Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

Công dụng của tròng trắng trứng gà trong việc điều trị ngộ độc, trúng thực


TRỊ ĂN TRÚNG THỰC NGĂN NGỰC
Lỡ ăn trúng thực món chi,
Làm cho ngăn ngực đứng đi khó lòng,
Hãy mau cấp cứu mới mong,
Nếu để chậm trễ có khi chết liền,
Phương nầy diệu dược thần tiên,
Lấy hột tròng trắng trứng gà uống vô,
Tức thì nôn mửa ra liền,
Dứt cơn ngộp thở khỏi phiền thuốc thang.

TRỊ TRÚNG THỰC, NGỘ ĐỘC NGHẸT THỞ
Ăn trúng thực, hay uống thuốc nhầm, ngộ độc,
Phương pháp nầy, cứu khỏi chết rất hay,
Lấy hột gà tròng trắng cạy uống ngay,
Vừa tang ói, lại vừa trơn dễ mửa,
Phương pháp nầy, đã từng đem cứu chữa,
Giúp cho người thoát khỏi chết vẹn toàn,
Xin bà con biết vậy phải sẵn sang,
Liền mách bảo, cứu giúp người phước lớn.

LỠ ĂN NHẦM NẤM ĐỘC
Ăn nhầm nấm độc hãi kinh,
Hãy mau tìm thuốc thổ huỳnh uống vô,
Hoặc lấy tròng trắng hột gà,
Quậy cùng chút nước, uống qua ói liền,
Thổ huỳnh quậy uống tiếp vào,
Vài đôi mươi phút tức thì hết ngay,
Thuốc sao nghe nói lạ kỳ,
Mà là thần dược, uống thì hết ngay.

CỨU CẤP: LỠ UỐNG LẬM THUỐC QUÁ LIỀU
Uống thuốc tự tử chưa chết,
hoặc ăn uống trúng thực nghẹt cổ, ngực,
Ban đầu gặp phải bệnh trên,
Cứu cấp mau lẹ phải nên làm vầy,
Chớ dùng Nam, Bắc, Tàu, Tây,
Chậm trễ thì phải chết ngay tức thì,
Mau lấy tròng trắng trứng gà,
Hòa cùng chút nước uống mà ói ngay,
Trong bụng xổ hết ra ngoài,
Phương nầy cấp cứu thật hay vô cùng,
Bà con biết mách bảo chung,
Cứu người thoát chết phước trùng vạn thiên.

TRỊ UỐNG RƯỢU QUÁ SAY,
NẰM BẤT TỈNH, TRÚNG GIÓ MÊ CHẾT LUÔN
Chết vầy đã xảy khá nhiều,
Bà con ai biết nên kêu giúp giùm,
Uống rượu say quá độ chừng,
Mê man bất tỉnh, thường tình cứu qua,
Cho uống tròng trắng hột gà,
Nôn ra mửa bớt thế là giảm say,
Vỏ gòn đâm uống vô ngay,
Lấy mền đắp ngủ, tránh ngoài gió sương,
Đừng thấy như vậy xem thường,
Bệnh này đã chết nằm đường thiếu chi.
Nguồn: Trích từ kết tập những bài thuốc quý trong dân gian của Hòa Thượng Thích Giác Nhiên

Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Ngay - Thẳng - Vuông - Tròn


Ngay - thẳng - vuông – tròn

Những lời của người thầy kính yêu dạy Văn năm xưa về cách viết chữ, về bài học làm người luôn sống mãi trong tâm trí tôi…
Đó là năm tôi học lớp chín. Lần trả bài tập làm văn đầu tiên, thầy phê vào bài tôi, rất cẩn thận, dòng chữ chân phương màu mực đỏ: “Em cần rèn chữ viết cho ngay thẳng và vuông tròn”.
Tôi cầm bài chạy lên:
Thưa thầy, xin thầy giảng rõ cho con hiểu ạ!
Thầy cầm tay tôi, vừa giúp tôi nắn nót từng chữ cái trên giấy, vừa giải thích:
- Trước hết con phải viết chữ cho ngay ngắn thẳng hàng, nghĩa là dòng chữ được ngay thẳng. Muốn vậy, con cần chú ý: những nét thẳng thì phải thẳng! Ví dụ nét sổ của chữ “b, t, d…”. Và dòng chữ phải nằm ngay hàng thẳng lối trên đường kẻ ô ly đậm…
Khi con rèn chữ được ngay thẳng rồi, tiếp theo con hãy luyện nét vuông tròn. Nghĩa là, những nét vuông thì phải vuông, những nét tròn thì phải tròn! Ví dụ nét vuông của chữ “u, y…,  nét tròn của chữ o, a...”. Con hiểu chưa? Chừng nào quen tay, thành thạo rồi, con có thể tha hồ múa bút… Nhưng dù lả lướt, bay bướm cỡ nào, những nguyên tắc đó vẫn bảo đảm thì chữ mới đẹp!
Rồi từng con chữ thầy chăm chút gò cho tôi theo đúng nguyên tắc ngay thẳng vuông tròn, trông rõ ràng và đẹp lạ lùng. Khác hẳn với chữ của tôi, nghiêng ngả, méo mó, khó xem… xấu xí tệ hại!
Những bài kiểm tra của tôi sau đó đều được thầy khen chữ viết có nhiều tiến bộ. Không riêng gì tôi, các bạn trong lớp cũng đều được thầy tận tụy rèn nét chữ như vậy.
Ngoài chuyện chăm rèn chữ, chúng tôi còn rất chăm học Văn, môn học mà trước đó học trò khá lười nhác. Có lẽ lí do trước tiên là chúng tôi rất thương thầy, tiếp đó mới là việc thầy dạy hay.
Cuối năm, chúng tôi phải xa thầy để lên cấp ba.
Buổi chia tay, thầy ân cần cầm từng bàn tay mỗi chúng tôi, khen chúng tôi đã cố gắng rất nhiều trong việc rèn chữ đẹp. Rồi thầy âu yếm dặn dò:
Các con hãy ráng nhớ lời thầy: Luôn tu tâm dưỡng tính cho ngay thẳng vuông tròn, các con sẽ có được tâm hồn đẹp, nhân cách đẹp, đẹp như nét chữ ngay thẳng vuông tròn vậy! Hãy cố gắng sống ngay thẳng, không quanh co gian dối, không làm điều mờ ám, nếu không giúp được người thì đừng hại người…! Cố gắng sống tử tế, có trước có sau, ân nghĩa thủy chung…! Các con ghi nhớ và làm theo lời dạy bảo của thầy là các con đã thương thầy, đã tặng món quà lớn lao và ý nghĩa nhất cho cuộc đời của thầy…                         
T.T.K.C. (Đồng Nai)

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Một số mẹo hay từ các bài thuốc quý trong dân gian

TRỊ KHÔ CỔ TẮT TIẾNG
Cam, chanh hai trái vắt ra,
Mật ong hai muỗng trộn hòa lẫn nhau,
Trà nóng đừng đậm pha vào,
Nuốt chầm chậm rãi tiếng khào hết ngay,
Phương nầy đơn giản mà hay,
Thuyết pháp, ca sĩ cả hai nên cần.

          TRỊ BỊ PHỎNG NƯỚC LỬA
Xẻ cây lô hội nha đam (cây Aloe Vera),
Đắp vào chỗ phỏng liền mau cấp thì,
Thuốc nầy là loại kháng sinh,
Thoa vào nó mát không phù lột da,
Cũng không làm độc, mát da,
Vết thương êm dịu thật là rất hay.

BỊ TÉ, ĐÁNH, ĐỤNG SƯNG
Làm đau nhức khó chịu,
Ăn ngủ không được rên la dữ dội,
Cắt trái chanh chấm muối đốt ngay,
Nóng áp đánh tới lui làm tan máu,
Sẽ bớt ngay giảm đau nhức tức khắc.

TRỊ RẮN CẮN SÔI ĐÀM
Phèn chua, ngũ bội, hồng hoàn (châu hồng hoàn),
Đâm vào cho uống, xác toan đắp vào,
Rút nọc nó hết rất mau,
Là phương cấp cứu làm sao chỉ giùm.

TRỊ RÍT CẮN SƯNG KHỚP
Rủi bị con rít chích đau,
Lấy nhớt trong miệng con gà xức vô,
Nó kỵ sẽ hết tức thì,
Đó là phương pháp khó bì chi hơn.

THUỐC CẦM MÁU BỊ ĐỨT
Có nhiều cách cầm máu có công hiệu:
1 – Thạch Ngọc Hành đệ nhất cầm ngay,
Đặt vào ngưng hẳn cách nầy diệu phương.
2 - Thứ nhì đọt chuối hột còn non,
Đắp vào nó cũng cầm ngay tức thì.
3 - Thứ ba lô hội nha đam,
Nhai đắp băng lại vết thương,
Máu ngưng tức khắc phương nầy rất hay.
4 - Thứ tư ổ dán nhện tròn,
Giống tợ bông gòn gỡ đắp vết thương.
5 - Thứ năm nhúng nước thuốc rê,
Băng ngay chỗ đứt cũng cầm máu ngay.
Năm thứ cầm máu trên đây,
Đã có thực nghiệm cầm hay vô cùng.

TRỊ BỆNH SUYỄN HẾT TUYỆT
Bệnh suyễn khó trị hết ngay,
Uống không trúng thuốc kéo dài lâu năm,
Thần y diệu dược sưu tầm,
Yến chưng lại với đường phèn uống vô,
Tuy là tốn kém số tiền,
Nhưng mà hết bịnh khỏi phiền khỏi lo,
Nay thầy từ ái chỉ cho,
Linh đơn thần dược giúp cho an lành,
Nhiều người uống được mạnh lành.

CỨU CẤP TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO
BÌNH PHỤC TỨC KHẮC
Mạch máu não, đứt đi là nguy hiểm,
Không chết liền, cũng tàn tật suốt đời,
Vậy bà con, hãy cố gắng kịp thời,
Đâu ngồi đó, đừng chuyển thân động đậy,
Đầu ngón tay, châm máu ra mười ngón,
Bóp nặn ra, năm mười phút tỉnh liền,
Nếu miệng còn méo mó, mắt xéo xiên,
Liền tiếp vuốt, hai vành tai ửng đỏ,
Rồi kim chích, nặn máu ra dưới chót,
Mười phút sau, miệng mắt trở bình thường,
Vài giờ sau, mới đụng đến thân người,
Thì mạch máu không vỡ tung nguy hại,
Điều cấm kỵ, không, cạo, xông, thoa bóp,
Không chở đi cứu cấp chạy lòng vòng,
Mạch máu đầu, càng bễ vỡ ở bên trong,
Càng nguy kịch, cho bệnh nhân khó cứu.

TRỊ BỆNH BONG GÂN SƯNG U LÊN
1 - Bong gân chà xát ráng chịu đau,
Chà nóng nhiều lần sẽ hết đau,
Kiên chí, bền tâm chà vậy mãi,
Đừng để da phồng sẽ hết mau.
2 - Chanh nướng nóng lên đem chấm muối,
Chà vừa sức chịu được nhiều lần,
Máu lưu, gân chuyển mau lành bệnh,
Phương cách trị nầy giảm hết ngay.
3 - Tỏi lơi đâm nát muối, thêm gừng,
Xào giấm ấp lên bó đỡ đau,
Ba bốn giờ sau xào bó lại,
Ngày đôi ba cữ cũng hết mau.

TRỊ NỔI MÀY ĐAY
1 - Ăn nhằm phong nổi mề đay,
Tàng ong đốt lửa xông thì hết ngay.
2 - Lá sả, thuốc cứu, tía tô,
Đốt xông cũng hết chẳng tiền tốn chi.
3 - Lá chanh, lá bưởi, trần bì (vỏ quít),
Rau răm, é, tía đốt đi xông liền,
Mề đay lặng xuống khỏi phiền.
4 - Giấm thoa rượu xát, trầu đâm xát vào,
Chanh chua thoa đánh cũng xuống ngay.
Bốn cách đã kể trên đây,
Phương nào chữa được xin bày giúp cho.
Nguồn: Trích từ kết tập những bài thuốc quý trong dân gian của Hòa Thượng Thích Giác Nhiên

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

Điều kỳ diệu của sự lạc quan


Điều kỳ diệu của sự lạc quan

John thuộc tuýp dễ khiến người ta ghét. Bởi lúc nào anh cũng “phởn phơ” và luôn nói những điều tích cực. Giả dụ bạn có hỏi “dạo này anh khỏe không?”, thế nào anh ta cũng nói: “Nếu còn khỏe hơn được nữa thì hẳn tôi có anh em sinh đôi rồi”.
John là nguồn động viên tự nhiên nhất với mọi người. Nếu đồng nghiệp nào có một ngày làm việc tồi tệ, anh thường bảo họ cách nhìn ra khía cạnh lạc quan của hoàn cảnh. Chứng kiến điều này, tôi thực sự tò mò. Vậy là một ngày, tôi quyết định tới hỏi John: “Tôi không hiểu nổi! Không thể lúc nào anh cũng là người lạc quan. Vậy làm thế nào anh làm được điều đó?”.
Anh trả lời, “Mỗi sáng, khi thức dậy, tôi thường tự nhủ, hôm nay mình có hai lựa chọn. Mình có thể vui vẻ hoặc có thể cáu bẳn. Và tôi đã chọn tâm trạng vui vẻ. Mỗi khi có chuyện gì không hay xảy ra, tôi có thể chọn hoặc là nạn nhân hoặc có thể học hỏi điều gì từ chuyện đó. Và tôi đã chọn cách thứ hai. Mỗi lúc ai đó tới phàn nàn với tôi, tôi có thể chọn cách hoặc chấp nhận nghe lời phàn nàn của họ, hoặc có thể chỉ ra những phương diện tích cực của cuộc sống. Và tôi đã chọn cách nhìn ra niềm vui ở đời”.
“Vâng, đành là như vậy. Nhưng như thế cũng đâu có dễ dàng gì”, tôi phản bác.
 “Đúng thế”, John tiếp tục. “Cuộc sống là những lựa chọn. Nếu anh vứt bỏ đi tất cả những điều vụn vặt thì mọi tình huống trong cuộc sống đều là sự lựa chọn. Anh chọn cách phản ứng với những tình huống đó như thế nào. Anh chọn cách để mọi người tác động tới tâm trạng của anh ra sao. Anh chọn vui vẻ hay buồn chán. Điều quan trọng nhất chính là lựa chọn bạn nên sống cuộc sống của bạn như thế nào”.
Tôi ngẫm nghĩ về những điều John nói. Chẳng bao lâu sau, tôi bỏ công việc đang làm để mở công ty riêng. Tôi và John mất liên lạc với nhau nhưng tôi vẫn luôn nghĩ tới anh mỗi khi cần phải lựa chọn trong cuộc sống thay vì phản ứng lại nó.
Nhiều năm sau, tôi nghe tin anh bị tai nạn rất nghiêm trọng. Nghe đâu anh bị ngã từ một tòa tháp viễn thông cao gần hai mươi mét. Sau mười tám giờ phẫu thuật và hàng tuần nằm điều trị đặc biệt, John ra viện trong tình trạng bị nẹp xương lưng.
Khoảng sáu tháng sau vụ tai nạn, tôi gặp lại anh. Khi tôi hỏi anh thấy thế nào thì anh đáp, “Nếu mà khỏe hơn được nữa thì hẳn tôi có anh em sinh đôi. Này, có muốn ngó qua đám sẹo của tôi không?”.
Tôi từ chối nhưng hỏi anh đã nghĩ gì khi vụ tai nạn xảy ra. “Điều đầu tiên lướt qua tâm trí tôi lúc đó là cuộc sống hạnh phúc của đứa con gái sắp ra đời của tôi”, John đáp. “Khi đó, tôi nằm trên mặt đất, tôi nhớ rằng mình có hai lựa chọn. Tôi có thể chọn để sống và cũng có thể chọn để chết. Và thế là tôi chọn sống”.
 “Anh không sợ chút nào ư? Chẳng phải anh đã bất tỉnh đó sao?”, tôi hỏi.
John tiếp tục, “Các nhân viên y tế thật tốt bụng. Họ liên tục bảo rằng nhất định tôi sẽ ổn. Nhưng khi họ đưa tôi vào phòng cấp cứu, nhìn vẻ mặt của các y bác sỹ, tôi đã thực sự hoảng sợ. Trong mắt họ, tôi đọc thấy dòng chữ “anh ấy chết rồi”. Tôi hiểu rằng tôi cần phải hành động”.
“Và anh đã làm gì?”, tôi hỏi.
“À, lúc đó một cô y tá to lớn hét to câu hỏi vào tai tôi. Cô ấy bảo tôi có dị ứng với cái gì không. “Có”, tôi đáp vậy. Các y bác sỹ tạm ngừng công việc để chờ tôi trả lời. Tôi hít sâu một hơi rồi nói to: “Trọng lực!”.
Át đi tiếng cười của họ, tôi bảo: “Tôi đã chọn để sống. Hãy mổ cho tôi như là tôi đang sống chứ không phải đã chết”.
John đã sống, nhờ vào tài năng của các bác sỹ, nhưng cũng là nhờ thái độ sống kỳ diệu của anh. Tôi đã học được anh điều đó.
Mỗi ngày, chúng ta đều có các lựa chọn để sống thật trọn vẹn. Sau tất cả mọi điều, thái độ sống là tất cả. 
Đỗ Dương
Lược dịch theo Francie Baltazar-Schwartz

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Lòng tốt và sự may mắn


Lòng tốt và sự may mắn

Đây là câu chuyện về bà nội mà bố đã kể lại cho tôi nghe.
Năm 1949, bố tôi vừa trở về từ chiến trường. Buồn thay, niềm vui sum họp gia đình chẳng mấy chốc tan biến vì bà nội đột nhiên đổ bệnh rất nặng và buộc phải nhập viện. Bà bị bệnh thận và các bác sĩ nói rằng bà cần được truyền máu ngay lập tức nếu không bà khó có thể qua khỏi đêm đó. Vấn đề là bà tôi thuộc nhóm máu AB - một nhóm máu rất hiếm và trong ngân hàng máu không còn và cũng không có những chuyến bay tải máu cấp cứu như bây giờ. Tất cả các thành viên trong gia đình đều đi thử máu nhưng không ai có thể truyền máu được cho bà nội. Vì thế bác sĩ không thể cho gia đình tôi bất cứ một tia hi vọng nào, bà nội đang đứng trên ngưỡng cửa của cái chết.
Bố tôi đau khổ rời khỏi bệnh viện để về thông báo cho mọi người trong gia đình để gặp nội lần cuối. Khi bố tôi đang lái xe trên đường cao tốc, ông đi qua một người lính đang vẫy tay xin đi nhờ. Lúc đó trong lòng bố tôi đang đau đớn khôn cùng, ông không có ý định làm một cử chỉ tốt đối với ai cả. Nhưng có một điều gì đó thôi thúc ông dừng lại và ngồi đợi người lính xa lạ trèo vào xe.
Bố tôi quá đau buồn nên cũng chẳng hỏi tên người lính đó, nhưng người lính đó đã chú ý đến gương mặt đau khổ của bố tôi, anh bèn hỏi thăm cơ sự. Cha tôi vừa khóc vừa nói cho anh lính xa lạ này biết mẹ ông đang nằm trong bệnh viện vì không có máu nhóm AB - để truyền cho bà. Và nếu bà không được truyền máu trong đêm nay thì bà chắc chắn sẽ chết.
Nghe xong câu chuyện, người lính chưa rõ danh tính chợt xòe bàn tay trước mặt bố tôi. Trong lòng bàn tay là một tấm thẻ đeo quanh cổ. Trên tấm thẻ có ghi nhóm máu AB. Người lính bảo bố tôi quay xe chở anh đến bệnh viện.
Bà nội tôi đã sống đến tận năm 1996, 47 năm sau đó và cho đến tận bây giờ không ai trong gia đình tôi biết tên người lính tốt bụng và bố tôi vẫn tự hỏi, đó là một người lính hay một thiên thần trong bộ quân phục? 
Minh Nguyệt
Nguồn: www.dantri.com.vn

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Sơ suất hoàn hảo



Sơ suất hoàn hảo

Ông ngoại tôi là thợ mộc. Ngày nọ, ông đóng vài cái hộp để gửi quần áo của nhà thờ cho các trẻ mồ côi Trung Quốc. Trên đường về nhà, ông thò tay vào túi áo lục tìm đôi kính mới mua, nhưng chẳng thấy gì...
Ngẫm lại những việc đã làm, ông hiểu ra sự việc. Hẳn là đôi kính đã vô tình tuột khỏi túi áo rơi vào một trong những cái thùng ông đã đóng đinh rất chặt đó. Vậy là đôi kính mới mua của ông đã lên đường sang Trung Quốc!
Nỗi chán nản đã lên tới đỉnh điểm của nó. Hồi đó ông ngoại có tất cả sáu người con, ông đã phải bỏ ra 20 đô la để mua đôi kính mới sáng nay. Ý nghĩ sẽ phải bỏ tiền mua một đôi khác làm ông thực sự mệt mỏi. “Ông trời thật chẳng công bằng chút nào”, ông lầm bầm như vậy trên đường lái xe về nhà. “Mình đã rất tận tuỵ dành thời gian và tiền bạc vào công việc từ thiện đó, vậy mà bây giờ thì thế này đây”.
Nhiều tháng trôi qua, giám đốc của một trung tâm trẻ mồ côi có kỳ nghỉ phép tại Mỹ. Ông này muốn tới thăm tất cả các nhà thờ đã từng giúp đỡ trung tâm của ông ở Trung Quốc. Vậy là ông đã có mặt phát biểu trong một ngày chủ nhật tại ngôi nhà thờ nhỏ của ông ngoại tôi tại Chicago.
Ông bắt đầu bài diễn thuyết bằng việc gửi lời cảm ơn lòng hảo tâm của tất cả những người đã hỗ trợ cho trung tâm trẻ mồ côi. “Nhưng trên hết”, ông nói, “tôi phải cảm ơn đôi kính các bạn đã gửi cho chúng tôi hồi năm ngoái. Các bạn biết đó, khi đám kẻ xấu quét qua khu trại trẻ mồ côi, chúng đã phá hủy mọi thứ, kể cả đôi kính của tôi. Tôi thực sự tuyệt vọng bởi ngay cả nếu có tiền, tôi cũng không dễ gì thay được đôi kính đó. Cùng với tình trạng mắt mũi chẳng ra sao, ngày nào tôi cũng bị đau đầu, vậy nên lúc nào tôi và các cộng sự cũng chỉ mong muốn có được một đôi kính như vậy. Thế rồi những hộp đồ của các anh chuyển đến, khi tháo các lớp bọc ra, người của chúng tôi tìm thấy một đôi kính được chẹn lại giữa hai tấm chăn bông”.
Ông giám đốc ngưng lại một lúc như để lắng lại những điều vừa nói, rồi tiếp tục cuốn hút người nghe về sự việc kỳ lạ này, ông kể, “Các bạn yêu quý, khi đeo thử đôi kính, tôi thấy như thể nó đã được làm dành cho tôi vậy! Tôi muốn cảm ơn các bạn vì điều đó”.
Tất cả đám đông đang nghe đều cảm thấy vui với câu chuyện về đôi kính. Nhưng họ nghĩ, có lẽ ngài giám đốc đã nhầm nhà thờ của họ với một nhà thờ khác vì trong danh sách những món đồ họ gửi đi làm gì có đôi kính nào. Nhưng ngồi lặng lẽ phía sau, nước mắt trào ra xúc động, người thợ mộc vô danh đã hiểu ra lẽ tuyệt vời của cuộc sống mà Chúa đã sắp xếp cho ông.
Có những khi ta cứ oán thán thay vì cảm ơn ông Trời trong khi đáng lý ta phải biết cảm ơn nhiều hơn. “Cảm ơn Trời đã giúp xe của con không chạy được sáng nay” bởi biết đâu ông Trời đã cứu bạn thoát khỏi một vụ tai nạn xe cộ nào đó. “Cảm ơn Trời vì đã để con làm mất đôi kính, con tin rằng nó sẽ trở nên hữu dụng với ai đó và có thể lại học được một bài học cuộc sống”.
Hãy luôn tìm kiếm những sơ suất hoàn hảo trong cuộc sống của bạn. 
Đỗ Dương (Dịch)