Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

Lòng tốt của người lạ


Lòng tốt của người lạ


Một buổi tối lạnh buốt ở phía Bắc Virginia nhiều năm trước đây, có cụ già ngồi bên đường chờ đi nhờ xe ngựa. Cụ ngồi đã lâu lắm rồi, cả người thấm đẫm sương giá mùa đông, mà sự đợi chờ dường như vẫn vô vọng.
Rồi cụ nghe tiếng ngựa phi nước đại dọc theo con đường mòn. Gương mặt sắt lại vì cái lạnh, lo lắng cụ ngước mắt quan sát những người kị sỹ cưỡi ngựa qua. Người đầu tiên đi qua không để ý gì đến cụ. Rồi một người nữa, và người nữa, cũng thờ ơ….
Người cuối cùng tới gần nơi cụ già ngồi. Lúc này trông cụ đã như một bức tượng bằng tuyết trắng xóa. Khi người kị sỹ đến, cụ già nói khó nhọc: “Chào cháu, cháu không ngại cho một cụ già lên ngựa đi cùng chứ? Già không thể đi nổi nữa rồi”.
Ghìm cương ngựa, người kị sỹ trả lời: “Được chứ ạ, mời cụ lên ngựa”. Nhưng thấy cụ già run run không thể nhấc nổi chân, cơ thể lạnh cứng như đóng băng, người kị sỹ liền xuống ngựa giúp cụ.
Khi họ tới gần nhà cụ, một căn nhà nhỏ xíu nhưng ấm cúng, tò mò, người kị sỹ liền hỏi: “Thưa cụ, cháu thấy có rất nhiều người trước cháu đã đi qua chỗ cụ ngồi, tại sao cụ không hỏi đi nhờ họ? Tại sao trong đêm buốt giá như vậy mà cụ lại đợi và hỏi người cuối cùng là cháu? Nếu cháu từ chối và để cụ lại đó thì sao?”.
Cụ già chậm chạp xuống ngựa, nhìn thẳng vào mắt người kị sỹ, bình thản trả lời: “Tôi đã trải qua rất nhiều điều thú vị trong cuộc sống, và khi tôi nhìn vào mắt ai đó, tôi biết họ là người như thế nào. Nhìn vào mắt những người kị sỹ đã đi qua, ngay lập tức tôi thấy họ chẳng hề bận tâm đến hoàn cảnh của tôi. Vô ích thôi khi tôi có hỏi để đi nhờ. Nhưng khi tôi nhìn vào mắt anh, lòng tốt của anh thể hiện ngay trên đôi mắt. Tôi biết chắc chắn anh sẽ giúp đỡ”.
Những lời chân thành từ trái tim cụ lão khiến người kỵ sỹ cảm thấy vô cùng ấm áp: “Cháu cảm ơn cụ đã động viên. Đôi khi cháu quá bận rộn công việc riêng của mình mà quên đi người khác. Cháu sẽ thay đổi và quan tâm hơn đến những người xung quanh”.
Sống trên đời cần có một tấm lòng, nhưng đôi khi chúng ta lãng quên nó. Hãy đánh thức trái tim của bạn dậy, đừng để nó ngủ quên khiến tình người trở nên giá băng. 
Minh Anh
Nguồn: www.dantri.com.vn

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

Giới khẩu kinh


Giới khẩu kinh
Ngọc Linh Thánh Tịnh, Tý thời 20 tháng 6 năm Kỷ Hợi (25 - 7 - 1959)

Vân Hương Thánh Mẫu,
mừng chư môn sanh nam nữ. Chư môn sanh được phép tọa thiền hầu nghe Ta tả kinh nhơn dịp lễ kỷ niệm Đức Nam Hải Như Lai. [ . . .]

Giới Khẩu Kinh

THI BÀI:
Người dương thế thường hay lầm lỗi,
Biết vì đâu nên nỗi sai ngoa;
Cũng vì cái miệng nói ra,
Những lời bất chánh mới gia tội tình.

Khuyến nhơn thế vật khinh khinh thị,
Hãy dặn lòng trước nghĩ sau phân;
Cổ lai quân tử hiền nhân,
Dặt dè lời nói như bưng miệng bình.
Nhứt ngôn xuất phi vinh tắc nhục, [1]
Nói sao cho kẻ phục người vì;
Miệng mà lắm tiếng thị phi,
Ăn càn [2] nói bướng khổ thì về sau.
Dễ nói ra lấy vào rất khó,
Chớ tưởng rằng không có làm sao;
Hai bên vai vác
[3] chép vào,
Huyên thuyên cái miệng dạ nào nghĩ cho.
Muốn nấu cơm phải vo sạch gạo,
Mà sao lời bất hảo không chừa;
Hãy noi gương những người xưa,
Mỗi khi muốn nói lọc lừa từ câu.

Trên Bắc Đẩu Nam Tào soi xét,
Cái miệng mà thót mét chi đây;
Nhiều lời tai nạn còn dài,
Nghe lời Ta dạy để rày nghe theo.
Bao nhiêu kẻ tiếng tiêu miệng ớt,
Ngọt như đường muốn sớt của cho;
Nhưng mà lòng quá đắn đo,
Khuyên chư môn đệ giữ cho được lời.
Hãy nghe kỹ Ta thời dạy bảo,
Để trở nên người đạo mai chiều;
Một là chớ có lắm điều,
Hai đừng xảo ngữ ra chiều đẩy đưa.
Ba thấy kẻ đi trưa về tối,
Chớ bày điều nên mối thị phi;
Rồi ra tiếng bấc tiếng chì,
Đã dơ cái miệng ích gì cho ta.
Bốn khi đến Phật Tòa lễ bái,
Giữ tâm tâm van vái Phật Trời;
Chớ hề lắm tiếng nhiều lời,
Phước chưa được hưởng tội thời thấy ngay.
Năm Ta dạy những ngày còn bé,
Ăn nói cho có lễ có nghi;
Trên thời cha mẹ kỉnh vì,
Mẹ cha có hỏi con thì sẽ thưa.
Sáu là dạy khi đưa khi đón,
Mẹ cha chồng săn đón nhỏ to;
Chớ hề khi bán khi mua,
Khi nhiều khi ít, càn đùa khi khinh.
Bảy, là dạy nghe kinh tụng niệm,
Giữ tấc lòng đốn tiệm siêng cần;
Khuyên đừng miệng đọc lăng nhăng,
Rồi ra câu được câu chăng ích gì.
Tám, là dạy khi đi với bạn,
Lời thiệt hơn phải ráng nghe nhau;
Chớ hề nói trước nói sau,
Giữ lời chánh trực
ai hầu dám khinh.
Chín là dạy giữ mình làm trước,
Ở làm sao cho được như lời;
Chớ hề nhạo báng chê cười,
Mười phần ở được trọn mười như kinh.
Mười, là dạy chớ bình phẩm bạn,
Muốn nói ra lóng gạn từ câu;
Ai mà giữ đúng đuôi đầu,
Thì người ấy được theo hầu Phật Tiên.
Bút Thần giáng trước đàn tiên,
Gọi là "Giới Khẩu" một thiên truyền đời.


NGÂM:
Giã từ Ta thượng thiên đài,
Tịnh lòng tiếp lịnh Như Lai lâm đàn.

-----------------------------------------------------------------------
1. Một lời nói ra nếu không làm cho ta vẻ vang thì ắt làm cho ta nhục nhã.
2. Ăn nói càn quấy.
3. Trên vai ta đều vác hai vị thần để ghi chép việc thiện ác của ta.
Trích: Minh Thiện Chơn Kinh

Thứ Năm, 23 tháng 6, 2011

Xoa bóp, bấm huyệt gan bàn chân để phòng chữa bệnh thông thường



Xoa bóp, bấm huyệt gan bàn chân 
để phòng chữa bệnh thông thường

Xoa bóp và bấm huyệt gan bàn chân là một trong nhiều phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, là xu hướng được ưa chuộng của thế giới hiện nay. Ta có thể tự chẩn đoán và chữa trị được một số bệnh thông thường. Có thể dễ dàng thực hiện bất kỳ chỗ nào, lúc nào: lúc nghỉ giải lao, lúc ngồi tàu xe, lúc xem ti vi... chỉ cần 5-10 phút ai cũng làm được.
Tại sao phải xoa bóp và bấm huyệt gan bàn chân?
Tất cả các cơ quan, bộ phận trong cơ thể con người đều có những vùng đại diện ở hai bàn chân. Bàn chân trái ứng với nửa người bên trái (như mắt trái, thận trái, tim, lách, hậu môn, trĩ...), bàn chân phải ứng với nửa người bên phải (như mắt phải, thận phải, gan, mật, ruột thừa...). Trong mỗi người có tới 35km các loại ống (mạch máu ruột, ống tuyến...) từ lớn nhỏ tới li ti, chạy ngang dọc khắp mọi nơi trong cơ thể. Phần lớn những ống đó là những dây thần kinh và các mạch máu lưu thông với mọi tế bào. Chỉ cần một ống dẫn nhỏ đâu đó bị tắc là ảnh hưởng tới cả một nhánh hay cả một hệ thống. Đôi bàn chân chúng ta là điểm tận cùng của hệ thống thần kinh và là điểm thấp nhất của các đường ống vì phần lớn thời gian con người hoạt động là đứng hay ngồi. Cho nên máu chúng ta có những “cặn bẩn” thường bị tồn đọng và dễ bị ứ tắc tại đây. Việc nắn bóp những điểm có ách tắc vì có những “cặn bẩn” của máu ở hai bàn chân sẽ làm các chất cặn bị tan hay phân tán nhỏ ra khiến máu dễ lưu thông và đào thải ra ngoài.
Sự lưu thông máu ở hai bàn chân không tốt còn do một nguyên nhân khác. Khi các cơ bắp của chúng ta hoạt động yếu toàn bộ khung xương bị chùng xuống. Cả hệ thống các đốt xương chân cũng vậy. Các khớp co hẹp lại có thể làm cho một số dây thần kinh và mạch máu bị kẹt gây ra sự ách tắc lưu thông của máu. Những “cặn bẩn” trong máu dễ bị ứ đọng ở những điểm này.
Nếu những điểm đó có các dây thần kinh và mạch máu có liên quan đến gan, gan hoạt động yếu đi, nếu liên quan đến thận, sẽ làm việc thải các chất acid uric qua đường nước tiểu kém hiệu quả. Chất “cặn bẩn” trong máu tụ lại lâu bị cô đặc thành những tinh thể. Nếu những tinh thể đó tụ tập ở đầu dây thần kinh, sẽ gây cảm giác nhức buốt và ảnh hưởng tới các cơ quan có liên quan. Do đó, trong quá trình xoa bóp, bấm huyệt bàn chân, nhìn nét mặt của bệnh nhân, ta có thể xác định được những điểm đau và suy ra cơ quan nội tạng nào đó trong cơ thể đang bị yếu hay hoạt động không bình thường.
Phương pháp xoa bóp:
- Dùng lòng bàn tay xát mạnh và xoa tròn khắp bàn chân, chú ý tìm những vùng cảm ứng đau hoặc rất đau.
- Dùng đầu ngón tay cái ấn tìm chính xác những điểm đau nhưng không ấn quá mạnh và lâu vào một điểm.
- Bấm các huyệt đau này 15 - 30 giây, sau day tròn mỗi huyệt 10 vòng xuôi, 10 vòng ngược, mỗi ngày bấm 1 - 2 lần làm cho tới khi khỏi bệnh.
Có thể day bấm bằng đầu ngón tay cái (ngón tay thẳng đứng với điểm bấm) hoặc dùng đầu bút chì đầu có tẩy ấn cho êm. Riêng các huyệt ở ngón chân cần thêm động tác bóp các cạnh bên và vê tròn xoay quanh ngón chân.
Dù là bệnh gì cũng nên bấm day thêm 4 huyệt của các tuyến nội tiết là: tuyến yên, tuyến giáp, tuyến thượng thận và tuyến sinh dục để 4 tuyến này tiết ra đầy đủ các hormon rất quý, quyết định và duy trì bình ổn mọi hoạt động chức năng của cơ thể để nâng cao sức khỏe chống mệt mỏi, mất ngủ và tránh các rối loạn bất thường.
Ngoài ra không được quên kiểm tra huyệt tác động đến thận, gan, tim, lách... là những nội tạng quan trọng thường dễ bị đau yếu.
Đối chiếu các điểm đau này với hình vẽ các huyệt ở hai bàn chân có kết hợp với các triệu chứng đang xảy ra để suy đoán được cơ quan nội tạng nào có vấn đề. Nếu có bấm day nhầm huyệt cũng không sao. Xoa bóp bấm huyệt gan bàn chân thật đơn giản, an toàn, tiết kiệm mà rất hiệu nghiệm.
BS. Nguyễn Đức Lê
Nguồn: suckhoedoisong.vn

Ghi chú: Ngoài phương pháp xoa bóp bấm huyệt như hướng dẫn của BS. Nguyễn Đức Lê, quý anh chị em cũng có thể xoa bóp, bấm huyệt gan bàn chân theo cách rất đơn giản và có thể thực hiện được mọi lúc như sau: lấy ngón cái của bàn chân trái mát xa cho gan bàn chân phải và ngược lại; hoặc dùng cả 2 bàn chân mát xa trực tiếp lên chân ghế hoặc chân bàn khi mình đang làm việc. Nên mát xa toàn khắp gan bàn chân (từ mắt cá chân trở xuống lưng bàn chân và lòng bàn chân), nên mát xa thật thường xuyên vào huyệt Dũng Tuyền – một trong những huyệt đạo rất quan trọng của cơ thể. 
Việc xoa bóp, bấm huyệt gan bàn chân thường xuyên sẽ giúp cho cơ thể thải được nhiều độc tố ra ngoài, giúp cho cơ thể tiết ra nhiều hormon quý nhằm duy trì bình ổn mọi hoạt động chức năng của cơ thể và giúp cho các đường kinh mạch trong cơ thể hoạt động được tốt nhất.


Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

Chiếc bát gỗ



Chiếc bát gỗ


Có một người đàn ông già ốm yếu chuyển đến sống cùng với người con trai, con dâu và một cháu trai bốn tuổi. Ông đã quá già nên bàn tay ông run run, mắt thì mờ và những bước đi loạng choạng.
Một hôm cả nhà cùng nhau ăn bữa tối nhưng bàn tay người cha già run rẩy nên rất khó khăn trong việc ăn uống, ông đã làm rơi vãi thức ăn xuống sàn. Khi ông cố cầm lấy chiếc cốc thì sữa lại sóng sánh ra khăn trải bàn.
Người con trai và người con dâu bắt đầu trở nên khó chịu với tình trạng bừa bộn của ông. Người con trai bèn nói với vợ: “Chúng ta phải làm cái gì đó cho cha, tôi chịu đựng quá đủ những thứ như sữa tràn ra ngoài, tiếng loảng xoảng trong ăn uống và thức ăn rơi xuống sàn rồi”. Thế rồi vợ chồng người con liền để một chiếc bàn nhỏ ở góc nhà.
Vậy là từ đó người cha già ăn một mình ở chiếc bàn nhỏ trong khi cả nhà vui vẻ bên chiếc bàn lớn. Ông lại làm vỡ chiếc đĩa của mình mấy lần và người con lại chuyển cho ông sang chiếc bát gỗ để đựng thức ăn. Họ chỉ nhìn lướt qua ông rồi lại vui vẻ trò chuyện với nhau, mặc cho những giọt nước mắt ứ đọng trong đôi mắt người cha khi ông ngồi ăn một mình. Thỉnh thoảng họ lại càu nhàu khiển trách ông mỗi lần ông làm rơi thìa hay thức ăn ra ngoài. Chỉ riêng đứa con trai bốn tuổi của họ thì im lặng theo dõi tất cả.
Vào một buổi tối trước bữa ăn, người cha chú ý đứa con nhỏ của mình đang nghịch những mảnh gỗ trên sàn. Anh ta âu yếm hỏi đứa trẻ: “Con đang làm gì vậy?”. Đứa trẻ mỉm cười trả lời: “Con đang làm những chiếc bát gỗ nhỏ để cha mẹ đựng thức ăn khi sau này con lớn lên”. Câu trả lời của đứa trẻ khiến bố mẹ nó sững sờ.
Nước mắt bắt đầu lăn trên má họ. Mặc dù không có một lời nào được thốt ra nhưng họ biết họ cần phải làm gì. Bữa tối hôm đó người chồng cầm lấy bàn tay của ông cụ và dịu dàng dắt ông ra bàn ăn cùng mọi người.
Từ đó người cha già lại bắt đầu cùng ngồi ăn với con cái và đứa cháu nhỏ. Vợ chồng người con cũng không còn để ý đến những chuyện như chiếc thìa bị rơi, sữa đổ ra ngoài hay chiếc khăn trải bàn bị bẩn nữa.
Trẻ con có những cảm nhận rất ngây thơ nhưng lại đáng chú ý cho chúng ta học hỏi. Chúng quan sát bằng mắt, chúng lắng nghe bằng đôi tai và tư duy của chúng được hình thành khi tiếp nhận những thông điệp từ người lớn. Nếu chúng nhìn thấy chúng ta đang cố gắng tạo dựng một bầu không khí gia đình ấm ấp và đầy yêu thương cho những thành viên trong nhà, chúng sẽ học theo thái độ đó cho cuộc sống của chúng khi lớn lên. Các bậc cha mẹ nên biết rằng từng cử chỉ nhỏ bé thôi cũng sẽ tạo nên nhân cách tương lai của đứa trẻ.
Hãy bắt đầu xây dựng cho trẻ từ những viên gạch nhỏ của yêu thương ngay từ bây giờ, ngay ngày hôm nay và mỗi ngày đều như vậy.

Minh Anh
Theo IndianChild

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

Đây là việc tốt!


Đây là việc tốt!


Có một vị quốc vương, khi ra ngoài đi săn không may bị đứt một ngón tay, mới hỏi vị đại thần thân cận nên làm thế nào? Đại thần nói với giọng lạc quan, nhẹ nhõm: “Đây là việc tốt!”
Quốc vương nghe vậy giận lắm, trách ông hí hửng khi thấy người khác gặp nạn, vì thế ra lệnh nhốt ông vào đại lao.
Một năm sau, quốc vương lại ra ngoài đi săn, bị thổ dân bắt sống, trói vào đàn tế, chuẩn bị tế thần. Thầy phù thủy đột nhiên phát hiện quốc vương khuyết mất một ngón tay, cho rằng đây là vật tế không hoàn chỉnh, bèn thả quốc vương ra, thay vào đó viên đại thần tùy tùng làm vật hiến tế.
Trong niềm vui thoát nạn, quốc vương nghĩ tới viên đại thần vui vẻ từng nói rằng mất ngón tay là việc tốt, liền ra lệnh thả ông, và xin lỗi vì đã vô cớ bắt ông chịu nạn 1 năm trong ngục tối. Vị đại thần này vẫn lạc quan nói: “Cái họa 1 năm ngồi tù cũng là việc tốt, nếu như hạ thần không ngồi tù, thì thử nghĩ, vị đại thần theo người đi săn mà bị lên đàn hiến tế kia sẽ là ai?”
Nguồn: Vườn Thiền

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2011

“Thần dược Tiên đơn” TỊNH THỦY




“Thần dược Tiên đơn” TỊNH THỦY


Chữa trị được nhiều bệnh nan y,
Mà không hao tiền tốn của,
Thần dược Tiên đơn cứu mạng lành,
Đó là: NƯỚC LẠNH thuốc trường sanh.
Bao nhiêu chứng bệnh đều tiêu hết,
Ai muốn an vui ráng thật hành,
Nhưng uống phải theo đúng phép này:
Mỗi ngày bốn lít phải cho đầy (1 gallon).
Sáng chưa súc miệng dùng hơn lít (4 ly lớn),
Khi mới ăn rồi đừng uống nước,
Sau chừng hai tiếng uống được ngay,
Ráng giữ đúng lời phương trị bệnh,
Thì là linh diệu nhiệm mầu thay!
Chiều nhớ ăn vào đồ nhẹ dạ (thức ăn mau tiêu),
Chỉ là chút đỉnh gọi phôi phai,
Tối nên uống nước, không ăn nữa,
Chắc chắn bệnh gì cũng hết ngay (bệnh căn).
Thần dược Tiên đơn TỊNH THỦY này,
Giúp nhiều bệnh hết thật mầu thay!
Chính tôi kiểm chứng nhiều lắm vị,
Kết quả thành công phương thức nầy.
Chỉ có một điều phải nhẫn kiên,
Buổi đầu hơi khó cố năng siêng,
Lâu ngày quen thói thành ra dễ,
Chỉ có tốn công, chẳng tốn tiền.
Nhức mỏi, đau lưng, tê thấp nặng,
Ù tai, mắt kém, máu đường tăng,
Tim, gan, phổi, bướu, đau bao tử,
Mỡ máu, máu cao, viêm thận suy.
Mặt mụn, da khô, người bại nhược,
Ít ăn, mất ngủ, bệnh chi chi…
Nên theo phương pháp vừa khuyên dạy,
Kết quả toại nguyện chẳng có sai.
Uống nước lọc trong, nên cữ tuyệt:
Nước chi ngọt béo chẳng nên dùng,
Thuốc ngon bổ quý đều xa tránh,
Nam, Bắc, Tây, Đông cũng chớ dùng.
Thuốc lá, cà phê, bia rượu ngọt,
Thời gian chuyên trị cữ kiêng cho,
Khi nào lành mạnh tha hồ hưởng,
Nay phải kiên tâm giữ đúng lời.
Vì muốn mạnh lành tiêu dứt bệnh,
Nan y thế mất chẳng sầu lo,
Cách thức uống ăn sao đúng phép,
Là phương chữa trị bệnh Thần Y.
Chỉ dùng NƯỚC LẠNH tiêu muôn bệnh,
Bằng chứng nơi Sư giúp rất nhiều.

Trích: “Những bài thuốc quý trong dân gian của Hòa Thượng Thích Giác Nhiên”:
http://tongiaocaodai.blogspot.com/2011/06/nhung-bai-thuoc-quy-trong-dan-gian.html

Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011

Anh mù tự phụ


Anh mù tự phụ

 

Có một người kia sinh ra là đã bị mù. 
Sống trong một gian phòng, nhưng bởi anh không thấy gì cả, nên anh phủ nhận tất cả những gì người chung quanh quả quyết là có: “Tôi không tin, vì tôi không thấy”.
Một vị lương y đem lòng thương hại, đi tìm cho ra một thứ linh dược trên Hy Mã Lạp Sơn về trị lành bệnh, anh ta sung sướng tự phụ bảo: “Giờ đây tôi thấy được tất cả sự thật chung quanh tôi rồi!”
Nhưng, có kẻ bảo với anh ta: Bạn ôi! Bạn chỉ thấy được những vật chung quanh bạn trong căn phòng này thôi: Có là bao. Ngoài kia, người ta còn thấy được mặt trời, mắt trăng cùng các vị tinh tú hằng hà đa số. Còn biết bao vật xấu, đẹp, lộng lẫy màu sắc huy hoàng mà bạn chưa thấy.
Anh chàng không tin. “Làm gì có được những cái đó! Tôi chưa thấy những cái đó. Cái gì có thể thấy được, tôi đã thấy tất cả rồi”.
Một vị y sĩ khác bèn lên tận núi cao gặp được sơn thần chỉ cho một thứ linh dược khác đem về giúp cho anh ấy được cặp mắt sáng hơn và thấy xa hơn những vật chung quanh trong căn phòng của anh.
Bấy giờ, anh ta thấy được mặt trời, mắt trăng, các vì tinh tú trên không trung, mừng quá, và lòng tự phụ tự đắc lại tăng thêm. “Trước đây tôi không tin, nhưng bây giờ tôi thấy, tôi tin. Như thế, giờ đây không còn có gì mà tôi chẳng thấy chẳng biết. Đâu còn ai hơn tôi được nữa!”.
Nhưng, lại có một hiền giả có cặp mắt thần, bảo với anh ta: “Cậu ơi! Cậu vừa hết mù, nhưng cậu vẫn chưa biết gì cả. Tại sao quá tự phụ như thế? Cũng như khi cậu ở trong phòng và tầm con mắt cậu không vượt khỏi bốn bức tường, cậu không tin có vật gì ngoài căn phòng của cậu. Giờ đây, tầm mắt cậu vượt khỏi bốn bức tường, thấy được nhiều vật xa hơn, nhưng với chừng mực của tầm mắt và lỗ tai của cậu, cậu làm gì biết có những vật ngoài ngàn dặm mà tai mắt cậu không làm sao mà nghe thấy được. Cậu có thấy những nguyên nhân nào đã cấu tạo ra cậu khi cậu còn nằm trong bào thai của mẹ cậu chăng? Ngoài cái vũ trụ nhỏ bé mà cậu đang sống đây, còn không biết bao nhiêu vũ trụ khác vô cùng to lớn và nhiều không thể kể như cát ở sông Hằng. Tại sao cậu dám tự phụ bảo rằng: Tôi thấy cả, tôi biết cả? Cậu vẫn còn là một anh mù, cậu vẫn còn là lấy tối làm sáng lấy sáng làm tối".
Nguồn: Vườn Thiền