Thứ Bảy, 2 tháng 10, 2010



TU CỨU ĐỘ
CỬU HUYỀN THẤT TỔ THOÁT A TỲ
Đạt Tường


DÀN BÀI
I. VẬY A TỲ ĐỊA NGỤC LÀ GÌ?
1. Âm Quang.
2. Thanh Tịnh Đại Hải.
3. Phong Đô-Địa Phủ.
II. PHẢI LÀM GÌ ĐỂ THOÁT KHỎI A TỲ?
1. Xét mình, ăn năn tự hối.
2. Thường tụng kinh Cầu siêu, Di Lạc và làm âm chất.
III. TÓM LẠI.


Lời Thánh Giáo dạy về chủ đề tu cứu Cửu Huyền Thất Tổ thoát khỏi A Tỳ, lần đầu tiên đã được Đức Chí Tôn dạy ông Tư Mắc trong đàn ngày 25 tháng giêng Bính Dần (09.3.1926):
“Mắc, nghe dạy: (...) Ngươi muốn biết đặng cha ngươi thế nào, hỏi nơi ngươi. Hễ tu thì cứu đặng Cửu Huyền Thất Tổ. Ngươi là hiếu hạnh, chẳng lẽ để cha mẹ chịu đoạ A Tỳ. Nghe mà ăn năn sám hối (…)
Tâm thành của ngươi mới đặng mà thôi. Ngươi muốn vậy, làm lành lánh dữ. Ngày nào đặng vậy, Ta sẽ cho cha ngươi về nói lại cho ngươi biết.” [1]
I. VẬY A TỲ ĐỊA NGỤC LÀ GÌ?
1. Âm Quang:
Năm 1932, Đức Bát Nương giáng cơ giải thích:
"Âm quang là khí chất hỗn độn sơ khai, khi Chí Tôn chưa tạo hóa; lằn âm khí ấy là Diêu Trì Cung chứa để tinh vi vạn vật (...) Khi Chí Tôn đem dương quang ấm áp mà làm cho hóa sanh, thì cái khoảnh âm quang phải thối trầm làm tinh đẩu là cơ quan sanh hóa vạn linh. Song lằng âm quang ấy có giới hạn, nghĩa là nơi nào ánh linh quang của Chí Tôn chưa chiếu giám đến, thì phải còn tối tăm mịt mờ, chẳng sanh, chẳng hóa. Vậy thì nơi khiếm ánh thiêng liêng là Âm Quang, nghĩa là Âm Cảnh hay là Địa Ngục, Diêm Đình của chư Thánh lúc xưa đặt hiệu.
Vậy thì chính lời nhiều tôn giáo, nơi ấy là những chốn phạt tù những hồn vô căn, vô kiếp, nhơn quả buộc ràng, luân hồi chuyển thế nên gọi là Âm quang, đặng sửa chữ Phong Đô Địa Phủ của mê tín gieo truyền, chớ kỳ thật là nơi để cho các chơn hồn giải thân định trí. Ấy là một cái quan ải, các chơn hồn khi qui thiên phải đi ngang qua đó.
Sự khó khăn bước khỏi qua đó là đệ nhứt sợ của các chơn hồn. Nhưng tâm tu còn lại chút nào nơi xác thịt con người, cũng nhờ cái sợ ấy mà lo tu niệm.
Có nhiều hồn chưa qua khỏi đặng, phải chịu ít nữa đôi trăm năm, tùy chơn thần thanh trược. Chí Tôn buộc trường trai cũng vì cái quan ải ấy. Em biết đặng nhiều hồn còn ở lại nơi ấy trót ngàn năm chưa thoát qua cho đặng.
Thất Nương ở đó đặng dạy dỗ, nâng đỡ các chơn hồn, dầu sa đọa luân hồi cũng có người giúp đỡ. Nghe lại coi có phải vậy chăng? " [2]
Chúng ta xem tiếp một đoạn Thánh giáo xưa, năm Quý Dậu (1933), Đức Chí Tôn dạy và ân ban cho gia quyến một số quý vị tu theo Chiếu Minh.
“Ngọc Hoàng Thượng Đế tá danh Cao Đài Giáo Đạo Nam Phương.
Huờn quì trước. Ngọc, Phấn, Chi, Thiên quì sau.
Các con có lòng thành cầu nguyện nên Thầy cho vong Nguyễn Văn Chức là chồng và cha các con nhập cơ (...)
Nguyễn Văn Chức. Em chào chư Thiên mạng. Anh chào hiền muội. Cha chào các con. Nghe cha phân:
Các con mờ muội giữa chốn trần gian. Tám năm nay Trời mở Đạo cứu vớt nguyên nhơn mà các con mờ ám, mê trần, còn tham hữu hình nên các con chưa biết Đạo là gì cả. Đã ba phen cha có cho các con biết cha bị đọa nơi chốn A Tỳ, cầu các con tu đặng độ cha mà các con mơ mơ màng màng.
Các con ôi! Đời là biển khổ. Các con đương lặn hụp nơi biển trần vơi mà các con hữu phước hữu duyên gặp Tam Kỳ Phổ Độ cứu vớt chúng sanh. Sao các con mê muội đến dường ấy?” [3]
“Trời mở đạo cứu vớt nguyên nhơn” và “Hữu duyên hạnh ngộ Cao Đài” được hưởng Đại Ân Xá Kỳ Ba. Công đức cứu vớt chúng sanh được ghi công quả bội phần nhờ đó mà có thể cứu độ được vong linh Cửu Huyền Thất Tổ đang bị đoạ chốn A Tỳ. Đã là tín đồ Cao Đài Đại Đạo mà không ý thức được điều quan trọng này thì quả là chúng ta còn “mê muội đến dường ấy?”
Tuy nhiên, thực tế hành đạo cho chúng ta thấy quả thật còn nhiều đạo hữu chưa “giác ngộ” điểm mấu chốt này nên vẫn còn tu theo kiểu tài tử.
2. Thanh Tịnh Đại Hải:
A Tỳ có thể được hiểu với một tên khác là Thanh Tịnh Đại Hải. Chúng ta hãy xem một thí dụ nói về cái khổ ở nơi nầy của vong linh một đạo hữu là Lễ Sanh Chiếm ở Tây Ninh:
“Hôm con mới chết, ôi thôi nó khổ biết chừng nào! Một nỗi bị mẹ thằng Đường nó kêu tới kêu lui, chịu đà không nỗi! Thảm mới vừa hết thì lịnh Ngọc Hư Cung sai Như Ý Đế Quân bắt đem qua Thanh Tịnh Đại Hải Chúng.
Thưa sư phụ, ở chỗ đó khó quá! Bị bọn quỷ lồi, cô hồn gì đủ thứ nó mắng nhiếc tối ngày. Nhứt là nó chửi con là đồ làm biếng, tu gì cái đám thầy chùa mê hoặc. Hại nỗi, mấy tay phản đạo cũng có trong đám đó, đứng làm đầu xúi giục bọn kia chửi mãi. Con chịu như vậy hoài nên muốn chết đi cho rảnh. Ngặt chết không đặng, nó hành con quá chừng!
Đương thảm khổ, con lại may gặp một bà thiệt là tử tế ! Nghe nói là Thất Nương Diêu Trì Cung tới thăm rồi biểu con theo bà. Con mừng quá đi theo bà liền vì thấy bà đó oai quyền lớn lắm. Nghe nói bà đắc lịnh Ngọc Hư Cung vì có lời tình nguyện lãnh phần cai quản Thanh Tịnh Đại Hải Chúng nầy đã từ lâu, đặng giáo hóa và độ dẫn các vong linh vì tội tình bị sa đọa vào đây. Nội Thanh Tịnh Đại Hải Chúng nầy ai cũng đều kiêng sợ. Bà dắt con đến gởi Đức Quyền Giáo Tông.
Con ở đây một thời gian chẳng đặng bao lâu thì Đức Quyền Giáo Tông kêu con nói rằng: có lệnh Ngọc Hư cho con đi phó nhậm nơi tỉnh Ninh Bình làm ông Thần tại đó. Thật cũng là may quá! Ấy là nhờ bà Thất Nương thương tình thấy con thiệt thà lại bị đám âm hồn ngạ quỷ hành hạ căn kiếp của con nên bà ra tay giúp đỡ.” [4]
Đoạn Thánh Ngôn sau đây vào năm Ất Hợi (1935) ở Tòa Thánh Tây Ninh cho thấy:
“Hồ Quí Diên. Tiểu nhân xin chào chư vị đại đức. Lụy (...)
THI
Hèn lâu mơ ước đến thăm nhau,
Thanh Tịnh bấy lâu ở ngục lao;
Giận nặng hồng trần cân Tạo Hóa,
Hờn nhiều quả kiếp số Nam Tào.
Xe hồng đổ phước ngơ tay vịn,
Cánh hạc tuôn duyên cửa đọa nhào;
May gặp ân nhân Lê Đại Đức,
Ngọc Hư cứu rỗi khỏi âm tào.
Thưa Hộ Pháp, kẻ vô phước này chỉ trông công con tu niệm mong mỏi cảnh Thiên. Nào dè bạc phận, chúng nó vô Đạo không tu gây thêm nghiệp chướng.
Hộ Pháp hỏi: còn (thằng) Sĩ thế nào?
- Sĩ nó bị quả kiếp tiền khiên nên đã luân hồi tái thế. Tớ có gặp Lễ Sanh Thuận ở Thanh Tịnh Đại Hải Chúng. Hôm nọ cùng tớ mới thọ lịnh Ngọc Hư đắc phong Thần vị.” [5]
Qua đây chúng ta thấy trường hợp của cố đạo hữu Hồ Quí Diên: Trong thời gian phải sám hối ở “Ngục lao Thanh Tịnh Đại Hải”, vong linh trông chờ công đức của con để mau thoát qua chốn U Đồ hầu vào cảnh Thiên. Con tuy đã nhập môn nhưng không lo tu mà còn gây thêm nghiệp chướng nên không giúp ích chi cho sự siêu rỗi của cha.
Sau một thời gian mắc kẹt ở đó đặng sám hối ăn năn, nhờ công đức khi xưa hành đạo phổ độ nhơn sanh nên vong linh được chơn linh Quyền Giáo Tông Lê Văn Trung [6] cứu rỗi vượt qua chốn Âm Ty đắc phong Thần vị.
3. Từ Phong Đô - Địa Phủ cũng thường được thấy trong Thánh ngôn.
“Bạch sư phụ, [7] con là Thoại.
Hèn lâu, con nhớ sư phụ lắm, mà không biết làm sao!
Khi sư phụ bị đày, con rầu buồn quá đỗi, thêm lo lắng Đền Thánh chưa rồi. Làm ngày làm đêm, mang bịnh nan y nên qui liễu. Nhờ Chí Tôn thương nên ban lịnh Ngọc Hư Cung cho vào hàng Phối Thánh.
Bạch sư phụ, làm ơn nói với “Năm Sỏi” và “Sáu Út” rằng “Kỉnh” bị án sa đọa Phong Đô, nhưng nhờ công nghiệp tạo tác Tòa Thánh, Đức Chí Tôn ân xá cho chuyển kiếp luân hồi, mà chưa đi, còn đương kiện ông “Chữ”.” [8]

II. PHẢI LÀM GÌ ĐỂ THOÁT KHỎI A TỲ?
1. Xét mình, ăn năn tự hối:
Năm Giáp Tuất, Đức Thất Nương giải thích thêm về Âm Quang:
“Âm Quang là nơi Thần Linh Học gọi là nơi Trường Đình của chư hồn giải thể hay nhập thể. Đại Từ Phụ đã định nơi ấy cho Phật gọi là "Tịnh Tâm Xá" nghĩa là nơi của chư hồn đến đó đặng tịnh tâm, xét mình coi trong kiếp sanh bao nhiêu phước tội. Vậy thì nơi ấy là nơi xét mình.
Chớ chi cả nhơn sanh biết xét mình trước khi thoát xác thì tự nhiên tránh khỏi Âm Quang. Nói cho cùng nếu trọn kiếp, dầu gây lắm tội tình, mà phút chót biết ăn năn tự hối cầu khẩn Chí Tôn độ rỗi, thì cũng lánh xa khỏi cửa Âm Quang lại còn hưởng đặng nhiều ân huệ của Chí Tôn. Là các chơn hồn đặng tự hối hay là đặng giáo hóa mà hiểu trọn chơn truyền lập phương tự độ, hay là con cái của các chơn hồn cầu rỗi.
Ôi! Tuy hồng ân của Đại Từ Phụ như thế mà vẫn thấy các chơn hồn sa đọa hằng hà, mỗi ngày xem chẳng ngớt, là tại thiếu kém đức tin và lòng trông cậy nơi Thầy. Đó là mấy đạo hữu bị thất thệ.
Em trông thấy bắt đau lòng, phái nữ lại là phần đông hơn hết." [9]
2. Thường tụng kinh Cầu siêu, Di Lạc và làm âm chất:
Tịnh Tâm Xá còn gọi với một tên khác là Nghiệt Cảnh Đài. Đức Quan Âm giải thích danh từ này qua đàn sau:
“ĐẠI mừng các bạn và các chị.
(…), Cát muốn độ nhũ mẫu, phải không ?
Cát bạch: - Dạ phải, (...)
- Bà ở Nghiệt Cảnh Đài. Chỉ có một phương là cầu nguyện Đức Quan Âm thì mới yên phận và cho một lá sớ hữu hình. Và ông Cát cần lập âm chất nơi thế (gian) mà để tên bà, rồi mới đốt thì hiệu nghiệm. Còn phần vô vi thì Đại độ dẫn giùm, vì bà lúc sanh tiền chịu bao điều vay trả nên nay phải cam hận. Thôi, bấy nhiêu, Đại xin kiếu.  Thăng.
Tái cầu:
Đại tịnh, có Quan Âm Bồ Tát đến. Dời đàn ra trước Thiên bàn.
Bần Nữ xin chào chư thiện tín.
THI:
Quan môn rạng chiếu bóng cờ Nam ,
Âm đức giồi trau rửa thế phàm;
Bồ liễu dầu cho sương khói đọng,
Tát khô khổ hải cũng thành nam.
Bần Nữ đến để đôi lời cho thiện nam Cát hiểu lẽ huyền vi nơi Lạc Cảnh. Mỗi chơn linh khi đã mãn căn qui hồi Thiên giới đều phải đến nơi Nghiệt Cảnh Đài đặng ôn lại tội phước đã tạo nên. Khi về đến đó rồi thì một mảy gì cũng không thể giấu đặng.
Bao nhiêu kiếp đều diễn ra trước mắt, rồi tự mình định lấy phận mình, chớ chẳng ai hành phạt hay thăng thưởng. Đó là Tòa phán xét lương tâm. Ông tòa lại chính là bổn nguyên chơn linh của mình.
Vì cớ cơ thưởng phạt thiêng liêng không một ai có thể kêu rên bởi lẽ bất công hết thảy. Như vậy thì nhũ mẫu của thiện tín cũng ở trong khuôn luật ấy.
Bần Nữ vì cảm thương lòng thành kính của thiện tín mà chỉ dẫn cho đôi điều. Từ đây, thiện tín khá luôn luôn tụng Di Lạc Chơn Kinh cho người, phải luôn tụng Cầu Siêu và Cầu Hồn đặng rửa bớt sự nặng nề cho vong linh. Còn âm chất thì càng nhiều lại càng hay, phương độ rỗi ấy là nhờ nơi lòng hiếu nghĩa của thiện tín mà làm giảm bớt phần nghiệt chướng nơi cõi thiêng liêng cho nhũ mẫu của thiện tín.
Nhưng thiện tín cũng nên biết rằng, khi đã độ rỗi được vong linh kẻ tội lỗi thì âm chất của thiện tín cũng đã sang bớt cho vong linh ấy chút ít rồi. Như vậy, thiện tín cần phải lập công đức thêm đặng đền bù vào chỗ đã mất.  Đó là chỉ nói về sự độ rỗi vong linh của kẻ thân thuộc mà thôi.
Chí Thiện Mậu bạch : -  (...)
- Phương độ rỗi chắc chắn hơn hết là người sanh tiền phải luôn luôn thành tâm cầu nguyện và giữ vững đức tin, bồi bổ thêm công đức. Thân mẫu của thiện tín đã qua khỏi Ngân Kiều rồi.
Chư thiện khá lưu tâm mà giữ cho tròn âm đức nghe. Bần Nữ kiếu. Thăng.” [10]
Vậy có thể hiểu Địa Ngục theo một trong các nghĩa sau:
. Cõi có tên gọi là: A Tỳ, Âm Ty, Âm Quang, Âm Phủ, Địa Phủ, Diêm Phù, Phong Đô, Thanh Tịnh Đại Hải, v.v...
. Là nơi để cho các chơn hồn giải thân định trí. Đó là "Tịnh Tâm Xá”, là nơi chơn hồn tịnh tâm tự xét mình. Là nơi đệ nhứt sợ. [11]
. Nơi đó còn gọi là Nghiệt Cảnh Đài.
. Là nơi mà các linh hồn bị đọa xuống mấy trái địa cầu âm khí nặng nề để chịu buồn rầu, khổ cực, nhức nhối tâm hồn, xốn xang trí não. Đó là nơi nhân quả, nghiệp chướng, oan gia đi theo mà hành phạt linh hồn. [12]

III. TÓM LẠI
Qua các Thánh Giáo -Thánh Ngôn vừa trích dẫn, chúng ta thấy quan niệm về Địa Ngục của Cao Đài Giáo có khác những quan niệm trước kia.
- A Tỳ - Địa Ngục hay Phong Đô – Địa Phủ không còn được giải thích như là nơi chốn chỉ thực hiện việc hành phạt các vong hồn phạm nhiều tội lỗi ở chốn thế gian.
Mà còn được giải thích đó là Tịnh Tâm Xá, là chốn để các vong hồn tĩnh tâm ôn lại các hành động, lời nói, suy nghĩ trong kiếp đã qua để rồi ăn năn sám hối trước khi đi đầu thai hay được hưởng ân ban thăng tiến tu học thêm, v.v...
- Tu để cứu Cửu Huyền Thất Tổ thoát khỏi Âm Quang, chúng ta cũng nên suy nghĩ theo chiều hướng “phòng ngừa hơn là điều trị”. Lời tâm tình của Đức Cao Thượng Phẩm vào năm 1934 đáng để cho chúng ta suy gẫm luôn:
“Hồi em còn ở thế sức giận của em đến đỗi, nếu em được Thiêng Liêng vị tức cấp, thì có lẽ cây quạt của em đã đưa họ trụm vào Phong Đô không sót một ai.
Nhưng chừng bỏ xác phàm, được nhãn huệ quang rồi, em lại thương đau, thương đớn, dường như sợ cho họ sái đường lạc nẻo, thì phải mất một bạn thiêng liêng rất quí trọng vậy.
Thành thử, phải dìu dắt chìu theo tâm phàm họ cao thấp mà sửa từ bước, độ từ chặng. Mà nếu rủi dìu họ không được, thì phải tận tụy với trách nhiệm làm thế nào cho họ đừng sa đọa Phong Đô, để cầu với Tam Giáo Tòa, cho tái kiếp mà chuộc căn quả.” [13]


THÁNH GIÁO tham khảo [14]
THI
Huỳnh hà lặng lẽ nước thanh bai,
My đãnh Nga San chí phận trai;
Đồng chịu gian lao tân khổ não,
Tử từ hiếu thảo chớ đơn sai.
HỰU
Đơn sai hoằng hoại nghĩa Tam sinh,
Hiếu tử xét suy cố giữ gìn;
Phận đứng hiếu hiền trai lãnh phận,
Gian lao dầu giải đáp ân sinh.
HỰU
Ân sinh oằn oại nghĩa cù lao,
Bảo bố dưỡng sanh sánh núi cao;
Cúc dục trưởng thành đây thủ phận,
Đáp đền sông núi sánh bằng nhau.
Hèn Thánh cúi đầu giờ nay trước điện tiền nơi cảnh Đông Cung, chào chư Thiên Mạng đồng cả lưỡng ban, quí huynh cùng quí tỷ đàn trung đẳng đẳng. May thay! giờ phút nầy gặp gỡ mấy khi. Vậy hạ hèn trên đãi lịnh Phụ Vương Chí Tôn cùng chư tôn Chưởng Giáo Tam Trấn đàn tiền hầu cho Thánh mượn một giờ vắn mà Thánh tỏ lời tâm phúc của Thánh như tích “Thanh Đề cùng Đức Mục Liên” đó vậy chư quý Thiên Tước lưỡng ban. Đây Thánh đê đầu kiếu lỗi. Vậy mời Thiên Ban tọa tịnh mà cho Thánh bảo trợ một chơn linh. Ấy là thân phụ Thánh được hồi lai mà tỏ tường thế sự đó hỡi Thiên Ban. Vậy Thánh xuất đàn mà hộ trợ điển linh. Nhờ Thiên Ban cùng quý huynh tỷ trực tiếp chơn hồn thân phụ. Thánh rất trọng ơn thâm.
Tiếp điển:                
THI
Nguyễn hồi dương thế tỏ âm hao,
Văn để đôi câu ứa lụy đau;
Cự muội bể trần nay thống thiết,
Nương giờ phưởng phất tỏa thơ trau.
Vậy giờ nay chơn hồn em giáng, nương lằn điển phưởng phất dật dờ mà phân tỏ đôi lời tận tường mọi lẽ gởi lại gia trung. Đây em cúi lạy Tam Giáo Tòa, cùng chào tất cả điện tiền Thiên sắc lưỡng ban, phiền đôi giờ mà cho em phân cạn đôi câu. Bởi vì trần thế vật chất đa đoan, tứ tường ám phủ, làm cho em phải chịu kiếp đọa đày.
Nơi hồng trần mê mẩn vui say,
Nay khốn khổ đắng cay biết mấy,
Từ đây em thác rồi mới thấy,
Sự ngục hình nhiều nỗi gian truân,
Nhớ đến đây nước mắt rưng rưng,
Nay biết hối ăn năn chẳng kịp.
Vậy em tỏ bức thơ nầy gởi lại Châu Minh, trước là thăm chú bác cậu dì cùng chư ban cố hữu, huynh tỷ chung đồng. Vậy nhờ tỷ huynh miễn chấp mà tha thứ một đứa em hèn. Đây là kẻ tội nhơn trăm đường lỗi trọng. Khi em ở thế rất muội mê đắm say vật chất. Nay thác rồi hối tâm nào kịp, em nhờ một hiếu tử ngày trước là Nhựt, khi tách cõi trần thì được đắc Thánh ân ban “Huỳnh My” bửu hiệu. Mà nay con hiếu tử dầu dãi gian lao xin phép cùng Tam Giáo Tòa mà mượn hồn em tố trần khi ở thế. Vì em quá phạm tội bị Thiên điều giảm kỷ là một phần còn một phần khổ đọa hiện nay. Nên em là kẻ tội tình, muốn trước bày cho huynh tỷ được biết mà tránh nẻo đường chông, kẻo lạc sai lối khổ như em thì tận đọa A Tỳ. Vậy nay em cúi đầu bày tỏ sự tội lỗi khi thuở sanh tiền.
Điều thứ nhứt: - là khinh thị Trời Đất, chê rẻ Phật Tiên, hủy báng tôn giáo. Bán đồ nhi phế, phản bạn khi quân, trái lời thệ hải.
Điều thứ hai: - là tội vong ân tông tổ, quên nghĩa đồng môn. Chẳng đoái tưởng công sanh thành cúc dục mà khinh thị mẹ cha, về tội bất hiếu.
Điều thứ ba: - ỷ thói khôn ngoan, chứa xâu lường của. Ích kỷ hại nhân, làm cho người khóc hận, tội ấy dẫy tràng tự em gây tạo.
Điều thứ tư: - tội về tiền bạc mà che lấp xuyên qua, khinh người đoạt của chẳng kiên. Làm cho mất nghĩa đệ huynh, đó là xuyên tạc đệ huynh, khinh người nào có khác chi khinh Trời.
Điều thứ năm: - là bắt buộc vợ con sát hại sanh vật cho em vui sướng no say. Cùng chẳng cho vợ con đến chùa mà tu hành cải hóa.
Điều thứ sáu: - khinh bỉ người hiền, nhạo báng kẻ tu hành, đó là chê bai Thần Thánh.
Nên nay thác rồi nhìn thấy trăm điều chất chứa khổ đau, chập chồng tội nơi Diêm Địa, Thập Điện khảo tra. Đó là phần lắm nhiều tội lỗi. Nay nhờ con mà nương một làn điển lai tỏ cạn lời nhắn cùng thê nhi tường tận. Còn em đây gởi lời thăm ba anh: Tây, Mau, Giàu. Vậy ba anh giờ phút nầy cũng lấy lượng cao minh, khoan hồng tha thứ lỗi cho em một phần. Chớ em lắm nhiều đoài đoạn khổ lao.
Vậy hiền phụ Minh Linh, nghĩa tử có thương cha trong giờ phút nầy con ráng mà tu hành, cầu siêu thoát hóa cho cậu đó con. Nghe ái nhi phận … Nữa.
Còn hiền phụ tự Đầy bạn ngọc. Nay anh biết hối thức thì sự đã muộn rồi, chỉ cậy đôi lời gởi nhắn cùng hiền phụ với ái nữ Minh Linh. Con vợ ráng tu mà thoát lấy thân, chớ nay phần anh hối hận chẳng kịp thì giờ, nhờ Huỳnh My hiếu tử xin phép Thiên Nhiên cho hồi tỏ cảnh, đặng hầu dương thế biết mà tránh vương khổ đọa, kẻo lạc lầm như anh thì muôn kiếp khó tái lai.
Vậy nầy Nết, cháu ôi! Đây lời chú phán. Cháu gắng tường tri, khi chú đáo ngục hình gặp cha cháu lắm khổ, đồng tội như chú. Cũng là một kẻ chứa xâu ăn đầu, cho vay bạc nợ, vốn một lời mười. Sát hại trâu chó. Khổ ngục hình. Anh Trương Văn Xồi nhắn gởi cùng chú. Nhờ công cháu và má cháu tu hành nên giảm được nhiều tội lỗi, gần ra khỏi cảnh đọa đày. Vậy cháu cố ráng mót bòn âm chất, lập quả bồi công cho cha cháu được sớm siêu thoát tránh khỏi luân hồi đó nghe cháu.
THI BÀI
Hồn phưởng phất náu nương làn điển,
Hiếu tử con trợ luyện nguơn thần;
Đây nương cạn tỏ lời phân,
Châu Minh gởi lại tố trần thăm chung.
Cùng hiền phụ kiết hung bạn nhớ,
Trần Thị Đầy em nhớ ráng tu;
Hầu mau thoát khỏi ngục tù,
Đây anh muội ám, ngút mù mê mang.
Trẻ ái nhi hỡi trang con thảo,
Nghĩa Minh Linh cậu bảo con lo,
Nữa ôi! khuya sớm lần dò,
Tu cầu cho cậu tội to bớt lần.
Chú thăm cháu ân cần hỡi trẻ,
Ve cháu ôi! có lẽ cháu thương;
Chú đây lâm cảnh đoạn trường,
Vì khi ở thế tứ tường đeo quanh.
Đực hỡi cháu! trai lành suy nghĩ,
Gắng công phu lập chí tu hành;
Chớ đừng duôi dễ bất thành,
Chữ tu quí nhứt Đạo lành Trời ban.
Thuận hỡi cháu phận trang nam tử,
Chú khuyên con ráng giữ cho cần;
Lánh đời thế sự phù vân,
Thoát lao khổ đọa trăm phần đáng lo.
Thảo hỡi cháu! ráng dò bể thẳm,
Chú nhắc lo ráng gẫm mới tường;
Trai lành nương bước muối tương,
Đạo mầu quí giá trăm đường cháu ôi!
Một gái lành nấu sôi tứ đức,
Nết trẻ toan bền sức đạo tâm;
Cháu ôi! chú tỏ chỉ chăm,
Nương đường chánh giáo cao thâm bí huyền.
Na hỡi cháu! gái hiền xét phận,
Thành cháu lo, hờ hẫng chớ nên;
Chú khuyên mỗi cháu vững bền,
Chí công mài sắt đắp nền cù lao.
Nhành phận gái cháu trau cho vẹn,
Dương liễu bồ chẳng thẹn đâu con;
Chú khuyên mỗi cháu lo tròn,
Cù lao dưỡng dục mót bòn chớ vong.
Yên hỡi cháu! đền xong nghĩa cả,
Chí trai lành vàng đá chớ lơi;
Dượng nay gởi nhắn đôi lời,
Cháu trai xét phận chớ dời thối tâm.
Hứa nầy cháu! bền tâm vững chí,
Phận trai lành chăm chỉ ráng trau;
Dượng nay khốn khổ biết bao,
Gởi thăm con trẻ cùng nhau cho đồng.
Diệp nầy cháu! phải phòng tua sửa,
Chí nam nhi chớ mựa dễ hờn;
Dượng đây nhắc trẻ đòi cơn,
Cháu lo vẹn phận đáp ơn não nồng.
Ba phận gái tang bồng hỡi cháu!
Dượng nhắc lo chữ Đạo bước đường;
Gái lành trẻ gắng náo nương,
Thi khoa đạo đức biểu dương tên bày.
Sương hỡi cháu! đây ngày cùn cuối,
Con gắng lo cặm cụi bước qua;
Dượng nay biết khổ đã qua,
Hối tâm nào kịp nên sa ngục hình.
Lời gởi lại tận tình chung thỉ,
Nhờ nơi con trực chỉ giáng lai;
Lược so khổ não vắn dài,
Thôi nay trở lại Diêm đài mới an.
Trẻ Huỳnh My dắt đàng chỉ đáo,
Phép Thiên Tòa mới tháo ngục oan;
Thôi thôi tả hữu trung đàn,
Kiếu từ Thiên Tước dặm ngàn dõi theo.(…)
Huỳnh My, Hèn Thánh cúi chào cả đàn tiền. Vậy nhờ chư huynh tỷ kiểm duyệt, bình lại giùm đây. Vì thân phụ Hèn Thánh lao thần nhọc trí câu văn từ còn thiếu sót. Nhờ quí huynh tỷ sửa chữa.
Vậy giờ nay Hèn Thánh cuối chào, tạ chúc Thiên ban đáp ân khổ nhọc cùng Hèn Thánh. Vậy có Tam Trấn lai lâm, Thiên Ban khá tiếp lịnh, Hèn Thánh hầu tiếp giá. Kiếu.



--------------------------------------------------------------------------
[1] Thánh Ngôn Sưu Tập I-Tây Ninh số 12 - Nguyễn Văn Hồng.
   Đàn ngày 25.8 Bính Dần (01.10.1926)
[2] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 2 xb 1966 trang 85, Tòa Thánh Tây Ninh (10.1932)
[3] Đức Chí Tôn, Trước Tiết Tàng Thơ - Tân Uyên 19.03 Quí Dậu (13.4.1933)
[4] Hộ Pháp Đường 04.5 Bính Tý (22.6.1936)
[5] Thánh Ngôn Sưu Tập II- Tây Ninh số 22, Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng.
   Hộ Pháp Đường 02.12 Ất Hợi (27.12.1935), Phò Loan: Hộ Pháp  - Tiếp Đạo
[6] Đã liễu Đạo và nhập cảnh thiêng liêng hằng sống
[7] Sư phụ đây là Đức Hộ Pháp
[8] Phối Thánh Bùi Ái Thoại, Thánh Ngôn Sưu Tập III, số 30, Nguyễn Vă n Hồng Báo Ân Từ 07.11 Mậu Tý (07.12.1948). Phò loan: Hộ Pháp – Khai Pháp.
[9] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 2 xuất bản 1966 trang 91 (09.4 Giáp Tuất 1934).
[10] Thánh Ngôn Sưu Tập III – Tây Ninh số 67, Thanh Trước Đàn 30.3 Tân Mão, (05.5.1951). Phò loan: Giáo Hữu Thượng Khai Thanh – Minh Liêm.
[11] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 2 xuất bản 1966 trang 85 và 91.
[12] Đại Thừa Chơn Giáo trang 177.
[13] Đức Cao Thượng Phẩm, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 2 trang 93, 15.7 Giáp Tuất (1934).
[14] Đông Cung Bạch Long, Tý thời 22.3 Quý Tỵ (1953).

Quan niệm về chữ Hiếu trong Tam Kỳ Phổ Độ



QUAN NIỆM về CHỮ HIẾU
trong Tam Kỳ Phổ Độ
Đạt Tường


Cao Đài Giáo hướng dẫn nhân sinh giải quyết cùng một lúc hai mặt Thế Đạo và Thiên Đạo trong mục đích của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Vì thế CHỮ HIẾU cũng được các Đấng Thiêng Liêng giảng dạy theo đường hướng vừa nêu.
Nhân mùa Vu Lan, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại những lời dạy về chữ Hiếu qua Thánh Giáo Cao Đài.

I. VỀ MẶT THẾ ĐẠO:
Khởi đầu của Thế Đạo ở bậc Nhơn Đạo, Thánh giáo hướng dẫn người tín đồ ngay khi lúc tuổi còn trẻ phải kế thừa những khía cạnh truyền thống văn hóa đạo đức tốt đẹp của nhân loại.
Đức Khổng Thánh có dạy, làm con cháu phải biết:
“Thờ cha mẹ trời tây lượng bóng,
Tiếng dạy khuyên phải lóng nghe lời;
Sớm khuya thăm viếng chớ lơi,
Hiếu thân chí kỉnh Phật Trời ban ơn.
Khi Đông hạ quạt nồng đắp lạnh,
Lúc ốm đau phải lãnh thuốc thang;
Mẹ cha còn sống song toàn,
Là người hữu phước phải toan phụng thờ (…)
Đừng học tánh mưu khôn thế tục,
Coi mẹ cha như khúc gỗ tròn;
Làm rầu, làm nhọc, khi còn,
Chết rồi chia của nuôi con vợ mình! ” [1]
1. Làm vui lòng ông bà cha mẹ:
Vậy con cháu khi còn trẻ phải biết vâng lời, cố gắng học hành, bên cạnh đó cũng phải tập giúp đỡ những việc thông dụng trong nhà.
Anh chị em sống phải hòa thuận, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau ngay cả sau khi đã trưởng thành.
Thí dụ: chơn linh của một đạo hữu tên Bùi Thị Quyện ở Thanh Liên Đàn -Long An, trong mùa Vu Lan được về đàn đã nhắc nhở 2 con trai và 2 con dâu phải thuận hòa với nhau:
“Trước đàn đây, Tệ Nữ xin Thiên Mạng cho phép tôi dời hai con tôi vào trước điện, để đôi lời phân trần cùng hiếu tử tôi.(…)
Bài
Con hỡi con! trần này có thấy,
Hải, Phú con quì lạy trước ngôi;
Đàn đây mẹ đặng trở hồi,
Về nơi Liên cảnh khúc nôi lòng này.
Mẹ nhắc lại lòng đây thảm thiết,
Lúc sanh tiền chỉ biết đạo thôi;
Chồng con oan nghiệp trì lôi,
Có đâu rỗi rảnh tô bồi đức công.
Khi thoát xác, ân phong Hội Thánh,
Phẩm Nữ Thần chưa lãnh con ôi;
Vì chưng mẹ thiếu công bồi,
Của con đào tạo đây hồi mẹ đau (…)
Lòng thảm thiết lời này đó trẻ,
Làm sao con thấy mẹ được cùng;
Con ôi hai trẻ đồng chung,
Tình thương cốt nhục nấu nung nhau thời.
Vậy con có thương linh hồn của mẹ chăng con? Hải con thương linh hồn của mẹ chăng con? Con có tưởng giờ đây phải mẹ của con không? Sự tu cứu linh hồn của mẹ là phần xa lắm con ôi! Thương mẹ là thương em con đó. Con thương mẹ tức nhiên là thương anh em cốt nhục máu huyết mẹ sanh ra. Vậy Hải con! có động lòng thương mẹ chăng con?
Hai con có tình thương chăng nhỉ?
Cũng đừng cho ma quỷ xen vào;
Con ôi! cốt nhục rún nhau,
Cắt chia giọt máu, mẹ đau mấy lần (…)
Hải nghĩ trước nghĩ sau lời đấy,
Hãy tri tường kín đậy vào trong;
Tình thương Phú để vào lòng,
Tình thương trẻ nghĩ để trong nơi nào?
Minh dâu thảo biết sao lời mẹ,
Gương từ lành mẹ vẽ còn ghi;
Dâu hiền, con thảo thời kỳ,
Thời kỳ đạo đức đồng qui lo hành (…)
Phú con ôi! nghiêng mình phục hướng,
Phận con là con chưởng đức công;
Anh em vun đắp nơi lòng,
Hiếu tâm của trẻ gắng công điểm vào.
Liền ớ trẻ! mẹ trao lời dạy,
Đồng phận dâu cả thảy ôn tồn;
Vui hòa đạo đức bảo tồn,
Bất hòa lãnh tội ngục môn đọa lần.
Hai con thảo lời phân của mẹ,
Hai dâu hiền cạn lẽ để đây;
Con ôi đạo đức đắp xây,
Quên tình cốt nhục, cảnh này lưu vong.
Lãnh trọng tội gia tông đạo đức,
Lãnh trọng phần mẻ sứt tình thương;
Con ôi! Phú, Hải làm gương,
Minh, Liền đạo đức điểm chương đạo nhà (...)” [2]


2. Chăm sóc, phụng dưỡng:
Chúng ta có thể lấy những hình ảnh thực hành Đạo Hiếu của Đức Ngô Minh Chiêu lúc sinh tiền để làm bài học kinh nghiệm:
“Là một người hiếu nghĩa vẹn tròn nên khi có lương bổng rồi, Ngài bèn viết thơ mời ông thân bà thân từ ngoài Hà Nội về để trọn bề phụng dưỡng. Về sau ông thân Ngài ở riêng. Mỗi khi cần dùng tiền bao nhiêu thì Ngài cung phụng đầy đủ và không bao giờ để một lời than vãn. Để tránh sự thiếu hụt trong gia đình, ban đêm, Ngài đi dạy thêm tiếng Pháp cho các người Tàu. Đối với mẹ, Ngài là người con chí hiếu. Mỗi ngày đi làm việc về, Ngài không bao giờ quên hỏi thăm mẹ ăn cơm chưa hoặc ăn có ngon không? Những lúc bà cụ đau nhiều thì Ngài đi cầu Tiên xin thuốc và tự lo giặt giũ cho mẹ.” [3]
3. Thờ phượng:
Khi ông bà cha mẹ khuất bóng, chúng ta phải phụng thờ theo truyền thống văn hóa đạo đức của người Việt theo đúng như lời của Đức Chí Tôn đã dạy:
“Chỉ có xứ Việt Nam còn duy trì được sự tôn sùng tổ phụ theo tục lệ cổ truyền (…). Ý Thầy muốn nó được giữ nguyên thể như vậy mãi”. [4]
Đức Khổng Thánh dạy thêm:
“Khi mãn khó giữ câu mến đức,
            Sự vong như tồn được phụng thờ;
Thánh tâm tỉ lại hồi sơ,
Đi thưa về kỉnh bao giờ không quên.
Cơm kỵ lạp lo đền ngày trẻ,
Dĩa muối dưa nhờ mẹ cùng cha;
Kỉnh trên Thất Tổ ông bà, 
Tỏ lòng hiếu tử cúng mà ai ăn? 
Nhắc sự tích lòng hằng đau đớn, 
Nhờ công sanh nuôi lớn dạy khôn; 
Buồn lo tu niệm độ hồn,
Đặng cho cha mẹ Thiên môn đặng vào.” [5]
Vậy chúng ta cần phải làm những gì để độ hồn cha mẹ vào đặng Thiên môn?

II. VỀ MẶT THIÊN ĐẠO:
1. Khi ông bà cha mẹ còn sống:
A. Cần khuyến khích việc phát triển tâm linh. Tạo những điều kiện thuận lợi cho đường tu như: ăn chay, nghe và đọc kinh sách.
Muốn làm được những việc trên thì bản thân chúng ta phải có ý thức và thực hành trước tiên việc tu học và hành đạo. Phải có ý thức vượt lên trên những suy nghĩ bình thường của nhân thế: chỉ chăm lo đời sống vật chất. Trái lại chúng ta là người có học và được hiểu đạo thì phải quan tâm đến cả hai mặt vật chất và tâm linh. Và sự chăm sóc về tâm linh mới là quan trọng hơn.
Chính vì vậy, lúc mới Lập Đạo, khi độ dẫn ông Hội Đồng Lai ở Cần Đước - Long An, Đức Chí Tôn đã sớm dặn:
“Lai nghe dạy ...  ...  Con khá độ cha con, phòng ngày sau khỏi hao hớt công quả con ...” [6]
Nếu chưa làm được việc độ dẫn tâm linh cho cha mẹ lúc còn sống thì sẽ là nỗi ray rức dầu đã trở về ngôi xưa vị cũ. Thí dụ sau đây là lời than vãn của một vị sau khi đã được về cõi “thiêng liêng hằng sống” cho chúng ta thấy:
"Thiên Tài lai cơ (...). Phần tôi hoàn toàn theo Đạo, một hân hạnh tôi được hưởng tròn. Nhưng còn điều khó nghĩ là: Phụ mẫu tam thân còn tại tiền chưa chung một đường lối, thế nên tôi phận làm con nguyện cầu Chí Tôn ân xá, nên tôi nhập non Thần để luyện thành chơn thân, mới có đủ đầy công quả hầu giục huyết quản song thân chung về cội cả. Như thế trách nhiệm tôi mới tròn." [7]
Đến tuổi già rồi phải mắc nhiều bệnh tật là qui luật tự nhiên của một kiếp nhân sinh. Bổn phận làm con cháu để có thể làm tròn Đạo Hiếu trợ giúp người thân đi trọn đường tu, khi đó:
B. Chăm sóc phụng dưỡng ông bà cha mẹ, cần chú ý những điều:
- Một trường hợp đã thường gặp trong đời sống. Đó là khi đi trị bệnh, một số bác sĩ còn kém hiểu biết thường buộc người bệnh phải ăn mặn thì mới điều trị hoặc buộc phải dùng những phương thuốc có nguồn gốc động vật.
Thí dụ: thuốc uống được làm từ nhau thai; thuốc làm từ tạng phủ động vật; nước cốt gà,v.v...
Khi ấy, là con cháu chúng ta phải cố gắng giữ vững đức tin của chính mình để kiên quyết giúp cho người thân giữ được công trình khó nhọc trường trai đã mấy mươi năm! Việc nầy Đức Quán Thế Âm có dạy:
“Thường thường trong hàng tu thân hành đạo hay gặp những trở ngại trên bước đường tu thân lập quả như khảo đảo về phần thể xác (...). Đương trai giới hạnh đường lại vương mang bịnh hoạn có thể chẳng thâu dụng được trai giới, đến lương y bác sĩ đặt điều kiện ẩm thực theo khoa học hiện đại trái với luật giới trường trai (...).
Đó là những chướng ngại xảy đến làm ngăn trở bước đường tiến hóa cho đời giữ Đạo." [8]
- Một khía cạnh của Cận Tử Nghiệp là: cũng do nợ nần oan trái, nghiệp chướng nặng nề, một trường hợp kinh nghiệm khác chúng ta cũng nên lưu ý. Trong khi nhồi nghiệp căn quả báo, người bệnh tâm thần mê muội. Khi đó oan gia kéo đến đòi nợ, bèn xúi giục bệnh nhân đòi hỏi người nhà phải cho ăn những món mặn chi đó với vẻ thèm khát dữ dội! Trong những trường hợp như trên, chúng ta dùng món chay giả hình thức mặn, một mặt làm thức ăn cho người thân, mặt khác cúng cầu siêu cho các oan gia.
Có khi oan gia nghiệp báo xúi giục người bệnh cứ khăng khăng đòi hỏi con cháu phải sát sanh một con vật để làm thức ăn. Khi đó, chúng ta phải cố gắng khuyên nhủ và thường xuyên cho người bệnh nghe kinh. Mặt khác chúng ta nhờ bổn đạo cầu nguyện theo nghi lễ thông dụng, cũng như mỗi ngày gia quyến cầu nguyện Ơn Trên hộ trì cho người thân được ổn định tâm hồn vượt qua khảo đảo.
2. Khi ông bà cha mẹ đã mất:
A. Tang lễ:
- Theo nghi thức Cao Đài: đơn giản, không mê tín.
Một khi đã ý thức vấn đề tâm linh là điểm đích rốt ráo thì những gì cần thiết cho sự tiến hóa tâm linh phải luôn được xem trọng. Vì thế chúng ta không chạy theo những hình thức rườm rà, hao tốn như người đời thường thể hiện để chứng tỏ sự hiếu thảo nhưng không có ích chi mà lại làm phiền hàng xóm như: lợi dụng việc thức đêm trong đám tang để bài bạc, nhậu nhẹt, ca hát vang rền, v.v… Khi đưa tang thì kèn tây rần rộ những bản nhạc giật gân đối chọi với phường bát âm cổ nhạc bi ai.
Chúng ta cần phải thể hiện bản sắc văn hóa Cao Đài trong tang lễ. Như trong việc cúng tế cho vong linh người quá vãng, con cháu phải làm theo nghi lễ Cao Đài, không được bắt chước những hình thức mê tín như: đốt giấy tiền vàng bạc, nhà cửa, xe cộ, đồ dùng điện tử, v.v… Tại sao chúng ta không nghĩ rằng nếu vong linh hưởng được những cúng phẩm ấy có nghĩa là chưa được siêu thoát! Ai lại mong như thế, hóa ra bất hiếu hay sao?!!!
Còn nếu tổ chức “phá ngục cướp vong” rồi lập đàn cúng bái nhờ U Minh Giáo Chủ siêu độ theo quan niệm của dân gian để thể hiện tinh thần hiếu đạo thì lại cũng rơi vào mê tín!
Đức Địa Tạng Vương, mùa Trung Nguơn Tân Sửu (1961) có dạy:
“Giờ nay Ta vâng Ngọc Hư Sắc triệu, Tam Giáo truyền ban, Ta mượn điển quang để bày giải đôi câu đạo đức để kỷ niệm trường sanh trong kỳ Trung Nguơn xá tội. Hỡi nầy chư hiền thiện tín! Có lẽ chư hiền thấy rõ người đời mãi khi đưa xác chết lên đường, lập bàn gọi Địa Tạng rước vong. Cười (…). Nầy chư thiện tín! Ta chỉ có quyền pháp để siêu rỗi cho những vong hồn biết siêu rỗi, giải thoát cho những vong hồn có các nhân lành đặt trên đường giải thoát. Chớ quyền pháp của Ta không phải để cướp tội một đám giải oan của người đưa Ta lên địa vị rước vong như người lầm tưởng.” [9]
Vì thế thay vì sa đà vào hình thức rần rộ để cố chứng tỏ cho đời biết sự hiếu thảo của mình với người quá cố, chúng ta, những tín hữu Cao Đài một khi đã hiểu Lý của Đạo Hiếu sẽ không làm như thế. Trái lại, những điều cần phải làm nếu muốn cho người thân mau được siêu rỗi thì trong việc tang lễ - cầu siêu, chúng ta phải thực hiện những điều mà Thế Luật điều thứ 16 và 17 trong Tân Luật qui định:
“Trong việc tống chung không nên xa xỉ, không nên để lâu ngày, không nên dùng đồ âm công có màu sắc loè lẹt, chỉ dùng toàn đồ trắng, không nên đãi đằng rần rộ mà mất sự nghiêm tịnh và mất dấu ai bi.
Trong việc cúng tế vong linh không nên dùng hy sinh, dùng toàn đồ chay thì được phước hơn. Không cấm lễ nhạc song phải dùng lễ nhạc theo Tân Luật. Tang phục thì y như xưa.”
- Cúng Chay:
Vậy trong tang lễ và sau này trong cầu siêu cửu cửu, bên cạnh việc cúng chay chúng ta cố gắng ăn chay trong những ngày này dầu đó không phải là ngày ăn chay đối với những đạo hữu còn ăn chay kỳ.
Một thí dụ về việc cần thiết phải cúng chay cho người thân đã qui liễu qua lời dạy con của chơn linh một vị Chức Sắc phẩm Giáo Sư được Đức Quán Thế Âm độ dẫn về đàn nhân mùa Trung Nguơn cầu siêu tháng bảy năm Nhâm Dần (1962):
“ Nam Hải Quan Âm Như Lai. Bần nữ đại hỉ chư Thiên mạng, miễn lễ an tọa.
Thi Bài
Trung Nguơn lễ Vu Lan xá tội,
Để chư vong bớt lỗi nhờ con;
Thế gian hành thiện lo tròn,
Cứu chơn linh khỏi héo von ngục hình.
Mỗi Thiên mạng tuy mình tu tập,
Nhưng mẹ cha được cấp phước dư;
Nhờ công con sẽ bù trừ,
Bớt lần tội lỗi từ từ siêu lên.
Mục Kiền Liên chí bền lập đức,
Cứu mẹ người được dứt oan khiên;
Tích xưa nêu để roi truyền,
Thế gian lấy đó mối giềng tu thân.
Muốn kỷ niệm nên Bần Nữ giáng,
Đưa chơn linh đến Vạn Quốc Đàn;
Giáo Sư Ngọc Bút Thanh ban,
Vào cơ nhắc nhở một đàn con thơ.
Lo tu niệm được nhờ âm đức,
Để phụ thân sớm giải tội xưa;
Hầu mau siêu rỗi thượng thừa,
Về nơi cực lạc sớm trưa hưởng nhàn.
Tiếp điển:                                         
Thi
Ngọc ngà châu báu của trần gian,
Bút hạ đôi câu nhắn ít hàng;
Thanh trược đời người ôi liệu lấy,
Giáng cơ khuyên trẻ chốn gia đàng.
Ngọc Bút Thanh, hiền huynh chào chư Thiên mạng, huynh tỷ đệ muội, các em an tọa. Hôm nay, hiền huynh được ân đức Thiêng Liêng cho phép về đàn để nhắc nhủ các con của hiền huynh (…)
Thi
Nguyễn Bỉnh Nghiên con đáng phận con,
Một lòng hiếu thảo đã lo tròn;
Từ Vân tuần cửu thành tâm nguyện,
Cha được về đàn điểm bút son.
Thi Bài
Ngày mồng chín tháng tư vĩnh biệt,
Hai mươi giờ rưỡi kiệt hơi mòn;
Nhâm Dần từ giã các con,
Chơn linh xuất khỏi được tròn phận cha.
Thấy các trẻ nhỏ sa lụy ngọc,
Khuyên từ nay ráng học tu thân;
Bỉnh Nghiên cha dạy tua vâng,
Những ngày giỗ chạp nên cần cúng chay.
Để cha được phước nay siêu độ,
Nhẹ linh hồn Tiên lộ bước lên;
Đó là lễ kỉnh ân trên,
Dưới đây gởi nhắc các tên trẻ hiền. (…)
Thôi từ giã chuyện trò vừa mãn,
Về non Thần dày dạn lập công;
Tu thêm chờ lúc đắc phong,
Ấy là con trẻ một lòng thương cha.” [10]
B. Thành kỉnh tham gia cầu siêu tháng bảy:
Là tín hữu Cao Đài, trong mùa Vu Lan chúng ta thể hiện Hiếu Đạo với vong linh Cửu Huyền Thất Tổ cụ thể bằng cách siêng năng tham gia cùng tập thể bạn đạo các thời cúng cầu siêu cho thân nhân của mình và thân nhân của các đạo hữu cũng như cho các âm hồn.
“Rằm tháng bảy đến kỳ phóng xá;
Trước điện vàng phục tạ thiêng liêng,
Cháu con lòng phải kiền thiền.
Khẩn cầu may đặng tội liền giảm khinh (...)” [11]
Thí dụ sau đây chứng minh điều này:
Châu Thị Phương phục hồi Thánh Vị, (… )
Kỳ đại xá Trung Nguơn thắng hội,
Luật xá ân giải tội âm phù;
Những người trước đã biết tu,
Còn sai đôi nẻo Diêm Phù buộc chơn.
Nhờ hối cải bồng sơn trở lại,
Hoặc nơi trần con cái nguyện cầu;
Tạo lập công quả đức hầu,
Thay vào chuộc tội giải sầu tổ tiên.” [12]
Đức Chí Tôn, một lần giáng đàn ở Trung Hưng Bửu Tòa thuộc Hội Thánh Truyền Giáo có giải thích ý nghĩa việc cầu siêu cho đạo hữu là việc phải làm để thể hiện sự thương yêu-hiếu đạo qua việc độ tử.
“Thầy đến giờ nầy nói qua những điều các con chưa rõ: việc làm lễ cầu siêu cho Đạo đồ quá khứ là một dịp đại ân xá của Thầy. Nhưng có đứa hỏi tại sao Thầy đã đưa tay tận độ mà còn cầu siêu để làm gì? Thầy luôn luôn ở nơi lòng mỗi con mà điều độ lấy con. Sự thương yêu ở đâu là Thầy ở đó. Các con có sự thương yêu hiện ra là hạt giống lành của Thầy đã ban mà hôm nay đã được nứt nở. Thầy với các con là một. Thầy đến với các con bằng thương yêu, các con phải là sự thương yêu mới hòa một. Nên chi sự độ tử là Thầy muốn cho toàn Đạo lập công để hạt từ bi chính đạo trưởng dưỡng, tiến lên cõi Đạo mà Thầy là người rước, Hội Thánh là kẻ đưa. Có đưa mới rước là pháp Đạo công bình. Thầy cũng không vượt ngoài luật ấy. Nên thời kỳ tuy nói là tận độ mà không phải ai ai cũng được độ.
Nếu Thầy có quyền tự ý độ tận thì có mở cửa Đạo làm gì? Thầy dùng điển quang chuyển nhập vào mỗi chúng sanh làm cho hạt giống từ bi được tiếp duyên lành mà trưởng dưỡng, đó là độ. Các con cầu siêu cho đạo lữ, cho tiên linh nghĩa là Thầy độ bằng thuyền, các con chèo sào chống tới. Ấy mới là hợp lẽ Thiên Nhơn tương hội. Những điều nào đề ra cũng muốn lợi cho tâm bồ đề để cứu chuộc được cả vạn linh đương trầm luân nơi khổ hải. Tiên linh của con, con không độ được thì con thất hiếu. Thất hiếu là thất Đạo." [13]
Bên cạnh việc hướng dẫn các tín đồ thể hiện Đạo Hiếu trên cả hai mặt độ sanh và độ tử đối với ông bà cha mẹ, giáo lý Cao Đài cũng dạy hãy ý thức thực hành Tam Công gắn bó với sứ mạng độ đời:
“Nay nhằm tiết Trung Nguơn đại xá, nơi Diêm đình xá tội vong linh, chốn Thiên cung rước khách nguyên nhân trở về ngôi xưa vị cũ. Luật Tạo Hóa chuyển vần từ cổ chí kim như vậy.
Hiện giờ chư hiền đệ muội hữu phước lập công trong buổi Đạo quy nguyên thì hãy ráng thêm lên cho công viên quả mãn hầu trở lại dưới chơn Thầy. Đường chánh nẻo chơn của chư hiền là nhặt bước chung tâm hành Đạo theo đường lối Thiêng Liêng vạch rõ từ xưa. Nay chỉ còn chờ nơi chư hiền trọn vẹn với bổn phận người tu thì ắt sẽ thành chánh quả.” [14]
3. Tu học hành Đạo để làm tròn Đạo Hiếu:
A. Phải ý thức việc ăn chay của mình có ảnh hưởng đến việc giải trừ nghiệp chướng của cha mẹ:
Khi con cháu còn ăn chay kỳ, cha mẹ nuôi con làm thức ăn mặn cho nên phải gánh nghiệp. Một vị đạo hữu sau khi đã được về cõi trên, giác ngộ được điều này nên khi được về đàn đã khuyên các con:
“Hai con… Nếu con biết thương cha mẹ và thương thân mình thì hãy cố gắng trường chay để cho thể chất thay đổi lần lần hầu chịu đựng với thiên tai trong mai hậu. Nhược bằng chưa thể được thì đừng để mẹ con phải mang tội sát sanh vì hai con nghe. [15]
B. Xem việc Đạo là trọng:
Chúng ta hãy nghe lời khuyên của một đấng Tiền Khai Đại Đạo, Đức Ngọc Lịch Nguyệt, với một người cháu của mình:
“Đây Ta dạy cháu Lê Hoàng Cầu và hiền muội Ngô Thị Các. Trong cảnh mẹ góa con côi, gần đường đạo đức, hiền muội hãy cố gắng ngày đêm tu niệm để cứu linh hồn trong buổi trời chiều xế bóng, dầu lao thân tiêu tứ rồi cũng chẳng có chi.
Cháu Cầu và các cháu biết thương mẹ, biết vì hiếu đạo, hãy cố gắng bước lên đường đạo để giúp cho mẹ các cháu thoát cảnh đọa lạc luân hồi. Còn hơn là các cháu may áo gấm, dâng miếng ngon cho thể xác. Ta dặn như vậy, các cháu lưu ý.” [16]
Người tín đồ nếu đã tu học và giác ngộ ở mức độ khá, ý thức được con đường sứ mạng tận độ, đại ân xá kỳ ba của Chí Tôn Thượng Đế với chúng sanh thì sẽ xem việc hành đạo là lẽ sống lý tưởng của đời mình. Khi đó sứ mạng trước nhân sanh có tầm quan trọng hơn nghĩa vụ trong gia đình. Lời dạy sau cũng của Đức Ngọc Lịch Nguyệt, cho chúng ta thấy điều này:
“Bạch Tuyết nhục nữ! Ta mừng thương cho con được noi chí Ta mà hành đạo. Vậy ngày kỷ niệm thoát xác của Ta đúng với ngày phái đoàn khởi hành thăm viếng miền Trung. Con vì lòng hiếu Đạo có thể sắm một nhành bông, một trái cây, một chén bạch thủy vào đầu giờ Mẹo mùng 2 tháng 9 Mậu Thân. Ta sẽ đến chứng cho con tại bàn thờ tiền bối quá vãng, rồi con kịp giờ khởi hành cùng phái đoàn.
Khi biết được Đạo, muốn báo đáp hiếu thân thì con hãy hành cho được cái Đạo và cái chí của Ta năm xưa mới là đáng kể. Chớ phần hình thức trang trọng đối với Ta không thành vấn đề. Các cháu con đến ngày kỷ niệm Ta hãy tụ họp lại Vĩnh Nguyên với lễ nghi đơn giản và đạm bạc. Cần yếu là soạn lại những lời của Ta đã dạy từ mấy năm qua và hành cho được cái Lý Đạo đó. Có Ta đến chứng lễ cho.” [17]
Cùng với ý trên, Đức Lê Đại Tiên có dạy cho những ai đã giác ngộ:
“Phải hoàn toàn sống cho Đạo, có như vậy mới gọi là trung, là hiếu, là tiết, là nghĩa của bổn phận làm người.” [18]
Vì thế người tín hữu Cao Đài chúng ta cần:
C. Phải hiểu và hành: chăm lo hành đạo độ dẫn nhân sanh.
Những đoạn Thánh Giáo sau đây giúp cho chúng ta có cách nhìn đúng trên đường thực hành đạo Hiếu.
- Đức Chơn Thanh Chơn Tiên ở Thánh Tịnh Bồng Lai dạy con:
“Giờ chuyển bút lưu đây đến tận nhục nhi vài dòng tâm sự. Hiệp con! Nên nhận lấy trách nhiệm mình còn hô hấp cõi trần, nên tiếp tục hầu cởi mở nghiệt oan tại thế, giờ trút chơn hồn được phục hồi thượng cảnh. Đây là điều nhắn gió gởi mây, mong nhục nhi con được hòa mình trong chương trình phẩm vị.
Giờ đây, ái nhi con cùng hiền tức đồng chung nhau nhứt trí để tạo một căn cơ. Căn cơ nầy lưu tồn hậu thế, để cho đời một nơi cơ sở hầu học tập nuôi dưỡng tinh thần. Đó là một điều trọng đại mà cũng là một điều chí hiếu. Vì hiếu chí ư thiện. Lòng con thảo đã phô bày ấy là hiệp với lòng Trời vô vi thượng cảnh.” [19]
- Một lần giáng đàn trong mùa Vu Lan, Đức Mẹ đã hướng dẫn tín hữu Cao Đài chúng ta, những con cái của Ngài, thể hiện Đạo Hiếu như thế nào để vừa trọn bề Hiếu Đạo với Cửu Huyền vừa thực hiện Đạo Hiếu với đấng Mẫu Nghi vô hình:
“Khi đến mùa thu, lòng các con nôn nao rộn rịp, hội họp bao lần, mục đích để tạo ra một lễ hiến dâng cho Mẹ trong kỳ trung thu bát ngoạt (…). Vì động lòng các con nên Mẹ hạ trần bày giải, để các con suy tư hội ý hầu thực hiện theo ý của Mẹ nơi cõi vô hình. Này các con! Một cành hoa đơm đầy ngũ sắc cắm nơi ngân thủy bình, một ngọn hương, đó là lòng trọng đại của các con để cung hiến lên bậc chưởng quyền Càn Khôn Tạo Hóa (…)
Các con thương Mẹ, mến Mẹ vô hình, các con nên nhìn vào đoàn sau của các con từ thành thị đến thôn quê tinh thần rách nát, thân thể tả tơi, cơm chẳng no lòng, nước đà cặn bã, lửa cháy khô khan. Đó là điều mà Mẹ mong cho các con được làm tròn bổn phận. Các con mến Mẹ, các con phải thực hiện được điều này để chia sẻ nỗi khổ buồn của các con hẩm hiu bạc phước. Như vậy điều mong ước của Mẹ, các con nên lưu tâm chia sớt nỗi khổ đau (…).
Vậy giờ Mẹ rọi điển cùng các con đôi lời. Các con tri tường hầu chuẩn bị tinh thần thực hành ý Mẹ (…). Vậy các con đàn tiền, giờ điển truyền điều cầu nguyện của mỗi con.
Mẹ chấm công kỳ đại xá vong linh Cửu Huyền sẽ được phục hồi Tiên môn tịnh luyện. Đó là phúc lành các con sẽ gặp kỳ đàn đến, các con sẽ tiếp những vong linh được đại xá hồi cơ, đó là đáp lòng các con trần Hiếu Đạo.” [20]
- Người nhập môn vào đạo đã lâu năm, được học hiểu những lời giáo huấn của Ơn Trên nên giác ngộ, ra sức rèn luyện tu thân và hành đạo, lấy việc bồi công lập đức làm niềm vui. Bởi vì chúng ta ý thức được rằng trong khi chúng ta sốt sắng không mệt mỏi hành Đạo là chúng ta đang thực hành Đạo Hiếu với Cửu Huyền Thất Tổ và đồng thời cũng đang làm vui lòng Thầy Mẹ như lời Đức Chí Tôn đã dạy:
“Sơn hà bóng đã mỏi mòn,
Bước chân Đại Đạo sắc son mỗi thời;
Đem thân dâng hiến cho đời,
Cứu người mê muội độ người đau thương.
Là con biết rõ vai tuồng,
Hiếu Thầy, trung Đạo làm gương sau nầy;
Nắng mưa mỗi lúc vần xoay,
Tâm con mỗi lúc đủ đầy đức công.” [21]
Nắng mưa không ngại, đem thân dâng hiến cho đời để cứu độ người đau thương mê muội là chúng ta đang thể hiện lòng hiếu Đạo với Thầy cũng như với Cửu Huyền Thất Tổ.
D. Hướng dẫn con cháu nhập môn:
Và quá trình bồi công lập đức thực hiện sứ mạng cũng đừng quên việc hướng dẫn phần tâm linh của con cháu. Chúng ta có nhiều thí dụ lời dạy về việc này. Đức An Hòa Thánh Nữ có lần dạy con như sau:
“Con nên nhớ câu nầy: Cái đèn sáng nhờ châm dầu thường, lau bóng sạch, chăm sóc mới được sáng hằng ngày hằng bữa, thì đạo tâm cũng vậy. Cần nhứt là nên lo cho tương lai của các con cháu. Phải làm thế nào:
Cây cam phải trổ trái cam,
Đừng trổ bồ hòn cho thế gièm pha.
Khi tuổi trẻ còn non lòng, khờ dại ví như kiểng non, con phải tùy thế tùy phương cách để sửa sang hun đúc lại cho được hoàn hảo. Đó là con làm vui lòng mẹ, cũng như con đây được hiếu thảo với tông môn vậy. Con ghi nhớ.” [22]
Đức Minh Đức Đạo Nhơn trong một lần giáng đàn dạy dỗ gia đình có những lời như sau:
“Cha đã mừng thấy hai con được nối chí của cha mà hành đạo, cố gắng vượt mọi khó khăn và thử thách từ nội gia, nội bộ Cơ Quan đến ngoại cảnh để đạt những gì tốt đẹp hiến dâng Chí Tôn Thượng Đế.
Hai con xứng đáng là con hiếu thảo của cha để không hổ thẹn với câu “lập thân hành đạo dương danh ư hậu thế, dĩ hiển kỳ phụ mẫu hiếu chi thị giả”. Nhưng còn một chút nữa mà cha không thể không nói ra đây, vì không nói e hai con quá bận việc rồi quên đi: đó là về mặt nhân đạo ở cương vị làm con hiền. Hai con đã báo hiếu được cho cha mẹ trong công việc hồi hướng công quả rồi.
(…) Nhưng ở cương vị thế Thiên hành hóa phổ truyền đạo lý, độ dẫn nhơn sanh thì hai con còn vướng một chút đó! Nếu làm được, ôi quý biết bao!
Như hiện giờ hai con đang xây dựng sự nghiệp to lớn lâu dài cho con cái, nhưng con không hướng dẫn nó song song với sự nghiệp đạo đức tinh thần, tâm linh bổn giác thì chẳng khác nào hai con đóng cho chúng những chiếc đại thương thuyền để vượt trùng dương nhưng không dạy chúng biết cách sử dụng của người thuyền trưởng. Rồi khi vượt phong ba gặp bất trắc chúng nó biết làm sao, hỡi hai con? (…)
Trong lúc hai con lo phổ độ chúng sanh đó đây khắp các nẻo đường nỡ nào bỏ quên chúng sanh bên cạnh hai con! Làm sao khỏi uổng công tạo hóa chúng mới thật là hai con chí hiếu vậy.” [23]
Vậy một khía cạnh thể hiện chữ hiếu là việc cần thiết phải hướng dẫn tất cả con cháu nhập môn vào đạo để góp phần công đức cho Cửu Huyền Thất Tổ cũng được Đức Mẹ dạy:
“Mẹ ban một đặc ân cho mấy đứa Chí Thành, Chí Bảo, Chí Mỹ. Đặc ân nầy không phải riêng cho các con mà là một gương khích lệ cho các con tu thân hành đạo. Ba con hãy về dạy tất cả các em cháu con cái trong gia đình, nếu đứa nào chưa nhập môn cầu đạo thì hãy bước vào để cho những chơn linh đã tu hành từ trước được thọ hồng ân trở về gặp gỡ các con, dạy những điều hay lẽ phải cho hiểu đạo lý nhân quả luân hồi như thế nào mà giác ngộ phổ độ nhơn sanh.” [24]
E. Vào đường Thiên Đạo:
Sự tu học hành đạo bồi công lập đức độ dẫn nhân sanh là thực hành Đạo Hiếu ở bậc Thánh Đạo và mai sau khi tu tiến vào Thiên Đạo tịnh luyện là thực hành Đạo Hiếu ở bậc Tiên Đạo. Cả hai rất quan trọng cho việc cứu độ Cửu Huyền Thất Tổ. Đức Lý Giáo Tông có dạy:
“Một khi chư hiền nào đã nhập môn lập thệ hoặc thọ pháp rồi là đều đã góp phần khởi thủy cho việc cứu độ Cửu Huyền Thất Tổ rồi đó.” [25]
Chúng ta có thể lấy một thí dụ trong kinh Tiếng Trống Giác Mê của Đức Bá Phước Minh Thần để thấy kết quả và làm thí dụ thực hành Đạo Hiếu về mặt Thiên Đạo:
“Thần chào chư Thiên mạng, chư phận sự, giờ nay Thần đắc lịnh Đại Từ Phụ, sắc danh từ cho Thần tả kinh tiếp đoạn sau này hầu có lập thêm âm đức. (Còn) Thần đây khi sanh tiền nào có tu, nhưng trọn gìn lòng ngay thật đạm bạc của cải gầy chút ít công quả. Rồi đến khi Thần qui vị, nhờ 3 ấu nhi là Thứ, Đài, Bang lo lập bồi đạo đức nên nay Đại Từ Phụ ân xá cho Thần về tả kinh. Rất hữu hạnh, rất hữu hạnh. Bởi thế nên có câu “Nhứt nhơn đắc đạo Cửu Huyền thăng.”
Có nhiều khi Thần về chốn cũ, trông thấy cả ấu nhi của Thần biết hội hiệp vui vầy một cửa lo tu luyện, Thần rất vui lòng và rất cảm động. Nay Thần để đôi lời khuyến thế mau hồi tâm tầm đường hạnh phước mà lần chân theo bước đạo Trời.” [26]

KẾT LUẬN:
Tín hữu Cao Đài thể hiện tinh thần Hiếu Đạo đúng với Đạo Lý là chăm lo cho ông bà cha mẹ trên cả hai mặt nhân sinh và tâm linh:
“Chữ hiếu phải lo vẹn phận người,
Sanh thành Đạo trọng há đâu chơi;
Buông trôi ví chẳng tròn Nhơn Đạo,
Còn có mong chi đến Đạo Trời.” [27]
Tháng bảy, mùa Vu lan báo hiếu theo truyền thống văn hóa Đông Phương, nếu như gương của Vua Thuấn thể hiện đạo hiếu trên mặt nhân sinh thì gương của Ngài Mục Kiền Liên Tôn Giả thể hiện đạo hiếu trên mặt tâm linh.
Tam Kỳ Phổ Độ, trong tinh thần dung hòa tổng hợp và phát huy truyền thống văn hóa, Ơn Trên dạy chúng ta phải thể hiện sự Hiếu Đạo rốt ráo trên cả hai mặt. Tùy theo mức độ giác ngộ hiếu đạo của mỗi người mà áp dụng thực hành theo cấp bực nào đó trong Ngũ Chi Đại Đạo. Nhưng vấn đề rốt ráo sau cùng, quan trọng nhất, vẫn là chăm lo cho sự siêu thoát tâm linh của Cửu Huyền Thất Tổ. Mà bước khởi đầu là lời dạy của Đức Lý Giáo Tông:
“ Chư hiền đệ muội! Có câu: “Tu là cứu Cửu Huyền Thất Tổ (…)”. Một khi chư hiền nào đã nhập môn nhập thệ hoặc thọ pháp rồi đều đã góp phần khởi thủy cho việc cứu Cửu Huyền Thất Tổ rồi đó.” [28]
Đức Hà Tiên Cô dạy:
“Sự đền ơn trả thảo cù lao dưỡng dục chi nghĩa là phải tu như vậy. Tu cho đắc đạo, phản bổn huờn nguyên, thời độ Cửu Huyền Thất Tổ theo lên, chớ chẳng phải phụng cúng đồ cao lương mỹ vị.
Thế gian khi thác thì nhứt sát tam sanh, tế tông tự tổ ấy là gia tăng đại tội cho tiên thân, chẳng phải là hiếu.” [29]
Ơn Trên cũng nhắc, một khía cạnh của hiếu đạo là tìm cách độ dẫn cha mẹ để ngày sau ít bị hao hớt công đức:
“… khá độ cha con, phòng ngày sau khỏi hao hớt công quả con.” [30]
Đức Lý Giáo Tông cũng nhắc:
“Sự tiến triển cao hơn là nhờ công phu tu luyện bởi lòng chân thành quyết hy sinh với đạo, để tầm lối thanh cao giải tỏa nghiệp trần, tự tạo lấy quả công tăng cho mình phẩm vị.
Vậy Thiêng mạng chư hiền nên giữ vững lập trường đạo đức, “lập thân hành đạo dương danh ư hậu thế, dĩ hiển kỳ phụ mẫu hiếu chi thỉ giả.”
Vậy phần thay thân lãnh đạo, nhận định đường lối trung hòa làm gương mẫu hướng đạo hầu dẫn dắt đoàn hậu tấn về nơi cõi thiện. Như vậy là phần Thiên mạng đã tròn tại thế.” [31]
Và chính sự cố gắng tu học hành đạo, góp phần phổ độ nhơn sanh của mỗi tín hữu chúng ta thể hiện tinh thần Hiếu Thầy, Trung Đạo là phương cách thể hiện Đạo Hiếu trọn vẹn nhất như lời Thầy đã dạy:
“Các con đã được sinh trưởng nơi nguồn gốc yêu thương mà Thầy trên ban bố. Vậy thì các con phải làm sao cho vẹn phần thì đó là đền đáp hiếu tử phận con.” [32]
Vậy khi chúng ta thể hiện Đạo Hiếu được tốt trên cả hai mặt nhân sinh và tâm linh thì kết quả cho bản thân và sự cứu độ Cửu Huyền Thất Tổ ắt là thực tế.
Đạt Tường

----------------------------------------------------------------
[1] Đức Khổng Thánh, Thánh Đức Chuyển Mê trang 68, Ngọc Vân Đàn 06.06 Ất Hợi (1935)
[2] Đạo Lý 82 trang 89, Thanh Liên Đàn, 12.07. Nhâm Tý (1972)
[3] Lịch sử Quan Phủ Ngô Văn Chiêu 1962 trang 15
[4] Đức Chí Tôn, Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 2 trang 121 (1926)
[5] Đức Khổng Thánh, Thánh Đức Chuyển Mê trang 69, Ngọc Vân Đàn 06.06 Ất Hợi (1935)
[6] Thánh Ngôn Chơn Truyền bí yếu tờ 32B. Đàn nhà ông Hội Đồng Lai
[7] Huờn Cung Đàn, 30.08 Mậu Thân (21.10.1968)
[8] Đức Quán Thế Âm, Minh Lý Thánh Hội 01.03 Kỷ Dậu (1969)
[9] Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Huờn Cung Đàn 14 rạng 15.07 Tân Sửu (24.08.1961)
[10] Vạn Quốc Tự - Thị Nghè, Rằm tháng 7 Nhâm Dần (14.08.1962)
[11] Đức Bảo Hòa Thánh Nữ, Vĩnh Nguyên Tự 02.01 Giáp Thìn (14.02.1964)
[12] Đạo Lý 70 trang 107, Tam Thanh Bửu Điện 15.07 Tân Hợi (04.09.1971)
[13] Đức Chí Tôn, Thánh Truyền Trung Hưng 2 trang 224, Trung Hưng Bửu Tòa 13.03. Bính Thân (1956)
[14] Đức Lý Giáo Tông, Huờn Cung Đàn 14 rạng 15.07 Tân Sửu (24.08.1961)
[15] Chơn linh Ngài Minh Tra – Hồng Phước Hoàng Ngọc tạo, Văn Phòng PTGL 14.05 Đinh Mùi (21.06.1967). Sau đắc Đô Thống Quản Địa Thần. Nay là Giác Minh Tôn Thánh.
[16] Đức Ngọc Lịch Nguyệt, Vĩnh Nguyên Tự 15.11 Tân Hợi (01.01.1972)
[17] Đức Ngọc Lịch Nguyệt, Minh Lý Thánh Hội (01.10.1968)
[18] Đức Lê Đại Tiên, Ngọc Minh Đài 10.05 Canh Tuất (1970)
[19] Đức Chơn Thanh Chơn Tiên, Thánh Tịnh Bồng Lai 05.05. Nhâm Tý (15.06.1972)
[20] Đức Vô Cực Từ Tôn, Đạo Lý 94 trang 35 Huờn Cung Đàn 14.07 Quý Sửu (1973)
[21] Đức Chí Tôn , Nam Thành Thánh Thất mùng 01.01 Canh Tuất (06.02.1970)
[22] Đức An Hòa Thánh Nữ, Cơ Quan PTGLĐĐ 15.05 Giáp Dần (1974)
[23] Đức Minh Đức Đạo Nhơn, Cơ Quan PTGLĐĐ 10.02 Nhâm Tý (24.03.1972)
[24] Đức Mẹ, Ngọc Minh Đài, 15.01 Canh Tuất (20.02.1970)
[25] Đức Lý Giáo Tông, Cơ Quan PTGLĐĐ, 04.03 Quí Sửu (06.04.1973)
[26] Tiếng Trống Giác Mê trang 53, An Long Hóa Tự 06.09 Mậu Dần (1938)
[27] Thánh Ngôn Hiệp Tuyển 2 trang 134
[28] Đức Lý Giáo Tông, Cơ Quan PTGLĐĐ, 04.03 Quí Sửu (06.04.1973)
[29] Đức Hà Tiên Cô, Kinh Tam Nguơn Giác Thế trang 29, 16.10 Tân Mùi (1931)
[30] Thánh Ngôn Chơn Truyền bí yếu tờ 32B. Đàn nhà ông Hội Đồng Lai
[31] Đức Lý Giáo Tông, Đạo Lý 103 trang 20, Trúc Lâm Thiền Điện, 07.04 Giáp Dần (28.04.1974)
[32] Đức Chí Tôn, Huờn Cung Đàn 18.09 Canh tý (06.11.1960)