Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

Mình đã tu thật chưa?


MÌNH ĐÃ TU THẬT CHƯA
(Sưu tầm)

Cho đến bây giờ câu hỏi ấy vẫn làm cho tôi trăn trở và nhớ mãi không quên.
Cách đây hơn một năm, trong khi thiền viện chúng tôi có công tác xây dựng nhà khách nội viện ni. Mọi người đều bận rộn với công việc của mình, riêng tôi thì lăng xăng với "con tuấn mã" chạy tới chạy lui mua vật liệu.
Một hôm, khi đến cửa hàng bán đồ điện, nhìn thấy tôi, chị bán hàng cười vui vẻ. Tôi vội nói những thứ mình cần mua. Vừa soạn hàng chị vừa hỏi tôi:
- Em ơi! Em đi tu thật chưa?
Tôi trố mắt nhìn và nhanh nhẩu trả lời:
- Dạ thật chứ!
Chị ấy liền hỏi tiếp:
- Nhà em ở đâu? Em đi tu từ mấy tuổi? Năm nay em bao nhiêu tuổi?
Sau khi nghe tôi trình sơ "lý lịch trích ngang", chị nhìn tôi với vẻ ngại ngùng nói:
- Chị hỏi thật! Em có bị "trục trặc" về chuyện tình cảm không mà đi tu vậy?
Câu hỏi làm cho tôi không nín được cười. Tôi liền đáp :
- Em cũng nói thiệt với chị là từ nhỏ đến lớn, em chưa hề biết thương ai, thì làm gì có chuyện thất tình đi tu. Bộ chị nghĩ đi tu dể lắm sao?
Chị ấy cười thật tươi rồi nói:
- Ờ, thì chị chỉ hỏi vậy thôi, chớ chị cũng biết phải có duyên mới tu được.
Hôm khác tôi đến hiệu thuốc tây mua thuốc. Chú dược sĩ trạc khoảng năm mươi tuổi trông thấy tôi liền hỏi:
- Con tu ở chùa nào?
Tôi đáp:
- Dạ, con ở thiền viện Trúc Lâm.
- Con mua thuốc gì?
- Dạ một hộp Calcium, một vĩ Trandat.
Chú nhìn kỷ tôi rồi hỏi tiếp:
- Chú hỏi thật con, con đi tu thật chưa?
Câu hỏi này lại một lần nửa làm cho tôi vô cùng kinh ngạc. Tôi nghĩ thầm: "Chết rồi! Cái mặt mình bộ giả dối lắm sao mà người ta cứ hỏi tu thiệt chưa hoài, kỳ quá!?
Nhưng tôi vẫn đáp:
- Dạ thiệt chứ!
Chú dược sĩ điều tra lý lịch tôi tiếp:
- Con đi tu từ lúc mấy tuổi?
- Dạ mười tám tuổi.
- Năm nay con bao nhiêu tuổi?
- Dạ, con hai mươi sáu tuổi.
- Nhưng chú hỏi thật con bây giờ con quyết định tu thật chưa?
Tôi không trả lời mà hỏi lại:
- Chú ơi! Chú sống mấy chục năm ở ngoài đời có vui không? Vui nhiều hay khổ nhiều?
Vẻ mặt chú đang vui bỗng chùng lại, sau vài phút trầm ngâm suy nghĩ, chú trả lời:
- Vui thì ít mà khổ lại nhiều con ạ!
Tôi như người bắt được vàng liền nói:
- Chú làm dược sĩ chủ hai tiệm thuốc tây, là một người trí thức, danh cũng có lời cũng có, mà chú còn than khổ. Thú thật, ngó con còn không dám chớ đừng nói bước chân trở lại đời.
Chú cười nói:
- Ờ! Ráng tu nghe con, ở ngoài đời khổ lắm!
- Có bao giờ chú nghĩ mình sẽ đi tu không?
- Chú cũng chưa biết nữa. Thỉnh thoảng chú cũng có đến thiền viện, chú rất thích. Đó là những lời trò chuyện ngoài đường. Nhưng những câu hỏi ấy khiến cho tôi phải tự suy nghĩ: mình khẳng định với mọi người tu thật. Nhưng thực chất mình đã tu thật chưa?
Vừa về đến chùa, gặp cô tri khố, dù đang bận việc, vẫn tranh thủ lấy hai cái bánh chìa cho tôi. Có lẽ đã trưa, bụng đói cồn cào, thấy bánh tôi vội đi rửa tay lột ăn liền. Vừa để bánh vào miệng, tôi phát hiện bánh bị thiu, có vị chua. Khi ấy, phản ứng đầu tiên là nhăn mặt và định ré lên, nhưng tôi bỗng giật mình tự hỏi: "Mình đã tu thật chưa?"
Khi xưa cô Linh Chiếu đã từng nói: "Đói đến thì ăn, mệt ngủ khò". Còn mình thì sao?
Bánh đến miệng rồi còn khó chịu,
Giữa khi bụng đói vẫn so bì.
Thật là ngốc như con cóc trong hang.
Người Phật tử làm được một cái bánh cúng dường cho mình phải mất bao nhiêu tiền của và công sức. Họ đem đến cúng cho mình bằng cả tấm lòng, nhưng vì đường xá xa xôi nên khi đến tay mình thì bánh đã thiu. Một ngọn đèn dầu của bà lão nghèo khó vẫn quí hơn trăm ngàn ngọn của đấng quân vương.
Sư ông thường dạy chúng tôi phải luôn coi thường sự ăn mặc, đừng vì chút mùi vị mà quên mất mình. Thế mà suýt chút nữa tôi đã quên... Sau khi dở nhà khách gỗ, Nội viện Ni chúng tôi lại có thêm một căn nhà gác xinh xắn, tọa lạc phía sau nhà khách gần Ni đường II. Nghe nói ít hôm nữa sẽ trở thành Ni đường III. Tôi nghĩ mình phải xin qua Ni đường III ở mới được. Ở nhà gác cao ráo, thoáng mát mà lại ít người nên thanh tịnh dễ tu. Tôi đang hăm hở với dòng vọng tưởng, định đi xin thì bỗng giật mình tự hỏi : "Mình đã tu thật chưa?".
Ở chốn già lam thanh tịnh thì nơi nơi đều thanh tịnh. Từ nhà bếp đến trai đường, nhà kho hay thiền đường đều thanh tịnh như nhau. Chỉ tại tâm mình dấy khởi phân biệt đây kia nên mới lăng xăng rộn ràng.
Phật ngày xưa tu khổ hạnh chỉ ở dưới gốc cây, mình có nhà ở là quí rồi còn đòi hỏi thì thật đáng hổ thẹn. Vừa nghĩ đến đây, tôi chợt nhớ đến bốn câu thơ của Pháp sư Ấn Quang:
"Cơm rau đỡ dạ đói,
Nhà cỏ che gió sương;
Người đời nếu biết đủ,
Phiền não chẳng còn vương".
Sau đó, tôi quyết định thôi và tự nhủ: "phen này mình phải tu cho đàng hoàng, chăn tâm kỹ hơn, không để cho vọng tưởng kéo lôi nữa". Một hôm, có việc cần mua vật liệu, vì không cẩn thận tôi lại phải chạy tới, chạy lui hai ba lần để đổi, về đến chùa đã quá giờ nghỉ trưa. Chiều lại bận việc. Đến tối, khi nghe tiếng kẻng ngồi thiền tôi cảm thấy mệt mỏi làm sao, chỉ muốn đi ngủ thôi. Tôi tự làm luật sư bào chữa "khi trưa mình mắc đi chợ không ngủ, bây giờ buồn ngủ quá, chắc phải ngủ bù mai mới dậy nổi". Đang tìm lý lẽ để biện minh cho mình, tôi giật mình tự hỏi: "Mình tu đã thật chưa?"
Tu cho mình hay tu cho ai? Bây giờ còn trẻ mà lười biếng không chịu tu, mai kia già, chết, tử thần đến lấy gì chống trả. Khi xưa thầy Tri sự vì việc chùa nên được hoãn lại bảy ngày, còn mình chắc ổng không nghĩ tình đâu! Nghĩ đến Sư Ông tôi buồn thấm thía. Sư Ông tôi! Với tuổi tám mươi, sức khỏe yếu mòn mà còn phải bôn ba lo Phật Sự. Nơi nào thỉnh  Người cũng đến, dù cách xa tận đầu miền đất nước hoặc cuối mũi Cà Mau hay xa xôi bên kia biển Thái Bình, Người vẫn vì chúng sanh không quản khó nhọc. Tôi nguyện sẽ cố gắng không buông lung nữa để không hổ thẹn là con cháu trong tông môn mà ý chí thấp hèn như loài chim sẻ.
Một ngày kia, tôi đang chăm chú vẽ hoa sen, một sư đệ đi ngang qua trông thấy tấm tắc khen: "Chị vẽ hoa sen đẹp quá! Cánh mềm nại giống như sen thật, vẽ cho em một cái với!". Tôi cảm thấy rất vui, hứng khởi ngắm lại đóa hoa mình vừa vẽ, chợt giật mình tự hỏi: "Mình đã tu thật chưa?"
Trời ơi! Bao nhiêu năm tu hành mà cũng chưa đủ sức vượt qua lời khen tiếng chê. Sư Ông nói: "Muốn thử người ta chỉ cần lấy bát phong đo lường". Vậy mà mới lãnh có "nửa phong" tâm tôi đã rung rinh như ngọn đèn dầu trước gió, đáng sợ thật!".
Quí Thầy, quí Cô tu sao mà ngon ơi, còn mình thì cứ trậm trầy, trậm trật. Những lúc nhập thất mới ra, tôi thấy mình tu cũng đâu đến nổi tệ. Nhưng ngờ đâu khi đối duyên xúc cảnh, tập khí nổi dậy chưa làm chủ được, chỉ  cần lơ đễnh chút xíu là phạm bao nhiêu lầm lỗi. Người xưa đã từng nói: "Nếu thấy một mảy lông khác nơi tâm thì tự táng thân mạng".
Tu hành thật không dễ chút nào, dù mình biết tâm thể vốn thanh tịnh không dao động, nhưng từ vô thủy kiếp đến nay đã quen sống với vọng tưởng cho nó là thật rồi, bây giờ mới biết xoay trở lại, trong một sớm một chiều làm sao có thể đoạn trừ tập khí hết được. Dù sao, tôi nguyện sẽ cố gắng đoạn tận tập khí của mình. Tôi thầm cảm ơn các vị đã hỏi tôi câu hỏi "tu đã thật chưa?" vì nhờ đó giúp tôi xoay lại tự quán chính mình, để luôn thức tỉnh, không hổ thẹn là người mặc chiếc cà sa, y phục giải thoát./.
Sưu tầm.

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011

Sóng thần - sự hủy diệt thật khủng khiếp!


Chánh Tuân vừa nhận được một đoạn Vedeo Clip quay lại sức hủy diệt của sóng thần từ một người bạn gửi đến. Thật là khủng khiếp! Đây là một trong những tín hiệu cho thấy đời hạ nguơn đang tiến rất gần về giai đoạn cuối cùng. Sự vô thường sẽ xảy đến bất kỳ lúc nào trong thời Hạ Nguơn Mạt Kiếp này, cầu mong mọi người sớm lo tu mau kẻo trễ:


Chánh Tuân.

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2011

Những lời khuyến tu của Đức Mẹ


NHỮNG LỜI KHUYẾN TU CỦA ĐỨC MẸ
DIÊU TRÌ BỬU ĐIỆN, NAM THÀNH THÁNH THẤT,
Tuất thời Rằm tháng 6 Tân Hợi (5-8-1971)

Mẹ linh hồn các con nam nữ. Mẹ mừng các con!
Thi:
Lìa chốn Hư đến cõi trần,
Thấy con khổ CỰC kiếp vi nhân;
Đem lời TỪ ái ra khuyên nhủ,
Mượn tiếng TÔN ti để đỡ nâng.
Mở ngỏ DIÊU Cung chờ mỏi mắt,
Soi dòng TRÌ thủy đợi chồn chân;
Giá xưa KIM ngọc còn treo đó,
Nhớ thuở MẪU nhi được hiệp quần.
Các con ôi! Mẹ mừng được thấy các con vẫn nhớ lời dạy hôm kỳ đàn trước mà Mẹ đã dặn dò các con ngày hôm nay qui tụ về đây. Các con đã thể hiện được tinh thần hòa hiệp thương yêu dưới bóng cờ Đại Đạo. Mẹ vui lòng muốn các con theo đà tiến đó mà đi đến ngày hợp quần đồng nhứt nữ phái để lập thêm công quả bằng phương tiện đem Đạo giác ngộ người đời, để xã hội loài người các con trở nên một xã hội đạo đức thuần lương Thánh thiện.
Thi:
Nữ nam phân cách bởi hồng trần,
Diện mạo hình hài với xác thân;
Bổn tánh chơn như đâu có khác,
Con nào cũng có vị nguyên nhân.
Các con nữ phái nghe lời Mẹ dạy:
Trải qua mấy mươi thu dư, các con đã gần cửa Đạo, được nghe lời chỉ giáo đã nhiều. Nhờ đó các con cũng đã được một số vốn về đạo đức đáng kể, khả dĩ để tự độ và độ tha. Mẹ mừng cho các con đó. Nhưng các con ôi! ngày nay đất nước các con còn trong cảnh chiến tranh khói lửa, dân tộc các con trong cảnh tranh chấp giựt giành, xâu xé lẫn nhau trong cảnh tương tàn tương sát. Tuy rằng đó là kiếp nạn chúng sanh, mà dân tộc các con đã và đang cưu mang gánh lấy, nhưng các con ôi! còn một phần lớn khác nữa, vì xa cách tình thương của Thượng Đế, chối bỏ đạo đức, chối bỏ sự sanh hóa trưởng dưỡng và tình thương bảo tồn của Thượng Đế.
Các con là những thành phần giác ngộ trước hết, các con đã biết nghe lời dạy của Chí Tôn Thượng Đế và của chư Phật Tiên, các con đã thể hiện được trong muôn một tình thương của Thượng Đế, dầu rằng các con đã làm được ngần ấy nhưng chưa xây chuyển được cuộc đời từ đọa lạc trở nên hạnh phúc. Đó là bởi vì các con chưa thi hành đúng mức hoặc đã thi hành nhưng chưa trọn vẹn giữa lời nói và việc làm, thế nên chưa cảm hóa được nhơn sanh. Đầu cân đạo đức các con còn nhẹ thiếu chưa làm nghiêng hẳn cán cân về bên Thánh Thiện. Các con đã thắp ngọn đèn chân lý soi vào thế giới âm u tội lỗi, nhưng rất tiếc vì những ngọn đèn ấy quá ít và quá nhỏ, thế nên chưa đủ sáng soi rọi giữa đêm trường tối tăm dầy đặc.
Cũng như vậy, tình thương đồng đạo, đồng bào, đồng chủng các con đã có, nhưng tình thương ấy các con đã giới hạn nó trong những dấu chân trâu, thế nên chưa hòa đồng lẫn nhau giữa dấu chân này và dấu chân khác. Những hột muối tình thương các con quá nhỏ, trong lúc ao hồ sông rạch nước loãng mênh mông, thế nên vị muối không còn nguyên chất của nó. Các con có hợp đoàn hướng thiện, có hợp quần để xiển dương đạo lý mới đem lại sự kiến hiệu của vấn đề.
Các con thử xem: một con kiến quá nhỏ không ai còn lưu ý đến nó là gì, nhưng nhiều con kiến nhỏ biết hợp đoàn cùng tha hột gạo, dầu kho gạo lớn đến đâu, trong thời gian nào đó sẽ thấy thâm thủng hao mòn mất mát.
Một bàn chân con cóc vẫn đè chết giẹp một con kiến nhỏ, nhưng nhiều con kiến hợp thành ổ, đồng loạt bu cắn dầu cọp gấu sư tử hoặc voi cũng không dám đương cự. Nhưng nếu mỗi con kiến hoặc mỗi nhóm nhỏ kiến phân tán đó đây có ngày sẽ bị tiêu diệt.
Mẹ đau lòng nhìn thấy kiếp khổ nạn nhơn sanh của dân tộc các con còn trong vòng đau khổ. Chúng nó đang trông chờ chiếc đũa thần đạo đức của các con để cải cựu hoán tân cõi đời  đầy đau khổ này. Chúng nó đang chờ các con thả những cái phao trên mặt biển khổ để chúng vớ lấy trong lúc lặn hụp biển trần đầy xảo trá này. Chúng nó đang đợi các con ban cho những chất keo sơn gắn bó để hàn gắn lại những gì càng ngày càng rách nát gãy đổ cho cái nền luân lý của xã hội dân tộc bất hạnh này.
Các con là những người thừa hưởng cái di sản xấu hoặc tốt để lại, chớ không phải di sản ấy tự các con dựng gầy, nhưng không phải vì thế mà các con đành thụ động không có óc sáng tạo cầu tiến cải cựu hoán tân để thích hợp với hoàn cảnh, với trình độ nhân loại đang vươn mình lên.
Tưởng cũng nên nhắc lại cho các con nhớ chữ "ĐẠO".
Đạo không hình, không tướng, thế nên đừng ai lấy thúng mà úp cái Đạo, đừng ai lấy khuôn mà đổ cái Đạo. Phải hiểu Đạo là uyển chuyển thiên biến vạn hóa, tùy cơ duyên mà phổ độ, tùy hoàn cảnh thực tại mà linh động uyển chuyển tác dụng cho hợp thời đúng lúc, tùy trình độ căn trí mà biện minh phân giải, thuyết lý độ đời. Điều nào hay thì giữ gìn mà phát triển, điều nào dở không thích hợp thì phải trả về cho quá khứ, điều nào thiếu thì sẽ thêm vô cho đủ, điều nào dư thì hãy cắt xén bớt cho tròn vẹn.
Thí dụ: cũng một lời nói, nhưng với người này thì áp dụng được, với người khác không áp dụng được. Cũng một lời nói nhưng ngày nay nói được mà ngày mai hoặc hôm qua không nói được. Nghĩa là, dầu lời nói, dầu việc làm phải đúng chỗ đúng lúc mới kiến hiệu.
Như việc hành Đạo của các con, trước kia các con còn mộc mạc đơn giản thô sơ về Đạo học, các Đấng Thiêng Liêng phải dùng những hình thức hoặc giáo thuyết, giáo đồ để cho vừa với trình độ hiểu biết đó mà dìu dẫn các con.  Đến ngày nay hoặc một thời gian tương lai nào khác, không thể đem những phương pháp hoặc khuôn rập của 45 năm về trước ra áp dụng.
Nói như vậy, các con đừng vội hiểu lầm rằng: Đạo là bất di bất dịch, chân lý là tuyệt đối, tại sao phải nay dời mai đổi, hoặc vui đâu chúc đó. Không phải vậy đâu các con. Lẽ cố nhiên, chân lý là chân lý, chân lý là tuyệt đối, nhưng khi đem áp dụng phải đúng chỗ đúng lúc thì cái chân lý ấy mới tuyệt đối, mới có giá trị.
Các con suy luận điều đó rồi xét lại việc hành Đạo của mình mà những người đi trước đã tạo những cái nếp sẵn. Đừng mù quáng chấp ngã rồi khư khư ôm chầm lấy những chi tiết sai lầm của người đi trước rồi không dám cải cựu hoán tân để hợp tình hợp cảnh trong việc hợp đoàn phổ độ nhơn sanh lập công bồi đức.
Các con ôi! nhìn ra bên ngoài, các con sẽ thấy biết bao nhiêu gia đình tan nát vì chiến tranh, vì ly loạn, không có một mái nhà để đục nắng che mưa. Trong lúc đó Thánh Thất, Thánh Đường mọc lên như nấm, rải rác đó đây trong nước các con. Các con đã thấy gì bên trong Thánh Thất Thánh Đường đó? Ngoài chỗ thờ phượng tôn nghiêm, còn thừa bao nhiêu chỗ trống để bụi bám nhện giăng, rêu phong cỏ mọc, mỗi tháng có hai lần sóc và vọng, bổn đạo chung quanh tề tựu đến đảnh lễ Thiêng Liêng, cúng hành hương, độ một bữa chay rồi ôm khăn gói ra về. Đi đến Thánh Thất đôi lần bảy lượt không thấy có gì mới lạ, lần hồi chểnh mảng không đến nữa, dẫu đến cũng chỉ có thế mà thôi. Có những con thấy không khí buồn tẻ, chẳng biết nói gì, tự nảy sanh bàn phiếm theo báo chí, nào quốc sự, chánh trị miệng của thiên hạ, binh người này, bỏ  người kia, v.v... không có sinh hoạt đạo đức, mà đáng lẽ nơi đây phải được thuyết giảng đạo lý thường xuyên tối thiểu hai lần mỗi tháng để bổn đạo biết thế nào gọi là tu, cúng chùa, tụng kinh ăn chay, niệm phật để làm gì và làm thế nào để đắc Đạo. Đó là những điều cần thiết phải được sinh hoạt đều đều trong Thánh Thất Thánh Đường. Nhơn sanh đạo hữu có hợp tác hành đạo được là nhờ có người chỉ dạy cho biết Đạo là gì. Khi đã có tổ chức hành Đạo thì mọi việc hành Đạo ràng buộc những người trong nội bộ Thánh Thất đó. Có sự ràng buộc hỗ tương lẫn nhau thì không khí sôi động nhộn nhịp về hành thiện đạo đức mới có cơ nổi bật lên để lôi kéo sự hiếu kỳ và hấp dẫn người đời vào Đạo. Như vậy mới gọi là hành Đạo độ đời.
Nếu chùa thất rộng rãi bỏ trống không, đã phí của nhơn sanh bổn đạo, không độ dẫn người đời, đó là chưa kể đến những điều tệ hại có thể xảy ra nếu Thánh Thất nào đó có nguồn lợi tài sản, v.v...
Các con nữ phái yêu quí của Mẹ! các con đừng tưởng việc hành Đạo là của nam phái như đã quan niệm sai lầm từ trước đến nay. Các con nữ phái là những bộ phận hỗ trợ đắc lực trên phương diện hành Đạo cho nam phái. Việc hỗ tương giữa nữ phái từ Thánh Thất, Tịnh Thất, am tự, chùa chiền rất cần thiết. Các con hãy thể hiện thế nào cho xứng đáng là một nguyên nhân tá trần thế Thiên hành hóa.
Tuy rằng kiếp nạn là kiếp nạn chung, các con nào chịu nhọc, gia công hành Đạo sẽ đỡ khỏi phải vương lấy sự cực nhọc về nghiệp quả bản thân giữa cõi đời đầy đau khổ này.
Các con ôi!
Bài:
Cuộc biến chuyển vẫn còn biến chuyển,
Tuồng tang thương diễn tiến không ngừng;
Xưa nay nữ liệt tài nhân,
Vì danh với lợi mà thân buộc ràng.
Đã trót sanh trần gian cõi tạm,
Mang hình hài trong đám nữ nhi;
Đời con phải có những gì,
Hiến dâng Đức Mẹ mỗi khi trở về.
Cho khỏi thẹn lời thề năm ấy,
Vào cõi đời mang lấy vào thân;
Đến khi con xuống hồng trần,
Mểnh mang nhục thể bội phần khó khăn.
Cực hơn đám nam nhân mọi mặt,
Việc tề gia sắp đặt ngoài trong;
Con thơ một đám ròng ròng,
Cảnh nhà đủ thiếu từ trong đến ngoài.
Con ngày tháng trở xây mọi mặt,
Đứa nghèo nàn đầu tắt mặt đen;
Nông phu tay đất chơn phèn,
Quanh năm suốt tháng đua chen với đời.
Có ai để khuyên lời đạo đức,
Rằng tôi còn nghèo cực long đong;
Chừng nào gia đạo vẹn xong,
Các con nên vợ nên chồng sẽ hay.
Đến chừng ấy bắt tay hành Đạo,
Để mà lo thiện bảo kỳ thân;
Giờ đây tại vướng nợ nần,
Tiền vay bạc hỏi khó khăn đến chùa.
Đứa khá giả có thừa vật chất,
Nghe lời khuyên đạo đức thì rằng:
Bị nhiều hãng xưởng tứ giăng,
Nào thầy nào thợ kẻ ăn người làm.
Nếu vào Đạo không kham sợ tội,
Giữa lúc này xin lỗi quí ông;
Vì chưng gia đạo chưa xong,
Con chưa thi cử và chồng làm quan.
Biết bao việc đa đoan bận rộn,
Khắp trong ngoài lớn vốn lớn thuyền;
Nếu đi lo việc chùa chiền,
Việc nhà bê trễ xóm giềng chê bai.
Nào tại bị, bị vầy, bị nọ,
Tại vì đây, bị đó lăng xăng;
Bao nhiêu sự nghiệp tứ giăng,
Bao nhiêu danh vọng chưa an phận người.
Lúc nghèo đói cũng thời tại bị,
Đến sang giàu tại bị nhiều hơn;
Thôi đành nhắm mắt đưa chơn,
Để xem sự thế xây vần về đâu.
Hoặc chờ lúc bạc đầu tuổi hạc,
Sẽ đi tu sẵn bạc sẵn tiền;
Hiến dâng cúng Phật, cầu Tiên,
Để cho thất tổ cửu huyền siêu thăng.
Hoặc cho con làm quan thượng hạ,
Hoặc cho chồng cao cả vị ngôi;
Cầm quyền răn chúng trị đời,
Cầu xin chư Phật Đất Trời chứng minh.
Mướn tụng nhiều tạng Kinh Sám Hối,
Để cho tiêu tội lỗi tiền khiên;
Một bên lo lót Phật Tiên,
Một đàng lo tạo của tiền bất nhơn.
Còn chính tại bản thân vào Đạo,
Chưa học hành cải tạo tâm tư;
Chưa theo đạo đức nhân từ,
Vào chùa biếng lạy gật gù nhiều hơn.
Lạy Trời Phật ban ơn cho sống,
Ngoài trăm năm là mộng con người;
Đâu dè một, hai, ba mươi,
Rủi may một kiếp con người là đây!
Trời Phật ở trên mây cao vọi,
Hoặc Tây Phương giùm rọi chứng tri;
Tu nhứt kiếp ngộ nhứt thì,
Hiến dâng nhiều lễ qui y đủ rồi.
Thương hại thay cho đời mê tín,
Tưởng Phật ưa dua nịnh như đời;
Không lo tu tánh kịp thời,
Nội tâm cải tạo thành người chí nhân.
Hỡi các trẻ gia thân tìm đạo,
Đừng mộng mơ khờ khạo thế ni;
Đạo là thâm diệu vô vi,
Nhứt động nhứt tĩnh đạo tùy hiện thân.
Thi:
Đêm khuya dạy trẻ đã vừa xong,
Lời lẽ khuyên răn với tấm lòng;
Thương bấy con thơ còn dại dột,
Bên đời, bên Đạo cũng chưa thông.
-o-
Ban ơn con trẻ trần hồng,
Thế gian hành Đạo, Diêu Cung Mẹ về.

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2011

Mẹ!


MẸ!

Cắt móng tay cho mẹ, chợt nhận ra bàn tay mẹ toàn xương, những lóng tay khô như cọng rạ phơi mất tính hồi sinh.
Bàn tay ấy từng tắm rửa cho con, vỗ vào mông để con tròn giấc ngủ. Áo con lành nhờ bàn tay mẹ. Con đói lòng bàn tay mẹ đút miếng cơm nhai. Giờ hai bàn tay mẹ đã gầy như không còn cách nào gầy nữa.  Mẹ cố xỏ sợi chỉ vào lỗ kim nhưng đầu sợi chỉ cứ đưa qua đưa lại không sao xỏ vào được.
Con thương mẹ vô cùng.
************************
Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm. Tháng rồi, mẹ vào thăm. Mừng và thương.
Mẹ khen: “Bạn gái con xinh”.
Cuối tháng, lãnh lương, dẫn người thương đi shopping. Em bảo: “Mỹ phẩm của hãng này là tốt nhất.  Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng vì có hại cho da, giống mẹ anh đó, mẹ bị nám hết anh thấy không…”
Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn, nào đã biết phấn son tốt xấu màu sắc là gì.
************************
Tôi mồ côi mẹ từ nhỏ. Hôm nay sau giờ giảng, tôi hát cho các em nghe… “Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi…”
Tôi nói với các em: “Chúng ta thật hạnh phúc khi được ở trong vòng tay mẹ”.
Có tiếng khóc ở góc lớp. Tôi đến cạnh em hỏi:
-  Sao con khóc?
-  Con nhớ Mẹ! Đứa bé đáp ngập ngừng.
-  Mẹ đâu?
Nhìn theo tay đứa bé, tôi thấy một người đàn ông nước da đen sạm đang đứng trước cổng trường.
************************
Con đê dài hun hút như cuộc đời.  Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng, chợt râm.  Mẹ bảo:
-  Nhà ngoại ở cuối con đê.  Trên đê chỉ có mẹ, có con.
Lúc nắng, mẹ kéo tay con:
-  Đi nhanh lên, kẻo nắng vỡ đầu ra.  Con cố.
Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng:
-  Đang lúc mát trời, nhanh lên, kẻo nắng bây giờ.
Con ngỡ ngàng: sao nắng, râm đều phải vội ?
Trời vẫn nắng, vẫn râm... Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: đời, lúc nào cũng phải nhanh lên.
 ************************
Cổng trường ngày thi đông nghẹt thí sinh và phụ huynh.  Những gánh hàng, dãy quán mọc lên san sát trên khoảng đất trống cạnh trường.
"Út, Út, Út ơi!".  Cô học trò lúng túng tách khỏi đám bạn, đi về phía tiếng kêu.
"Ăn đi con. Xôi đậu. Thi sẽ đậu đấy".
"Con ăn rồi. Sao má lại ra đây!".
Cô quày quả vào trường, vội vàng như trốn chạy...
Mùa thi lại về.  Cô giáo trẻ tần ngần trước cổng trường nhộn nhịp.  Giọt nước mắt muộn màng đọng nơi khóe mắt. "Con mãi sẽ không đậu khi chối từ gánh xôi của má. Má ơi!".



************************
Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng làm cua rang muối.  Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu. 
Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng con mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui:
-  Cua rang muối thật đó mẹ.
Rồi chúng con ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém:
-  Còn răng đâu mà ăn?!
************************
Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp.  Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ tìm cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường...
Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo vòng.  Mấy chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiếc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía, cười:
-  Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui.
Mấy chị em không ai bảo ai, nhìn nhau nước mắt rưng rưng.
************************
Hễ nhà có dịp đi dự đám, nó thường vòi vĩnh xin theo. Thấy nhà bạn có giỗ vui vầy, nó thắc mắc với bà: “Sao nhà mình không có giỗ như nhà người ta hả nội?”.
Nội mỉm cười rồi cốc vào đầu nó: “Khi nào bà mất thì cháu sẽ được ăn giỗ, cháu có vui không?”. Nó giật mình, thảng thốt.
Bây giờ nhà nó cũng có giỗ. Mọi người xúm xít quây quần. Riêng nó thấy buồn, ray rứt. Giá mà nó được gặp lại bà, dù chỉ một lần, bà ơi!
************************
"Má! Má lên đây làm gì?".  Cô sinh viên sắp nhận bằng cử nhân giãy nảy lên hỏi người mẹ quê mùa còm cõi.
-  "Má nghỉ bán một bữa lên coi con lãnh bằng tốt nghiệp".
-  "Không được đâu! Bữa nay bạn con đông lắm, mà má lại ăn mặc thế này...".
- "Thì má có còn bộ nào khác đâu.  Thôi cho má vào.  Má...".
 - "Thôi, thôi, má về đi. Con thì thế này, má thì thế kia… Tụi bạn con nó cười…!".
Nói rồi, cô sinh viên xinh đẹp chạy ào vào trong hội trường…
Vừa lúc người xướng tên giới thiệu: "Sinh viên Phạm Thị P.X. là một trong những sinh viên xuất sắc của trường".
Tan Do sưu tầm

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

Giải độc cho cơ thể

 


Giải độc cho cơ thể
(Nguyễn Xuân Hòa)


Thói quen ít vận động, thức quá khuya, lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê…Một chế độ ăn uống bất hợp lí kéo dài,quá nhiều chất béo, chất đạm, đường, một nhịp sống căng thẳng tiềm ẩn những stress, trầm cảm…làm cơ thể ta suy yếu, khả năng đối phó, thanh lọc chất độc bị suy giảm.
Sự nhiễm độc:
Trong cuộc sống hiện đại của chúng ta, con người đang phải đối mặt với nguy cơ nhiễm độc cao. Bầu khí quyển chứa nhiều khí thải đặc biệt  từ công nghiệp và khí thải của các phương tiện giao thông…Nước và thức ăn vào cơ thể cũng chứa nhiều độc tố. Một số địa phương đã bị ô nhiễm nước ngầm nghiêm trọng.
Nước giếng khoan sau khi lọc vẫn chứa hàm lượng A sen (thạch tín ) đáng kể. Thực phẩm chứa dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc kháng sinh, tăng trọng các loại. Đất trồng và nước tưới bị ô nhiễm chứa kim loại nặng như chì…lại ngấm vào rau quả. Thức ăn chế biến sẵn  có các phụ gia như hàn the, chất bảo quản, chất tạo màu…Cả ngày, nhiều người phải hít thở trong căn phòng không thông thoáng, đầy mùi thiết bị văn phòng, máy điều hoà và đồ điện tử ... Ngay cả với thuốc Đông y, vốn được sử dụng phổ biến, chưa ai dám đảm bảo tuyệt đối tính an toàn của nó từ khâu sản xuất đến chế biến mà trong đó có nhiều thứ không rõ nguồn gốc. Sau một thời gian dài sử dụng thuốc của Tây y - hoá trị liệu và dù là thuốc bổ cũng có những tác dụng phụ nhất định…
Thói quen ít vận động, thức quá khuya, lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê… Một chế độ ăn uống bất hợp lý kéo dài, quá nhiều chất béo, chất đạm, đường, một nhịp sống căng thẳng tiềm ẩn những stress, trầm cảm… làm cơ thể ta suy yếu, khả năng đối phó, thanh lọc chất độc bị suy giảm.
Trạng thái mất cân bằng tâm lý nghiêm trọng, lục dục, thất tình thái quá tác động xấu đến cơ thể làm chính chúng ta cũng có thể tự tiết ra … chất độc như câu chuyện về một bà mẹ trong cơn giận dữ cực độ lại cho con bú, gây ngộ độc với đứa trẻ…
Vài hậu quả xấu:
Không kể các trường hợp ngộ độc cấp tính,một lượng nhỏ chất độc sẽ được cơ thể tìm cách đào thải qua đường bài tiết: phân, nước tiểu và qua da. Tuy nhiên, nếu thận và gan không thể làm tròn chức trách, chúng ta sẽ phải chịu hậu quả. Hệ miễn dịch suy yếu làm ta dễ bị cúm và các bệnh ngoài da. Ăn không ngon miệng, bị táo bón, gầy sút hay béo bệu, mất ngủ hoặc ngủ không sâu, hay cáu gắt, bực bội hơn. Chóng  xuống sức, tim đập nhanh, dễ lo lắng hay tưởng tượng mắc một căn bệnh nào đó. Làn da không đẹp, thường thâm đen, mụn nhọt xuất hiện… mà chỉ dựa vào mỹ phẩm e khó lòng khắc phục được. Về lâu về dài chất độc được tích tụ có thể gây những bệnh mãn tính, thậm chí ung thư.
Những biện pháp phòng và giải độc  thường ngày:
Bạn hãy uống đủ nước, không nên chỉ uống khi khát. Lượng nước thích hợp là 1-1,5 lít/ ngày, uống nhiều quá sẽ làm mệt tim, thận và mất vi chất. Nước là một thành phần quan trọng hàng đầu của sự sống, cơ thể đủ nước được khoẻ mạnh hơn, dễ tiêu hoá, hòa loãng nhiều chất độc, đưa chúng ra ngoài cơ thể dễ dàng hơn.
Hãy tăng cường vận động, lao động chân tay một cách vừa sức, tập thể dục, đi bộ là môn thể thao của mọi lứa tuổi.Vận động làm tăng cường trao đổi chất. Nghiên cứu cho thấy, mồ hôi khi vận động chứa nhiều độc tố cặn bã hơn, chứng tỏ vận động thúc đẩy quá trình thải độc của các tế bào. Hít thở sâu nơi không khí trong lành, hất là sáng sớm. Riêng tắm đã là cả một nghệ thuật và phương cách dưỡng sinh hữu hiệu vì da là con đường bài tiết và đưa nhiều tế bào chết ra ngoài. Sau vận động, nghỉ ngơi và tắm đem lại sức khoẻ và sự sảng khoái tuyệt diệu…
Hãy là người tiêu dùng thông thái trong việc lựa chọn và chế biến thực phẩm, người xưa đã nói, bách bệnh tòng khẩu nhập (trăm bệnh theo đường miệng vào). An toàn thực phẩm lại đang là đề tài nóng hiện nay. Ăn rau xanh và hoa quả tươi chứa nhiều chất xơ có tác dụng quét các chất độc khỏi thành ống tiêu hoá. Cháo đậu xanh, bột sắn dây, nước mía, nước ép rau má… rất tốt, chứa nhiều sinh tố, giải độc, giải rượu. Say rượu, nôn mửa là biểu hiện rất rõ của ngộ độc rất hại gan và hệ thần kinh. Nên hạn chế tiệc tùng, mâm cao cỗ đầy chỉ làm khổ bộ máy tiêu hoá. Mỗi ngày uống một cốc sữa vừa cung cấp can xi và dưỡng chất, vừa có công dụng giải độc.
Mỗi tuần có thể ăn một bữa cháo hoặc rau quả giúp các phủ tạng được nhẹ nhàng nghỉ ngơi. Phương pháp nhịn ăn chữa bệnh cũng nên được nhìn nhận khách quan (chúng tôi sẽ nói đến trong một bài khác). Tại Nhật Bản, Giáo sư Oshawa đã đưa ra phương pháp thực dưỡng: ăn cơm gạo lứt (gạo chỉ xay, không xát trắng, vẫn còn vỏ cám) với muối vừng đen có tác dụng phòng chống bệnh ung thư khá hiệu quả.
Cuối cùng, muốn không bị nhiễm độc thì phải giữ cho môi trường sống quanh ta trong sạch. Trước hết là sạch từ nhà ra ngõ, sau rộng hơn là bảo vệ môi trường toàn cầu. Phấn đấu vì một xã hội lành mạnh, không tệ nạn, con người có được một trạng thái tâm lí cân bằng, an toàn, yên vui…
Nguồn: Group dichkinhcanban


Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

Làm sao để sống sót thoát khỏi sóng thần?



 Làm sao để sống sót thoát khỏi sóng thần?

(Theo VnMedia) - Người dân Nhật Bản đang phải oắn mình đề chống chọi với thảm họa thiên tai kép động đất kéo theo sóng thần vô cùng dữ dội. Là một trong những quốc gia thường xuyên phải hứng chịu những trận động đất mạnh nên người dân Nhật Bản luôn được chuẩn bị kỹ lưỡng, trong tư thế sẵn sàng chống đỡ với động đất. Mặc dù vậy, họ vẫn không kịp trở tay trước một trận sóng thần lên tới 10 mét kéo theo sau trận động đất mạnh 8,9 độ richte.
Thiệt hại do sóng thần là vô cùng lớn, cả về người và của.
Từ bài học của Nhật Bản và nhiều quốc gia đã từng phải hứng chịu những trận sóng thần kinh hoàng, chúng ta hãy chuẩn bị sẵn tinh thần nếu không may nằm trong “tâm sóng thần”.
1. Tìm hiểu về nguy cơ sóng thần có thể xảy ra ở nơi bạn sinh sống:
Điều quan trọng là bạn phải biết liệu nơi bạn đang sinh sống có nằm trong khu vực có nguy cơ xảy ra sóng thần hay không. Bạn có thể gặp nguy nếu:
- Nhà bạn, trường học hay nơi làm việc của bạn nằm trên một thành phố ven biển.
- Thang máy của nhà bạn, trường học hay nơi làm việc của bạn nằm ngang mực nước biển hoặc thậm chí thấp hơn mực nước biển.
- Có cảnh báo về dấu hiệu sắp xảy ra sóng thần ở nơi bạn sinh sống.
- Sóng thần đã từng tấn công khu vực bạn đang sinh sống trong quá khứ.
2. Luôn chuẩn bị tư thế sẵn sàng:
Nếu khu vực bạn sinh sống nằm trong “cảnh báo đỏ”, hay chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc sơ tán với một gói hành lý an toàn.
- Sắp sẵn một “balo an toàn” gồm có thực phẩm, nước và các nhu yếu phẩm cẩn thiết như quần áo ấm, phao, chăn màn và đừng quên bộ đồ sơ cứu. Để chúng ở một nơi dễ tìm kiếm trong nhà để khi thảm họa xảy ra, các bạn có thể dễ dàng “khăn gói lên đường".
- Sắp sẵn một “balo thoát hiểm cá nhân” cho mỗi người trong gia đình và một “balo” đại những đồ dùng chung cho cả gia đình. Và cũng đừng quên chuẩn bị đồ cho những vật nuôi thân thiết của bạn nhé.
- Lên kế hoạch sơ tán cụ thể và rõ ràng cho cả gia đình.
3. Lắng nghe những thông tin dự báo thời tiết:
Đó là điều vô cùng quan trọng để xác định sóng thần sắp ập tới hay chưa để tiến hành một cuộc sơ tán kịp thời. Hãy tự trách nhiệm với bản thân để bảo vệ chính bạn và người thân an toàn. Những cảnh báo mà bạn cần lưu tâm:
- Một trận động đất. Nếu bạn sống ở vùng biển thì hãy nhanh chóng chuẩn bị cho một cuộc sơ tán.
- Mực nước biển lên xuống nhanh chóng. Nếu bờ biển đột nhiên lùi ra xa, thì đó chính là một cảnh báo nguy hiểm báo hiệu một con sóng lớn sắp ập vào bờ.
- Hãy quan sát hành vi của động vật. Nếu thấy động vật chạy tán loạn về phía nhà dân tìm nơi ẩn nấp hoặc túm thành đàn lớn thì đó cũng là một dấu hiệu cho thấy điềm xấu về thiên tai sắp xảy ra.
5. Lắng nghe những cảnh báo từ cộng đồng và chính phủ:
Lắng nghe những thông tin chính thống, đáng tin cậy và truyền đạt chúng cho người thân, bạn bè, hàng xóm, cộng đồng, tóm lại là những người đang ở gần bạn khi đó.
6. Sẵn sàng hành động:
Nếu nguy cơ cao xảy ra sóng thần tại khu vực bạn đang sống thì còn chần chừ gì nữa, hay nhanh chóng hành động. Hãy thực thi Kế hoạch Sơ tán của mình. Kế hoạch sơ tán sẽ bao gồm:
- Rời xa ngay những vùng nước. Di chuyển vào đất liền và những nơi có địa thế cao ví như đồi núi. Luôn quay lưng về phía biển và tiến thằng về phía đất liền.
- Nếu bạn không kịp vào đất liền hoặc lên các vùng đất cao thì ngay lập tức hãy “trèo thật cao”.  Bạn có thể leo lên nóc của các tòa nhà hay leo lên chính mái nhà bạn.
- Còn nếu ngộ nhỡ, trên đường đi sơ tán, gặp rắc rối, bạn không thể đến những vùng đất cao trước khi sóng thần ập tới, không còn cách nào khác, bạn có thể tìm một cái cây thật cao thật khỏe để leo lên trú ngụ. Lưu ý là càng leo được cao càng tốt nhé!
7. Phản ứng thật nhanh nếu bạn gần bị “con sóng dữ” đuổi kịp:
Nếu không may bạn không kịp có những biện pháp sơ tán, thì khi sóng thần ập tới, có một số điều bạn cần làm ngay lập tức để tự cứu mình khỏi bị sóng thần cuốn trôi: Bám thật chặt vào một vật gì đó có thể nổi trên mặt nước để giúp bạn không bị dòng nước nhấn chìm. Những vật có khả năng nổi có thể là một khúc cây, ván gỗ, cánh cửa, vật dụng câu cá hay thậm chí cả mái nhà… Tóm lại là những thứ có thể cùng bạn “lênh đênh” trên dòng nước.
8. Hãy bỏ lại của cải:
Hãy quên của cải đồ đạc đi nhé! Hãy cứu sống tính mạng của mình. Bạn sẽ đánh mất cuộc sống quý giá của mình nếu cố “vơ vét” những đồ có giá trị. Điều đó có thể sẽ “giết chết” bạn. Khi tai họa ập tới thì tình mạng con người phải được ưu tiên hàng đầu vì “Còn người là còn của”.
Khi ấy, thứ quan trọng nhất cần tìm là “balo an toàn” cho bạn và gia đình bạn.
9. Hãy ẩn náu ở nơi an toàn cho tới khi những cơn sóng dữ đã hoàn toàn đi qua:
Hãy ở yên vị trí an toàn cho tới khi sóng dự thật sự đã đi qua. Đừng nóng  vội vì có thể sau động đất và sóng thần còn có thể xảy ra dư chấn và những đợt sóng thần khác có cường độ còn mạnh hơn gấp bội.
Đan Khanh - (Tổng hợp)