Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Ba hạt đậu xanh của Mẹ


Chuyện hay giải nhất: “Nét bút tri ân”
Một câu chuyện khá cảm động viết về người Mẹ.


BA HẠT ĐẬU XANH CỦA MẸ 
Nguyễn Thị Việt Hà
 

 
Lời Ban Biên Tập:
Ba hạt đậu xanh của mẹ đoạt giải nhất.
Tối 2-6, lễ tổng kết, trao giải cuộc thi “Nét bút tri ân” lần 2 do Trung Ương Đoàn, Bộ Giáo Dục - Đào Tạo, Ngân hàng TMCP Đông Á, Đài truyền hình VN, báo Tuổi Trẻ và Đài Tiếng nói nhân dân Thành Phố phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. 
Vượt qua gần 65.000 bài dự thi gửi về BTC cuộc thi “Nét bút tri ân” lần II, bài viết “Ba hạt đậu xanh của mẹ” của  cô Nguyễn Thị Việt Hà, giáo viên Trường THCS Lê Hồng Phong, Thị Trấn Cái  Đôi Vàm, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau đã xuất sắc giành giải Nhất năm  nay. Câu chuyện của cô giáo Việt Hà về người mẹ chịu nhiều khổ đau, một  mình nuôi mấy người con khi ba bỏ mẹ con cô ra đi. Với lòng bao dung và  nghị lực phi thường mẹ đã dạy cho chị em cách học đối mặt với khó khăn,  rèn luyện sự tự lập, không đầu hàng cuộc sống. Xuyên suốt bài viết là những cơn mưa: ngày chị sinh ra mưa tầm tã,  ngày cha bỏ mẹ con đi mưa vần vũ và ngày mẹ đi cũng vào một cơn mưa mùa  đông. 
Câu chuyện có thật của người giáo viên có vóc người nhỏ bé, giọng nói  dịu dàng về gia đình mình khiến mọi người trong khán phòng của buổi lễ  trao giải vừa diễn ra vào tối 2/6 không khỏi bùi ngùi, xúc động. Khi MC  Tạ Bích Loan hỏi: Với bài viết trên, nếu được chọn lòng biết ơn hay sự hận thù chị sẽ chọn điều gì? Thay vì trả lời, cô giáo Việt Hà chỉ gói gọn trong câu nói mộc mạc và thấm thía:
“Lòng hận thù hãy ghi trên cát, lòng yêu thương hay ghi trên đá”. Dưới đây là toàn văn bài viết của cô giáo Nguyễn Thị Việt Hà gửi mẹ kính yêu: BA HẠT ĐẬU XANH CỦA MẸ
Mình từng kể rằng người đầu tiên dạy mình bài học về lòng tự trọng là mẹ mình. Mình cũng từng kể rằng mẹ mình rất đẹp, gương mặt mẹ luôn tỏa ra ánh hào quang nhân ái của con người đã sống trọn một đời lương thiện. Những câu chuyện đời mẹ, mình sẽ chẳng bao giờ kể hết, những trang đau thương nhưng không hề bi lụy mà ánh lên niềm khát khao cháy bỏng về một cuộc sống bình yên, tốt đẹp. Mẹ lại bảo mình sinh ra ngay giữa cơn mưa tầm tã, tạt ướt cả chỗ mẹ nằm. Mẹ ghì chặt mình vào ngực, phủ hơi ấm lên tấm thân bé xíu của mình. Cha bỏ mẹ mình và 3 đứa con thơ dại cũng vào một cơn mưa. Mưa đêm như trút nước. Cha hôn hít chúng mình rồi xách valy ra tàu đi cùng với một người đàn bà trẻ đẹp không phải là mẹ mình. Tiếng còi tàu xé đêm nhưng không vang dội như tiếng mẹ gọi cha. Tiếng mẹ gọi, tiếng khóc nheo nhóc của chúng mình, tất cả bị mưa làm mờ đi. Mưa vần vũ cuồn cuộn. Mưa xối xả. Mưa lăn lộn trên không. Cha vẫn đi. Tóc mẹ xổ tung, mưa lặng đi thấm ướt. Tóc mẹ dài chấm gót, đen sẫm, mượt thơm. Mưa ganh tị xới tung tóc mẹ. Mưa dữ dội xối vào 3 chị em mình. Tàu chạy.
Cha đi. Mẹ hốt hoảng ôm xiết 3 con vào nhà. Cả mấy mẹ con khóc run lập cập. Mẹ dắt 3 chị em mình rời  bỏ Cà Mau về quê ngoại ở Bắc Giang. Mình không biết mẹ lấy sức lực ở đâu mà nuôi nổi 3 chị em mình trong cái cảnh tay không tấc đất, chỉ có chút vốn liếng còm cõi, mẹ lăn lóc hết chợ xa, chợ gần, làm đủ công việc nặng nhọc và chịu bao nhiêu tủi hổ. Nhà mình nghèo lắm, những vụ giáp hạt mẹ toàn ăn sắn, khoai, nhường cơm trắng cho 3 đứa con. Nhớ lại là rơi nước mắt món canh “ Rửa chân gà”… Mẹ nấu canh bằng rau trong vườn cho thêm một ít mỡ, mẹ bảo canh ngọt lắm vì có cả mùi của thịt gà, chúng con ăn ngon lắm, xì xụp húp rồi tin ngay vì nhìn thấy chân con gà hôm ấy cũng sạch thật…Mẹ vừa ăn khoai vừa rơi nước mắt rồi bảo bụi hôm nay sao nhiều thế… Tuổi nhỏ ngây thơ chưa kịp hiểu đời mẹ nhọc nhằn…
Mẹ hay vắng nhà vì đi hết chợ xa, chợ gần để buôn cá khô, sắn, lạc… Năm 1992 mẹ cho 3 chị em mình 6 hạt đậu xanh và bảo hãy trồng vào trong ống bơ, mỗi ống bơ trồng 3 hạt. Một ống để trong nhà, một ống để ngoài sân. Mẹ bảo chăm sóc cây trong nhà kĩ hơn là cây ở ngoài sân,  rồi 4 tuần sau xem chuyện gì diễn  ra với 2 ống bơ trồng đậu xanh ấy. Cây đậu xanh trong nhà ban đầu bụ bẫm, xanh tốt rồi yếu dần, dài ra cứ vươn mãi ra phía có ánh sáng và 4 tuần sau 2 cây đậu ấy bỗng dưng héo rũ. Còn 3 cây đậu trong ống bơ ở ngoài sân chậm lớn hơn nhưng vững chãi, 4 tuần sau lá trổ xum xuê và bắt đầu có những nụ nho nhỏ…4 tuần kế tiếp đã thấy những quả đậu xanh xinh xinh rung rinh trên cây.  Mẹ bảo chúng mình kể mẹ nghe chuyện hai cây đậu, mẹ luôn mỉm cười khi nghe 3 chị em  liến thoắng sau đó người mới từ tốn bảo: “Các con là những cây đậu xanh ở ngoài sân, dù không được chăm sóc tốt, không được ở những nơi sung sướng nhưng đã lớn lên vững chãi. Đó là sự tự lập các con hiểu không?”.
Thú thực ngay lúc ấy mình chưa hiểu được hết những điều sâu xa trong lời mẹ nói… Nhiều năm sau chúng mình mới hiểu được rằng mẹ đã rèn chúng em sống tự lập, lòng tự trọng bằng chính cuộc đời tốt đẹp của mẹ….Cuộc sống tươi hồng nhưng luôn nghiệt ngã, cuối năm 1993 mẹ lại dắt chúng mình lên vùng kinh tế mới ở Đạ Huoai- Lâm Đồng.  Căn nhà ở xó rừng Madaguil vẹo vọ vì mưa. Mưa ngạo nghễ, nhạo báng  mấy mẹ con cô độc. Mưa lạnh lùng nhảy nhót khắp nhà.  Mẹ dắt mình và Hằng băng rừng trốn mưa nhưng không trốn kịp. Mưa ầm ào thác lũ. Mẹ cúi người che mưa cho 3 con, chúng mình vẫn lạnh tê tái. Mưa nhỏ mọn lách qua thân mẹ, chúng mình thâm tím vì mưa. Rồi mình không núp dưới mẹ nữa, đứng thẳng dậy đeo gùi măng lên vai, lì lợm rẽ cỏ tranh và đám cây mây chẳng chịt tìm lối về. Mẹ cũng dắt Hằng, Trung  rẽ cây rừng mà đi. Mẹ vượt lên trước cầm dao phạt nhanh những đám cây mây cho chúng mình cất bước. Mưa gầm rú tức giận muốn hất tung 4 kiếp người nhỏ nhoi lên cao nhưng mưa bất lực. Mưa trút roi rát bỏng vào da thịt bốn mẹ con mình. Mình đã học những bài học can đảm từ mẹ mình.


Cách mẹ dạy chúng mình cũng lạ hơn người khác, mẹ có một ngọn roi mây luôn treo ở góc nhà nhưng mẹ không đánh chúng mình bao giờ. Mẹ thủ thỉ kể những câu chuyện đời mẹ  khi chúng mình cùng trèo rừng, làm rẫy, lúc mưa trú trong lán… Thế mà quên mệt, thế mà lại thấm thía những phẩm chất tốt đẹp. Đời người con gái có 12 bến nước, cái bến mẹ sa chân vào có lẽ cái cái bến đục nhất… Một mình nuôi con, quyết chẳng để con thất học nên dắt díu con từ Nam vào Bắc, từ Bắc vào NamThế rồi…thế rồi đến khi xuôi tay nhắm mắt tóc mẹ chưa kịp bạc…mẹ chưa kịp trở về nhà của mẹ con mình…Năm 2004, khi mình và Việt Hằng đã tốt nghiệp CĐSP và xin dạy ở Phú Tân - Cà Mau , út Trung đang học CĐSP  Cà Mau  cũng là lúc mẹ bị ung thư thận giai đoạn cuối… Mẹ về lại Bắc Giang sau nửa đời người mang con khắp xứ người tìm cớ mưu sinh, nuôi chúng mình ăn học đến nơi, đến chốn. Mẹ đã về lại nơi chôn nhau cắt rốn để thanh thản nằm lại đồng Đống Mối bên dòng sông bốn mùa gió lộng. Ngày mẹ đi cũng lại vào một cơn mưa mùa đông.
Mưa lê thê, não nuột. Mưa hiền hòa bao bọc lấy mẹ, lấy 3 chị em mình. Lạ lùng thay khi 3 đứa mình không khóc được, lủi thủi sau xe tang, mưa nức nở rơi lên khóe mắt tạo thành lệ tuôn để chị em mình khóc mẹ. Mưa nhẹ vỡ thành hàng triệu triệu những giọt sương xốp trắng. Mưa cuộn lên trời cao kéo màn trời ủ dột. Mưa đưa mẹ về nẻo trời xa, nẻo xa xăm mù khơi, nẻo sinh ly tử biệt. Mưa cho cỏ mau tốt tươi phủ kín nấm mộ mẹ nằm lại một mình. Mưa trãi khăn tang vắt ngang bầu trời ngày mẹ đi xa mãi. Và hôm nay, trong câu chuyện cuối cùng mình viết tham gia cuộc thi Netbuttrian có ngấn nước, có nụ cười, có nỗi nhớ, có niềm tự hào của 3 chị em mình như một nén nhang lòng thắp lên cho mẹ. Có một điều không đổi rằng mẹ vẫn đang còn hiện diện bên chúng mình… Trong mỗi nhịp đập trái tim… Không đếm được bao nhiêu vất vả, bao nhiêu nước mắt 3 chị em  đã thành người như điều mẹ mong muốn trăn trối lúc lìa trần. Ba đứa con của mẹ, ba hạt đậu xanh trong cái ống bơ đặt góc sân ngày nào, cùng nắng, cùng gió, cùng bao thử thách đã vững chãi mà lớn lên trong bao bài học làm người mẹ đã dạy chúng mình. 
(Bài viết này chúng con: Việt Hà, Việt Hằng, Bảo Trung  kính dâng lên mẹ Nguyễn Thị Liêm như một nén hương lòng…) 
Nguyễn Thị Việt Hà.

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

Đưa ra lời khen đúng lúc và chân tình


Đưa ra lời khen đúng lúc và chân tình

Những người thành công biết dùng nụ cười, lời khen biểu lộ sự thân thiết để khuyến khích, khẳng định giá trị của người khác và rất ít khi nói những câu chán nản. Biết cách khen ngợi, phát huy sức mạnh của lời khen đúng lúc và chân tình chính là thể hiện sự tôn trọng người khác một cách tinh tế nhất.

6 cách đưa ra lời khen đúng lúc và chân tình
                                                         
1. Khen ngợi chứ không tâng bốc: Để tránh những trường hợp bị nghĩ là đang bợ đỡ, bạn hãy đưa ra lời khen gián tiếp thông qua một người thứ 3. Thay vì nói trực tiếp với ai đó (ông chủ, khách hàng, người mà bạn thầm yêu…) sự ngưỡng mộ của bạn đối với họ, hãy nói điều đó với người có quan hệ thân thiết với đối tượng mà bạn muốn khen.
Đây là cách giúp bạn thoát khỏi nguy cơ bị nghi ngờ rằng bạn là kẻ xu nịnh đang cố gắng đạt điều mình muốn. Đưa ra lời khen gián tiếp thông qua một người thứ 3, bạn cũng sẽ để lại cho đối tượng tiếp nhận niềm hạnh phúc tuyệt vời rằng bạn đang nói với cả thế giới về những ưu điểm lớn của họ.
Ngoài ra, cách này cũng còn có thể áp dụng trong những trường hợp tương tự. Đó là, bất cứ khi nào bạn nghe được lời tán dương về người nào đó, đừng để lời tán dương này kết thúc sau khi bạn nghe xong, mà hãy ghi nhớ và nói lại cho người được khen. Khi đó, người được khen sẽ là người hạnh phúc nhất và hẳn nhiên, tất cả mọi người đều yêu quý những ai mang đến cho họ tin tức vui vẻ, tốt lành.
2. Ngầm bày tỏ sự ngưỡng mộ: Không nên đưa ra một lời khen quá lộ liễu, chỉ nên ngụ ý điều gì đó tốt đẹp về người đối thoại với bạn mà thôi. Bạn cũng phải hết sức chú ý về những hàm ý không tốt ngoài ý muốn như: “Mặc dù hơi mập nhưng bạn nhảy rất đẹp đấy…” 
Một cách ngầm khen ngợi khác đó là, “lời khen tình cờ”: khéo léo đưa lời khen vào trong câu nói của bạn. Hãy thử đi, bạn và họ sẽ cảm thấy thích, ví dụ: “ Bạn quá rành về luật hợp đồng nên bạn tìm hiểu kỹ trước khi ký kết còn tôi thật là dại dột vì đã không làm như vậy”…
3. Lời khen trực tiếp “đặc biệt”: Đó là lời khen ngợi về một phẩm chất rất cá nhân nhưng cũng rất cụ thể mà bạn nhận ra ở một người nào đó. Lời khen “đặc biệt” không phải là “Cái áo của bạn rất đẹp” hoặc “Bạn là một người tử tế”. Hãy tìm kiếm một phẩm chất lôi cuốn, cụ thể và độc đáo mà người đó có được như: “Đôi mắt của bạn mới đẹp làm sao”; “Bạn là một người rất trung thực, hiếm có” …
Hầu như mọi người đều thích nhận được lời khen “đặc biệt của riêng mình”, và tất cả mọi người đều có cảm giác thân thiện với người khen tặng. Tuy nhiên , bạn phải lưu ý 3 quy tắc sau:
Quy tắc 1 - Chỉ nói riêng với người nhận: Nếu bạn đứng cùng một nhóm phụ nữ và bạn khen ngợi 1 người phụ nữ có phom người cân đối thì những phụ nữ khác sẽ cảm thấy mình như thùng mỡ vậy… Đồng thời, bạn làm cho chính người nhận lời khen cũng không cảm thấy thoải mái gì.
Quy tắc 2 – Hãy làm cho người ta tin vào lời khen đặc biệt của bạn. Chẳng hạn như, tôi là một người không có khiếu âm nhạc. Nếu một ai đó nói rằng họ thích giọng hát của tôi, tôi biết đó là những lời nhảm nhí, không thật tình.
Quy tắc 3 – Chỉ nói duy nhất một “lời khen đặc biệt” với 1 người trong vòng nửa năm. Nếu không, bạn sẽ bị xem là một người giả dối, bợ đỡ, xu nịnh…
4. Thường xuyên đưa ra lời khen nhẹ nhàng: Là những lời khen nhanh gọn mà bạn tình cờ chêm vào cuộc đối thoại của mình. Hãy sử dụng thường xuyên những lời khen với các đồng nghiệp của bạn: - “Làm tuyệt lắm”; - “Công việc tốt lắm, Tuấn ơi!”; - “Hay lắm, không tệ chút nào”…
Bạn cũng có thể sử dụng lời khen nhẹ nhàng này đối với những điều mà những người bạn yêu quý đạt được hàng ngày. Như vợ bạn vừa nấu một bữa ăn ngon; trước khi đi chơi – “trông em tuyệt lắm”, hoặc với bọn trẻ - “Con lau dọn phòng rất sạch đấy”…
Những lời khen nhẹ nhàng chỉ là những điều nho nhỏ nhưng chúng có ý nghĩa rất lớn. Đừng để đồng nghiệp, bạn bè hay những người thân yêu nhìn bạn và ánh mắt (ấm ức) nói lên rằng, - Không phải hôm nay tôi rất “được” hay sao?
5. Đưa ra lời khen đúng lúc: Khi ai đó lập được một thành tích, dù cho đó là một kỳ tích hay thành tựu nho nhỏ, ngay lập tức bạn hãy tự động khen đúng thời điểm họ vừa hoàn thành – không phải là sau 10 phút, 20 phút mà phải là ngay lúc đó. Giây phút những người thành công bước ra khỏi phòng họp, ra khỏi nhà bếp hay ánh đèn sân khấu, điều duy nhất mà họ muốn nghe là: “Ôi, thật tuyệt vời” và lời khen đúng lúc đó sẽ không để giây phút hạnh phút của họ trôi qua vì lời khen muộn màng của bạn.
Đừng lo họ sẽ không tin bạn, cho dù họ không thực sự thể hiện tốt thì người nhận lời khen cũng sẽ đánh giá cao sự tế nhị lúc đó và sẽ tha thứ cho lời nói dối của bạn. Bởi sự “tinh tế” do muốn tôn trọng người khác của bạn bao giờ cũng được ưu tiên hơn so với việc nói ra sự thật.
6. Lời khen chân tình: sự lắng nghe. Trong tâm trí, hầu như mỗi người luôn ý thức rằng mình là người vô cùng đặc biệt. Cho nên khi gặp được người có thể nhận ra sự đặc biệt của mình, chúng ta sẽ dễ dàng bị họ - những người biết đánh giá cao bản thân chúng ta lôi cuốn. Vì thế, sự chú tâm lắng nghe, lắng nghe một cách thật sự chính là lời khen chân tình nhất.
Lời khen chân tình, lời khen “không lời” này chính là kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp, “không nói mà là khen” bởi sự lắng nghe chăm chú thể hiện sự tôn trọng, đánh giá cao người khác. Vả lại, có lắng nghe thật sự ta mới có thể khám phá ra niềm kiêu hãnh bí mật của mỗi người và thừa nhận sự đặc biệt riêng có của họ. Cách khen chân tình bằng sự lắng nghe này còn giúp những bạn rụt rè hoặc ít nói vẫn được tôn trọng và yêu mến hơn dù không biết tán dương bằng lời.
Ngoài việc biết cách đưa ra lời khen đúng lúc và chân tình, bạn cũng nên nhớ cách tiếp nhận và đáp lại lời khen khi người khác khen bạn. Khi một người nào đó mang lại cho bạn niềm vui bằng lời khen ngợi, hãy để niềm vui đó quay trở lại với họ. Hãy để cho họ thấy được sự cảm kích của bạn, và hãy tìm cách khen lại họ vì đã dành lời khen cho bạn. Sự tương tác của những lời khen tinh tế và chân tình giúp chúng ta tự tin và gần gũi với nhau hơn rất nhiều. Hy vọng tất cả chúng ta sẽ thay đổi quan niệm và thái độ của mình đối với những lời khen ngợi.
Nguồn: kynang.com.vn

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Chuyện đàn chim sa bẫy do bất hòa


Chuyện đàn chim sa bẫy do bất hòa

Vào một kiếp xa xưa, Bồ Tát (tiền thân đức Phật) sanh làm một con chim cút, thủ lĩnh của hàng ngàn con chim cút sống ở trong rừng. Bấy giờ, một người bẫy chim vì muốn bắt chim cút nên tìm đến nơi đàn chim sống. Ông ta thường bắt chước tiếng kêu chim cút để dụ chúng đến. Rồi chờ khi bầy chim kéo đến tập họp lại một chỗ, ông ta tung lưới chụp lên chúng và rút các mép lưới lại, tóm tất cả vào một mối, sau đó nhét chúng vào trong một cái giỏ, mang về nhà bán kiếm tiền sinh sống.
Một hôm, Bồ Tát nói với bầy chim:
– Thưa chư vị, người bẫy chim này đang tàn sát thân tộc của chúng ta. Ta có một phương kế khiến ông ta không thể bắt được chúng ta nữa. Từ nay trở đi, mỗi khi ông ta tung lưới lên, các vị hãy thò đầu của mình qua các lỗ lưới và sau đó cùng mang lấy cái lưới bay đến một nơi mà các vị muốn, và ở đó, hãy hạ cái lưới xuống trên một bụi cây gai. Làm như vậy, tất cả chúng ta sẽ thoát khỏi nhiều mẻ lưới.
– Kế sách thật hay. Cả bầy chim cùng đồng ý.
Ngày hôm sau, khi người bẫy chim chụp lưới lên bầy chim, chúng đã làm theo những gì mà Bồ Tát đã dặn. Chúng mang cái lưới bay lên và hạ lưới xuống trên một bụi cây gai rồi trốn thoát từ phía dưới, làm cho người bẫy chim phải đứng đấy gỡ lưới mãi cho đến khi chiều tối, sau đó trở về nhà mà trong tay chẳng có thứ gì. Bầy chim sử dụng mưu kế ấy liên tiếp nhiều ngày sau đó. Và như thế, người bẫy chim cứ phải chịu cái cảnh loay hoay gỡ lưới cho đến chiều tối và trở về nhà tay không. Thấy chồng trở về nhà tay không hoài như vậy, người vợ tức giận nói:
–  Ngày nào ông cũng trở về tay không. Tôi nghĩ là do ông nuôi dưỡng một cơ sở thứ hai nào đó.
Người bẫy chim nói:
– Không đâu bà ơi, tôi không nuôi dưỡng một cơ sở thứ hai, thứ ba nào cả. Sự thật là do những con chim cút đó bây giờ đã cùng hợp tác làm việc. Khi tôi tung lưới lên chúng, cả bầy cùng mang cái lưới đi, để lại nó trên một bụi cây gai và bỏ trốn. Nhưng chúng sẽ không thể sống mãi trong hòa hợp được đâu. Bà đừng lo, khi nào chúng bắt đầu cãi vã nhau, tôi sẽ bắt hết cả bọn chúng. Rồi bà sẽ vui cười cho coi.
Nói vậy xong, ông ta đọc cho bà vợ nghe mấy câu thơ:
Khi hòa hợp có mặt
Chim mang lưới bay xa
Khi tranh cãi xuất hiện
Chúng rơi vào tay ta.
Không lâu sau đó, một con chim cút khi đậu xuống bãi đất kiếm mồi đã vô ý đạp lên đầu một con chim cút khác. Con chim cút này kêu lên một cách giận dữ:
– Kẻ nào đạp lên đầu ta thế.
– Ôi! Xin lỗi bạn. Tôi đấy. Nhưng không phải tôi cố ý đâu. Xin đừng giận tôi nhé! - Chim cút thứ nhất thành khẩn nói.
Nhưng không thèm đếm xỉa đến câu trả lời phân trần này, chim cút thứ hai cứ ôm lòng sân hận, tiếp tục nói:
– Ngươi nghĩ là một mình ngươi có thể nhấc bổng cái lưới kia lên được sao?
Và thế là chúng bắt đầu lời qua tiếng lại, lớn tiếng mắng nhiếc lẫn nhau.
Khi nhìn thấy chúng cãi vã nhau như vậy, Bồ Tát nghĩ: “Mỗi khi đã có tranh cãi thì không có an toàn. Giờ thì bầy chim sẽ không còn nhấc nổi cái lưới lên được nữa rồi, và do đó chúng sẽ nhận lấy sự đại diệt vong. Gã săn chim rồi sẽ tìm được cơ may của mình. Thôi, ta không nên ở đây nữa.” Nghĩ là làm, Bồ Tát cùng với đàn chim của mình bay đến một chỗ khác.
Đúng như dự đoán, một vài ngày sau, gã bẫy chim lại đi đến chỗ đó. Trước tiên gã dụ đàn chim lại bằng cách giả tiếng chim cút, sau đó gã tung lưới lên chúng. Thế rồi một con chim cút nói:
– Nghe nói khi ngươi nhấc bổng lưới lên thì lông trên đầu của ngươi rơi xuống cả. Bây giờ có ngon thì hãy nhấc lưới lên đi!
Con chim kia đáp trả:
– Khi ngươi nhấc lưới lên, nghe nói lông cánh của ngươi đều rụng cả. Bây giờ hãy nhấc lên thử coi!
Trong khi chúng đang còn đề nghị nhau nhấc lưới như vậy, thì người bẫy chim đi đến, rút các mép lưới lại và nhấc lên, tóm chúng lại thành một mối và nhét vào trong giỏ mang về nhà. Bà vợ thấy vậy thì cười sung sướng.
Nguyên Hiệp dịch

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

Món ăn trị khàn tiếng


Món ăn trị khàn tiếng

Khàn tiếng, mất tiếng gây ra những bực bội và nhiều khó chịu. Bên cạnh kháng sinh chống viêm, còn có nhiều loại thức ăn giúp giảm các triệu chứng khàn tiếng.
Khàn tiếng hay mất tiếng thường xảy ra ở người thường xuyên phải nói nhiều, nói to, nói liên tục như giáo viên, phát thanh viên, dẫn chương trình, cổ động viên, người làm việc trong các môi trường ô nhiễm, hút thuốc lá nhiều.
Nước giá đậu xanh: Lấy 100g giá sống, rửa sạch cho vào tô. Rửa tay sạch, bóp nát giá, sau đó đổ một ít nước sôi vào tô, lượng nước ngang bằng giá. Đậy nắp lại khoảng 15 phút, bỏ xác giá, lọc lấy nước uống. Có thể uống hai - ba lần mỗi ngày.
Quất chưng đường phèn: Cắt hai trái quất (tắc) ra thành các khoanh mỏng, bỏ hạt. Đập nát một cục đường phèn nhỏ cho vào và đem chưng cách thủy khoảng 30 phút. Để nguội và ngậm quất trong ngày.
Húng cây chưng đường phèn: Dùng 5-10 lá húng cây luôn cả thân, rửa sạch, cắt nhỏ và cho vào tô chưng cách thủy với đường phèn khoảng 20 phút. Để nguội, ngậm lá trong ngày.
Chè đậu xanh nguyên vỏ: Nấu khoảng 50g đậu xanh hạt nguyên vỏ, đậu xanh chín nhừ cho ít đường vào. Ăn trong ngày. Người bị khàn tiếng có thể ăn canh thịt nạc nấu với đậu hủ, lá hẹ hoặc ăn cháo thịt kho với giá sống. Nên hạn chế nói để giúp bệnh sớm hồi phục; tránh dùng các chất kích thích như rượu, bia; tránh ăn thức ăn chiên xào, chua cay.
Nguồn: Phụ nữ Online

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

Người làm vườn, bãi đất trống và cây




Người làm vườn, bãi đất trống và cây

Người làm vườn có một bãi đất trống. Ở đó, anh ta trồng một vài cái cây. Cây lớn, cây bé, cây già, cây trẻ, cây lá đỏ, cây lá xanh, cây cho quả ngọt, cây chẳng có nổi một nụ hoa,… Đủ loại.
Nhưng anh vẫn thấy có cái gì đấy không trọn vẹn, không đầy đủ, như mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh xếp hình.
Một ngày mùa xuân, theo gió, hạt giống bay tới và nằm lại ở bãi đất trống. Người làm vườn cảm thấy thật khó chịu. Một hạt giống bé nhỏ và méo mó, chắc chắn rồi sẽ mọc lên thứ cây còi cọc xấu xí, nó sẽ làm hỏng khu đất trồng cây của anh mất công chăm chút.
Nhưng rồi anh vẫn để hạt giống nằm đấy. Ngày qua ngày, nó dần biến đổi, trút bỏ đi lớp vỏ ngoài méo mó ngày nào, vươn lên thành một cây con.
Người làm vườn vẫn chẳng bớt ác cảm với cây con, anh vẫn nhìn nó bằng ánh mắt kì thị khi so sánh nó với những cây đại thụ khác trong vườn.
Xuân qua, Hè đến cùng những cơn mưa rào đầy nước cho khu vườn.
Mùa hè vừa qua, thu đã vội vàng tới, mang theo những cơn bão quen thuộc. Mạnh mẽ, dữ dội và đầy quyết liệt, như muốn thổi tung, nhổ bật tất cả mọi thứ nơi nó đi qua.
Nhưng rồi g, mưa  bão cũng đều chẳng thể giành được cây từ bãi đất. Cây vẫn ở đó, rễ càng đâm sâu, lan rộng, dính chặt vào đất.
Người làm vườn bắt đầu thay đổi suy nghĩ về cây. Nó xấu xí, bé xíu, nhưng có sức sống không thua kém bất kì một cây cổ thụ nào.
Sức sống mạnh mẽ như xương rồng.
 bãi đất trống biến thành vườn cây.
Một buổi sáng như mọi ngày, người làm vườn thức dậy ra thăm vườn. Cây đã không còn ở đó. Khu vườn trở lại là bãi đất trống. Trống trải.
Người làm vườn im lặng. Lời nói của anh biến mất.
Dường như anh đã lỡ đánh rơi mất cảm xúc ở đâu đó.
Anh như muốn tan biến.
Đó là một chỗ trống khó lấp đầy, đúng không?
Anh bỏ vào đó , nhưng  không thể sống ở một chỗ với đất, nó không thể lấp đầy chỗ trống.
Anh đặt vào đó một chú Ngựa, nhưng Ngựa cũng không thể lấp đầy chỗ trống.
Và anh nghĩ đến chuyện trồng vào đó một cái cây con khác, nó sẽ bắt rễ, ăn sâu xuống đất và phát triển thành cây mới.
Nhưng không, rễ nó quá yếu, và nó cũng chẳng phù hợp với đất, thế là nó chết.
Mỗi lần anh nhấc , Ngựa  Cây mới ra khỏi bãi đất, anh thấy chỗ trống dường như lại càng rộng hơn. Và càng day dứt khắc khoải.
Anh nhận ra rằng chẳng có thứ gì có thể lấp đầy chỗ trống đó cũng như thay thế cho Cây. Anh đành bỏ mặc tất cả.
Ngày qua ngày, gió thổi, mưa bão, các cây khác trong khu vườn phát triển... làm bãi đất thay đổi.
Và hình như khoảng trống xưa đang dần được đong đầy. Thời gian đang cào bằng lại bãi đất. Dù nó sẽ không bao giờ trở lại như xưa.
Anh yên lặng, và chấp nhận. Vì anh đã hiểu!
 ----------------------------------------------------------
Có thể bạn sẽ nhận ra hoặc không. Mỗi chúng ta giống như một bãi đất trống, và mỗi mối quan hệ mới bắt đầu sẽ giống như một hạt giống được gieo trồng trên bãi đất đó, cây gia đình, bạn bè, Thầy cô, người quen...
Đương nhiên, đến một lúc nào đó, sẽ có một hạt giống từ đó nảy lên cái Cây mà ta sẽ đặc biệt quan tâm hơn hết tất cả, đến mức đôi khi ta vì nó mà quên bẵng những cây khác. Ta sẽ gọi nó là vợ, người yêu, bạn gái... hoặc chẳng là gì cả. Sẽ có những thử thách như gió, mưa, bão... để rồi vượt qua nó, sức sống của Cây lại càng mạnh mẽ hơn, đến mức ta tưởng chừng như nó sẽ không thể gục ngã nữa.
Nhưng có thể một lúc nào đó, nó vẫn sẽ không còn ở đấy nữa. Và để lại trong ta một khoảng trống.
Đừng cố lờ nó đi. Vì chỗ trống đó là có thật. Cũng đừng cố lấp nó bằng công việc (Bò), Gia đình (Ngựa)... Có thể nó sẽ giúp ta quên đi trong chốc lát, nhưng khi trở về đối diện với chính mình, khoảng trống đó sẽ càng day dứt khắc khoải.
Điều ta nên làm đơn giản chỉ là hãy để cho mọi thứ tự nhiên, và thời gian sẽ tự thực hiện công việc của mình.
Có thể nó sẽ không bao giờ được lấp đầy, và ta cũng không thể lại như xưa. Hãy mang theo nó, như một kí ức, một hành trang để ta tiếp tục bước đi. Và khoảng trống xưa sẽ thôi day dứt trong đời.
Nguồn: FB Nguoi Lam Vuon