Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010

Cấp cứu người bị rắn hay côn trùng cắn đốt



CẤP CỨU NGƯỜI BỊ RẮN HAY CÔN TRÙNG CẮN ĐỐT 
   
Làm gì khi bị rắn cắn? Tai nạn rắn cắn thường xảy ra bất ngờ, khiến nạn nhân và những người trong gia đình lúng túng, chậm trễ… nhiều khi không cứu nổi. Sau khi cắn người, con rắn thường chạy mất, nạn nhân không kịp nhận diện để biết là rắn lành hay rắn độc, nhất là trong đêm tối… Do vậy, khi không may bị rắn cắn, nạn nhân phải thật bình tĩnh, nhanh chóng làm các việc dưới đây: 

Cố gắng xác định sơ bộ xem đó là rắn lành hay rắn độc. Nếu tại vết cắn thấy cả hai hàm răng với nhiều vết chấm hình vòng cung, không thấy vết răng nanh là rắn lành. Còn nếu tại nơi bị cắn có hai vết răng nanh cách nhau 5mm và một số vết răng nhỏ là rắn độc.

Nếu đúng là bị rắn độc cắn hoặc không xác định được chắc chắn là rắn lành hay rắn độc,
cần ngồi yên, tuyệt đối không cử động phần cơ thể (chân, tay…) bị rắn cắn vì cử động sẽ làm cho chất độc lan nhanh trong cơ thể. Nếu bị cắn ở chân, nạn nhân không được đi, hay chạy.

Nếu có phương tiện sơ cứu có thể làm như sau:
Rửa sạch vết rắn cắn bằng xà phòng và nước sạch. Dùng dao sạch (đã khử khuẩn bằng cách hơ trên ngọn lửa) rạch một đường dài khoảng 10mm, sâu độ 3mm tại vết răng nanh, sau đó nặn ra ít máu. Sát khuẩn vết rạch bằng cồn 70o hoặc thuốc tím 0,1%, nước oxy già 12 thể tích, nước muối 9‰, rồi băng vết thương bằng gạc vô khuẩn.

Điều cần lưu ý:
 
Nếu vết cắn đã bị hoại tử hoặc rắn đã cắn nửa giờ thì không nên rạch da vì không có tác dụng. 

Nạn nhân và những người có mặt không được sờ vào miệng rắn cho dù rắn đã bị đánh chết hoặc đầu rắn đã bị chặt rời khỏi thân.


Sơ cứu xong, cần bất động chi bị cắn, chuyển nạn nhân đi bệnh viện ngay. Nên chuyển nạn nhân bằng cáng, hoặc ô tô, không nên chở bằng xe đạp, xe máy nhất là khi nạn nhân có dấu hiệu bị sốc hoặc liệt phần chi bị rắn cắn.


Theo dõi sát mạch, huyết áp, nhịp thở của nạn nhân. Chú ý phát hiện sớm các dấu hiệu suy hô hấp, truỵ tim mạch để có cách xử trí kịp thời. Nếu do rắn hổ (hổ mang, cạp nong, cạp nia…) cắn, sẽ có dấu hiệu viêm nhiễm rất sớm, thường chỉ sau 5 phút đến 1-2 giờ, nạn nhân thấy đau buốt tại chỗ, người mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, khó há miệng, sụp mi, giãn đồng tử, mạch nhanh, huyết áp tụt, rồi ngừng tim, ngừng thở và tử vong. Nếu do rắn lục cắn, nơi bị cắn sưng tấy nhanh, chỉ sau 6 giờ toàn chi bị cắn sẽ sưng to, tím tái, sau 12 giờ vết cắn bắt đầu hoại tử, nạn nhân bị truỵ tim mạch, viêm thận, suy thận cấp. 


Đề phòng rắn cắn:
Rắn thường kiếm mồi về đêm, ban ngày chúng thường ẩn nấp trong các hang hốc, hoặc treo mình trong bụi cây rậm rạp, ẩm thấp, tối tăm, do vậy:

Khi cần đi qua những nơi này, nhớ đi ủng, hoặc mang theo gậy dài vừa đi vừa khua để xua đuổi rắn. Không ngồi ở gò, đống, bờ bụi, gốc cây có nhiều hang hốc. Không nằm nghỉ dưới đất gần các bụi cây rậm rạp.


Muỗi đốt - Loài côn trùng này hiện diện khá nhiều trong nhà chúng ta. Khi bị muỗi đốt, dân gian có rất nhiều cách để ngăn sưng đỏ và ngứa. Cứ 5 phút một lần, lấy mặt trong của vỏ chuối chà xát lên vết muỗi đốt hoặc cắt củ khoai tây thành từng lát mỏng xoa vào chỗ bị đốt sẽ thấy rất hiệu quả. Nên thực hiện 3 lần trong ngày.

Bạn cũng có thể pha loãng giấm, xoa lên vết muỗi đốt, đắp lên đó một miếng gạc, sẽ không bị ngứa và sưng. Hoặc dùng nước cốt chanh tỏi, hành tây đập giập, thoa lên chỗ muỗi đốt cũng có công dụng tương tự. Nếu không muốn muỗi “quấy rầy”, bạn hãy dùng lá bạc hà, tía tô, lá cà chua vò nát lấy nước bôi lên da, chúng sẽ sợ mùi và không dám lại gần bạn.


Rết cắn - Nếu bị rết cắn sẽ gây đau, sưng tấy và có thể chết người. Tuy nhiên, có một vài cách trị dân gian khi rết tấn công. Cũng như khi bị rắn cắn, tốt nhất bạn hãy dùng sợi dây buộc chặt bên trên vết thương. Tiếp theo bạn lấy nước muối rửa vết thương. Sau đó nhanh tay móc nhớt trong cổ con gà hay nhớt ốc sên, bôi lên vết thương (tuy nhiên cách này không vệ sinh lắm).

- Bạn cũng có thể lấy một ít hạt mè (vừng) nghiền nát, đắp lên vết rết cắn. Hoặc dùng lá bạc hà rửa sạch, giã nát, đắp vào vết thương. Hạt khổ qua rửa sạch, giã nhuyễn, đắp lên cũng cho kết quả tương tự. Bên cạnh đó, hãy cho nạn nhân ngậm một miếng phèn chua to bằng đầu ngón tay.

- Để đuổi rắn, rết, bạn giã nhỏ tỏi, hành lá và thuốc lá, viên tròn và ném vào chỗ rắn, rết ở thì chúng sẽ tự động bò đi chỗ khác. Có thể trồng cây sả xung quanh nhà sẽ làm cho rắn không tìm đến nhà bạn.

Ve cắn - Khi bị ve cắn, không được tự dứt ra mà phải xử lý bằng một trong các phương pháp sau: Lấy nước điếu đặc (phần nước giữ trong điếu thuốc lào) chấm vào miệng con ve để tự nó nhả ra, sau đó lấy vôi tôi xát vào vết cắn. Hoặc dùng kim băng đốt nóng đỏ chọc vào bụng con ve, sau đó lấy vôi tôi bôi vào vết cắn. Nếu tự dứt con ve ra, răng ve còn lại trong da thịt sẽ gây ngứa, đau nhức, có khi phát sốt. Trong trường hợp này, lấy thuốc lá tẩm nước điếu đắp lên vết cắn và băng lại. Sau đó dùng toa thuốc: Ké đầu ngựa 20g, cỏ chỉ thiên 20g, cây vòi voi 20g, bồ công anh 40g đem sắc đặc, ngày uống 2 lần cho đến khi khỏi.

Vũ Văn Luật – Thành viên BHL SBĐ-ĐTĐ
Nguồn: Tổng đoàn Sao Bắc Đẩu

Thứ Sáu, 17 tháng 12, 2010

Cao Đài

 

Cao Đài

 

Vào năm 1927, trong một đàn cơ tại Cần Thơ, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế đã cho một bài thơ rất đặc biệt:
“Linh tiêu nhất tháp thị Cao Đài,
Đại hội quần tiên thử ngọc giai;
Vạn trượng hào quang tùng thử xuất,
Cổ danh bửu cảnh Lạc Thiên Thai. ”

Như là một lời giải thích về ý nghĩa của hai chữ "Cao Đài", bài thơ này nói rằng: nơi điện Linh Tiêu trên Thiên Đình có một ngôi tháp gọi là Cao Đài; ngôi tháp đó là chỗ các Đấng Thiêng Liêng hội tụ về; từ ngôi tháp này, hào quang chiếu ra muôn trượng; và tên xưa của nơi này là Lạc Thiên Thai. [1]

Đọc bài thơ này, nhiều nhà khoa học ở thế kỷ 21 sẽ nói rằng đó chỉ là một mô tả nào đó về một huyền thoại hơn là một sự thật. Tuy nhiên, không có một nguyên lý của bất kỳ một khoa học nào ngăn cấm chúng ta nghĩ rằng bài thơ này chứa đựng một sự thật.

Những nhận xét này dẫn đến một cách thức lý giải tuy kỳ lạ nhưng đầy ý nghĩa đối với hai chữ Cao Đài, thông qua một câu chuyện với ba phần:

I. Từ ngọn tháp nơi điện Linh Tiêu:
Bài thơ giải thích ý nghĩa "Cao Đài" mà Đức Chí Tôn ban vào năm 1927 là "rất đặc biệt", bởi vì bài thơ có chứa hai ý sau đây:
 
- Nơi Linh Tiêu Điện có một ngôi tháp gọi là Cao Đài.
- Ngôi tháp ấy là nơi quy tụ các Đấng Thiêng Liêng. 


Hai ý này có thể được tóm vào một ý duy nhất: Cao Đài là nơi quy hiệp các đấng Thiêng Liêng. Hiểu rộng hơn rằng, đó là nơi các Đấng Thiêng Liêng hội tụ lại để thực hiện những sứ mạng chung trong Trời Đất.

Trong một bài thuyết đạo của Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc tại Tòa Thánh Tây Ninh vào đêm 14-3 Kỷ Sửu (11-4-1949) khi Ngài còn hành đạo tại thế gian, Ngài đã kể về ngọn tháp Cao Đài ở Linh Tiêu Điện như sau: Có lần, Ngài được Đức Chí Tôn cho phép xuất thần lên Linh Tiêu Điện, tức là Ngọc Hư Cung, Ngài nhận ra rằng đó chính là cảnh giới Niết Bàn, và trong cảnh giới này, có một ngôi tháp rất cao với rất nhiều tầng, nhiều nấc. Mỗi tầng, mỗi nấc của ngôi tháp đều có hằng hà sa số vị Phật ngự trên đó. 

Đức Hộ Pháp kể thêm, mặc dù đang ở trong cõi Niết Bàn, nhưng nếu một vị Phật nào đó muốn thăng tiến từ một tầng lên một tầng cao hơn của ngôi tháp, thì vị Phật ấy phải xuống trần để bồi công lập đức một cách rất cực nhọc: Khi xuống trần, Đấng Thiêng Liêng ấy không được mang kiếp người, mà phải bắt đầu từ kiếp một con vật, phải tu đến khi thành người, rồi tu tiếp đến khi thành Phật một lần nữa. Mãi đến khi ấy, Phật vị của Đấng Thiêng Liêng ấy trên ngôi tháp cao ở Linh Tiêu Điện mới được tăng thêm một phẩm nữa.[2] 

Câu chuyện đại hội quần tiên trên chiếc đài cao ở Linh Tiêu Điện, cùng với chuyện các Đấng Thiêng Liêng hạ phàm để nâng cao phẩm vị, mặc dù rất giống một chuỗi huyền thoại, nhưng lại rất gần với những gì đã diễn tiến trong lịch sử tín ngưỡng của nhân loại hàng ngàn năm qua. 

II. Đến ngọn tháp trong tiềm thức của các tôn giáo:
Ngày xưa, ở Trung Hoa, muốn cầu Tiên, người ta cất một cái đài thật cao bằng lá tranh, gọi là thảo đài. [3]
 
Còn ở Ấn Độ, để thông công với các đấng Thiêng Liêng, người Bà La Môn cũng làm những chiếc tháp gỗ nhiều tầng, nhiều mái, lợp bằng cỏ – những ngọn tháp nhiều tầng này luôn đứng ở vị trí trung tâm trong các đền thờ Bà La Môn và Ấn Độ giáo. [4] 

Cùng với sự phát triển của văn minh nhân loại, những sự kiện tương tự cũng đã xuất hiện trong khắp các tín ngưỡng thuộc mọi nền văn minh từ Đông sang Tây: · Tại Ai Cập cổ đại, Ai Cập giáo đã tự khẳng định sứ mạng của mình qua việc xây dựng những chiếc đài cao khổng lồ từ nhiều ngàn năm trước, mà ngày nay chúng ta gọi là các kim tự tháp. 

· Tại Ấn Độ, đến khi Phật giáo xuất hiện, những chiếc đài cao nhiều tầng và nhiều mái của Bà La Môn tiếp tục được kế thừa bằng những ngọn tháp tại các chùa Phật giáo. 


· Trong các tôn giáo thuộc Thánh đạo, chiều cao hữu hình của Cao Đài còn được nâng lên thêm nhiều lần bằng các tháp chuông cao ngất của các nhà thờ Thiên Chúa giáo hoặc những đỉnh tháp cao vút trên mái vòm của các đền thờ Hồi giáo,... 


· Một số tôn giáo còn mượn những chiều cao sẵn có của thiên nhiên để thể hiện hình ảnh chiếc đài cao của mình, ví dụ rất nhiều đạo quán Lão giáo Trung Hoa, nhiều điện thờ Thần đạo (Shinto) Nhật Bản, và cả nhiều chùa Phật giáo nữa, vẫn thường được xây trên núi cao.

Sự hiện diện một cách đồng loạt của những chiếc đài cao trong các tôn giáo – qua nhiều hình thức khác nhau và ở những không gian, thời gian khác nhau – phải hàm ngụ một điều gì đó, chứ không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên. Vậy đó là điều gì? Chúng ta có thể phát biểu điều đó như thế này: Những chiếc tháp này đều là những biểu hiện khác nhau của cùng một chiếc đài cao trong khát vọng hướng thượng của nhân loại.

Nói rõ hơn nữa, mỗi tôn giáo đều có khuynh hướng tự phô diễn lấy hình thể cao đài trong kiến trúc của mình. Những chiếc đài cao ấy được mỗi tôn giáo dùng để biểu thị cho tầm kích to lớn và giá trị cao cả của công cuộc cứu thế mà tôn giáo ấy hoằng hóa nơi thế gian.

Chiếc đài cao – tức cái mà chúng ta đang quen gọi là Cao Đài – rõ ràng là một yếu tố rất quan trọng, đã ăn sâu vào tận trong tiềm thức của mỗi tôn giáo.

Trước khi nói nhiều hơn về tiềm thức, chúng ta hãy nói qua về ý thức. Mỗi tôn giáo đều có một hệ tư tưởng. Hệ tư tưởng này bao gồm những quan điểm (ví dụ, quan điểm về vũ trụ, quan điểm về nhân sinh), những kiến giải về đạo lý và giáo lý… Chúng ta có thể xem hệ tư tưởng của tôn giáo như là ý thức của tôn giáo. 


So với các tín ngưỡng sơ khai của nhân loại, thì hệ tư tưởng của các tôn giáo là một bước tiến lớn xét về phương diện văn hóa. Tuy nhiên, chính hệ tư tưởng, hay ý thức tôn giáo, lại là cái tạo ra khác biệt giữa tôn giáo này và tôn giáo khác. Ví dụ, bằng ý thức tôn giáo, người Thiên Chúa giáo đã phân tích lời nói của Đức Chúa Jésus: "Ta là Đường Đi, là Sự Thật, và là Sự Sống. Không ai đến được cùng Cha mà lại không nhờ Ta. Nếu các ngươi biết Ta, tất các ngươi cũng biết Cha." [5]  Từ đó, họ nói rằng tôn giáo của mình là con đường cứu thế duy nhất, nghĩa là không đi theo con đường đó, thì không ai được cứu rỗi. 

Tương tự, cũng bằng ý thức tôn giáo, người Phật giáo phân tích lời nói của Đức Phật Thích Ca: "Trên trời dưới đất, chỉ có Ta là đáng được tôn sùng. Ta muốn độ chúng sinh thoát khỏi sinh, lão, bệnh, tử." [6] Từ đó, họ nói rằng tôn giáo của mình là con đường giải thoát duy nhất.

Xem ra, tiếng nói của ý thức tôn giáo dễ dàng làm cho sự dị biệt giữa các tôn giáo ngày càng gia tăng.


Thật sự, cái Ta mà Đức Chúa Jésus hay Đức Phật Thích Ca nói đến đều không phải là bản ngã cá nhân của các Đấng ấy. Cái Ta này là cái Chân Ngã ở mỗi cá nhân trong nhân loại, hay nói dễ hiểu hơn, cái Ta này là tấm lòng thành tín ở mỗi con người. Bởi vậy, câu nói của Đức Chúa Jésus – "Không ai đến được cùng Cha mà lại không nhờ Ta" – có nghĩa là: nếu con người không đánh thức được Chân Ngã nơi mình, không nhờ vào tấm lòng thành tín của mình, thì con người sẽ không bao giờ tìm thấy được Thượng Đế. Cũng cùng một ý như vậy, câu nói của đức Phật Thích Ca – "Thiên thượng địa hạ duy Ngã độc tôn…" – có nghĩa là: khắp trong trời đất này, chỉ có tấm lòng thành tín của mình mới là yếu tố quyết định trong việc cứu mình thoát khỏi luân hồi mà thôi. 


Vậy thì, điều gì ẩn núp đằng sau những ý thức độc tôn của các tôn giáo? Rõ ràng, mỗi tôn giáo đã tự nhìn thấy nơi chính mình sự hiện diện của một đài cao tuyệt đối. Đài cao ấy là con đường phản bổn huờn nguyên, con đường trở về với Thượng Đế. Chỉ đáng tiếc một điều, ý thức tôn giáo đã diễn dịch sự hiện diện của đài cao ấy bằng ngôn ngữ của sự tự tôn. 

Tuy nhiên, ẩn sâu dưới những lớp ý thức độc tôn, tiềm thức của các tôn giáo luôn khiến cho các tôn giáo hành xử một cách đồng nhất, như là một tòa Cao Đài duy nhất. Thật vậy, không những xây dựng nên những chiếc đài cao, mỗi tôn giáo còn xem chiếc đài cao ấy là phần quan trọng nhất của bản thân mình. Chúng ta có thể kiểm nghiệm sự kiện tiềm thức này qua những quan sát sau đây.

Những ngôi chùa (hoặc nhà thờ) nổi tiếng trên thế giới, khi được đưa lên bưu ảnh, báo chí, truyền hình… người ta thường chú ý ngay lập tức đến chiếc đài cao của ngôi chùa (nhà thờ) trước khi nhận ra chính bản thân của ngôi chùa (nhà thờ) ấy. Ví dụ, chùa Thiên Mụ ở Huế – hầu hết các hình ảnh về ngôi chùa này thật ra chỉ là hình ảnh của chiếc tháp ở trước chùa mà thôi. Tương tự, hình ảnh tiêu biểu của các nhà thờ thường là hình ảnh của các tháp chuông. Như vậy, yếu tố đầu tiên khiến người ta nhận diện được một kiến trúc tôn giáo chính là cái Cao Đài trong kiến trúc của tôn giáo đó. 

Điều này được thấy còn rõ hơn ở các đền thờ Hindu. Trong các đền thờ lớn thường có nhiều điện thờ, nhưng phần quan trọng nhất là chiếc đài rất cao trong nội ô của đền. Ở các đền Hindu nhỏ hơn, người ta giảm đi số điện thờ, nhưng vẫn giữ lại chiếc đài cao. Tại một số nơi sùng đạo, như ở Bali (một hòn đảo thuộc Indonesia), người ta còn xây dựng cả đền Hindu nhỏ tại tư gia, các đền thờ nhỏ này được tối giản, người ta bỏ đi tất cả điện thờ, chỉ giữ lại chiếc đài cao mà thôi. Như vậy, đối với những tôn giáo như Bà La Môn, chiếc đài cao là cốt lõi, là cái không thể bỏ đi được trong quá trình tinh giản hóa hình tướng của tôn giáo. 

Hơn thế nữa, đối với một số tôn giáo, Cao Đài còn là cái duy nhất có khả năng tồn tại khi mọi dấu tích khác của tôn giáo đó đã biến mất. Ai Cập giáo cổ đại hầu như không còn dấu tích tại Ai Cập, vậy mà những chiếc đài cao "kim tự tháp" thì vẫn còn. Tại Việt Nam, khi đi về một số vùng đất miền Trung như Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết… chúng ta thấy các tháp Chàm: đó là những chiếc đài cao của Bà La Môn giáo Chiêm Thành, và cũng là vết tích duy nhất còn lại của Bà La Môn giáo tại những miền đất này. 

Nếu trong tiềm thức, mỗi tôn giáo luôn tự khẳng định lấy mình như một chiếc đài cao, thì điều đó cũng có nghĩa là các tôn giáo đã tự cảm nhận được rằng mình là một Cao Đài. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, sự cảm nhận này chỉ là một sự kiện tiềm thức, chứ không thể hiện trong ý thức hệ của các tôn giáo. 

Quan sát điều này, chúng ta có thể nhận thấy có một hiện tượng rất lạ lùng: mỗi tôn giáo càng cố gắng dùng ý thức hệ của mình để phân biệt bản thân mình với tôn giáo khác bao nhiêu, thì cách hành xử mang tính chất cao đài trong tiềm thức của các tôn giáo càng gần gũi với nhau bấy nhiêu.

Chúng ta hãy nhìn vào giáo thuyết của các tôn giáo để xem hiện tượng này được thể hiện như thế nào.

Cao Đài trong giáo thuyết của các tôn giáo:
Một khi đã là Cao Đài về phương diện hình thể, thì các tôn giáo cũng là Cao Đài trên phương diện giáo thuyết. Để minh họa, chúng ta hãy đối chiếu hai tôn giáo khác biệt nhau trên rất nhiều phương diện, là Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Sở dĩ chọn hai tôn giáo này như hai tôn giáo mẫu (sample), là vì xét trong tất cả các tôn giáo trên thế giới, thì đây có lẽ là hai tôn giáo khác biệt nhau nhiều nhất xét về mặt hình tướng. Vậy mà, sau khi thực hiện một phép đối chiếu đơn giản giữa hai tôn giáo khác biệt này, chúng ta có thể thấy rất nhiều điểm chung giữa hai giáo thuyết. Có thể chỉ ra bốn điểm tiêu biểu sau đây:
Thứ nhất, hai tôn giáo khác biệt này có cùng một huyền sử về Đấng Giáo Tổ của mình. Thiên Chúa giáo (nói rõ hơn, Công giáo, hay Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã) nhìn nhận rằng Đức Chúa Jésus đã giáng sinh qua Đức Mẹ Maria đồng trinh, chứ không chào đời theo quy luật của một con người bình thường. Tương tự, Phật giáo nhìn nhận rằng Đức Phật Thích Ca đản sinh bằng cách đi xuyên qua hông bên phải của Hoàng Hậu Maya. Huyền sử này là một sự trình bày kín đáo những pháp môn nội giáo tâm truyền của các tôn giáo này. 

Thứ hai, con đường giải thoát của hai Đấng Giáo Tổ của hai tôn giáo này chỉ là một. Đó là con đường xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo. Thật vậy, trong Phật giáo, Đức Phật Thích Ca đã từ bỏ ngai vàng, danh vọng, hạnh phúc cá nhân, tài sản vật chất để tìm đường giải thoát. Còn trong Thiên Chúa giáo, Chúa Jésus dạy những ai có tài sản, phải phân phát hết cho người khác rồi hãy đi theo Ngài.

Thứ ba, hai tôn giáo khác biệt này có cùng một lịch sử thành đạo của Đấng Giáo Tổ. Thiên Chúa giáo nói rằng Chúa Jesus đã bị ma quỷ thử thách trong sa mạc trước giờ thành đạo. Bằng một ngôn ngữ gần như chính xác như vậy, Phật giáo cũng nói rằng Phật Thích Ca đã bị ma quỷ thử thách dưới cội bồ đề trước giờ thành đạo. Chính khả năng chiến thắng bản thân trong cuộc khảo thí cuối cùng này đã xác nhận đạo quả của các bậc giáo tổ. 

Thứ tư, hai tôn giáo này có cùng một kinh nghiệm vấp ngã của những vị môn đệ đầu tiên của các Đấng Giáo Tổ. Ananda đã làm ngơ ba lần trước lời thỉnh cầu của Đức Phật Thích Ca trước khi Ngài đi vào cõi Niết Bàn. Piere chối Chúa Jésus ba lần trước khi Đấng Cứu Thế trở về với Thượng Đế. Sự vấp ngã trước giờ thành đạo của các vị môn đồ này là một kinh nghiệm tu học để những thế hệ giáo đồ đi sau lấy đó mà tự răn mình trên đường tu học. 

Bốn sự kiện này đều là những sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với hai tôn giáo này. Trong mạch lý luận ở đây, những sự kiện tương đồng ấy chứng minh cho một sự thật ẩn chứa bên trong mỗi tôn giáo: mặc dù đã xuất hiện từ hai nền văn hóa rất khác biệt nhau, nhưng mỗi tôn giáo đã được xây dựng theo cùng một hoạ đồ thiết kế. Hoạ đồ thiết kế ấy chính là Cao Đài trong tiềm thức của mỗi tôn giáo.

Cao Đài trong giáo lý của các tôn giáo:
Bây giờ, chúng ta đi vào phần quan trọng nhất của các tôn giáo, là phần giáo lý. Nếu trong phần trước, cái khung cơ bản cho giáo thuyết các tôn giáo là như nhau, thì trong phần này, chúng ta sẽ thấy rằng, giáo lý của các tôn giáo thật sự là một.

Tiếp tục khảo sát Thiên Chúa giáo và Phật giáo về phương diện giáo lý. Để đơn giản hóa, chúng ta hãy xét một vấn đề giáo lý rất dễ hiểu: vấn đề ăn chay.

Đối với Phật giáo, truyền thống ăn chay từ thời Ba La môn giáo đã được kế thừa nguyên vẹn: họ không ăn thịt động vật, để hạn chế tối đa sự sát sanh.

Trong Thiên Chúa giáo – ít nhất cũng là Thiên Chúa giáo trong thế giới của chúng ta hiện nay – việc ăn chay như vậy chẳng những không được thực hiện, mà còn bị coi là không nằm trong giáo huấn của nền đạo này. Hiện nay, không có một người Công giáo nào coi việc ăn mặn là có tội. Nhưng chúng ta có thể chứng minh rằng, trong chân truyền của Thiên Chúa giáo, ăn mặn thật sự là một tội lỗi.

Trong Cựu Ước, quyển Sáng Thế Ký, vào "ngày thứ sáu": "Đức Chúa Trời lại phán rằng: Nầy, ta sẽ ban cho các ngươi mọi thứ cỏ kết hột, mọc khắp mặt đất, và các loài cây sanh quả có hột giống; ấy sẽ là đồ ăn cho các ngươi."
 
Đọc câu này, chúng ta có thể nói rằng: Thiên Chúa đã quy định rất rõ ràng thức ăn cho con người từ thuở mới tạo ra loài người. Tuy nhiên, cũng theo Sáng Thế Ký, dần dần theo thời gian, thánh chất của nhân loại càng lúc càng lu mờ, nên Thiên Chúa đã tạo nên đại hồng thủy, tận diệt hầu hết nhân loại, ngoại trừ gia đình Nô-ê, và Thiên Chúa đã điều chỉnh lại quy định được ban hành "ngày thứ sáu" sáng thế cho phù hợp với căn trí của con người qua lời Ngài phán với Nô-ê như sau: "Phàm vật chi hành động và có sự sống thì dùng làm đồ ăn cho các ngươi. Ta cho mọi vật đó như ta đã cho thứ cỏ xanh. Song các ngươi không nên ăn thịt còn hồn sống, nghĩa là có máu. Quả thật, ta sẽ đòi máu của sự sống ngươi lại, hoặc nơi các loài thú vật, hoặc nơi tay người, hoặc nơi tay của anh em người."
 
Như vậy, Thiên Chúa đặt con người trước một sự tự quyết định: cả thực vật lẫn động vật đều là những vật mà con người có thể ăn được, nhưng ai sát mạng động vật để làm thức ăn cho mình, người đó phải chấp nhận một sự đánh đổi. Thiên Chúa sẽ đòi máu của họ, bằng cách mượn các loài thú dữ khác, hoặc đồng loại của chính họ, đòi lại món nợ máu mà họ đã nợ những động vật đã chết cho những bữa ăn của họ. 

Cũng thông qua đoạn kinh Cựu Ước trên đây, chúng ta thấy Thiên Chúa giáo có đề cập đến luật nhân quả dưới một hình thức rất rõ ràng và sòng phẳng: nếu con người ăn thịt động vật, mai sau sẽ bị động vật khác… ăn thịt lại, hoặc sẽ bị chính đồng loại của mình giết hại. Ngày nay, nhìn ra thế giới, chúng ta thấy nhân loại đang giết hại lẫn nhau ở khắp nơi. Chưa nói đến những nguyên nhân khác dẫn đến thảm cảnh này, chỉ mới nói về vấn đề ăn chay, chúng ta đã thấy thảm cảnh đó là một minh chứng cho lời Kinh Cựu Ước: nhân loại đã vay mượn máu của hằng hà sa số động vật cho vô số bữa ăn của mình nơi thế gian này, và những món nợ đó đã tích lũy nhiều đến mức mà giờ đây bất cứ nơi đâu cũng xuất hiện cảnh trả nợ.

Trở lại việc so sánh giáo lý giữa Thiên Chúa giáo và Phật giáo qua vấn đề ăn chay, chúng ta thấy không có sự khác biệt giữa hai nền giáo lý. Nếu chúng ta tiếp tục so sánh những vấn đề giáo lý khác, chúng ta sẽ thấy kết luận này càng được củng cố.

Cho đến đây, thông qua hàng loạt sự kiện khác nhau – từ kiến trúc, cho đến giáo thuyết, rồi đến giáo lý của các tôn giáo – chúng ta thấy rằng: các tôn giáo đều có một đời sống tiềm thức như nhau, và trong đời sống đó, các tôn giáo đã linh cảm được rằng mình là Cao Đài. Dĩ nhiên, các tôn giáo chưa bao giờ dùng đúng hai chữ "Cao Đài" để mô tả chính mình, nhưng ý niệm về một chiếc đài cao, một chiếc đài vượt lên trên tất cả những gì hạn hẹp của thế gian này (xét theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), chắc chắn là một ý niệm đã ăn rất sâu trong tiềm thức từng tôn giáo và đã biến thành một bản năng hướng thượng của mỗi tôn giáo. 

III. Sự hiện diện của đạo Cao Đài tại thế gian:

Mục I là chuỗi huyền thoại về ngọn tháp Cao Đài trên Linh Tiêu Điện, và mục II, sự thật hiển nhiên mà cũng rất lạ lùng về vô số những đài cao hiện diện trong các tôn giáo. Bây giờ, chúng ta có thể giải thích những điều lạ lùng ở mục II bằng cách sử dụng những sự kiện ở mục I. 


Mọi tôn giáo trên thế gian này – dù là Phật giáo, Thiên Chúa giáo, hay bất kỳ một tôn giáo nào – đều được xây dựng và phát triển bởi những thiên sứ của Đức Thượng Đế. Tất cả những thiên sứ ấy đều xuất phát từ cùng một quê hương thiêng liêng, và đều nhận lãnh sứ mạng trực tiếp từ một Đấng Thượng Đế duy nhất. Khi thác sinh vào thế gian để xây dựng hoặc phát triển một nền Đạo, do mang thân xác của những phàm nhân, các Đấng này ít nhiều đều không tránh khỏi việc bị vô minh che lấp điểm Linh Quang của mình. Do đó, khi sống ở thế gian, ký ức thiêng liêng của các Đấng ấy có thể không còn nhớ rõ những gì mình đã hứa với Thượng Đế trước khi ra đi. Ở đây có hai trường hợp:
1. Nếu ký ức thiêng liêng ấy vì lý do gì mà bị phai lạt hoàn toàn, thì Đấng Thiêng Liêng ấy sẽ quên mất mình là ai, quên cả sứ mạng, quên cả lối về, và bị lạc nhiều kiếp trong lục đạo luân hồi.

2. Còn nếu ký ức ấy vẫn còn, thì Đấng Thiêng Liêng đó phải nhìn thấy một cái gì đó trong ký ức thiêng liêng của mình. Nhưng cái đó là cái gì? Xin chọn một câu trả lời: Đó chính là ngôi tháp Cao Đài tại Linh Tiêu, nơi mà Đấng ấy đã từng sum vầy với bạn hữu thiêng liêng của mình.

Thực chất của việc lập những nền Đạo khác nhau là gì? Chính là lập những Hội Thánh khác nhau tại thế gian. Chữ "Hội Thánh" ở đây – nói nôm na là "Hội của những vị thánh" – được hiểu là một trung tâm quyền pháp, có khả năng tiếp nhận ân điển của các Đấng Thiêng Liêng và quy tụ tinh thần của vạn linh để vận chuyển cơ cứu thế.
 
Trong các thời kỳ phổ độ lần thứ nhất và thứ nhì của Đại Đạo, mỗi tôn giáo cứu thế đã từng là những Hội Thánh như vậy trên thế gian. Và "hội của những vị thánh" đã được xây dựng theo mô hình "quần tiên đại hội" ở Linh Tiêu Điện như trong hai câu thơ:
Linh Tiêu nhất tháp thị Cao Đài,
Đại hội quần tiên thử ngọc giai.

Có thể nói, tiềm thức về Cao Đài của mỗi một tôn giáo, về thực chất, chính là ký ức thiêng liêng của các Thiên sứ hạ phàm trong sứ mạng xây dựng và phát triển tôn giáo đó. Khi một Đấng Thiêng Liêng giã từ Linh Tiêu Điện, giã từ "quần tiên đại hội" ở ngôi tháp Cao Đài để thác sinh vào cõi thế, các Đấng ấy đã cố gắng tái tạo ở thế gian hình ảnh căn bản nơi cố hương thiêng liêng của mình: Hình ảnh quần tiên hội, hay Hội Thánh, tại ngôi tháp Cao Đài. Nói nôm na, hồi còn ở "trên kia", các Đấng Thiêng Liêng làm cách nào để cứu độ chúng sinh, thì khi "xuống đây", các Đấng ấy cũng cố gắng thực hiện càng giống như vậy càng tốt, để tiếp tục sứ mạng của mình.

Như vậy, các tôn giáo chính là sự mô phỏng tại thế gian những hoạt động của "đại hội quần tiên" ở Linh Tiêu Điện để vận chuyển cơ cứu độ tại thế gian, còn chiếc đài cao trong tiềm thức của các tôn giáo chính là một ký ức thiêng liêng về chiếc đài cao ở Linh Tiêu Điện.

Điều này giải thích vì sao, chỗ nào có tôn giáo với tổ chức giáo hội, thì chỗ đó đều có hình bóng của những chiếc đài cao. Mặc dù, nhà thờ xây đài cao theo kiểu nhà thờ, nhà chùa dựng đài cao theo kiểu nhà chùa… nhưng cái nhìn của chúng ta vẫn có thể vượt qua được những khác biệt trong kiểu cách xây cất, để thấy rằng đó quả thật là những nỗ lực trong việc tái hiện chiếc tháp ở Linh Tiêu Điện.

Nếu chấp nhận cách giải thích trên đây, chúng ta sẽ tìm thấy một ý nghĩa lớn lao của việc khai mở Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Qua hai thời kỳ phổ độ trước đây, chiếc đài cao chỉ hiện diện trong hành xử tiềm thức các tôn giáo, chứ không thể hiện ở ý thức hệ. 


Bởi vậy, chưa hề có một tôn giáo nào phô diễn được cho nhân sanh hiểu về chiếc đài cao này thông qua ý thức hệ của mình.

Với sự khai mở đạo Cao Đài, Đức Thượng Đế đã chuyển chiếc đài cao trong tiềm thức của các tôn giáo thuộc các thời kỳ phổ độ trước đây thành một ý thức hệ trong tam kỳ phổ độ. Không những thế, ý thức hệ này còn được đặt tên là ý thức hệ Cao Đài.

Đến đây, chúng ta có thể thấy được hai sự kiện:
Thứ nhất, sẽ rất hợp lý nếu nói rằng đạo Cao Đài là một nền đạo đã được manh nha ngay trong tiềm thức của vạn giáo từ hàng ngàn năm trước. Nói cách khác, ẩn sâu trong bản chất của mỗi tôn giáo riêng biệt trên thế giới là một tôn giáo phổ quát và trường cửu, một nền đạo chung, mà đến thời Tam Kỳ Phổ Độ, nền đạo này mới thật sự được khai mở với tên gọi là Cao Đài. Sự kiện này không những đã được tiên tri từ rất lâu trong kinh sách của nhiều tôn giáo, mà còn được nhìn thấy trước bởi nhiều đạo sư chứng đắc tại thế gian, trước khi đạo Cao Đài ra đời.

Thứ hai, những thiên sứ hạ phàm – mà giáo lý Đại Đạo gọi là các Nguyên nhân – qua các thời kỳ phổ độ trước đây, đã bị lưu lạc rất nhiều trong lục đạo luân hồi, không biết đến ngày nào mới có thể trở lại ngôi xưa vị cũ trên chiếc tháp Cao Đài nơi Linh Tiêu Điện. Mặc dù suốt trong các thời kỳ phổ độ, Thượng Đế đã lần lượt lập thêm những nền đạo mới để tạo những cơ hội cho các Nguyên nhân trở về, nhưng hàng ngàn năm luân hồi có thể đã xóa hẳn hình ảnh cố hương trong ký ức của rất nhiều Nguyên nhân, trong khi những nền đạo ấy đều chưa bao giờ nói rõ với các Nguyên nhân rằng mình chính là chiếc đài cao mà các Nguyên nhân ấy đã từng ngự trên đó. Bởi vậy, trong tam kỳ phổ độ, Thượng Đế mới khai mở cơ đại ân xá, tuyên bố ngay từ đầu với vạn linh rằng đây là Cao Đài, là cội nguồn thiêng liêng của vạn linh, là đường phục hồi ngôi vị cũ của các Nguyên nhân.

Khi lập Hội Thánh của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Thượng Đế đã tổ chức theo đúng mô hình của chiếc tháp ở Linh Tiêu Điện: Linh hồn vô hình của Hội Thánh là Bát Quái Đài, thể xác hữu hình của Hội Thánh là Cửu Trùng Đài, và chơn thần của Hội Thánh là Hiệp Thiên Đài. Mỗi đài trong Tam Đài đều là Cao Đài: Cửu Trùng Đài thật sự là một Cao Đài, Hiệp Thiên Đài cũng thật sự là một Cao Đài, còn Bát Quái Đài thì vốn đã là Cao Đài từ trong bản chất. Đến khi Tam Đài hợp lại, thì trở thành một Cao Đài duy nhất, từ thế gian vươn đến tận cõi Niết Bàn. Bởi vậy, đạo Cao Đài có thể được ví von như một cái thang tiến hóa, chẳng phải theo đường xoáy trôn ốc như phần lớn vạn linh trước đây phải đi, mà chiếc thang này được bắt thẳng từ cõi thế gian đến tận cõi Niết Bàn, lên thẳng đến Bạch Ngọc Kinh. Chiếc thang đã được bắt, chuyện còn lại là chuyện của người leo thang. Mà lại sợ người leo thang e ngại cảnh đất trời xa cách muôn trùng, nên Đức Chí Tôn làm ra chiếc thang chỉ có vài nấc mà thôi. Người có căn trí kha khá, chỉ leo ba nấc, gọi là Tam Thừa, là tới Bạch Ngọc Kinh. Người có căn trí thiển bạc, thì ba nấc này được chia nhỏ thành chín nấc, gọi là Cửu Phẩm. Nếu ngồi nghĩ lại, thì đường đi từ thế gian lên Thiên Đàng từ xưa đến nay, thật chưa bao giờ mà ngắn đến như vậy.

Chúng ta, những người tín đồ Cao Đài bình thường, nếu nhớ rằng mình đang sống trong cùng một Hội Thánh với các Đấng Thiêng Liêng, thì chúng ta sẽ cảm nhận được lòng từ bi vô lượng của Đức Chí Tôn trong cơ đại ân xá kỳ ba. Quả vậy, chúng ta có thể đã từng lưu lạc rất nhiều kiếp trong lục đạo luân hồi, vậy mà, vừa nhập môn vào đạo Cao Đài, chúng ta tức khắc đã trở thành một thành viên đứng trong cùng một Hội với chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần. 

 Không những đứng chung với các Đấng Thiêng Liêng trong cùng một tổ chức, mà Thượng Đế còn nâng địa vị của chúng ta lên làm những người em ruột thịt của các Đấng Thiêng Liêng ấy, vì tất cả mọi thành viên trong Hội Thánh đều cùng gọi Thượng Đế là Cha, mà đã có cùng một Cha, tức phải là anh em ruột thịt với nhau.

Hơn nữa, trong những thời cúng, những thời tịnh, và những khi hành đạo, các Đấng Thiêng Liêng đều đến với chúng ta trong một sứ mạng chung. Điều đó có nghĩa là chúng ta, những người tín đồ Cao Đài, đã được trở lại và đang được sống trong quần tiên hội trên ngọn tháp Cao Đài. Nói bằng một hình ảnh hơi khác đi, thì Đại Từ Phụ đã cho ngọn tháp trên Linh Tiêu nối dài ngược xuống thế gian để chúng ta trèo lên mà tìm lại ngôi vị cũ của mình. 

Những nỗ lực của chúng ta trong việc tu học và hành đạo càng mạnh mẽ bao nhiêu, thì sự thăng tiến của chúng ta trên những tầng của ngôi tháp Cao Đài càng nhanh chóng bấy nhiêu.

IV. Kết luận:

Chúng ta vừa đi qua cả ba phần của một câu chuyện có liên quan đến ý nghĩa của hai chữ "Cao Đài". Câu chuyện lạ kỳ này cho thấy Cao Đài là một sự thật bao quát từ cõi vô vi đến cõi hữu hình, một sự thật đã từng hiện diện trong sự cứu thế của Thượng Đế suốt từ Nhất Kỳ Phổ Độ đến Nhị Kỳ Phổ Độ. Sang đến Tam Kỳ Phổ Độ, sự thật này đã trở thành một nền đạo có chơn tướng, một thực thể nhìn thấy được, mà nhân sanh có thể nhập môn vào đây để tu học, để cải thiện bản thân và xã hội, từ đó, thừa hưởng kết quả thật sự của sự cứu độ. 

Bởi vậy, có lẽ kết thúc hay nhất mà chúng ta có thể dành cho câu chuyện này là một mệnh đề ngắn gọn:
"Cao Đài chính là Đại Đạo".

Còn nếu như mệnh đề đó có vẻ quá ngắn gọn, chúng ta có thể mượn lời Đức Vạn Hạnh Thiền Sư để làm một kết luận đầy đủ hơn:

Người vẫn tưởng Cao Đài tôn giáo,
Nào hay đâu Đại Đạo hoằng dương;
Gồm thâu trăm nẻo ngàn đường,
Tam nguơn chuyển thế định phương phục hoàn.
Mở trí tuệ soi đàng thiên lý,
Định tâm hồn coi kỹ cơ Trời;
Một vòng luân chuyển ai ơi,
Cổ kim nhứt mạch Đạo Trời hóa sanh. 

Thiện Quang
Nguồn: www.nhipcaugiaoly.com


--------------------------------------------------------------------------
1. Huệ Lương, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ (Cao Đài giáo) sơ giải.
2. Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Con Đường Thiêng Liêng Hằng Sống.
3. (02-10-1947).
4. Julian Davison & Bruce Granquyst; Balinese Temple
5. Kinh Tân Ước: Jean, 14:6-7.
6. Kinh Trường A Hàm: phẩm Sơ Đại Bổn Nguyên

Một số câu hỏi về ăn chay

 

 

MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ ĂN CHAY

 

 1. Ăn tôm, cua, sò, ốc được kể là ăn chay không?

Ăn tôm cua sò ốc, tức là ăn thịt các loài động vật. Chúng nó cũng có sanh mạng và sự sống. Phải bắt giết chúng nó thì mới ăn thịt được, rõ ràng ta phạm tội sát sanh, nên ăn tôm cua sò ốc dứt khoát không phải là ăn chay, mà đó là ăn mặn. Có người còn ngụy biện nói rằng vì chúng nó có máu trắng. Dù máu trắng nhưng chúng nó là loài động vật có tri giác, biết tìm thức ăn, biết chống cự hay trốn chạy ẩn núp khi mạng sống của chúng bị đe dọa.

2. Ăn chay có được dùng bơ, sữa, mật ong, trứng gà không?
Về bơ (beurre) và phô-ma (fromage), ta phân biệt hai loại: Bơ thực vật (beurre végétale) và Bơ động vật (beurre animale).

- Bơ thực vật làm bằng các chất béo của thực vật như đậu phộng, dừa, trái bơ; sữa thực vật như sữa đậu nành, sữa đậu phng.... Bơ và sữa thực vật là thức ăn chay hoàn toàn, người ăn chay trường dùng rất tốt.

- Bơ động vật và phô-ma là hai loại được chế tạo từ sữa bò, sữa trâu. Dùng các thứ nầy không mang tội sát sanh, nên người ăn chay trường có thể dùng các thứ đó làm thức ăn chay. Tuy nhiên về phương diện thanh và trược thì bơ, phô-ma và sữa động vật có tính chất trược hơn các thức ăn thảo mộc.

Do đó, bên Phật giáo vẫn cho phép dùng bơ và sữa động vật làm món ăn chay.
Nó có nguyên nhân xa xưa là lúc Thái tử Sĩ-Đạt-Ta từ bỏ lối tu khổ hạnh, chuyển qua lối tu trung đạo, Ngài kiệt sức, bất tỉnh, nằm chết giấc dựa cội cây bồ đề. Có một thiện nữ được báo mộng trước, hôm ấy chuẩn bị bình bát sữa tìm đến cội bồ đề, cúng dường cho Phật. Khi Phật tỉnh lại, Phật cầm bình bát sữa uống cạn, nhờ vậy, Phật dần dần phục hồi sức khỏe.

- Về mật ong:
Mật ong do các con ong hút mật hoa hay hút chất đường rồi dùng nước miếng của nó tạo thành. Mật ong là thực phẩm hoàn toàn chay, rất bổ dưỡng, dùng cho người ăn chay trường rất tốt.

- Về trứng gà, trứng vịt, trứng cút:
Nếu các loại trứng có trống, tức là có chứa sẵn một mầm sống trong đó, để theo thời gian sẽ phát triển thành một sinh vật mới, khi dùng chúng làm thức ăn, tức là chúng ta sát hại mầm sống ấy, ắt phạm tội sát sanh.

Nếu trứng không trống, khi ta dùng thì không phạm tội sát sanh. Tuy vậy, trứng vẫn là chất trược, không làm cho chơn thần chúng ta trong sáng và thanh nhẹ, nên cần phải cẩn thận, không nên lạm dụng, tốt nhứt là không nên dùng.

Đối với những vị đang lập công trong trường thi công quả, việc ăn chay trường không nên quá bảo thủ khắt khe, nhứt là những khi đau ốm, cần phải phục hồi sức khỏe mau chóng để lo làm công quả, thì việc dùng thêm các loại bơ, sữa động vật, hay các loại trứng không trống, là một điều có thể thông cảm được vì không phạm giới sát sanh, nhưng chúng ta vẫn nhớ rằng các thức ăn ấy có chất trược, không tốt cho chơn thần.

Một điều mà chúng ta cần lưu ý là việc ăn chay là hành động tự giác tự nguyện vì lợi ích cho bản thân của chúng ta, chớ không phải lợi ích cho Đức Chí Tôn hay Phật Mẫu.

3) Ăn chay trường có thành Tiên, Phật không?
Nếu chỉ có ăn chay trường mà không làm công quả thì không thể thành Tiên, Phật đặng. Người ăn chay trường ấy, khi chết, chơn thần và linh hồn được trong sạch nhẹ nhàng, được siêu thăng lên các cõi Trời, hưởng sự an nhàn, nhưng không có ngôi vị là Tiên, hay Phật.

Muốn thành Tiên, Phật thì buộc phải có công quả.
"Người dưới thế nầy muốn giàu có phải kiếm phương thế mà làm ra của. Ấy là về phần xác thịt. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật, muốn cho đắc đạo phải có công quả. Thầy đến độ rỗi các con là thành lập một trường công đức cho các con nên đạo." (TNHT 1-2 hợp nhứt, B 17)

Muốn có công đức thì phải làm công quả.

Việc ăn chay trường chỉ tạo được chơn thần trong sáng, làm công quả mới đắc thành Tiên, Phật.

Nhưng ngược lại, nếu có đầy đủ công quả mà không ăn chay trường thì cũng không thể thành Tiên, Phật được, vì chơn thần trọng trược không thể bay khỏi bầu khí quyển mà lên cõi thiêng liêng. Hơn nữa, vì ăn mặn nên còn bị linh hồn các con vật đòi các món nợ oan nghiệt, nên chúng nó buộc chặt chơn thần người đó không cho bay lên cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Cho nên, muốn đắc thành Tiên Phật thì phải có đủ hai điều kiện:
1.- Đầy đủ công quả. 2.- Ăn chay trường.

4) Ăn chay thì thanh, ăn mặn thì trược, tại sao?
Có nhiều nguyên do, kể ra sau đây:

a.- Về cấp tiến hóa:
Thảo mộc ở cấp tiến hóa thấp hơn động vật, chỉ có Sanh hồn; còn động vật thì ở cấp tiến hóa cao hơn, có được hai phần hồn là: Sanh hồn và Giác hồn. Do đó, loài động vật khi đau đớn biết rên la, khi sợ hãi biết chạy trốn.

b.- Về sự sinh sản và di truyền nòi giống:
Loài thảo mộc có nhị đực và nhị cái ở trong cùng một cái hoa hay trên cùng một thân cây, nhờ ong bướm hay gió thổi mà nhị đực rơi vào nhị cái, kết thành trái và hột để di truyền nòi giống.

Loài động vật thì con đực và con cái là hai thân thể khác nhau, chúng có lòng dục nên tìm gặp nhau giao phối, để sanh sản. Khi sanh sản thì máu huyết tiết ra dơ dáy.

Do đó, loài động vật thuộc Hậu Thiên Cơ ngẫu nên trọng trược, còn loài thảo mộc thuộc Tiên Thiên Cơ ngẫu nên thanh nhẹ.

c.- Về sự sinh sống:
Loài thảo mộc sống nhờ hấp thu ánh sáng mặt trời và hấp thu các tinh chất của không khí và của đất, nên thảo mộc chứa nhiều sinh tố và khoáng chất.

Loài động vật sống nhờ ăn thảo mộc hay ăn thịt lẫn nhau, nên thịt của nó chứa ít sinh tố và có chất độc.

Do đó, chúng ta ăn loài thảo mộc thì vừa bổ dưỡng chơn thần vừa bổ dưỡng thể xác, còn ăn thịt thú cầm thì chỉ bổ dưỡng thể xác mà lại làm cho chơn thần ô trược.

d.- Về tính dẫn điện:
Khi thoát xác, chơn thần của người ăn chay trường thì trong sáng, nhẹ nhàng, bay lên thoát qua lớp không khí dễ dàng; còn chơn thần người ăn mặn thì trọng trược mờ tối, nên không thể bay lên cao được, lại nữa, vì chơn thần trọng trược nên có tính dẫn điện tốt, dễ bị sét đánh tiêu tan khi bay lên cao.

5) Thảo mộc có mạng sống, nên ăn chay cũng sát sanh, thì hơn ăn mặn chỗ nào?
Thảo mộc là một loài trong chúng sanh, nó cũng có mạng sống, nhưng mạng sống của nó nhỏ bé hơn mạng sống của thú cầm, vì nó chỉ có một phần hồn là Sanh hồn, và ở cấp tiến hóa thấp hơn thú cầm. Do đó, việc sát hại thảo mộc ít tội tình oan nghiệt hơn sát hại thú cầm.

Vả lại, muôn loài vạn vật phải ăn mà sống. Để giải quyết cái ăn nầy, Thượng Đế dùng Vạn linh phụng sự Vạn linh, tức là dùng loài sanh vật nầy làm thực phẩm nuôi sống loài sanh vật kia, và loài sanh vật nào bị hy sinh nhiều nhất thì lại sanh hóa nhiều nhất để quân bình cuộc sống trong Càn Khôn Vũ Trụ.

Thảo mộc và ngũ cốc là hai thứ sanh vật mà Thượng Đế dành để nuôi sống con người, nên cấu tạo cơ thể của con người không có móng vuốt và không có răng bén nhọn chơm chởm. Nếu con người ăn thịt thú cầm là do dục vọng muốn tìm khẩu vị khác lạ mà thôi.

Vậy con người ăn thảo mộc là thuận Thiên ý, nhờ đó con người mới tiến hóa nhanh. Còn ăn thịt động vật là do dục vọng của con người bày đặt thêm ra, trái với Thiên ý, nên nó trì kéo con người chậm bước tiến hóa.

Việc sát hại sanh mạng của con thú để làm thức ăn nuôi sống thân ta tạo thành một oan nghiệt. Hồn con thú ấy chờ khi ta chết, sẽ đến đòi mạng và kéo níu chơn thần chúng ta không cho siêu thăng về cõi thiêng liêng.

Còn việc sát hại loài thảo mộc để làm thức ăn nuôi sống thân ta, thì ta sẽ lấy xác thân ta khi chết để làm thức ăn cho thảo mộc, sự vay trả như thế là đồng đều, nên không tạo ra oan nghiệt.

6) Ăn chay có được phép ăn bù vào ngày khác không?
Hôm nay là ngày mùng 8 nhằm ngày ăn chay, nhưng vì tiệc tùng với người đời hay vì bạn bè nài ép, nên ăn mặn, rồi qua ngày hôm sau, ăn chay bù trở lại. Việc đó thế nào?

Chúng ta thấy rõ người ấy có tinh thần muốn ăn chay cho đúng các ngày theo luật định, nhưng vì một lý do vui vẻ nên không ăn được.

Như vậy là mình quá dễ dãi với sự đòi hỏi của xác thân, xem những lời nài ép của bè bạn quan trọng hơn lời Minh thệ giữ gìn Luật Đạo của mình. Đó là một sai lầm.

Việc ăn chay bù là để vớt vát lại nhưng nó chứng tỏ lương tâm mình không thắng nổi sự lôi cuốn của dục vọng thể xác. Thể xác thì thúc đẩy mình ăn uống rượu thịt vui say, mình chiều theo nó là mình yếu kém hơn nó, đầu hàng nó. Từ sự thua nhỏ dần dần dẫn tới thua lớn, và vật dục sẽ làm trì trệ bước đường tiến hóa của mình, khiến chúng ta phải bị kẹt lại trong thời kỳ Chuyển thế, không kịp bước vào Nguơn Thánh đức.

7) Nhiều người ăn chay mà lời nói còn hung dữ quá! Hành động còn thâm độc quá! Tôi không cần ăn chay, miễn tôi làm lành làm phước là đủ rồi.
- Quả đúng như vậy. Nhưng đâu phải vì họ ăn chay mà họ trở nên hung dữ và thâm độc. Chúng ta nên nghĩ rằng: Nếu họ không ăn chay thì họ còn hung dữ và thâm độc hơn gấp bội. Nhờ ăn chay mà họ đã bớt tánh hung dữ nhiều lắm rồi đó.

Họ là người mới tập tễnh bước vào đường tu, hoặc là kẻ giả tu không chừng. Nhưng ta so sánh với họ làm gì! So sánh với người kém hơn ta thì có ích lợi gì cho sự tiến hóa của ta, của linh hồn ta? Hay chỉ để thỏa mãn tánh ích kỷ, cống cao ngã mạn của ta? Chúng ta muốn dừng lại ở mức tiến hóa nầy, hay muốn tiến hóa cao hơn nữa?

Tại sao chúng ta không nhìn lên các bậc chơn tu có đầy đủ đức hạnh? Chúng ta cần phải học hỏi và bắt chước các vị ấy thì chúng ta mới tiến hóa nhanh được.

8) Ăn chay thì lòng phải chay là sao?
Chay, chữ Hán là trai nghĩa là trong sạch. Lòng chay là lòng trong sạch. Đó là lòng biết quí trọng đạo đức, bác ái và công bình. Nếu ăn chay mà lòng không chay, tức là không biết ý nghĩa của việc ăn chay, hay biết mà không tin tưởng, thì không khác chi người không tiền mua cá thịt, đành phải ăn tương rau dưa muối vậy thôi, đâu có ích lợi gì cho đường đạo đức!

(Trích quyển Bước Đầu Học Đạo của Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng)

Nguồn: FB Liêm Quang Lê

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010

Ông ấy cần tôi


ÔNG ẤY CẦN TÔI

Cô y tá nọ hướng dẫn một chàng thanh niên với vẻ mặt hốt hoảng âu sầu tới bên giường bệnh của ông già.

Cô nói : Ông ơi! Con trai ông đã tới đây này!”

Cô phải nhắc lại nhiều bận thì ông già bệnh nhân mới mở mắt ra nhìn. Ông bị ảnh hưởng thuốc mê và cơn đau nên chỉ nhìn thấy lờ mờ người thanh niên đứng bên bình dưỡng khí ở đầu giường. Ông giơ tay quờ quạng nắm lấy bàn tay người thanh niên, siết chặt, không rời tay ra như cần một sự an ủi.

Cô y tá lăn xăn mang một chiếc ghế lại gần giường bệnh cho người thanh niên ngồi. Rồi suốt đêm đó, người thanh niên ngồi giữ bàn tay ông già và nói những lời an ủi đầy hứa hẹn. Người bệnh già thì chẳng nói được câu gì, chỉ biết nắm chặt lấy bàn tay người thanh niên.

Sáng ngày ra, người bệnh  thở hắt ra và chết. Người thanh niên bùi ngùi đặt cái bàn tay bất động nọ xuống bên giường và đi báo tin cho cô y tá.
Trong khi cô ý tá làm thủ tục giấy tờ, người thanh niên tần ngần đứng bên cạnh. Khi cô làm xong thủ tục, cô ngỏ lời chia buồn với chàng thanh niên thì chàng này hỏi cô rằng: “Ông ấy là ai vậy? tên là gì?”

Cô y tá ngạc nhiên: “Tôi tưởng ông ta là cha anh?” Chàng thanh niên trả lời: “Không, ông ta không phải là cha tôi, tôi chưa hề gặp ông ta bao giờ, tôi vào thăm người bạn có lẽ cùng họ, nên cô dẫn tôi nhầm tới đây.”

Cô y tá kêu lên: “Ổ, thế sao anh không cho tôi biết khi tôi dẫn anh tới đây!”

Chàng thanh niên nọ chậm rãi: “Khi tôi được biết ông ta bệnh nặng khó qua khỏi mà ông ta lại đang mong mỏi sự có mặt người con trai chưa tới được. Ông ta đã yếu quá, cũng không nhận ra được ai cả, tôi cảm thấy ông ta rất cần tôi nên tôi ở lại cũng có sao đâu!”

Lời bàn:   Thật là một tấm lòng quảng đại.

Nguồn: nghethuatsong.net