Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2010

Ý nghĩa Khai Minh Đại Đạo về phương diện lịch sử hình thành Cao Đài Giáo



Ý NGHĨA KHAI MINH ĐẠI ĐẠO
VỀ PHƯƠNG DIỆN LỊCH SỬ HÌNH THÀNH CAO ĐÀI GIÁO


Một cách nhìn tổng quát, với cơ Phổ Độ của Đại Đạo Tam Kỳ, nếu chúng ta lấy năm Bính Dần (1926) làm “Thời Kỳ Khai Nguyên Lập Đạo” [1], trong năm này có 3 cột mốc thời gian quan trọng: 
- Mùng 1 Tết Bính Dần (12 rạng 13.02.1926).
- 23 tháng 8 Bính Dần (29.9.1926).
- Rằm tháng 10 Bính Dần (19.11.1926).

1. Về ngày mồng 1 Tết Bính Dần:
Ngài Đầu Sư Thượng Trung Nhựt có nhắc trong buổi lễ kỷ niệm 2 năm Khai Tịch Đạo (1928):
“Tôi xin nhắc lại cho chư Hiền hữu, chư Hiền muội lãm tường: Ðấng Chí Tôn có dạy: Bàn Cổ sơ khai nhơn sanh ư Dần cho nên ngày Ðấng Chí Tôn mở Ðạo là ngày mồng một năm Bính Dần.” [2]

Liệu chúng ta có chứng cứ nào để không nên tin vào lời sau đây của một vị Tiền Khai khác, Đức Bảo Pháp Nguyễn Trung Hậu. 

Theo tài liệu trong quyển Đại Đạo Căn Nguyên được xuất bản năm 1930 trang 37, Ngài có ghi như sau:
"2è séance du 12.02.1926 chez Monsieur Lê Văn Trung.
Chư đệ tử nghe. Chiêu buổi trước hứa lời truyền đạo, cứu vớt chúng sanh, nay phải y lời mà làm chủ dìu dắt cả môn đệ ta vào đường đạo đức, đến buổi chúng nó lập thành, chẳng nên thối trút. Phải thay mặt cho Ta mà dạy dỗ chúng nó ... ..."

Đức Bảo Pháp kết luận: "Ấy là lời Thánh Giáo đầu tiên. Ấy là kỷ niệm ngày Khai Đạo mồng một giờ Tý, năm Bính Dần vậy."
Dựa vào các lời dạy của Đức Chí Tôn còn lưu trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển chúng ta gọi tên cho ngày mồng 1 Tết là ngày KHAI LẬP ĐẠO.

2. Về ngày 23 tháng 8 Bính Dần:
Chúng ta sẽ suy nghĩ như thế nào về ý nghĩa tên gọi của ngày 23 tháng 8, nếu được đọc đoạn Thánh giáo sau đây của Đức Chí Tôn tại Nam Thành Thánh thất:
“Cha linh hồn các con. Đấng Ngọc Đế Cao Đài, Thầy giá ngự đàn tiền mừng chung các con nam nữ.
NGỌC báu Thầy trao trẻ hữu công,
HOÀNG khai chứng chiếu tại nơi lòng;
THƯỢNG hòa lễ phục qui tam bửu,
ĐẾ dựng khai cơ pháp hiệp đồng.
GIÁNG tiếp sanh qui tồn tánh mạng,
CẢNH nầy nền tảng lập gia phong;
NAM bang Đại khái gìn chơn thể,
THÀNH vị Đạo Tiên đắc lục thông.
… Nay ngày Lễ Kỷ Niệm Khai Sanh Nền Đại Đạo nơi cảnh Nam Thành, các con nguyên căn cần tầm lấy bổn sơ khai của Đạo giáo bày cho phục vị …” [3]

Khai Tịch Đạo đồng nghĩa với việc “làm khai sanh” hay đăng ký pháp nhân, một năm sau đàn này, được Đức Phạm Hộ Pháp sử dụng là hữu lý.

3. Về ngày Rằm tháng 10 Bính Dần:
Như lời giải thích của Đức Hộ Pháp:
“Rằm tháng Mười, Khai Minh Đại Đạo trước nhân loài, trước quốc tế … Sứ mạng cứu thế đã chánh thức trải dài trên đường tối âm u thế sự. Sứ mạng này hiển nhiên huy hoàng và sáng chói đến tận cuối thời gian và không gian.” [4]

Cơ cấu tổ chức Thánh thể Tam Đài của Đức Chí Tôn qua hình tướng thờ phượng nơi Thánh thất đầu tiên và bộ máy tổ chức nhân sự các cấp hành chánh đạo đã căn bản được định hình. Nói một cách khác là hình tướng tôn giáo đã được hình thành để ra mắt nhân sanh, thực thi sứ mạng cứu thế kỳ ba. Cũng từ đó số tín đồ nhanh chóng gia tăng từ vài ngàn người lên đến hơn bốn mươi ngàn chỉ trong vòng 3 tháng với nhiều thành phần dân tộc khác nhau: Việt, Campuchia, Hoa, Pháp…

SỨ MẠNG KHAI MINH ĐẠI ĐẠO:

Chúng ta đang bước vào tháng kỷ niệm Khai Minh Đại Đạo. Việc kỷ niệm, trước hết là ôn lại truyền thống lịch sử của những dấu chân đi trước:

1. Chúng ta có thể mường tượng rằng năm Bính Dần 1926 là thời kỳ “Khai Nguyên Lập Đạo” [5]: 

Tiến trình của thời kỳ Khai Nguyên này đã diễn ra đúng theo Lý Tam Tài và Dịch số Đạo học như lời Thánh giáo của Đức Đông Phương:
“Từ Thái Cực biến Lưỡng Nghi trở thành cái Pháp sanh hóa muôn loài (...) nhớ lại kỷ niệm thời kỳ Khai Nguyên Lập Đạo”.

- Vào ngày mồng 1 Tết, về phần Thiên, Đức Cao Đài ban lệnh Khai Lập Đạo: khởi phát Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Đây là việc của Trời là Thái Cực tức là số 1 và số 12 (12.02.1926). Ngày Thiên thơ ghi dấu sự khởi đầu của nền tân giáo mở cơ đại ân xá kỳ ba. 

- Tiếp theo là phần Nhơn, trong quan hệ giữa người với người, mối quan hệ của đạo hữu với chánh quyền qua việc “Pháp lý Thế Đạo” đăng ký sinh hoạt tôn giáo. Sự việc diễn ra qua 2 thời điểm: ngày 23 tháng 8 chư vị tiền bối chuẩn bị văn bản Khai Tịch Đạo và ngày mùng 1 tháng 9 tiến hành việc đi gặp Thống đốc Nam kỳ Le Fol làm giấy đăng ký pháp nhân cho Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.


 Dinh Thống Đốc Nam Kỳ

Nơi đây, chúng ta thấy sự kiện diễn ra qua 2 mốc thời gian tượng trưng cho lưỡng nghi.

- Và đến ngày rằm tháng 10 khởi đầu cho 3 tháng Khai Minh Đại Đạo, về phần Địa.

Khánh thành Thánh Thất đầu tiên là trụ tướng ban đầu; là địa điểm làm lễ lập vị các Đại Thiên Phong, Hội Thánh chính thức nhận trách nhiệm thực hiện sứ mạng cứu thế kỳ ba; và Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài Nam phái được Thầy ân ban – nền tảng của luật pháp đạo được hình thành. Ba sự kiện nói lên hình ảnh của con số 3 và đánh dấu sự chuyển luân với Pháp sanh hóa là Pháp Chánh Truyền chánh thức khởi đầu công cuộc hoằng khai Đại Đạo. Diễn trình Khai Nguyên này đã thể hiện Lý Đạo: 1 sanh 2, 2 sanh 3 và 3 chuyển hóa vào trong đời sống sanh chúng.

Trong tiến trình 3 tháng này có giai đoạn Địa Lôi Phục (tháng 11 Bính Dần - tháng Tý) thể hiện ơn cứu độ Kỳ Ba như Nhứt Dương Sơ Động đưa đường dẫn lối cho nhân loài vượt qua thời kỳ Hạ Nguơn Mạt Kiếp để chuyển vào thời Thánh Đức Thượng Ngươn. (Rằm tháng giêng Đinh Mão).

Vào ngày rằm tháng 10 Mậu Tuất 1958 (25.11.1958), tại Trung Hưng Bửu Tòa Đà Nẵng, Đức Trần Đạo Quang giáng đàn có nói:
“Cũng ngày nầy trên 32 năm về trước trong một góc trời Nam đã xé tan màn u ám bởi một nguồn điển lực từ nơi Trời đến, chói lọi mười phương. Tiếng nói Quyền Pháp bởi cơ hội đã vang động khắp chín từng mây, nhơn vật tỉnh giấc mơ màng, hồn phách được hồi sanh. Nếu không bởi ngày nầy thì cõi Ta Bà cũng mãi triền miên trong ảo mộng.
Nhơn loại bởi ngày này mà phục sinh. Ngày này là ngày nhứt Dương sơ động làm cho khí lạnh hạ dần, ấm áp đã đến, sống động trong muôn loài để khí lực sinh sôi hoạt động.”
 
2. Cho đến hôm nay song song tồn tại nhiều tên gọi cho ngày kỷ niệm rằm tháng 10 này. Có nơi dùng từ KHAI ĐẠO, có nơi dùng tên HOẰNG KHAI ĐẠI ĐẠO và nhiều nơi chấp nhận danh từ KHAI MINH ĐẠI ĐẠO. Sự dị biệt về tên gọi này cũng không có gì là quan trọng miễn sao các thế hệ tín hữu Cao Đài có hiểu được ý nghĩa và giá trị của sự kiện Đức Chí Tôn đến Khai Minh Đại Đạo cho con người và những sự kiện ghi dấu truyền thống hào hùng của chư vị tiền bối từ chức sắc đến tín đồ đã vượt qua bao thử thách trong những ngày đầu gian nan ấy.

“Đành rằng người tiếp nối đi sau, dĩ nhiên bổn phận là nhắc nhở tôn thờ. Điều quan trọng để nhớ ơn và thể hiện tinh thần, người tiếp nối phải làm thế nào để người ra đi không hờn tủi vì chưa ai biết đến cái kỳ vọng để đạt đến tiêu đề thâm diệu của tâm hồn mình qua những việc đã làm lúc hiện tiền. Đó mới chính là bổn phận của những ai đi sau.
Nhắc lại một lần nữa ở đây, hiểu hết toàn diện các sự kiện đã trải qua, tôn thờ sự kiện ấy, truyền bá và tiếp nối, mới là ý nghĩa của mỗi khi làm lễ kỷ niệm nào. Và đừng nghĩ là dịp lễ bái, dịp trưng bày của một phạm vi nào mà lu mờ chánh pháp của Đại Đạo.” [6]

Vì thế, quan trọng hơn hết là những tín hữu Cao Đài chúng ta có thực hiện được phần nào sứ mạng phải làm “tỏa sáng ánh linh quang” của Thượng Đế đến với nhân loài thể hiện ý nghĩa của tinh thần Khai Minh Đại Đạo hay không.

“Đại Đạo Khai Minh kỳ ba độ tận nhân loại trên mọi phương diện của cuộc đời. Thế nên sứ mạng trọng đại của người hướng đạo phải được xem là cần thiết và liên tục để thực hiện mục đích tối thượng cùng hoài bão trọng đại của Chí Tôn Thượng Đế.” [7]

Ý nghĩa này có thể được tóm tắt qua lời của Đức Lý Giáo Tông:
“Cơ tiến hóa của nhân loại ngày càng đi sâu vào công cuộc kết thúc của một chu kỳ Tam Nguơn chuyển thế. Vì vậy, Đức Thượng Đế tá danh Cao Đài Tiên Ông đến trong Tam Kỳ Phổ Độ để làm sáng tỏ giáo lý Đại Đạo trong nhất nguyên chủ tể đem nhân loại phục hưng tinh thần nhân bản tái tạo dinh hoàn lập đời Thượng Nguơn Thánh Đức.” [8]

“Khai tỏ Lý Đồng Nguyên và Quy Nguyên.
Khai phóng tâm linh đưa con người tôn giáo lên tầm vóc Đại Đạo."
Đạt Tường



---------------------------------------------------------------------
[1] Đức Đông Phương CQ, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý 20.02 Quý Sửu (1973)
[2] Tiểu sử Quyền Giáo Tông, Bài Giảng Đạo ngày 23 tháng 8 Mậu Thìn
[3] Đức Chí Tôn, Đạo Lý 46 tr48; Nam Thành Thánh thất 23.8 Kỷ Dậu (04.10.1969)
[4] Đức Phạm Hộ Pháp , Nam Thành Thánh Thất 23.8 Canh Tuất (22.9.1970)
[5] Đức Đông Phương Chưởng Quản, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 20 tháng 2 Quí Sửu (24.03.1973)
[6] Đức Phạm Hộ Pháp , Nam Thành Thánh Thất 23.8 Canh Tuất (22.9.1970)
[7] Đức Phạm Hộ Pháp , Nam Thành Thánh Thất 23.8 Canh Tuất (22.9.1970)
[8] Đức Lý Giáo Tông, CQ Phổ Thông Giáo Lý 12.02 Nhâm Tý (26.03.1972)

Hiện tại là món quà ý nghĩa nhất của cuộc sống


Quý anh chị em vào đường link sau để cùng xem một file PowerPoint rất hay và ý nghĩa:


Chánh Tuân.

Thứ Năm, 18 tháng 11, 2010

13 mẹo quản lý thời gian



13 MẸO QUẢN LÝ THỜI GIAN

Bạn muốn tận dụng tốt hơn quỹ thời gian dành cho công việc của bạn? Nếu thế, bạn không phải là người duy nhất có mong muốn này. Tất cả chúng ta đều muốn làm việc đạt năng suất và hiệu quả cao nhất nhưng tất nhiên cũng chẳng ai muốn dành toàn bộ thời gian quý báu vào công việc. Quản lý thời gian cũng là cách để quản lý chính bản thân bạn. Vì vậy, trong phần tiếp sau của bài viết, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về cách thức làm việc có tổ chức hơn, biết duy trì độ tập trung và tận dụng tốt nhất có thể quỹ thời gian của bạn.
 
Tuân thủ kế hoạch đã đặt ra
 

1. Lên danh sách việc cần làm:
Cần có một danh sách việc cần làm và tạo thói quen bổ sung thường xuyên. Với danh sách nhắc việc đó, bạn sẽ không quên hoặc bỏ lỡ bất cứ việc gì. Luôn mang theo danh sách này bên mình, có thể lưu trong thiết bị cầm tay (như di động, PDA, v.v…) hoặc sổ kế hoạch làm việc. Điều quan trọng là bạn nên cụ thể hoá các dự án, chương trình dài hơi hay trước mắt thành từng bước chi tiết, tránh ghi chung chung, đại khái.

2. Ước tính thời gian thực hiện các công việc:
Cần xác lập khung thời gian cần thiết dành cho từng công việc và cả ngày đáo hạn để hoàn thành. Trong thời gian làm những việc không quan trọng lắm, bạn có thể tranh thủ lúc rảnh rỗi để làm một số việc khác, chẳng hạn, bạn có thể lướt net tìm kiếm thông tin trong khi chờ cuộc họp sắp diễn ra.

3. Tự mình đặt kỳ hạn cho mình và nghiêm túc tuân thủ:
Khi đặt ra các điểm đáo hạn cho công việc của mình, bạn cần tính toán hết sức thực tiễn và nỗ lực bằng mọi giá để hoàn thành đúng kỳ hạn. Bất cứ việc gì cũng phải dành cho một khoảng thời gian nhất định để hoàn thành. Đã bao giờ bạn thấy mình phải đọc báo cấp tốc, đưa ra các quyết định công việc ngay trước kỳ nghỉ hay vội vàng hoàn thành những nhiệm vụ được giao?
Dù rằng ai trong chúng ta cũng đều có trăm công nghìn việc phải làm và chịu chung áp lực nhưng cách tốt nhất để giảm căng thẳng và chuyên nghiệp hóa hơn trong công việc là xây dựng và tuân thủ các kế hoạch làm việc của mình.
  
Tránh lãng phí thời gian
 
4. Tận dụng thời gian thông minh:
Chỉ checkmail vào những giờ nhất định trong ngày và dùng hộp thư voice mail để nhận các cuộc gọi khác thay vì mất tới vài tiếng bị gián đoạn khi đang làm việc. Nếu có thể, đừng bao giờ xem tới hai lần một mẩu giấy hay một đoạn email bất kỳ. Đừng bao giờ mở mail trừ khi bạn có thời gian để đọc hay thực hiện các thao tác khác như trả lời, xoá, lưu lại hay chuyển tiếp cho ai... 


5. Tổ chức chỗ làm việc ngăn nắp:
Không chỉ ngăn nắp với bàn làm việc mà còn phải ngăn nắp ngay với các file, các thư mục lưu trữ dữ liệu trong máy tính, trong tài khoản email để bạn có thể lấy ngay mọi thứ khi cần. Rất nhiều người mất thời gian để tìm kiếm những thông tin đã không còn tồn tại trong kho dữ liệu máy tính của họ. Về điều này, bạn có thể học hỏi một câu nói rất nổi tiếng của Benjamin Franklin: “Một chỗ cho tất cả mọi thứ nhưng tất cả mọi thứ phải có chỗ riêng của nó”.

6. Tránh bị ngắt quãng công việc:
Nếu phòng làm việc có cửa, thỉnh thoảng bạn nên đóng cửa lại. Nếu cứ thi hành “chính sách” mở cửa với tất cả mọi người thì sẽ có lúc bạn không còn đủ thời gian để nghe hết các câu hỏi cũng như thắc mắc của họ. Nếu có ai đó tới chỗ bạn lúc bạn đang bận, đừng ngần ngại đề nghị họ trở lại gặp bạn lúc khác.

Luôn đảm bảo tiến độ công việc

7. Cộng tác và hợp tác:
Các đồng nghiệp của bạn đều mong muốn công việc do bạn đảm trách được hoàn tất đúng hạn mà không có bất cứ trì hoãn nào. Tất nhiên, với họ bạn cũng có suy nghĩ này. Vì vậy, để đảm bảo nhất, hãy luôn dành thời gian “dôi ra” cho các khung thời gian dự kiến để có thể linh hoạt xử lý bất cứ những trục trặc nảy sinh trong quá trình thực hiện. Chẳng hạn nếu ngày cuối cùng phải hoàn thành công việc của bạn là ngày 25 thì hãy cố gắng để mọi thứ xong xuôi vào ngày 23. 

8. Tránh những tham gia không cần thiết vào việc của người khác:
Nếu bạn đã giao việc gì cho người khác, hãy cứ để họ tự do hành động trừ khi bạn có trách nhiệm cần phải giám sát nó. Trong cuộc sống, có không ít người phung phí thời gian vàng ngọc vào việc ngồi nghe hay đọc các bản báo cáo của người khác. Nếu các trách nhiệm công việc đó không ảnh hưởng tới nhiệm vụ hàng ngày của bạn, tới các mục tiêu sự nghiệp của bạn thì bạn cũng chỉ nên dừng ở cách bày tỏ sự quan tâm qua việc trò chuyện, khuyến khích đồng nghiệp mà thôi. 

9. Bỏ những cuộc họp không nhất thiết phải tham gia:
Bạn cần tự xác định xem cuộc họp nào bạn nhất định phải có mặt, cuộc họp nào không. Nếu cần họp, bạn phải lên lịch dành thời gian cho nó, kể cả lúc bắt đầu và kết thúc cuộc họp. Còn nếu bạn không nhất thiết phải tham gia, bạn có thể hỏi riêng sếp là liệu bạn có thể được miễn dự họp hay không từ trước.

Duy trì mục tiêu của bạn
 
10. Luôn tạo sự bận rộn cho mình:
Bạn cần có ít nhất một kế hoạch làm việc về lâu về dài cho mình, thậm chí có hai hoặc thêm nữa còn tốt hơn. Bằng cách đó, bạn có cơ hội chuyển đổi công việc và tập trung vào được nhiều thứ khác nhau. Cùng một lúc thực hiện nhiều nhiệm vụ sẽ giúp bạn luôn có công việc để làm, nó sẽ khiến đầu óc bạn minh mẫn, linh hoạt và luôn tươi mới.

11. Biết lựa chọn công việc tham gia:
Hãy luôn cố gắng để công việc của bạn thực sự có ích với công ty và tận dụng tối đa được các khả năng của bạn. Có nhiều lý do để bạn có thể từ chối một đề nghị hay yêu cầu mà bạn cho là không cần thiết, những người thành công trong sự nghiệp luôn là những người biết nói “không” đúng lúc.
Hãy tự hỏi bản thân, “công việc này có giúp ích gì cho sự nghiệp của mình không?” và “Liệu mình có đủ thời gian để hoàn thành nhiệm vụ này hay không?” Nếu biết lựa chọn và hoàn thành tốt công việc, bạn sẽ giành được cảm tình cũng như sự tôn trọng của mọi người. Đừng khiến bạn quá tải trong một đống công việc để rồi tá hoả lên khi không thể hoàn thành bất cứ điều gì.

12. Đừng trì hoãn việc gì:
Trì hoãn những công việc chẳng hay ho gì vốn là bản tính của con người. Để tránh điều này, bạn cần lập kế hoạch làm những phần việc vui vẻ bên cạnh những phần “không vui vẻ mấy”. Chẳng hạn, nếu không thích tính toán, bạn có thể sắp xếp phần việc này vào buổi sáng, thời gian bạn minh mẫn và sảng khoái nhất, ít khi cảm thấy nản lòng, khó chịu trước công việc.
Nếu bạn vẫn cứ tiếp tục trì hoãn mọi việc hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn được giao, có lẽ bạn nên tự mình xem xét lại công việc hiện thời, các mục tiêu đã đặt ra, tình trạng sức khoẻ cũng như mức độ quan tâm tới công việc của bạn. Trì hoãn thường xuyên tới mức thành thói quen thường là biểu hiện của sự bất mãn, thiếu quyết tâm và không vừa lòng với thực tại.

13. Biết tự thưởng bản thân:
Biết quản lý thời gian không chỉ có nghĩa trong vấn đề công việc, nó còn liên quan tới chuyện lập thời gian biểu cho những khoảnh khắc thư giãn, giải lao, lên giây cót lại tinh thần cũng như thể chất. Hãy tự biết thưởng cho bản thân sau mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ công tác. Đơn giản chỉ là thư giãn đôi chút với một tách cà phê sau khi đọc xong bản báo cáo kỹ thuật hay lập kế hoạch nghỉ ngơi, vui chơi cùng gia đình sau khi hoàn tất một công việc... 

Tận dụng thời gian để thành công
 
Bạn cần hết sức kiên quyết trong vấn đề chú trọng việc tận dụng thời gian trong công việc. Nên tránh thái độ trì hoãn, duy trì mức độ tập trung cao nhất và rèn luyện khả năng tổ chức tốt công việc, làm được như thế, bạn sẽ khiến các cộng sự ghi nhận năng lực cũng như tôn trọng bạn. Thành công sẽ đến với những người chăm chỉ làm việc và biết quản lý tốt quỹ thời gian vàng ngọc của mình.

Theo vietbao.vn

Thứ Tư, 17 tháng 11, 2010

Tích Đức Chúa Jesus giáng sinh


LỜI ĐỨC CHÚA JESUS DẠY
VỀ TÍCH ĐỨC CHÚA GIÁNG SINH
HUỜN CUNG ĐÀN
Tý Thời 06-11-Mậu Thân (25-12-1968)


THI
BÁP TÊM phép nhiệm đã truyền ban,
TÍT cũ còn lưu liến sách vàng;
GIĂNG thẳng mực dây đau gỗ vạy,
LAI đàn báo hiệu lịnh Cha ban.

GIĂNG Ta mừng chư Thánh Đồ. Giờ linh, giờ kỷ niệm gần Hai ngàn năm xuất thế. Ta vâng lịnh Cha Ta truyền lời cùng chư Thánh Đồ Nam Nữ Tam ban trong ngày lễ hạ, thành tâm cung thỉnh Cha Ta hạ trần ban ân huệ cho Thánh Độ. Vậy Ta xuất ngoại hộ điển.
THĂNG

Tiếp Điển:

THI
GIA đình dời đổi ghét ghen Ta,
đức Thánh Linh xuất hiện ra;
GIÁO khắp Á Âu Tân Cựu Ước,
CHỦ quyền Thánh Đạo chỉ mình Ta.
trần kỳ hạ gầy minh đức,
DANH hiệu bao trùm khắp giái ba;
CAO ngút từng mây truyền điển báu,
ĐÀI môn chuyển dựng hội Long Hoa.

Gia Tô Cháo Chủ, Tá Danh Cao Đài.

Ta ban ân lành chung chư chúng sanh Tông Đồ, kể từ ngày giá lâm đến nay gần hai ngàn năm tròn, thế hệ trải qua bao thời kỳ chuyển Đạo, các Tông Đồ đã hết lòng chiêm bái, dầu cho nên Đạo quá xa xăm truyền đến, giờ nầy khắp thế gian Âu Á đều ca tụng lễ mừng Ta, theo lời tiên đoán trong Hai Ngàn Năm ta sẽ tá lâm phàm trần nhưng ngày Ta giá lâm như kẻ trộm.

Vậy giờ nay Ta giá lâm phàm trần chứng lòng mến kỉnh của chư Tông Đồ, Ta quay lại dòng đời xuất hiện của Ta lúc vừa thoát thai cho đến ngày thành Đạo để cho chư Môn Đồ làm một kỷ niệm lúc khêu lại danh Ta, cho đúng lời truyền tụng vì từ xưa lưu lại nơi Thánh Kinh cũng còn chỗ chưa rõ ràng như thử.

Đây Chư Tông Đồ nghe kỹ: 


Ta lúc ban sơ Mẹ Ta là Maria, Cha không sanh Ta là Gio sép (Joseph). Lúc Mẹ Ta vừa hứa hôn cùng Cha, bấy giờ Mẹ Ta vì cảm hóa Đức Thánh Linh mà thọ thai. Cha không sanh Ta biết đặng, lòng người phân vân nhưng Cha không sanh Ta là người công nghĩa, không bao giờ bêu xấu cho Mẹ Ta, nhưng lòng Cha không sanh Ta vẫn đắn đo. Một hôm, Đức Thánh Linh báo mộng cho Cha không sanh Ta biết rằng: Mẹ Ta thọ Thai bởi cảm hóa Đức Thánh Linh thành hình, sau nầy sanh ra một trai người sẽ đặt tên là Jésus. Người nầy sau cứu khổ nạn tội tình Dân Tộc Ta. Điềm báo mộng nầy thật thế. Sau Mẹ Ta sanh rõ ràng, Cha không sanh Ta người mới đủ đức tin để nuôi dưỡng Ta như thế. Khi Ta được thoát thai có một ngôi sao sáng từ trên Trời sa xuống. Những nhà thông thái ở vùng cận đông xứ này nhìn thấy, bèn tìm đến thành Giê ru sa lem (Jérusalem) mà hỏi Vua Hê Rốt (Hérode) rằng: Chẳng hay Xứ này có Vua Dân Do Thái vừa xuất hiện, chẳng biết nơi đâu tìm đến để thờ lại ngài. Khi Vua Hê Rốt nghe tin này cả quần thần xứ Giê ru sa lem (Jérusalem) đều bối rối, vua bèn truyền các nhà thông thái đi tìm. Thoảng nhiên những nhà thông thái liền đi vào nơi Bết Lê Hem, (Bethléhem) thấy Ngôi sao trước mặt, lần từ từ đi đến nhập vào nhà liền gặp Mẹ Ta cùng Ta, các nhà thông thái bèn sụp xuống quì lạy và dâng báu vật đạo rồi Đức Thánh Linh mách bảo rằng: các ngươi phải tìm đường mà về xứ, đừng trở lại thành Hê Rốt (Hérođe) mà phải mang tai.
Lúc ấy Vua Hê Rốt (Hérode) lòng tham vô hạn, biết rằng đã có Thánh Linh hạ trần nên tìm cách hủy diệt. Lúc nầy Đức Thánh Linh báo mộng cho Cha không sanh Ta dời Ta cùng Mẹ Ta qua nơi xứ Ai Cập (Egypte) để tựa nương chừng nào được tin báo mộng sẽ trở về. Lúc ấy Vua Hê Rốt (Hérode) bàn truyền lịnh bắt Đồng Nhi Nam để diệt trong xứ này không ít, cố ý để sát hại Ta. Đó là lòng người như thử, lòng Trời đâu thế, Ta bởi Đức Thánh Linh con một mà ra. Sau thời gian trôi qua, Cha không sanh và Mẹ cùng Ta ở nơi Ai Cập (Egypte). Lúc bấy giờ, Vua Hê Rốt (Hérode) đã băng thì Cha không sanh Ta được Đức Thánh Linh báo hiệu dời Mẹ cùng Ta trở về, nhưng lúc nầy con Vua Hê Rốt (Hérode) là A Chê Lau (Archélaus) kế vị nên Đức Thánh Linh truyền Cha không sanh Ta đưa Ta về sứ Y Sơ Ra Ên (Israel) liền chuyển qua Ga Li Lê (Galilée) nơi thành Na Ra Rét (Nazareth). Ta bèn ở đây ngày tháng trôi qua, Ta lần lượt đã lớn lên đi theo bờ biển Ga Li Lê (Galilée) để xem phong cảnh Thập Nhị. Nơi đàn tiền hỡi Tông Đồ nào nhớ Mười hai sứ đồ kể lại cho Ta nghe?

Thiên Hoa bạch chúng con nhớ không rõ nhờ Chúa minh ra.


Cười! Ta kể đây chư Tông Đồ ghi nhận: Trước khi Ta đi dài theo bờ biển Ga Li Lê (Galilée) gặp hai người đang đánh lưới đầu tiên tên là Si MônAnh Rê (André). SiMon tức là Pi e Rơ (Pierre) người Môn Đồ thứ nhứt của Ta mà cũng là người chối Ta ba lần trước khi Gà trở canh. Khi Ta gặp 2 người đang đánh lưới thì Ta bảo rằng: các ngươi hãy theo Ta để Ta truyền nghề nầy rất có lợi cho đời mà trước tiên có lợi nhiều cho các ngươi. Hai người bèn hỏi thì Ta bảo Hai người theo Ta, Ta truyền nghề đánh lưới người cho các ngươi. Hai Tông Đồ bèn đồng ý theo Ta để truyền tin Chúa Thánh Linh là Đấng cứu thế lâm phàm cứu dân tộc, cứu cả mọi người tin Ta. Kế tiếp lần lượt cũng bờ biển nầy Ta sang qua gặp Ba Cha con người đang vá chài, Ta liền bảo hai người con đặng: Hai ngươi phải theo Ta, Ta truyền nghề nầy rất có lợi nhiều hơn nghề của các ngươi đang làm. Hai người bèn bỏ Cha theo Ta tức là Gia Cơ (Jacques) và Giăng (Jean), anh em ruột là con của Xê Bê Đê (Zébédée). Đó là bốn Môn Đồ đầu tiên, lần lượt Ta thâu Môn Đồ kế tiếp, thứ 5 là Phi Líp (Philippe), 6 là: Ba Thê Lê My (Brathélémy), 7 là: Thô Ma (Thomas), 8 là: Ma Thi Ơ (Mathieu), 9 là Gia Cơ (Jacques) - Gia Cơ nầy là con của Anh Phê (Alphée), 10 là Tha Đê (Thaddée), 11 là: Si Môn (Si Môn nầy là người xứ Ca Na An), 12 là Giu Đa (Judas) - Giu Đa: Ích Ca Ri ốt (Iscariot) là người đã phản Ta.

Anh Lớn Thiên Hoa xin trình bày rõ ràng dưới đây cho dễ hiểu: 

          1 . Si Môn           gọi là          : Pi E Rơ (Pierre)
          2 . Anh Rê           gọi là          : (Andrée)
          3 . Gia Cơ           gọi là          : (Jacques) con của (Zébédée)
          4 . Giăng             gọi là          : (Jean)
          5 . Phi Líp           gọi là          : (Philippe)
          6 . Ba Thê Lê My  gọi là        : (Brathélémy)
         7 . Thô Ma           gọi là          : (Thomas)
         8 . Ma Thi Ơ        gọi là          : (Mathieu)
         9 . Gia Cơ            gọi là          : (Jacques) Gia Cơ nầy là con của (Alphée)
        10 . Tha Đê           gọi là          : (Thaddée)
        11 . Si Môn           gọi là          : (Si Môn nầy là người xứ Ca Na An)
        12 . Giu Đa           gọi là          : Ích Ca Ri ốt (Iscariot) là phản Chúa.


Tiếp phần Thánh Giáo

Như vậy là Thập Nhị Môn Đồ đã truyền tụng lời Ta tin đến cùng các nơi để Ta trị bịnh ngặt nghèo của thế gian, mà người thế gian không bao giờ trị đặng.
Ta đã từng rửa chơn cho Giu Đa (mặc dù người đã phản Ta).

Đó là Ta đã biết nhưng không để Môn Đồ phản Ta thì lời tiên tri Thánh Kinh không hiệu nghiệm đó. Khi Ta truyền Đạo trong thời đã ghi nhiều Kinh Thánh, đến ngày Ta chịu đóng đinh máu rơi để chuộc tội cho thế gian, những người bên Ta còn mắng nhiếc Ta, Ta sống lại, nhưng người đời truyền tụng cho là Ta giả dối để gạt người đời.

Vậy nay Ta đến cùng các Tông Đồ trong ngày kỷ niệm, Ta lưu lại đôi dòng bút ký để Tông Đồ nhìn qua nhớ lấy.

Vậy nghe Ta đôi lời lưu ký:

BÀI
Đêm đông lạnh gió lay đồi núi,
Nơi đồi thông gió bụi chớp giăng;
Trên non sao tỏa bóng Hằng,
Gió lay thông đổ oại oằn đọt thông.
Tiếng du dương reo rong lặng lẽ,
Đoàn ngựa xe khắc khẽ tới nơi;
Chở bao bông trái vậy thời,
Đoàn người ca hát gốc Trời Âu Châu.
Khắp mọi người trên đầu sương trắng,
Đáp bao vòng xây vặn đoanh qua;
Lọng dù ngổn ngang tụi tà,
Đoàn người ca hát đến mà cội thông.
Dưới khe nước dòng trong réo rắc,
Tiếng đẩy đưa dặc dặc trường lưu;
Trên thời nước đổ chảy nhiều,
Dưới thời cát bụi đã diêu mịt mù.
Ấy là điềm chơn tu xuất thế,
Cứu nhơn sanh dâu bể tang thương;
Điềm Trời Ngũ Sắc Tường Vân,
Bao giăng rặng núi giáp sường cội cây.
Đó là nhắc trước đây tích cũ,
Lúc thoát sanh nhiều lũ đoàn người;
Mừng Ta trong lúc xuất đời,
Tìm Ta đến chốn rằng Trời tá lâm.
Nhưng Chúa Cha âm thầm không tỏ,
Nhưng đoàn người đều có tinh ba;
Mắt nhìn ánh sáng đàn xa,
Biết rằng Chúa hiện nơi tòa Âu Châu.
Đã đến lúc dãi dầu sự thế,
Nay hạ trần Hai chữ Cao Đài;
Tá danh Nam Việt hoằng khai,
Đạo vàng ban xuống Cao Đài là Ta.
Điềm ứng hiện đó mà chưa nhận,
Các con chiên lẩn thẩn bên lề;
Nhìn qua lòng chạnh tái tê,
Hỏi chờ Chúa đến hỡi hề Chúa đâu?
Vì trước đã có câu lưu lại,
Thương ta nhiều rồi phải ghét Ta;
Đó là tiên đoán lời ra,
Ai tường lẽ ấy mới là hiểu thông.
Nay tá trần đôi dòng lưu lại,
Ban ơn chung đồng thảy huệ ân;
Rưới chan chung khắp cõi trần,
Tin Ta thì đặng toàn thân buổi cùng.
Giờ lành điển chớp mông lung,
Giã từ môn đệ không trung Tiên Bồng.
Tiếp lằn quang điển ngự đồng,
Có người Thái Bạch Giáo Tông hạ trần.

Vậy Ta ban ân lành chư Tông Đồ, Ta hồi nước Trời lạc xứ.
THĂNG
Trích Đạo Lý số 37 của Giáo Hội Cao Đài Thống Nhứt.

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

Một ngụ ngôn



MỘT NGỤ NGÔN

Đức Phật kể một ngụ ngôn trong một kinh: Một người đi ngang qua một cánh đồng và gặp một con hổ. Anh chàng chạy trốn, con hổ đuổi theo anh. Tới một bờ vực sâu, anh nắm được vào rễ một cây nho dại và đu mình xuống qua bờ vực. Con hổ đánh hơi anh ở phía bên trên. Run sợ anh chàng nhìn xuống, phía xa bên dưới, lại thấy một con hổ khác đang chờ ăn thịt anh. 

Chỉ có cây nho giúp đỡ anh. Hai con chuột, một con trắng và một con đen, đang bắt đầu gặm nhấm bứt cây nho dần dần từng chút một.
 
Anh chàng nhìn thấy một quả dâu ngon gần bên anh. Một tay nắm cây nho, tay kia anh hái quả dâu. Dâu nếm sao ngon ngọt đến thế!
Nguồn: Vườn Thiền

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

Đừng xem thường chứng đau nửa đầu



Đừng xem thường chứng đau nửa đầu

Đau nửa đầu là một bệnh thường gặp. Tỷ lệ người mắc bệnh đau nửa đầu chiếm khoảng 11%, trong đó nữ giới có khi chiếm tới 3/4, đặc biệt ở lứa tuổi từ 35 - 45 tuổi. Bệnh đau nửa đầu làm cho người bệnh hết sức khó chịu mỗi khi lên cơn đau và gây nhiều phiền toái làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống cũng như công việc đang làm hàng ngày.

Nguyên nhân gây đau nửa đầu:
Cho đến nay người ta vẫn chưa biết một cách chắc chắn nguyên nhân của bệnh đau nửa đầu. Tuy vậy có một số yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh đau nửa đầu như viêm xoang mạn tính hoặc cấp tính; bệnh đau răng; một số bệnh nhiễm khuẩn ở vùng tai, mũi, họng, mắt. Bệnh tăng huyết áp  hoặc bệnh huyết áp thấp cũng rất có thể là đau nửa đầu. Một số bệnh chấn thương thực thể hoặc chấn thương tâm lý cũng gây đau nửa đầu. Bệnh đau nửa đầu cũng có thể do tác động của ngoại cảnh làm ảnh hưởng đến tâm lý mà người ta thường gọi là stress như công việc căng thẳng hay gặp sự cố không thuận lợi trong công việc. Người ta cũng hay bắt gặp đau nửa đầu ở những người nghiện thuốc lá, người nghiện rượu hoặc không uống được rượu nhưng vẫn cố gắng uống hoặc bệnh đau nửa đầu cũng có thể gặp ở người có cân nặng quá mức bình thường (béo phì), rối loạn giấc ngủ (ngủ ít, ngủ hay thức giấc, ngủ chập chờn hoặc không thể ngủ được trong một thời gian dài). Một số người khi dùng  một loại thuốc nào đó để chữa một bệnh khác nhưng khi uống thuốc đó lại  xuất hiện một bệnh khác đó là cơn đau nửa đầu. Ngoài ra một số tác giả  cho rằng đau nửa đầu cũng có thể gặp do di truyền. Về mặt cơ chế gây đau nửa đầu có những ý kiến cho rằng do thiếu hụt lượng serotonin trong máu và làm giảm lượng máu lưu thông về não bộ gây nên đau nửa đầu.

Triệu chứng của bệnh đau nửa đầu:
Đau, nhức dữ dội kéo dài có khi vài ba tiếng, có khi cơn đau kéo dài vài ba ngày. Cơn đau đầu có khi như theo nhịp đập của tim. Mức độ đau đầu và tần số đau đầu không giống nhau ở mỗi một người. Kèm theo đau đầu có thể buồn nôn, nôn; có thể gây cứng gáy; mệt mỏi và hay cáu gắt vô cớ nhất là khi lên cơn đau nửa đầu có ánh sáng chói chang hoặc tiếng ồn ào ở cường độ lớn (nghe tiếng nhạc, tiếng trống rền vang...). Bệnh rất dễ tái phát và mỗi lần tái phát thường làm cho người bệnh rất khó chịu, chóng quên và có thể gây rối loạn tiêu hoá và tiểu tiện. Ở một số người mỗi lần cơn đau đầu tái phát có thể có dấu hiệu báo trước như tim đập mạnh, nhanh, hoa mắt, chóng mặt. Phụ nữ đã mắc chứng đau nửa đầu thường hay tái phát nhất là vào lúc đang có chu kỳ kinh hoặc áp lực công việc gia đình hoặc chấn thương tâm lý vì có sự mâu thuẫn trong cuộc sống hàng ngày hoặc nóng, lạnh đột ngột...

Khi bị đau nửa đầu nên làm gì?
Để ngăn ngừa bệnh đau nửa đầu thì khi mắc một trong các bệnh về tai mũi họng, răng, bệnh nhiễm khuẩn, thoái hoá đốt sống hoặc bệnh tăng hoặc huyết áp thấp cần được khám bệnh để điều trị dứt điểm không được để bệnh trở thành mạn tính. Nên chọn chế độ ăn thích hợp và năng tập thể dục như đi bộ, bơi, chơi cầu lông, tập các động tác thể dục nhẹ nhàng để chống béo phì, chống tăng huyết áp. Cần vệ sinh răng, miệng, họng hàng ngày như đánh răng, súc họng bằng nước muối nhạt. Cần bỏ thuốc lá và  cần bỏ rượu càng sớm càng tốt vì rượu mà nhiều bệnh ngày một nặng thêm (bệnh gan, dạ dày, đại tràng, trĩ) và dễ gây tái phát (bệnh đau nửa đầu) mặc dù số phụ nữ nghiện thuốc lá, rượu chưa nhiều. Nếu vì stress thì nên tìm mọi cách khống chế và loại trừ nó, ví dụ như làm tăng thêm giấc ngủ, đi nghỉ ngơi, tìm bạn bè thân thích trò chuyện, đến câu lạc bộ đọc sách, báo, truyện, nếu có điều kiện thì đi du lịch cùng gia đình, bạn bè...

Điều trị bệnh:
Đau nửa đầu là một bệnh mà chưa biết rõ nguyên nhân cho nên việc điều trị cũng gặp không ít khó khăn, vì vậy việc xác định các yếu tố nguy cơ là hết sức cần thiết. Cần khám bệnh định kỳ để bác sĩ phát hiện những bệnh có khả năng liên quan đến bệnh đau nửa đầu. Một số chị em khi dùng thuốc tránh thai mà thấy tần suất xuất hiện bệnh đau nửa đầu tăng lên thì nên báo cho bác sỹ biết để có thay đổi biện pháp tránh thai khác thích hợp với bản thân hơn nhằm giảm bớt cơn đau nửa đầu tái phát. 

Điều trị đau nửa đầu thường sẽ kết hợp giữa thuốc điều trị các yếu tố gây nguy cơ cao làm đau nửa đầu với thuốc giảm đau, hướng thần. Việc dùng thuốc gì, hàm lượng và liều lượng bao nhiều phải do chính bác sĩ khám bệnh cho mình kê đơn, tuyệt đối không tự động mua thuốc hoặc do sự mách bảo của bạn bè, người thân mà mua thuốc dùng  thì sẽ lợi bất cập hại vì đa số các thuốc điều trị bệnh đau nửa đầu đều có nhiều tác dụng phụ.

PGS.TS.TTƯT. Bùi Khắc Hậu
Theo Sức khỏe và đời sống.
 


BÍ QUYẾT GIẢM CƠN ĐAU NỬA ĐẦU 

Đau nửa đầu hành hạ rất nhiều người phụ nữ. Hãy tìm hiểu những bí quyết giảm cơn đau mà không phải dùng thuốc giảm đau nhé.


Điều chỉnh chế dộ dinh dưỡng:
Những người bị đau nửa đầu có xu hướng ăn một chế độ ăn uống nhiều chất béo. Khi có nhiều chất béo trong máu của bạn, mức độ hormone sẽ dễ bị dao động. Hàm lượng hoóc môn kích hoạt không thường xuyên là nguyên nhân gây đâu nửa đầu trầm trọng hơn. Để giảm đau nửa đầu, đầu tiên phải cắt giảm chất béo trong chế độ ăn uống của bạn. Ghi nhật ký lượng chất béo bạn ăn trong ngày. Viết ra số gam chất béo sẽ giúp bạn biết được lượng chất béo, để giúp bạn điều chỉnh, giúp bạn giảm đau nhức nửa đầu.  

Bổ sung các chất:  
Một nghiên cứu cho thấy rằng uống 50 mg Butterbur (một loại thảo dược) 2 lần mỗi ngày có thể loại bỏ đau nhức nửa đầu bằng cách ngăn chặn tình trạng viêm gây đau đớn. Ngoài ra, hoa cúc cũng là một loại thảo dược giúp giảm nhẹ chứng đau nửa đầu.
Thiếu vitamin D có thể làm cho chúng ta dễ bị đau nửa đầu hơn, nên tốt nhất bạn nên bổ sung 400 UI vitamin D mỗi ngày. Bổ sung 400mg Riboflavin hoặc vitamin B2 cũng cải thiện tình trạng đau nửa đầu trong vòng 3 tháng. Riboflavin được tìm thấy trong các loại thực phẩm như sữa, pho mát, trứng, đậu, nấm men, hạnh nhân, cá, và rau lá xanh.
Đau nửa đầu có thể giảm tự nhiên bằng cách ngủ đủ giấc. Theo nghiên cứu, đau nhức nửa đầu sẽ giảm 50% hơn nếu bạn ngủ đủ giấc mỗi đêm.

Chườm lạnh:
Dùng một gói đá lạnh để lên trán của bạn cũng sẽ làm giảm đau khi đau nửa đầu. Độ lạnh sẽ làm mạch máu co lại, làm giảm đau trong vòng chưa đầy 15 phút.
Thông thường những người bị đau nửa đầu rất nhạy cảm với ánh sáng và tiếng ồn. Dành thời gian để thư giãn ở một nơi yên tĩnh, tối và thoải mái sẽ xoa dịu cơn đau nửa đầu của bạn.

Tắm nước ấm:

Một bồn nước ấm hoặc tắm vòi sen có thể giúp giảm cơn đau khi nó mới bắt đầu. Một bàn chân ấm cũng có thể giúp giảm các triệu chứng này.
Nguồn: 24h.com.vn


Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010

Mười điều tâm yếu


MƯỜI ĐIỀU TÂM YẾU


1/- Hạnh TỪ-BI.(慈悲行)
Trọng mạng sống của muôn loài. Xót thương và tận tâm giúp đỡ người đói khổ, cô đơn, đau ốm, tật nguyền. Buồn khi thấy kẻ làm dữ, khuyên nhủ họ bỏ dần và dứt hẳn việc dữ. Vui khi thấy người làm lành, khuyến khích giúp đỡ họ phát triển thêm điều thiện; ấy là hạnh TỪ-BI.(慈悲行)

2/- Hạnh HỈ-XẢ.(喜捨行)
Ai chê bai không giận, ai khinh ghét chẳng hờn. Đại lượng với người chống đối lại mình. Lấy ơn trả oán, chứ không lấy oán báo oán. Trong đời chỉ có  “Những Bạn đã và đang thông cảm, hiểu biết mình” và “Những Bạn chưa thông cảm, hiểu biết mình” . Tuyệt nhiên không có ai là “Kẻ Thù”, ấy là hạnh HỈ-XẢ.(喜捨行)

3/- Hạnh  NHU-HOÀ.(柔和行)
Với người đối nghịch dùng mềm mỏng mà khuyên lơn, dùng ôn hoà mà hoá độ. Dầu gặp rối ren, gay cấn thế nào cũng bình tĩnh điều đình cho ổn thỏa; ấy là hạnh  NHU-HOÀ.(柔和行)

4/- Hạnh NHẪN-NHỤC.(忍辱行)
Vui chịu đủ các phương thử  thách, gặp biến cảnh thế nào cũng biết cách chìu theo, không phiền muộn trách than, không ngã lòng thối chí. Thành công  không kiêu căng, thất bại không nản chí, ấy là hạnh NHẪN-NHỤC.(忍辱行)

5/- Hạnh  CHÍ-THÀNH.(至誠行)
Thành thật với mọi người, dù trong đạo hay ngoài đời cũng vậy. Từ  lời nói đến việc làm, nhứt nhứt đều ngay thẳng thật thà, xử sự chẳng mưu mô lừa đảo. Tự mình siêng năng học hỏi để tiến bộ không ngừng, đem sự hiểu biết thực lòng giúp người được hiểu biết, để cùng nhau làm lợi ích cho chúng sinh,  ấy là hạnh  CHÍ-THÀNH.(至誠行)

6/- Hạnh TINH-TẤN.(精進行)
Cố tâm tiến lên con đường lập công bồi đức. Trong không khởi một  niệm ác để tâm hồn luôn thư thái, ngoài không biếng nhác tháo lui, dù lâu dài cũng một mực chăm lo tu học và chăm làm việc thiện, gắng làm tròn bổn phận mình với đạo, với đời; ấy là hạnh TINH-TẤN.(精進行) 

7/- Hạnh  BÌNH-ĐẲNG.(平等行)
Xem vạn vật vốn đồng thể, xem muôn loài đều đồng tánh . Đối đãi với người không phân biệt giai cấp, quốc tịch, màu da; cùng chẳng so đo phú quí, sang hèn …
Lấy đức làm trọng, lấy tình người mà đối đãi nhau. Không cậy thế    quyền, không xu phụ người thế lực, xem ta như người, xem người như ta; ấy là hạnh  BÌNH-ĐẲNG.(平等行)

8/- Hạnh  BÁC-ÁI. (博愛行)
Xem tất cả chúng sanh là con một cha, thương người mến vật, trọng mạng sống muôn loài không phạm giới sát. Tiến lên một bậc, tùy duyên mà cứu vật cứu người, ấy là hạnh  BÁC-ÁI. (博愛行)

9/- Hạnh TỰ-TẠI.(自在行)
Phàm ở đời lâm vào cảnh ngộ nào cũng biết tùy phận mà yên. Gặp may không đắc chí, gặp rủi chẳng nao lòng. Được ca ngợi không tự cao, bị chê trách không oán giận. Gặp cảnh khổ hay vui, lành hay dữ, đều biết đó là do nhân quả tạo ra nên tâm không dao động; ấy là hạnh TỰ-TẠI.(自在行)

10/- Hạnh GIẢI-THOÁT.(解脫行)
Trong không dấy lên  vọng tưởng, ngoài không mắc kẹt cảnh trần. Tâm cảnh không hai, thân vật  làm một; tuỳ duyên với công việc mà không vướng mắc, siêng làm mọi việc lợi ích quần sanh mà thật thấy như không làm;ấy là hạnh GIẢI-THOÁT.(解脫行)