĩ đến vị bột ngọt ngào trên đầu lưỡi, chắc là có chút ẩm mốc ... anh nhìn trừng trừng cái gói nhỏ rồi lại đút vào túi, bởi anh kinh hoàng nghĩ đến ngày mai, túi rỗng không mà đường thì còn xa thăm thẳm.
Cứ thế anh đi ròng rã và cuối cùng cũng đến cái ngày anh ngã nhào vào tay người thân ... Sau những phút vui sướng khóc cười, anh vùng dậy, rút ra cái gói nhỏ đã bẩn thỉu hôi hám song vẫn được quấn rất chặt, anh nói: "mẹ ơi, nhờ mẩu bánh này đây mà con thoát chết trở về …", anh cảm động gỡ nút dây, mở lần vải bọc và sững sờ: đó chỉ là một miếng gỗ được gọt đẽo vuông vức như một mẩu bánh mỳ!
Nguồn: macnauhoctro.com