Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2011

Mùa Xuân suy gẫm


Mùa Xuân suy gẫm

 Đức Trần Hưng Đạo dạy:
"Cứ mỗi độ xuân về cỏ cây đã cởi bỏ lớp lá vàng rơi rụng mang lên một màu tươi nhuận thắm xanh. Cỏ cây hoa lá tuy là vật vô tri vô giác, nhưng với tiềm năng linh ứng Tạo hóa đã ban, cũng chuyển mình trong tiềm thức đón lấy tiết xuân sang để hòa đồng cùng vạn vật". [1]
Đối với con người cũng thế, ai cũng rộn rực, nô nức, mong được cùng xuân sống trong hạnh phúc. Sở dĩ thiên hạ ai nấy cũng khao khát chờ đón xuân là bởi xuân là một ngày vui nhứt của khắp trên địa cầu, là đầu của một năm, là sự sống của muôn loài vạn vật; nó cũng còn là dịp để thiên hạ nô nức sắm sanh, vui chơi, thù tạc tiệc tùng, vãng lai thăm viếng, trao tặng quà xuân, gởi lời chúc tụng cùng nhiều cảnh vui trào lộng. Nhưng đó là xuân cảnh của đời thường, vui chốc lát trong mấy ngày xuân để rồi sau đó buồn khổ lại trùm lên khi lòng trĩu nặng phiền não trong vòng sanh, lão, bệnh, tử.
Bên cạnh mùa xuân đời thường ngày xuân ngày tết còn có ý nghĩa mà mấy ai hiểu được như lời dạy của Đức Bát Nhã Thiền Sư dưới đây:
"Xuân là nguyên khí phát dương, tài bồi cho vạn vật, cơ động thúc đẩy muôn loài vươn lên đứng dậy mạnh mẻ, sáng suốt hành động như xuân. Cái nguyên lý tự thể hiện ra bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, sanh rồi trưởng, trưởng rồi thâu, thâu rồi tàng, thì mùa nào cũng có một công dụng. Khi khí dương trương ra thì vạn vật theo đó mà hoạt dụng tinh ba tài trí của mình để tô điểm vũ trụ nước non thêm hương hoa màu sắc; mới là trịển khai hết tâm trí của tự mình để giúp vào công việc của Tạo hóa, làm cho cảnh thêm đẹp người thêm vui, tình thêm đậm, sự sống dồi dào. Còn kẻ đạo tâm thì đem sự hiểu biết của mình mà dựng đời dạy đạo. Đó là xuân sanh, xuân trưởng để phô bày lợi ích cho nhơn quần.
…Vui xuân là bày tỏ được cái chí của mình.
Còn Tết là để nhớ ơn Trời che đất chở, thầy dạy, cha sanh, ơn đền nghĩa trả; Tết đâu phải để chơi đùa." [2]
Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy:
"Xuân là gì? Phải chăng khối thiên linh tự tánh mà Thầy đã ban cho mỗi con để sống đủ quyền tự do, đủ sức thắng mọi hoàn cảnh, để trở nên chúa tể muôn loài nhưng vì dục vọng phủ mờ, tâm hồn bị tối tăm nên lúc nào cũng thấy như rơi vào cảnh bất toàn, thiếu thốn. Xuân là Tâm, là Đạo. Tâm, Đạo mất đi thì đời sống con người đầy dẫy khổ đau, luôn luôn khủng khiếp trước sự hoành hành của con ma dục vọng, quyền sống bị chúng tước đoạt, suốt tháng quanh năm mờ mịt trong vòng tội lỗi.
Các con dầu ở địa vị nào cũng thấy cô đơn buồn khổ.
…  Nếu các con không khử chế được lòng phàm thì dầu xuân đến cũng khó được vui tươi, khó trông bù được những gì thiếu mất". [3]
Thế còn xuân khí thì sao? Khí dương tăng tiến từ nhứt dương ở Đông chí đến tam dương là mùa xuân.
"Xuân đây là khí dương đã chủ động dương tiến lên làm chủ quần âm. Xuân là tượng thái bình. Xuân là quẻ Địa Thiên Thái. Khí dương giáng xuống nuôi nâng muôn loài. Khí âm thăng lên muôn loài hướng về lẽ thực. Nếu huyền khí không huân lên thì hạo nhiên không giáng xuống, lẽ có cảm có ứng có sự huyền đồng, chánh khí đã đầy dẫy thì tà khí phải lui. Thánh tâm có hiện ra thì vọng tình mới tự diệt.
Xuân là khi lòng người hướng mạnh theo lẽ phải điều lành, thì đời tự hiện thanh bình, xã hội hòa thân, biết trọng lễ nghi đạo đức". [4]
"Mùa xuân đến với mỗi người, nhưng chỉ có giới tu hành cảm nhận được lẽ đương nhiên của đất trời mới trọn hưởng mùa xuân tươi thắm thái hòa. Khi nào nội tâm được ổn định, tình thương man mác bao la nghĩ đến ích nhơn lợi vật, lòng được hiệp hòa tha thứ tất cả mọi người có lỗi cùng ta. Lòng  được khoan dung thơi thới, dầu ngoại cảnh có sôi trào có nóng bỏng, có loạn ly; nội tâm vẫn như như thái hòa, hạnh hưởng trọn mùa xuân…"  [5]
"Thiên hạ quí xuân ở chỗ hiện bày, không thấy gốc xuân ở lúc còn manh nha là Phục. Có Phục mới có xuân. Phục là ẩn. Xuân là hiện. Các con muốn cho đời thịnh vượng, cho thiên hạ hạnh phúc tự do, thì các con phải học, phải hành. Học theo đạo Phục, hành theo đạo Thái. Bao nhiêu thành công để cho thiên hạ, các con phải là người chiến sĩ vô danh". [6]
Học theo đạo Phục, hành theo đạo Thái là điều mà mỗi ai trong hàng thiên ân sứ mạng luôn canh cánh bên lòng  trong việc học đạo, giữ  đạo, hành đạo trong tinh thần Tam Giáo đồng nguyên, Vạn Giáo Nhứt Lý. Chúng ta cùng đọc lại lời nhắc nhở của Đức Bát Nhã Thiền Sư sau đây:
"Mùa xuân cũng là mùa những chồi non nẩy mầm nẩy tược, để rồi sẽ trưởng thành theo lớp cây lớn cây to. Theo đức Nguyên ấy, chư đạo hữu cũng nên vun quén những mầm non tược tốt đang lên trong khu vườn Minh Lý và cũng là khu vườn tốt tươi trong Tam Kỳ Phổ Độ…
Đối với Thượng Đế, tất cả là một khu vườn Đại Đạo, mỗi phạm vi mỗi lãnh vực có một số người đảm trách; đó là những người giữ vườn thế thôi. Mỗi khu vườn nào cũng phải ý thức gieo giống, hoạn dưỡng chăm sóc mầm non để sau nầy những lớp cây già tàn tạ, khu vườn không đến nổi xơ xác cộc còi, toàn cây chiết cây tháp.’’ [7]
Chúng ta hãy vui vẻ hưởng xuân và suy gẫm lời dạy của Ơn Trên.
Bắt đầu năm mới chúng ta cùng gieo hạt an bình, tha thứ, thương yêu để tiếp hạ sang thu đến đông rồi lại xuân. Trong cuộc đời vô thường vẫn đẹp nét chơn thường.
Xuân dương khai thái hội thanh bình,
Xuân thể Kiền: Nguyên - Hanh - Lợi - Trinh.
Xuân của tinh thần chơn bất tử,
Xuân trong đạo pháp vĩnh trường sinh.
Xuân tâm lẽ sống trang quân tử,
Xuân cảnh trò vui kẻ thế tình.
Xuân khí hòa đồng thừa sứ mạng,
Xuân vầy nội bộ đẹp cao minh." [8]

-------------------------------------------------------------
[1] Thánh Ngôn của Đức Trần Hưng Đạo năm 1970
[2] Thánh Ngôn của Đức Bác Nhã Thiền Sư
[3] Thánh Ngôn của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế năm 1973
[4] Thánh Ngôn của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế năm 1973
[5] Thánh Ngôn của Đức Bác Nhã Thiền Sư
[6] Thánh Ngôn của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế năm 1973
[7] Thánh Ngôn của Đức Bác Nhã Thiền Sư
[8] Thánh Ngôn của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế năm 1973
Huyền Như Như Tịnh
14 tháng 2 năm 2008
Nguồn: Group Hoc Tu

Thứ Tư, 26 tháng 1, 2011

Lễ Chung Niên Sám Hối - 23 tháng Chạp hàng năm


 

LỄ CHUNG NIÊN SÁM HỐI

I.    NGHĨA:
CHUNG: trọn, cuối. NIÊN: năm. SÁM: ăn năn tội lỗi. HỐI: Hối hận, sửa đổi.
Sám hối gồm có 2 ý chính:
1. Tự xét lại việc làm đã qua nhận thấy có tội lỗi, sai lầm, thiếu sót thì ăn năn lỗi cũ, đó là đối với quá khứ.
2. Từ đó, quyết tâm sửa đổi chừa bỏ không tái phạm về sau nữa, đó là nhìn về tương lai.
II. Ý NGHĨA CHUNG NIÊN SÁM HỐI:
Ăn năn hối cải tội lỗi của mình vào dịp cuối năm. Chung niên sám hối cũng là một thường lệ được thi hành trong Phật giáo, hay Thiên Chúa giáo (gọi là Confession Annuelle). Sở dĩ định vào ngày 23 tháng Chạp hằng năm là dựa theo truyền thống dân tộc, dùng ngày đó có tính chất như ngày hoàn tất mọi việc sinh hoạt của một năm cũ (cọng sổ, khoá sổ cuối năm) để chuẩn bị bước qua năm mới. Và cũng là một nghi thức tự giác, tự nhìn nhận những sai trái tội lỗi chính mình, tự suy xét về lời nói, việc làm và ý nghĩ, để ăn năn quyết tâm chừa bỏ thói hư tật xấu, khắc kỷ, phục thiện, để làm kim chỉ nam tiến thân trên đường tu đức lập hạnh.     
III. TẦM QUAN TRỌNG CỦA SÁM HỐI ĐỐI VỚI NGƯỜI TU:
Ở phạm vi Ðời, chúng ta thường nghe các từ như: xin lỗi, thú tội, kiểm điểm, phê bình...  Trong nếp Sống Ðạo, chúng ta dùng từ Sám Hối vừa chỉ tính cách chân thành tự giác nhận ra sai lầm tội lỗi để ăn năn chừa bỏ vừa hàm ý giải trừ nghiệp chướng thuộc nhiều kiếp trước. Mỗi tín hữu Cao Ðài muốn tu lập hạnh, muốn hướng thiện qua nghi thức Sám hối, cốt yếu phải lấy sự chân thật làm gốc, đừng chạy theo số lượng và hình thức bên ngoài, hãy ghi nhớ nơi quy điều, giới luật của người tín hữu Cao Ðài làm chuẩn thằng, chúng ta nương theo để tu hành nơi Kinh, luật, luận, Thánh giáo mà tìm về để thắp sáng tâm hồn, làm sống lại linh năng hồi hướng nơi mỗi chúng ta.
Lễ Chung Niên Sám Hối rất quan trọng ở chỗ: Những sự chuẩn bị của chúng ta về mặt tâm thức, tình cảm và khối lòng chân tín tuyệt đối.  Nên quan niệm rằng: không chỉ nhằm đạt kết quả rồi chấm dứt vào ngày 23 tháng Chạp nầy, mà phải luôn luôn nuôi dưỡng và phát huy tinh thần tự giác, tự tu, tự kiểm từng sát na, để nhìn lại hiện tại, quá khứ, vị lai về đời tu của mình.
Thật vậy, người tu hành muốn giải nghiệp , tức là xoá bỏ bao nhiêu oan trái ràng buộc mà chúng ta đã tạo nên trong quá khứ dài lâu là bước rất quan trọng.               
Trong Kinh Giải Oan dạy:
“Từ vô thủy bắt đầu tập nghiệp.
Nghiệp tập rồi phải kiếp trầm luân.”
Nghiệp cũ tích tụ từ nhiều kiếp trước, trong nghiệp kiếp nầy chúng ta không lo tu tĩnh, sám hối chừa bỏ còn tạo nghiệp mới nữa.
Theo Bài  kinh Mai nhắc nhỡ chúng ta:
“Điều tập nghiệp kết oan nhớ giải.
Việc lỗi lầm hối cải xin thôi;
Chí tâm hôm sớm trau dồi;
Lập thân hành đạo đền bồi nợ xưa.”
Bài Kinh Hôm nhắc nhở:
“Ngày xưa những việc thị phi.
Nay con dứt sạch dầu chi mựa hềm.”
Người có tâm hướng thiện, người chưa có chút ý niệm gì về tu cầu hoàn thiện nói chung, tất nhiên không nghĩ gì về Sám Hối. Ðối với người biết tu, quyết chí tinh tấn hoàn thiện, thì dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, việc sám hối là việc hằng ngày, phải làm suốt cả cuộc đời người tu. Theo lời khen ngợi Kinh Sám Hối: “Ngày ngày tập sửa tánh thành, Ðêm đêm quyết chí tu hành ăn năn.”
Ngày xưa bậc Thánh như Tăng Tử  còn nói: Nhất nhật tam tĩnh ngô thân, Nghĩa là: Mỗi ngày thường tự xét mình một lần, huống gì con người phàm tục như chúng ta!  Vì thế, mỗi người tín hữu chúng ta mới có truyền thống nầy để đánh giá sự tiến bộ tu học từng năm một, nên gọi là Chung Niên Sám Hối.  Mỗi chúng ta tự xét hỏi: Tại sao Tôn giáo đạo đức lại lấy việc Sám Hối làm quan trọng? Bỡi vì, con người là chủ mọi hành động của mình, thiện ác, tội phước thảy do nơi mình tạo ra. Ðức Phật nói: Lẽ Nhân quả nghiệp báo; Ðức Lão Tử nói: Hoạ phúc vô môn, duy nhơn tự triêu. (họa phước không đến mà tự mình vời nó đến); Ðức Khổng Tử nói Hoạch tội ư thiên, vô sở đảo giả (làm mắc tội với Trời, cầu khẩn cũng không được). Hay nói: Chủng qua đắc qua chủng đậu đắc đậu (trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, hoặc: tích ác phùng ác, tích thiện phùng thiện (chứa chất điều ác thì gặp ác, chứa chất điều thiện thì gặp thiện). Thánh Kinh cũng nói: Mọi việc thiện ác của anh làm là làm cho chính anh vậy. Như thế, tất thảy các Tôn giáo đều cùng nhìn nhận con người là chủ động mọi việc thiện ác, phước đức tội lỗi. Vận mạng con người chính do nơi con người xây đắp lấy, cho nên ăn năn hối cải với lương tâm của mình, chứ không Ðấng nào sửa đổi tánh tình hành động cho mình được, chính tự mình phải nhận lấy trách nhiệm sửa đổi tánh tình mình cũng như đem lại Hạnh phúc cho mình vậy. 
III.             Ý NGHĨA ĐẶC BIỆT CỦA LỄ CHUNG NIÊN SÁM HỐI: 
Trong tình tự sám hối, mỗi tín hữu cũng nên dành chỗ cho những suy nghĩ về Họ Ðạo. Chúng ta nên suy tư về Họ Ðạo nơi Ông Bà Cha Mẹ Anh Chị em, nơi đã từng làm lễ Tắm Thánh, Thành Nhân, với những ngày xa xưa khi mới lớn lên và tập tu, chúng ta suy nghĩ về hướng tu hành tinh tấn, tăng huy đạo hạnh, đã có những  dấu hiệu gì xứng đáng để cảm thấy bình an hoan hỷ chưa? Và chúng ta có thể cảm nhận ra những dấu hiệu hoặc trạng thái, ý thức  yếu kém về đường công hạnh tu tập trong nếp Sống Ðạo hằng ngày trong việc hộ trì Chánh pháp và trưởng dưỡng tình anh chị em đồng đạo không? Phải tự tu, tự kiểm, và kiểm chứng mới thấu đạt ý nghĩa  đặc biệt lễ Chung niên Sám Hối.
Mỗi tín hữu hãy tự hỏi tại sao dâng lễ Chung Niên Sám Hối, lại phải cầu xin Ơn Trên tha thứ xá giảm tội tình mình? Và có chắc hẳn sám hối sẽ được dứt sạch tội lỗi trong năm cũ không?  Chính chúng ta  phải tự nghĩ sửa đổi tâm tình, cải ác tùng thiện, nói dễ chứ khó khăn lắm, vì thói quen tật xấu đã nhiễm vào tâm thức lâu ngày thành tự nhiên, thành cố tật! Ðức Khổng Tử nói :Thiếu thành nhược thiên tánh, tập quán như tụ nhiên  (tập thành từ lúc nhỏ, cũng như thiên tánh, tập quen cũng thành tự nhiên), cũng như Tây ngạn nói: Thói quen là bản tánh thứ hai của con người. Xem như Thi sĩ Nguyễn Khuyến muốn bỏ tật nghiện rượu mà không sao bỏ được, có bài thơ rằng:
“Những lúc say sưa cũng muốn chừa,
Muốn chừa nhưng tánh lại hay ưa;
Hay ưa, nên nỗi không chừa được,
Chừa được, nhưng mà - cũng chẳng chừa!”
Ngược lại, trường hợp đặc biệt của Cụ Cố Ðạo Trưởng Hiệp Lý Lê Trí Hiển, mặc dù tuổi cao sức yếu, mắc tật nghiện thuốc phiện đã tiêm nhiễm hằng mấy mươi năm trong thời Cụ còn làm quan mà đeo đai mãi đến ngày hưu trí. Thế mà, sau khi ngộ Ðạo, Cụ quyết tâm bỏ nghiện để giữ gìn quy giới tinh nghiêm, lắm lúc bị cơn nghiện dày vò thể xác đau đớn Cụ phải ngất xỉu!  Ðạo trưởng cố quyết tâm chịu đựng đến khi khắc phục được ma ghiền, thật quả là một nghị lực phi thường! Hẵn nhiên do đâu mà được, là nhờ mãnh lực, tha lực phù trì của Thiêng liêng, nhờ đức tin cao cả mà khắc phục được ma chướng buộc ràng.    
Phản ánh các trương hợp trên, chúng ta khẳng định tất cả do Tâm tạo và ý chí nghị lực kiên cường dõng mãnh trên đường tu dưỡng, một đức tin kiên định hướng về Thầy sẽ được Ơn Trên hộ trì  soi dẫn đến minh tâm kiến tánh, cải ác tùng thiện, thành đạt đến Chân, Thiện, Mỹ.
Từ đó, ai nấy trong chúng ta đều cảm thấy vui mừng, gặp nhau đều thấy dễ chịu.  Rời nhà ra đi chúng ta mong sớm trở về, người ở nhà đợi chờ người đi vắng. Hằng năm cứ đến ngày Chung Niên Sám Hối, toàn đạo sẵn sàng dọn mình trong sạch, dâng hết khối chí thành, đốt nén hương lòng đến trước bệ Chí Tôn sấp mình khẩn nguyện qua hết lời bài Kinh Sám hối để suy gẫm câu kinh hầu tắm gội linh hồn, ăn năn tội tình trong năm, quyết sửa đổi chừa bỏ những sai trái lỗi lẫm từ nhỏ nhít đến to lớn đã từng gây ra phiền não buồn chán cho mình và cho mọi người! Thay vào đó, chúng ta đã làm được các điều vui vẻ, tốt đẹp, vừa ý, hớn hở cho nhau như những ngày đầu năm đón mừng Xuân mới.
Hiểu được, và làm được những điều chúng ta đã theo dõi đề tài từ đầu đến cuối, quả quyết do đức tin và nguyện lực của kẻ tu hành, đem lại các điều vui, tạo các việc lành, dần dần nguồn vui được tỏa rộng, hạnh lành phát huy, cảm thấy ra rằng Sám Hối có thể giảm nghiệp tăng phước, không còn tạo thêm nghiệp xấu cho mình và cho tất cả về sau, chắc chắn chúng ta sẽ hưởng được nếp Sống Ðạo: Sống Hạnh Phúc, Chết Bình An.     
IV.         KẾT LUẬN:
Xin mượn lời thơ sau đây kết thúc chuyên đề Chung Niên Sám Hối:  
Cùng về suy nghiệm lời kinh (trọn bài Kinh Sám Hối);
Soi trong nghiệp thức phù sinh kiếp người;
Quanh năm bao cuộc khóc cười;
Bao phen lầm lỗi, bao hồi đảo điên!;
Nỗi trôi giữa cõi ưu phiền;
Nay về Sám Hối Chung Niên bên THẦY;
THẦY ơi! con thiệt thơ ngây
Vướng thân khổ lụy, biết ngày nào ra?;
Thân ơi! có biết chăng là...
U mê bao độ, thăng hoa bao lần;
Bụi nào còn vướng gót chân;
Giũ xong, nhẹ bước phong trần thênh thang!
NHAN NAI

PHỤ LỤC
Nguyên văn bài kinh Sám Hối:

Thứ Hai, 24 tháng 1, 2011

Tặng cho những ai vượt qua thử thách




Tặng cho những ai vượt qua thử thách 


Đừng gọi nó là khó khăn, hãy gọi đó là thử thách. Thử thách sinh ra không phải để nhấn chìm bạn mà là để bạn khám phá ra sức mạnh của mình lớn đến thế nào. Vì khi vượt qua nó, bạn có cơ hội làm nên những điều kỳ diệu.

Một trong những điều thú vị khi tôi đi học là được chơi những trò chơi rất ý nghĩa. Thầy tôi bảo: “Hãy nhìn cách mà một người chơi một trò chơi, vì đó cũng là cách mà họ sống trong cuộc đời”.

Chúng tôi – 8 nhóm đã cùng chơi trò xếp que tính lên một trái banh to bằng quả cam, đặt trên một cái ly. Yêu cầu là làm sao có thể xếp hết 50 que tính lên trái banh đó. Chúng tôi lay hoay trong vòng 5 phút, rồi 10 phút, cứ xếp lên rồi lại rớt xuống liên tục. Mỗi nhóm làm một kiểu, nhóm thì xếp từng que, nhóm thì đan rổ, nhóm thì xây đế hình tam giác…Rốt cục, mỗi nhóm một kết quả nhưng không có nhóm nào có thể đáp ứng được yêu cầu của trò chơi.

Có người làm mãi mà không được, và bắt đầu tin rằng không thể làm được. Họ bỏ cuộc, hoặc làm một khán giả đứng ngoài cuộc chơi.

Có người thì hoang mang, niềm tin giảm sút. Họ vẫn tham gia nhưng không còn nhiệt tình nữa.

Vẫn có những người tin rằng: Chắc chắn là được, chỉ là mình chưa làm đúng cách. Họ cứ tiếp tục vận dụng phương pháp thử và sai.

Cuối cùng, khi tận mắt nhìn thấy thầy tôi xếp hết 50 que tính lên trái banh đó, chúng tôi mới thật sự bị thuyết phục rằng đó là điều có thể làm được. 

Trò chơi nhỏ, nhưng cho chúng tôi nhiều bài học.

Cùng một trò chơi, nhưng mỗi người sẽ chơi khác nhau, ra những kết quả khác nhau. Cuộc sống cũng không khác gì trò chơi ấy. Khi chúng ta bắt tay vào việc gì đó để thực hiện mục tiêu to lớn của mình, chúng ta sẽ đối mặt với rất nhiều thử thách, thậm chí là bị vùi dập, thất bại không biết bao nhiêu lần, sẽ có những người xung quanh tác động đến chúng ta (cả tích cực lẫn tiêu cực), làm lung lay niềm tin trong ta. Điều quan trọng là cách chúng ta nhìn nhận về những thử thách ấy như thế nào, ta sẽ hành động theo thế ấy. Và chúng ta có quyền tự do lựa chọn cho mình những niềm tin ấy, nên đừng chọn những niềm tin nào làm giới hạn sức mạnh của bạn.

Thầy tôi kể, cách đây 1 năm, thầy đã chơi trò ấy lần đầu tiên và làm được. Còn chúng tôi cũng chơi lần đầu tiên, nhưng không ai thắng cả. Vậy có điều gì khác biệt giữa thầy tôi ngày ấy và chúng tôi bây giờ?

Thầy bảo: đó là sự trưởng thành, càng trưởng thành thì chúng ta giải quyết vấn đề càng giỏi hơn.

Tôi nghĩ về mọi chuyện, về những thử thách mà mình đã và đang trải qua, về cách mà mình đã giải quyết chúng. Tôi chợt nghĩ về cách người ta thường xử sự khi gặp vấn đề trong tình yêu. Có người sẽ làm to chuyện, ăn vạ, trách móc người kia…Có người chọn lựa giải pháp im lặng và co cụm, dè dặt yêu thương. Có người cố trốn tránh và đi tìm một điều gì khác để đắp vào. Có người thì can đảm đối mặt với nó, giải quyết và tiếp tục bước đi.

Cách xử sự của mỗi người không phụ thuộc vào độ tuổi của họ, mà tùy thuộc vào sự trưởng thành của họ.

Khi nhìn nhận ra điều đó, tôi bỗng thấy thấu hiểu và cảm thông hơn những người xung quanh và chính bản thân mình. Làm sao có thể trách một đứa bé không biết chạy xe máy? Làm sao có thể trách ai đó xử sự quá trẻ con khi họ chưa bao giờ được học về những cách cư xử như người lớn? Làm sao có thể trách ai đó ích kỷ khi từ nhỏ đến giờ chưa ai yêu thương họ một cách vô điều kiện? Làm sao có thể trách ai đó không hiểu mình khi chính mình cũng chưa hiểu họ? … Đừng vội trách ai đó khi bạn chưa thật sự hiểu họ. Tha thứ cho những lỗi lầm chưa trưởng thành của mình và người khác, tôi lại thêm biết ơn những thử thách đã làm tôi lớn lên. Không có thất bại, mà chỉ có những bài học ta đã học được từ sự việc đó. Càng trải nghiệm, đi qua thử thách, tôi càng thấy mình trở nên mạnh mẽ và sống tuyệt vời hơn.

Tôi có một niềm tin mãnh liệt vào sự thay đổi tích cực, sự trưởng thành của con người. Sự trưởng thành cần thời gian, nên đôi khi cũng phải chờ đợi, chờ cho đến khi họ đã sẵn sàng cho một sự thay đổi giống như chờ một đứa bé đủ lớn để có thể dạy cho nó chạy xe đạp vậy. Và cũng không cần phải so sánh mình với ai khác, chỉ cần so sánh mình với bản thân mình trong quá khứ để xem mình đã lớn lên như thế nào.

Và hãy biết ơn những thử thách ấy.
Cảm ơn những đau khổ.
Cảm ơn những vất vả. mỏi mệt.
Cảm ơn những giọt nước mắt.
Cảm ơn cuộc đời.


P/s: "Không gì là không thể, đứng trước những thử thách của cuộc sống bạn nên bình tĩnh lựa chọn cho mình cách đối phó hiệu quả nhất, chắc chắn bạn sẽ vượt qua nó một cách dễ dàng"
Nguồn: FB Hạt Giống Tâm Hồn