Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

Tiếng đóng cửa


Tiếng đóng cửa

Tôi mới chuyển đến nơi ở mới, cứ gần nửa đêm đang lúc ngủ bgon, tôi bị thức giấc vì tiếng đóng cửa rất mạnh ở lầu trên và tiếng chân lộp cộp rất khó chịu.
Nhiều ngày kế tiếp nhau, vẫn tiếng đóng cửa và tiếng dép vào đúng giờ ấy khiến tôi không sao chịu nổi.
Mẹ tôi khuyên: “Thôi con à, chúng ta mới đến, con đừng vội, kẻo làm mất lòng hàng xóm”.
Tôi đem chuyện ra than thở với mấy người trong xóm.
Có người khuyên: “Bà và chị cố gắng chịu đựng tiếng đóng cửa đó một thời gian. Chắc sẽ không lâu đâu . . .”
Rồi người ấy nói tiếp: “. . . Nửa năm trước, người cha bị tai nạn xe qua đời; người mẹ bị ung thư, liệt giường, không đi lại được.
Tiếng đóng cửa đó là của người con. Hoàn cảnh khá đáng thương, xin bà và chị thông cảm!”
Cậu thanh niên này mới chỉ độ 16 tuổi. Tôi tự nhủ: “Trẻ người non dạ, cố chịu đựng thôi”.
Thế nhưng, tiếng đóng cửa vẫn tiếp tục xảy ra. Tôi quyết định lên lầu nhắc nhở.
Cậu bé mở cửa, hốt hoảng xin lỗi: “Dì thứ lỗi, cháu sẽ cố gắng cẩn thận hơn . . .”
Thế nhưng, cứ khi tôi vừa thiu thiu giấc ngủ, tiếng đóng cửa quen thuộc lại vang lên đập vào tai tôi như thách thức.
Mẹ tôi an ủi: “Ráng đi con, có lẽ nó quen rồi! Từ từ mới sửa được…”
Rồi khoảng một tháng sau, đúng như lời mẹ nói, tiếng đóng cửa đột nhiên biến mất.
Tôi nằm trên giường nín thở lắng tai nghe, tiếng khép cửa thật nhỏ, và bước chân nhẹ nhàng cẩn thận.
Tôi nói với mẹ: “Mẹ nói đúng thật!”
Nhưng tôi bỗng bất ngờ … khi thấy hai mắt mẹ tôi ngấn lệ.
Mẹ tôi nghẹn ngào nói : “Mẹ thằng bé trên lầu đã ra đi rồi, tội nghiệp thằng bé, ban ngày đi học, đêm đến quán chạy bàn. Nó cố gắng đi làm thêm để kiếm tiền chạy chữa cho mẹ, nhưng rồi bà ấy vẫn không qua khỏi.
Trong tình hàng xóm, tôi sắp xếp thời gian viếng xác người phụ nữ ấy.
Cậu bé cúi thấp đầu, tiến đến gần tôi và nói : “Dì! Nhiều lần cháu làm Dì mất ngủ, cháu xin Dì tha lỗi”.
Rồi cậu nói trong tiếng nấc: “Mẹ cháu mỗi ngày một yếu, nói không được, nghe không rõ, cháu đóng cửa mạnh để mẹ biết cháu đã về, có thế bà mới an tâm ngủ, nay mẹ cháu không còn nữa, Dì ạ ...”
Nghe câu chuyện, tôi bỗng cảm thấy như bị ù tai, lệ từ hai khóe mắt tôi bỗng tuôn trào ra ...
Tôi thấy mình quả là vô tâm, thiếu cảm thông với hoàn cảnh của người khác.
Cảm thông là tối cần trong các mối quan hệ và lòng khoan dung là quà tặng đáng giá nhất trên đời.
Xin Bạn đừng bao giờ khép lại lòng mình, cầu mong cho con người chúng ta luôn hướng đến một nhịp đập trái tim quảng đại, tấm lòng vị tha, nhân ái, vượt qua những suy nghĩ tầm thường, để mặc lấy tâm tình yêu thương.
Truc Chi sưu tầm

Thứ Năm, 10 tháng 11, 2011

Tầm quan trọng của đời sống tâm linh


TẦM QUAN TRỌNG 
CỦA ĐỜI SỐNG TÂM LINH
Chánh Tuân 

I.      DẪN NHẬP:
Cuộc sống chúng ta với nhiều bận rộn: nào ăn mặc, học hành, làm việc, giải trí, v.v.. Trong cuộc sống ấy, đôi lúc tự mình suy nghĩ chúng ta sống như vậy, làm việc như vậy để làm gì? Để thỏa mãn cuộc sống vật chất hay còn phải có một cái gì khác hơn, chẳng hạn như đời sống tinh thần, đời sống tâm linh để bù đắp chỗ trống do cuộc sống vật chất không đem lại được. Mỗi người chúng ta với đời sống tinh thần hay tâm linh đó sẽ như thế nào?

II.   NỘI DUNG:
1.    Thế nào là đời sống tâm linh?
Đời sống hằng ngày của chúng ta có thể chia thành hai phần: đời sống vật chất và đời sống tinh thần.
-   Đời sống vật chất: đó là đáp ứng những nhu cầu thiết yếu hằng ngày như: ăn mặc, đi lại, làm việc, nghỉ ngơi, giải trí v.v…
-   Đời sống tinh thần là những gì không thuộc về vật chất như suy nghĩ, trăn trở, hay là niềm tin: tin ở bản thân mình, tin ở tương lai... Sự tin tưởng vào vô hình, tin vào những cái mà con người chưa với tới được, không lấy lý trí con người để xét đoán được; hay là niềm tin tôn giáo, tức là đức tin: tin đức Phật từ bi gia hộ, tin vào Chúa cứu thế, tin vào đức Thượng Đế và các đấng Thiêng liêng, đây có thể gọi là đời  sống tâm linh của con người.
Như vậy sự hồi hướng và luôn có đức tin về Thượng Đế và các đấng Thiêng liêng Phật Tiên Thánh Thần, cửu huyền thất tổ là những hoạt động mang tính chất tâm linh của con người. 
2.    Tại sao con người chúng ta cần phải có đời sống tâm linh?
Trước tiên chúng ta hãy cùng tìm hiểu khái quát về sự vĩ đại Vũ Trụ để thấy được sự mầu nhiệm của đấng Tạo hóa. Từ đó sẽ giúp chúng ta hình thành nên đức tin vững chắc nơi Đức Thượng Đế Chí Tôn và các đấng Thiêng liêng.
Chúng ta biết rằng trong Vũ Trụ này có vô vàng các hành tinh (trong đó có rất nhiều hành tinh lớn gấp trăm, gấp vạn lần mặt trời), tất cả đều tuân theo định luật vạn vật hấp dẫn, đều tuần hoàn luân chuyển theo một quy luật nhất định, rất hiếm khi xảy ra sự va chạm nghiêm trọng nào để rồi Vũ Trụ phải đi vào cơ tận diệt.
Trái đất chúng ta luôn đón nhận được rất nhiều đặc ân từ Tạo hóa mới có được sự sống sinh động và thật mầu nhiệm! Từ việc mưa thuận gió hòa, ánh sáng mặt Trời luôn ấm áp chiếu soi và nguồn dinh dưỡng chất trên trái đất luôn dồi dào, phong phú… đặc biệt là cơ chế tạo nên mầm sống của Tạo hóa thật mầu nhiệm trong muôn vật (dù khoa học kỹ thuật có tiến bộ đến đâu đi nữa thì con người cũng không thể nào tạo ra được mầm sống đó) đã giúp cho vạn vật có được những điều kiện vô cùng lý tưởng để sinh sôi nảy nở, tạo thành ngàn giống muôn tên, thiên hình vạn trạng…
Tất cả những sự kiện trên chúng ta không thể chủ quan cho rằng những điều này chỉ xảy ra một cách ngẫu nhiên mà không có sự điều hành mầu nhiệm từ bàn tay vô hình của Đức Thượng Đế và các đấng Thiêng liêng.
Từ những chiêm nghiệm trên sẽ giúp cho chúng ta tin rằng phải có một bàn tay vô hình của đấng chúa tể Càn Khôn thống ngự, điều hành toàn thể vũ trụ, từ đó chúng ta có được một đức tin vững chắc về Thượng Đế và các đấng Thiêng liêng.
Mặc khác, trong mỗi con người chúng ta luôn sẵn có một linh tánh thiêng liêng hơn vạn vật, biết đâu là phải, đâu là trái, đâu là thiện ác, đâu là tội phước, đâu là liêm sỉ, đâu là không liêm sỉ, biết gìn giữ lễ nghi và sống có nhân, có nghĩa.
Trong kinh sám hối có câu:
“Con người có trí khôn ngoan,
Tánh linh hơn vật, biết đàng lễ nghi”
Nhờ có đời sống tinh thần này mà con người mới đứng vào phẩm tối linh, đứng vào hàng tam tài, sánh cùng trời đất. Nhận thức được điều này sẽ làm cho con người sống sao cho xứng đáng với vị trí của mình hơn, sống đúng “người” hơn với bản chất tự nhiên, thiên bẩm mà Trời phú cho, đó là lòng thương yêu giữa con người với con người, lòng thương yêu muôn loài, lòng trắc ẩn, tính vị tha, v.v.  Cái Trời cho đó chúng ta thường gọi là “lương tâm” và khi con người không còn giữ được nó thì không còn là “người” nữa, lúc đó họ chỉ mang xác con người nhưng lòng của thú vật.
Ngoài ra, một khi đã học hiểu hết một đôi phần về đạo lý, từ vũ trụ quan đến nhân sinh quan, được một vài yến sáng rọi trong tâm hồn, con người sẽ thấy được cõi đời là giả tạm. Một kiếp làm người tuy nói rằng ước định là trăm năm, nhưng trong chuỗi đời ba vạn sáu ngàn ngày là mấy ai tròn hưởng. Tấm thân tứ đại quanh năm ngày tháng mãi quay cuồng trong chỗ lo nghĩ buồn vui cùng sướng khổ. Nhưng hỏi lại có mấy ai được trong cảnh buồn ít vui nhiều, quẩn quẩn quanh quanh trong chỗ đủ thiếu, giàu nghèo. Bảy tám mươi cũng gọi một đời mà năm ba tuổi cũng cho là một kiếp, lẽ vô thường nào đâu có hẹn với con người sự dài ngắn rủi may. Nếu con người không có đời sống tâm linh thì ngày qua ngày chỉ quanh quẩn lo sống, ăn, mặc, ở, già, bệnh và chết. Cuộc sống như vậy sẽ mất đi ý nghĩa và giá trị thật sự của nó. Con người sẽ luôn cảm thấy bất an, đau khổ, trong cuộc sống luôn phải chạy theo vật chất bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được tham vọng của mình để rồi vô tình gieo tạo biết bao nghiệp quả mà không biết đến khi nào mới trả xong. Từ đó con người mới nảy sanh ra một ý niệm là tạo những điều kiện tối cần cho phần thể chất để sống trong nếp sống tương đối, còn bao nhiêu thời giờ lo tạo lập những điều kiện cho đời sống tâm linh, gieo hột giống lành cho kiếp tương lai, làm công quả cho vững móng nền âm chất.
Từ những phân tích trên, chúng ta nhận thấy được đời sống tâm linh là rất thiết cần đối với mỗi người chúng ta.
3.    Những ích lợi từ đời sống tâm linh mang lại:
3.1 Là chỗ dựa tinh thần vững chắc, giúp thân tâm luôn an lạc, luôn vững vàng trước mọi khó khăn nghịch cảnh và luôn đón nhận được sự hộ trì soi dẫn của các đấng Thiêng liêng:
Chúng ta biết rằng nếu không có đời sống tâm linh, không có niềm tin nơi luật công bình của đấng Hóa Công thì khi gặp một biến cố nào đó tương đối nghiêm trọng hoặc phủ phàng xảy đến thì con người sẽ rất dễ dàng bị suy sụp tinh thần, mất bình tĩnh, đau khổ và bất an. Con người sống trên cõi thế gian này luôn phải chứng kiến biết bao lẽ vô thường của cuộc sống, hôm nay mới thấy cười nói vui vẻ nhưng ngày hôm sau bổng nhiên bất ngờ bị đột tử và có rất nhiều rủi ro luôn rình rập chúng ta như tai nạn giao thông, thiên tai, hỏa hoạn, bệnh tật… Dù muốn hay không muốn thì rủi ro vẫn có thể xảy đến với chúng ta bất cứ lúc nào. Ví như có một người thanh niên nọ đang sống một cuộc sống rất hạnh phúc trong một gia đình với vợ đẹp, con ngoan nhưng vào một ngày bất hạnh nào đó cả vợ và con anh ta bị tai nạn giao thông khiến cả hai phải vĩnh viễn không còn gặp lại anh nữa. Nếu không tin luật nhân quả, không tin có các đấng Thiêng liêng thì chúng ta sẽ dễ dàng hình dung được tâm trạng của người thanh niên ấy sẽ bị khủng hoảng nghiêm trọng và đau khổ đến dường nào. Chỉ khi nào người thanh niên ấy thấu hiểu được luật nhân quả và có được đức tin vững chắc nơi Thượng Đế và các đấng Thiêng liêng thì mới có thể giúp cho anh ta luôn giữ vững được tinh thần, vững vàng trước mọi khó khăn nghịch cảnh.
Mặc khác, nhờ có đời sống tâm linh sẽ giúp chúng ta luôn hồi hướng cầu nguyện về sự hộ trì che chở của các đấng Thiêng liêng để giúp chúng ta vượt qua được những vô thường của cuộc sống.
Tuy nhiên cũng rất có thể những sự thật phủ phàng trong cuộc sống vẫn sẽ xảy đến với chúng ta cho dù chúng ta đang có một đời sống tâm linh vững chắc và luôn cầu nguyện sự hộ trì che chở của Ơn Trên. Nếu thật sự gặp phải trường hợp này thì chúng ta cũng nên vui vẻ chấp nhận và đừng đánh mất niềm tin nơi các đấng Thiêng liêng mà hãy tin rằng một khi chúng ta sống trong cõi thế gian này đều phải chấp nhận bị chi phối bởi luật nhân quả và quy luật sanh lão bệnh tử của cuộc sống. Nếu như không bị chi phối bởi những quy luật trên thì ai cũng muốn trường sanh bất lão, trẻ mãi không già, không ốm đau, bệnh tật, vui nhiều buồn ít nhưng cuộc sống không bao giờ được hoàn toàn như ý mình cả.
Nếu có ai đó tự cho mình là tài giỏi nhất, không tin có các đấng Thiêng liêng vô hình, không sợ luật nhân quả… nhưng cuối cùng người này cũng không thể vượt qua được sự chi phối của luật nhân quả cũng như không thoát được quy luật sinh tử của Tạo hóa, tấm thân tứ đại rốt rồi cũng phải trả về cho tứ đại. Dù muốn dù không thì chắc chắn một điều họ bắt buộc phải trải qua quy luật: sanh, lão, bệnh, tử. Ví như các vị vua thời xưa đứng trên thiên hạ, cầm quyền sanh sát trong tay nhưng cũng không thể nào vượt qua được qui luật đó. Ngay cả Tề Thiên Đại Thánh đã từng tung hoành ngang dọc, thần thông quảng đại, có thể hô phong hoán vũ nhưng cũng không thể thoát được ra khỏi lòng bàn tay của Đức Phật Tổ thì con người như chúng ta chắc chắn cũng sẽ bị chi phối bởi những quy luật đó.
3.3 Giúp tu tâm dưỡng tánh, rèn luyện tác phong đạo hạnh:
Nhờ có đời sống tâm linh, có đức tin nơi các đấng Thiêng liêng vô hình, nhờ tin vào luật nhân quả ở đời sẽ giúp cho chúng ta có một lối sống cao đẹp, luôn giữ gìn quy giới, rèn luyện tác phong đạo hạnh thật nghiêm túc, không dám gây thêm nhiều tội lỗi nghiệp báo, noi gương đức hạnh của các đấng Thiêng liêng. Từ đó sẽ giúp cho chúng ta ngày một hoàn thiện hơn, xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.
3.4 Biết sống hướng tha, mở rộng tình yêu thương đối với mọi người:
Nhờ có đời sống tâm linh, chúng ta mới nhìn nhận mọi người đều là huynh đệ của nhau, đều là con chung của đức Thượng Đế Chí Tôn. Từ đó sẽ khơi dậy tình thương yêu trong mỗi người, luôn nghĩ đến tha nhân, không còn ích kỷ khi chỉ biết sống cho riêng mình, luôn tích cực làm công quả để giúp khó trợ nghèo…



3.5     Giải thoát tâm linh:
Nhờ có đời sống tâm linh sẽ giúp cho chúng ta dần giải thoát tâm linh thông qua thực hành các pháp môn công phu thiền định để trở về với quê xưa vị cũ: như hành trì bửu pháp luyện châu, thọ trì pháp môn tâm pháp bí truyền…
4.    Phương pháp thực hiện đời sống tâm linh:
Quỳ hương cúng nước hàng ngày, hằng niệm danh hiệu Thầy và các đấng Thiêng liêng, hành trì Kinh Hôm, Kinh Mai và các bài kinh nhật tụng khác như Kinh Cứu Khổ, Kinh Sám Hối, Kinh Cầu An, Kinh Cầu Nguyện Phước Thiện… Từ đó sẽ giúp cho chúng ta  luôn có được sự cảm ứng nơi Thầy Mẹ và các đấng Thiêng liêng, giúp cho đời sống tinh thần ngày thanh cao, hướng thượng. Nhờ hành trì các bài kinh nhật tụng sẽ giúp cho chúng ta hiểu được ý nghĩa từ những lời dạy của các bài kinh từ đó chúng ta sẽ sống và làm theo những lời dạy đó.
Hành trì giới luật của đạo Cao Đài như giữ gìn tam quy, ngũ giới, 24 điều thế luật, tứ đại điều quy…Nhờ hành trì giới luật sẽ giúp cho chúng ta ngày một hoàn thiện bản thân hơn, từ đó hình thành nên nhân cách của người tín đồ Đại Đạo có đầy đủ tâm, hạnh, đức, tài.
Thường xuyên đọc Thánh Ngôn, Thánh Giáo, Thánh Kinh Hiền Truyện để rèn luyện tác phong đạo hạnh theo những lời dạy của Ơn Trên, thể hiện được gương sống đạo để mọi người noi theo.
Tham gia các khóa học giáo lý do Họ Đạo tổ chức, vào các ngày đàn lệ Sóc, Vọng thì về Thánh thất dâng lễ và nghe thuyết giảng giáo lý.
Tích cực làm công quả  để bổ trợ cho công phu thiền định sau này như làm từ thiện, giúp người miếng cơm, manh áo trong lúc người hoạn nạn, giúp người cô thế tật nguyền, v.v. , tập tấm lòng từ bi thương người như thể thương thân, vừa giúp người, vừa tích âm chất cho chính mình.
Công phu tịnh luyện để giải thoát tâm linh như thực hành bửu pháp luyện châu, thọ tâm pháp bí truyền… Đây chính là đời sống tâm linh rất quan trọng mà mỗi người tín đồ Cao Đài chúng ta phải hướng đến.

III.           KẾT LUẬN
Thế gian là trường tiến hóa, con người đến chốn này để tu học và hành đạo nhằm tiến hóa tâm linh và thuận theo cơ tiến hóa của Trời đất. Con người đến thế gian không phải để hưởng thụ vật chất thật nhiều, vun đắp cho bản thân thật đầy đủ. Suy cho cùng, con người giàu có bao nhiêu đi nữa, thì cũng ăn cũng mặc có giới hạn mà thôi, niềm vui sướng nơi thế gian cũng qua đi chóng vánh, và rồi nghiệp quả bản thân lại chồng chất thêm lên. Vì thế, hạnh phúc đích thực của đời người chính là những gì con người giúp đỡ cho kẻ khác, lập công bồi đức, lo tạo lập những điều kiện cho đời sống tâm linh, gieo hột giống lành cho kiếp tương lai, làm công quả cho vững móng nền âm chất, trì hành pháp môn công phu để thoát khỏi luân hồi sanh tử.
Do vậy đời sống tâm linh là một mặt không thể thiếu được trong cuộc sống của mỗi người chúng ta.
Chánh Tuân

Nói xấu người khác và những hậu quả


NÓI XẤU NGƯỜI KHÁC VÀ NHỮNG HẬU QUẢ

Nhiều người có thói quen ưa nói lỗi lầm của người khác. Và đôi khi chính họ không nhận thấy thói quen ấy và chỉ nhận diện được nó sau khi đã nói xong. Vậy thì động cơ ở đằng sau việc nói lỗi lầm của người khác, đằng sau xu hướng muốn hạ thấp người khác là gì?
Lúc chúng ta tức giận người khác là lúc chúng ta thường nói xấu họ. Trong trường hợp này chúng ta có thể nói lỗi của người khác vì một vài nguyên do khác nhau. Đôi khi chúng ta nói xấu người khác để kéo mọi người đứng về phía mình. Chúng ta nghĩ rằng, nếu ta kể cho mọi người nghe về sự tranh luận giữa ta với anh A rồi thuyết phục mọi người rằng anh A sai và mình đúng. Như thế thì mọi người sẽ đứng về phía chúng ta. Chính vì ý nghĩ rằng: “Nếu mọi người nghĩ mình đúng thì chắc hẳn là mình đúng”. Việc tự nghĩ rằng mình đúng như thế ấy là một việc làm KÉM CỎI trong khi chúng ta không chịu dành thời gian để đánh giá một cách trung thực đối với những việc làm và động cơ của chúng ta.
Có khi chúng ta nói xấu người khác vì chúng ta ganh ghét họ. Chúng ta muốn được mọi người tôn trọng và đánh giá cao như người kia vậy. Chiêu bài mà chúng ta dùng để giành lấy sự tôn trọng và đánh giá cao của người khác theo cách này có rất khó mang lại hiệu quả.
Nói xấu người khác đem đến những hậu quả gì? 
@ Trước hết, chúng ta sẽ được biết đến như là một người thường gây ra sự bất hòa. Người ta sẽ không muốn tâm sự với chúng ta vì họ sợ là chúng ta sẽ nói với người khác. Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy rằng người nào hay nói xấu người khác với tôi thì chắc hẳn họ sẽ đi nói xấu tôi với người khác. Hay nói cách khác, tôi không tin tưởng những ai thường hay phê bình người khác.
@ Thứ hai, chúng ta phải đối mặt với người bị chúng ta nói xấu khi họ phát hiện ra những gì chúng ta đã nói, và phiền phức hơn là lúc họ nghe được những gì chúng ta đã nói xấu về họ thì những điều đó đã bị phóng đại lên nhiều lần. Người đó có thể nói với người khác về lỗi của mình để trả đũa.
@ Thứ ba, chính bản thân ta cũng không có hạnh phúc khi mình luôn phanh phui lỗi của người khác. Khi chúng ta tập trung vào những điểm tiêu cực, hoặc là những sai lầm, chính tâm của chúng ta cũng không có an vui. Những ý nghĩ rằng người này xấu, người kia không tốt,... thường không có lợi cho tinh thần của chúng ta.
Người khôn ngoan và biết cách sống là người hạn chế và dứt hẳn tật nói xấu người khác vì nếu ta nói đúng sự thật thì không ai cho đồng nào nhưng nếu nói sai, nói xấu người khác thì mang họa vô thân. Nên tốt nhất từ nay xin học cách KHÔNG NÓI XẤU NGƯỜI KHÁC.
Nguồn: FB Trí Thông Như

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2011

Lương Tâm


Lương Tâm 


Có hai người phụ nữ tìm đến một vị đạo sĩ rất nổi tiếng là nhân đức và thánh thiện để xin một vài lời khyên bảo về con đường nhân đức.
Người phụ nữ thứ nhất mang trong mình mặc cảm tội lỗi. Bà luôn nghĩ mình là một tội nhân, vì hồi còn trẻ, trong những năm chồng bà đi làm xa, bà đã thất trung với chồng. Nhưng rồi bà đã ăn năn thống hối và tiếp tục sống một cuộc sống gương mẫu trong vai trò làm mẹ cũng như làm vợ. Dầu vậy, bà vẫn không bao giờ quên được tội lỗi nặng nề ấy và lương tâm bà vẫn áy náy không yên.
Người phụ nữ thứ hai cảm thấy mình là người chính trực, vì luôn sống theo luật Chúa. Lương tâm bà bình an và không khiển trách gì bà.
Nhà đạo sĩ kiên nhẫn lắng nghe mỗi bà dốc cạn nỗi lòng. Người phụ nữ thứ nhất nức nở kể lễ và ân hận vì tội lỗi của bà quá nặng nề không thể nào được Chúa thứ tha. Trái lại, người phụ nữ thứ hai cảm thấy mình chính trực không có tội gì phải xưng thú cả. Nhà đạo sĩ liền nói với người phụ nữ thứ nhất:
Bà hãy đi tìm một hòn đá thật lớn mà sức bà có thể khiêng được đem tới đây cho tôi.
Quay sang người phụ nữ thứ hai, nhà đạo sĩ nói:
Bà hãy đi nhặt những hòn đá thật nhỏ nhiều bao nhiêu bà có thể mang được trong cái khăn choàng vai của bà rồi đem tới đây cho tôi.
Hai người phụ nữ liền mau mắn thi hành lời vị đạo sĩ dạy bảo.
Người phụ nữ thứ nhất khệ nệ đem tới một hòn đá thật lớn. Còn người thứ hai với cái khăn đầy cả trăm viên đá sỏi nhỏ. Nhà đạo sĩ mĩm cười nói với hai bà:
Bây giờ tôi xin hai bà làm thêm một việc khác nữa, là các bà hãy đem trả hòn đá lớn cũng như những viên đá sỏi nhỏ kia trở về đúng chỗ cũ của nó. Ðiều quan trọng là phải đúng với chỗ mà các bà đã nhặt nó.
Một lần nữa, hai người phụ nữ mau mắn thi hành mệnh lệnh của nhà đạo sĩ. Người phụ nữ thứ nhất tìm ngay được chỗ cũ của hòn đá mà bà đã lấy bởi vì chỉ có một hòn duy nhất. Trái lại, người phụ nữ thứ hai loanh quanh lẩn quẩn cả giờ, nhưng vô ích, bởi vì bà không tài nào mà nhớ hết được đúng chỗ của mỗi viên đá sỏi ấy. Bấy giờ bà đành trở lai với cái khăn choàng vai đầy những viên đá sỏi nhỏ ấy.
Vị đạo sĩ nói với người phụ nữ thứ nhất:
Bà đã đem trả lại chỗ cũ của hòn đá đó một cách dễ dàng. Cũng một cách tương tự, với tội lỗi của bà, bà đã biết khiêm nhường nhìn nhận tội lỗi mình nặng nề và đã thành tâm ăn năn thống hối, bà đã được Thiên Chúa thương tha thứ cho bà, bây giờ bà không nên lo lắng áy náy chi nữa.
Quay sang người phụ nữ thứ hai vị đạo sĩ nói tiếp:
Còn bà như đã không thể trả lại được chỗ cũ của những viên đá sỏi, bà cũng không nhìn thấy được các lỗi lầm nho nhỏ để ăn năn thống hối.
Ngọc Nga sưu tầm
Nguồn: FB Le Noelle