Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

Đàn vịt trời


ĐÀN VỊT TRỜI

Vào những mùa đông, chúng ta thường thấy hàng đàn vịt trời bay thành hình chữ V, bay hàng trăm dặm từ Bắc xuống Nam để tìm nơi ấm cúng.

Các nhà khoa học đã khám phá rằng những đàn vịt trời đó có những quy luật di chuyển rất đáng cho chúng ta suy gẫm về tinh thần đoàn thể.

1. Mỗi khi con vịt vẫy cánh bay, chúng sẽ tạo ra một luồng gió quyện và tạo ra một hấp lực nâng con vịt bay bên cạnh. Như vậy, khi chúng bay theo đội hình chữ V thì con nọ nương vào hấp lực của con kia, chúng có thể bay nhẹ nhàng hơn và tăng khả năng bay xa hơn gần gấp đôi.
Con người ta cũng vậy, nếu những người có cùng một chí hướng mà biết cách hợp quần thành những đoàn thể hay cộng đồng để nương tựa nhau thì dễ đạt được những mục đích cao cả hơn.

2. Khi một con vịt bị xa rời khỏi đội hình thì nó sẽ cảm thấy bị đuối sức vì phải tự lực nên nó lại phải cố gắng bay vào trong đội hình để nương tựa vào hấp lực của những con vịt bay trước.
Nếu chúng ta biết siết chặt hàng ngũ, không xa rời đoàn thể hay cộng đồng thì sẽ có lợi lớn.

3. Riêng con vịt bay đầu đàn là không được hưởng hấp lực của bạn đồng hành nên nó rất chóng mỏi mệt. Khi nó mệt thì nó sẽ bay xuống nương vào đội hình và sẽ có con vịt khoẻ mạnh khác bay vào vị trí dẫn đầu. Cứ như vậy, thay đổi trong suốt ngày bay.
Trong cộng đồng con người cũng vậy, vai trò lãnh đạo luôn luôn đuợc thay đổi tùy theo tình thế, theo tinh thần dân chủ.

4. Trong khi bay, chúng thường lên tiếng kêu quác quác để thúc dục nhau bay theo kịp một tốc độ.
Trong các đoàn thể, người ta phải biết nhắc nhở nhau để giữ vững tinh thần hay thắt chặt tình đồng đội. Trong quân ngũ, các quân nhân thường lên tiếng đếm hoặc hát để tất cả đoàn đi theo nhịp quân hành.

5. Khi một con vịt bị đau hay bị bắn trọng thương phải rời khỏi đội hình thì sẽ có hai con vịt đồng hành rời theo để nâng đỡ và bảo vệ. Hai con đó ở bên cạnh con vịt yếu kém cho đến khi tự bay được hoăc bị rớt chết thì chúng mới bỏ bay theo đoàn vịt khác.



Chúng ta hãy suy gẫm tới tình đồng loại và những quy luật của đàn vịt trời mà đối xử với nhau trong cùng một cộng đồng hay đoàn thể.

(Trích trong Chicken Soup for the Soul)

Thứ Sáu, 3 tháng 12, 2010

Thử tìm hiểu ẩn nghĩa của sáu chữ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ



THỬ TÌM HIỂU ẨN NGHĨA CỦA SÁU CHỮ
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Bùi Văn Khâm


Host 1
Thưa quý  vị khán giả, trong tinh thần tìm hiểu và suy tư về vai trò của Tôn Giáo nói riêng hay đời sống Tâm Linh của con người nói chung, qua chương trình này  chúng tôi đã mời DS Bùi Văn Khâm thảo luận về một số đề tài xoay quanh vấn đề làm thế nào để con người đạt được những mục tiêu tối căn bản và thiết thực của đời sống như sống Khỏe Mạnh, Hạnh Phúc, Hòa Ái và Giác Ngộ hay Healthy, Happy, Harmony and Enlightenment. Trong kỳ này chúng ta sẽ nghe DS Khâm cùng chúng ta thảo luận về đề tài Thử Tìm Hiểu Ẩn Nghĩa của sáu chữ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.  

Cụm từ  Đại Đạo Tam Kỳ Phổ  Độ  đối với một số đông đồng bào Việt Nam chúng ta có thể còn chưa được hiểu rõ lắm, xin chú có thể tóm tắt ĐĐTKPĐ là gì?

Trả lời :
Quả thật như vậy,  sáu chữ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ đúng ra là danh xưng chính thức của một nền Đạo Mới phát xuất tại Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, thường được biết đến nhiều hơn qua danh xưng Đạo Cao Đài. Nhưng theo Giáo Lý Cao Đài, hai chữ Cao Đài thực ra là Tá Danh của Thượng Đế, nhưng trong dân gian quen gọi nền Đạo Mới này bằng cái tên Đạo Cao Đài. Tuy nhiên,  theo thiển ý của tôi, chính sáu chữ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có thể nói mới thực sự hàm ẩn  một tư duy mới, một con đường khai phóng, một lý tưởng mới, cho vấn đề Đời Sống Tâm Linh của loài người, nhiều hơn là một Tôn Giáo theo ý nghĩa tôn giáo truyền thống.

Host 2
 Như vậy xin chú có thể lần lượt trình bày cho quý khán giả thấy được cái lý tưởng mới về Đời Sống Tâm Linh đó như thế nào?

Trước khi trả lời câu hỏi và đi sâu vào đề tài này, tôi xin được phép nói sơ qua về  background and position, hay căn bản và vị trí của người viết, để quý khán giả dễ nắm bắt vấn đề thảo luận qua sự cố gắng duy trì tính trung thực và khách quan của sự trình bày.

Tôi vốn sinh ra trong một gia đình theo Đạo Cao Đài, và từ đó trưởng thành trong truyền thống Đạo Cao Đài. Tuy nhiên có thể nói nhờ thừa hưởng  tinh thần căn bản của Giáo Lý Cao Đài, đó là tất cả các tôn giáo đều xuất phát  từ một nguồn gốc, nhắm đến cùng một Chân Lý, và Chân Lý vốn không có sở hữu chủ,  - Vạn Pháp Đồng Tông, Vạn Giáo Nhứt Lý và Thuần Chơn Vô Ngã-, cho nên trong suốt quá trình Tìm Đạo Tu Học gần 45 năm, tôi luôn luôn đi vào vấn đề Đời Sống Tâm Linh bằng tinh thần Tìm Chân Lý, mà không cảm thấy bị hạn chế trong phạm vi hay giới hạn của những Giáo Điều hay Tín Lý cá biệt nào.

Cũng bằng tinh thần đó ở đây tôi xin cùng quý khán giả xa gần đi tìm hiểu đề tài này về  Đạo Cao Đài, nhưng không phải với vị trí của một tín đồ Cao Đài, (a believer) mà là với cương vị của một người Đi Tìm Chân Lý (a Truth Seeker), bằng tinh thần tuyệt đối khách quan có thể có được, cũng như qua sự nghiên cứu và thể nghiệm thuần túy từ những quan điểm của một cá nhân. Một số quan điểm, nhận xét, phân tách, có thể không  hẳn phản ảnh Giáo Lý của Đạo Cao Đài nói riêng hay các Tôn Giáo nói chung. Vì vậy những điều tôi trình bày sau đây như là một cố gắng thử đưa ra một số cái nhìn từ những góc độ tương đối mới mẽ, không ngoài mục đích đi tìm một con đường khai phóng mới cho nỗ lực phát triển Tâm Linh của cộng đồng loài người.  

Host 1
Vậy xin chú cho biết hai chữ Đại Đạo là gì?

Trả lời :
Một cách  trực tiếp hai chữ Đại Đạo hiểu nôm na là Đạo Lớn. Vấn đề đặt ra là thế nào là Đạo Lớn. Danh từ Đại Đạo được tìm thấy rải rác trong khắp các Kinh Điển Giáo Lý Cao Đài từ rất sớm trong những ngày khai Đạo, nhưng theo chỗ hiểu biết hạn hẹp của tôi, thì hình như chưa thấy có sự xác định rõ ràng cụ thể  thế nào là Đại Đạo. Mặc dù vậy, có thể nói cũng có một số lý giải về Đại Đạo như thường tìm thấy trong Đạo Học Đông Phương hoặc trong Thánh Giáo Cao Đài cũng đã có sự phân biệt giữa Cao Đài Đại Đạo là Pháp Môn Tu Luyện bản thân con người và Cao Đài Tôn Giáo là hệ thống tín ngưỡng mang hình thức tôn giáo tổ chức.  

Nếu hiểu nôm na Đại Đạo là Đạo Lớn, căn cứ vào số lượng tín đồ, hay sự phát triển  về mặt Giáo Sở, hay chiều dài lịch sử, thì những tôn giáo có lịch sử nhiều ngàn năm, có tín đồ hàng tỷ, hay hàng trăm triệu, mới xứng đáng với danh xưng Đại Đạo.

Theo Tôn Chỉ căn bản của Đạo Cao Đài thì sở dĩ có sự ra đời của Đạo Cao Đài là vì sau khi trải qua những bước đường tiến hóa, các Tôn Giáo xuất hiện suốt dòng lịch sử của loài người và qua nhiều giai đoạn cũng như địa phương văn hóa khác nhau, đã đưa  loài người đến một giai tầng  tiến hóa mà qua đó toàn thể cộng đồng nhân loại có thể đạt đến được mục tiêu tâm linh tối hậu mà suốt dòng lịch sử tiến hóa Tâm Linh của loài ngưòi đã có những bậc Giáo Tổ Như Phật, Chúa đã từng đạt được. 

Qua lời Thánh Ngôn sau đây chúng ta thử kiểm nghiệm để có thể tìm ra  ẩn nghĩa của hai chữ Đại Đạo trong đó chăng:
“Vốn từ trước Thầy (hiểu là Thượng Đế), đã lập ra ngũ chi Đại Đạo là Nhơn Đạo, Thần Đạo, Thánh Đạo, Tiên Đạo và Phật Đạo. Tùy theo phong hóa của nhân loại mà gầy Chánh Giáo, là vì khi trước Càn vô đắc khán Khôn vô đắc duyệt , thì  nhân loại duy có hành Đạo tại tư phương của mình mà thôi. Còn nay thì nhân loại đã hiệp đồng, Càn Khôn dĩ tận thức, thì lại bị phần nhiều Đạo ấy mà nhân loại nghịch lẫn nhau,  nên Thầy nhứt định quy nguyên phục nhứt……..Thầy nhứt định đến chính mình Thầy độ rỗi các con. …”  (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 24-04-1926).

Host 2
Xin chú có thể giải thích rõ hơn những lời dạy trên có liên quan đến Đại Đạo như thế nào?

Trả lời:
Lời Thánh Ngôn trên cho thấy là theo dòng lịch sử và tại nhiều địa phương xa xôi khác nhau Thượng Đế đã lập nhiều mối Đạo khác nhau tùy theo trình độ tiến hóa Tâm Linh của con người. Ngày nay con người theo đà tiến bộ, có thể có những sự giao lưu với nhau, nên nhờ đó mà có sự trao đổi giữa nhau, và có thể nhờ vậy mà Thượng Đế kỳ này mở Cơ Đại Đạo bao gồm tất cả mọi trình độ tu học của mọi từng lớp chúng sanh đang ở những trình độ tiến hóa khác nhau.  Hay nói cách khác, một mối Đạo trong đó bao gồm  mọi sinh hoạt của đời sống con người thì đó đích thực là một nền  Đại Đạo.

Như đã trích dẫn lời Thánh Ngôn trên đây ra đời từ Tháng Tư năm 1926, đầu thế kỷ XX, lúc đó quả thật nhân loại đã bắt đầu có sự giao lưu gần gũi với nhau hơn. Nhưng thời đó có lẽ chưa có ai hình dung ra được cái hình ảnh “Càn Khôn dĩ tận thức”, hay nói theo ngôn ngữ bây giờ là “globalization”, hay hoàn cầu hóa, nó như thế nào, qua nhiều lãnh vực trong sinh hoạt chung của cộng đồng loài người. 

Thực ra cái thông điệp này của Ơn Trên tuy mới  xuất hiện trong Đạo Cao Đài vào thập niên 1920, nhưng có thể nói là đồng bộ với phát triển của Khoa Học Kỹ Thuật kéo theo sự phát triển dây chuyền khác đã đưa loài người rời khỏi  “tư phương”  của mình để đi khám phá hoàn cầu. Chẳng hạn như việc khám phá ra lục địa Mỹ Châu của Columbus vào năm 1492 mà chúng ta nghĩ lễ kỷ niệm vào tháng 10 này mỗi năm, đã mở đầu cho quá trình thu nhỏ quả địa cầu. Về mặt tôn giáo, chẳng hạn  những công trình nghiên cứu dịch thuật của Max Muller và James Legge đã cho ra đời bộ sách đồ sộ The Sacred Books Of The East 50 cuốn xuất bản giữa năm 1879 đến 1891, và chính Max Muller là người đầu tiên đề ra ngành học Tôn Giáo Đối Chiếu (Comparative religions) mà ngày nay hầu hết các Đại Học Âu Mỹ đều có dạy. Các Học Giả Tiên Phong này vốn là những nhà thần học Thiên Chúa Giáo có thể nói đã khai quật lên kho tàng Khoa Học Tâm Linh của Đông Phương, đặc biệt Ấn Độ và Trung Hoa, qua nhiều thế kỷ đã đem hai dòng Đạo  mạch   Đông Tây lại với nhau. 

Xuyên qua những điều này cho chúng ta thấy rõ ràng trong nhiều thế kỷ qua nhân loại đã chuyển mình để đi từ tinh thần tôn giáo truyền thống giáo điều cục bộ tiến đến tinh thần tôn giáo toàn cầu, đại đồng huynh đệ, vượt ra ngoài hàng rào ngăn cách của Tín Lý Giáo Điều. Phảỉ chăng đây mới chính là tinh thần Đại Đạo thực sự, tức là con người sống đời sống Tâm Linh trong mọi sinh hoạt hằng ngày, một chiều hướng Phát Triển Tâm Linh Cá Nhân đến toàn thể cộng đồng nhân loại, mà không bị gới hạn trong bất cứ một hệ thống Tín Lý Giáo Điều cá biệt nào.

Host  1
Trong đoạn Thánh Ngôn trích ở trên còn có hai ý chỉ quan trọng nữa, đó là  “Thầy nhứt định quy nguyên phục nhứt” và “ Thầy nhứt định chính mình Thầy đến để độ rỗi các con…”, chú có thể cho biết hai điều này liên hệ đến Đại Đạo như thế nào?

Trả lời:
Tôi xin thành thật cám ơn câu hỏi này. Tôn chỉ căn bản của Đạo Cao Đài như chúng ta thường thấy nêu lên ở khắp mọi nơi  như trên đầu đề các văn kiện tài liệu Đạo (letter head) đó là những khẩu hiệu “Tam Giáo Quy Nguyên Ngũ Chi Phục Nhứt” có lẽ là để thể hiện mục tiêu tối hậu như trong Lời Dạy ở trên, “ Thầy nhứt định quy nguyên phục nhứt”.

Tuy nhiên, theo thiển ý của tôi, đây là chỗ đưa đến sự ngộ nhận nghiêm trọng nhứt đối với  niềm tin đại chúng trong Tôn Giáo Cao Đài.
Hình như vì  cũng hiểu Đạo Cao Đài theo tinh thần của  một Tôn Giáo Tổ Chức Truyền Thống hiện hữu trong xã hội loài người như là những phong trào quần chúng, và  thường được xác định giá trị  qua những tiêu chuẩn Giáo Điều, Giáo Chúng, Giáo Quyền, Giáo Sở v.v , vì hiểu như vậy nên mới có sự ngộ nhận mục tiêu “quy nguyên phục nhứt” theo cái hiểu của đời thường, tức là con ngưòi sẽ có một mối Đạo duy nhứt, hay tất cả các tôn giáo sẽ quy về một tôn giáo duy nhứt toàn cầu. Lịch sử nhân loại cho thấy rõ ràng, tuyệt đối không thể có một tôn giáo cho toàn thể nhân loại. 

Thực tế lịch sử cũng cho thấy là dù cho có những tôn giáo thành công trong một giai đoạn nào đó có thể biến cả một quốc gia, hay một lục địa trên 90 phần trăm theo cùng một tôn giáo, điều đó cũng không có nghĩa là mục tiêu  của tôn giáo - Hoàn thiện con người  và đưa con người vào Tiên Bang Phật Quốc - có thể đạt được. Không những vậy, chính cái tham vọng đưa tất cả nhân loại vào cùng một tôn giáo đi theo cùng một niềm tin như vậy đã là nguyên nhân của những cuộc chiến tranh tôn giáo, như chúng ta đã thấy trong lịch sử. 

Như vậy phải chăng sự  “quy nguyên phục nhứt” để tiến đến cảnh giới Đại Đạo trong đời sống Tâm Linh của loài ngừơi không phải nhìn từ bình diện tôn giáo tổ chức mà phải chăng cần phải được hiểu bằng trình độ tiến hóa và phát triển Tâm Linh từng nơi mỗi cá nhân con người. Lời dạy "Chính mình Thầy đến độ rỗi các con" phải chăng nói lên một tinh thần Đại Đồng Nhân Loại trong đó tất cả  mỗi cá nhân đều đạt được sự giao cảm trực tiếp với Thầy, với Trời từ nơi tâm nội của từng người,  mỗi mỗi đều có Một Minh Sư nột tại nơi mình. Phải chăng đây mới chính là ý nghĩa đích thực của Đại Đạo trong toàn nhân loại.

Hiểu như vậy tự nhiên đưa chúng ta trở lại nguyên tắc căn bản trong đời sống Tâm Linh con người là phải bắt đầu từ nơi đời sống của từng mỗi cá nhân con  người qua con đường Thực Nghiệm Tâm Linh, mà các Bậc Giác Ngộ đã có những chứng ngộ bản thân. Và như vậy phải chăng “quy nguyên phục nhứt” cần nên hiểu là trở về nguyên bổn của đời sống con người, trở về Bổn Nguyên Tự Tánh, Bản Lai Diện Mục, hay Hiệp Một Cùng với Cha Trời, hay Hiệp Thiên Đắc Nhứt. Hiển nhiên là phải trải qua con đường Khoa Học Tâm Linh, hay quá trình Siêu Khoa Học, chứ không thể là những phát triển các phong trào quần chúng chỉ dựa vào Đức Tin mà thôi.

Host 2
Như vậy chú có thể làm sáng tỏ hơn có sự  liên hệ như thế nào giữa tinh thần Đại Đạo và Khoa Học Tâm Linh không?

Trả lời:
Như  đã nói trên, nói đến Đại Đạo là phải nói đến tinh thần Thực Nghiệm Tâm Linh, nói đến sự phát triển đời sống Tâm Linh trên từng cơ sở cá nhân trong Đại Gia Đình Nhân Loại, chứ không phải như trong các tôn giáo tổ chức truyền thống vốn là những tập thể quần chúng quy tụ chung quanh một hệ thống Giáo Điều Tín Lý, dù có đông đảo đến đâu, lịch sử cũng cho thấy rõ ràng là không giúp con người đạt đến mục tiêu căn bản của tôn giáo – là Hoàn Thiện và Thánh Hóa con người. Qua hai chữ Đại Đạo chúng ta thử  chiết giải để có thể tìm hiểu trong đó có ẩn chứa cái nguyên tắc nào có thể nói lên tinh thần Khoa Học Tâm Linh trong cảnh giới Đại Đạo không. 
Chẳng hạn theo chữ Hán, chữ Đại có hai nét giao nhau và một gạch ngang, có sự giải thích cho rằng hai nét đó tượng trưng cho hai nguyên lý Âm Dương, và gạch ngang là Một, như vậy khi đạt đến chỗ Âm Dương Hiệp Nhứt là đạt đến chỗ rộng lớn. Hay nói cách khác, đạt đến Đại là do kết quả của quá trình vận hành chuyển hóa hai nguồn năng lực Âm Dương trong bản thể con người, chứ không liên quan gì  đến số lượng hàng tỷ tín đồ của một tổ chức tôn giáo. 

Ngoài ra nhìn vào chữ Đại chúng ta cũng thấy thấp thoáng hình dáng của một Con Người dang hai tay và đang đứng trên đôi chân của mình.

Host 1
Còn chữ Đạo có lối chiết tự nào từ chữ Hán không, thưa chú?

Trả lời:       


Cách chiết tự chữ Hán của chữ Đạo này cũng rất lý thú.  Ở trên đầu chữ Đạo cũng có hai phết tượng trưng cho Âm Dương và một gạch ngang, tượng trưng cho Âm Dương hiệp nhứt. Tiếp theo bên dưới có chữ thủ là cái đầu. Trong chữ thủ này có chữ Mục là con mắt. Hay có thể nói cả chữ Đạo tượng trưng cho Cơ Thể con người, trong đó có thể nói hai bộ phận trọng yếu nhứt của Cơ Thể trong quá trình Luyện  Đạo Âm Dương là cái Đầu, và Con Mắt, và hình như cũng ám chỉ Một Con Mắt, vì có một chữ Mục. Trong chữ Đạo chúng ta còn thấy có chữ Tự như trong Tự  Chủ, Tự Do v.v…, và nếu dịch chữ Tự này ra Tiếng Anh cũng có nghĩa là Self, mà chữ Self hiểu rộng hơn theo ý nghĩa Đạo Học cũng có nghĩa là Tự Tánh, Chơn Ngã, chẳng hạn như tìm thấy trong tổ chức Self Realization Fellowship rất nổi tiếng có trung tâm trên khắp thế giới ngày nay, đưa ra đường lối tu luyện để tìm ra Chính Mình.Và có thể chúng ta để ý đến đến chữ Tự này chỉ do thêm một dấu phết  trên chữ Mục là thành ra chữ Tự, chúng ta hầu như có thể nhìn ra được ý chỉ các Bậc Thánh Nhân từ ngàn xưa đã khải thị cho con người là con đường đi khám phá ra Tự Tánh hay Chơn Tâm hay The Real Self của mỗi người chỉ bắt đầu bằng điểm nhấn cơ bản nơi chữ Mục hay Thiên Nhãn đã được thị hiện nơi Đạo Cao Đài ngay từ ngày đầu tiên của sự thị hiện Chánh Pháp Cao Đài.

Ngoài ra trong chữ Đạo còn có bộ xước, như cái cánh tay nâng đỡ cả phần chính của chữ Đạo thì có nhiều giải thích bằng những nhận thức khác nhau tùy theo cách nhìn, như có quan niệm cho rằng bộ xước tượng trưng cho mặt đất mà con người cần phải đứng trên đó mà tu luyện mới tiến hóa lên hàng Tiên Phật được, theo tinh thần tương quan giữa Tam Tài, Thiên Địa Nhân. 

Cũng có quan niệm cho rằng  bộ xước đó còn có thể tượng trưng cho tứ chi của con người. Từ trong  những nghiên cứu về yoga và các pháp môn tu luyện, và qua kinh nghiệm bản thân, chúng ta thấy tứ chi, đặc biệt là 2 bàn tay và 2 bàn chân, đóng một vai trò không nhỏ trong quá trình tu luyện. Chẳng hạn những pháp môn như Vô Vi Đại Đạo của Đạo Cao Đài, Pháp Luân Công, nhiều cách luyện Khí Công và Yoga, đều có sự vận dụng của hai tay và hai chân, đặc biệt là hai lòng bàn tay và bàn chân, là những nơi có thể kiểm nghiệm được luồng khí lực lưu chuyển rõ ràng. Hay nói cách khác Bộ Xước và từng bộ phần của chữ Đạo theo chiết tự ở trên nói lên sự vận dụng của bản thể con người, hay sự vận hành hết chức năng cơ bản của đời sống con người trong đó điểm quan trọng nhứt là Bộ Đầu và Thiên Nhãn  là phần chủ yếu nhứt để đưa con người đi khám phá ra chính mình.

Tóm lại là giai đoạn làm người  sống trên mặt đất này là giai đoạn vô cùng quan trọng trên bước đường tiến hóa Tâm Linh của loài người. Vì vậy mà Giáo Lý Nhà Phật cũng dạy là “Nhân thân nan đắc”, được sinh làm thân con người là một cơ hội vô cùng qúy báu. Phải chăng đây cũng chính là căn bản của lời dạy trong Thánh Kinh, là Thiên Chúa phải sai Con Độc Sanh xuống làm người qua thân xác Chúa Jesus, phải chăng là để tu luyện làm Gương Mẫu để lại cho loài người noi theo để thăng tiến về hiệp cùng chỗ Một, chính là Thiên Chúa Duy Nhứt.

Nhưng không hiểu tại sao Thần Học Ki Tô Giáo lại giải thích sự hy sinh của Chúa Jesus theo quan niệm của Huyền Học Cổ ( Mythology)  Babylon về việc dùng vật tế thần linh (animal sacrifice) thường tìm thấy trong các Mythology của văn minh cổ vùng Cận Đông. Giáo Lý căn bản cuả Thần Học Ky Tô Giáo cho rằng  Chúa Jesus chịu đóng đinh trên thập tự giá  dùng máu của Ngài để rửa sạch tội lỗi cho loài người. Có nhiều nhà nghiên cứu về Mythology, Huyền Thoại Học, cho thấy quan niệm cho rằng Chúa Jesus đem thân xác Ngài làm một quả lễ tế và  dùng máu để chuộc tội, quan niệm  này có thể  có nguồn gốc từ các hình thức tế thần bằng sinh vật, thậm chí có những khi dùng mạng người để tế thần linh, đây là những lễ nghi thường thấy trong Huyền Thoại Học Babylon.

Host 2
Nếu hiểu Đại Đạo theo tinh thần này thì đó là một sinh hoạt Tâm Linh có tính cách Siêu Tôn Giáo, chú có thể cho biết  Đạo Cao Đài với danh xưng chính thức có mang hai chữ Đại Đạo nhưng tại sao chúng ta thấy Đạo Cao Đài cũng mang  những sinh hoạt không khác các tôn giáo khác, và đặc biệt hình thức tổ chức Giáo Hội Cao Đài còn chặt chẽ tinh vi không khác những tôn giáo có tổ chức Giáo Hội chặt chẽ nhứt.

Trả lời:
Theo thiển ý của tôi, thì tôn giáo nào cũng có cả phần hình nhi hạ học dành cho quảng đại quần chúng, và hình nhi thượng học chỉ  những người có trình độ tiến hóa Tâm Linh đến một giai đoạn nào đó mới có thể lãnh ngộ được những giáo lý thượng thừa.  Duyệt qua các tôn giáo lớn của nhân loại chúng ta thấy trước hết xuất hiện phần hình nhi thượng học cho bậc thượng trí lãnh hội, và sau đó tùy theo căn trí của chúng sanh mà xuất hiện phần giáo lý dành cho đại chúng. Chẳng hạn như chúng ta thấy các Bậc Giáo Tổ như Đức Phật, Đức Chúa, các Ngài đến không những không lập ra một tôn giáo nào theo kiểu những tổ chức Giáo Hội với tập đoàn quần chúng, mà các Ngài còn mạnh dạn lên án những hình thức giáo điều không hợp lý. Như Đức Chúa, dù cũng xuất thân từ Do Thái Giáo, đã  dứt khoát phá bỏ những  Giáo Luật  không thích hợp của Moses, như chữa bịnh vào ngày Sabat,  và Đức Phật tuyên dạy Giáo Lý Vô Ngã đối lại với Giáo Lý Vệ Đà của Bà La Môn, và Ngài cũng bài trừ sự phân chia giai cấp chủng tộc, v.v… theo quan niệm của Bà La Môn Giáo.

Đạo Cao Đài cũng không đi ra ngoài thông lệ này. Trước khi Đạo Cao Đài ra đời như là một Tôn Giáo Tổ Chức vào cuối năm 1926, thì trước đó khoản 7 năm, người Môn Đệ Cao Đài Đầu Tiên, Ngài Ngô Minh Chiêu, có thể nói là đã theo con đường Thực Nghiệm Tâm Linh, cũng có thể nói không khác con đường mà Đức Phật và Đức Chúa đã đi qua, tức là nhờ công phu tu luyện nơi chính đời sống mà đạt được những chứng ngộ Tâm Linh. Do đó chúng ta thấy từ Đức Phật, qua Đức Chúa đến Ngài Ngô Minh Chiêu của Đạo Cao Đài, tất cả  đều bắt đầu bằng con đường Đại Đạo. Và ngày nay nhìn lại chúng ta  có thể  hiểu được thái độ của Ngài Ngô Minh Chiêu không nhận chức Giáo Tông lãnh đạo Giáo Hội Cao Đài, cũng như việc không nhận làm Thầy, không thâu nhận đệ tử v.v… Có thể nói chính tinh thần này đã đưa Đạo Cao Đài lên cảnh giới của Đại Đạo, và căn bản Đạo Cao Đài không phải là một tôn giáo tổ chức theo ý nghĩa truyền thống.

Cũng như trong Giáo Lý Nhà Phật thường cho rằng có Phật có 8 vạn 4 ngàn Pháp Môn, như vậy có thể nói hầu hết các sinh hoạt trong đời sống, từ đọc kinh, ngồi thiền, cho chí nhảy đầm, ca múa v.v… cũng không ra ngoài Pháp Phật, và như vậy không có Đạo nào đi ra ngoài cái Đạo đưa con người đến cứu cánh Giác Ngộ của Phật. Như vậy Đạo Phật hiểu theo tinh thần này thì chính là Đại Đạo. 

Host 1
Xin chú có thể có mấy lời kết về hai chữ Đại Đạo trước khi chào tạm biệt quý vị khán giả?

Trả lời:
Như trong nhiều cuộc thảo luận qua chương trình Sống Đạo này, tôi cố gắng phân tích để trình bày cùng quý vị và các bạn, đặc biệt là các bạn trẻ, rằng trong các sinh hoạt quanh đời sống con người, trong đó đời sống tôn giáo chiếm một vị trí vô cùng quan trọng, nhưng tại sao, con người mặc dù đã có không ít những Bậc Giác Ngộ như Đức Phật, Đức Chúa và nhiều vị khác nữa, con người vẫn chưa đạt được những tiến bộ về mặt Tâm Linh như đã có rất nhiều tiến bộ ngoạn mục trong nhiều lãnh vực khác, chúng ta không thể không tự hỏi: Tại sao lại như vậy? Xuyên qua sự tìm tòi nghiền ngẫm những Gương Sống của các Bậc Siêu Phàm, hình như chúng ta rút ra được nhận định là con đường đưa các Ngài đạt đến Đạo quả phải chăng là con đường Thực Nghiệm Tâm Linh, chứ không phải là những phong trào quần chúng quay quanh Giáo Điều Tín Lý. Các Tôn Giáo Tổ Chức có thể là cũng rất cần và rất quan trọng đó, nhưng dù một tổ chức tôn giáo có tinh vi đến đâu, hùng mạnh cách mấy, cũng chỉ là phương tiện, không giúp Hoàn Thiện và Thánh Hóa được con người, phải chăng vốn là mục tiêu căn bản nhứt của mọi tôn giáo. Phải chăng chỉ có con đường Thực Nghiệm Tâm Linh  mà các Bậc Siêu Phàm đã đi qua và để lại Gương Sống cho hậu thế chúng ta  mới là con đường có thể đưa con người chuyển phàm vi Thánh và đạt đến Tiên Bang Phật Quốc, có thể là ngay trong kiếp làm người này. Phải chăng đây chính là Chân Nghĩa của Đại Đạo vậy.

Qua phần sau của chương trình chúng ta sẽ thảo luận về phần còn lại của đề tài là Tam Kỳ và Phổ Độ.

Mọi bổ túc, sửa sai, thắc mắc xin quý vị liên lạc về khambui@sbcglobal.net or doccocaudao2008@yahoo.com, xin hầu đáp và đa tạ quý vị và các bạn.   
         

THỬ TÌM HIỂU ẨN NGHĨA CỦA SÁU CHỮ
ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ  (tiếp theo)

Host 1
Trong phần trước của chương trình chúng ta thảo luận về hai chữ Đại Đạo  trong chủ đề Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Trong phần này chúng ta sẽ thảo luận tiếp những cụm từ Tam Kỳ và Phổ Độ.
Xin chú cho biết Tam Kỳ là gì?

Trả lời:
Nếu trong phần trước cụm từ Đại Đạo có thể tìm thấy trong một số kinh điển của Đạo Gia, và Đạo Phật hình như cũng có nói đến Đại Đạo, nhưng qua phần này các cụm từ Tam Kỳ có thể nói là thuật ngữ  đặc biệt của Đạo Cao Đài.
Đặc biệt cụm từ Tam Kỳ ở đây tôi xin đưa ra một cái nhìn từ một khía cạnh khác hơn với định nghĩa truyền thống của hai chữ Tam Kỳ thường tìm thấy trong Giáo Lý Cao Đài.

Host 2
Vậy xin chú cho khán giả biết hai chữ Tam Kỳ trong Đạo Cao Đài có ý nghĩa như thế nào?

Theo Giáo Lý Cao Đài thì Cơ Cứu Chuộc của Thượng Đế dành cho nhân loại được chia ra làm ba thời kỳ về phương diện lịch sử như sau:

Nhứt Kỳ Phổ Độ thuộc vào thời Thượng Cổ, tương đương với thời kỳ của:
          Đức Nhiên Đăng Cổ Phật mở Đạo Phật,  Brahman  Bà  La Môn Giáo (Ấn Độ).
          Đức Thái Lão Quân  mở  Tiên Giáo ( Trung Hoa).
          Vua Phục Hy: Thánh Đạo (Trung Hoa).
          Moses: Do Thái Giáo ( Do Thái).

Nhị Kỳ Phổ Độ thuộc vào thời kỳ Trung Cổ, tương đương với các thời kỳ của:
          Đức Phật Thích Ca: Đạo Phật (Ấn Độ).
          Đức Khổng Tử:  Đạo Nho (Trung Quốc).
          Đức Lão Tử: Đạo Tiên (Trung Quốc).
          Jesus  Christ: Đạo Thánh (Do Thái).
          Mohammed: Đạo Hồi (Trung Đông)

Bảng sắp xếp trên đây ghi theo các tài liệu như Từ Điển Cao Đài, Lịch Sử Đạo Cao Đài, v.v… Nhưng sự phân định thời  kỳ không được rõ ràng lắm. Có lẽ vì các tài liệu lịch sử không được đầy đủ, một số các nền văn minh cổ như Hy Lạp, Ai Cập, Babylon, Ba Tư, với các tôn giáo có tầm ảnh hưởng sâu rộng không thấy nói tới  chẳng hạn như:

Bái Hoả Giáo  Zoroastrianism do Đức Zoroaster  628-521 BC,  khoảng đồng thời với Đức Phật Thích Ca và Đức Khổng Tử hay Lão Tử, cho nên có thể coi như thuộc Nhị Kỳ Phổ Độ.    

Nhìn vào bảng phân định nầy chúng ta thấy thời Nhị Kỳ Phổ Độ có vẻ có nhiều các Bậc Giáo Tổ ra đời hơn cả.

Tam Kỳ Phổ Độ: là thời kỳ mở Đạo Cao Đài vào đầu thế kỷ XX, mà theo Giáo Lý Cao Đài, do chính Thượng Đế qua Huyền  Cơ Diệu Bút đến mở Đạo, đến trực tiếp cho mỗi chúng sanh mà không do con người làm Giáo Chủ nữa. Cho nên khác với các tôn giáo, thường mang tên vị Giáo Chủ sáng lập,  Đạo Cao Đài thuộc thời kỳ Tam Kỳ Phổ Độ không có con người làm Giáo Chủ.

Trên đây là tóm lược bảng phân chia ba thời kỳ Phổ Độ theo Giáo Lý Cao Đài đứng về phương diện lịch sử.

Vấn đề đặt ra là trình độ tiến hóa của nhân lọai hẳn đã thay đổi trong suốt chiều dài lịch sử hai ba ngàn năm nay, như vậy bản chất của mỗi tôn giáo tùy theo từng thời kỳ hẳn có khác. Hơn nữa các sinh hoạt tâm linh trong đời sống con người trải qua bao ngàn năm thế nào cũng đem lại những thay đổi trong mức độ tiến hóa nơi con người. Do đó ở đây tôi xin đưa ra một nhận định về Tam Kỳ nhìn từ khía cạnh Tiến Hóa.  

Host 1
Vậy chú có thể trình bày Nhứt Kỳ nhìn từ khía cạnh tiến hóa như thế nào?

Trả lời:
Như chúng ta có thể thấy, trong thời kỳ Nhứt Kỳ nhân loại còn thuần phát, có thể nói là phần đông trông chờ vào sự lãnh đạo của một thiểu số có trình độ tiến hóa cao hơn. Tức là trong thời kỳ này, có thể nói về phương diện tâm linh con người ta tu bằng đức tin thụ động vào người lãnh đạo tinh thần, nhiều hơn là những cố gắng bản thân.

Nhưng mà không hẳn chỉ con người thời thượng cổ mới tu hằng niềm tin thụ động như vậy, mà trong mỗi thời đại có thể cũng có những thành phần con người tu bằng niềm tin thụ động. Như vậy trong thời Tam Kỳ này có thể nói là cũng bao gồm những người sống đời sống tôn giáo bằng niềm tin thụ động. 

Chẳng hạn như tin vào một Giáo Lý của một mối Đạo rồi chỉ đi nhà thờ, đi chùa, thánh thất, mỗi tuần hay mỗi tháng 1, 2 lần. Cúng dường, công quả, mang tính cách đóng góp vào cho một tập thể đủ điều kiện sinh hoạt. Có thể nói dù ngay trong thời đại chúng ta, hay thời đại sau này, những người tu, hay sống đời sống tôn giáo theo tinh thần này thì có thể nói là họ đang tu theo Nhứt Kỳ Phổ Độ.

Host 2
Xét theo khía cạnh tiến hóa  như vậy thì Nhị Kỳ là thế nào, thưa chú?

Trả lời:
Trong khi Sống Đạo, hay tu hành bằng niềm tin thụ động  trong giai đoạn Nhứt Kỳ như nói ở trên, con người sẽ tiếp tục tiến hóa đi lên, vì có học, có tu là đương nhiên có tiến. Khi tiến đến một giai đoạn nào đó, tự nhiên có người tự trong Tâm sẽ cảm thấy thôi thúc, cảm thấy đi nhà thờ mỗi tuần một lần, đi chùa mỗi tháng 1, 2 lần như vậy chưa đủ. Lần lần những người này sẽ cảm thấy có những thôi thúc muốn được lên lớp, muốn học nhiều hơn, muốn tự mình có câu trả lời cho chính mình về những vấn đề tâm linh, muốn “hạ thủ công phu” và từ đó muốn đi tìm Thầy học Đạo. Như vậy tu ở giai đọan này phải có Thầy, có Minh Sư, và có sự thực hành qua  công phu tu luyện thực sự, bằng cách này hay cách khác, bằng nhiều Pháp Môn khác nhau, mà mỗi người gặp được trên bước đường “tìm Thầy học Đạo” đó, tùy theo căn cơ duyên phước của mỗi người. Nói tóm lại, tu ở giai đoạn Nhị Kỳ là giai đoạn tu tích cực, nhấn mạnh vào thực hành, phải có chứng nghiệm, qua sự dẫn dắt của Thầy, chứ không phải  chỉ tin suông một cách hoàn toàn thụ động như ỏ trong giai đoạn Nhứt Kỳ.

Host 1
Vậy xin chú cho biết tiếp qua giai đoạn Tam Kỳ là thế nào?

Trả lời:
Trong thời gian tu luyện ở giai đoạn Nhị Kỳ, cũng nhờ có sự hành trì Pháp Môn Tu Luyện con người sẽ có sư tiến bộ về mặt Tâm Linh, có thể có những chứng ngộ Tâm Linh, khác xa với những người ở Nhứt Kỳ chỉ thuần túy là Tin suông thôi. 

Tuy nhiên người tu ở giai đoạn Nhị Kỳ này khi tiến hóa đến giai đoạn gần đến điểm đích của hành trình Tiến Hoá, còn mấy bước chót nữa cũng không thể vượt qua, vẫn còn cảm thấy có cái gì đó chưa hoàn toàn thỏa mản, vẫn còn những áng mây thắc mắc, chưa thực sự đạt đến cảnh giới của cái BIẾT, vì vẫn còn vướng mắc trong xác phàm này, như con quạ vẫn còn kẹt trong cái lồng, chưa bay ra ngoài được. Lúc đến giai đoạn này  muốn tìm đến Thầy để nhờ giúp đỡ, nhưng cả Thầy và trò đều còn mang thân xác con người trần tục, vị Minh Sư, của mình dù muốn giúp cách mấy cũng không giúp được. Người hành giả đến giai đoạn này không còn nương cậy nơi tha lực được nữa, mà phải tự mình vạch con đường cho mình đi. Đây chính là con đường “Tự Tu Tự Ngộ”, phải  học Đạo với Minh Sư Nội tại, với Thầy Vô Vi. Vì chỉ có Sư Vô Vi mới có thể đưa tay ra mà dắt chúng ta từ thế giói Vật Chất đi qua Cảnh Giới của Tâm Thức được.

Đây chính là Giai Đoạn Tam Kỳ. Đó là giai đoạn Tự Tu Tự Ngộ, không học Đạo với thầy phàm được nữa. Phải chăng đây chính là chỗ Tinh Yếu nhứt của Cơ Đạo Kỳ Ba. Mỗi người Môn Đệ Cao Đài phải  qua đến giai đoạn Tự Tư Tự Ngộ học Đạo trực tiếp với Thầy, như Thầy đã nói “Kỳ này Thầy quyết định, chính mình Thầy độ rỗi các con”.

Như vậy, tu ở giai đoạn nào là tùy theo trình độ tiến hóa Tâm Linh của mỗi người. Nhận định trình độ tiến hóa Tâm Linh  bằng tinh thần như vậy, thì mỗi cá nhân tu ở Kỳ nào, là do trình độ tiến hóa cá nhân của mình đến đâu, chứ không phải mình theo một tôn giáo nào, tin giữ giáo điều nào. Như vậy thì phải chăng một người dù theo Đạo Cao Đài mà tu bằng Đức Tin Thụ Động thì dù có thể mang cái bảng hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ trên áo trên khăn, mà chưa đạt đến trình độ tiến hóa tâm linh đến chỗ có có thể học Đạo được với Đức Cao Đài từ nơi Tâm Nội, thì phải chăng vẫn còn đang tu tiến ở giai đọan Nhứt Kỳ hay Nhị Kỳ mà thôi. 

Rồi đây, có thể theo đà tiến hóa chung của loài người, càng ngày sẽ càng có nhiều người tiến hóa đến giai tầng muốn Tự Tu Tự Ngộ, như Đức Phật đến lúc quyết định rời bỏ các vị Thầy Bà La Môn để đến ngồi dưới cội Bồ Đề, hay là đến tâm trạng như Ngài Ngô Minh Chiêu với ý chí  “không chịu học Đạo với Thầy phàm tục”. Khi con số người đạt đến trình độ này càng cao, thì phải chăng đó chính là Cơ Phổ Độ đến kỳ thị hiện, xin  được trình bày sau đây về hai chữ Phổ Độ. 

Host  2
Như vậy xin chú cho biết thế nào là Phổ Độ?

Trả lời:
Theo nghĩa đen thì Phổ có nghĩa là mở rộng ra, bày ra, và Độ là chở người qua sông. Do đó Phổ Độ có nghĩa là chở được nhiều người qua sông. Trong Đạo Cao Đài đôi khi chữ Phổ Độ hiểu theo sự phân biệt giữa hai từ Vô Vi và Phổ Độ lại đi khá xa cái nghĩa này. Theo tài liệu Giáo Lý cũng như Lịch Sử của Đạo Cao Đài thông thường khi nói đến Phổ Độ là nói đến hệ thống Tôn Giáo Cao Đài với tổ chức cá biệt, có màu cờ sắc áo riêng, có chùa thất với kiến trúc đặc thù, mang một nét văn hóa chuyên biệt. Đặc biệt nhứt là với một hệ thống Tổ Chức Giáo Hội vô cùng chặt chẽ tinh vi. Có thể nói Cơ Chế Tổ Chức của Đạo Cao Đài  được hiểu chung là Cơ Phổ Độ đó được tổ chức từ Trung Ương đến địa phương, như là một hệ thống quản trị tín đồ chặt chẽ, do quy định bởi một văn bản gọi là Pháp Chánh Truyền, được người tín đồ Cao Đài hiểu như là Hiến Pháp của  Đạo Cao Đài.  Với một hệ thống tổ chức tôn giáo chặt chẽ như vậy, khối tín đồ trên nguyên tắc được quản trị chặt nghiêm ngặt. Dĩ nhiên muốn gia nhập một tổ chức chặt chẽ như vậy phải qua một thủ tục “nhập môn”, với lời thề trung thành với Đạo, cũng có nghĩa là trung thành với tổ chức. Khi người tín đồ vi phạm luật Đạo thì phải chịu những sự chế tài nghiêm khắc, có thể đưa đến sự trục xuất ra khỏi Đạo.

Như vậy, so sánh với nguyên nghĩa của hai chữ Phổ Độ thì một tôn giáo với tổ chức chặt chẽ như nói ở trên  hẳn không thể nào thực hiện được phuơng châm “Phổ Độ”, tức là đưa càng nhiều người qua sông càng tốt.

Song song với  cơ chế của một Tôn Giáo Cao Đài với tổ chức chặt chẽ như vậy, Đạo Cao Đài  ra đời từ nguyên thủy, sớm hơn sự ra đời Tôn Giáo Cao Đài 7 năm, dưới  hình thức một đường lối Tu Luyện gọi là con đường Vô Vi Đại Đạo, với tổ chức rất lỏng lẽo, gần như không có tổ chức gì cả. Tất cả các người tu đều bình đẳng, không có chức tước, không có sự phân biệt về màu cờ sắc áo. Đặt nặng vấn đề Tu Luyện bản thân,  thực sự hạ thủ công phu, Luyện Đạo, Tu Tâm, chứ không chú trọng nhiều đến phần lễ nghi kinh kệ. Tức là thể hiện con đường Thực Nghiệm Tâm Linh nhiều hơn là Tín Điều Tôn Giáo. Phần này cũng có rất nhiều giới luật khắc khe, đòi hỏi người hành giả nhiều quyết tâm và tự khắc chế bản thân. Nhưng những giới điều này nhằm mục đích khắc chế bản thân trong quá trình Tu Luyện, chứ những giới luật này không mang bản chất của những luật lệ nhằm bảo đảm sự trung thành với tổ chức tôn giáo.

Kỳ dư ai có quyết tâm muốn hạ thủ công phu, hạ tâm tự khép mình vào vòng tu luyện, thì tất cả đều được tiếp nhận, không có thủ tục tuyên thệ gia nhập tổ chức, mà chỉ có lời nguyện đeo đuổi cuộc hành trình tu luyện đến cùng. Như vậy lời nguyện đó là đặt ra cho bản thân cá nhân người tu, mà không phải là lời nguyện trung thành với một tổ chức, vì con đường Vô Vi Đại Đạo này vốn không có tổ chức gì để mà trung thành.

Như  vậy, nhìn chung cái phần gọi là Phổ Độ trong Đạo Cao Đài thì vì qua một hệ thống tổ chức chặt chẽ như vậy, nên không thể mở rộng cửa tiếp đón chúng sanh, nên trên bản chất không mang tính “Phổ Độ”- tức là chuyên tải được nhiều người.  Còn ngược lại phần Vô Vi Đại Đạo thì từ bản chất vì không có tổ chức chặt chẽ nên coi như “cửa thiền rộng mở”, lại mang tính “phổ độ” nhiều hơn.

Tuy nhiên, trên thực tế, vì tu bằng Niềm Tin thụ động, không đòi hỏi nhiều hy sinh, không cần bỏ công ra nhiều, nên số người có thể nhập môn cũng đông hơn gấp trăm vạn lần hơn, nên lại đạt được mục tiêu “phổ độ”- Tức chở được nhiều người qua bờ. Còn phần Vô Vi Đại Đạo mặc dù “cửa thiền rộng mở”, từ bản chất là “phổ độ”, nhưng vì đường tu luyện đòi hỏi nhiều hy sinh, nhiều quyết tâm, nên vẫn có ít, rất ít, người có thể theo được, và vì vậy mà, theo ý tôi, hay bị hiểu sai là “cơ tuyển độ”.   

Host 1
Xin chú có mấy lời kết và chào quý khán giả.

Như đã trình bày một cách khái quát ở trên về Chân Nghĩa của sáu chữ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ở trên, từ đó chúng ta thấy, tự bản chất sự ra đời của Đạo Cao Đài mang  đặc tính của một con đường Thực Nghiệm Tâm Linh, là con đường Đại Đạo Siêu Tôn Giáo, cũng như vẫn tìm thấy nơi nguồn gốc của các con đường mà Đức Phật và Đức Chúa đã khai mở cho nhân loại. 

Điều đáng lưu ý là trình độ tiến hóa của con người ngày nay, đồng bộ với những tiến bộ về nhiều mặt của đời sống, từ khoa học kỹ thuật, đến kinh tế giáo dục, sẽ kéo theo sự tiến bộ về măt tư tưởng, nhứt là tinh thần tự do cá nhân, trong đó sẽ đưa đến nhu cầu tự do Tâm Linh, phải chăng sẽ càng ngày số người muốn tự tìm cho mình câu trả lời về những vấn đề Tâm Linh, số người muốn lấy lại quyền Tự Quyết Tâm Linh cho mình, sẽ càng ngày càng cao, sự phát triển trí tuệ sẽ càng ngày càng vi diệu hơn.  

Hy vọng theo đà phát triển chung như vậy, con người sẽ chóng đến ngày đạt đến trình độ tíến hóa Tâm Linh để thực sự tạo được con người Hoàn Thiện và Nước Trời Đất Phật ngay trên thế gian này. 

Mọi bổ túc sửa sai hay thắc mắc xin quý vị liên lạc về khambui@sbcglobal.net or doccocaudao2008@yahoo.com.  

Nguồn: Group dichkinhcanban.


10 bí quyết để đánh tan cơn nóng giận


10 bí quyết để đánh tan cơn nóng giận

Quắc mắt, nói những lời cay nghiệt, đập phá mọi thứ, đóng sầm cửa, khóc như mưa,… tất cả những hành động giận dữ đó đều không nên có ở chỗ làm. Vậy khi bạn cáu giận với đồng nghiệp, sếp hay bực tức vì công việc không như ý, bạn phải làm sao?

Ở công sở, chúng ta nên kiềm chế cảm xúc, đừng để nó tự do thể hiện, nó sẽ làm xấu hình ảnh và ảnh hưởng không tốt đến sự nghiệp của bạn. Có 10 cách để “trị” cơn giận, bạn đã biết chưa? 


1. Thư giãn để lấy lại bình tĩnh:
Trong cuộc họp nội bộ, khi có ai đó đánh giá thấp phong cách quản lý của bạn hay chỉ trích cách làm việc của bạn, đừng vội phản ứng một cách giận dữ. Hãy lấy lại sự bình tĩnh bằng vài phút thư giãn ngoài ban công và một tách trà nóng giúp đầu óc tỉnh táo. Khi đã bình tĩnh, con người ta ăn nói khôn ngoan hơn.

2. Hỏi rõ trước khi phản ứng:
Khi gặp điều không ưng ý, đừng vội “đốp” lại ngay. Hãy hỏi lại người nói xem ý họ định nói gì, nhỡ đâu bạn hiểu nhầm ý họ thì sao. Khi bạn đã bình tĩnh hỏi lại, người kia có thể cũng thấy mình hơi quá lời, và nói lại với ý nhẹ nhàng hơn, vậy là mâu thuẫn đã được hóa giải một cách đơn giản.

3. Áp dụng nguyên tắc “10 giây”:
Bạn đang “bí bách”, bức bối trong lòng và chỉ muốn “xả” hết ra cho hả, hãy áp dụng cách hạ nhiệt bằng cách hít thở sâu và nhẩm đếm từ 1 đến 10. Đếm xong số 10 thì sự minh mẫn cũng quay trở lại.

4. Chia sẻ:
Bí mật của các cơn giận là phải được trút ra mới hả. Vậy, thay vì trút ra những lời nóng giận với “đối thủ”, bạn hãy tâm sự, kể lể với người đồng nghiệp thân. Như vậy, bạn vừa tránh được một cuộc cãi vã không đáng có, vừa nhận được những lời khuyên tốt từ đồng nghiệp.

5. Tìm niềm vui trong công việc:
Đừng làm xấu hình ảnh của mình bằng cách đấm bàn, đá ghế, hò hét loạn xạ hoặc hầm hập như một quả bom. Nên nhớ bạn đang ở trong một môi trường tập thể với những mối quan hệ phức tạp. Hãy quay trở lại với công việc, biết đâu, những cuốn hút chuyên môn sẽ giúp bạn quên đi cơn nóng.

6. Nhận dạng vấn đề:
Hãy cảnh giác, có thể người ta biết rằng bạn nóng tính, nên tìm cách chọc tức để làm hỏng hình ảnh của bạn. Đừng mắc bẫy nhé. Nếu họ thích vặn vẹo họ trong cuộc họp, hãy lường trước mọi câu trả lời và cho họ thấy rằng bạn chẳng “ngán” ai cả. Xác định được vấn đề và tìm hướng giải quyết chính là chìa khóa để hóa giải cơn giận.

7. Đừng tự gây họa:
Bạn biết cô đồng nghiệp ngồi cạnh không thích bị làm phiền, sao còn cứ mượn đồ của cô ấy, khiến cô ấy nổi cáu và nói những câu không hay, làm bạn bực mình? Bạn biết anh chàng kia không biết đùa, ai động trêu tí là la ó, vậy sao bạn còn thích chọc ngoáy anh ta? Bạn đã biết cô nàng kế toán của công ty hay soi mói, chỉ trích, vậy thì hãy tránh xa cô ta ra. Đừng tự gây cho mình những mâu thuẫn.

8. Xem lại mình:
Người đồng nghiệp cùng phòng chỉ trích cách làm việc thiếu chuyên nghiệp và dềnh dang của bạn, trước khi định cáu giận với anh ta, hãy xem lại mình, có phải bạn như thế thật không? Nếu anh ta nói đúng thì bạn nên cảm ơn anh ấy đã chỉ cho bạn những điểm yếu của mình.

9. Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói:
Bạn vẫn định cho nổ tung cơn giận ra vì nếu cứ yên lặng mãi, bạn sẽ điên mất. Vậy trước khi mở lời, thử nghĩ xem nếu mình nói câu này ra, người nghe sẽ cảm thấy thế nào. Nếu mình phải nghe những câu đó, mình sẽ phản ứng ra sao. Cân nhắc thật kỹ trước khi nói, bởi cái gì đã nói ra không rút lại được đâu.

10. Xin lỗi:
Sau khi đã nguôi giận, nếu thấy mình đã làm gì thất thố, bạn nên xin lỗi mọi người xung quanh, những nạn nhân vô tình cũng phải chịu cơn giận của bạn, thậm chí xin lỗi cả người đã làm bạn tức nữa. Phương pháp dĩ hòa vi quý này rất có lợi: thứ nhất, nó khiến “đối thủ” của bạn thấy ngượng ngùng; thứ hai: mọi người sẽ thông cảm với bạn hơn, vì lúc đó bạn đang nóng mà; thứ ba: bạn sẽ suy nghĩ lại và thấy, hành động giận dữ là sai lầm.

Bạn thấy đó, ở công sở, chữ NHẪN vô cùng quan trọng. Biết nín nhịn không phải là nhu nhược, đó chính là cách để bạn thể hiện bản lĩnh và sự mạnh mẽ của mình trước mọi người. Bạn nên nhớ, người ta đã từng đúc kết: “Phải mất nhiều năm để tạo dựng được danh tiếng, nhưng chỉ cần vài giây để hủy hoại tất cả”. 

Theo Quốc Hưng – Askmen – Dân Trí Online.

Thứ Năm, 2 tháng 12, 2010

An hưởng cuộc đời

Du lịch khám phá, việt nam, châu á

AN HƯỞNG CUỘC ĐỜI

Ngày xưa, có vị Hoàng Đế nọ muốn ban trọng ân cho một người cận thần. Nhà vua phán: "Ngươi có công lao rất lớn với ta. Kể từ cổng thành trở đi, ngươi phóng ngựa đi tới nơi nào ngươi dừng lại thì khoảng đất đó ta sẽ ban cho ngươi". Viên cận thần nhảy lên ngựa phóng đi, ra sức phóng ngựa để có được càng nhiều đất càng tốt. Người đó đi suốt ngày đêm, khi mệt và đói cũng không dám ngừng nghỉ vì muốn có nhiều đất. Tới một ngày kia, sức khỏe kiệt quệ vì đói và mệt, lả đi gần chết ở trong rừng. Anh ta lẩm bẩm: "Tại sao ta tham lam quá độ vậy, ta tận sức để có được nhiều đất đai. Bây giờ thì gần chết rồi ta chỉ mong có được một thước đất để được chôn  cất mà thôi!"


Lời bàn: Câu chuyện cổ kể trên cũng giống như cuộc đời của chúng ta. Hàng ngày, chúng ta gắng sức làm việc để mong có tiền tài, danh vọng và quyền thế. Chúng ta tận sức tới mức xao lãng sức khỏe, đôi khi quên cả cuộc sống với gia đình, quên cả những cảnh đẹp thiên nhiên. Ngay cả trong những buổi họp bàn bè với danh nghĩa để giải trí, chúng ta vẫn có tư tưởng là sự giao thiệp sẽ có lợi cho việc tạo thêm tiền tài, danh vọng hay thế lực. Rồi một ngày kia nghĩ lại, chúng ta sẽ thấy những sự cố gắng đó vô nghĩa lý.

Than ôi! lúc đó thì ta không thể quay ngược kim đồng hồ được nữa, chúng ta đã bỏ mất dịp hưởng an lạc của cuộc đời một cách chân chính.

Hãy sống tỉnh thức, để an hưởng cái đẹp của thiên nhiên, để tìm ra lẽ sống của cuộc đời. Cuộc đời rất mong manh, hãy an trú trong hiện tại.

 Nguồn: nghethuatsong.net

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Lá Thư Từ Bên Kia Thế Giới





Lá Thư Từ Bên Kia Thế Giới
(La revue spirite)
Nguyên Phong dịch



Bác sĩ Elizabeth Kübler-Ross, người tiền phong trong lãnh vực nghiên cứu về hiện tượng hồi sinh cho biết:
"Con người sợ chết như con nít sợ ma, họ đã nhìn cái chết một cách sợ hãi, ghê tởm và cố gắng phủ nhận nó vì nó làm gián đoạn sự liên tục của đời sống. Nhưng nếu họ biết chấp nhận sự chết một cách bình thản, giản dị thì họ sẽ thấy chết là một sự kiện tự nhiên cũng như lúc sinh ra vậy. Bất kỳ lúc nào chung quanh chúng ta, sống và chết cũng luôn luôn tiếp diễn. Lá cây rụng để nhường chỗ cho những mầm non xuất hiện, hết mùa đông lại có mùa xuân. Một hiện tượng tự nhiên và cần thiết như thế không lẽ lại chẳng bao hàm một ý nghĩa thâm sâu nào đó? Phải chăng chính vì có sự chết mà sự sống hiện hữu, có sự xây dựng thì cũng phải có sự hủy diệt, đâu có gì tồn tại vĩnh viễn. Người ta không thể hiểu được ý nghĩa đích thực của sự sống nếu họ không chịu chấp nhận sự chết, và đã đến lúc người ta phải nghiên cứu cặn kẽ các sự kiện này chứ không thể chấp nhận những lý thuyết mơ hồ nào đó được".

Sau đây là tài liệu được trích lại từ cuốn La revue spirite:
Bác sĩ Henri Desrives là một khoa học gia hoạt động, vui vẻ và yêu nghề. Như mọi nhà trí thức khác, ông sống một cuộc đời rất thực tế và không buồn lưu ý đến những điều mà khoa học chưa giải thích được. Ông không tin rằng có một linh hồn tồn tại sau khi chết vì thể xác chỉ là sự kết hợp của các vật chất hữu cơ và trí thông minh chẳng qua chỉ là sản phẩm của các tế bào thần kinh. Khi thể xác đã hư hoại thì trí thông minh cũng không thể tồn tại. Một hôm khi bàn chuyện với các con về đề tài đời sống sau khi chết, ông hứa sẽ liên lạc với các con nếu quả thật có một đời sống bên kia cửa tử. Cậu con trai Piere Desrives, cũng là một y sĩ, đã nói: "Nếu đã chết, làm sao cha có thể liên lạc với con được?" Bác sĩ Henri suy nghĩ một lúc rồi trả lời: "Cha không tin có một đời sống hay cõi giới nào ngoài đời sống này nhưng nếu sau khi chết mà cha thấy được điều gì thì cha sẽ tìm đủ mọi cách để liên lạc với các con". Vài năm sau, bác sĩ Desrives từ trần, các con ông vì bận việc nên cũng không để ý gì đến buổi bàn luận đó nữa.

Khoảng hai năm sau, một nhóm nhân viên làm việc trong bệnh viện lập bàn cầu cơ chơi, bất ngờ cơ bút đã viết: "Xin cho gọi bác sĩ Piere Desrives đến vì tôi là cha cậu đó và tôi có mấy lời muốn nhắn nhủ với các con tôi". Được thông báo, bác sĩ Piere không tin tưởng mấy nhưng nhớ lại lời dặn của cha, ông bèn gọi các em đến tham dự buổi cơ bút này. Một người cầm giữ đầu một sợi dây, đầu kia cột vào một cây bút chì và chỉ một lát sau cây bút đã tự động chạy trên các trang giấy thành một bức thư như sau:

Các con thân mến,
Cha rất hài lòng đã gặp đủ mặt các con nơi đây. Gần một năm nay, cha có ý trông đợi để kể cho các con về những điều ở cõi bên này mà cha đã chứng kiến nhưng không có cơ hội.

Như các con đã biết, hôm đó sau khi ở bệnh viện về, cha thấy trong người mệt mõi lạ thường, cha bèn lên giường nằm và dần dần lịm đi luôn, không hay biết gì nữa. Một lúc sau cha thấy mình đang lơ lửng trong một bầu ánh sáng trong suốt như thủy tinh. Thật khó có thể tả rõ cảm tưởng của cha khi đó, nhưng không hiểu sao cha thấy trong mình dễ chịu, linh hoạt, thoải mái chứ không bị gò bó, ràng buộc như trước. Các con biết cha bị phong thấp nên đi đứng khó khăn, vậy mà lúc đó cha thấy mình có thể đi đứng, bay nhảy như hồi trai tráng. Cha có thể giơ tay giơ chân một cách thoải mái, không đau đớn gì. Đang vẫy vùng trong biển ánh sáng đó thì bất chợt cha nhìn thấy cái thân thể của cha đang nằm bất động trên giường. Cha thấy rõ mẹ và các con đang quây quần chung quanh đó và phía trên thân thể của cha có một hình thể lờ mờ trông như một lùm mây màu xám đang lơ lửng. Cả gia đình đều đang xúc động và không hiểu sao cha cứ thấy trong mình buồn bực, khó chịu. Cha lên tiếng gọi nhưng không ai trả lời, cha bước đến nắm lấy tay mẹ con nhưng mẹ con không hề hay biết và tự nhiên cha ý thức rằng mình đã chết. Cha bị xúc động mạnh, nhưng may thay lúc đó mẹ con và các con đều lên tiếng cầu nguyện, tự nhiên cha thấy mình bình tĩnh hẳn lại như được an ủi. Cái cảm giác được đắm chìm trong những lời cầu nguyện này thật vô cùng thoải mái dễ chịu không thể tả xiết.

Lớp ánh sáng bao quanh cha tự nhiên trở nên sáng chói và cả một cuộc đời của cha từ lúc thơ ấu đến khi trưởng thành bỗng hiện ra rõ rệt như trên màn ảnh. Từ việc gần đến việc xa, ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất cũng đều hiện ra rõ rệt trong tâm trí của cha. Hơn bao giờ hết, cha ý thức tường tận các hành vi của mình, các điều tốt lành, hữu ích mà cha đã làm cũng như các điều xấu xa, vô ích mà cha không tránh được. Tự nhiên cha thấy sung sướng về những điều thiện đã làm và hối tiếc về những điều mà đáng lẽ ra cha không nên làm. Cả một cuốn phim đời hiện ra một cách rõ rệt cho đến khi cha thấy mệt mỏi và thiếp đi như người buồn ngủ.

Cha ở trong tình trạng vật vờ, nửa ngủ nửa thức này một lúc khá lâu cho đến khi tỉnh dậy thì thấy mình vẫn lơ lửng trong một bầu ánh sáng có màu sắc rất lạ không giống như màu ánh sáng lần trước. Cha thấy mình có thể di chuyển một cách nhanh chóng, có lẽ vì không còn xác thân nữa. Cha thấy cũng có những người đang di chuyển gần đó nhưng mỗi lần muốn đến gần họ thì cha lại có cảm giác khó chịu làm sao. Một lúc sau cha đi đến một nơi có đông người tụ họp. Những người này có rung động dễ chịu nên cha có thể bước lại hỏi thăm họ một cách dễ dàng. Một người cho biết tùy theo các rung động thích hợp mà cha có thể tiếp xúc được với những người ở cõi bên này. Sở dĩ cha không thể tiếp xúc với một số người vì họ có sự rung động khác với "tần số rung động" (frequency) của cha.

Sự giải thích có tính cách khoa học này làm cha tạm hài lòng. Người nọ cho biết thêm rằng ở cõi bên này tần số rung động rất quan trọng, và tùy theo nó mà người ta sẽ lựa chọn nơi chốn mà họ sống. Cũng như loài cá ở ngoài biển, có loài sống gần mặt nước, có loài sống ở lưng chừng và có loài sống dưới đáy sâu tùy theo sức ép của nước thì ở cõi bên này, tùy theo tần số rung động mà người ta có thể tìm đến được các cảnh giới khác nhau. Sự kiện này làm cha cảm thấy vô cùng thích thú vì như vậy quả có một cõi giới bên kia cửa tử và cõi này lại có nhiều cảnh giới khác nhau nữa.

Khi xưa cha không tin những quan niệm như thiên đàng hay địa ngục nhưng hiện nay cha thấy quan niệm này có thể được giải thích một cách khoa học qua việc các tần số rung động. Những tần số rung động này như thế nào? Tại sao cha lại có những tần số rung động hợp với một số người?

Người nọ giải thích rằng tùy theo tình cảm của con người mà họ có những sự rung động khác nhau; người có tình thương cao cả khác với những người tính tình nhỏ mọn, ích kỷ hay những người hung ác, không hề biết thương yêu. Đây là một điều lạ lùng mà trước nay cha không hề nghĩ đến. Cha bèn đặt câu hỏi về khả năng trí thức, phải chăng những khoa học gia như cha có những tần số rung động đặc biệt nào đó, thì người nọ trả lời rằng, khả năng trí thức hoàn toàn không có một giá trị nào ở cõi bên này cả. Điều này làm cho cha ít nhiều thất vọng. Người nọ cho biết rằng cái kiến thức chuyên môn mà cha tưởng là to tát chẳng qua chỉ là những mảnh vụn của một kho tàng kiến thức rất lớn mà bên này ai cũng có thể học hỏi được.

Người nọ nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là con người biết làm gì với những kiến thức đó. Sử dụng nó để phục vụ hay tiêu diệt nhân loại? Sử dụng nó vào mục đích vị tha hay ích kỷ? Sử dụng nó để đem lại niềm vui hay để gây đau khổ cho người khác? Thấy cha có vẻ thất vọng, người này bèn đưa cha đến một thư viện lớn, tại đây có lưu trữ hàng triệu cuốn sách mà cha có thể tham cứu, học hỏi. Chưa bao giờ cha lại xúc động như vậy. Có những cuốn sách rất cổ viết từ những thời đại xưa và có những cuốn sách ghi nhận những điều mà từ trước tới nay cha chưa hề nghe nói đến. Sau một thời gian nghiên cứu, cha thấy cái kiến thức mà mình vẫn hãnh diện thật ra chẳng đáng kể gì so với kho tàng kiến thức nơi đây. Đến khi đó cha mới thấm thía điều người kia nói về khả năng trí thức của con người và bắt đầu ý thức về tần số rung động của mình.

Nơi cha đang sống có rất đông người, đa số vẫn giữ nguyên tính nết cũ như khi còn sống ở thế gian. Có người hiền từ vui vẻ, có người tinh nghịch ưa chọc phá người khác, có người điềm đạm, có kẻ lại nóng nảy. Quang cảnh nơi đây không khác cõi trần bao nhiêu; cũng có những dinh thự đồ sộ, to lớn; có những vườn hoa mỹ lệ với đủ các loại hoa nhiều màu sắc; có những ngọn núi rất cao hay sông hồ rất rộng. Lúc đầu cha ngạc nhiên khi thấy những cảnh vật này dường như luôn luôn thay đổi, nhưng về sau cha mới biết cảnh đó hiện hữu là do sức mạnh tư tưởng của những người sống tại đây. Điều này có thể giải thích giống như sự tưởng tượng ở cõi trần. Các con có thể tưởng tượng ra nhà cửa dinh thự trong đầu óc mình, nhưng ở cõi trần sức mạnh này rất yếu, chỉ hiện lên trong trí óc một lúc mà thôi. Bên này vì có những rung động đặc biệt nào đó phù hợp với sự rung động của tư tưởng làm gia tăng thêm sức mạnh khiến cho những hình ảnh này có thể được thực hiện một cách rõ ràng, chính xác và lâu bền hơn.
Các con đừng nghĩ rằng những người bên này chỉ suốt ngày rong chơi, tạo ra các hình ảnh theo ý muốn của họ; mà thật ra tất cả đều bận rộn theo đuổi các công việc riêng để chuẩn bị cho sự tái sinh. Vì mọi tư tưởng bên này đều tạo ra các hình ảnh nên đây là môi trường rất thích hợp để người ta có thể kiểm soát, ý thức rõ rệt hơn về tư tưởng của mình. Vì đời sống bên này không cần ăn uống, làm lụng nên người ta có nhiều thời giờ theo đuổi những công việc hay sở thích riêng. Có người mở trường dạy học, có kẻ theo đuổi các nghành chuyên môn như hội họa, âm nhạc, kiến trúc, văn chương thơ phú v.v...

Tóm lại, đây là môi trường để họ học hỏi, trau dồi các khả năng để chuẩn bị cho một đời sống mai sau. Phần cha đang học hỏi trong một phòng thí nghiệm khoa học để sau này có thể giúp ích cho nhân loại. Càng học hỏi, cha càng thấy cái kiến thức khi xưa của cha không có gì đáng kể và nền y khoa mà hiện nay các con đang theo đuổi thật ra không lấy gì làm tân tiến lắm nếu không nói rằng rất ấu trĩ so với điều cha được biết nơi đây. Hiển nhiên khoa học phát triển tùy theo khả năng trí thức của con người, mỗi thời đại lại có những sự phát triển hay tiến bộ khác nhau nên những giá trị cũng vì thế mà thay đổi. Có những giá trị mà thời trước là "khuôn vàng thước ngọc" thì đời sau lại bị coi là  "cổ hủ, lỗi thời"; và như cha được biết thì những điều mà ngày nay đang được người đời coi trọng, ít lâu nữa cũng sẽ bị đào thải. Tuy nhiên cái tình thương, cái ý tưởng phụng sự mọi người, mọi sinh vật thì bất kỳ thời đại nào cũng không hề thay đổi, và đó mới là căn bản quan trọng mà con người cần phải biết. Càng học hỏi cha càng thấy chỉ có những gì có thể tồn tại được với thời gian mà không thay đổi thì mới đáng được gọi là chân lý. Cha mong các con hãy suy ngẫm về vấn đề này, xem đâu là những giá trị có tính cách trường tồn, bất biến để sống theo đó, thay vì theo đuổi những giá trị chỉ có tính cách tạm bợ, hời hợt.

Cha biết rằng mọi ý nghĩ, tư tưởng, hành động đều có những rung động riêng và được lưu trữ lại trong ta như một cuốn sổ. Dĩ nhiên khi sống ở cõi trần, con người quá bận rộn với sinh kế, những ưu phiền của kiếp nhân sinh, không ý thức gì đến nó nên nó khép kín lại; nhưng khi bước qua cõi bên này thì nó từ từ mở ra như những trang giấy phô bày rõ rệt trước mắt.

Nhờ vậy mà cha biết rõ rằng hạnh phúc hay khổ đau cũng đều do chính ta tạo ra và lưu trữ trong mình. Cuốn sổ lưu trữ này là bằng chứng cụ thể của những đời sống đã qua và chính nó kiểm soát tần số rung động của mỗi cá nhân. Tùy theo sự rung động mà mỗi cá nhân thích hợp với những cảnh giới riêng và sẽ sống tại đó khi bước qua cõi giới bên này. Do đó, muốn được thoải mái ở cõi bên này, các con phải biết chuẩn bị. Cha mong các con hãy bắt tay vào việc này ngay. Các con hãy ráng làm những việc lành, từ bỏ những hành vi bất thiện. Khi làm bất cứ việc gì, các con hãy suy gẫm xem hậu quả việc đó như thế nào, liệu nó có gây đau khổ hay tổn thương cho ai không? Đừng quá bận rộn suy tính những điều hơn lẽ thiệt mà hãy tập quên mình. Đời người rất ngắn, các con không có nhiều thời giờ đâu.

Khi còn sống, đã có lúc cha dạy các con phải biết đầu tư thương mại để dành tiền bạc vào những trương mục tiết kiệm, những bất động sản, những chứng khoán... nhưng bây giờ cha biết rằng mình đã lầm. Một khi qua đến bên đây, các con không thể mang những thứ đó theo được. Danh vọng, địa vị, tài sản vất chất chỉ là những thứ có tính cách tạm bợ, bèo bọt, đến hay đi như mây trôi, gió thổi, trước có sau không. Chỉ có tình thương mới là hành trang duy nhất mà các con có thể mang theo mình qua cõi giới bên này một cách thoải mái, không sợ hư hao mất mát. Tình thương giống như đá nam châm, nó thu hút những người thương nhau thực sự, để họ tiến lại gần nhau, kết hợp với nhau.

Nó là một mãnh lực bất diệt, mạnh mẽ, trường tồn và chính nhờ lòng thương này mà người ta có thể tìm gặp lại nhau trải qua không gian hay thời gian. Chắc hẳn các con nghĩ rằng người cha nghiêm nghị đầy uy quyền khi trước đã trở nên mềm yếu chăng? Này các con, chỉ khi nào buông xuôi tay bước qua thế giới bên này, các con mới thực sự kinh nghiệm được trạng huống của mình, tốt hay xấu, hạnh phúc hay đau khổ, thích hợp với cảnh giới thanh cao tốt lành hay những nơi chốn thấp thỏi xấu xa. Hơn bao giờ hết, cha xác định rằng điều cha học hỏi nơi đây là một định luật khoa học thật đơn giản mà cũng thật huyền diệu. Nó chính là cái nguyên lý trật tự và điều hòa hằng hiện hữu trong vũ trụ. Sự lựa chọn để sống trong cảnh giới mỹ lệ đẹp đẽ hay tăm tối u minh đều do những tần số rung động của mình mà ra cả và chính mình phải chịu trách nhiệm về cuộc đời của mình hay lựa chọn những nơi mà mình sẽ đến.

Khi còn sống cha tin rằng chết là hết, con người chỉ là sự cấu tạo của các chất hữu cơ hợp lại, nhưng hiện nay cha biết mình đã lầm. Cha không biết phân biệt phần xác thân và phần tâm linh. Sự chết chỉ đến với phần thân xác trong khi phần tâm linh vẫn hoạt động không ngừng. Nó đã hoạt động như thế từ thuở nào rồi và sẽ còn tiếp tục mãi mãi. Hiển nhiên các nhân của cha không phải là cái thể xác đã bị hủy hoại kia mà là phần tâm linh vẫn tiếp tục hoạt động này, do đó cha mới cố gắng liên lạc với các con để hoàn tất điều mà cha đã hứa với các con khi xưa. Cha nghiệm được rằng sự sống giống như một giòng nước tuôn chảy không ngừng từ nơi này qua nơi khác, từ hình thức này qua hình thức khác. Khi trôi chảy qua những môi trường khác nhau nó sẽ bị ảnh hưởng những điều kiện khác nhau; và tùy theo sự học hỏi, kinh nghiệm mà nó ý thức được bản chất thiêng liêng thực sực của nó. Cũng như sóng biển có đợt cao, đợt thấp thì đời người cũng có những lúc thăng trầm, khi vinh quang tột đỉnh, lúc khốn cùng tủi nhục, nhưng nếu biết nhìn lại toàn vẹn tiến trình của sự sống thì kiếp người có khác chi những làn sóng nhấp nhô, lăng xăng trên mặt biển đâu! Chỉ khi nào biết nhận thức về bản chất thật sự của mình vốn là nước chứ không phải là sóng thì các con sẽ ý thức được tính cách trường cửu của sự sống. Từ đó các con sẽ có một quan niệm rõ rệt rằng chết chỉ là một diễn tiến tất nhiên, một sự kiện cần thiết có tính cách giai đoạn chứ không phải một cái gì ghê gớm như người ta thường sợ hãi.

Điều cần thiết không phải là trốn tránh sự chết hay ghê tởm nó, nhưng là sự chuẩn bị cho một sự kiện tất nhiên phải đến một cách thoải mái, ung dung vì nếu khi còn sống các con đã đem hết khả năng và phương tiện của mình để giúp đời, để yêu thương mọi loài thì lúc lâm chung, các con chẳng có gì phải luyến tiếc hay hổ thẹn với lương tâm cả. Trước khi từ biệt các con, cha muốn nói thêm rằng hiện nay cha đang sống một cách thoải mái, vui vẻ và an lạc chứ không hề khổ sở.


CẢNH GIỚI BÊN KIA CỬA TỬ  (UNKNOWN PARAMETER VALUE)
(Do người chết hồi sinh kể lại)


LTS: Hiện nay, luân hồi tái sinh là một đề tài nóng bỏng ở xã hội phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng. Chương trình "60 minutes" ngày 30.10 cách đây vài năm có đề cập đến vấn đề luân hồi tái sinh và báo cáo hiện có đến 78% người Mỹ (vào khoảng 195.000.000) tin có kiếp trước kiếp sau. Raymond Moody, giáo sư triết học, bác sĩ y khoa, là một nhà nghiên cứu người Mỹ tiền phong về vấn đề luân hồi tái sinh, nói rằng, sự hiểu biết về hiện tượng có đời sống khác sau đời sống này (life after life) đã được giấu nhẹm rất kỹ cho đến bây giờ. Nếu ai muốn tìm hiểu xem người Mỹ nghĩ thế nào về luân hồi chỉ việc vào thăm Google, gõ chữ "book on reincarnation" thì sẽ thấy một con số khổng lồ, hơn 2.000.000 tài liệu gồm sách và các bài luận giải về nhân quả và luân hồi... 

Nguyên Ngọc biên soạn.

Cách đây 31 năm, khi cho in cuốn sách đầu tiên "Life After Life" sau nhiều năm tiếp xúc với những bệnh nhân chết đi sống lại, bác sĩ Moody nói, ông chỉ ghi lại trung thực những câu chuyện này mà không cố ý chứng minh là có một đời sống khác sau khi chết. Ông cũng nói thêm rằng, hiện nay chưa có ai có thể đưa ra một bằng chứng cụ thể để chứng minh có 1 cảnh giới bên kia cửa tử, nhưng người ta cũng không thể phủ nhận kinh nghiệm của hơn 8 triệu người lớn ở Mỹ và mấy triệu trẻ con nữa, những người sống lại sau cái chết lâm sàng đã kể những gì họ thấy được sau khi rời khỏi xác thân vật lý.

Bác sĩ Moodu kể, lần đầu tiên ông được nghe tả về cảnh giới bên kia cửa tử do người chết hồi dương kể lại (kinh nghiệm cận tử) là khi ông còn là một sinh viên y khoa triết học ở đại học Virginia . Một giáo sư dạy môn tâm thần học kể lại cho sinh viên nghe chính ông đã "chết" đi rồi sống lại 2 lần, cách nhau 10 phút. Ông kể lại những chuyện ly kỳ ông được chứng kiến trong thời gian ông "chết". Thoạt nghe thì anh sinh viên Moody cũng lấy làm lạ nhưng không có ý kiến gì. Anh chỉ giữ cái băng thu âm câu chuyện này để làm tài liệu thôi.
Mấy năm sau, ông Moody bây giờ là giáo sư triết ở 1 trường đại học ở Bắc Carolina. Trong 1 buổi giảng dạy về thuyết bất tử (Phaedo) của Plato, nhà hiền triết nổi tiếng của Hy Lạp thời cổ đại, một sinh viên xin gặp riêng để hỏi thêm về vấn đề sống chết, vì bà của chàng ta đã "chết" trên bàn mổ, sau đó hồi sinh và kể những câu chuyện bà đã chứng kiến rất hấp dẫn. Giáo sư Moody yêu cầu anh sinh viên này kể lại từng chi tiết và ông rất đỗi ngạc nhiên khi thấy những chuyện xảy ra cho bà già này gần giống với những mẩu chuyện ông được nghe từ thầy của ông mấy năm về trước.

Từ đó, ông cố ý thu thập tài liệu về hiện tượng chết đi sống lại. Ông cũng đưa vấn đề này vào trong các bài giảng của ông, nhưng không đề cập gì đến 2 trường hợp ông được nghe. Ông nghĩ rằng, nếu có nhiều người chết đi sống lại thì thế nào sinh viên cũng sẽ nói ra trong các giờ triết.

Quả vậy, trong mỗi một lớp học chừng 30 sinh viên, khi nào cũng có một anh xin gặp riêng sau giờ học để kể cho ông nghe một câu chuyện chết đi sống lại. Có điều lạ là, những mẩu chuyện này có nhiều tình tiết giống nhau, tuy người có kinh nghiệm chết đi sống lại gồm nhiều thành phần khác nhau, khác về tôn giáo, về học vấn, và địa vị xã hội. 

Khi Moody theo học y khoa năm 1972 thì ông đã có một hồ sơ dầy cộm về những trường hợp chết đi sống lại. Ông bắt đầu nói đến công cuộc nghiên cứu của ông với những người ông gặp ở trường y. Sau đó, theo lời yêu cầu của một người bạn, ông nhận lời thuyết trình về hiện tượng chết đi sống lại tại 1 Hiệp Hội Y Sĩ và nhiều hội đoàn khác. Và sau mỗi buổi thuyết trình, thế nào cũng có người đứng lên kể lại kinh nghiệm chết đi sống lại của chính mình. Dần dà ai cũng biết tiếng ông, nên nhiều bác sĩ đã giới thiệu những bệnh nhân họ cứu sống được mà có những kinh nghiệm lạ lùng trong thời gian họ "chết".
Sau khi vài tờ báo đăng tải tin tức về công cuộc nghiên cứu của ông thì nhiều người tự động gửi những mẩu chuyện tương tự xảy ra với họ. Ông quyết định chỉ chú ý đến trường hợp những người do bác sĩ chứng thực là đã chết lâm sàng (tim ngừng đập, thần kinh não ngưng hoạt động) rồi được cứu sống lại, và trường hợp những người bị tai nạn, hồn lìa khỏi xác ngay nhưng sau đó lại hoàn hồn, đã kể những sự việc họ chứng kiến. 

Trong mấy trăm câu chuyện chết đi sống lại mà tác giả trực tiếp được nghe, Moody nhận thấy, tuy kinh nghiệm của mỗi người có điểm khác nhau nhưng tựu trung thì có thể nói có chừng 15 điểm mà ông thấy người ta hay nhắc nhở:

1. Ngôn ngữ bất đồng:
Người nào cũng tỏ vẻ bực bội rằng, ngôn ngữ ở cõi trần không thể diễn tả đúng những sự việc xảy ra ở cõi giới bên kia. Một người trong số đó nói: "Tôi biết, thế giới mà tôi được thấy là một thế giới có hơn 3 chiều, nên không thể nào diễn tả được hết những điều tôi muốn nói với thứ ngôn ngữ 3 chiều của chúng ta".

2. Nghe tin mình đã chết:
Nhiều người kể rằng, họ được nghe chính bác sĩ hay những người ở bên cạnh nói rằng họ đã chết. Bà Martin kể: "Tôi vào bệnh viện nhưng họ không tìm ra bệnh. Bác sĩ James đưa tôi sang phòng X quang để chụp ảnh gan tìm bệnh. Vì tôi bị dị ứng với nhiều thứ thuốc nên họ thử trên cánh tay tôi trước. Thấy tôi không có phản ứng gì, họ liền tiêm cho tôi thứ thuốc ấy. Nhưng lần này tôi bị phát dị ứng liền và chết ngay sau đó. Tôi thấy bác sĩ ở phòng X quang vừa chích thuốc cho tôi, bước đến nhấc máy điện thoại. Tôi nghe rõ ông quay từng con số và giọng nói của ông: "Thưa bác sĩ James, tôi đã giết bệnh nhân của ông. Bà Martin chết rồi".
Nhưng tôi biết tôi không chết. Tôi cố cử động, cố tìm cách nói cho họ biết là tôi chưa chết nhưng tôi không thể làm gì được. Rồi thấy họ làm thủ tục cấp cứu. Tôi nghe họ nói cần bao nhiêu "cc" thuốc chích cho tôi, nhưng tôi không có cảm giác gì khi mũi kim chích vào da. Tôi cũng không có cảm giác gì khi họ chạm vào người".

3. Tâm an bình và tịch tịnh:
Số đông kể rằng, họ tận hưởng được một cảm giác rất an lạc, thật khoan khoái khi mới thoát ra khỏi cái xác của mình. Một người bị bất tỉnh ngay sau khi bị thương nặng ở đầu kể rằng, khi mới bị chấn thương thì anh cảm thấy đau nhói, nhưng chỉ một thoáng thôi, rồi sau đó anh có cảm tưởng như mình đang bềnh bồng trôi trong 1 phòng tối. Mặc dù hôm ấy trời lạnh lắm mà anh cảm thấy rất ấm áp trong khoảng không gian âm u này. Anh thấy tâm thần mình bình an thoải mái lạ lùng và anh chợt nghĩ "chắc là mình đã chết rồi".
Một bà vật vã, đau đớn và ngất đi sau một cơn đau tim. Khi được cứu tỉnh bà kể: "Tôi bắt đầu thấy sung sướng lạ, mọi lo âu buồn phiền biến mất, chỉ còn lại một cảm giác bình an, thoải mái, thanh tịnh. Tôi không còn cảm thấy đau đớn nữa".

4. Âm thanh:
Nhiều âm thanh lạ được tả lại, hoặc khi sắp chết hoặc khi vừa tắt thở.
Một người đàn ông "chết" trong vòng 20 phút trên bàn mổ kể lại, rằng ông đã nghe một tiếng kêu ù ù rất khó chịu. Tiếng kêu như phát ra từ trong đầu mình chứ không phải từ bên ngoài.
Một người đàn bà kể, khi vừa ngất đi thì bà nghe một tiếng rì rì lớn và bà cảm thấy đang chơi vơi bay lộn lòng vòng trong không gian. Bà còn nghe một thứ tiếng khác cũng khó chịu lắm, như tiếng động lạch cạch, tiếng va chạm hay tiếng rống mà cũng như tiếng gió hú.
Những người khác thì nghe một âm thanh dễ chịu như âm nhạc, như trường hợp một bệnh nhân "chết" trên đường đi đến bệnh viện, khi được cứu tỉnh lại ông kể: Ông đã nghe 1 âm thanh như âm ba của nhiều cái chuông nhỏ từ đằng xa theo gió vọng lại, làm ông nghĩ đến mấy cái chuông gió của Nhật, và ông chỉ nghe 1 âm thanh này thôi.

5. Đường hầm tối:
Ngay vừa khi nghe tiếng động thì người ta cảm thấy như bị hút mạnh vào một khoảng không gian tối. Người thì nói giống như một hang động; người thì bảo sâu hút như một cái giếng; người khác thì mô tả như một khoảng không, một đường hầm, một ống xoắn, một cái chuồng, thung lũng, ống cống, hoặc khoảng không của một hình vật thể hình trụ. Tuy được diễn tả khác nhau nhưng điều này cho thấy, người nào cũng trải qua kinh nghiệm này.
Một bệnh nhân kể: Khi tim anh ngừng đập vì bị dị ứng với thuốc mê thì anh thấy mình như bay qua một khoảng không tối tăm như một đường hầm, với tốc độ cực nhanh như một con tàu đang lao đầu bay xuống ở 1 công trường giải trí.

6. Giây phút bước ra khỏi xác:
Tuy ai cũng biết rằng, cái "Ta" gồm 2 phần: thân và thức, nhưng ít ai hiểu biết được phần Thức vì cho rằng, có thân xác vật lý thì trí óc mới hoạt động được, không thể nào có 1 đời sống nào khác ngoài đời sống với tấm thân vật lý này. Cho nên, trong quá trình chết đi sống lại, ai cũng bị ngạc nhiên quá mức khi họ được ngắm nghía thân xác bất động của họ.
Thực khó tưởng tượng được tâm trạng của những người này, khi họ thấy mình đứng đây mà sao lại còn có thân hình mình nằm bất động ở đằng kia! Khi hồn vừa lìa khỏi xác, họ chưa ý thức được mình đã chết nên ngẩn ngơ không hiểu được hiện tượng này.
Nhiều người muốn nhập vào xác mình lại nhưng không biết làm sao. Có người rất hoảng sợ nhưng cũng có người không sợ hãi.
Một bệnh nhân nói: "Bệnh tôi trở nặng, bác sĩ buộc phải vào nhà thương. Sáng hôm ấy tôi thấy một lớp như sương mù bao phủ quanh tôi và cùng lúc ấy tôi thấy mình bước ra khỏi xác. Tôi thấy mình bềnh bồng bay lên phía trên và nhìn xuống cái xác mình nằm ở giường. Tôi không thấy sợ hãi chút nào, chỉ thấy một cảm giác bình yên trong một khung cảnh êm ả thanh bình. Và tôi nghĩ, có lẽ tôi đang đi về cõi chết. Tôi tự nhủ, rằng nếu tôi không nhập trở lại được vào cái xác kia thì tôi chết thật rồi, và như vậy cũng không sao".
Nhiều người nói rằng sau giây phút hoang mang lúc đầu, dần dà họ thấy giác quan mới của thể hồn bén nhạy hơn. Họ có thể nhìn thật xa, nghe thật rõ, đọc được ý nghĩ của người khác, và chỉ cần nghĩ đến chỗ nào họ muốn đi thì đã thấy mình ở đó rồi. Nhưng vì họ không trao đổi gì được với những người xung quanh nên họ thấy cô đơn buồn tủi.

7. Gặp những thể hồn khác:
Nhiều người kể lại, họ chỉ cảm thấy cô đơn trong chốc lát thôi, sau đó họ được gặp gỡ và chuyện trò với những người thân, bạn bè quá cố.
Một người phụ nữ kể lại cuộc vượt cạn khó khăn, bà bị mất máu rất nhiều trong khi sinh. Lúc đó bà nghe bác sĩ nói là bà không sống được nhưng bà thấy mình vẫn tỉnh táo và ngay khi ấy bà thấy nhiều người vây quanh bà nhưng chỉ thấy mặt thôi. Họ đông người lắm, lơ lửng ở trên trần nhà. Bà nhận ra đó là những người thân và quen đã qua đời, bà thấy bà ngoại của mình và một cô bé bạn học hồi nhỏ cùng nhiều người bà con quen biết khác. Ai cũng có vẻ tươi cười như chào đón bà ở xa về.
Một người khác kể rằng sau khi người bạn thân tên Bob chết vài tuần thì ông cũng suýt chết. Ông thấy mình bước ra khỏi thể xác vật chất và có cảm tưởng như Bob đang đứng cạnh mình. Ông biết đó là Bob nhưng lại trông không giống như hồi còn sống. Tuy nhìn thấy Bob, nhưng không phải nhìn bằng mắt vì chính ông cũng không có mắt! Nhưng lúc ấy ông không nghĩ đến điều này là lạ vì ông không cần có mắt mà vẫn thấy. Ông hỏi Bob: "Bây giờ tôi phải đi đâu, chuyện gì đang xảy ra? Có phải tôi chết rồi không? Nhưng Bob không nói gì cả. Suốt mấy ngày tôi ở bệnh viện, Bob luôn ở bên cạnh tôi nhưng vẫn không trả lời những câu hỏi của tôi cho đến ngày bác sĩ tuyên bố là tôi đã thoát chết thì Bob bỏ đi".

8. Đối diện với người ánh sáng:
Tuy tình tiết về kinh nghiệm "chết" của mọi người khác nhau nhưng ai cũng nói đến cuộc gặp gỡ một vị thân toàn ánh sáng. Đây có lẽ một chi tiết lạ lùng nhất đã làm thay đổi cuộc đời của những người chết đi sống lại. Lúc đầu, vị này hiện ra trong thứ ánh sáng lờ mờ, rồi ánh sáng trở nên rõ dần và sau cùng thì hiện toàn thân trong một thứ ánh sáng rực rỡ. Có điều lạ là, tuy rực rỡ nhưng không làm chói mắt. Tuy vị này hiện ra như một tòa ánh sáng mà ai cũng hiểu đây là một người với đầy đủ cá tính nhân phẩm của một cá nhân. Vị này đã ban phát cho họ một tình thương yêu không thể dùng lời nói mà diễn tả được và ai cũng quyến luyến muốn kề cận vị này. Có một điều lý thú là hầu hết mọi người đều tả dung mạo, phong cách của người ánh sáng này giống nhau nhưng khi được hỏi người ấy là ai thì mỗi người nói một cách khác, tùy theo niềm tin tôn giáo của họ.

9. Nhìn lui quãng đời mình:
"Người ánh sáng" nhắc nhở người chết tự kiểm thảo đời mình, và cho người chết xem lại quãng đời của mình rõ ràng như được chiếu trên màn ảnh lớn, từ lúc còn nhỏ ở với cha mẹ, lớn lên đi học, đỗ đạt, công danh sự nghiệp... đều hiện lên rất rõ. "Người ánh sáng" nhắc nhở rằng, ở trên đời không có gì quan trọng ngoài tình thương. Một người kể rằng, khi ông được xem quãng đời niên thiếu của ông với cô em gái, người mà ông rất thương yêu; "người ánh sáng" cho ông xem những lúc ông hành động một cách ích kỷ hay tỏ lòng trìu mến săn sóc em mình. "Người ánh sáng" nhấn mạnh đến việc nên giúp đỡ người khác. Dường như vị này rất chú tâm đến sự học hỏi, cứ nhắc nhở ông phải lo trau dồi sự hiểu biết của mình và nói rằng, sau khi thật sự giã từ thế gian để sang cõi này ông cũng vẫn phải tiếp tục học hỏi, vì đó là một qui trình không gián đoạn.

10. Ranh giới giữa hai cõi:
Nhiều người nhớ rằng, họ đi dần đến một chỗ giống như một bờ ranh, một bờ sông, một cánh cửa, một vùng sương mù màu xám, một hàng rào, hay chỉ như một đường vẽ dưới đất. Một người bệnh tim kể: "Sau khi lìa khỏi xác, tôi thấy mình đang đi trên một cánh đồng thật đẹp, toàn một màu lục, nhưng khác hẳn màu lục của thế gian và chung quanh tôi tràn ngập một thứ ánh sáng kỳ diệu. Xa xa đằng trước là một cái hàng rào, tôi vội rảo bước sang về phía đó thì thấy một người phía bên kia đang tiến về hàng rào như để gặp tôi, nhưng bỗng nhiên tôi có cảm tưởng bị kéo thụt lùi, và người phía bên kia thì ngoảnh lưng lại đi về hướng xa hàng rào".

11. Trở lại cõi trần:
Dĩ nhiên, tất cả những người có kinh nghiệm chết này đều sống lại. Và điều đáng nói là tất cả đều đổi khác sau khi nhìn thấy thế giới bên kia. Phần đông nói rằng, khi vừa tắt thở, họ tiếc nuối thân vật lý lắm, và cố tìm cách trở lại. Nhưng dần dà khi thấy nhiều điều mới lạ ở cảnh giới bên kia thì họ không muốn trở về nữa, nhất là những người đã được gặp gỡ "người ánh sáng" và được vị này ban cho một thứ tình thương bao la vô điều kiện. Nhưng có người thì muốn trở về để tiếp nối một công việc đang dở dang, hay vì các con đang còn nhỏ. Có người nghĩ rằng vì người thân của họ níu kéo, cầu nguyện nên họ không "đi" được như câu chuyện sau đây:
"Tôi săn sóc một người cô già. Cô bệnh lần này khá lâu. Đã mấy lần cô tắt thở, nhưng lại được cứu sống, có lẽ vì mọi người trong gia đình ai cũng thương cô và cầu nguyện cho cô bình an. Một hôm cô nhìn tôi và bảo: "Joan, cô đã thấy cõi giới bên kia đẹp lắm. Cô muốn ở lại bên đó nhưng con và mọi người cứ cầu nguyện cố giữ cô lại bên này nên cô không đi được. Thôi, con nói mọi người đừng cầu nguyện cho cô nữa". Và chúng tôi ngưng cầu nguyện thì cô mất một cách bình yên sau đó". 

Phần đông nói rằng, họ không nhớ đã "trở về" như thế nào. Họ nói, họ chỉ thấy buồn ngủ, rồi mê đi và khi tỉnh dậy thì thấy mình nằm trên giường bệnh như trước khi được sang thế giới bên kia. Nhưng cũng có người nhớ rõ chi tiết khi được trở về. Một người kể, khi hồn vừa lìa khỏi xác, ông thấy mình bị cuốn đi nhanh qua con đường hầm tối. Khi sắp sửa ra khỏi đường hầm thì ông nghe ai gọi giật tên mình ở phía sau, và bất thần ông bị lôi tuột trở lại. Một ông khác kể là, hồn ông bay lên trần nhà nhìn xuống thấy bác sĩ, y tá đang cuống quýt cứu chữa. Khi bàn sốc đặt vào ngực, toàn thân ông giật nẩy lên và đúng lúc đó ông bị rớt xuống thẳng đứng như một tảng đá và chui tuột vào thân thể trên giường. Một người khác thì thấy hồn thoát ra từ đỉnh đầu, như được tả trong cuốn "Tử Thư Tây Tạng".

12. Kể lại kinh nghiệm "chết":
Những người đã trải qua kinh nghiệm này nhớ rất rõ là, họ đã ngạc nhiên sửng sốt khi chứng kiến những sự việc đang xảy ra cho họ. Họ bảo chúng đã thật sự xảy ra chứ không phải do trí tưởng tượng hay ảo giác. Tuy thế, nhiều người không dám kể hoặc chỉ kể cho một vài người thân mà thôi, vì họ biết ở xã hội này không ai tin những chuyện như thế, và còn cho là họ bị bệnh tâm thần. Một cậu bé kể cho mẹ nghe, nhưng vì em còn nhỏ nên bà mẹ không để ý đến những lời em kể, từ đó em không kể cho ai nghe nữa. Người thì cố kể cho mục sư của mình nghe nhưng bị vị này phê bình là mình bị ảo giác. Một cô học trò trung học muốn kể cho bạn nghe kinh nghiệm lạ lùng của mình nhưng bị cho là tâm thần nên đành nín lặng. Vì vậy, ai cũng cứ tưởng chuyện này chỉ xảy ra cho một mình mình thôi. Khi bác sĩ Moody nói với họ rằng, có nhiều người đã có kinh nghiệm tương tự thì họ có vẻ mừng, vì thấy không phải mình "điên", không phải chỉ một mình mình thấy những chuyện lạ lùng của cõi giới bên kia.

13. Thay đổi tâm tư:
Như đã trình bày trên, những người trải qua kinh nghiệm này thường thường không muốn kể với ai, nhưng họ cảm thấy những gì họ kinh nghiệm đã để lại một dấu ấn sâu xa trong đời họ, đã mở rộng tầm mắt của họ, đã thay đổi hẳn lối nhìn của họ về cuộc đời.
Một ông tâm sự: "Kể từ ngày ấy, tôi thường tự hỏi, tôi đã làm gì với cuộc đời của tôi, và khoảng đời còn lại này tôi sẽ phải sống như thế nào. Ngày trước muốn gì là tôi làm liền, không suy nghĩ đắn đo. Nay thì tôi thận trọng lắm. Trước khi hành động tôi thường tự hỏi lòng mình xem việc này có đáng làm hay không hay chỉ có lợi cho bản thân thôi? Nó có ý nghĩa gì, có ích lợi gì cho đời sống tâm linh không? Tôi không phê phán người khác, không thành kiến, không tranh cãi. Và tôi thấy hình như mình hiểu rõ mọi sự việc chung quanh một cách đúng đắn hơn, dễ dàng hơn".
Nói chung, những người chết hồi sinh đều thấy đời mình có một mục đích rõ ràng hơn, tâm tư thoải mái hơn, đầu óc rộng rãi cởi mở hơn, tình thương yêu nhiều hơn, và nhấn mạnh đến đời sống tâm linh, cũng như một đời sống khác sau khi chết. Họ như sực tỉnh khi thấy xưa nay mình chỉ "mãi sống", và lúc nào tâm tư cũng lo lắng, mưu cầu, sắp đặt cho ngày mai, hay luyến tiếc quá khứ mà quên sống với giây phút hiện tại. Họ khám phá rằng, đời sống tinh thần thật sự quí báu hơn đời sống vật chất nhiều; rằng thân xác vật lý chỉ là nơi tạm trú cho phần tâm linh. Và họ đều nói đến bài học từ "người ánh sáng": Ở trên đời, tiền tài, danh vọng hay bằng cấp cao cũng không đáng gì, chỉ có tình thương, ý tưởng phụng sự người khác mới đáng kể.
Thông điệp thứ hai từ "người ánh sáng" là: Mọi người nên trau dồi trí tuệ và tình thương, vì sống và chết là một quá trình được tiếp nối không ngừng.
Một anh chàng trẻ tuổi đang học làm tu sĩ Tin Lành kể, trước kia anh nghĩ chỉ có những người theo giáo phái của anh mới được cứu rỗi, còn ngoài ra tất cả đều là tà đạo và sẽ phải xuống hỏa ngục hết. Sau khi gặp "người ánh sáng" thì anh thay đổi hoàn toàn. Anh thấy vị này hiền hòa, nhân từ chứ không như niềm tin về sự trừng phạt những người không tin mình như Thánh Kinh miêu tả. Vị này không hề hỏi han gì về giáo phái của anh đang theo mà chỉ hỏi anh có biết yêu thương người khác không. 

14. Quan niệm mới về cái chết:
Sau khi được thấy cảnh giới đẹp đẽ bên kia, không còn ai sợ chết nữa. Nói như thế không phải là họ chán sống và muốn đi tìm cái chết. Trái lại, họ thấy quý đời sống hơn và hiểu rằng đời sống này là một môi trường tốt cho họ học hỏi. Họ cho rằng, vì còn nhiều việc cần phải làm nên họ mới "bị" trả về và làm cho xong, để sau này được ra đi 1 cách nhẹ nhàng.
Một người kể: "Kinh nghiệm này đã thay đổi hẳn cả cuộc đời của tôi mặc dù chuyện này đã xảy ra lúc tôi mới 10 tuổi. Từ đấy tôi tin tưởng hoàn toàn rằng, có một đời khác sau đời sống này và tôi không hề sợ chết. Tôi thường tự cười thầm mỗi khi nghe có người cho rằng chết là hết".
Có người thì ví cái chết như là một sự di chuyển từ một nơi này sang một nơi khác, hay từ một con người vật chất sang một thể tâm linh cao hơn. Có một bà, sau khi thấy có nhiều người thân đến chào, có cảm tưởng như mình được đón tiếp về nhà sau một thời gian đi chơi xa. Người khác thì nói rằng, dùng từ "chết" để tả lại cảnh tượng này là không đúng, vì đây giống như một sự thay đổi chỗ ở. Một người khác nữa thì ví thân thể mình như là nhà tù, và khi chết thì được thoát ra khỏi cái ngục tù đó! 

15. Chứng cớ cụ thể:
Dĩ nhiên, có nhiều người đặt câu hỏi, những chuyện do người chết hồi sinh kể lại có thể tin được không, có chứng cớ gì không? Câu trả lời là có.
Thứ nhất, các bác sĩ thấy các bệnh nhân đã tắt thở, tim đã ngừng đập, nên họ mới dùng phương pháp cấp cứu, vậy mà sau khi hồi sinh, bệnh nhân đã dùng danh từ y khoa kể lại đầy đủ chi tiết những gì xảy ra trong khi họ nằm bất động trên giường!
Một cô gái sau khi lìa khỏi xác đã đi qua phòng bên cạnh và thấy chị mình đang ngồi khóc và kêu thầm: "Kathy, đừng chết, em ơi đừng chết". Sau khi hồi tỉnh, cô kể lại chi tiết này và chị cô không hiểu sao cô lại biết rõ như vậy.
Một nạn nhân kể lại đầy đủ tình tiết về những người chung quanh, họ đã nói những gì, ăn mặc ra sao.v.v...
Một bà kể, khi hồn lơ lửng trên trần nhà, bà thấy một chùm chìa khóa trên một nóc tủ. Chùm chìa khóa này của một bác sĩ, trong lúc vội vàng đã vứt lên đó đã mấy ngày trước và quên bẵng đi...
Đó là toàn bộ những câu chuyện được bác sĩ Raymond Moody viết lại. Những ai muốn tìm hiểu chi tiết về cảnh giới bên kia cửa tử có thể tìm đọc tài liệu nghiên cứu của nhiều tác giả người Mỹ. Chỉ cần vào Google và ghi "the life beyond" thì sẽ thấy vô số tài liệu.
Khi đọc cuốn "Tử Thư Tây Tạng" (Tibetan Book of The Death), tôi thấy có nhiều điểm tương đồng với cảnh giới được diễn tả trong cuốn "Life After Life" của bác sĩ Raymond Moody. Có một điều lạ là, những người chết đi sống lại đều nói đến một luồng ánh sáng, hay 1 người sáng, mà họ cho là thiên thần, tùy vào lòng tin tôn giáo của họ. Và cuốn Tử Thư Tây Tạng thì nói rất rõ đó là Đức Phật Tỳ Lô Giá Na ngự trong biển sáng.
Người ánh sáng được diễn tả trong cuốn sách của bác sĩ Moody không nói mình là ai. Vị này dường như thương mến tất cả mọi người và dạy mọi người rằng làm người phải biết thương thân mình và thương người khác; rằng hành trang mà người chết có thể mang theo chỉ là tình thương thôi, một thứ tình thương vô vị kỷ. Tôi thấy những lời dạy này cũng quen thuộc như những lời dạy của Đức Phật.
 Lần cập nhật cuối (ngày 07, tháng 11, năm 2008)
“Learn from yesterday, live for today, hope for tomorrow”.

Nguồn: HocTu Group