Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

Một tô mì


Một Tô Mì

Tối hôm đó Sue cãi nhau với mẹ, rồi không mang gì theo cô đùng đùng ra khỏi nhà. Trong lúc đang lang thang trên đường phố, cô mới nhớ ra rằng mình chẳng có đồng bạc nào trong túi, thậm chí không có đủ mấy xu để gọi điện về nhà.
Cùng lúc đó cô đi qua một quán mì, mùi thơm bốc lên ngào ngạt làm cô chợt cảm thấy đói ngấu. Cô thèm một tô mì lắm nhưng lại không có tiền!
Người bán mì thấy cô đứng tần ngần trước quầy hàng bèn hỏi:
- "Này cô bé, cô có muốn ăn một tô không?"
- "Nhưng... nhưng cháu không mang theo tiền..." - cô thẹn thùng trả lời.
- "Được rồi, tôi sẽ đãi cô - người bán nói - Vào đây, tôi nấu cho cô một tô mì".
Mấy phút sau ông chủ quán bưng tới cho cô một tô mì bốc khói. Ngồi ăn được mấy miếng, Sue lại bật khóc.
- "Có chuyện gì vậy?" - ông ta hỏi.
- "Không có gì. Tại cháu cảm động quá!" - Sue vừa nói vừa lấy tay quẹt nước mắt.
- "Thậm chí một người không quen ngoài đường còn cho cháu một tô mì, còn mẹ cháu, sau khi cháu cự cãi đã đuổi cháu ra khỏi nhà. Chú là người lạ mà còn tỏ ra quan tâm đến cháu, còn mẹ cháu... bả ác độc quá!" - cô bé nói với người bán mì...
Nghe Sue nói, ông chủ quán thở dài: 
- "Này cô bé, sao lại nghĩ như vậy? Hãy suy nghĩ lại đi.  Tôi mới chỉ đãi cô có một tô mì mà cô đã cảm động như vậy.  Còn mẹ cô đã nuôi cô từ khi cô còn nhỏ xíu, sao cô lại không biết ơn, mà lại còn dám cãi lời mẹ nữa?"
Sue giật mình ngạc nhiên khi nghe điều đó.
- "Tại sao mình lại không nghĩ ra nhỉ?  Một tô mì của người lạ mà mình cảm thấy mang ơn, còn mẹ mình đã nuôi mình hàng bao năm qua mà thậm chí mình chưa bao giờ tỏ ra quan tâm đến mẹ, dù chỉ một chút, mà chỉ vì một chuyện nhỏ mình lại cự cãi với mẹ".
Trên đường về cô thầm nghĩ trong đầu những điều cô sẽ nói với mẹ: "Mẹ ơi, con xin lỗi. Con biết đó là lỗi của con, xin mẹ tha thứ cho con..."
Khi bước lên thềm cửa, cô thấy mẹ đang mệt mỏi và lo lắng vì đã tìm kiếm cô khắp nơi. Nhìn thấy Sue, mẹ cô nói:
- "Sue, vào nhà đi con.  Chắc con đói bụng lắm rồi phải không?  Cơm nước mẹ nấu xong nãy giờ rồi, vào mà ăn ngay cho nóng..."
Không thể kềm giữ được nữa, Sue òa khóc trong tay mẹ.

------------------------------------------------------------------
"Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta dễ cảm kích những hành động nhỏ mà một số người chung quanh làm cho chúng ta, nhưng đối với những người thân thuộc, nhất là cha mẹ, chúng ta lại xem sự hy sinh của họ là sự đương nhiên..."
Tình yêu và sự quan tâm lo lắng của cha mẹ là món quà quý giá nhất mà chúng ta được tặng từ khi mới chào đời.
Cha mẹ không mong đợi chúng ta trả công nuôi dưỡng, nhưng ... liệu có bao giờ chúng ta biết quý trọng sự hy sinh vô điều kiện này của cha mẹ chúng ta chưa?
Tan Do sưu tầm.

Góp phần làm sáng tỏ lịch sử Đạo Cao Đài


Quý anh chị em vào đường link sau để cùng tham khảo một công trình nghiên cứu rất công phu và có tính thuyết phục cao của Đạo Huynh Đạt Tường về những nhận định nhằm “Góp phần làm sáng tỏ lịch sử Đạo Cao Đài”:


Sau khi đọc xong tập tài liệu này, quý anh chị em sẽ gặt hái được nhiều điều bổ ích về tiến trình khai đạo do Ơn Trên khai mở và sẽ có thêm những kiến thức về sử đạo rất cụ thể mà trước giờ mình chưa từng nghe qua hoặc chưa được hiểu rõ ràng cho lắm.

Chánh Tuân.

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2011

Đức Quan Thế Âm Bồ Tát trong Tam Kỳ Phổ Độ


Đức Nhị Trấn Oai Nghiêm
Quan Thế Âm Bồ Tát

Quan Thế Âm Bồ Tát là một vị Bồ Tát nhận biết được tiếng kêu cứu của chúng sanh nơi cõi trần, Ngài liền hiện đến để cứu khổ cứu nạn cho chúng sanh.
Do đó, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát còn được gọi là: Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn Quan Thế Âm Bồ Tát, Đại Từ Đại Bi Quảng Đại Linh Quan Thế Âm Bồ Tát, hay gọi vắt tắt là: Quan Âm Bồ Tát hay Quan Âm Như Lai.
Ngài là một vị Nữ Phật, nhưng còn mang danh hiệu Bồ Tát là vì Ngài còn nhiệm vụ cứu độ chúng sanh.
Phật giáo Tây Tạng gọi Ngài là Quán Thế Âm Phật, là vị Phật Nam, hộ trợ xứ Tây Tạng. Người Tây Tạng đều tin rằng, chính Ngài chuyển hóa vào thân Đức vua Đạt-Lai-Lạt-Ma cai trị xứ Tây Tạng, nên dân Tây Tạng xem Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma là vị Phật sống của họ.
Đức Quan Thế Âm Bồ Tát có một hiện thân gồm 11 cái mặt, 1000 cánh tay, 1000 con mắt, có 108 hồng danh. Ngài ngự tại Đền Potala nơi kinh đô xứ Lhassa, Tây Tạng.
Ở Trung Hoa và Việt nam, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát là vị Nữ Phật do hai truyện tích: Quan Âm Thị Kính và Quan Âm Diệu Thiện.
Bất cứ hạng người nào trong chúng sanh, khi bị lâm nguy tánh mạng, như gặp phải tai nạn lửa cháy, tai nạn chìm tàu, bị cướp hãm hại, bị tra khảo, tù đày oan ức, v.v.... nếu thành tâm niệm danh hiệu của Ngài để cầu cứu thì Ngài liền hiện đến mà cứu giúp cho tai qua nạn khỏi.
Trong Đạo Cao Đài, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát là vị Nữ Phật, đại diện Đức Phật Thích Ca, lãnh lịnh Đức Chí Tôn làm Đệ Nhị Trấn Oai Nghiêm, cầm quyền Phật giáo thời ĐĐTKPĐ.
Trên tấm diềm phía trước Bát Quái Đài Tòa Thánh, tượng của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát ngự trên tòa sen, gần bìa phía tay mặt của Đức Lão Tử, thuộc bên Nữ phái.
Nơi Thánh Tượng Thiên Nhãn thờ tại tư gia, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát ngự trên tòa sen, hình Ngài ở phía mặt của Thiên Nhãn, dưới hình Đức Thái Thượng Lão Quân.
Trong LUẬT TAM THỂ, Bát Nương có giáng cơ dạy rằng:
"Dưới quyền của Phật Mẫu có Cửu Tiên Nương trông nom về Cơ Giáo hóa cho vạn linh, còn ngoài ra có hằng hà sa số Phật trông nom về Cơ Phổ độ mà Quan Thế Âm Bồ Tát là Đấng cầm đầu. Quan Thế Âm Bồ Tát ngự tại Cung Nam Hải, ở An Nhàn Động, còn Cung Diêu Trì thì ở tại Tạo Hóa Thiên."
Trong Truyện Tây Du Ký, hình ảnh của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát được mô tả như sau:
"Bốn đức tròn viên mãn, Thân vàng tỏa sáng thông,
Chuỗi ngọc biếc rũ cạnh, Vòng thơm đeo bên mình.
Tóc mây uốn đen lánh, Đài thêu thắt ngang lưng,
Bào trắng khuy ngọc bích, Mây lành che quẩn quanh.
Quần gấm dây vàng óng, Khí đẹp phủ quanh thân,
Lông mày vầng trăng khuyết, Mắt vì sao long lanh.
Mặt ngọc tươi roi rói, Môi đỏ thắm tuyệt trần,
Bình Cam lồ đầy ắp, Cắm cành dương liễu xanh,
Độ chúng sanh thoát nạn, Rất từ bi hiền lành.
Vậy nên: Giữ núi Thái sơn, Coi miền Nam hải,
Độ người khổ ải, Nghìn Thánh nghìn thiêng,
Muôn kêu muôn ứng.
Lòng lan vui khóm trúc, Tánh huệ quí mây thơm.
Đó là vị Chúa Từ bi ở Phổ Đà Sơn,
Chính là Đức Quan Âm nơi An Nhàn Động."
Theo các kinh sách truyền lại, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát có 33 kiếp giáng trần, khi thì làm nam nhi, khi thì làm thiếu nữ, khi thì giáng sanh vào nơi cao sang quyền quí, khi thì vào nơi bần cùng nghèo khổ, khi thì làm Đạo sĩ, khi thì làm Tỳ Kheo, v.v....


Có hai kiếp giáng trần làm phụ nữ của Ngài được người đời truyền tụng:
- Đó là kiếp thứ 10: Ngài giáng trần làm nàng Thị Kính ở nước Cao Ly, tu hành đắc đạo, gọi là Quan Âm Thị Kính.
- Kiếp giáng trần sau chót ở nước Ấn Độ là Công Chúa Diệu Thiện, cũng tu hành đắc đạo tại Phổ Đà Sơn ở Nam Hải, nên gọi là Quan Âm Diệu Thiện.

Sau đây xin chép lại hai sự tích nổi tiếng nầy:

Sự tích 1: QUAN ÂM THỊ KÍNH
Đức Quan Thế Âm Bồ Tát đã đầu thai xuống trần tu hành được 9 kiếp rồi, đến kiếp thứ 10, Ngài giáng sanh vào nhà họ Mãng ở nước Cao Ly (Triều Tiên). Hai ông bà họ Mãng đã lớn tuổi rồi, nhà lại giàu có, nhưng chưa có con. Ngày kia, hai vợ chồng lên chùa cầu tự, sau đó có thai và sanh được một gái, dung nghi đẹp đẽ, tướng mạo đoan trang, đặt tên là Thị Kính.
Khi nàng Thị Kính đến tuổi cặp kê, gần đó có chàng Thiện Sĩ, con nhà họ Sùng, cậy mai mối đến hỏi cưới Thị Kính. Vợ chồng Mãng Ông thấy phải đôi vừa lứa nên bằng lòng gả Thị Kính cho Thiện Sĩ.
Nàng Thị Kính rất buồn bã vì phải về ở nơi nhà chồng, không ai săn sóc cha mẹ. Cha mẹ nàng an ủi: Cha mẹ sanh con gái đến tuổi khôn lớn gả chồng, làm đẹp mày đẹp mặt cho cha mẹ là đủ rồi. Vả lại, nhà bên chồng của con cũng ở gần đây thì sự thăm viếng cũng thuận tiện.
Từ khi về nhà chồng, Thị Kính giữ một mực tôn kính, phụng sự nhà chồng, trong ấm ngoài êm, ai nấy đều khen ngợi.
Một ngày kia, nàng đang ngồi may vá, chàng Thiện Sĩ đọc sách mỏi mệt, đến gần chỗ nàng ngồi may nằm nghỉ và ngủ quên. Nàng thấy nơi cằm chồng có mọc sợi râu bất lợi, nên sẵn cầm dao nhíp nơi tay, nàng đưa dao cắt đứt. Bỗng chàng Thiện Sĩ giựt mình thức dậy, thấy vợ đang cầm dao đưa ngay vào cổ mình, vụt la hoảng: Vợ tôi muốn giết tôi.
Trong nhà vỡ lỡ, cha mẹ chồng chạy ra gạn hỏi, nàng cứ tình thiệt trình bày. Không ngờ cha mẹ chồng quá nghiêm khắc, bắt tội nàng mưu giết chồng, buộc Thiện Sĩ phải làm tờ thôi vợ, rồi cho mời Mãng Ông tới để lãnh con gái về.
Nàng Thị Kính phải mang mối hàm oan, đành lạy từ cha mẹ chồng, theo Mãng Ông trở về nhà. Nàng buồn bã muôn phần, một là buồn cho số phận xui xẻo, hai là buồn cho cha mẹ phải mang điều phiền não. Nàng than rằng: Nếu nàng có anh em đông thì nàng đành quyên sinh để khỏi mang tiếng nhơ như thế.
Nhưng vì nàng là con một, nên nàng không dám hủy mình, sợ mang tội bất hiếu, mà ở như thế nầy thì cũng rất khổ tâm, cho nên nàng quyết định xuất gia, lo tu hành cho đắc đạo, rồi sẽ trở về độ cha mẹ.
Nàng lén cải trang thành một nam tử, rồi bỏ nhà trốn đi, đến một ngôi chùa nọ thì gặp Sư cụ đang thuyết pháp. Nàng thấy Sư cụ là bực chơn tu, nên xin Sư cụ cho thọ pháp qui y.
Sư cụ gạn hỏi nhiều lần, vì Sư cụ thấy trang thiếu niên nầy còn trẻ quá mà sao lòng chán đời, đến nương nhờ cửa Phật, gột rửa lòng phàm. Sư cụ thấy lòng thành và chí quả quyết của người thiếu niên, nên cho thọ pháp qui y, đặt Pháp danh là Kỉnh Tâm, và nhận Kỉnh Tâm làm đệ tử.
Sãi Kỉnh Tâm là gái giả trai, nên dung mạo đẹp đẽ, làm cho hàng tín nữ trầm trồ, nhứt là nàng Thị Mầu, con của một vị trưởng giả giàu có ở vùng ấy. Thị Mầu nhiều lần trêu ghẹo Sãi Kỉnh Tâm, đưa lời ong bướm, nhưng Kỉnh Tâm vẫn trơ trơ như không hay biết. Thị Mầu quá si mê Kỉnh Tâm, trong một lúc quá bồng bột, không kềm giữ được lòng dục, nàng tư thông với đứa tớ trai của nàng, khiến nàng có thai.
Làng xã thấy nàng Thị Mầu không chồng mà có thai, nên gọi nàng và cha mẹ nàng đến tra hỏi. Nàng khai rằng, nàng có tư tình với Sãi Kỉnh Tâm nên mới ra cớ sự, và xin làng rộng tình cho Kỉnh Tâm hoàn tục kết duyên với nàng.
Trống mõ inh ỏi, cửa Thiền xưa nay êm lặng, phút chốc trở nên huyên náo, người làng đến đòi Sư Ông và Sãi Kỉnh Tâm ra làng dạy việc. Thầy trò không biết việc gì, cùng dắt nhau đi, đến nơi mới hay tự sự.
Tá hỏa tâm thần, thầy hỏi trò có sao cứ khai thiệt. Kỉnh Tâm một mực kêu oan, chớ không dám nói điều chi khác nữa.
Kỉnh Tâm bị làng đem ra tra tấn, đòn bộng, máu đổ thịt rơi, mấy lần bất tỉnh, nhưng Kỉnh Tâm vẫn một mực kêu oan. Sư Cụ động mối từ tâm, đứng ra xin bảo lãnh cho trò để đem về khuyên nhủ dạy răn.
Thấy thế, Hương chức làng cũng niệm tình ưng thuận.
Sau đó Sư Cụ bảo Kỉnh Tâm phải ra ngoài cổng Tam quan của chùa mà ở để tránh tiếng không tốt cho chùa.
Thời gian trôi qua, Thị Mầu sanh được một đứa con trai, nàng liền bồng đứa hài nhi đến cổng chùa giao cho Sãi Kỉnh Tâm, nói rằng: Con của ngươi thì đem trả cho ngươi.
Sãi KỉnhTâm đang tụng kinh, đứa hài nhi bị bỏ dưới đất, giãy giụa khóc la. KỉnhTâm nghe tiếng trẻ khóc, động mối từ tâm, chẳng cần dư luận, bèn ra ẵm đứa bé đem vào nuôi dưỡng.
Sư Cụ trách Kỉnh Tâm: Trước kia, con nói con bị hàm oan, mà nay con lại nuôi đứa bé nầy, chính thầy đây cũng phải nghi ngờ nữa, huống chi là ai.
Kỉnh Tâm bạch rằng: Bạch Sư phụ, khi xưa Sư phụ có dạy đệ tử rằng, cứu đặng một người thì phước đức hà sa. Đệ tử vâng theo lời thầy nên mới cứu mạng đứa bé nầy, chớ kỳ thật con không có ý chi hết.
Đứa trẻ càng lớn càng giống Kỉnh Tâm như hệt, lại có vẻ thông minh. Khi đứa bé được 3 tuổi thì Kỉnh Tâm lâm trọng bịnh, biết mình sắp lìa trần theo Phật, nên Kỉnh Tâm ráng ngồi dậy viết hai bức thơ: một gởi cho Sư Cụ, hai gởi cha mẹ ruột, ông bà họ Mãng, rồi dặn kỹ hài nhi làm đúng theo lời dặn.
Khi Sãi Kỉnh Tâm tắt hơi, đứa bé kêu cha khóc lóc một hồi, rồi nhớ lời cha dặn, liền đem thư vào đưa cho Sư Cụ.
Sư Cụ mở thư ra, xem xong trong lòng rất bùi ngùi thương tiếc, sai vài vị Ni cô ra khám xét thi thể của Kỉnh Tâm, thì rõ ràng Kỉnh Tâm là gái giả trai.
Tin Sãi Kỉnh Tâm là gái giả trai được truyền đi mau lẹ trong làng, làm mọi người hết sức ngạc nhiên.
Hương Chức trong làng đòi Thị Mầu tới, buộc tội cáo gian, phạt phải chịu tổn phí về các cuộc tống táng và làm ma chay cho Kỉnh Tâm.
Thị Mầu quá xấu hổ, bèn liều mình quyên sinh.
Đến ngày an táng Sãi Kỉnh Tâm, tức là nàng Thị Kính, mọi người đều nhìn thấy Đức Phật ngự tòa sen hiện ra ở trên mây, rước hồn của nàng Thị Kính về cõi Tây phương.
Chàng Thiện Sĩ rất ăn năn hối lỗi, nên phát nguyện tu hành. Tục truyền rằng, Đức Quan Âm Bồ Tát nhận thấy chàng Thiện Sĩ thật tâm hối lỗi và quyết chí tu hành, nên hiện đến cứu độ, đem về Nam Hải, hóa thành một con chim đậu một bên Đức Quan Âm Bồ Tát, mỏ ngậm xâu chuỗi bồ đề.
Quan Âm Bồ Tát cũng cứu độ đứa con nuôi, con ruột của Thị Mầu, đem về Nam Hải, đứng hầu bên Ngài.
Do đó, người ta họa hình Đức Quan Thế Âm Bồ Tát đội mũ ni xanh, mặc áo tràng trắng, ngự trên tòa sen, bên tay mặt có con chim mỏ ngậm xâu chuỗi bồ đề, bên dưới có đứa trẻ bận khôi giáp chấp tay đứng hầu.
Đó là lấy theo sự tích Quan Âm Thị Kính.
 
Sự tích 2: QUAN ÂM DIỆU THIỆN hay QUAN ÂM NAM HẢI.
Theo sự khảo cứu của học giả De Groot, người Hòa Lan, kiếp chót của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát là Công Chúa Diệu Thiện, con của vua Linh Ưu nước Hưng Lâm, một Tiểu quốc của Ấn Độ, ở về phía Đông Ấn Độ.
Từ ngày nhà vua lên ngôi đến nay đã 40 năm mà Hoàng Hậu Bửu Đức không hạ sanh được một vị Hoàng tử nào. Nhà vua cùng Hoàng Hậu đi lên núi Huê sơn cầu tự. Trên núi Huê sơn có một vị Thần rất linh hiển, ai cầu chi được nấy. Cầu tự xong, ít lâu sau, Hoàng hậu có thai, sanh đặng một Công Chúa, đặt tên là Diệu Thanh. Sau đó lại tiếp tục có thai sanh thêm hai nàng Công Chúa nữa là: Diệu Âm và Diệu Thiện; không sanh được một Hoàng Tử nào.
Ba nàng Công Chúa lớn lên, nhà vua định hôn cho hai chị của Diệu Thiện là Diệu Thanh và Diệu Âm, với hai vị quan trẻ tuổi và tài giỏi trong triều đình;
còn nàng con gái út Diệu Thiện thì nhứt định không chịu lấy chồng, mà lại còn có ý xin phép vua cha và mẫu hậu xuất gia tu hành.
Vua Linh Ưu tức giận, đày Diệu Thiện vào trong Hoa Viên lo việc gánh nước tưới hoa, làm các công việc cực khổ; đồng thời cho người khuyến dụ nàng bỏ ý định đi tu, nhưng nàng nhứt định cam chịu khổ chớ không từ bỏ ý định tu hành.
Thấy vậy, Hoàng Hậu rất đau lòng, liền xin với vua Linh Ưu cho Diệu Thiện vào chùa Bạch Tước tu hành.
Nhà vua chấp thuận, và ngầm ra lịnh cho các tăng ni trong chùa bắt Diệu Thiện làm các công việc nặng nhọc vất vả, để nàng không chịu nổi mà sớm trở về Cung nội.
Diệu Thiện, tâm vẫn cương quyết, làm đầy đủ các bổn phận, dầu rất cực khổ, nhưng không một tiếng than, và luôn luôn lo việc tu hành.
Nhà vua thấy cách nầy thất bại, nên nghĩ ra cách sai lính đốt chùa, để Diệu Thiện không còn nơi tu hành, phải trở về Cung nội. Quân lính phóng hỏa khắp bốn mặt, các tăng ni hốt hoảng lo chạy thoát thân, riêng DiệuThiện vẫn điềm tỉnh, nàng lâm râm cầu nguyện, rồi lấy cây trâm chích vào lưỡi, ngước mặt phun máu lên không, tức thì mây đen hiện ra, mưa tuôn xối xả, dập tắt hết các ngọn lửa. Quân lính đều hết sức kinh ngạc.
Nhà vua không vì sự mầu nhiệm đó mà hối hận, lại bắt Diệu Thiện về triều, tổ chức các cuộc đàn hát vui chơi, để làm cho Diệu Thiện say mê, bỏ việc tu hành. Nhưng vua cha vẫn thất bại bởi Đạo tâm vững chắc của nàng con gái út.
Nhà vua quá tức giận vì không thực hiện được ý mình, nên ra lịnh tối hậu cho nàng Diệu Thiện chọn một trong hai điều: một là phế việc tu hành, lo bề gia thất; hai là chịu xử trảm vì cãi lịnh vua cha.
Nàng Diệu Thiện nhứt quyết chịu chết chớ không chịu bỏ việc tu hành.
Thần Hoàng Bổn Cảnh vội vã bay về Trời tâu trình Thượng Đế, và Đức Thượng Đế ra lịnh cho Thần mau trở về bảo hộ nàng Diệu Thiện.
Diệu Thiện bị đưa ra pháp trường hành quyết. Khi đao phủ đưa đao lên định chém xuống thì đao liền gãy nát; lại lấy cung tên đặng bắn cho chết thì khi mũi tên gần tới Diệu Thiện thì mũi tên bị gãy nát. Thấy không giết được Diệu Thiện bằng hai cách trên, kẻ hành quyết liền dùng hai bàn tay đến siết cổ Diệu Thiện.
Bỗng đâu cuồng phong nổi lên, cát bay đá chạy, thiên ám địa hôn, một đạo hào quang bay đến bao phủ nàng Diệu Thiện, rồi Thần Hoàng hóa thành một con hổ lớn cõng Công Chúa Diệu Thiện chạy bay vào rừng. Các quan giám sát cuộc hành quyết bị một phen hoảng vía, trở về triều báo cáo lại với vua Linh Ưu tất cả các việc.
Nhà vua không chút nao núng phán rằng: Công Chúa mang tội bất hiếu nên bị cọp tha mất xác cho đáng kiếp.
Công Chúa Diệu Thiện bất tỉnh, hồn Công Chúa thấy một vị Sứ giả mặc áo xanh, tay cầm tờ giấy nói rằng: Diêm Vương mời nàng xuống Diêm Cung để xem các cảnh khổ não và những hình phạt nặng nề những linh hồn mà trong kiếp sanh đã làm nhiều điều ác độc.
Thập Điện Diêm Vương cũng muốn nghe nàng thuyết pháp. Công Chúa vâng lịnh, dùng tâm từ bi và sức thần thông thuyết pháp cho 10 vua nghe, các tội hồn trong ngục cũng được nghe và liền giác ngộ. Trong phút chốc, chốn U Minh thành Lạc Cảnh, và các tội hồn đều được thoát ra khỏi ngục, đầu kiếp trở lại cõi trần.
Thấy các cửa ngục đều trống trơn, Thập Điện Diêm Vương vội đưa hồn Diệu Thiện trở lại dương thế và cho nhập vào xác. Nàng tỉnh dậy, thấy mình đang nằm giữa rừng vắng vẻ, không biết phải làm sao và đi phương nào.
Đức Phật Nhiên Đăng hiện ra trên mây, bảo nàng hãy đi ra biển Nam Hải, đến núi Phổ Đà, tu hành thêm một thời gian nữa thì sẽ đắc đạo, đạt vị Như Lai. Muốn đi đến đó, phải trải qua 3000 dặm đường. Đức Phật Nhiên Đăng lại tặng cho nàng một trái Đào Tiên, ăn vào không biết đói khát trọn năm mà còn được trường sanh bất lão.
Nàng Diệu Thiện nhận lãnh và bái tạ Đức Phật, đoạn nàng tìm đường đi đến Nam Hải. Thái Bạch Kim Tinh hiện xuống, truyền cho Thần Hoàng biến ra Thần hổ, cõng Diệu Thiện đến Phổ Đà Sơn cho mau lẹ.
Tại Phổ Đà Sơn, nàng Diệu Thiện tu thiền định trong 9 năm, đạo pháp đạt được cao siêu.
Ngày 19 tháng 2 năm ấy, là ngày thành đạo của Công Chúa Diệu Thiện. Chư Thần,Thánh,Tiên, Phật, đến chúc mừng và xưng tụng vị Bồ Tát mới đắc đạo. Công Chúa ngự trên tòa sen, hào quang sáng lòa, xưng là Quan Thế Âm Bồ Tát.
Lúc ấy chư Thánh muốn lựa một đồng tử để theo hầu Ngài, thì may đâu lúc đó có một vị tên là Hoàn Thiện Tài, mồ côi cha mẹ, phát nguyện tu hành, qui y Phật pháp, nhưng chưa chứng quả, nay nghe nơi Phổ Đà Sơn có một vị Bồ Tát mới đắc đạo, nên xin đến hầu Ngài.
Trước khi chấp thuận lời thỉnh cầu ấy, Đức Quan Âm muốn thử xem tâm chí của Thiện Tài ra sao. Ngài truyền cho Sơn Thần Thổ Địa hóa làm ăn cướp đến bắt Ngài, Ngài giả bộ sợ sệt kêu la cầu cứu và ngã té xuống hố sâu. Thiện Tài chạy đến cứu thầy, và nhảy theo xuống hố. Thiện Tài thiệt mạng, chơn hồn liền xuất ra khỏi xác, đến hầu Đức Quan Thế Âm Bồ Tát và được thâu làm đệ tử.
Về sau, Đức Quan Âm Bồ Tát thâu thêm Long Nữ, con gái của Đệ Tam Thái Tử của Long Vương Nam Hải, làm đệ tử.
Nguyên ngày kia, Long Nữ hóa làm con cá đi dạo chơi trên mặt biển, chẳng may bị một ông chài bắt được. Ông đem cá ấy ra chợ bán. Đức Quan Thế Âm Bồ Tát biết được, sai Thiện Tài đồng tử hóa ra một người thường, đi ra chợ hỏi mua con cá ấy, rồi đem ra biển Nam thả xuống.
Nam Hải Long Vương nhớ ơn cứu tử cháu nội của mình, nên dạy Long Nữ đem một cục ngọc quí Dạ Minh Châu đến dâng Bồ Tát để Bồ Tát đọc sách ban đêm mà không cần đèn.
Long Nữ đến dâng ngọc xong, lòng hết sức cảm phục Bồ Tát, nên xin qui y và được Bồ Tát thâu làm đệ tử.
Từ ấy, Thiện Tài đồng Tử và Long Nữ luôn luôn theo bên cạnh để lo phụng sự Bồ Tát.
Nhắc lại, từ khi vua Linh Ưu ra lịnh giết chết Diệu Thiện, và Diệu Thiện được Thần Hoàng cứu thoát, nhà vua mắc một chứng bịnh nan y vô cùng khổ sở, thân thể nhà vua bị lở loét ngoài da cùng mình, mùi hôi thối xông ra nồng nặc, nhức nhối đau đớn vô cùng. Nhiều danh y tới điều trị mà bịnh vẫn không thuyên giảm chút nào.
Đức Quan Thế Âm Bồ Tát ở Nam Hải hay biết việc đó, nên Ngài hóa ra một vị sư già, đi đến kinh thành xin vào trị bịnh cho vua Linh Ưu.
Sau khi xem mạch vua, vị sư già tâu: Bịnh của Bệ hạ do oan nghiệt nhập với chất độc cao lương mỹ vị và tửu nhục hằng ngày, nên phát sanh ra ngoài da thành bịnh nan y.
Nếu muốn chữa lành thì phải có đôi mắt và đôi cánh tay của một người con thì mới chế thuốc được.
Nghe vậy, nhà vua cho đòi hai Công chúa Diệu Thanh, Diệu Âm và hai Phò mã đến, rồi nhà vua lập lại lời nói của vị sư già, hỏi xem có đứa con nào dám hy sinh để trị bịnh cho vua cha không?
Hai Công chúa cùng tâu: Xin Phụ vương đừng nghe lời ông sãi nầy, bởi vì một người bị khoét đôi mắt và bị chặt hết hai tay thì dù có sống cũng chẳng ra chi. Chẳng lẽ cứu bịnh một người mà lại hủy hoại một người khác hay sao?
Vua Linh Ưu chợt nhớ tới Công chúa út là Diệu Thiện, liền than: Nếu Diệu Thiện còn sống thì Trẫm ắt lành bịnh, vì Diệu Thiện sẽ hy sinh cho Trẫm.
Vị Sư già liền tâu: Tâu Bệ hạ, Bần tăng biết rõ Công chúa Diệu Thiện hiện vẫn còn sống, ở tại núi Phổ Đà, biển Nam Hải. Xin Bệ hạ cho người đi đến đó, tìm Công chúa thì may ra chế được thuốc cho nhà vua. Bần tăng xin để thuốc lại đây, khi nào có đôi mắt và đôi tay của Diệu Thiện đem về thì nhập với thuốc nầy, nấu chung lại, rồi trong uống, ngoài thoa, bịnh của Bệ hạ sẽ hết ngay.
Vị Sư già nói xong thì từ giã nhà vua trở về núi.
Vua Linh Ưu rất mừng, liền cho sứ giả sắp đặt hành trang lên đường đi Nam Hải, tìm Công chúa Diệu Thiện. Khi sứ giả đến được Phổ Đà Sơn thì gặp một đồng tử bưng ra một cái mâm phủ vải trắng còn thấm máu tươi, trong đó có đôi mắt và đôi tay của Diệu Thiện, đem ra trao cho sứ giả và nói:
Đây là đôi mắt và hai cánh tay của Công chúa Diệu Thiện, sứ giả hãy mau đem về chế thuốc trị bịnh cho vua.
Hoàng Hậu khi nhìn thấy sứ giả đem đôi mắt và đôi tay của Diệu Thiện về, còn dính máu tươi thì òa lên khóc mướt. Thị vệ liền đem nấu với thuốc do vị Sư già để lại, cho nhà vua uống phân nữa, còn phân nữa để thoa lên khắp mình mẩy, phút chốc, thân thể nhà vua lành lặn như xưa, hết đau nhức, mà lại còn cảm thấy khỏe khoắn hơn trước.
Vua Linh Ưu và Hoàng Hậu cảm mến ơn nghĩa của Diệu Thiện, nên quyết định đi ra Phổ Đà Sơn một chuyến để tạ ơn. Xa giá đăng trình, gặp không biết bao nhiêu nguy hiểm, nhưng đều được Quan Âm Bồ Tát dùng thần thông cứu khỏi.
Đến nơi, vua Linh Ưu và Hoàng Hậu thấy một vị Bồ Tát đang ngự trên tòa sen, nhưng mất cả hai cánh tay và hai con mắt. Vua biết đó là Công chúa Diệu Thiện, con của mình, nên vô cùng xúc động, nhớ lại mà ăn năn sám hối lỗi lầm, rồi đồng quì xuống cầu nguyện cùng Trời Phật xin cho Công chúa được lành lặn như xưa.
Sự thành tâm cầu nguyện của vua và Hoàng Hậu có kết quả, Bồ Tát Diệu Thiện liền hiện hào quang với đầy đủ hai tay và hai mắt như lúc trước.
Lúc ấy, vua và Hoàng Hậu đều giác ngộ, quyết rời bỏ điện ngọc ngai vàng, đem mình vào chốn Thiền môn, lo tu hành cầu giải thoát.

Nguyên căn của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát:
Đức Chí Tôn giáng cơ cho biết, nguyên căn của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát là do Đức Từ Hàng Bồ Tát biến thân.
TNHT. I. 31:
"Người ta gọi Quan Âm là Nữ Phật Tông, mà Quan Âm vốn là Từ Hàng Đạo Nhơn biến thân. Từ Hàng lại sanh ra lúc Phong Thần đời nhà Thương." (Nhà Thương bên Tàu khởi đầu từ năm 1766 và dứt vào năm 1122 trước TL).
Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo nhân ngày Vía Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, tại Đền Thánh, thời Tý ngày 19-2-Kỷ Sửu (1949), cũng có nói như sau:
"Hôm nay là ngày vía của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, Bần đạo đã thường nói, nơi cửa Thiêng liêng Hằng sống, Đức Quan Âm Bồ Tát là một Đấng ở trong gia tộc sang trọng và oai quyền hơn hết.
Cái nguyên căn của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát là do nơi pháp thân của Từ Hàng sản xuất....."
Do đó, trong Kinh Đệ Bát Cửu có câu:
"Cung Tận Thức thần thông biến hóa,
Phổ Đà Sơn giải quả Từ Hàng."

Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng, Đức Từ Hàng Bồ Tát chiết chơn linh giáng trần, tu hành nhiều kiếp, cuối cùng đắc đạo tại Phổ Đà Sơn, hiệu là Quan Thế Âm Bồ Tát.
Trong con đường TLHS, Đức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo cho biết, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát vâng lịnh Đức Phật Vương Di-Lạc
"Chèo thuyền Bát Nhã Ngân hà độ sanh."
"Bần đạo chỉ nói nơi xa xăm của chúng ta đi qua, chúng ta thấy hình trạng Bát Quái Đài, dưới chân có Thất Đầu Xà, và dưới mình của Thất Đầu Xà là Khổ hải, tức là cảnh trần của chúng ta đó vậy.
Bên kia, có liên tiếp mật thiết vô một nẻo sông Ngân hà, rồi Bần đạo chỉ cho hiểu rằng, từ Khổ hải về cảnh Thiêng liêng Hằng sống phải đi ngang qua Ngân hà, có một chiếc Thuyền Bát Nhã của Đức Quan Âm Bồ Tát, vâng lịnh Đức Di-Lạc Vương Phật, chèo qua lại sông Ngân hà và Khổ hải đặng độ sanh thiên hạ."
Các Hội Thánh của Đạo Cao Đài chọn ngày 19 tháng 2 âm lịch là ngày thành đạo của Công Chúa Diệu Thiện làm ngày Vía Kỷ niệm Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.
Hằng năm, khi đến ngày nầy, tại Tòa Thánh và các Thánh Thất địa phương đều thiết lễ Đại Đàn cúng Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, có Chức sắc thuyết đạo nhắc lại công đức và nhiệm vụ của Ngài trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
KINH CỨU KHỔ là bài kinh đặc biệt cầu nguyện Đức Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn chúng sanh.
Đức Quan Thế Âm Bồ Tát có giáng cơ ban cho hai bài Kinh Thiên đạo là:
Kinh Hạ Huyệt
Kinh Khai Cửu, Đại Tường và Tiểu Tường.
Trong TNHT, có đăng nhiều bài Thánh giáo của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.
Mặt khác, trong Kinh Tam Nguơn Giác Thế, cũng có một bài Thánh giáo của Ngài, xin trích ra sau đây:
Đêm mùng 2 tháng 11 năm Tân Mùi (1931).
THI:
Nhựt hoành nhị thập kiến giai thì,
Lục nhựt đạo thành hiệp nhứt chi.
Thứ kỷ thương nhơn tâm bất tại,
Nhị nhơn thê mộc diệt nguyên qui.
Giải rõ thi chiết tự:
Nghe ta giải, khá chép mỗi hàng là 12 chữ:
Hai mươi, chữ Nhựt, chữ Giai hiệp chữ Kiến là chữ: QUAN
Chữ Lục hiệp với chữ Nhứt và chữ Nhựt là chữ: ÂM
Chữ Thứ mà bỏ bớt chữ Tâm còn lại chữ: NHƯ
Chữ Mộc mà thêm vô 2 chữ Nhơn gọi là chữ: LAI
DIỄN DỤ:
Phàm làm người ở thế gian, một kiếp phù sanh, nghĩ lại chẳng bao lâu, tuy số định trăm năm chớ ít người bảy chục, còn e hai nẻo rủi may: Đường may là người nhờ kiếp làm quan trung quân ái quốc, giữ tánh thanh liêm, dạy dân lễ nghĩa, hồi đầu tỉnh ngộ lo tu, đời sau hưởng phước; còn gặp đường rủi là: làm quan chẳng dạ ngay vua, mạnh thế lộng quyền, hữu hoài soán nghịch chi tâm, chẳng giữ thanh liêm, hiếp dân, thâu hối lộ làm giàu, bức hiếp kẻ nghèo mà làm cự phú, chác sự oan gia trái chủ, thời phải bị sanh liễu hựu tử, tử liễu hựu sanh, luân hồi chẳng dứt.
Nay gặp Trời ân xá lần ba, khuyên thiện nam tín nữ lo tu bồi đạo đức mà hưởng phước ngày sau, còn người mộ việc tu hành cũng thành Chánh quả.
Nếu tu thời bỏ hết cuộc giàu sang vui sướng ở thế gian. Hãy biết thế gian, muôn việc đều giả, trăm kế cũng không.
THI rằng:
Khán đắc phù sanh nhứt thế KHÔNG,
Điền viên sản nghiệp diệc giai KHÔNG.
Thê nhi phụ tử chung ly biệt,
Phú quí công danh tổng thị KHÔNG.
Cổ ngữ vạn ban đô thị giả,
Kim ngôn bá kế nhứt trường KHÔNG.
Tiền tài thâu thập đa tân khổ,
Lộ thượng huỳnh tuyền lưỡng thủ KHÔNG.
Quan Âm Như Lai

Sau đây, xin chép lại một bài Thánh Ngôn của Đức Quan Âm Bồ Tát dạy Đạo cho nữ phái, giáng cơ đêm 3-8-Nhâm Thìn (dl 21-9-1952), trích trong Thánh Ngôn Sưu Tập:
THI:
QUAN nam diện duợt chí từ bi,
ÂM đức cứu dân mới đắc thì
;
BỒ đạo giềng ba thân nữ độ,
TÁT giang đức cảnh thế nên ghi.
Hôm nay về cùng chư tín hữu phân ưu đạo hạnh, cũng nơi lòng ham mộ cửa từ bi, để mong sao thoát kiếp oan khiên nghiệp chướng, do bởi thế trần tạo nhiều khổ cảnh, mà chúng ta mãi vướng cuộc trầm luân, thì bao giờ rời được cái thân nhi nữ thường tình, nếu không sớm lo giải cứu thì sau nầy hối hận, đừng nói sao trễ bước.
Công bấy nhiêu thì quả bấy nhiêu, chỉ có tâm nhiệt thành đạo hạnh thì cơ siêu thoát mới mong hưởng đặng.
Còn một điểm luyến trần, khó mong cứu độ, chừng ấy ăn năn quá muộn, quí nhứt là sớm ngộ Tam Kỳ mà không lo tròn phận sự thì uổng một kiếp sanh vô lối. Dầu khổ dầu cực, cứ lăn lóc theo cơ Đạo để tạo nghiệp cảnh Hư Vô chi vị.
Nếu Bần đạo nói tận cùng, thiện tín phải kinh tâm mà chớ. Thật sự cõi trần là nơi giam hãm con người vào vòng trụy lạc, lại là kiếp khổ tái sanh.
Nếu không ngộ Tam Kỳ, ở Thiên cảnh ngó nơi trần thế, bắt ngậm ngùi cho thế. Chung quanh đều là ô trược để gạt và quyến rũ con người vào vòng tội lỗi, rồi phải chịu đọa luân hồi, khó mong nhìn thượng giới. Mãi bôn xu danh cùng lợi là điều buộc chặt linh hồn đó.
Dưới thế gian mượn nước gội sầu, chớ toàn đều nhơ uế. Cả Thần Tiên rất sợ cảnh trần nầy lắm, chỉ mượn cớ để giác ngộ, nếu hữu duyên thì tránh được, hầu bước qua cảnh mới, tức là siêu linh đó.
Bần đạo cám ơn và ban ơn cho. THĂNG.
(Trích Cao Đài Từ Điển - Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng)

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2011

Tam giác của sự sống - Nên ở đâu khi có động đất


1.    Nên ở đâu khi động đất?
Những ngày gần đây, thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật đã trở thành sự kiện gây chấn động toàn thế giới. Như hầu hết mọi người, không ngày nào tôi không lên mạng đọc báo để hiểu và biết thêm thông tin về thảm họa này.
(Vivian sưu tầm từ bài báo của Doug Copp: “Tam giác của sự sống”)  
Tôi đã đọc những bài chia sẻ về sự "kinh" qua động đất và những sống sót thần kỳ. Có một chuyện tôi vô cùng ngạc nhiên vì tất cả những bài chia sẻ của các bạn Việt Nam ở Nhật, phần đông các bạn nói núp dưới gầm bàn, ghế, tủ.... Nhưng thực tế không phải như vậy.
Việc chui dưới bàn chỉ góp phần làm chúng ta dễ bị kẹt lại và nghiền nát hơn. Tôi đã đọc qua nhiều tài liệu và lời khuyên chính xác nhất là không bao giờ chui núp dưới gầm cả. Tôi gưi đến
Ngoisao.net bài chia sẻ "Nên ở đâu trong động đất?" dưới đây, hy vọng phần nào giúp mọi người hiểu thêm nên làm gì khi có những hiểm họa bất ngờ xảy ra.
Tôi cầu chúc cho những người bị nạn đủ nghị lực, sự kiên cường để có thể vượt qua và đứng lên vững chãi hơn. Tôi cũng cầu xin cho những ai phải ra đi trong thảm họa tai thương này vẫn còn được những người thân sống sót và những người đó sẽ thay thế họ xây dựng lại đất nước tươi đẹp hơn.
Hãy đọc và chuyển thông tin này cho các thành viên trong gia đình bạn, nó có thể cứu sống họ một ngày nào đó!
2.    Tôi tên là Doug Copp. Tôi là Đội trưởng đội cứu nạn (Rescue Chief and Disaster Manager) thuộc tổ chức American Rescue Team International (ARTI), đội cấp cứu giàu kinh nghiệm nhất thế giới. Thông tin trong bài báo này sẽ cứu nhiều sinh mệnh trong một trận động đất.
Tôi đã trườn bò trong 875 tòa nhà đã bị đổ sập, làm việc với các đội cấp cứu từ 60 nước, thành lập các đội cấp cứu tại một số nước và tôi là thành viên của nhiều đội cấp cứu của nhiều nước.
Tôi từng là một chuyên gia LHQ về khắc phục thảm họa (Disaster Mitigation) trong 2 năm.
Tôi làm việc tại tất cả các thảm họa trên thế giới từ năm 1985, trừ những thảm họa xảy ra đồng thời.
Tòa nhà đầu tiên tôi từng trườn bò là một trường học ở thủ đô Mexico trong trận động đất năm 1985. Mỗi đứa trẻ đều đang ở dưới bàn của nó. Mỗi đứa trẻ đã bị nghiền nát tận xương. 

Lũ trẻ có thể đã sống sót bằng cách nằm dài bên cạnh bàn học của chúng trên các lối đi. 
Điều đó thật là bẩn thỉu, vô lương và tôi đã băn khoăn tại sao lũ trẻ đã không ở trên các lối đi. Lúc đó tôi đã không biết là lũ trẻ được nói cần ẩn náu dưới cái gì đó.  
Đơn giản mà nói, khi các tòa nhà sụp đổ, sức nặng của trần rơi trên các đồ đạc bên trong nghiền nát các vật này, để lại một khoảng trống ngay cạnh chúng.   
Khoảng trống này là cái mà tôi gọi là "tam giác của sự sống".  
Vật càng lớn, nó sẽ kết khối càng rắn chắc và nhỏ. Vật kết khối càng nhỏ thì khoảng trống càng lớn, khả năng càng lớn là người sử dụng khoảng trống để an toàn sẽ không bị thương. 
Lần tới khi bạn xem một tòa nhà sụp đổ, trên tivi, hãy đếm "các tam giác" được hình thành mà bạn thấy. Chúng có ở mọi nơi. Nó có hình dạng chung nhất, bạn sẽ thấy trong các tòa nhà bị đổ sập.


    Các lời khuyên để an toàn khi xảy ra động đất:  

1. Hầu hết những người chui xuống các vật như bàn làm việc hay ô tô khi các tòa nhà sụp đổ đều bị nghiền nát đến chết. 
2. Các con mèo, chó và trẻ nhỏ thường cuộn tròn một cách tự nhiên trong tư thế bào thai. Bạn cũng nên như vậy trong một trận động đất. Nó là một bản năng sống sót an toàn tự nhiên. 


Bạn có thể sống sót trong một khoảng trống nhỏ hơn. Hãy đến cạnh một vật, cạnh một cái tràng kỷ, cạnh một vật to lớn đồ sộ mà sẽ bị bẹp nhẹ nhưng để lại một khoảng trống cạnh nó.


3. Các tòa nhà gỗ là những loại nhà an toàn nhất để ẩn náu trong một trận động đất. Gỗ linh hoạt và di động theo các sức mạnh của trận động đất. Nếu tòa nhà gỗ sụp đổ, các khoảng trống an toàn lớn sẽ được tạo ra.
Cũng vậy, các toà nhà gỗ có sức nặng tập trung, phá hủy ít hơn. Các tòa nhà gạch sẽ đổ đến từng viên gạch. Các viên gạch sẽ gây ra nhiều vết thương nhưng các cơ thể bị đè nén ít hơn là các tấm bê tông.
 
4. Nếu bạn đang trên giường buổi đêm và một trận động đất xảy ra, đơn giản là lăn khỏi giường. Một khoảng trống an toàn sẽ tồn tại gần giường.
Các khách sạn có thể có được tỷ lệ sống sót cao hơn trong động đất, đơn giản bằng việc dán một dấu hiệu phía sau cửa của mỗi phòng báo cho những người thuê phòng nằm xuống sàn, ngay cạnh giường trong một trận động đất. 
5. Nếu một trận động đất xảy ra và bạn không thể trốn thoát dễ dàng bằng cách qua cửa lớn hoặc cửa sổ, hãy nằm xuống và cuộn tròn trong tư thế bào thai ngay cạnh một ghế tràng kỷ hay một ghế lớn. 
6. Hầu hết những người đứng dưới ô cửa khi các toà nhà sụp đổ sẽ bị chết. Như thế nào? Nếu bạn đứng dưới ô cửa và rầm cửa rơi xuống phía trước hay phía sau bạn sẽ bị nghiền nát bởi trần nhà phía trên. Nếu rầm cửa rơi xuống bên cạnh, bạn sẽ bị cắt làm đôi bởi ô cửa. Trong cả hai trường hợp, bạn sẽ bị chết!  
7. Không bao giờ được đi vào cầu thang.Các cầu thang có một "mô men tần số" khác nhau (chúng dao động riêng rẽ với các phần chính của toà nhà. Các cầu thang và phần còn lại của toà nhà tiếp tục va đập vào nhau cho đến khi cấu trúc cầu thang gãy.  
Những người đi vào cầu thang trước khi chúng gãy bị băm nhỏ bởi các mặt cầu thang - kinh khủng gấp bội. Thậm chí nếu toà nhà không sụp đổ, hãy tránh xa cầu thang. 
Các cầu thang là phần của toà nhà có thể bị hư hại nhiều nhất. Thậm chí nếu các cầu thang không bị sụp đổ bởi động đất, chúng có thể sụp đổ sau đó khi bị quá tải bởi những người bỏ chạy. Luôn luôn nên kiểm tra cầu thang xem có an toàn không, thậm chí khi phần còn lại của toà nhà không bị thiệt hại.  
8. Hãy ra gần tường ngoài của tòa nhà hay là bên ngoài tòa nhà nếu có thể - Tốt hơn nhiều là ở gần bên cạnh của tòa nhà hơn là ở bên trong. Bạn càng ở sâu bên trong tòa nhà thì đường thoát chạy của bạn sẽ bị chặn lại nhiều hơn.  
9. Những người ở bên trong các phương tiện giao thông của họ cũng bị nghiền nát khi con đường bên trên rơi xuống trong một trận động đất và nghiền nát xe cộ; đó chính xác là điều đã xảy ra với các tấm bê tông giữa các tấm sàn của xa lộ Nimitz. 
Các nạn nhân của trận động đất San Francisco đều ở bên trong xe cộ của họ. Tất cả họ đều bị chết. Họ có thể đã sống sót dễ dàng bằng việc thoát ra và ngồi gần (nhưng không chạm vào) xe cộ của họ. Tất cả các xe bị nghiền nát đều có khoảng trống cao 1m ngay cạnh chúng, trừ các ô tô có các cột rơi trực tiếp vắt chéo ngay cạnh.

 




 10. Tôi đã phát giác ra, trong khi trườn bò bên trong các tòa báo và các cơ quan có nhiều giấy tờ khác bị sập, rằng giấy tờ không bị bẹp. Những khoảng trống lớn được thiết lập quanh những đống giấy. 
Hãy loan truyền những thông tin này để có thể cứu sống ai đó... Toàn bộ thế giới đang trải qua những thảm họa tự nhiên vì vậy hãy chuẩn bị đương đầu!  
Năm 1996 chúng tôi làm một bộ phim, chứng minh phương pháp luận sống sót của tôi là đúng đắn. Chính phủ liên bang Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ đô Istanbul, Đại học Istanbul Case Productions và ARTI đã hợp tác để làm cuốn phim thử nghiệm thực tế, khoa học này. 
Chúng tôi đã làm sập một trường học và một ngôi nhà với 20 người nộm bên trong. 
Mười người nộm đã "cúi đầu và ẩn náu", và mười người nộm tôi đã sử dụng trong phương pháp sống sót "tam giác của sự sống" của tôi. Sau trận động đất tự tạo tòa nhà đổ sập, chúng tôi trườn bò qua gạch vụn và vào tòa nhà để quay phim và dẫn chứng kết quả.  
Cuốn phim, trong đó tôi thực hành kỹ thuật sống sót của tôi trong các điều kiện dễ thấy trực tiếp, khoa học, liên quan tới việc sập tòa nhà, đã chỉ ra sẽ không có cơ hội sống sót cho những người làm theo "cúi xuống và ẩn náu". 
Có thể có 100 phần trăm khả năng sống sót cho những người sử dụng phương pháp "tam giác của sự sống" của tôi. 
Cuốn phim này đã được hàng triệu người xem trên tivi ở Thổ Nhĩ Kỳ và phần còn lại của châu Âu và nó đã được trình chiếu ở Mỹ, Canada và châu Mỹ Latin trên chương trình truyền hình Real TV. 
Nguồn: caodaivn.com

Thứ Hai, 21 tháng 3, 2011

Nhân quả có thật hay không?


Nhân Quả Có Thật Không?
Đào Văn Bình

Nói tới chuyện Nhân Quả một số người khinh thị, cho đó là lạc hậu, lỗi thời, quê mùa giống như chuyện “Rắn Báo Oán” chẳng hạn. Thế nhưng Luật Nhân Quả lại là định luật bất biến chi phối sự tồn vong của khoa học. Nếu mai đây khí Hydrogen và khí Oxygen hợp lại mà không thành nước thì khoa học xụp đổ, cuộc sống con người và thiên nhiên đảo lộn hoàn toàn.
Luật Nhân Quả (Law of Cause and Effect) chi phối mọi họat động của con người, từng giờ, từng phút, từng sát-na nhưng con người không thèm để ý. Chỉ khi hậu quả xảy đến người ta mới chịu tin.
Luật Nhân Quả là trụ cột giáo lý của Đức Phật. Chúng ta hãy nghe nhận định của Trung Tâm Phật Giáo SOKA GAKKAI NTERNATIONAL tại Anh Quốc, “As we go about our daily lives, in every single moment, we make causes in the things that we think and say and do. Buddhism teaches the existence of a law of cause and effect which explains that when we make a cause, the anticipated effect of that cause is stored deep in our lives, and when the right circumstances appear then we experience the effect. This concept of cause and effect is at the heart of Buddhism..” (Quán chiếu cuộc sống hàng ngày, từng giây từng phút, chúng ta tạo Nhân qua những gì chúng ta suy nghĩ, nói và làm. Phật Giáo dạy chúng ta về sự hiện hữu của luật nhân quả, nói rằng khi chúng ta tạo Nhân, hậu quả của nhân đó nằm sâu trong đời sống của chúng ta, và trong một hoàn cảnh thích hợp nào đó, chúng ta sẽ nhận lãnh Quả đó. Khái niệm nhân quả là trung tâm điểm của Phật Giáo..) (1)

Hiện nay dù khoa học và kiến thức nhân loại đã tiến bộ vượt bực nhưng một số không nhỏ vẫn tin rằng những bất hạnh, những khổ đau, những tội ác ghê tởm, chiến tranh, sự diệt chủng, sự thù ghét, kỳ thị chủng tộc v.v.. là do Thần Linh (God) an bài sẵn rồi. Nếu có xảy ra thì cũng là do ý chỉ của Ngài. Vậy con người nếu muốn thoát khỏi sự “trừng phạt” hoặc những thảm họa đó, thì chỉ có nước quỳ lạy, van vái, cầu nguyện Thần Linh xót thương mà thôi.
Thế nhưng cũng một số không nhỏ, thấm nhuần giáo lý của Đức Phật lại không tin như thế. Họ không tin vào Thuyết Định Mệnh với một “Sổ Đoạn Trường” nằm sẵn ở Thiên Đình, họ bác bỏ sự hiện hữu của một Thần Linh không bao giờ biết xót thương mà chỉ biết gây thảm họa triền miên cho nhân loại và có thể ban phép mầu để “rửa tội” cho những kẻ bất nhân hoặc những kẻ gây tội ác khủng khiếp đối với nhân loại. Đối với các Thần Giáo thì không có Luật Nhân Quả gì hết. Thần Linh có thể biến tội thành phước, biến phước thành tội và biến kẻ sát nhân thành Thánh.
Để lý giải về Luật Nhân Quả, chúng ta có thể dùng thí dụ nho nhỏ sau đây:
Chẳng hạn một cậu thanh niên gia nhập băng đảng, trộm cướp rồi vào tù. Trong tù cậu hối hận suy nghĩ. Cái chuyện ngồi tù ngày hôm nay chẳng phải tình cờ mà có hoặc do Thần Linh làm ra. Nguyên do, nguyên nhân (cái Nhân) bắt nguồn từ lúc cậu không nghe lời cha mẹ, thầy cô, chơi bời lêu lổng. Từ chơi bời lêu lổng cho nên có dịp (có duyên) gần gũi với băng đảng, du đãng, trộm cướp, xã hội đen. Từ chuyện gia nhập băng đảng du đãng đưa tới việc làm phi pháp, bất chính. Việc làm phi pháp, bất chính đưa đến tù tội. Ngày hôm nay, dù cậu có ăn năn, hối hận thì cũng quá muộn màng. Muộn màng ở đây có nghĩa là cậu không thể thay đổi cái Quả - tức là bản án tù, hoặc cảnh tù tội đang diễn ra sờ sờ trước mắt. Cậu phải nhận lãnh cái Quả do việc mình làm. Tuy nhiên sự hối cải, sự ăn năn, sám hối lại rất tốt đẹp và không có gì muộn màng nếu nhìn về tương lai. Giả sử cậu thanh niên thật sự hối hận và không muốn sau này cuộc đời u ám nữa. Cậu bắt đầu hiểu sơ sơ về Luật Nhân Quả tức là sẽ không gieo nhân xấu nữa. Muốn gieo nhân lành thì không gì bằng không làm việc xấu hoặc làm việc tốt lành. Trong hoàn cảnh tù tội, việc làm tốt lành có thể là: Tuân thủ mọi luật lệ của trại giam, giữ gìn hạnh kiểm tốt. Không kết bè, kết đảng trong tù để tranh giành chút lợi lộc, thanh toán lẫn nhau. Tham gia các chương trình huấn nghệ để sau này có một nghề nghiệp chân chính để sinh sống (Chánh Nghiệp). Xin phép giám thị trại giam đem sách vở, kinh Phật vào trau giồi thêm vì cuộc sống tù tội cách ly với thế giới bên ngòai khiến người tù trở nên lạc hậu. Nếu đêm đêm ngồi Thiền, quán tưởng được thì càng tốt (Chánh Định). Trong những lúc đêm khuya vắng lặng hãy quán xét về những việc mình làm trong quá khứ xem có thật sự là những việc đúng đắn không? (Chánh Niệm) Nhớ giữ gìn sức khỏe, đừng bi quan, tiêu cực, hủy hoại thân thể. Luôn luôn quán tưởng rằng “vạn vật vô thường” cho nên cái cảnh tù tội ngày hôm nay cũng là vô thường, tạm bợ (Chánh Tư Duy). Rồi ngày mai đây sẽ là một ngày mới. Ngày mới có tốt đẹp hay không là tùy nơi ta. Rồi cậu có thể hình dung tới cha già, mẹ yếu, gia đình anh chị em đang ray rứt khổ đau vì đứa con, người cha, người chồng, người anh, đứa em đang trong vòng tù tội. Rồi quán tưởng tới bạn bè cũng đang mong ngóng mình trở về với thế giới an lành. Rồi nguyện rằng trong ngày trở về, cậu sẽ ôm cha mẹ khóc rồi hứa từ đây sẽ tu chỉnh lại, sẽ làm ăn chân chính, sẽ không ngại khó ngại khổ, sẽ cố gắng vươn lên với đời để đền đáp công ơn dưỡng dục (Chánh Tinh Tấn).
Ngày nay, một số nhà giam tại Anh Quốc và Hoa Kỳ, phạm nhân đã được Nha Cải Huấn cho phép học Thiền và hành Thiền để phạm nhân quán xét lại chính mình, nhận ra được lý Nhân Quả tức hiểu rõ hậu quả của việc mình làm, từ đó tạo được sự an tĩnh tâm hồn.
Đấy là câu chuyện cậu thanh niên hư hỏng, còn chuyện hâm nóng địa cầu thì sao? Hơn 100 năm nay, do nhu cầu sản xuất đại quy mô, vừa để tiêu thụ, vừa để xuất cảng, các nhà máy cứ “ung dung” nhả khói lên trời và tưởng như chẳng gây hậu quả gì. Có ngờ đâu khí CO2 bốc lên đã làm cho lớp Ozone – có nhiệm vụ che chở trái đất bởi hơi nóng của mặt trời, mỏng đi. Hậu quả là trái đất nóng dần. Nơi thì lụt lội, nơi thì biến thành sa mạc. Trong tương lại một số hòn đảo, nhiều thành phố sẽ vĩnh viễn chìm xuống mặt biển. Rồi còn nhiều tai họa nữa mà các khoa học gia chưa khám phá hết. Nhân loại thấy cái Quả hiện lù lù trước mắt bèn cuống cuồng họp nhau ở Copenhagen (Đan Mạch) từ ngày 7 tới 18 Tháng 12 năm 2009 để tìm phương giải quyết. Nhưng liệu những cam kết có được tôn trọng không? Hay lại tiếp tục tạo nghiệp, gieo Nhân, tức là tiếp tục nhả khói lên trời?
Chuyện địa cầu hâm nóng ngày hôm nay lại thêm một bằng chứng hùng hồn cho thấy sự tồn vong của trái đất, sinh mệnh của con người là do con người quyết định chứ chẳng phải do Thần Linh Mầu Nhiệm nào cả. Dầu sao thì sự “ăn năn hối lỗi” - ở đây là ý thức của nhân loại - dù muộn màng nhưng “có còn hơn không” giống như sự ăn năn của cậu thanh niên nói ở trên.
Thưa quý bạn. Nếu hiểu được như thế, nếu nhìn được như thế thì Luật Nhân Quả có gì gọi là “quê mùa” ? Có gì là mê tín dị đoan? Có gì là lạc hậu? Nếu nó là mê tín, dị đoan và lạc hậu tại sao những đại trí thức của Âu Châu, Hoa Kỳ ngày nay lại tin tưởng vào giáo lý này? Họ tin tưởng không phải vì cơm áo, thúc ép, bịt mắt hay đe dọa hoặc do truyền thống gia đình, mà vì sự khai mở của trí tuệ. Hiểu Luật Nhân Quả sẽ giúp chúng ta sống chừng mực, làm chuyện đúng đắn trong cuộc sống. Không tạo khổ đau cho chính mình. Không tạo khổ đau cho người, tạo sự an lành cho thế giới, như thế gọi là sống với tâm hồn cao thượng. Nếu mọi người, mọi nhà đều thực hành Luật Nhân Quả hoặc biết sợ Nhân Quả thì thế giới này biến thành một Cung Trời mà chẳng cần phải bôn ba tìm kiếm Thiên Đường ở đâu khác.
Trong suốt 45 năm thuyết pháp độ sinh, giáo hóa đệ tử, Đức Phật nói rất nhiều về Nhân Quả, đặc biệt tại Pháp Hội Linh Thứu Sơn. Trong pháp hội này, Đức Phật đã nói chi tiết hơn về Nhân Quả không ngoài mục đích nhắc nhở để chúng ta:
- Giúp đỡ kẻ nghèo túng.
- Kính trọng người cô quả, cô độc.
- Không gian dâm với vợ người.
- Không buông lung khinh rẻ chồng mình.
- Không quên ơn, phụ nghĩa.
- Làm hết bổn phận trong việc giảng dạy, chỉ dẫn, cố vấn kẻ khác.
Ngoài ra còn phải nêu gương tốt nữa. Không có gì kỳ cục cho bằng một người giảng về đạo đức mà lại sống vô đạo đức. Một người giảng về Luật Vô Thường mà cố chấp. Một người giảng về Thanh Tịnh mà lại gom góp, tích chứa tiền bạc, ham thích thú vui. Gom góp tiền bạc và ham thích thú vui thì phiền não nảy sinh, làm sao sống thạnh tịnh được?
- Không ác khẩu, mắng nhiếc, chửi rủa cha mẹ mình.
- Không làm nghề trộm cướp.
- Không quỵt nợ.
- Không phỉnh gạt, dụ dỗ người khác.
- Không làm ác.
- Không âm mưu hại người.
- Không buôn gian bán lận, cân non, cân thiếu, giả vờ quên rồi tính cao giá.
- Không ghen tị, dèm pha.
- Không làm ai phải mất danh dự, tủi nhục..
- Không giết hại bừa bãi các loài vật.
- Cúng dường chư tăng/ni để quý vị có phương tiện sinh sống và cũng là dịp bày tỏ tấm lòng tôn kính đạo đức, tôn kính kẻ hy sinh cả đời mình cho lý tưởng cao cả.
Xét cho kỹ, đây là những lời giảng dạy thiết thực cho đời sống, trong gia đình thì hạnh phúc, còn xã hội thì ổn định thăng tiến, chứ không phải chuyện “trên trời dưới biển”, ban bố phép mầu, khấn vái cầu nguyện vu vơ. Vậy những ai nói rằng đạo Phật yếm thế, xin nghiền ngẫm kinh Phật kẻo mang tội vọng ngữ, phỉ báng.
Dưới đây chúng ta sẽ bàn thêm về Luật Nhân Quả.
1) Việc mình làm là Nhân (Nguyên Nhân), kết quả gây ra gọi là Quả (Hậu Quả). Quả có quả tốt, quả xấu:
- Trèo cao là Nhân, ngã đau là Quả.
- Học hành chăm chỉ là Nhân, thi đậu là Quả.
- Hành thiền là Nhân, an tĩnh tâm hồn là Quả.
- Tu là Nhân, giải thoát là Quả.
- Giết người là Nhân, bị người ta trả thù, hoặc bị giết hại là Quả.
- Nói dối là Nhân, người ta không còn tin tưởng mình nữa (bad credit) là Quả.
- Ham muốn là Nhân, bị khổ đau, dày vò vì lòng ham muốn là Quả.
- Ái dục là Nhân, ái mệnh là Quả (Kinh Viên Giác). Vì ngũ căn Nhãn, Nhĩ, Tỵ, Thiệt, Thân đem lại khoái cảm cho ta. Vì sung sướng với những khoái cảm đó cho nên ta yêu mến thân xác. Nếu khoái cảm chẳng còn - tức ly dục - thì chẳng còn gốc Ái Mệnh nữa.
- Yêu si mê là Nhân, phát điên phát cuồng rồi tự tử chết khi thất vọng là Quả.
- Phù thủy luyện âm binh để làm phép thuật là Nhân, lụy âm binh – tức không còn kiểm soát được âm binh nữa, để âm binh làm loạn hoặc quật lại mình là Quả.
- Mắng chửi người ta là Nhân, bị người ta chửi lại, hoặc đi thưa kiện bị tù hoặc phải bồi thường là Quả.
- Lộng giả (dùng thủ đoạn tuyên truyền lừa mị để cho người ta tin) gọi là Nhân. Anh em, bà con, bạn bè, quyến thuộc, tín đồ, dân chúng của mình tưởng đó là sự thực (Lộng Giả Thành Chân). Sau này mình nói ngược lại hoặc thú nhận mình nói dối người ta sẽ mắng chửi mình và cho là đồ gian dối, thậm chí có khi giết hại vì cho mình bất lương, đó là Quả.
- Ăn mặn là Nhân, khát nước là Quả.
- Phim ảnh bạo lực là Nhân, đem súng vào trường bắn giết bạn bè thày cô, đem súng vào công sở, chỗ làm, bắn giết đồng nghiệp là Quả.
- Tham vọng bành trướng, chạy đua vũ trang là Nhân, chiến tranh là Quả.
- Cuộc Thập Tự Chinh (Crusades) kéo dài ba Thế Kỷ 11, 12 & 13 là Nhân, sự thù hận giữa Hồi Giáo và Ca-tô Giáo La Mã ngày hôm nay là Quả.
- Phá rừng là Nhân. Lụt lội là Quả.
- Nhả khói lên trời, thải thán khí, phá hủy môi trường là Nhân, quả đất nóng dần rồi từ từ biến thành sa mạc là Quả.
- Đánh cá bừa bãi là Nhân. Cá bị diệt chủng là Quả.
- Không nghe lời cha mẹ, thầy cô là Nhân. Bỏ học, chơi bời lêu lổng, xì ke ma túy, du đãng phá làng phá xóm rồi cuối cùng vào tù là Quả.
- Cha mẹ khắc nghiệt là Nhân. Con cái bỏ đi là Quả.
- Nuông chiều con cái là Nhân. Con cái hư hỏng là Quả.
- Dạy tín đồ giáo điều cuồng tín. Tín đồ hung dữ, gây bất ổn xã hội, xung đột với các tôn giáo khác là Quả.
- Chi tiêu bừa bãi là Nhân, thiếu hụt, nợ nần là Quả.
- Thi ân, bố đức là Nhân, tiếng thơm để đời cho con cháu là Quả.
2) Nhân có nhiều nguyên nhân gộp lại.
Ví dụ:
- Lười biếng + u tối khiến thi rớt.
- Nghèo túng  + Giao du với băng đảng đưa tới trộm cướp.
3) Một Nhân nhưng có nhiều Quả:
Ví dụ:
- Gian dối khi bị phát giác đưa tới quả báo là xấu hổ, mất uy tín, không còn làm ăn được nữa, công ty đổ vỡ, sự nghiệp tiêu tan v.v..
3) Quả sinh ra rồi lại thành Nhân sinh Quả mới:
Ví dụ:
- Giáo điều cực đoan + giáo sĩ cuồng tín đẻ ra tín đồ cuồng tín. Từ tín đồ cuồng tín đưa đến việc giết hại lẫn nhau, giết hại hoặc khủng bố tín đồ các tôn giáo khác. Từ đó đưa đến thù hận. Từ thù hận lại đưa đến giết chóc khủng bố. Càng giết chóc khủng bố lại càng cuồng tín, giáo điều. Thế là chuỗi Nhân - Quả kết chặt lại không sao thoát ra được và luân hồi, quay đảo kiếp này sang kiếp khác trong cái trục gọi là Vô Minh.
- Giáo dục tốt lành + tôn giáo Từ Bi sản sinh ra thiện tri thức. Thiện tri thức vừa cứu đời vừa hoằng dương tư tưởng tốt lành. Thấm nhuần tư tưởng tốt lành lại sản sinh ra thiện tri thức. Thiện tri thức lại củng cố và phát huy giáo dục tốt lành. Chuỗi nhân quả cứ thế mà nối liền không dứt, kiếp này sang kiếp khác. Do đó khi tư tưởng tốt lành bị hủy diệt thì trái đất này cũng bị hủy diệt theo do gian ác, tham vọng cuồng điên và Vô Minh lên ngôi thống trị.
- Nước A chạy đua vũ trang (Nhân) khiến nước B chạy đua vũ trang (Quả). B chạy đua vũ trang lại khiến A chạy đua vũ trang. Rồi A chạy đua vũ trang lại khiến B phải chạy đua vũ trang nếu không muốn bị diệt vong. Chuỗi nhân quả cứ đan kết vào nhau như mắt xích không rời cho đến ngày A hay B bị diệt vong hoặc cả hai bị diệt vong. Sau thảm họa Thế Chiến I nhân loại tưởng có hòa bình, nào ngờ lại có Thế Chiến II. Sau Thế Chiến II thảm khốc lại có Chiến Tranh Lạnh. Sau Chiến Tranh Lạnh lại là chiến tranh bành trướng, chiến tranh chủng tộc, chiến tranh vì hận thù tôn giáo và chiến tranh để nắm giữ ngôi vị thống trị thế giới. Tất cả chỉ là sự vận hành của Chuỗi Nhân Quả do cái vọng tâm vô minh và cuồng điên của con người tạo ra chứ chẳng có Thần Linh (God) nào can dự vào đây.
4) Có khi Quả đến liền, có khi phải đợi một thời gian:
- Trồng bầu, trồng bí vài tháng là có quả bầu, quả bí ăn.
- Trồng nhãn, trồng xoàiphải vài năm mới có quả.
- Một vụ án mạng, do may mắn, do nhiều nhân duyên yếu tố mà phát giác ngay ra thủ phạm và đưa thủ phạm ra tòa xét xử.
- Nhiều vụ án mạng, nhiều vụ thủ tiêu người mờ ám phải nhiều năm sau mới khám phá ra thủ phạm.
- Song cũng có nhiều vụ không sao tìm ra thủ phạm. Dù không tìm ra thủ phạm nhưng hồ sơ của nhà hữu trách đã ghi chép và lưu giữ sự kiện giết người đó.
5) Câu hỏi hóc búa cuối cùng phải trả lời: “Tại sao bao nhiêu kẻ làm tội ác tày trời mà vẫn sống khơi khơi, chẳng chịu quả báo gì cả?” Chúng ta phải công nhận rằng có những tổ chức, những tôn giáo, những cá nhân gây tội ác kinh thiên động địa với nhân loại nhưng vẫn chưa bị trừng phạt, chưa bị “trả quả”. Tại sao vậy? Lịch sử nhân lọai đã từng chứng tỏ rằng không phải con người chỉ đứng lên bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chính nghĩa, nhiều khi con người cũng còn liều chết để bảo vệ tội ác khi họ bị lừa dối và tưởng tội ác đó là thánh thiện. Những tổ chức, những cá nhân tạo ra tội ác như vậy thế lực của họ rất lớn. Họ có khả năng mua chuộc báo chí, truyền thông tuyên truyền lừa mị, liên kết với các thế lực quốc tế hùng mạnh để khỏa lấp tội lỗi. Họ có khả năng trả thù tất cả những ai dám nói lên sự thực về tổ chức của họ. Thế nhưng ngày hôm nay do tư tưởng tiến bộ, một số thiện tri thức đã dũng mãnh đứng lên tố cáo tội ác của những tổ chức và những cá nhân này. Dù họ chưa bị “trả quả” nhưng Nhân tội lỗi đã nằm sẵn ở đó, nằm trong trí nhớ, nằm trong lương tâm của nhân lọai. Rất tiếc đời sống của chúng ta quá ngắn ngủi, không đủ dài để chứng kiến “ngày tàn” của những con người và tổ chức gian ác này. Nếu đời sống của chúng ta “đủ dài” chúng ta sẽ có dịp chứng kiến ngày “trả quả” của họ.
6) Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả:
Khi đã hiểu Luật Nhân Quả rồi thì sợ không dám làm điều bất thiện chứ đừng nói tới làm điều ác. Bồ Tát là bậc đại trí, nhìn xa trông rộng mà lại tu Thánh Đạo cho nên rất sợ gieo nhân. Còn hàng chúng sinh như chúng ta coi thường Luật Nhân Quả cho nên “rất thích” gieo nhân. Khi quả xảy đến hối hận cũng quá muộn màng. Một vài thí dụ sau đây cho thấy thế nào là “gieo nhân”. Gặp một cô gái đẹp/một chàng trai đẹp, động tâm, nói lời bóng gió như vậy gọi là “gieo nhân”, thế nào cũng mơ mộng rồi có ngày “cá mắc câu”. Thấy xì-ke ma túy hút thử chơi thôi, tức là đã “gieo nhân” thế nào cũng có ngày dính vào nghiện ngập. Thấy của cải của người ta sanh lòng tham, như vậy gọi là “gieo nhân” thế nào cũng có ngày tìm cách cướp bóc, chiếm đoạt. Thấy chuyện đời, bàn tán, mỉa mai chơi như vậy gọi là “gieo nhân”, thế nào cũng có ngày bị vạ miệng, gây thù chuốc oán. Đem bài bạc về nhà chơi, đem gia đình con cái viếng Casino giải trí, thế nào trong số con cái cũng có đứa “Cửa nhà bán hết tra chân vào cùm.”
Tôi có một kỷ niệm gặp gỡ một vụ “gieo nhân” cười ra nước mắt như sau: Tại một trường trung học đệ nhất cấp (cấp một) ở California mà tôi phục vụ, có một nữ sinh Việt Nam, lớp 8 mới 13 tuổi. Cô bé thường xuyên trốn học và hút xì-ke ma túy. Vì thường xuyên bỏ học, không theo kịp chương trình cho nên bà giáo nhờ tôi kèm và giảng thêm bài cho em. Nhìn cô bé tôi thương cảm vì cô bé ngoan, thông minh và chịu khó nghe giảng bài. Tôi nói, “Con à, con thông minh và xinh xắn như thế này, thế nào con cũng có một tương lai vô cùng tốt đẹp. Con ráng đi học và đừng làm cái gì bậy bạ nghe con.” Tôi không biết cô bé có xúc động gì với lời khuyên của tôi không. Nhân dịp này nhà trường cũng cho mời phụ huynh lại để thông báo. Trong lúc chờ đợi phiên họp với ông phó hiệu trưởng, tôi hỏi mẹ cô bé, tuổi chừng 40, “Em làm nghề gì vậy?” Người mẹ đáp, “Dạ, em mở quán cà-phê.” Tôi hỏi tiếp, “Cà-phê tên gì vậy em?” Người mẹ nói, “Cà-phê Quên Đời!” (2) Nghe thế tôi buột miệng kêu lên, “ Trời đất quỷ thần ơi! Thiếu gì tên đẹp như…Cà-phê Ban Mai, Cà-Phê Nắng Mới, Cà-phê Vui v.v.. sao em không đặt mà chọn cái tên Cà-phê Quên Đời?” Nghe phê bình vậy, người đàn bà nhìn tôi không nói gì. Có thể cô ta hối hận vì con cái hư hỏng, nhưng cũng có thể là, “Trời ơi! Cái ông thầy này ở Mỹ sao lạc hậu quá! Chọn những cái tên như thế thì quán cà-phê làm sao sống được.” Quả thật vậy! Nếu quý vị tới Thành Phố Tacoma Tiểu Bang Washington, Nam hoặc Bắc Cali như Los Angeles, Westminster hoặc San Jose quý vị sẽ thấy những quán cà-phê Việt Nam với đèn mờ mờ, bồi bàn bưng cà-phê là những cô gái trẻ, đi giày cao gót, ăn mặc hở hang (sexy) quá mức và được quảng cáo công khai trên báo. Sở cảnh sát địa phương rất bực bội với những quán cà-phê này vì nó còn là nơi lén lút tiêu thụ xì-ke ma túy. Nhưng thành phố lại cho mở, vì thương mại phát triển, thành phố thu được nhiều thuế. Khách hàng thường trực của những quán này là thanh niên độc thân, hoặc gia đình đổ vỡ, thảng hoặc cũng thấy một vài ông già đầu bạc. Họ tới uống cà-phê, ngắm nghía “ rửa mắt” hoặc tán dóc (tán gẫu) với mấy cô hầu bàn, hoặc coi truyền hình rồi cá độ, nhất là các trận đấu bóng bầu dục (Football). Họ cho tiền “típ” hay ” pour bois” rất nhiều. Cứ thử tưởng tượng với một khung cảnh mờ mờ, ảo ảo “quyến rũ” như thế, một cô bé học sinh ngây thơ, một ngày nào đó vì mẹ bận, thay mẹ ngồi ở quầy tính tiền, sẽ thấy những gì và sẽ nghĩ như thế nào? Với cái Nhân xấu như thế thì cô bé có hư hỏng cũng là chuyện đương nhiên thôi. Nghĩ thật đáng thương.
Vậy các bạn trẻ ở Việt Nam đừng tưởng Mỹ là Thiên Đường. Đừng tưởng Luật Nhân Quả chỉ ứng dụng cho các xứ nghèo như Việt Nam, Lào, Kampuchia, Miến Điện…chứ ở Mỹ, Úc, Âu Châu thì chẳng có Nhân-Quả gì hết. Đừng nghĩ vậy. Thống kê của Bộ Tư Pháp năm 2002 cho biết con số tù nhân bị giam giữ tại các nhà tù Tiểu Bang và Liên Bang Hoa Kỳ đã vượt quá 2 triệu người - con số cao nhất trong lịch sử lập quốc. Còn tại Tiểu Bang Victoria, Úc Châu, số nữ tù nhân gốc Việt đông đảo nhất, chiếm 16% trong tổng số 312 người. Trồng cần sa, gian lận trợ cấp, buôn bán ma túy, và nhất là ham mê cờ bạc đã là những lý do khiến những người phụ nữ này phải vào tù. (Thời Báo Online)
Thưa các bạn, vì cuộc sống và vì “ đắm nhiễm trần cấu” mà con người đã gây Nhân, tạo Nghiệp một cách “ngay tình”mà không hề hay biết. Chúng ta tự “gieo nhân xấu” để gây khổ lụy cho gia đình, bạn bè, làng xóm, xã hội và đất nước chứ chẳng có Thần Linh (God) nào can dự vào đây. Khi Quả vụt tới thì cuống cuồng cầu nguyện van vái Thần Linh cứu giúp. Nếu Thần Linh có thật, có một chút hiểu biết và Thần Linh nói được chắc chắn đã quát mắng, “ Ngươi tự gây ra tai họa thì ngày hôm nay ngươi phải nhận lãnh hậu quả. Giả sử ta có khả năng cứu giúp nhà ngươi thì tại sao ta không hóa phép để cả thế giới này không bao giờ có khổ đau để cho ta đỡ mệt? Khổ đau do chính các ngươi tạo ra. Ta thì giờ đâu, từng giây, từng phút tạo ra hàng vạn, hàng vạn thứ khổ đau? Thôi đừng nói chuyện ba lơn nữa!”
Vậy nếu không muốn “gieo nhân”, ngoài việc ý thức về Luật Nhân Quả, hành giả lúc nào cũng phải giữ gìn “Chánh Niệm” không để Tâm mình buông thả mông lung như “Ngựa phi ngoài đồng. Khỉ leo trên cành”. (3) Hành giả luôn luôn ở trong trạng thái cảnh giác, giống như Lão Tử nói rằng phải luôn luôn ý thức như mình đang đi trên nước sông nước đóng băng. Nếu cảnh giác được thì gọi là Định. Nói khác đi, biết mà không nói, thấy mà không bình phẩm, nghe mà không khen chê, không động tâm, đó là trạng thái “Đối cảnh vô tâm” của Sơ Tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông. Đối cảnh mà vô tâm thì chẳng “gieo nhân” gì hết. Nếu có “gieo nhân” thì gieo nhân lành chứ không phải nhân xấu. Khi không “gieo nhân” nữa thì không có Quả. Không Nhân - Quả thì Luân Hồi chấm dứt. Không gieo nhân, không tạo ác nghiệp, an nhiên tự tại là cảnh giới của Chư Phật và Chư Vị Bồ Tát vậy.
Kết Luận:
Dù bạn có coi thường Luật Nhân Quả, dù bạn không tin Luật Nhân Quả, dù bạn phủ nhận Luật Nhân Quả nhưng không bao giờ bạn thoát khỏi Luật Nhân Quả. Làm ác sẽ gặp ác (Ác Giả Ác Báo) dù bạn có chạy trốn lên cung trời nào, thế giới nào, dù bạn đã chết đi, con cái bạn cũng vẫn phải trả quả mà không một Thần Linh Tối Thượng nào có thể che chở cho bạn. Thi hành luật pháp, truy tố kẻ phạm pháp ra trước pháp đình là ứng dụng Luật Nhân Quả. Thế giới hiện nay vẫn tiếp tục truy lùng những tòng phạm giết người hàng loạt trong các lò sát sinh thời Đức Quốc Xã ra trước Tòa Án Quốc Tế, cho dù kẻ đó đã thay đổi quốc tịch, thay đổi tên họ, cho dù có kẻ ngày nay đã già yếu nhưng vẫn phải điệu ra trước tòa để “trả quả”. Có nhìn thấy, có hiểu được như thế mới thấy Luật Nhân Quả thật đáng sợ. Hệ thống luật pháp, tòa án để trừng trị kẻ có tội là sự ứng dụng hiển nhiên của Luật Nhân Quả. Nếu không có luật pháp, không có tòa án để trừng trị kẻ có tội thì thế giới này sẽ biến thành thế giới của loài muông thú, tức là làm ác mà không bị trừng phạt gì cả. Để tạm thay cho lời kết luận không gì bằng trích dẫn ở đây lời của Tỳ Kheo Thích Chơn Quang trong cuốn sách Luận Về Nhân Quả xuất bản ở trong nước năm 1988 và tái bản ở Hoa Kỳ năm 2551 (Phật Lịch) tức năm 2007 (Tây Lịch) nơi trang 11 viết như sau:
“Luật Nhân Quả là nền đạo đức, công bằng hơn mọi nền đạo đức nào khác và Luật Nhân Quả cũng chính là lương tri của nhân loại.” (4) 
Và lời phát biểu của Bà Christa Bentendieder, pháp danh Agganyani - Tổng Thư Ký Liên Đoàn Phật Tử Đức Quốc: “Đạo Phật chính là quy luật tự nhiên của trí tuệ, đó là Luật Nhân Quả.” (Buddhism as the natural law of the mind, the law of cause and effect.) (5)
(Đào Văn Bình, California, Tháng Ba năm 2554.PL - 2011.TL)

----------------------------------------------------------------
(1) website: http://www.sgi-uk.org
(2) Thực ra không phải là Cà-phê Quên Đời mà là một cái tên khác nghe rất tiêu cực và bụi đời, để tránh đụng chạm, tôi đã phải dùng một cái tên hư cấu khác.
(3) Tâm viên ý mã.
(4) Sách ấn tống không ghi địa chỉ liên lạc. Tại Hoa Kỳ quý vị có thể hỏi mua tại nhà in Papyrus 1002 South 2nd St. San Jose, CA 95112. Đây là cuốn sách khoa học, nghiên cứu công phu, đầy đủ về Luật Nhân Quả.
(5) Diễn văn đọc tại Savsiripaye, Colombo (Tích Lan) nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Liên Đoàn Phật Tử Đức Quốc 1952-2002 (Tài liệu: Buddhism in Germany).