Thứ Bảy, 27 tháng 11, 2010

Hòn đá


Hòn đá

 

Đây là chuyện tôi nghe. Một người đàn ông thành công trên trường đời, đang trong độ tuổi sung mãn, rất hăng hái, và đương nhiên đầy tự tin với nhiều ước muốn lớn.

Một hôm ông phóng xe khá nhanh trên đường vắng. Chiếc xe hơi mới tinh là niềm hãnh diện của ông. Nó phô bày một cách cụ thể sự thành đạt của ông trước mắt mọi người.

Chợt từ bên đường có cái gì đó vụt bay ra. Ông chưa kịp định thần nhìn cho rõ thì… Một âm thanh chát chúa vang lên. Thôi rồi! Kẻ nào mới ném hòn đá vào đầu xe!

Lập tức ông giảm tốc độ và tấp xe vào vệ đường. 

Quả như ông lo sợ. Hòn đá đã làm móp, trầy xước ở đầu xe. May mà không vỡ đèn hay kính.

Nhìn quanh, ông bắt gặp ngay thủ phạm. Một chú bé con đang run rẩy, sợ hãi, nước mắt tèm lem. Ông xông tới, túm chặt kẻ phá hoại. Ông nạt nộ, quát tháo. Ông vung nắm tay lên như muốn đánh, càng làm đứa trẻ rúm ró lại. Ông hét: “Tại sao? Tại sao mày ném đá?”

Chú bé khóc nấc lên, giọng đứt quãng, lộn xộn. Nhưng rồi ông cũng hiểu ra. Chú đẩy xe lăn cho anh chú. Xe lật. Anh chú và xe cùng lộn nhào xuống cái hố thấp ven đường. Chú không đủ sức nâng cả xe và anh lên, nên không kéo được xe và người ra khỏi hố. Chú đứng rất lâu bên vệ đường, chờ có người giúp. Đường vắng, thỉnh thoảng vài chiếc xe lao vút qua. Chú vẫy tay lia lịa và cố gào to lên cầu cứu. Chẳng ai thèm dừng lại. Cuối cùng, khi thoáng thấy xe ông từ xa, chú bèn cúi xuống nhặt lấy hòn đá… 

Bao nhiêu phẫn nộ chợt tan biến. Theo chân chú bé, ông bước xuống hố nâng kẻ bị nạn dậy. Rút khăn tay ra, ông lau bụi đất và mấy chỗ xước rướm máu trên mặt nạn nhân. Rồi chú bé cùng với ông hè hụi kéo xe lăn cùng với anh chú lên mặt đường.


Câu chuyện quả thật chẳng thú vị lắm. Tuy nhiên lời bình luận của người kể chuyện khiến tôi không khỏi trầm ngâm.

Người ấy bảo rằng Thượng Đế vẫn hay thủ thỉ bên tai ta, rót khẽ vào lòng ta lời khuyên tiếng dạy. Nhưng ta thường không chú ý nghe vì ta còn đang quá mải mê với công việc của mình, nhất là khi đời ta đang lên hương, ta đang mãn nguyện với cái mà đời gọi là thành đạt.

Thế nên, trong đời này có rất nhiều người chỉ khi nào gặp một biến cố thì họ mới thấm thía mà thức tỉnh. Bấy giờ họ mới chịu lắng nghe tiếng nói của Thượng Đế. 

Họ phải đợi Thượng Đế ném cho một hòn đá…

Phú Nhuận, ngày 06-4-2010
Dũ Lan Lê Anh Dũng
Đăng tuần báo Công Giáo và Dân Tộc, số 1752, ngày 09-4-2010

Cõi vô thường


CÕI VÔ THƯỜNG

Một vị thầy tâm linh nổi tiếng đến trước cửa lâu đài của vị vua nọ.  Vì Thầy nổi tiếng rồi, nên các người lính canh không ai chặn ông lại khi ông đi vào và tiến thẳng đến trước mặt nhà vua đang ngồi trên ngai vàng.

-  Ông muốn gì?  nhà vua hỏi.

-  Tôi muốn có một chỗ để ngủ trong cái quán trọ này.  Ông ta đáp.

-  Nhưng đây không phải là quán trọ, đây là tòa lâu đài của ta.  Vua trả lời.

-  Xin hỏi bệ hạ rằng ai là sở hữu tòa lâu đài này trước bệ hạ?

-  Vua cha ta, Ngài đã chết rồi.

-  Và ai là sở hữu trước cha của bệ hạ?

-  Ông nội của ta, Ngài cũng đã chết.

-  Và cái chỗ này, nơi mà người ta sống một thời gian ngắn rồi dọn đi, như vậy thì nó không phải là quán trọ như bệ hạ nói hay sao?


--------------------------------------------------------------------
Ta quên đi rằng:  Cuộc đời là cõi vô thường, mọi vật đến và đi như một vòng luân hồi mà thôi.

 Sưu Tầm
Nguồn: Facebook truyện rất ngắn.

Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2010

Phương pháp tư duy sáu chiếc nón - Six thinking hats



Six Thinking Hats
(Tạm dịch: Lục Mạo Tư Duy hay sáu chiếc nón tư duy)


Là một k thuật được thiết kế nhằm giúp các cá thể có được nhiều cái nhìn về một đối tượng mà những cái nhìn này sẽ khác nhiều so với một người thông thường có thể thấy được. Đây là một khuôn mẫu cho sự suy nghĩ và nó có thể kết hợp thành lối suy nghĩ định hướng (lateral thinking). Trong phương pháp này thì các phán xét có giá trị sẽ có chỗ đứng riêng của nó nhưng các phê phán đó sẽ không được phép thống trị như là thường thấy lối suy nghĩ thông thường.
 
Six thinking Hats được dùng chủ yếu là để: 
- Kích thích suy nghĩ song song.
- Kích thích suy nghĩ toàn diện
.
- Tách riêng cá tính (như là bản ngã, các thành kiến …) và chất lượng
.

 Lịch sử của Phương pháp:
Đây là phát kiến cuả Tiến sĩ Edward de Bono trong năm 1980. Năm 1985 nó đã được mô tả chi tiết trong cuốn “Six Thinking Hats” của de Bono.
Phương pháp này đã được phát trin và giảng dạy ở nhiều nơi trên thế giới. Nhiều tổ chức lớn như là IBM, Federal Express, Brtish Airways, Pepsi, Polaroid, Prudential, Dupont, …cũng dùng phương pháp này. 

Cách thức tiến hành:
(Bạn nên xem thêm phần ví dụ để có một hình dung cụ thể về nó).
Dùng 6 cái nón đại diện cho 6 dạng thức của suy nghĩ. Nó đề cập đến chiều hướng suy nghĩ hơn là tên gọi. Mỗi nón có một màu (mà màu này chỉ đại diện cho duy nhất 1 dạng thức duy nhất của suy nghĩ).

Mọi người đều sẽ tham gia góp ý. Tùy theo kiểu ý kiến mà người đó sẽ đề nghị đội nón màu gì. 

Các nón không được dùng để phân loại cá nhân mặc dù hành vi hay thói quen của cá nhân đó “dường như” hay có vẻ thuộc về loại nào đó. Nó chỉ có tác dụng định hướng suy nghĩ trong khi thành viên trong nhóm cho ý kiến đội lên mà thôi.

Các đặc tính của nón màu: 

Nón trắng: trung tính - tập trung trên thông tin rút ra được, các dẫn liệu cứ liệu và những thứ cần thiết, làm sao để nhận được chúng.

Nón Đỏ: Nóng, tình cảm, cảm giác, cảm nhận, trực quan, những ý kiến không có chứng minh hay giải thích, lí lẽ.

Nón Đen: Phê phán, Bình luận, Tại sao sự kiện là sai, tất cả những cảm ý tiêu cực hay bi quan.

Nón Vàng: Tích cực, lc quan, những cái nhìn xán lạn, tìm đến những lợi ích, cái gì tốt đẹp.
 
Nón Lục: Sáng tạo, khả năng xảy ra và các giả thuyết, những ý mới.

Nón Xanh Dương: Ðiều khiển, chi phối quá trình, các bước, tổ chức lãnh đạo, suy nghĩ về các suy nghĩ hay kết luận.
 
 Sau đây là một cách tiến hành qua các bước:
Mọi người trong nhóm làm việc sẽ cùng tham gia góp ý - tùy theo tính chất của ý đó mà người đó (hay người trưởng nhóm) sẽ đề nghị đội nón màu gì.  Người trưởng nhóm sẽ lần lượt chia thời gian tập trung ý cho mỗi nón màu… Tuy nhiên, một số trường hợp đặc biệt nếu cần bất kì thành viên nào cũng có thể đề nghị góp thêm ý vào cho 1 nón màu nào đó (tuy vậy phải giữ đủ thời lượng cho mỗi nón màu).


·         Bước 1:
Nón trắng: Tất cả các ý kiến nào chỉ chứa sự thật, bằng chứng, hay dữ kiện, thông tin. Đội nón này  có nghĩa là “hãy cởi bỏ mọi thành kiến, mọi tranh cãi, cởi bỏ mọi dự định và hãy nhìn vào cơ sở dữ liệu”.

·         Bước 2:
Nón lục: Tạo ra các ý kiến làm sao để giải quyết. Các sáng tạo, các cách thức khác nhau, các kế hoạch, các sự thay đổi.

·         Bước 3:
- Đánh giá các giá trị của các ý kiến trong nón lục.
- Viết ra danh mục các lợi ích  dùng nón vàng.
Nón vàng: Tại sao vài ý kiến sẽ chạy tốt và tại sao nó mang lại lợi ích. Ở đây cũng có thể dùng về các kết quả cuả các hành động được đề xuất hay các đề án.  Nó còn dùng để tìm ra những vật hay hiệu quả có giá trị của những gì đã xảy ra.
- Viết các đánh giá, và các lưu ý trong nón đen. Đây là nón có giá trị nhất. Dùng để chỉ ra tại sao các đề nghị hay ý kiến không thích hợp (hay không hoạt động được) cùng với các dữ kiện, với kinh nghiệm sẵn có, với hệ thống đang hoạt động, hoặc với chế độ đang được theo. Nón đen lúc nào cũng phải tính đến sự hợp lí.

·         Bước 4:
Nón đỏ: Viết các phản ứng, trực giác tự nhiên và các cảm giác xuống.
Nón đỏ cho phép người suy nghĩ đặt xuống các trực cảm mà không cần bào chữa.

·         Bước 5:
Nón xanh dương: Tổng kết và kết thúc buổi làm việc.
Nón này là sự nhìn lại các bước trên hoặc là quá trình điều khiển. Nó sẽ không nhìn đến đối tượng mà là nghĩ về đối tượng  (thí dụ như ý kiến “đội cho tôi cái nón lục, tôi cảm giác rằng có thể làm được nhiều hơn về cái nón xanh này”). 

Nguồn: sachhay.com

Thứ Năm, 25 tháng 11, 2010

Tác hại của việc ăn tối muộn



Tác hại của ăn tối muộn

Ăn tối muộn có thể dẫn đến hàng loạt các bệnh như béo phì, tiểu đường, ung thư ruột kết, sỏi tiết niệu…

Ăn tối muộn hay ăn trước giờ đi ngủ đều không tốt cho sức khỏe.

1. Béo phì:
Ăn muộn khiến nồng độ của các axit amin, axit béo và đường trong máu sẽ tăng lên, từ đó thúc đẩy tăng tiết insulin.
Lúc này nếu bạn ít vận động, nhiệt năng ít tiêu hao sẽ khiến các chất béo được tích lũy và dần dần làm cho cơ thể béo lên.

2. Tăng huyết áp:
Ăn thịt nhiều không chỉ làm tăng “gánh nặng” cho dạ dày mà còn dễ gây tăng huyết áp.
Nếu ăn chất xong rồi ngủ luôn sẽ khiến sự lưu thông máu chậm lại, rất nhiều máu sẽ được “gửi vào” các thành mạch, gây xơ vữa động mạch.

3. Tiểu đường:
Ăn tối muộn cùng với ăn quá nhiều sẽ giảm lượng insulin sinh ra.
Bình thường, đường trong máu được kiểm soát bằng insulin, nó có tác dụng làm giảm đường trong máu. Khi lượng insulin không đủ sẽ gây tăng đường huyết, dẫn tới bệnh tiểu đường.

4. Sỏi tiết niệu:
Nghiên cứu y học cho thấy, ăn tối muộn là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh ở đường tiết niệu.
Canxi trong thức ăn không được hấp thụ hết trong ruột, khoảng 70-80% sẽ bị đào thải qua đường bài tiết. Ăn tối quá muộn, không vận động mà lập tức đi ngủ luôn, nước tiểu sẽ tích lũy trong bàng quang, hàm lượng canxi trong nước tiểu không ngừng tăng lên, về lâu về dài sẽ hình thành sỏi tiết niệu.

5. Ung thư ruột kết:
Sau khi ăn đêm, các hoạt động giảm khiến cơ thể khó tiêu hóa thức ăn. Khi ngủ thức ăn “bám lại” lâu dài trong ruột, thúc đẩy nguy cơ mắc ung thư ruột kết.

6. Đột tử:
Ăn muộn kết hợp với uống nhiều rượu rất dễ gây viêm tụy cấp, gây “sốc” trong giấc ngủ, dẫn đến đột tử.

7. Suy nhược thần kinh:
Ăn muộn quá no gây áp lực lên các cơ quan xung quanh. Dạ dày, ruột, gan, túi mật, tuyến tụy sẽ truyền “thông tin” đến não, khiến các tế bào não hoạt động trở lại.
Một khi “làn sóng phấn khích” lan ra các phần khác của võ não thì sẽ dẫn tới ác mộng. Tình trạng kéo dài có thể gây suy nhược thần kinh.

Do vậy, không thể lấy lý do vì công việc bận rộn mà tạo cho mình thói quen ăn sáng vội vàng, ăn trưa cẩu thả hay ăn tối quá muộn. Tốt nhất bạn nên thiết lập cho mình một chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, chú ý đến tỷ lệ hợp lý giữa 3 bữa sáng, trưa và tối (30%, 40%, 30%). Bằng cách này, bạn có thể phòng ngừa những cơn đói cồn cào đến bất chợt và có thể bảo đảm mình sẽ không ăn quá nhiều vào buổi tối.

Thúy Cao
Nguồn: Góc nhà Huệ Khải

Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Thư giản cho mắt - massage cho mắt



THƯ GIẢN CHO MẮT

Suốt cả ngày, đôi mắt bạn đã dán chặt vào màn hình máy vi tính. Không những thế, nó còn chịu sự tác động rất khó chịu của nắng, gió, bụi, khói... Để giải toả stress cho "cửa sổ tâm hồn", bạn hãy massage, đắp mặt nạ và tập thể dục cho nó. 


1. Massage mắt: 
- Nhắm mắt, dùng ba ngón tay giữa đặt lên mắt, xoay tròn nhẹ nhàng. 

- Khép mắt lại, ngón tay cái đặt ở thái dương, dùng các ngón còn lại nhấn nhẹ nhàng quanh mắt.

- Mở mắt, sau đó dùng ngón trỏ và ngón giữa đặt nhẹ nhàng lên mắt, từ từ kéo ngang sang hai bên thái dương.

2. Đắp Mặt nạ cho mắt:
Luộc chín khoai tây, giã nhuyễn, trộn với bột mì với tỷ lệ 2-2, đắp lên mắt 5- 10 phút.

3. Thể dục cho mắt:
- Mở mắt, quay nhãn cầu theo hướng lên trên, xuống dưới và nhắm lại trong 10 giây.

- Nhìn lên trên, ra phía trước, xuống dưới, ra trước. Nhắm mắt lại.

- Nhìn vào đầu mũi, sau đó nhìn vào một điểm ở xa hơn. Thực hiện 5 lần rồi nhắm mắt lại.

- Đưa ngón tay trỏ lên, cách mắt khoảng 30cm. Tiếp theo, nhìn vào một điểm ở xa hơn. Thực hiện 5 lần rồi nhắm mắt lại.

(Theo Tiếp Thị & Gia Đình)

Nguyên lý Thiên địa vạn vật nhất thể

Nguyên lý Thiên địa vạn vật nhất thể

Nhận thức về Đạo và Thượng Đế ở mục trước là yếu điểm hết sức cơ bản của nền giáo lý Đại Đạo, nêu cao tính phổ quát làm nền tảng và cứu cánh của mọi tôn giáo.

Sau khi đã trực nhận được như thế, chủ thể con người – đứng giữa Trời Đất và vạn vật – có thể phát biểu một nguyên lý khái quát hóa toàn bộ chân lý của thực tại hiện hữu trước mắt, trong đó có cả chính mình. Bởi vì từ thuở sơ khai của sự sống, sự sinh tồn của vạn vật bao giờ cũng nằm trong môi trường sống của vũ trụ, được tổng hợp từ muôn vàn yếu tố của thiên nhiên, của không thời gian diễn biến không ngừng để sanh hóa và tiến hóa. Cái lẽ sống duy nhất và vĩnh cửu của vạn vật được bao hàm trong Trời Đất chính là Bản thể của vũ trụ. Và nguyên lý nói trên chính là Nguyên lý Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể.

Nguyên lý này có thể được diễn đạt bằng các mối tương quan giữa các phạm trù "Thiên địa" – "Vạn vật"; "Thiên địa" – "Con người"; "Con người – "Vạn vật; "Con người – "Con người".


1.  Tương quan – tương đồng giữa các phạm trù thiên địa và vạn vật: 
Thiên Địa. Trong nguyên lý này, Thiên Địa (hay Trời Đất) không phải là không gian vũ trụ vật chất. Con người Đại Đạo nhìn Trời Đất như một tổng thể có sức sống vĩ đại mà giáo lý Đại Đạo có thể diễn giải bằng phạm trù Càn-Khôn. Càn, hay Thiên, là nguyên lý tác động và định hình (principe actif-formatif); Khôn, hay Địa, là nguyên lý tiếp thâu nuôi dưỡng (principe réceptrif-nutritif).

Như thế Thiên Địa là thực tại vĩnh cửu, cho dù các hành tinh hay muôn ngàn thiên thể có di chuyển, đổi thay, nổ vỡ hay biến mất.

Vạn vật. Tất cả vật chất và sinh vật là hiện thân của tiềm năng Trời Đất. Tiềm năng ấy là bản thể của Càn Khôn, cũng là bản thể của vạn vật. Giáo lý Đại Đạo dùng khái niệm LINH QUANG ám chỉ bản thể ấy trong các sở vật thực tại.


Trong phạm trù vạn vật, giáo lý Đại Đạo nhìn nhận rằng: vô số chủng loại đang hiện hữu không chỉ là những tạo vật thụ hưởng một bản thể chung, mà còn đang dự phần vào một dòng tiến hóa liên tục, trong đó, loài thô sơ là tiền thân của loài tinh tấn. Dòng tiến hóa này cuối cùng sẽ mang về cho Trời Đất những chủ thể hoàn hảo nhất, góp phần vào sự thành đạt cứu cánh chân thiện mỹ của Thiên cơ.

Vậy, Thiên Địa là bản thể, bản căn của cuộc sinh hóa, và là tồn tại vĩnh cửu của thực tại vũ trụ vạn vật, cho dù vạn vật cứ tiếp diễn vô số chu trình thành trụ hoại không. Còn bản thân sự hiện hữu của vạn vật là trường tiến hóa.

Giáo lý Đại Đạo gọi bản thể ấy là Khí, bản căn ấy là Lý để nêu lên mối tương đồng tương quan giữ thiên địa vạn vật trong cơ nguyên sinh hóa, biến hóa và tiến hóa của vũ trụ. Khí là tuyệt đối thể thuộc Vô cực; Lý là nguyên lý Am Dương của Thái Cực Đại Linh Quang.

Tóm lại, "Trời Đất" và "vạn vật" có những tương quan mật thiết từ trong nguồn gốc hóa sanh, hình thành, công dụng và tiến hóa. Tất cả, theo giáo lý Đại Đạo, đều được bao hàm trong ĐẠO:
 

"Đạo dựng nên Đất trời. Trời đất do Đạo [mà] hóa sanh vạn vật. Vạn vật cũng do Đạo [mà] tiến hóa không ngừng. Vì vậy nên trong vạn vật đều có Đất Trời, tức là có Đạo vậy. Từ loài khoáng sản đến côn trùng, thảo mộc, thú cầm, và nhơn loại đều chịu định luật chung của Đạo". [1]

2.  Tương quan - tương đồng giữa thiên địa và con người:

Vạn vật – kể cả con người – cũng có Bản thể Linh Quang đồng nhất, nhưng chỉ có con người là loài đạt thành cấu thể của một Tiểu Thiên Địa.

"Người là Tiểu Thiên Địa đó,
Người với Trời nào có khác chi;
Hễ Trời có những món gì,
Người người đều cũng đủ y như Trời."
[2]
Nói cách khác, Con Người là vũ trụ thu gọn, tức là một Tiểu Càn Khôn, một Tiểu Thái Cực.

Vậy, ngoài Bản thể Linh Quang tương đồng, Đại Thiên Địa và Con Người lại tương đồng ở cơ nguyên vận động nội tại hoàn bị nhất của một Thái Cực.
Nhưng Con Người không phải là một hệ thống vận động vô tri. Giáo lý Đại Đạo xác tín Thượng Đế, Đấng Chủ tể Càn Khôn và cũng nhìn nhận Con Người là một chủ thể, một tiểu ngã tương ứng với Đại Ngã Thái Cực Thánh Hoàng (Thượng Đế). [3]

Cái căn cơ của chủ thể Con Người là Chơn Tánh, là ánh sáng Linh Quang của sinh vật đạt đến nhân vị.


"Tánh ấy là gì? Tánh là NGUYÊN LÝ sở dĩ sanh ra nhân loại; thế nên cái Bản Nguyên về tinh thần của con người là Lý. Lý ấy rất linh diệu thiêng liêng của Trời đã phân ra mà ban cấp cho mỗi người, nên Lý ấy tức là Tánh vậy."
[4]

Như thế Thiên Địa và Con Người là hai thực thể thống nhất về bản thể, về cơ cấu, về cơ nguyên vận động nội tại và quyền năng chủ sử. Những mối tương quan nhạy bén giữa hai thực thể đó thường xuyên biểu hiện trên sinh lý lẫn tâm linh con người.

Điểm đặc biệt là khả năng cảm ứng giữa Thượng Đế và Con Người. Chính mối thông linh này là cứu cánh tiến hóa giải thoát, đồng thời là điều kiện thực hành sứ mạng THẾ THIÊN HÀNH HÓA của Con Người Đại Đạo đối với nhân sanh.
"Trời với Người cũng đồng một lý, một khí mà ra thì không cảm ứng nhau sao được."
[5]

3. Tương đồng – tương quan giữa con người và vạn vật, giữa con người và con người:


3.1. Con người và vạn vật:
Vạn vật và con người cùng nguồn gốc với vũ trụ, vì đều là những thực tại được biểu hiện ra từ Đại Bản Thể duy nhất hay Vô Cực. Đương nhiên, hai đối tượng này tương đồng về Bản thể. Nhưng điểm đặc sắc là mối tương quan chặt chẽ trong sự sống và sự tiến hóa.


3.1.1.Trong sự sống:
Con người không thể sống trong nhà kính, tách biệt với môi trường sống. Môi trường sống có sinh thái được cân bằng bởi sự sống của thế giới các sinh vật, từ thảo mộc cho đến côn trùng, chim chóc và muôn loài động vật khác.

Thứ nữa, con người phải tự nuôi sống mình bằng sản phẩm của thiên nhiên. Cơ thể con người là một tổng hợp tinh chất của vạn vật. Sự sống của con người và của vạn vật có mối tương quan tương ứng hài hòa, vừa trực tiếp vừa gián tiếp.

Tâm đức của con người trong sinh hoạt, trong đời sống xã hội có ảnh hưởng rất sâu sắc đến thiên nhiên-thời tiết, đến thế vận của chúng sanh:

 "Nếu dân chúng nơi nào vô đạo ác tâm, thì địa phương đó phải xảy ra biết bao nhiêu cảnh đảo điên tai ách, nào chiến họa binh đao, đạo tặc, thủy hỏa, hoàng trùng, ôn dịch tưng bừng óng dậy nhiễu hại dân sanh. Nếu dân chúng biết hồi đầu hướng thiện, biết trọng đạo tâm, biết làm lành lánh dữ, biết tu niệm học hành đạo lý, thì hãy vẹt khoát những gì tối tăm đang che lấp đạo tâm để được sự cứu rỗi trong kỳ mạt kiếp." [6]

3.1.2.Trong sự tiến hóa:

Mối tương quan giữa con người và vạn vật đã được xác định là hài hòa trong không gian, giáo lý Đại Đạo lại công nhận có sự chuyển tiếp liên tục giữa sự sống của vạn vật và con người qua thời gian vô tận. Đó là chu trình tiến hóa của vũ trụ vạn vật từ Bản Thể Đại Linh Quang hóa sanh khoáng sản, rồi từ khoáng sản tiến hóa lên thảo mộc, cầm thú, từ cầm thú đến con người qua vô vàn cuộc tái sinh.

Hai mối tương quan trong sự sống và trong sự tiến hóa trở thành quy luật nhất quán trong tổng thể sinh động và tiến hóa của vũ trụ theo nguyên lý Thiên Địa Vạn Vật Nhất Thể.

Trong Đại Thừa Chơn Giáo có viết:
"Người là gốc của muôn vật, muôn vật là ngọn của loài người; mà Trời Đất là gốc của loài người, người là ngọn của Trời Đất." [7]

Thế nên, vạn vật nhờ hiến thân phục vụ cho sự sinh tồn của thiên nhiên, cho loài người, đồng thời cũng được người chăm sóc nuôi dạy mà tiến hóa dần dần.
Loài người với loài vật vốn như anh em đồng một Cha chung Tạo Hóa, anh lớn khôn phải thương yêu dìu dắt em khờ dại để cùng tiến hóa mới xứng đáng "quyền huynh thế phụ".

3.2. Con người và con người:
Trong phạm trù con người, mối tương quan giữa cá thể và toàn thể càng mật thiết hơn.


3.2.1. Trên phương diện xã hội:
Từ khi mới có loài người trên địa cầu, con người không thể sống đơn độc mà phải sống trong quần thể. Chính quần thể xã hội là mô hình sinh hoạt tự nhiên để bảo tồn và phát triển cuộc sống của những cá thể đồng loại, đồng tính, và hơn nữa đồng huyết thống trong quan hệ gia tộc.


"Đã nói rằng Đạo là phương châm để cứu đời, để tạo niềm tin, để gầy dựng hạnh phúc toàn vẹn cho xã hội. Lẽ dĩ nhiên, tôn giáo đạo lý phải nhắm vào cái đại thể to tát, cái sinh hoạt rộng lớn đó là nhân sanh.
Đạo lý không chỉ trọn vẹn trong giáo điều kinh sách, mà phải tràn lan trong sự thế, trong nhựt dụng thường hành của nhơn loại. Chấp nhận điều ấy, con người học đạo, hành đạo sẽ ý thức việc tạo lập trật tự an lạc để thực hiện hạnh phúc cho nhân sanh."
[8]

3.2.2. Trên phương diện dân tộc:

Mối tương quan giữa cá thể con người và dân tộc rất đậm đà sâu sắc do quá trình lịch sử hình thành, đấu tranh để sống còn và lao động để tiến bộ và xây dựng nên nền văn minh chung của dân tộc. Nét đậm đà đặc sắc đó được tìm thấy ở lòng yêu nước dân tộc của mỗi người.

Xã hội và dân tộc thể hiện cao độ tính nhất thể của vũ trụ vạn vật với con người, đã vượt lên trên các sinh vật khác bằng lý trí và tình cảm của mình.

Đức Diêu Trì Kim Mẫu đã dạy:
"Một vùng, một nước, con ban rải tình thương, dầu kẻ kia là thú mới tiến hóa nên người, bản tánh hung hăng thô bạo, nhưng không thô bạo trước sự vỗ về ban bố tinh thần vật chất, ban bố sự sống cho nó. Bởi những đứa hưởng phúc không biết tạo thêm cảnh thiên đàng cực lạc cho chính xã hội, quốc gia mình, nên mới có cảnh khổ ngày nay đó các con." [9]

3.2.3. Trên phương diện nhân loại:
Mối tương quan giữa con người và con người không phải chỉ mật thiết do tình cảm gia tộc, tình yêu dân tộc. Và nếu chỉ có thế, con người không được xếp vào hàng tam tài và cũng không thể phát biểu nguyên lý "Thiên Địa vạn vật đồng nhất thể".
Giáo lý Đại Đạo nêu lên sự đồng nhất của mọi cá thể, của mọi dân tộc, của toàn thể nhân loại là Nhân Bản. Nhân Bản là giá trị tiến hóa nên NGƯỜI, là khả năng phản ảnh Thượng Đế tại thế gian.

Thế nên, xét theo quá trình tiến hóa, phải quý trọng quyền con người – dù là người ở trình độ nào, giai cấp nào. Xét về Nhân tính, phải có tình thương yêu đồng loại, không phân biệt màu da sắc tộc. Xét về Thượng Đế tính, phải xây dựng một thế giới hòa bình hạnh phúc tiến bộ về nhân sinh và thăng hoa cả tâm linh.
"Vạn đóa hoa thơm một cội cành,
Nào người sứ mạng biết cho chăng?
Tình non đi với tình nhơn loại,
Nghĩa nước chung nguồn nghĩa chúng sanh."
[10]




-------------------------------------------------------------------
[1] Đức Di Lạc Thiên Tôn; Trúc Lâm Thiền Điện, Ngọ thời, 02-01 Bính Ngọ (22-01-1966); Thánh Giáo Sưu Tập 1966-1967, tr.10.

[2] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 28-8 Bính Tý (13 Octobre 1936); Đại Thừa Chơn Giáo (bản in 1956), bài "Thiên bàn", tr.63.

[3] Đức Vạn Hạnh Thiền Sư; Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, 22-7 nhuần Mậu Thân (14-9-1968); Thánh Giáo Nguyên Bổn: "Nếu đứng trên phạm vi con người thì trời đất là một vũ trụ bao la. Nhưng trên cương vị một hạt vi trần thì con người quả là một vũ trụ vô lượng. Trong vũ trụ, con người quả là một hạt cát trong bãi sa mạc hoang vu, nhưng là hạt cát biết suy nghĩ.."

[4] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 16-9 Bính Tý (1936); Đại Thừa Chơn Giáo (bản in 1950), thiên 38 "Tồn tâm dưỡng tánh", tr.366.

[5] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 16-9 Bính Tý (1936); Đại Thừa Chơn Giáo (bản in 1950), thiên 38 "Tồn tâm dưỡng tánh", tr.366.

[6] Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo; Vĩnh Nguyên Tự, Ngọ thời, 27-01 Ất Mão (09-03-1975); Thánh Giáo Nguyên Bổn.

[7] Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế; 12-8 Bính Tý (1936); Đại Thừa Chơn Giáo (bản in 1950), thiên 33 "Nhơn vật tấn hóa", tr.306.

[8] Đức Lê Văn Duyệt Đại Tiên; Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tý thời, 14 rạng 15-02 Canh Tuất (21-3-1970); Thánh Giáo Sưu Tập 1970-1971, tr.26.

[9] Đức Diêu Trì Kim Mẫu; Vĩnh Nguyên Tự, Tuất thời, 11-11 Bính Thìn (31-12-1976); Thánh Giáo Nguyên Bổn.

[10] Đức Phan Thanh Giản; Trúc Lâm Thiền Điện, Ngọ thời 08-4-Tân Hợi (02-5-1971); Thánh Giáo Sưu Tập 1970-1971, tr.211.

 
Trích quyển Yếu Điểm Giáo Lý Đại Đạo
Nguồn:nhipcaugiaoly.com

Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

Hai nhà sư


Hai nhà sư

Đây là một câu chuyện nhà Thiền khá sâu sắc! 

Hai nhà sư mang theo phương trượng, pháp chỉ lên đường đi làm một việc. Một người pháp danh Liễu Không, một người pháp danh Liễu Trần. Hai người phăm phăm bước đi trên con đường dài. Trên đường có rất nhiều phong cảnh đẹp. Hai người nhìn ngắm, đều tấm tắc khen. Liễu Không sung sướng đến mức dường như không chịu nổi, nhưng đấy là hồng trần, không phải thế giới của nhà sư.
Liễu Trần là sư huynh, sư huynh thấy phong cảnh đẹp quá cũng dường như không chịu nổi. Nhà sư nghĩ thầm: "Sư đệ nhỏ tuổi hơn ta, hẳn là thèm muốn hơn ta". Liễu Trần liền bảo Liễu Không:
- Sư đệ, huynh kể cho đệ nghe một câu chuyện nhé! 


Liễu Không nói:
- Hay lắm, đệ đang phiền muộn đây!

Liễu Trần bảo:
- Câu chuyện này do sư phụ kể cho huynh nghe đấy!

Liễu Không ngước mắt nhìn sư huynh, mắt sư huynh hiền dịu và sư huynh kể:
- Có một hoà thượng ngồi thiền nhưng lạ thay hễ ông ngồi xuống vào dụng công tham thiền thì phát hiện có một con sư tử rất hung dữ đến trước mặt ông nhảy nhót. Hòa thượng muốn tránh nó nhưng làm cách nào cũng không tránh được. Càng ra sức tránh, nó nhảy càng điên cuồng. Hòa thượng vừa sợ vừa hết sức vui mừng vì sư tử là vật cưỡi của Văn Thù Bồ Tát. Văn Thù lại là hóa thân của trí tuệ! Hòa thượng nghĩ: Có lẽ do ông tu hành tốt, tu luyện đã đến trình độ nhất định nên Văn Thù Bồ Tát mới báo ngầm cho biết và hiển linh trước mặt ông. Hòa thượng kể điều phát hiện ấy cho sư phụ nghe. 


Sư phụ là vị cao tăng đã đắc đạo, nghe xong cao tăng không nói gì chỉ đưa cho hòa thượng một con dao. Hòa thượng không dám nhận, sư phụ bảo:
- Văn Thù là Bồ Tát, con vật ông cưỡi không thể là vật phàm trần, nhất định đã thành thiêng. Nếu con dùng dao này giết được sư tử thì chứng tỏ con sư tử ấy là ma biến thành; nếu giết mà nó không chết thì con sư tử ấy mới là vật cưỡi của Văn Thù. Con hãy thử xem thế nào! 


Tin lời sư phụ, hòa thượng lại ngồi thiền và con sư tử đó lại đến. Hòa thượng càng dụng công tham thiền thì con sư tử nhảy càng hăng. Thấy sư tử nhảy như quên mọi sự, hòa thượng thầm nghĩ thời cơ đã đến, liền rút dao ra đâm phập vào sư tử...". 

Kể đến đây, Liễu Trần ngừng lời hỏi sư đệ:
- Đệ thử nói lưỡi dao đó đâm vào đâu nào? 


Liễu Không đáp:
- Có lẽ đâm vào đùi hòa thượng tọa thiền. 


Liễu Trần nói:
- Đâm vào người sư tử chứ! - Tiếp đó lại hỏi Liễu Không:
- Sao đệ lại nghĩ dao đâm vào đùi hòa thượng tọa thiền? 


Liễu Không đáp:
- Theo đệ hiểu, sư tử là hư không, đùi hòa thượng mới là thật.

Liễu Trần nín lặng. Liễu Không hỏi:
- Đệ nói không đúng à? 


Liễu Trần đáp:
- Sư phụ chỉ kể đến đấy để cho huynh nghĩ. Đến bây giờ huynh vẫn chưa giác ngộ ra. 


Hai người không nói gì nữa, lẳng lặng bước đi.

Phía trước mặt hiện ra một con sông rất rộng, dễ đến ba bốn trăm thước, trông thật mênh mông, nhưng nước lại nông và chảy nhè nhẹ, cá bơi tung tăng. Một cô gái đứng trên bờ, cô chỉ chừng đôi tám, đi đôi giày thêu màu đỏ, mặc quần ống thụng màu xanh biếc, còn cái áo thì đỏ như lửa. Cô có bím tóc thật dài, ngọn tóc tinh nghịch đuổi theo gió. 

Xem ra cô gái muốn qua sông sang bờ bên kia. Bờ bên ấy có bao nhiêu là hoa, hoa đỏ, hoa vàng, hoa xanh, nhiều và đẹp hơn bờ bên này. Nhìn đôi giày của cô thì biết cô sợ nước. Giày của cô rất mới, mũi giày thêu mấy đóa hoa đào, rất tươi như đang đua nhau nở. Cô gái đành đứng trên bờ mà nhìn sang cảnh rực rỡ muôn màu ở bờ bên kia, tay vò chéo áo. 
Liễu Trần nhìn thấy thế chỉ thở dài, sau đó niệm A Di Đà Phật. Liễu Không chẳng nói gì, chỉ nhìn cô gái. 

Liễu Trần nhìn sư đệ, muốn bảo cho sư đệ nhớ mình là người xuất gia, mọi thứ trên thế gian đều hư không, cả đến đất, nước, lửa, gió làm nên thế giới cũng đều hư không. 

Nhưng Liễu Không chẳng dừng chân, đi thẳng đến trước mặt cô gái, chắp tay niệm A Di Đà Phật, sau đó cúi lưng cõng cô qua sông. Cô gái rất ngạc nhiên song cũng rất vui mừng. Cô không khách sáo nằm phục trên lưng Liễu Không. 

Liễu Không lội xuống nước. Nhìn ngọn cỏ xanh co mình lại trên bờ, cô gái biết nước lạnh như dao cắt. Liễu Không liếc nhìn nước, nước rất trong, sóng lăn tăn gợn. Cá lội tung tăng làm sóng cả nước. Liễu Không cõng cô gái lội qua sông mà đi, nước rẽ rào rào. Liễu Trần nhìn theo lưng Liễu Không, chắp tay niệm A Di Đà Phật rất thành kính, rất thành kính... 
Cuối cùng đã tới bờ bên kia, Liễu Không đặt cô gái xuống.

Cô gái nói:
- Cảm ơn sư phụ! 


Liễu Không đáp lại:
- A Di Đà Phật! 


Cô gái tưởng nhà sư còn chưa nghe rõ, nhắc lại:
- Cảm ơn sư phụ! 


Liễu Không lại niệm A Di Đà Phật rồi tiếp tục đi. Liễu Trần đi theo sau, nghĩ: "Sư đệ ơi, lục căn của đệ chưa dứt hẳn, người xuất gia làm sao còn vướng bụi trần? Chao ôi, đệ tu hành như thế thì đắc đạo sao được, thành Phật sao được?".

Liễu Không chỉ nhìn về phía trước, mải miết đi. Liễu Không đổ mồ hôi đầy đầu. Liễu Trần nghĩ: "Sư đệ, đệ chột dạ rồi phải không?". Nghĩ thế rồi Liễu Trần hỏi:
- Sư đệ, sao đổ lắm mồ hôi thế? 

- Nóng quá ! - Liễu Không đáp. 
- Ừ, nóng quá! - Liễu Trần nói. 

Liễu Không nhìn đăm đăm sư huynh. Từ ánh mắt của sư huynh, Liễu Không đã hiểu tất cả. Không biết làm thế nào, nhà sư chỉ cười. Liễu Trần hỏi:
- Sư đệ, đệ có biết vừa nãy mình đã làm gì không? 


Liễu Không đáp:
- Đệ chẳng làm gì cả.
- Đệ có làm đấy!- Liễu Trần nói.
- Đệ không làm!- Liễu không nói. 

Liễu Trần hỏi:
- Đệ quên à? 


Liễu Không đáp: 
- Đệ quên rồi.

Liễu Trần nhắc:
- Sư đệ, đệ vừa cõng một cô gái qua sông đấy thôi!

Liễu Không "à" một tiếng, nói:  
- Đúng rồi, đệ có cõng một cô gái qua sông, nhưng sang đến bờ bên này là đệ đặt cô ấy xuống rồi quên luôn, chứ không như sư huynh đến bây giờ vẫn còn cõng cô ấy. 

Liễu Trần nín lặng và hiểu vì sao sư phụ lại đặt pháp danh cho mình là Liễu Trần. Liễu Trần cũng hiểu bây giờ trên con đường xa xăm này chỉ có cách là mải miết mà đi. Cảm thấy phiền não, Liễu Trần liền niệm A Di Đà Phật. 

Liễu Không biết sư huynh đang tự độ cho mình, nhưng thực ra, bản thân làm thế nào tự độ cho mình được, trừ phi là có thuyền. 

Nhưng trên đường làm sao có thuyền đây? Chỉ có gió mà thôi. Liễu Không bật cười. Thực ra trên thế gian chỉ cần có gió là đủ. Liễu Không cũng niệm A Di Đà Phật theo sư huynh. 

Đúng lúc đó, từng cụm gió lớn nở hoa trên đường đi. Liễu Không biết đó là hoa sen, hoa sen trắng ngần, tinh khiết. 

Còn cô gái ở đằng sau họ bỗng bay lên thành một đám mây hồng.
Mẫn Phàm Lợi (Trung Quốc)
Phạm Tú Châu dịch

Thứ Hai, 22 tháng 11, 2010

Bí quyết để có trí nhớ tốt



BÍ QUYẾT ĐỂ CÓ TRÍ NHỚ TỐT 
Quốc Trương (Sưu tầm)

Trong số muôn vàn câu hỏi mà chúng ta vẫn thường đặt ra cho bản thân, dường như "Sao tôi lại không nhớ được nhỉ?" là câu xuất hiện nhiều nhất. Tại sao vậy? Chắc hẳn vì trí nhớ là một trong những vấn đề bí ẩn đối với con người.
 
Bảy bí quyết để có một trí nhớ tốt:

1- Hãy nhìn cho kỹ:
Đó là tiền đề cho một trí nhớ tốt: Bạn hãy học cách quan sát thật kỹ.
Hãy chú ý tới hình ảnh nhiều hơn trong tạp chí, sách vở và trong cuộc sống. Hãy cố nhớ tới từng chi tiết lặt vặt. Chính các chi tiết lặt vặt đó mới là quan trọng. 

2- Liên tưởng một cách có hình ảnh:

Hồi còn đi học, bạn sẽ không tìm được thấy nhanh vị trí nước Italia trên bản đồ địa lý nếu không liên tưởng hình dáng nước Italia giống như một chiếc giày ủng. Đối với những tên người như Huê, Lan, Sửu... thì dễ dàng tạo ra trong đầu bạn một hình ảnh mà bạn liên tưởng. 


3- Tập trung vào tiếng động:
Hãy nhắm mặt lại và để ý tới tiếng động. Bạn nghe thấy gì? Khi nghe bạn cảm nhận được gì? Hãy xác định nguồn gốc tiếng động đó và hình dung một cuốn phim hấp dẫn trong đầu bạn. Hãy liên tưởng tới một giọng phát thanh viên quen thuộc trên truyền hình hay trong radio. 


4- Gắn liền con người với hoàn cảnh:
Tìm cách gắn liền con người với hoàn cảnh cụ thể. Thí dụ: Ta đã nhìn thấy con người này lần đầu tiên ở đâu? Lúc ấy anh ta ǎn mặc như thế nào? 


5- Tách tên người ra thành những từ độc lập:
Nếu bạn cảm thấy cái tên khó nhớ, hãy viết nó ra và phân tích cái tên ấy làm nhiều từ rồi so sánh một cách hài hước. Thí dụ: đối với những tên Tây như Lorayne: Lỡ ra ị nè, Holzweis: Hôn xờ vai. 


6- Tăng tốc độ:
Lấy một bài báo rồi đánh dấu tất cả các chữ "b", càng nhanh càng tốt. Sau đó từ từ kiểm tra lại xem bạn đã bỏ sót mất bao nhiêu chữ. Hãy luyện bài tập này vài ngày liền rồi bạn sẽ thấy, chỉ sau một thời gian ngắn bạn đã có thể đạt được kết quả tốt. Bài tập này bạn cũng thể làm vào lúc chờ đợi. 

7- Thiết kế bộ "Số-Hình ảnh":

Thông thường người ta nhớ con số dễ dàng hơn nếu chia nó ra thành từng nhóm hai số. Hoặc là trong một con số cần nhớ vô tình giống số bạn đã thuộc như ngày sinh hay một số nhà quen thuộc nào đó. Đối với những con số dài bạn áp dụng biện pháp "Số=Hình ảnh". Có rất nhiều nhà quản lý người Mỹ đã làm việc rất tốt với hệ thống này. 


6 bài tập đơn giản giúp bạn luyện trí nhớ:

1. Chơi ô chữ và giới hạn thời gian để hoàn thành. 


2. Khởi động một ngày mới như sau: tắm mà nhắm mắt, chải răng bằng tay không thuận. 

 
3. Trong lúc đọc sách, thỉnh thoảng hãy đọc lớn lên.

4. Thỉnh thoảng thay đổi lộ trình đến văn phòng làm việc, đừng đi hoài những con đường đã quá quen. 
 
5. Tại văn phòng, sử dụng tay không thuận để làm một số việc linh tinh như bấm kim, bật máy, hoặc dùng điện thoại. 

6. Vào bữa cơm tối, trước khi ăn, hãy nhắm mắt và xác định món ăn bằng cách ngửi, nếm, và... sờ. 

Nguồn: Tổng đoàn Sao Bắc Đẩu

Chủ Nhật, 21 tháng 11, 2010

Bức tranh tuyệt vời

ĐÚNG LÀ 1 KỲ HỌA ĐÁNG XƯNG TỤNG, KẾT HỢP VỚI KỸ THUẬT ĐẾ TRÌNH BÀY TIỀU SỬ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA CÁC NHÂN VẬT LỊCH SỬ KIM CỔ, KÈM THEO PHẦN PHIÊN DỊCH TẤT CẢ CÁC NGOẠI  NGỮ GIÚP MỌI NGƯỜI TRÊN THẾ GIỚI CÓ THỂ THƯỞNG THỨC 1 CÁCH LÝ THÚ.

Bức tranh tuyệt vời! 

Đây có thể nói là một bức tranh độc đáo, vì người tạo ra nó đã tốn khá nhiều thời gian để lập trình. Qua sự sắp xếp các nhân vật nổi tiếng từ Cổ chí Kim, những người đã sống cách đây vài chục năm, vài trăm năm lại với nhau, tác giả đã hoàn thành bức tranh như một bức hình chụp. Nếu muốn thưởng thức trọn vẹn phải mất nhiều thời giờ, có khi cả ngày. 

Bức tranh có kích thước rất rộng và phải rê chuột từ phải sang trái mới thấy hết được. Muốn biết tên nhân vật nào chỉ cần chỉ mũi tên vào thì tên nhân vật đó sẽ hiện ra, và tiếp tục double click (nhấp chuột 2 lần) vào nhân vật đó thì sẽ hiện ra toàn bộ thân thế và sự nghiệp của nhân vật đó. 

Khi hiện ra thân thế sự nghiệp của nhân vật bằng tiếng Anh. Lúc hiện bảng tiếng Anh thì xin mời nhìn sang phía bên trái, mục languages và chọn ngôn ngữ của mình thì sẽ tự động chuyển. (CLICK VÔ TIẾNG VIỆT) 
Xin mời mọi người click vào đường link dưới đây để cùng thưởng thức:


(Bức tranh này được Đạo Huynh Khảm chia sẻ).