Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Bí quyết nói chuyện trước đám đông


Bí quyết nói chuyện trước đám đông

Phần lớn mọi người xem việc phải nói chuyện trước đám đông là nỗi sợ hãi kinh khủng nhất. Nỗi sợ đó còn hơn cả sợ rắn, sợ đi máy bay, hoặc ngay cả sợ cái chết. Nhưng chúng ta không thể trốn tránh nó mãi. Nhiều người trong chúng ta có thể được mời ra trình bày một báo cáo, phát biểu trong buổi họp phụ huynh học sinh, nói lời chúc mừng trong lễ cưới. Làm sao để bạn có thể vượt qua những thử thách đó. Thật đơn giản chỉ với một chút thời gian luyện tập.
- Quy tắc quan trọng nhất trong việc nói chuyện trước đám đông là bạn phải biết mình nói gì. Điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng thông thường các “diễn giả” không hề có một ý niệm rõ ràng về những gì họ truyền đạt đến người nghe. Bạn cần phải biết chính xác bạn sẽ đưa người nghe đến đâu. Một khi đã biết, hãy liệt kê nó thành 3 hay 4 điểm chính và soạn bài nói của mình tập trung vào những điểm này thôi. Bạn không phải là một cuốn từ điển sống, việc đưa ra quá nhiều thông tin hay không đủ thông tin cũng đều dở như nhau.
- Thực hành, nhưng không cần quá nhiều: Liệt kê ra những gì bạn sẽ nói và tập nói 1 hay 2 lần. Sẽ rất hay nếu như bạn canh thời gian trong khi tập, việc đó sẽ giúp bạn kiểm soát được thời gian nói mà không sợ bị lố. Có thể sẽ có những phút ngẫu hứng tình cờ xảy ra làm bạn bất ngờ và làm khán giả thích thú. Bạn sẽ không còn muốn xuất hiện trước đám đông nếu bạn đã nói về một đề tài cả ngàn lần rồi, bạn sẽ cảm thấy chán và chẳng thèm để ý tới khán giả nữa. Bạn cũng nên lập kế hoạch sẽ mặc những gì. Chú ý rằng đó phải là bộ đồ mà bạn cảm thấy thoải mái khi mặc vào. Và điều quan trọng nhất, đó phải là bộ đồ mà bạn biết sẽ làm mình nổi bật. Quyết định trước việc mình sẽ mặc gì trong ngày diễn thuyết sẽ làm bạn bớt lo lắng hơn.
- Hãy là chính mình! Nhiều người cảm thấy cần phải rập khuôn theo phong cách của ai đó khi nói trước đám đông, đó là vì họ cảm thấy họ không đủ tự tin để lôi cuốn sự chú ý của khán giả. Một số cảm thấy bị “khớp” và nghiêm túc quá mức và quên rằng tính hài hước cũng là một công cụ quan trọng của diễn giả. Đừng nên chỉ tập trung vào vấn đề chính, đôi khi những giai thoại cá nhân hay những mẩu chuyện nhỏ cũng là một cách rất tốt để hòa nhập với khán giả.
- Khán giả là bạn bè! Khán giả luôn ở đó, bởi vì họ quan tâm tới những gì bạn sẽ nói và muốn nghe bạn nói về vấn đề đó. Họ muốn bạn phải làm tốt. Đừng nghĩ khán giả như là một khối người thù địch, hãy xem họ chỉ là một nhóm cá nhân riêng lẻ. Hãy cố gắng nhìn vào một ai đó một lúc. Khi nói chuyện với khán giả, tiếp thu những ý kiến phản hồi của họ để hoàn thành bài nói chuyện của mình.
- Bạn sẽ vượt qua thôi mà! Tôi chưa bao giờ từng nghe thấy có ai chết trên bục diễn thuyết cả. Bạn cũng không bị thở dốc, hụt hơi, quên mất tên mình hay bị nổi nóng. Đấy là những chuyện gây ám ảnh cho bất cứ ai phải đứng trước đám đông. Người ta gọi đó là cơn ác mộng của diễn viên. Việc đó hoàn toàn bình thường. Sử dụng một số kỹ thuật thư giãn trước khi bắt đầu. Bạn có thể tìm một nơi để nhảy lên nhảy xuống hoặc dậm chân thật mạnh, điều này sẽ giúp bạn cảm thấy vững vàng và giảm bớt căng thẳng. Lắc bàn tay và co duỗi nắm tay. Điều này sẽ làm tay bạn bớt run.
Nếu run tay thực sự là một vấn đề thì hãy nắm lấy một tấm danh thiếp hay nắm vào bục diễn thuyết khi nói chuyện. Lè lưỡi ra, trợn mắt và há miệng to hết cỡ, sau đó nhăn tít mặt lại. Việc này sẽ làm thư giãn các cơ mặt của bạn. Hít thật sâu và thở mạnh ra tiếng để làm ấm giọng của bạn. Tưởng tượng như bạn đang ở trên một đám mây, không gì có thể làm hại đến bạn khi bạn đang ở trong đó. Hãy cố gắng giữ hình ảnh ấy trong đầu khi bạn đang đứng trên diễn đàn. Sẽ trở nên dễ dàng hơn! Nói chuyện trước công chúng càng nhiều, việc đó càng trở nên dễ dàng hơn. Có khi bạn còn cảm thấy thích nữa ấy chứ!
Theo 24h.com

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

15 phút thể dục mỗi ngày cải thiện sức khỏe


15 phút thể dục mỗi ngày cải thiện sức khỏe

Theo một kết quả khảo sát, chỉ với 15 phút tập thể dục mỗi ngày cũng đủ để bạn cải thiện sức khỏe của mình.
Trong một cuộc khảo sát với 400.000 người, các nhà khoa học đề nghị họ nhớ lại những hoạt động trong tháng trước như: đi bộ, chạy bộ…
Sau khi phân loại hoạt động theo các mức độ (nặng, nhẹ), các nhà khoa học có kết quả: 54% số người không hoạt động, 22% hoạt động ít, 14% vừa phải và chỉ 10% trong số đó hoạt động nhiều hoặc rất nhiều.
Các nhà khoa học đã theo dõi những người này trong vòng 8 năm để tính tỷ lệ nguy cơ tử vong và tuổi thọ mỗi người.
Kết quả thật khả quan. Theo đó, những ai tập thể dục trung bình 92 phút mỗi tuần thì tỷ lệ tử vong giảm 14% so với những người không có hoạt động tương tự. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tăng tuổi thọ thêm 3 năm.
Từ đó, các nhà khoa học khuyến cáo cho dù chỉ với 15 phút tập thể dục mỗi ngày cũng đủ có lợi cho sức khoẻ.
Theo các nhà khoa học, ở những người tập thể dục thường xuyên tỉ lệ chết sớm hay mắc các bệnh ung thư sẽ thấp hơn những người trì trệ không tập luyện. Họ khuyên nếu bạn tập đủ thời gian như khuyến cáo (15 phút mỗi ngày), thì tỷ lệ tử vong từ bệnh tim, tiểu đường và ung thư sẽ giảm.
Một ý kiến tưởng không có gì mới mẻ nhưng lại giàu sức thuyết phục!
Theo sức khỏe & đời sống

Thứ Năm, 29 tháng 9, 2011

9 cách quản lý thời gian


9 cách quản lý thời gian

 

Quản lý thời gian là một trong những kỹ năng quan trọng cần có trong thời đại công nghệ số hiện nay. Một người không biết quản lý thời gian sẽ làm hỏng công việc của cả nhóm. Quản lý thời gian tốt sẽ giúp bạn giảm stress và “quẳng” đi những mối lo lắng trong công việc.
1. Cần biết điều gì quan trọng đối với bạn. Cần phải nhận ra trong những nỗ lực công việc của mình điều gì quan trọng nhất mà chính nó có thể mang lại kết quả cao nhất cho bạn. Nếu bạn không nhận ra được thì hãy đặt ra câu hỏi: “Cái gì có tác động nhiều nhất hoặc có giá trị lớn nhất đối với các nhân viên hoặc khách hàng của bạn? “Cái gì sẽ thúc đẩy doanh số bán?”
2. Đặt ra những ưu tiên và liệt kê một danh sách những việc phải làm. Bây giờ, việc quan trọng của bạn là lập một danh sách những việc cần phải làm trong tuần. Sắp xếp việc A, B hay C theo thứ tự dựa trên mức độ quan trọng của công việc. Với mỗi ngày làm việc, bạn cũng lập một list các công việc theo cách đó. Khi bắt tay vào làm, bạn hãy dành một vài phút để nghĩ xem công việc nào cần phải hoàn thành trong ngày hôm nay? (Nó không phải là các công việc bạn muốn hoàn thành trong ngày hôm nay mà là những việc phải được hoàn thành trong ngày hôm nay)
3. Tránh làm việc theo cảm nhận. Người quản lý không biết quản lý thời gian sẽ hành động theo cảm nhận và tâm trạng. Có khi những việc họ thích làm lại không phải là việc quan trọng.
4. Học cách giao công việc. Nếu bạn cứ ôm đồm hết các công việc, bạn sẽ rất bận rộn, thường rất dễ nản lòng và dẫn đến chán công việc. Một người biết cách quản lý là người biết tin tưởng vào trợ lý của mình, chia sẻ công việc với họ.
5. Bạn nên viết những công việc quan trọng vào một tờ giấy. Thay vì mất 10 giây để viết còn hơn mất 30 phút để tìm kiếm công việc quan trọng đó.
6. Sử dụng những folder cho các công việc cần được ưu tiên. Bạn có thể sử dụng máy tính để lập các folder cho công việc. Bạn có thể sử dụng những màu khác nhau để tạo sự chú ý. Ví dụ, có thể sử dụng folder đỏ cho các dự án mới nhất và khách hàng, màu vàng là các ý tưởng, màu xanh là nội dung bạn đang muốn tìm kiếm.
7. Thực tế và linh hoạt. Đôi khi bạn quá máy móc, không dựa vào khả năng công việc để lên kế hoạch. Do đó, khi thực hiện bạn lại không thể hoàn thành toàn bộ khối lượng công việc đó được. Đừng quá ép mình phải làm để rồi bạn bỏ dở và chán ghét nó.
8. Học cách nói “không”. Bạn có thể lên một cuộc hẹn mỗi ngày. Nếu ai đó muốn rủ bạn làm việc khác ngoài dự định, bạn có thể từ chối và nói rằng “xin lỗi, khi đó tôi đã có hẹn.”
9. Email. Trả lời email ngay lập tức. Hãy đọc nó một lần và hồi âm ngay khi có thể. Đừng đọc xong rồi xếp sang một bên và quay ra làm việc khác. Làm như vậy, công việc của bạn thường không dứt khoát và rất dễ bị bỏ sót.
Thời gian là vàng là bạc. Do đó, hãy tận dụng thời gian và sử dụng nó một cách có hiệu quả!
Nguồn: kynang.com.vn

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

6 bước để chiến thắng "bệnh" lưỡng lự


6 bước để chiến thắng “bệnh” lưỡng lự

Bước 1:
Hãy quyết định nếu bạn thật sự muốn làm một việc nào đó. Có thể kết quả sẽ không mang lại cho nỗ lực của bạn một sự đền bù tương xứng, nhưng bạn đã “làm” và “nhận” kết quả công việc.
Bước 2:
Nếu bạn muốn làm một việc nào đó,
bạn hãy tự quyết định sẽ thực hiện công việc đó ngay vào lúc đang suy nghĩ hoặc sẽ làm vào lúc nào. Hãy cho công việc đó một tên gọi cụ thể và thời điểm để thực hiện và hãy thực hiện.
Bước 3:
Thông thường, giây phút lưỡng lự xảy ra khi bạn chợt nhận ra mình nên làm việc này, việc kia hoặc khi bạn vấp phải một vấn đề khá nan giải. Lúc đó, bạn hãy dũng cảm nói to với chính mình:
“Nào, STOP” và bắt tay vào làm việc.
Bạn hãy trả lời câu hỏi: “Điều gì khiến mình lưỡng lự như thế này nhỉ?”, câu trả lời có thể là: “Việc đó khó quá, có cách nào làm dễ hơn, vui hơn không?”. Giải pháp trong trường hợp này là: Hãy chia công việc thành từng phần để dễ thực hiện, nên bắt đầu từ việc nhẹ nhàng nhất hoặc bạn sẽ nhờ đến sự trợ giúp ở phần việc khó nhất. Đừng tự ti cho rằng mình không đủ sức và nghiệp vụ để nhận lãnh một việc làm mà mình rất thích.
Hãy đánh giá khả năng của mình, nếu bạn không tự tin lắm hãy tham dự các khóa huấn luyện, hoặc trường hợp công việc quá sức mình hãy mạnh dạn thay đổi chỗ làm việc khác phù hợp hơn.
Bước 4:
Hãy gọi điện hoặc gặp trực tiếp người có liên quan đến công việc. Đây là con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để bạn giải quyết vấn đề, thay vì chỉ ngồi phỏng đoán hoặc mất thời gian để hỏi han những người không thể cung cấp thông tin chính xác cho bạn, đơn giản vì không phải phạm vi công việc, chức năng của họ.
Bước 5:
Khi công việc hoàn tất, bạn nên dành thời gian kiểm nghiệm lại kết quả công việc. Khoảng thời gian này không nhiều nhưng quan trọng, giúp bạn nhìn lại và rút tỉa kinh nghiệm. Nếu bạn thực sự chưa hài lòng, hãy nhờ đến một chuyên viên có kinh nghiệm về lĩnh vực công việc bạn đã làm nhờ họ chỉ vẽ thêm.
Bước 6: 
Hãy thư giãn, ăn món mình thích, chơi thể thao như một cách tự thưởng cho mình vì đã chia tay với “bệnh” lưỡng lự. Song bạn cần nhớ, “căn bệnh” bạn vừa chia tay có thể tái phát. Điều này có nghĩa là bạn cần chuyển tải mọi công việc cần, sẽ và phải làm lên lịch làm việc và đừng bỏ qua bất kể những kế hoạch đã định ra.
Nguồn: kynang.edu.vn

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Phòng ngừa bệnh lý về cột sống



PHÒNG NGỪA BỆNH LÝ VỀ CỘT SỐNG 

Quý anh chị em vào đường link sau để cùng tham khảo một file PP nói về cách phòng ngừa bệnh lý về cột sống rất hữu ích: 
Chánh Tuân.

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2011

Mổ cườm mắt từ thiện miễn phí



MỔ CƯỜM MẮT TỪ THIỆN MIỄN PHÍ

Thân chào quý anh chị em!
Chánh Tuân có một người quen thuộc một tổ chức từ thiện chuyên vận động tài trợ cho các ca mổ cườm mắt (loại cườm khô) miễn phí dành cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Do vậy nếu quý anh chị em có người thân quen nào bị bệnh cườm mắt mà có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn thì có thể ký danh sách (họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, năm sinh, giới tính, loại bệnh về mắt) cho Chánh Tuân qua địa chỉ email: tranchanhtuan.cd@gmail.com để Chánh Tuân tổng hợp đăng ký danh sách cho tổ chức từ thiện này. Khi nào có đủ số lượng của từng đợt thì họ sẽ thông báo đến bệnh nhân thời gian và địa điểm thực hiện các ca mổ mắt tại Thành Phố Hồ Chí Minh.

Ghi chú:
Tổ chức từ thiện này chỉ tài trợ cho chi phí khám bệnh về mắt, mổ cườm mắt, không tài trợ cho các chi phí khác như ăn ở, đi lại...
Để biết thêm chi tiết mọi người có thể liên lạc với Chánh Tuân qua số điện thoại: 0937.68.78.79.