Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Làm thế nào để mọi việc đều diễn ra đúng kế hoạch


Làm thế nào để mọi việc đều diễn ra đúng kế hoạch

 

Bất kể những thách thức, phải làm sao duy trì cho được kế hoạch luôn đứng vững và hoạt động có lợi cho bạn, kết quả có thể sẽ là những thay đổi đáng kể của một tổ chức hay cá nhân, thậm chí là sự lột xác hoàn toàn.
Bốn ngày trước năm 2010 tôi nhận được email từ một khách hàng, Erik, cho tôi biết về những tiến triển trong việc lập kế hoạch làm việc của ông ta kể từ sau lần gặp mặt cuối cùng vào tháng 10. Lúc đó, chúng tôi đã xác định những công việc mà ông ấy cần làm - bao gồm cả việc ông ta cần lắng nghe một cách hiệu quả và nhận thức khôn ngoan hơn. Kế hoạch cũng đánh giá sự tiến bộ của ông ta - đó là những phản hồi mà ông ta nhận được từ đồng nghiệp, sự cải thiện các mối quan hệ, mở rộng tầm nhìn - và một vài mục tiêu để hướng tới.
Erik nói ông ta sẽ gọi cho tôi để đi sâu tới những chi tiết và thảo luận để cải tiến cho kế hoạch của ông ta. Tôi đã rất xúc động. Hiếm khi một khách hàng lại thông báo cho tôi về sự tiến bộ của họ một cách nhanh chóng và tự động như thế. Khi chúng tôi nói chuyện với nhau, tôi nhận xét rằng kế hoạch của ông ta đã đi đúng lịch trình: Sự mệt mỏi vào cuối năm cũng như sự gián đoạn của các kỳ nghỉ không làm ông ta đi chệch hướng. Vậy ông ta đã làm thế nào để duy trì cho nó luôn đi đúng hướng như vậy?
Ông ta trả lời rằng kế hoạch đó đã được thiết lập để hỗ trợ cho sự phát triển của ông ta, chứ không can thiệp vào công việc và cuộc sống của ông. Đó là, sự rành mạch, cụ thể với khung thời gian rõ ràng, và các mục tiêu nhỏ có thể kiểm soát được. Đơn giản, nhưng nó lại giúp ích cho ông ta. Thành công của Erik một phần nhờ vào động lực và sự tập trung, một phần nhờ vào việc ông ấy đã thiết lập cho mình một kế hoạch sống và làm việc - chứ không phải chỉ là một mảnh giấy bị ném vào trong ngăn kéo bàn làm việc.
Không phải tất cả mọi người đều siêng năng trong việc thực hiện đầy đủ theo kế hoạch như Erik, bao gồm cả bản thân tôi: Một số dự định của tôi cho năm 2010 đã đi chệch hướng và cần phải có những hành động nghiêm túc để đưa nó quay trở lại. Thực tế rằng hầu hết các dự định tốt của mọi người đều biến mất ngay khi họ quay trở lại với cuộc sống thực - hay khi họ đến công ty.
Tôi đã chứng kiến việc này rất nhiều lần khi đóng vai trò là một người huấn luyện và tư vấn. Ngay cả những đợt huấn luyện hay dự án tư vấn tốt nhất cũng chỉ là sự phí phạm thời gian nếu nó đột ngột bị phá vỡ, những kế hoạch tuyệt vời hay những chiến lược thú vị không thể trở thành hiện thực. Rất dễ để viết ra một kế hoạch làm việc, nhưng một bước quan trọng thường bị bỏ qua: đó là lường trước các mối nguy hại tiềm tàng đối với kế hoạch đó.
Trước khi để khách hàng rời khỏi phòng tư vấn của mình, tôi thường hỏi họ rằng điều gì sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch của bạn? Sử dụng một phiên bản đơn giản của cách phân tích Lewis, tôi hỏi khách hàng những nhân tố sẽ có lợi và có hại cho kế hoạch của họ. Ví dụ, một người muốn cải thiện mối quan hệ với sếp của cô ta sẽ chỉ ra các nhân tố có lợi như cách tiếp cận hợp lý, được tiếp tục công việc trong vòng hai năm, và sếp của cô ta là một người nổi tiếng kiên định. Những nhân tố có hại có thể là sếp của cô ta phải đi công tác thường xuyên (ngoài những cuộc họp thông thường), phải quản lý một nhóm lớn và tạp nham, hoặc bản thân cô ta thiếu đi sự tự tin cần thiết.
Sau đó tôi hỏi khách hàng của mình để họ có thể nghĩ ra những cách giảm thiểu những nhân tố có hại hoặc giải quyết nó. Trong ví dụ trên, cô ta có thể làm việc với sự tự tin vào bản thân, thỉnh thoảng đấu tranh cho sếp của mình, và sắp xếp lịch họp phù hợp với lịch làm việc của sếp. Trong trường hợp này cô ấy đã tăng cường những nhân tố có lợi.
Như tôi thường nói với khách hàng, chỉ những việc làm thực sự mới có thể làm mọi thứ xảy ra. Không dễ để nói về điều này - nó đòi hỏi sự chăm chỉ, chuyên tâm, kiên nhẫn, tầm nhìn, lo xa, tự tin, thực dụng, mánh lới (đôi khi), linh hoạt (thường xuyên), nghị lực và nhất quán. Duy trì sức lực và kỹ năng liên tục là rất quan trọng tuy nhiên nhiều khi bạn cũng đi chệch hướng hoặc làm hỏng một phần nhỏ của kế hoạch.
Một vấn đề nữa khi làm việc trong công ty, đó là nhìn chung những nhân tố có hại thường nhiều hơn có lợi. Bạn muốn thực hiện những thay đổi cá nhân, như là cởi mở và dễ hiểu hơn, nhưng văn hóa công sở, những thế lực và mưu mô làm cho nó khó thực hiện hơn. Hoặc công ty đang có những thay đổi khó khăn, khiến họ bỏ qua những sáng kiến mới.
Nếu bạn đang phụ trách kế hoạch làm việc cho một nhóm hoặc phải xử lý những thay đổi trên diện rộng của một công ty, hãy cố gắng đưa ra một kế hoạch thực tế: nhận thức về những điều mà bạn có thể đạt được và những điều không thể. Sau đó hãy áp dụng cùng một nguyên tắc: xác định những nhân tố có lợi và có hại, rồi đưa ra những chiến lược để giảm nhẹ hoặc đối phó với những nhân tố có hại.
Dưới đây là một vài cách để cho cá nhân, nhóm, và tổ chức có thể duy trì kế hoạch làm việc đi đúng hướng:
Cá nhân
1. Ghi chép hàng ngày để giữ cho bản thân luôn có trách nhiệm với kế hoạch. Nó có thể bao  gồm việc bạn sử dụng thời gian như thế nào, những bước nhỏ mà bạn đã đạt được, phản hồi từ những người khác, cái gì tiến triển và không tiến triển, và những thay đổi mà bạn có thể thấy. Cố gắng viết vài dòng hàng ngày và đánh giá lại bản ghi chép hàng tuần để nhận biết những dấu hiệu tiến triển hay đi xuống của kế hoạch.
2. Tìm đến một người huấn luyện, tư vấn, quản lý, hoặc bạn thân để hỗ trợ bạn trong kế hoạch làm việc. Yêu cầu sự giúp đỡ hay tư vấn để đưa kế hoạch của bạn về đúng hướng nếu nó đi sai đường. Và đừng quên nói về những thành quả để giữ vững động lực.
Nhóm
1.  Nếu bạn đang quản lý một nhóm - hoặc bạn là một phần của nhóm - hãy chia sẻ trách nhiệm đối với kế hoạch.
2. Đảm bảo rằng những điều cần chú ý trong cuộc họp đã được ghi lại và chia sẻ sau đó, bầu ra người quản lý dự án và phân công những công việc then chốt.
3. Giữ vững cho các thành viên trong nhóm luôn đúng hạn và theo đúng lịch trình các cuộc họp thường trực để cập nhật, theo dõi tiến độ.
4. Thắt chặt trách nhiệm của các cá nhân khi đánh giá.
5. Tổ chức thường xuyên những buổi gặp gỡ để nhóm có thể đánh giá tiến độ.
Tổ chức
1.  Đảm bảo rằng bạn luôn ủng hộ ở mức cao nhất cho những sáng kiến thay đổi và bổ nhiệm những người giỏi nhất.
2. Dành thời gian gặp gỡ nhóm giỏi nhất để bàn thảo về chiến lược, đánh giá tiến độ, cải tiến kế hoạch và chỉ thị những sự thay đổi khi cần thiết.
3. Nhắc nhở mọi người rằng những công việc hàng ngày không phải là không quan trọng và thiếu những sáng kiến thay đổi.
4. Đưa vào những lời tư vấn từ bên ngoài hoặc sáng kiến bên ngoài để cung cấp thêm nghị lực và các quan điểm mới khi kế hoạch đang bị đình trệ.
Duy trì kế hoạch của bạn luôn đứng vững và hoạt động miễn là nó còn có lợi cho bạn, bất kể những thách thức mà các nhân tố có hại mang lại. Phần thưởng sẽ là những thay đổi, phát triển của một tổ chức hay cá nhân, hay thậm chí là sự lột xác hoàn toàn.
Tất nhiên, đây chỉ là những suy nghĩ của cá nhân tôi - Tôi chắc rằng bạn có nhiều hiểu biết và ý tưởng thú vị về cách các cá nhân, các nhà quản lý, và các tổ chức làm thế nào để duy trì kế hoạch làm việc của họ. Kinh nghiệm của cá nhân và của tổ chức bạn là gì? Bạn có những kinh nghiệm hữu dụng nào để chia sẻ với người đọc hoặc có những câu hỏi muốn tôi giải đáp? Tôi mong muốn được lắng nghe từ bạn.
Bài viết của Gill Corkindale trên Harvard Business Publishing

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Thoát khỏi tình trạng trì hoãn trong công việc


Thoát khỏi tình trạng trì hoãn trong công việc

 

Chúng ta thường bỏ lại công việc khó giải quyết và chiếm phần lớn thời gian đẩy lùi đến tận tháng sau. Một thực tế là việc trì hoãn công việc không đồng nghĩa với việc bạn có thể bỏ qua chúng, 5 cách dưới đây sẽ giúp bạn nhanh chóng hoàn thành:
1. Xem xét một cách tổng thể, kĩ lưỡng vấn đề cần giải quyết:
Bạn đang bận bịu với việc mua nhà và một phần công việc cần đến một người chuyên nghiệp, công tư phân minh nói rõ về vấn đề của công ty và cách giải quyết chúng. Bạn có thể tìm kiếm sự giúp đỡ và tư vấn từ những người xung quanh như bạn bè thân thiết, cộng sự. Bạn sẽ phát hiện, công việc biên tập hay sắp xếp việc làm chỉ là việc thay đổi một vài chi tiết mà thôi.
2. Phân chia công việc thành từng bước cụ thể:
Nếu bạn cần tham gia một buổi diễn thuyết, đây có vẻ giống như nhiệm vụ khó khăn nhưng thực tế nó là một chuỗi các công việc nhỏ tạo thành. Bạn cần chuẩn bị một bài diễn thuyết sắc bén, đầu tiên cần lập ra khung xương cho bài soạn thảo, tìm số liệu thống kê và sự kiện mấu chốt có liên quan, viết ra bản dự thảo và tiến hành thực tập, sau đó sửa lại chỗ cần thiết, cuối cùng là trình bày trước một vài người bạn và mong nhận được sự tư vấn hay ý kiến đóng góp từ họ.
3. Dự tính thời gian cụ thể cho từng bước:
Chúng ta thường dành nhiều thời gian cho công việc mà bản thân không mấy yêu thích. Nếu bạn ghét công việc rửa bát và cho rằng mình cần bỏ ra hàng giờ đồng hồ cho công việc này nhưng cuối cùng bạn phát hiện, việc rửa bát chỉ chiếm khoảng thời gian chưa đầy 15 phút. Tương tự nếu bạn ghét những người hay buôn chuyện điện thoại, bạn cho rằng mình cần cả một ngày để gọi 5 cuộc điện thoại. Thực tế thì việc đó có thể chỉ cần đến 1 giờ đồng hồ mà thôi. Thay vì dành một tuần để hoàn thành công việc bạn chỉ mất 60 phút để xử lý chúng, điều đó chẳng phải rất tuyệt!
4. Việc đầu tiên cần nghĩ trong ngày là bạn có thể hoàn thành công việc ngày hôm đó:
Hãy hoàn thành công việc của mình trước khi bỏ thời gian và công sức để kiểm tra hòm thư hay thậm chí chào hỏi đồng nghiệp của bạn. Nếu có thể hãy biến chúng thành công việc duy nhất trong bản biểu làm việc. Thông thường nếu không thích làm một công việc nào đó chúng ta sẽ bỏ lại chúng sau 20 mục tiêu khác. Đến khi hoàn thành công việc thứ 19 trong 20, chúng ta cảm thấy mình đã làm được một số việc hữu ích nhưng thực tế đó không phải là những việc thực sự cần xử lý. Không nên tự mãn với chính mình. Nếu bạn không động tay giải quyết hãy cố gắng ép mình, bạn sẽ có kết quả như mong đợi.
5. Tự thưởng:
Trẻ con rất tự hào mỗi khi nhận được phần thưởng, tại sao bạn không tự cho mình có được điều đó? Nếu bạn hoàn thành công việc khó khăn trước thời gian qui định thì hãy dành cho mình thời gian còn lại trong ngày để thả lỏng và thư giãn. Tận hưởng thời gian nghỉ ngơi để có được cảm giác tích cực và thành tựu trong công việc, đó chính là động lực để bạn tiếp tục tạo nên thành công tiếp theo.
                                                                                                  Theo Sinomanager

Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

Giá của bông hoa


Giá của bông hoa

Mẹ tôi rất thích hoa, nhưng kinh tế gia đình không cho phép bà có thể mua hoa thường xuyên. Những ngày lễ, tết hay sinh nhật, kỷ niệm gì đó mẹ mới mua hoa, những bông hoa mà mẹ phải cất công đến chợ hoa Hồ Thị Kỷ để mua cho rẻ, mà lại là hoa mới về, tươi hơn hoa mua ở chợ nhỏ gần nhà.
Cắm xong bình hoa, mẹ thường ra vào ngắm nghía, mỗi ngày mẹ lại thay nước, tỉa bớt lá, chăm sóc cho hoa lâu tàn, bình hoa của mẹ thường để đến cả tuần, có khi tàn héo rồi mà mẹ cũng không nỡ bỏ theo cách chúng tôi hay trêu mẹ là “cho đáng đồng tiền bát gạo”.
Bỗng dưng dạo này mẹ lại hay mua hoa thường xuyên, mà lạ là những bông hoa đã có dấu hiệu sắp tàn hoặc ủ rũ vì thiếu nước, thường thì chỉ chưng được một ngày, hôm sau lại bỏ. Tôi nghĩ có lẽ mẹ tiếc tiền nên mua hoa rẻ.
Ngày chủ nhật, chở mẹ đi chợ, trong khi mẹ đi mua hàng tôi ngồi trên yên xe chờ mẹ trước cổng và nhìn ngắm lung tung. Bỗng tôi chú ý đến một thanh niên gầy gò, ăn mặc nhếch nhác, đầu tóc bù xù ôm bó hoa to ngồi gần cổng chợ. Những bông hoa mà thoạt nhìn tôi đoán đây là hoa dạt từ chợ hoa Hồ Thị Kỷ ra, chắc anh ta đã mua rất rẻ hoặc nhặt lại từ núi rác hoa chất đống bên hông chợ. Ai mà mua những đóa hoa này nhỉ? Chỉ đáng vứt đi!
Mẹ tôi từ chợ ra, trông thấy mẹ tôi, đôi mắt dài dại của người thanh niên chợt sáng lên, anh cười với mẹ như thể quen thuộc lắm, mẹ tôi đến chọn lấy một bông hoa héo úa rồi trả cho anh ta số tiền có thể mua được vài đóa hoa tươi tắn hơn nhiều ở nơi khác. Tôi chợt hiểu, mỗi ngày mẹ đã mua những đóa hoa ấy không chỉ bằng vài ngàn đồng bạc lẻ, mà mẹ đã mua với cả tấm lòng.
Nguyễn Thị Cẩm

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

Điện thoại di động gây ung thư tủy não?


ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG GÂY UNG THƯ TỦY NÃO?
Cập nhật lúc 01/06/2011 02:46:39 PM (GMT+7)

Trước đây, Tổ chức y tế thế giới từng nhiều lần khẳng định: Chưa có bằng chứng khoa học xác đáng để kết luận giữa sóng ĐTDĐ và căn bệnh ung thư có mối liên hệ với nhau. Tuy nhiên, trong thông điệp mới nhất của mình, có vẻ như WHO đã thay đổi quan điểm 180 độ.
Cho tới trước ngày thứ Ba, 31/5, các quan chức của WHO vẫn tuyên bố sử dụng điện thoại không đe dọa đến sức khỏe con người. Nhưng giờ đây, sóng do điện thoại phát ra, đúng thực là có khả năng gây ra bệnh ung thư. Cơ quan nghiên cứu Ung thư Quốc thế của WHO đã chính thức liên hệ sóng di động với nguy cơ ngày càng gia tăng của căn bệnh ung thư tủy não.
Trên thực tế, phán quyết này không hề xuất phát từ các nghiên cứu mới. Thay vào đó, một hội đồng 31 nhà khoa học đến từ 14 nước đã dành một tuần để xem xét lại các công trình nghiên cứu trước đây, trước khi đi đến kết luận nói trên. Họ đã đưa tần số điện từ trường vào trong một danh sách dài các tác nhân có thể gây ung thư, cùng với dầu dừa, DDT, chì, bột đá, dioxide và một số dạng virus của HIV, HPV. Đây là cấp độ thứ ba trong danh sách 5 cấp độ với khả năng gây ung thư khác nhau, từ thấp đến cao (cao nhất là tác nhân gây ung thư như ion hóa, tia cực tím...).
Hiệp hội công nghiệp không dây CTIA đã nhanh chóng có phản ứng trước tuyên bố mới của WHO khi khẳng định việc phân hạng này “không đồng nghĩa với việc điện thoại di động gây bệnh ung thư”. Cả FCC lẫn FDA đều vẫn bảo lưu quan điểm rằng chưa có bằng chứng để “đổ tội” lên đầu điện thoại di động.
Tuy nhiên, hầu hết giới khoa học đều nhất trí rằng chưa có phán quyết cuối cùng về việc điện thoại di động có đe dọa sức khỏe con người hay không, vì sóng di động không ion hóa, khác với sóng do phóng xạ hoặc tia X phát ra. Theo cách hiểu thông thường, thiết bị di động chỉ có thể gây hại khi nó bị quá nóng mà thôi. Đồng thời, rất ít chuyên gia dám khẳng định chắc chắn rằng sử dụng vi sóng hai chiều gần người là hoàn toàn an toàn. Suy cho cùng, bản chất con người là các sinh vật điện từ, vậy tại sao sóng điện từ lại không tác động xấu đến chúng ta cơ chứ?
Trong số các nghiên cứu mà WHO khảo sát lại lần này có một nghiên cứu cho rằng, nghe điện thoại quá 30 phút mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ bị bệnh ung thư não tới 40% trong vòng 10 năm. Một nghiên cứu hồi tháng Hai của Tạp chí Hiệp Hội Y học Mỹ cũng cho rằng sóng di động làm thay đổi bản chất hóa học của não khi làm tăng mức độ đường glucose.
Một số tổ chức nhân quyền cáo buộc ngành công nghiệp không dây đã biến 5 tỷ người dùng trên toàn thế giới thành “vật thí nghiệm”, trong số này có Devra Davis, người sáng lập Quỹ Niềm tin Sức khỏe Môi trường. Bà này cho rằng nhiều bệnh nhân của căn bệnh u não hiếm gặp đều là những người sử dụng di động hạng nặng, như Thượng nghị sĩ Ted Kennedy, người qua đời năm 2009.
Dù tin hay không, bạn cũng nên áp dụng một số quy chuẩn được cho là an toàn khi sử dụng di động được liệt kê dưới đây:
1. Không dùng điện thoại trong khi đang lái xe.
2. Sử dụng tai nghe: Bạn sẽ bị “phơi nhiễm” ít sóng hơn hẳn so với việc áp điện thoại sát tai. Một lựa chọn khác là dùng loa.
3. Tránh để điện thoại gần bụng, nhất là với phụ nữ có thai.
4. Nên nhắn tin và hạn chế gọi điện: sóng tỏa ra từ việc nhắn tin hiển nhiên là thấp hơn khi bạn gọi điện rất nhiều.
5. Tắt điện thoại khi không dùng đến: Không có cớ gì để bạn phải bật điện thoại suốt 24/7. Thay vì dùng điện thoại làm đồng hồ báo thức và đặt nó dưới gối, hãy dùng một chiếc đồng hồ chuyên dụng.
6. Luôn sạc khi cần: Điện thoại khi gần hết pin sẽ tỏa ra nhiều tín hiệu sóng hơn so với bình thường.
7. Đừng tin quảng cáo về những sản phẩm ngăn tia sóng: chưa có bằng chứng nào chứng tỏ những sản phẩm hiệu này có tác dụng và chúng còn khiến bạn chủ quan hơn với sức khỏe của mình.
Trọng Cầm (Theo PCWorld)
http://vietnamnet.vn