Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Cái máy bơm


Cái máy bơm

Một người đàn ông bị lạc giữa một sa mạc rộng lớn. Ông mệt lả và khát khô, sẵn sàng đánh đổi bất kỳ cái gì chỉ để lấy một ngụm nước mát. Đi mãi đi mãi, đến khi đôi chân ông đã sưng lên nhức nhối, thì ông thấy một căn lều: cũ, rách nát, không cửa sổ.
Ông nhìn quanh căn lều và thấy ở mộ góc tối, có một cái máy bơm nước cũ và gỉ sét. Tất cả mọi thứ trở nên lu mờ đi bên cạnh cái máy bơm, người đàn ông vội vã bước tới, vịn chặt tay cầm, ra sức bơm. Nhưng không có một giọt nước nào chảy ra cả.
Thất vọng, ông nhìn quanh căn lều. Lúc này, ông mới để ý thấy một cái bình nhỏ. Phủi sạch bụi cát trên bình, ông đọc được dòng chữ nguệch ngoạch viết bằng cách lấy viên đá cào lên: Hãy đổ hết nước trong bình này vào cái máy bơm. Và trước khi đi, hãy nhớ đổ nước đầy vào chiếc bình này”.
Người đàn ông bật nắp bình ra, và đúng thật: trong bình đầy nước mát. Bỗng nhiên, người đàn ông rơi vào một tình thế bấp bênh. Nếu ông uống ngay chỗ nước trong bình, chắc chắn ông có thể sống sót. Nhưng nếu ông đổ hết nước vào cái máy bơm cũ gỉ, có thể nó sẽ bơm được nước trong lành từ sâu trong lòng đất – rất nhiều nước.
Ông cân nhắc khả năng cả hai sự lựa chọn; nên mạo hiểm rót nước vào máy bơm để có nguồn nước trong lành, hay uống nước trong cái bình cũ và coi như không đọc được lời chỉ dẫn? Dù sao, lời chỉ dẫn không biết đã ở đó bao lâu rồi và không biết có còn chính xác nữa không?
Nhưng rồi cuối cùng, ông cũng quyết định rót hết nước vào cái máy bơm. Rồi ông tiếp tục nhấn mạnh cái cần máy bơm, một lần, hai lần... chẳng có gì xảy ra cả! Tuy hoảng hốt, nhưng nếu dừng lại, ông sẽ không còn một nguồn hi vọng nào nữa, nên người đàn ông kiên trì bơm lên xuống, lần nữa, lần nữa...nước mát trong lành bắt đầu chảy ra từ cái máy bơm cũ kỹ. Người đàn ông vội vã hứng nước vào bình và uống.
Rồi ông hứng nước đầy bình, dành cho người nào đó không may mắn bị lạc đường như ông sẽ đến đây. Ông đậy nắp bình, rồi viết thêm một câu dưới dòng chữ có sẵn trên bình: “Hãy làm theo chỉ dẫn trên. Bạn cần phải cho trước khi bạn có thể nhận”.
Nguồn: songdep.xitrum.net

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Gieo gió gặt bão


Gieo gió gặt bão

Xưa có một vị vua độc ác tên là Raja Shankara. Ông ta rất hay nổi nóng và chẳng làm được việc gì cả. Mỗi ngày vài lần, ông ta lại tự nói với mình trong gương rằng: “Ta là chúa tể vĩ đại”.
Nỗi ám ảnh đó khiến vua Raja Shankara chẳng thể yêu nổi ai ngoài chính bản thân mình. Ông hoàn toàn thờ ơ trước tình trạng bất công đang hoành hành trên đất nước, vì đã dành quá ít thời gian cho việc triều chính.
Phần lớn thời gian Raja Shankara tắm mình trong sữa và mật ong. Nếu có bất kì người hầu thân cận nào, dù được nhà vua tin tưởng quý mến, mà dám “ngắt quãng” cuộc sống hưởng thụ của ông ta sẽ bị nhiếc móc, thậm chí bêu đầu.
Raja Shankara có tên quân sư độc ác không kém tên là Twishar Dhare. Hắn khuyến khích nhà vua dấn sâu thêm vào cuộc sống bê tha, trụy lạc mà không hề hay biết gì về mưu đồ mà vị quân sư “rất tận tâm” này đang thực hiện: Lật đổ ngai vàng, chi phối vương quốc bằng những mưu đồ độc địa.
Một buổi sáng nọ, nhà vua trở về sau cuộc cưỡi ngựa đi dạo với vẻ mặt nhiều xúc cảm. Ông tự nhốt mình trong căn phòng nguy nga và chỉ mở cửa khi mặt trời đã khuất núi.
Cả ngày hôm đó vị vua rất ít lời. Sáng hôm sau thức dậy, ông chuẩn bị thiết triều để tuyên bố với toàn thể văn võ bá quan và thần dân một quyết định quan trọng. Mọi người vô cùng lo sợ, không biết họ sẽ nhận được gì từ vị vua đang giận dữ.
Thật bất ngờ, vị vua tuyên bố: “Từ nay trở đi ta sẽ là một vị vua khác, nhân từ hơn, nhẫn nại hơn”.
Đúng với những gì đã tuyên cáo, vị vua thực sự trở thành một con người khác. Ông đã dẹp yên hết những bất công và đổ vỡ trên vương quốc bằng một phong thái mềm mỏng với mục đích là thay đổi con người mình từ bên trong.
Một ngày đẹp trời, tên cố vấn độc địa lấy hết can đảm hỏi vua lí do về sự thay đổi của ông. Vị vua trả lời: “Một buổi sáng cách đây một tháng, đang trên lưng ngựa, ta thấy một con chó dữ đuổi một con mèo. Con mèo đã lẩn vào trong một cái hố ngay sau khi bị con chó đớp vào chân, có vẻ như nguy hại đến tính mạng. Con chó sủa vang ngay gần một người nông dân. Và người này nhặt một hòn đá sắc, ném thẳng vào mắt con chó. Máu chảy đầm đìa, con chó hú lên trong đau đớn. Sau đó người đàn ông quay đi, đang đi thì ông ta trượt ngã bên vỉa đường và bị vỡ đầu.Tất cả sự việc xảy ra trước mắt ta. Sau đó ta bỗng nhận ra một điều: Cái ác lại nảy sinh ra cái ác. Ta đã nghĩ kĩ về điều đó và sẵn sàng từ bỏ cuộc sống của riêng ta để đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho thần dân. Ta muốn rũ bỏ cái ác và ta không muốn nó lại ngự trị trong ta nữa”.
Cười khẩy bước đi, tên cố vấn bất nhân nghĩ đây đúng là thời điểm tuyệt vời để đoạt ngôi vàng, vì vua Raja Shankara đã trở nên tốt bụng hơn, kiên nhẫn hơn và đang cố gắng tránh chiến tranh trên đất nước.
Đang nghĩ về kế hoạch lật đổ, hắn bước trượt 1 bậc thang và lăn xuống hết cầu thang, kết thúc bằng một cú va đập mạnh. Hắn tru tréo lên đau đớn khi nhận ra rằng đã gãy cả 2 chân. Quả đúng là cái ác lại sinh ra cái ác, gieo gió ắt sẽ gặt bão thôi. 
Minh Anh sưu tầm

Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Cái bẫy chuột


Cái bẫy chuột

Chú chuột nhìn qua lỗ hổng của bức vách, thấy người nông dân và vợ ông ta đang mở một cái hộp. Chú chuột phân vân “không biết trong hộp đó có đồ ăn gì nhỉ?”. Nhưng rồi chú đã bị thất vọng hoàn toàn khi khám phá ra đó là một cái bẫy!
Lầm lũi đi ra sân trại, chú chuột buồn rầu than khóc: “Có một cái bẫy chuột trong nhà! Có một cái bẫy chuột trong nhà!”
Chị gà mái vẫn nhởn nhơ nhặt thóc, cục tác, ngẩng đầu lên và nói: “Chú chuột bé con, tôi biết rằng đây quả là một mối lo ngại nghiêm trọng cho chú đấy, nhưng nó không có liên quan gì tới tôi cả. Tôi không thấy phải bận tâm vì việc đó”.
Chú chuột rầu rĩ quay sang than khóc với bác lợn: “Bác lợn ơi, có một cái bẫy chuột trong nhà. Cháu lo lắm”. Bác lợn tỏ ý cảm thông nhưng cũng chỉ biết nói: “Bác rất lấy làm tiếc cháu yêu ạ, nhưng bác cũng chỉ biết cầu nguyện thôi. Bác sẽ cầu nguyện cho cháu hàng đêm”.
Chú chuột lại chạy tới chỗ cô bò và than: “Có một cái bẫy chuột trong nhà. Có một cái bẫy chuột trong nhà cô bò ạ”. Cô bò hạ giọng nói: “Ôi cháu chuột bé bỏng, cháu thật đáng thương, nhưng cô cũng không biết làm gì hơn”.
Vậy là chú chuột đáng thương lững thững trở về nhà, chán nản và thất vọng, nhìn chiếc bẫy chuột của người nông dân.
Vào đêm hôm đó, bỗng đâu từ trong ngôi nhà phát ra một âm thanh rất lạ, như thể có con mồi nào đó đã bị sập bẫy chuột. Người vợ vội vàng chạy ra xem con vật đang bị mắc kẹt trong cái bẫy. Trong bóng tối, bà không nhìn thấy một con rắn độc đang bị kẹt đuôi trong bẫy. Con rắn đã cắn người vợ. Sau đó người chồng vội vã đưa bà tới bệnh viện, bà trở về nhà với cơn sốt miên man.
Ai cũng biết rằng người ốm sốt thì cần ăn súp gà nóng, vậy là người nông dân không ngần ngại làm thịt chị gà mái để nấu súp cho vợ.
Nhưng người vợ vẫn ốm, bệnh tình dường như nặng thêm, vậy là bạn bè và láng giếng kéo đến thăm bà suốt ngày. Để tỏ lòng cám ơn và thiết đãi họ, người chồng đã giết bác lợn.
Nhưng người vợ vẫn không khỏe hơn, và cuối cùng bà đã chết. Mọi người kéo tới dự đám tang bà và người chồng chỉ còn duy nhất cô bò để thiết đãi bạn bè, láng giềng trong ngày tang lễ. Người nông dân quyết định mổ nốt cô bò.
Chú chuột nhìn qua khe hở của bức vách với nỗi buồn vô hạn.
Vậy thì lần tới khi bạn nghe ai đó tâm sự, chia sẻ với bạn rằng họ đang gặp rắc rối và nghĩ rằng chuyện đó không có liên quan gì tới bạn cả, hãy nhớ rằng: Khi một trong số chúng ta bị đe dọa, thì có nghĩa là tất cả chúng ta đều có thể gặp rủi ro.
Tất cả chúng ta đều có liên quan tới cuộc hành trình này - cuộc hành trình của cuộc đời. Chúng ta cần phải luôn quan tâm tới người khác và luôn cố gắng giúp đỡ, khích lệ mọi người xung quanh mình.
Mai Hương
Theo Revealingthesilence

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Luận về chữ "khổ"


LUẬN VỀ CHỮ “KHỔ”
VĂN PHÒNG PHỔ THÔNG GIÁO LÝ (Sài Gòn)
Tuất thời 14 tháng 5 Đinh Mùi (21-6-1967)

AN HÒA THÁNH NỮ, Tệ Nữ xin chào mừng chư Thiên mạng, chào chư đạo tâm, chư chức việc Cơ Quan Phổ Thông Giáo-Lý, chư liệt vị thân hào cố hữu viễn cận hương lân cùng nội ngoại tôn thân.
Hôm nay, Tệ Nữ không dám vì sự gia tư tử tôn mà làm bận lòng chư Bộ Phận Hiệp Thiên Đài và chư quí liệt vị, mà chỉ vì có bổn phận cần phải lập công bồi đức để góp phần vào Tam Kỳ Phổ Độ là thời kỳ đại ân xá. Do đó, Tệ Nữ xin bù đắp lại tấm lòng chơn tình của quí liệt vị nên Tệ Nữ nêu ra đây một đề tài mà Tệ Nữ đã học hỏi được và cho đó là con đường giải khổ cho tất cả mọi người và mọi giới ở thế gian còn mang nhục thể trong lớp bụi hồng.
Chư quí liệt vị ôi! ai cũng biết và cũng than thế gian là biển khổ nhưng chưa tìm hiểu tận gốc rễ của sự khổ để đào sâu bứng gốc rễ đó gọi là giải khổ, mà người đời chỉ than suông rồi thôi, để cho mặc định luật, mặc thời vận đẩy đưa. Mọi hoạt động trong buổi đời, muốn làm thì làm, muốn ăn chơi thì ăn chơi, làm tất cả những gì mà tâm trí của mình tự cho là phải, là thích, là thỏa mãn mọi tánh tò mò, chớ không tìm coi sự làm đó sẽ gây ra cái nhân gì và sẽ đem lại kết quả gì.
Thử nghĩ lại mà xem: một đứa trẻ thơ vừa mới chào đời thì đã mở miệng than hai tiếng “khổ a”. Sự than đó có phải chăng than vì điểm linh quang từ cõi thượng giới toàn tri toàn năng nay lại phải mang một mảnh hình hài ô trược, để rồi lăn vùi theo mọi ngoại cảnh trong cõi sắc giới này rồi không ngày trở lại, hay là than thở vì điểm linh quang sẽ phải ảnh hưởng nơi nhục thể, bị bức màn vô minh rồi không sử dụng đúng mức độ của bộ máy tối linh đó cho hạp với Đạo lý.
Người thế gian thường than khổ khi gặp một việc gì bất trắc nan giải. Những tưởng sự khổ nảy sanh trong mọi cảnh, nhưng nào hay đâu sự khổ ấy đã có nguyên thủy từ buổi sơ sanh và cũng nên hiểu rằng: nếu thế gian là bể khổ thì Tạo Hóa đã sanh vạn linh đến đây để làm chi rồi phải chịu đọa đày trong cảnh khổ.
Tạo Hóa đã sanh vạn linh đến cõi hồng trần là đã tạo hóa mọi thủy tú sơn kỳ, quả hoa châu ngọc, và mọi tiện nghi tối thiểu và cần thiết để dinh dưỡng bảo tồn cho vạn linh ấy. Nhưng than ôi! Người sanh trong cõi sắc giới này, vì quá nặng thương cái ta nên đã bị bức màn vô minh buông xuống rồi không nhìn thấy đâu là thiên lý lưu hành.
Nhớ lại mà xem: Sĩ Đạt Ta trước kia nào phải thiếu chi về vật chất của một vị Hoàng Tử ở chốn ngai vàng điện ngọc, gác phụng lầu son. Nếu xét về mặt hữu hình vật chất, thì người ấy không còn thiếu chi nữa mà gọi rằng khổ. Nhưng nhờ nơi người là một điểm nguyên căn tá trần, được sớm giác ngộ, liền bỏ chốn ngai vàng điện ngọc để tìm nguyên nhân cội rễ của sự khổ hầu tìm phương giải khổ cho nhân loại.
Nếu người tọa hưởng nơi chốn ngai vàng, chưa chắc gì đã ngộ được giáo lý, và cũng chưa chắc gì đem lời Đạo lý gây được niềm tin cho nhân loại.
Triết lý Phật Giáo cho rằng chúng sanh đang ở trong tứ khổ, đó là: sanh, lão, bịnh, tử. Nhân thế thường hiểu đại khái về bốn khổ đó nhưng chưa đào sâu để tìm thấy mỗi khía cạnh trong mỗi cái khổ. Do đó, từ xưa đã lắm người tu đã tìm thấy nguyên nhân sự khổ, đã biết cách giải khổ, nhưng rồi sự  khổ vẫn huờn khổ, nào có mấy ai tự hào rằng mình đã được vẹn toàn thụ hưởng hạnh phúc trần gian ngoài vòng tứ khổ.
Người đời ở trong một hoàn cảnh nào, một khi còn chú trọng về bản ngã, là cái ta, thì không bao giờ được sung sướng. Gần người mình ghét cũng khổ, xa người mình thương cũng khổ, thiếu thốn tiện nghi cũng khổ, dư dả xài không đúng chỗ gây điều tội ác cũng khổ.
Trong tình giao hữu, gặp người nói quấy, nếu dùng lời minh chánh ắt phải phật lòng cũng khổ, bằng nể tình người, nói bọc xuôi theo, nhưng tâm mình nhận xét là sai, cũng khổ.
Trong một đoàn thể, khi luật pháp qui điều đã định, trong lúc đó có một số nhơn viên thừa hành công vụ đi ngoài luật pháp qui điều, một người có quyền hành điều khiển đoàn thể đó, nếu thẳng thắn vì luật pháp qui điều, ắt phải phật lòng bạn rồi mất bạn, mất người phục vụ đoàn thể, cũng khổ. Nếu vì tình để được người cộng sự thì va chạm luật pháp qui điều, cũng khổ.
Trong hai tâm hồn của hai lớp người, một lớp người vì mưu sinh trong bất chính, khi thực hành một việc gì, tự đào sâu trong tâm não, tìm mọi bí quyết để thành công, nhưng chưa tìm ra lối thoát, cũng khổ. Một lớp người kia đang tìm mọi cách để đem lại hạnh phúc cho người đời, nhưng tìm chưa ra hoặc tìm ra mà hoàn cảnh không cho phép để thực hiện ý chí, cũng là khổ.
Thử so sánh lại hai lãnh vực hoạt động của hai lớp người, một lớp phục vụ loại người theo đường lối thanh cao nhơn nghĩa và đạo lý, một lớp chỉ phục vụ cho ích kỷ, cho cá nhơn, cho gia đình trong phương tiện tội lỗi trái đạo lý, cả hai cũng đều là khổ.
Hỡi những ai còn sanh trong vòng thế tục hãy xem mình là hột bụi cỏn con trong sa mạc và một giọt nước li ti trong khe suối, một cánh nhạn tung bay giữa trời nước bao la, một cây thông đứng giữa trời, dang những cành trơ trọi hứng lấy mọi sự biến chuyển của Xuân Hạ Thu Đông, để lòng mình được thênh thang rười rượi mát mẻ theo nhịp thiên nhiên.
Người đời thường nghĩ rằng vào Đạo tìm lý tu thân để giải khổ hầu thành Thần Thánh Tiên Phật, về hưởng thú tiêu dao nơi miền Thiên Đường Cực Lạc hay Bồng Lai Tiên Cảnh. Nếu đã có ý nghĩ đó là đã gây ra một cái nhân trong bánh xe luân để chờ ngày kết quả là luân hồi chuyển kiếp. Vì còn mang nhục thể, hễ làm một việc gì, tuy chưa làm thì đã nghĩ ngay đến cái lợi sắp đem lại cho mình, mặc dầu cái lợi đó trong hoạt động thiện từ, nghĩa nhân và Đạo lý.
Nếu nói về hạnh thường nhơn, tam phẩm chí nhơn, thì những ý nghĩ đó rất là tốt đẹp, vì chỗ tư lợi đó là bước đầu để dẫn người đời có tánh tham lam đi lần lần vào nẻo thiện. Còn khi muốn giải thoát mọi oan khiên nghiệp chướng ở chốn hồng trần, thì không nên nghĩ đến những gì có lợi cho mình, mặc dầu cái lợi đó hợp lý hợp tình và hợp đạo đức. Khi làm, chỉ làm vì ý thích việc từ thiện nhân ái, vì đạo lý, vì thích hợp với lẽ Trời mà làm, đừng mong vọng, đừng tư tâm những gì sẽ đưa đến. Chỉ một chút đó thôi, được giải khổ hay không cũng một nơi đó. Bởi vì hễ mong muốn là còn dục vọng, còn dục vọng là đã gieo nhân trong bánh xe luân, mà hễ luân hồi lên xuống nhiều đời nhiều kiếp không sao tránh khỏi những nghiệp duyên mới trong những kiếp lai sanh. Càng luân hồi là càng gây thêm sự khổ.
Tệ Nữ trước kia kể ra thì sự tu hành công quả chưa có bao. Ngày nay được đắc vị vào hành Thánh Nữ là nhờ những đặc điểm sau đây:
1) Những ngày tàn tạ của chuỗi đời, Tệ Nữ đã trọn thành trọn kỉnh, nhìn nhận rằng trên không đã có bộ máy huyền linh do Trời cai quản sắp xếp mọi điều.
2) Trọn lòng tin tưởng trong việc thiện từ nhơn nghĩa, khuyến khích tử tôn noi theo đàng đạo lý đừng để dở dang, và cũng chính tự mình ráng làm những gì có thể được.
3) Đến giờ phút cuối cùng sắp cổi bỏ nhục thể, bao nhiêu ăn năn hối hận những gì trong chuỗi đời đã tạo gây, và xin nguyện nếu được về cõi Tiên Thiên, nguyện sẽ cùng các Đấng tùy duyên hóa độ người đời theo đường Đạo lý để thuận lòng người và hạp lòng Trời.
4) Nhờ công quả và đại nguyện của các con phục vụ Đạo Trời với tất cả tấm lòng thành và mọi sở hữu.
Nhờ bốn yếu tố đó nên ngày nay Tệ Nữ được thoát ngoài bánh xe luân hồi chuyển kiếp, không bỏ một dịp nào có thể khuyên nhủ cùng tỉnh thức người đời.
Tệ Nữ nhớ lại hồi buổi sinh thời, tuy trong phạm vi nhi nữ thường tình, Tệ Nữ đã có những tư tưởng về đạo lý, nghĩ ra thiệt rất buồn cười, nhưng lúc đó nào có biết chi, tưởng vậy là hay là đúng. Tệ Nữ tưởng rằng cứ việc lo làm cho ra tiền bạc thật nhiều, đem cúng Phật cúng Trời để cầu xin Trời Phật phù hộ những gì mình mong đợi, ví như gia quyến được bình an, con cháu làm quan, buôn bán lời to, mua vé số được trúng thêm nữa, v.v...
Nhưng đến giờ phút này, thấy lại những điều đó hoàn toàn là những mong vọng đổi chác trong tinh thần thương mãi. Trời nào chứng kiến và chìu mình đâu. Cũng may lúc bấy giờ, những phương tiện làm ra tiền không đụng chạm đến lỗi niềm đạo lý. Thật ra thì có câu: Thiên sanh nhơn hà nhơn vô lộc, địa sanh thảo hà thảo vô căn”.
Khi Trời đất đã ban cho mình có lộc, đừng nên hưởng hết, cũng như được trái ngon đừng nên ăn hết, hãy chừa một số nào đó đem đi ươm để gây giống khác.
Tâm địa một người lập vườn cũng thế, nhưng khác nhau trong hai tư tưởng. Có người lập vườn với bộ óc kinh doanh, sản xuất thật nhiều để đem lại nguồn lợi cho chính mình cũng như con cháu sau này. Có người lập vườn khác cũng có tư tưởng như vậy, nhưng đã thêm một tư tưởng mới. Đó là vì yêu thương nghề, vì thích thú nhìn xem sự nẩy mầm đâm tược cùng sự phát triển của các tầng lớp thảo mộc hoa quả dưới ánh Thái dương.
Mỗi một đêm, sáng ra người chủ vườn đi xem từng chi tiết một trong sự nẩy nở từng loại thảo mộc, rồi thiết tha thán phục máy nhiệm mầu của Tạo Hóa. Hơn nữa, sự lập vườn ngoài mục đích yêu nghề cùng thủ lợi, lại còn nghĩ đến sự sản xuất với vô tư, miễn được sản xuất cho nhiều, nếu không may gia quyến không được hưởng thì cũng có người khác hưởng. Đó là một tâm hồn mới.
Kìa có Thiên Sứ nơi cung Thái Ất và cũng hết giờ cần phải trở về chầu lịnh. Tệ Nữ xin chào chung chư quí liệt vị, Tệ Nữ xin kiếu từ, thăng.
Nguồn: tamgiaodongnguyen.com

Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2011

Nguồn động viên


Nguồn động viên

Một số những câu chuyện về sự thành công vĩ đại nhất trong lịch sử đều xuất phát từ một lời động viên và sự tin tưởng của người yêu hay một người bạn đáng tin cậy.
Nếu không nhờ người vợ có niềm tin mạnh mẽ như Sophia, chúng ta hẳn đã không tìm được cái tên Nathaniel Hawthorne giữa những tên tuổi vĩ đại của nền văn học Mỹ.
Khi Nathaniel đau khổ trở về nhà và nói với vợ rằng ông vừa bị mất việc làm, thái độ vui mừng của bà đã khiến ông ngạc nhiên:
“Bây giờ anh đã có thời gian để viết sách rồi!” bà vui mừng nói.
“Anh biết!” ông đáp không mấy tự tin.   “Nhưng chúng ta sẽ sống bằng gì trong thời gian anh ngồi viết?"
Trước sự ngạc nhiên của chồng, Sophia mở ngăn kéo và lấy ra một số tiền đáng kể.
“Em lấy số tiền đó ở đâu vậy?” - ông kêu lên.
“Em vẫn luôn biết rằng anh là một thiên tài” - bà bảo. “Em biết rằng một ngày nào đó anh sẽ viết nên một kiệt tác. Vì vậy, mỗi tuần em đã giữ lại một ít trong số tiền chợ anh đưa cho em. Chỗ này đủ cho chúng ta sống được một năm.”
Với sự tin tưởng và kỳ vọng của vợ, một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất của văn học Mỹ đã ra đời, tiểu thuyết: "Chữ A màu đỏ".
- Nido Qubein
Chẳng mất nhiều công sức mới làm cho người khác hạnh phúc.
Chỉ là một cử chỉ nếu bạn biết cách, chỉ là một lời nói đúng lúc... một sự điều chỉnh nho nhỏ cho một cái chốt, cái vít hay một con ốc trong cỗ máy tâm hồn tinh xảo của bạn.
- Frank Crane