Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Tìm về nguồn an lạc thân tâm


                          
             A. DẪN NHẬP
Đạo khai mở nhằm mục đích giúp con người biết đâu là bờ giác để tìm thấy được nguồn an lạc nơi thân tâm và tránh gây thêm nhiều nghiệp quả để rồi phải chịu khổ đau luân hồi sanh tử. Tuy nhiên phần lớn trong chúng ta vẫn chưa thật sự cảm nhận được một nguồn an lạc thật sự diễn ra trong chính thân tâm của mỗi người mặc dù qua các Thánh Giáo Thánh  Ngôn, Ơn Trên đã chỉ dạy rất cụ thể, tận tường phương thức giải khổ để tìm thấy được nguồn an lạc nơi thân tâm. Chính vì vậy, qua bài viết này chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu xem nguyên nhân do đâu mà trong mỗi chúng ta vẫn chưa thể tìm thấy được nguồn an lạc thật sự nơi thân tâm của chính mình như vậy?
        B.  NỘI DUNG
      1. CHƯA THẬT SỰ CẢM NHẬN ĐƯỢC CUỘC ĐỜI  LÀ GIẢ TẠM, VÔ THƯỜNG, MỘNG ẢO. CHƯA THẤU HIỂU ĐƯỢC LUẬT NHÂN QUẢ CHÍ CÔNG VÔ TƯ CỦA TẠO HÓA
Tuy Ơn Trên đã có rất nhiều lời dạy cho biết cuộc đời là giả tạm, vô thường, mộng ảo qua các Thánh Ngôn, Thánh Giáo Cao Đài nhưng tại sao phần lớn trong số huynh tỷ đệ muội chúng ta vẫn còn nhiều khổ đau, hơn thua, bất hòa, hữu vi sắc tướng, chấp ngã, vọng cầu… Có lẽ do ngay tại chính nội tâm của mỗi người vẫn chưa thể “cảm” và “đắc” được đúng bản chất thật sự của “đời là giả tạm, vô thường, mộng ảo”, cứ ngỡ trần gian là cõi thật nên mới còn cảnh khổ đau, hơn thua, bất hòa, giận hờn, khoe khoang, tự cao tự đại, chấp ngã, phô trương sắc tướng bề ngoài, tranh dành quyền lực, tham lam tiền tài danh vọng…
Chúng ta hãy cùng nhau chiêm nghiệm qua một số sự kiện sau đây để giúp cho mỗi người dần dần “cảm” và “đắc” được bản chất thật sự của sự “giả tạm, vô thường, mộng ảo của cuộc đời”, từ đó sẽ giúp chúng ta bớt khổ đau, bất hòa, hơn thua, giận hờn, khoe khoang, tự cao tự đại, chấp ngã, phô trương sắc tướng bề ngoài, tranh dành quyền lực, tham lam tiền tài danh vọng…
ĐỜI LÀ GIẢ TẠM:
-  Danh vọng, địa vị rồi đây sẽ phai dần theo năm tháng. Chúng ta thử nêu ra một thí dụ thực tế để cùng chiêm nghiệm về vấn đề này như sau: có một người nọ khi còn sanh tiền rất nỗi tiếng về tài năng là học cao hiểu rộng, thông thạo nhiều điều. Người ấy  luôn thể hiện cái tài trí của mình cho mọi người biết đến với mong ước nhận được lời khen ngợi từ mọi người là lấy làm hãnh diện, đắc ý thỏa mãn được bản ngã tư tâm của mình. Nhưng vì nghiệp quả phải trả nên người ấy đã phải lìa trần quá sớm. Rất có thể lúc ban đầu chúng ta sẽ thấy có rất nhiều người tiếc thương, tham dự lễ điếu tang thật là đông đúc. Nào là điếu văn vô cùng cảm động, nào là nhiều lẵng hoa chia buồn thật hoành tráng làm cho cả gia đình, dòng tộc của người ấy cảm thấy rất tự hào và hãnh diện…Nhưng khoảng một thời gian ngắn ngủi một vài năm sau thì hình ảnh người ấy sẽ dần dần bị lãng quên trong tâm trí của hầu hết mọi người. Bởi lẽ theo thời gian, khi trở về với đời sống thường nhật thì ai ai cũng phải lo xoay vần với cơm, áo, gạo, tiền và chịu bao áp lực khác do cuộc sống mang lại nên không còn tâm trí và thời giờ để có thể lúc nào cũng tưởng nhớ, tiếc thương đến người ấy nữa. Thậm chí khi đến ngày đám giỗ hàng năm, nếu không được mời hoặc nhắc nhớ thì ngay cả những người bạn thân nhất cũng có thể không còn nhớ đến để về thắp nén hương tưởng niệm. Và, một khi đã cảm nhận được điều này thì mỗi người chúng ta hãy đừng quá quan trọng hóa bản thân mình, đừng nghĩ rằng hễ làm việc gì thì cũng phải có bàn tay, trí óc của mình tham gia vào thì mới thành công, mới không bị thất bại mà hãy xem mình là một hạt cát thật nhỏ bé so với sa mạc mênh mông. Không có mình thì cũng không làm ảnh hưởng gì được đến “hòa bình” thế giới cả. Nếu giả sử như hôm nay mình bất ngờ đột nhiên biến mất trên cõi thế gian này thì mọi thứ vẫn cứ tiếp diễn, cuộc sống vẫn cứ tiếp tục chạy theo “dòng chảy” vốn có của nó chứ không phải vì không có mình mà mọi thứ đều phải ngưng trệ theo. Ngay cả một vị tổng thống của một nước lớn (có tầm ảnh hưởng đặc biệt đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới) bất ngờ đột tử thì cũng không có nghĩa là đất nước đó và các quốc gia phụ thuộc khác sẽ bị sụp đổ theo vị tổng thống đó mà sẽ luôn có một vị khác đứng ra thay thế để tiếp tục sự nghiệp lãnh đạo đất nước.
-  Khi chết không mang theo được bất cứ một món tài sản vật chất hữu hình nào. Nào là địa vị, danh vọng, vợ đẹp, con khôn, nhà cao, cửa rộng, ruộng đất cò bay thẳng cánh… tất cả những gì của đất rốt rồi cũng phải trả về cho đất! Ngay cả tấm thân tứ đại mà mình đang sở hữu cuối cùng rồi cũng phải trả về cho tứ đại mà thôi.
Chính vì điều này mà Đức Quan Thế Âm Bồ Tát đã có dạy:
“Nhưng xét lại mà đau lòng vậy,
Kiếp phù sanh có mấy mươi năm;
Sanh, lão, bệnh, tử khôn tầm,
Mà cứ lẽo đẽo quanh năm đón rình.
Khi bỏ xác, hồn linh rời thế,
Muôn việc đều phải để lại trần;
Đối cùng chỉ có bản thân,
Mà không giữ đặng ở trần bền lâu.
Kế nữa là ruộng trâu giàu có,
Đất cò bay thẳng ngõ đó đây;
Bạc vàng châu báu riêng tây,
Cửa nhà con vợ gia tài muôn kho.
Đành phải chịu nằm co bỏ cả,
Mặc cho đời ruồng sả tính toan;
Chỉ còn một nắm xương tàn,
Le the ngọn cỏ mồ hoang lấp vùi. (1)
Thật vậy, chúng ta cùng chiêm nghiệm câu chuyện sau đây để thấy được khi chết chúng ta không thể mang theo được bất cứ điều gì từ chức phẩm cho đến tiền tài, danh vọng…: Bà Dianne Perry, sinh trưởng tại Anh quốc (người mà sau này trở thành Nữ tu Phật giáo nổi tiếng thế giới, người đã trải qua 12 năm tu khổ hạnh nơi rặng tuyết sơn của Hymalaya), lúc mới 12 tuổi đã có lần bà nhìn thấy một người vô gia cư chết bên gầm cầu. Cảnh sát lục lọi cái xách rách nát của người chết ấy chỉ thấy một cái bát một cái muỗng và vài đồng xu. Hôm đó trở về nhà, tuy nhỏ tuổi mà cô bé Diane Perry đã hỏi mẹ một câu đầy vẻ triết lý: “Mẹ ơi! Tại sao người ta chết đi không đem theo được gì cả? Hôm qua con thấy một người chết bên gầm cầu, người ấy rất nghèo, chỉ có cái bát, cái muỗng và mấy đồng xu. Chỉ chừng ấy thôi mà khi chết người ấy vẫn để lại không mang theo sao?
Bà mẹ của Diane ngạc nhiên vì câu hỏi lạ lùng ấy và đã trả lời con: “Không con à! Khi chết không ai đem theo được bất cứ cái gì. Dù Vua chúa, người giàu sang hay kẻ nghèo hèn, một khi đã chết thì không đem theo của cải vật chất nào cả.”
Qua câu chuyện trên ta thấy rõ ràng trong thực tế có vô số người giàu sang sống trên của cải nhung lụa nhưng khi họ chết đi, hai tay buông xuôi thì họ trở thành tay trắng vì không mang theo được dù một chút của cải vật chất nào. (Cái gì của đất rốt rồi cũng phải trả về cho đất). Sự kiện thực tế ấy từ lúc con người xuất hiện trên quả đất cho đến nay đều thấy rõ không ai có thể chối cải được.
Ấy vậy mà từ xưa tới nay đã có biết bao người quyết chí làm giàu, lúc nào cũng mong tiền bạc đến với mình không dứt.  Họ chỉ có biết sống vì tiền, vui thú vì lo gom góp tiền bạc vào cho đầy túi tham không đáy của mình mà bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được tham vọng của mình để rồi vô tình gieo tạo biết bao nghiệp quả mà không biết đến khi nào mới trả xong. Đến khi nhắm mắt xuôi tay thì tất cả tiền bạc của cải ấy đều phải để lại thế gian còn họ thì nằm co ro dưới lòng đất lạnh. Nếu có ai đó còn tiếc của, tiếc nuối sự nghiệp vẻ vang một thời của mình mà trước khi chết đã dặn dò người thân đem tất cả tài sản ngọc ngà châu báu, áo mão cân đai chôn theo bên mình nhưng khi chúng ta xét kỹ lại thì bản chất thật sự những món tài sản đó vẫn đang nằm im trong lòng đất lạnh chứ có ai mang đi được món gì đâu!
Và vì chưa thấy được cái giả tạm của cuộc đời nên khi xem các bộ phim kiếm hiệp nhiều lúc chúng ta thật sự không khỏi xót xa khi thấy ai cũng xem đời là cõi thật, ai cũng muốn xưng hùng xưng bá một phương với danh vọng ảo huyền, oan oan tương báo cứ mãi đeo đai không bao giờ ngưng dứt; Trong các triều đại vua chúa ngày xưa, vì tranh dành quyền lực và để nhận được sự sủng ái từ nhà vua mà các cung tần mỹ nữ đã không chừa bất kỳ một thủ đoạn nào để rồi phải gây tạo biết bao tội lỗi mà không biết đến kiếp nào mới có thể  trả xong;Trong thời đại ngày nay, chỉ vì miếng đỉnh chung, mồi danh lợi mà con người lạitán tận lương tâm, tàn độc sát hại lẫn nhau, đổi trắng thay đen mà không còn biết đâu là nhân nghĩa, phải trái!
Chính vì lẽ đó mà trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, phần  thi văn dạy Đạo, Thầy cũng đã từng để lời khuyên dạy:
“Giựt giành rốt cuộc cũng tay không,
Nhân quả đeo mang tội chất đồng;
Ví biết phép công cơ thưởng phạt,
Ðường tu sớm bước chí thong dong.”
“Tham chi sự thế lắm đua tranh,
Cái miếng đỉnh chung xúm giựt giành;
Bỏ hết trong cơn mê một giấc,
Trăm năm ngắn ngủi nhớ làm lành.”
“Cần lo học Ðạo chí đừng lơi,
Phú quí sương tan lố bóng Trời;
Lợi lộc xôn xao rồi một kiếp,
Nghĩa nhơn tích trữ để muôn đời.”
THẤU HIỂU ĐƯỢC LUẬT NHÂN QUẢ RẤT CÔNG BẰNG CỦA TẠO HÓA VÀ LẼ VÔ THƯỜNG CỦA CUỘC SỐNG:
Chúng ta biết rằng, mọi vật chất nơi cõi nhị nguyên này luôn biến đổi theo quy luật thành trụ hoại không, không có gì trường tồn mãi mãi. Hễ hữu hình là hữu hoại! Con người sống trên cõi thế gian này luôn phải chứng kiến biết bao lẽ vô thường của cuộc sống như hoa nở rồi tàn, trăng tròn lại khuyết, hết đục rồi trong, hết vơi lại đầy, hết tụ rồi tan, dinh hư tiêu trưởng, âm cực dương sanh, bỉ cực thái lai, sống nay chết mai… Ngày hôm trước mới thấy một ai đó đang cười nói vui vẻ nhưng qua ngày hôm sau bổng nhiên bất ngờ bị đột tử. Và còn rất nhiều rủi ro khác như  bệnh tật nan y, tai nạn… luôn rình rập không chừa bất kỳ một ai và với bất kỳ lúc nào. Ví như có một người thanh niên nọ đang có một cuộc sống vô cùng hạnh phúc trong một gia đình với vợ đẹp, con ngoan, nhà cao, cửa rộng, địa vị cao sang… nhưng vào một ngày bất hạnh nào đó cả vợ và con anh ta bị tai nạn giao thông khiến cả hai phải vĩnh viễn không còn gặp lại anh nữa và bao nhiêu tài sản anh đã cố công gầy dựng bấy lâu bổng nhiên bị rủi ro mất hết. Nếu không tin luật nhân quả, không thấu hiểu được lẽ vô thường của cuộc sống ắt hẳn chúng ta sẽ dễ dàng hình dung được tâm trạng của người thanh niên ấy sẽ bị khủng hoảng nghiêm trọng và đau khổ đến dường nào! Nếu như không kiểm soát được thân tâm thì rất có thể người thanh niên đó sẽ bị kích động tinh thần rất nặng nề dẫn đến bị bệnh tâm thần, thậm chí phát khởi suy nghĩ hoặc có hành vi tự tử. Chúng ta biết rằng tất cả những việc xảy ra không như ý đều phát sinh từ nhân quả. Có thể trong kiếp này, người thanh niên ấy chưa làm một việc gì ác, nhưng ai dám chắc rằng đời trước, rồi đời trước nữa, anh ấy đã không làm điều gì trái đạo lý?
Do vậy, nếu chúng ta thấu hiểu được luật nhân quả thì mỗi khi gặp chuyện đau buồn dù có phủ phàng đến đâu đi chăng nữa xảy đến, chúng ta hãy nghĩ rằng đó là cái quả mà mình phải nhận lãnh do nhân xấu gieo trồng từ nhiều kiếp trước. Một khi đã nghĩ  được như vậy chúng ta sẽ vui vẻ đón nhận và bớt khổ đau, than vãn hay oán trách bất cứ điều gì.
Đức Di Lạc Thiên Tôn có dạy về luật nhân quả như sau:
“Sự họa phúc may rủi tốt xấu đến với mọi người là do căn nguyên tội phúc của mỗi người mà thị hiện. Do đó lời Thiêng Liêng thường dạy mỗi người ráng lo tu, cải ác tùng thiện. Thiện nhiều được phước, gặp sự an lành, còn ngược lại cải thiện tùng ác, ác sanh gây điều tội lỗi thất đức thì tai họa rủi ro sẽ đến với mình không sớm thì chầy.
Luật nhân quả không sai một mảy,
Gieo giống nào giống ấy sẽ lên.” (2)
Khi nói về lẽ vô thường của cuộc sống, Thầy có dạy: “Sắc tức thị Không.  Ở thế gian hữu hình vật chất này, không bao lâu nó tan ra gió bụi. Các con có hình trạng, mắt thấy, tai nghe là giả, mộng ảo.  Các vật sống trên thế giới không bao giờ bền bỉ, có đó rồi nó lại hóa ra không.  Sự có, không ấy nó dễ dàng mau lẹ như bọt nước trôi sông, như sương đeo ngọn cỏ.” (3)
Đức Đông Phương Chưởng Quản cũng có dạy:
“Khi học hiểu hết một đôi phần về đạo lý, từ vũ trụ quan đến nhân sinh quan, được một vài yến sáng rọi trong tâm hồn, thấy được cõi đời đây là giả tạm. Một kiếp làm người tuy nói rằng ước định là trăm năm, nhưng trong chuỗi đời ba vạn sáu ngàn ngày là mấy ai tròn hưởng. Tấm thân tứ đại quanh năm ngày tháng mãi quay cuồng trong chỗ lo nghĩ buồn vui cùng sướng khổ. Nhưng hỏi lại có mấy ai được trong cảnh buồn ít vui nhiều, quẩn quẩn quanh quanh trong chỗ đủ thiếu phải chăng giàu nghèo. Bảy tám mươi cũng gọi một đời mà năm ba tuổi cũng cho là một kiếp, lẽ vô thường nào đâu có hẹn với con người sự dài vắn rủi may.” (4)
Đức Mẹ cũng đã diễn tả tính chất vô thường của kiếp người thật là thê lương ảm đạm:
“Đời con có những gì đâu tá?
Mãi quẩn quanh trong bả lợi danh;
Thị phi, đắc thất bại thành,
Hơn thua, vinh nhục, dữ lành buồn vui.
Kẻ mộc mạc tới lui bất cập,
Người khôn ngoan sẽ vấp sảy chơn;
Rốt cùng nào có gì hơn,
Sống ăn mặc ở cũng trần thế gian.
Khi đắc thế huênh hoang hống hách;
Lúc thất thời nhân cách thảm thương;
Chợt nhìn mái tóc điểm sương,
Rồi mồ cỏ lạnh nắm xương rũ tàn.
 (5)
Và Đức Quan Thế Âm Bồ Tát cũng có dạy sự giả tạm vô thường của cuộc đời như sau:
“Một kiếp sống ở yên trần thế,
Hỏi mấy ai bách tuế thiên niên?
Sống trong cõi tạm triền miên,
Tạm ăn, tạm ở, tạm duyên nợ đời.
Tạm thân xác ba hơi còn thở,
Tạm cha con chồng vợ chị anh;
Tạm trong cái bại, cái thành,
Cái quyền, cái chức, cái danh, bạc tiền.
Tạm kêu gọi rằng tên I, X,
Có ai tường tên thiệt mình chăng?
Sống trong vũ trụ trần hoàn,
Kiếp người hột cát so hàng cồn to.
Mãi lặn hụp trong lò luân chuyển,
Một kiếp người tai biến biết bao;
Hỏi coi những hạng sang giàu,
Xe hơi, tàu lớn, nhà lầu, của kho.
Hỏi ai được khỏi lo, khỏi sợ?
Hỏi ai không mang nợ trần gian?
Hỏi ai có được thập toàn?
Hay là cũng cảnh rộn ràng bối bê?
Cảnh ghen tức phu thê nem chả,
Cảnh bạc bài gây họa gia cang;
Cảnh bán chức, cảnh mua quan,
Cảnh đương nghèo túng giàu sang tức thì.
Người tu niệm xét suy cho kỹ,
Một kiếp người bền bỉ bao năm?
Quả công tua sớm nên làm,
Đó là vốn liếng muôn năm cõi Trời.” (6)
 ĐỜI LÀ ẢO MỘNG PHÙ DU:
Chúng ta hãy cùng nhau ôn lại tích Giấc mộng Huỳnh lương (giấc mộng kê vàng, giấc mộng nam kha) để thấy rõ được cuộc đời là mộng ảo phù du. Giấc mộng kê vàng là giấc mộng trong đó có thăng trầm, thay đổi của một đời người xảy ra trong thời gian nấu chưa chín một nồi  kê: Đời Đường có thư sinh họ Lữ thi hỏng. Trên đường về, mệt nhọc và buồn bã chàng ghé vào một quán cơm bên đường. Một đạo sĩ trong quán nhường cái gối của mình cho Lữ Sinh gối đầu nằm nghỉ trong khi chủ quán bắt đầu nấu một nồi kê cho khách. Vì mệt mỏi nên họ Lữ nằm một lúc thì chìm vào giấc ngủ thật sâu. Chàng mơ thấy mình đã thi đỗ, được quan chức cao, lại được nhà vua  gả công chúa, phong cho chàng làm phò mã và cho đi trấn nhậm một nơi. Thật là vinh quang phú quý, không ai bằng. Nhưng khi đi đến nửa đường thì bỗng gặp quân giặc kéo đến đánh. Lữ chống cự không lại. Lính hộ vệ bị giết. Xe kiệu bị đập phá tan tành. Chúng thộp cổ cả vợ chồng Lữ, đưa gươm kề họng. Lữ hoảng hốt, kêu lên một tiếng, giật mình thức dậy mới biết là chiêm bao, thấy nồi kê của ông chủ quán vẫn chưa chín. Thời gian trong giấc mộng là hai mươi mấy năm. Thời gian thật của sự sống là chưa chín một nồi kê! Lữ Sinh bàng hoàng tự hỏi: “Việc đó là chuyện mộng ư?” Đạo sĩ cười: “Việc đời thì cũng như mộng vậy thôi!”.
Ngài Nguyễn Công Trứ cũng đã nhắc lại tích trên qua bài Vịnh Nhân Sinh Quan như sau:
“ … Ôi nhân sinh là thế ấy,
Như bóng đèn, như mây nổi,
Như gió thổi,
Như chiêm bao.
Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào?
Vừa tỉnh giấc nồi kê chưa chín . . .”
Đức Mẹ cũng đã có lần nhắc lại tích giấc mộng kê vàng như sau:
“Tạm trong cõi phù du tiến hóa,
Mượn áo đời mà trả trái oan;
Có chi bền vững mà màng,
Con lo vẹn phận lên đường về quê.
Giấc mộng đời nồi kê chưa chín,
Hỏi tuổi đời con tính bao nhiêu;
Lo mơi rồi lại lo chiều,
Sống ăn, mặc ở trăm điều khổ tâm.
Đó phương tiện con làm sự sống,
Thì thôi đừng tham vọng con ơi!
No cơm ấm áo đủ rồi,
Công phu, công quả trau dồi hồn linh.” (7)
Và  Đức Lý Đại Tiên cũng có dạy:
“Trên gối điệp chiêm bao mơ tỉnh,
Gắng thành tâm vui thính lời Ta;
Thế gian đâu phải là nhà,
Không tu một kiếp khổ mà ngàn thu.
………………………………
Mê giấc hòe lấp chôn thân thể,
Nợ mình gây chứa để dập dồn;
Làm cho xiêu lạc linh hồn,
Mất phần chơn tánh bảo tồn chi đâu.
Biển ái hà, càng sâu, càng thẳm,
Bớ đời ôi!!! Chớ ngắm mà lầm;
Chôn người mất trí mất tâm,
Mất luôn tam bửu khó tầm linh căn.” (8)
 2. TẬP RÈN ĐỂ DẦN DẦN ĐẠT ĐƯỢC “THỊ CHI BẤT KIẾN, THÍNH CHI BẤT VĂN”:
Thấy cũng như không thấy, nghe cũng như không nghe! Làm thế nào mà để giữ cho tâm mình có thể không phát sinh bất cứ một “vọng tưởng” nào đối với những điều xảy ra ngay trước mắt và những điều nghe thấy bên tai! Làm sao để đạt được “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”?, “Cư trần mà bất nhiễm trần” được đây?
Thật là vô cùng khó khăn mới có thể làm được điều đó! Tuy khó nhưng không có nghĩa là chúng ta sẽ không làm được. Một khi đã nhận thức được cõi đời là vô thường giả tạm, ngoại cảnh đang diễn ra trước mắt và xung quanh chúng ta chỉ là ảo ảnh phù du, tất cả chỉ là pháp giới, là phương tiện, là môi trường thử thách để giúp chúng ta tôi luyện trong hành trình tiến hóa trở về hòa cùng với khối Đại Linh Quang. Một khi đã nhận thức được như vậy sẽ dần dần giúp chúng ta tập rèn được “thị chi bất kiến, thính chi bất văn”. Và đến khi đã thực hiện được “thị chi bất kiến, thính chi bất văn” thì tâm chúng ta lúc nào cũng đạt được trạng thái an nhiên tự tại thật sự: khi được cũng không quá vui mừng mà khi mất thì cũng không có gì làm mình phải quá đau buồn, tiếc nuối.
3. HỌC HẠNH KHIÊM CUNG, GIẢM DẦN BẢN NGÃ TƯ TÂM, PHÁ CHẦP:
Có thực hiện được hạnh khiêm cung chúng ta mới tôn trọng tất cả mọi người, giảm dần được bản ngã tư tâm. Có giảm được bản ngã tư tâm thì chúng ta mới dễ dàng tha thứ, phá chấp, giảm bớt sự hơn thua, sân hận, tự ái và không còn tự cao tự đại khoe mình rồi lại chê bai người. Dầu cho có tài trí hơn người thì chúng ta cũng không nên lòe loẹt, khoe khoang danh của mình cho mọi người biết để thỏa mãn cái ta ngã mạn của mình. Khi làm được điều đó sẽ giúp chúng ta dễ dàng tìm thấy nguồn an lạc nơi thân tâm.
Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Thầy có dạy:
“Người hiền đức không cần danh vọng,
Làm thì ưa công cọng hiệp hòa;
Kính người quên phức đến ta,
Tự nhiên thanh tịnh giọng tà bất sanh.
………………………………………………
Nên hạ mình chìu lòn chúng bạn,
Ðức hạnh tròn chói sáng mọi nơi;
Khuyên con con biết nghe lời,
Dạy con con biết tùy thời chấp trung.
………………………………………………
Người hiền chẳng khoe khoang tự đắc,
Lo cho người tai mắt ích chung;
Gìn tâm chẳng để buông lung,
Cúi lòn nhẫn nhịn dây dùng dứt coi.
………………………………………………
Không chịu lãnh những phần khen ngợi,
Không chịu làm tư lợi tổn nhơn;
Không oán để tiếng khinh lờn,
Ham làm Ðạo đức nghĩa nhơn gọi là.” (9)
Phân tích đến đây, chắc hẳn rằng trong mỗi chúng ta đều đã phần nào nhận thấy được cuộc đời là giả tạm, vô thường, ảo mộng nhưng vì sao trên thực tế trong cửa đạo vẫn còn đâu đó những hình ảnh, những sự kiện, những tấm gương sống đạo lại chưa thật sự thấm nhuần được điều này, cứ ngỡ trần gian là cõi thật để rồi có những suy nghĩ, lời nói và hành vi trái đạo lý làm cản trở sự tiến hóa chung cho nhơn sanh cũng như cho cơ đạo, vô tình gây tạo biết bao nghiệp quả mà mình không hề hay biết. Chúng ta hãy cùng điểm lại một vài sự kiện để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm tu tiến cho chính bản thân mỗi người:
- Thí dụ, có một người đạo hữu nọ đang mong cầu được lên một phẩm vị cao nào đó để được nhiều người biết đến, được kẻ thưa người trình… Tuy nhiên khi ra tranh cử, người đạo hữu ấy lại không đủ phiếu tín nhiệm của nhơn sanh. Vì chưa cảm nhận được cái giả tạm, vô thường, mộng ảo của cuộc đời nên bản ngã tư tâm của vị ấy đã trỗi dậy lòng tự ái cá nhân thật mạnh mẽ, tỏ thái độ bất hợp tác thậm chí có những hành động, lời nói mang tính khiêu khích, chống đối, phá hoại hơn là mang tinh thần xây dựng, phát triển. Người xưa thường nói: “Hai hổ không thể sống chung một rừng”, hễ có X thì không thể có Y và ngược lại. Trên thực tế cũng đã từng xảy ra trường hợp khi một vị đạo hữu X thắng cử một phẩm vị nào đó thì vô hình trung đưa vị đạo hữu Y vào thế bất hòa, lòng tự ái bổng chốc trổi dậy thật mạnh mẽ, không thể nhẫn nhịn để cùng nhau cộng tác gánh vát đạo sự chung để rồi cuối cùng phải tự  tách rời khỏi tập thể về nhà tu ẩn. Chi bằng vị đạo hữu Y nên có nhận thức thoáng hơn, sở dĩ mình không được nhơn sanh tín nhiệm có lẽ do tài đức của mình còn chưa đủ bằng vị đạo hữu kia, mình nên vui vẻ và cố gắng ngày càng hoàn thiện bản thân mình hơn để nhận được sự tin tưởng của nhơn sanh trong tương lai. Hơn nữa một khi đã thấu hiểu được cuộc đời là giả tạm, vô thường, mộng ảo thì tất cả từ các phẩm vị, nhiệm vụ, vị trí… của từng người cho đến cơ sở vật chất như Thánh thất, Thánh tịnh, Hội Thánh… cũng chỉ là hình thức, là phương tiện, là pháp giới, là môi trường tôi luyện nhằm giúp cho mỗi người có cơ hội cùng nhau tu học lập công trên công cuộc tiến hóa chung mà Thượng Đế đã an bài, sắp đặt ra tại nơi cõi thế gian này mà thôi (Đạo khởi đầu từ chỗ hữu hình rồi sẽ dần đi đến chỗ vô vi).
Mặc khác, người đạo hữu Y hãy xem như mình đang tham gia diễn những vai tuồng trong suốt kiếp làm người của mình. Nếu như tại thời điểm hiện tại mình không may mắn được “vị đạo diễn nhơn sanh” giao cho đóng “kép chính” thì  cũng nên chấp nhận thực tại, vui vẻ, hòa ái, yêu thương lẫn nhau mà làm tròn bổn phận và trách nhiệm với vai trò “kép phụ” nào đó được nhơn sanh giao phó, đừng vì cái ta chấp ngã quá to lớn của mình mà chối từ những đạo sự mà mình chủ quan cho là quá nhỏ bé, nhận thấy chức phẩm quá thấp không được ai biết đến nên mình không chịu nhận lãnh.
Chính vì thấu hiểu được điều này mà Đức Mẹ cũng đã từng để lời khuyên dạy: “Hỡi các con! Có phải các con đặt mình vào cửa Đạo, mong lập công bồi đức một kiếp nầy, chỉ một kiếp nầy thôi để trở về hiệp nhứt cùng Thầy Mẹ chăng? Mẹ trả lời thế các con rằng “Phải”, rằng “Đúng”. Nhưng các con tự vấn cõi lòng, coi có thực hành công đức để xứng với nguyện vọng ấy chưa, hay chỉ mới sử dụng những ngày giờ nhàn rỗi thừa thãi, cùng hơi ráng một ít, vì một động lực thúc đẩy, vì một tự ái hoặc vì một danh hão, để chen mình làm những việc đạo nghĩa nhứt thời nào đó. Các con ôi! Một kiếp người chỉ lối năm bảy mươi năm. Khoảng thời gian nầy, những con người đó cố gắng giải trừ nghiệp cũ. Đó là hạng giác ngộ, không gây nghiệp mới, nhưng vô tình hay hữu ý, nghiệp cũ đã chưa mòn, nghiệp mới lại gây thêm! Các con có muốn chỉ giữ bực tầm thường là hiền nhân một kiếp nầy, để kiếp lai sanh hưởng muôn điều vinh hoa phú quý? Thảng qua, thì có con thích làm như vậy, nhưng biết kiếp lai sanh còn nhớ căn cội của mình mà tiếp tục sự nghiệp đạo đức ấy chăng? Vậy thì đừng mong vọng điều đó, mà chỉ tận dụng mọi khả năng, mọi hoàn cảnh, dốc thực hành cho kỳ được một kiếp nầy mà thôi. Các con hãy xem, rất đỗi các Đấng Phật Tiên, Thánh Thần còn phải xuống trần bất luận ngày đêm, để lập thêm công bồi thêm đức, huống hồ chi các con chỉ được công đức là bao. Vì vậy mà các con chớ nên tự mãn, hãy cố gắng thêm lên. Hãy thắng mọi sở thích của thể xác mới hành được nghĩa vụ trọng đại ấy. Các con hãy tập làm những việc tầm thường để trở nên phi thường. (10)
Thật vậy, những công việc tuy rất nhỏ bé, vô danh, âm thầm lặng lẽ, ít người quan tâm đến, thậm chí nhiều người tỏ vẻ xem thường như tổ trưởng tổ thiện gia, các nhiệm vụ trong Ban trị sự tại một xã đạo, trù phòng, giao liên… Với những nhiệm vụ này, nếu chúng ta làm việc với một lòng chí thành, luôn vì lợi ích tu tiến của nhơn sanh mà phục vụ thì cũng có giá trị không thua kém gì những nhiệm vụ mình tưởng rằng là to lớn khác tại Hội Thánh, Thánh thất, Thánh tịnh… Điều này cũng giống như trường hợp có một người quá nghèo khó, tuy chỉ có thể công quả được một món tiền thật nhỏ bé nhưng với một tấm lòng chí thành hồi hướng cũng có thể có giá trị hơn gấp nhiều lần so với một người giàu có mặc dầu công quả với số tiền lớn gấp vạn lần so với số tiền mà người nghèo khó kia đã công quả, nhưng lại không công quả với một lòng chí thành mà chỉ vọng cầu điều lợi lộc cho riêng mình mà thôi.
- Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn còn bắt gặp hình ảnh không mấy tốt đẹp là các huynh đệ đồng đạo tại cùng một đơn vị vì có sự hiềm khích, không ưa thích nhau dẫn đến nói xấu sau lưng lẫn nhau. Chúng ta biết rằng thành ngữ có câu “tam sao thất bổn” nên mỗi khi chúng ta nói xấu người nào thì một sẽ đồn ra hai, hai sẽ đồn ra ba… và không biết sẽ dừng lại ở mức độ nào. Suy cho cùng thì người bị nói xấu sẽ bị tổn hại uy tín và danh dự một cách rất nghiêm trọng, thậm chí có khi đưa người ấy vào bước đường cùng, không còn lối thoát; Hoặc thỉnh thoảng chúng ta cũng thường nghe mọi người nói xấu người khác sau lưng họ, tuy nhiên chúng ta không những không can ngăn, bênh vực cho người bị nói xấu đó mà còn hùa theo, thậm chí “châm thêm dầu vào lửa” nữa hoặc tuy im lặng nhưng  trong lòng lại rất hân hoan tỏ vẻ đắc ý “thỏa mãn” mỗi khi được nghe người khác nói xấu về những người mà mình không ưa thích.
- Đôi khi chúng ta vẫn còn bắt gặp tại một vài đơn vị nào đó mỗi khi tham dự những cuộc thi, tổ sự kiện nào đó… thì thường phô trương hình thức bề ngoài cho thật hoành tráng, trang trí thật lộng lẫy tốn kém với mong muốn là để nhận được tiếng khen ngợi từ các đơn vị khác là đơn vị mình mạnh nhất, cái gì cũng nhất, cái gì cũng dẫn đầu, cái gì cũng thật hoành tráng… Mỗi khi được khen như vậy lại tỏ ra đắc ý, tự cao, cho mình là đơn vị mạnh nhất dẫn đến xem thường các đơn vị bạn mà không lo chú trọng đến việc phát triển nội lực bên trong hơn là phô trương vẻ hình thức bề ngoài.


4. KHÔNG PHÊ PHÁN CHỈ TRÍCH, HỌC HẠNH YÊU THƯƠNG VÀ LUÔN CHÂN THÀNH CẦU NGUYỆN, HỒI HƯỚNG, PHỤNG SỰ CHO THA NHÂN:
KHÔNG PHÊ PHÁN CHỈ TRÍCH, HỌC HẠNH YÊU THƯƠNG THA NHÂN:
Chúng ta thường nghe nói: “Tứ hải giai huynh đệ” hay “Anh em bốn biển một nhà”. Các câu nói trên khi nói ra thì rất dễ nhưng để áp dụng được vào trong cuộc sống hàng ngày thì vô cùng khó khăn, không dễ gì một sớm một chiều chúng ta thực hiện được. Bởi lẽ ngay cả anh chị em ruột trong cùng một gia đình được sinh ra từ cùng một cha và một mẹ nhưng tính cách mỗi người một khác, không ai giống ai hoàn toàn cả. Một khi tính cách đã không giống nhau ắt hẳn sẽ xảy ra những mâu thuẫn, bất đồng quan điểm, bất hòa thậm chí hận thù không muốn nhìn mặt nhau nữa là khác. Huống gì giữa những người dưng nước lã với nhau thì làm sao cho khỏi những khác biệt, dị đồng? Làm sao để yêu thương nhau và xem nhau như anh em một nhà được đây?
Vì biết điều này rất khó thực hiện được nên Thầy cũng đã có lần khuyên nhủ các môn đệ Cao Đài hãy yêu thương được kẻ ghét mình thì mới mong  được gần Thầy:
“Thầy muốn thực hiện cho rõ lý đạo, Thầy phải nhờ nơi các con thay Thầy làm người đi trước để rước kẻ đến sau, và các con nên nhớ rằng: Nếu các con không thương được kẻ ghét mình thì khó mong gần gũi với Thầyhay con còn hiểu Đạo bằng một lối hiểu thường tình, ắt cũng phải trầm luân đọa lạc.” (11)
Và Đức Mẹ cũng để lời khuyên dạy:
“Con hãy thương yêu kẻ ghét mình,
Thương đời mạt kiếp khó tồn sinh;
Thương thân cá chậu vòng oan nghiệt,
Thương phận chim lồng chốn nhục vinh.
Thương kẻ tội tình chưa thức tỉnh,
Thương người mê muội mãi u minh;
Có thương con mới dày công quả,
Công quả là đường đến Ngọc Kinh.” (12)
Thương yêu người thương mình thì rất dễ làm nhưng làm sao để có thể thương yêu kẻ ghét mình được đây? Ôi thật là vô cùng khó khăn nan giải! Nhìn bản mặt người này thấy khó ưa làm sao! Thấy tướng mạo người kia hình như có nét gì đó gian gian, không thật lòng ấy! Nhìn người này sao thấy ba hoa khoát lác quá chừng! Nhìn người kia sao nói năng thô lỗ, cộc cằn, không biết cẩn ngôn cẩn hạnh gì cả! Nhìn người nọ sao thấy tâm địa độc ác, ích kỷ, hơn thua, tham lam, thủ đoạn quá!… Chỉ mới nhìn thôi mà đã thấy ghét, thấy khó ưa rồi thì làm sao có thể có thiện cảm và yêu thương được bây giờ chứ?
Để  có thể yêu thương được kẻ ghét mình, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu nguồn gốc hình thành và sự tiến hóa của chúng sanh, từ đó mới giúp chúng ta thay đổi được tư duy, nhìn nhận được tất cả đều là anh em, đều là con chung của một đấng Cha Lành Thượng Đế Chí  Tôn. Chúng ta biết rằng thế gian này có thiên hình vạn trạng, ngàn giống muôn tên, chi này phái nọ, tôn giáo nọ tôn giáo kia, hình thức này hay hình thức nọ, tư tưởng triết học của phương đông hay phương tây, chủ nghĩa duy vật biện chứng hay chủ nghĩa duy tâm… tất cả  đều là “hóa thân” của Thượng Đế, tất cả đều có nguồn gốc từ âm dương hóa sanh ra mà thôi (nhứt bổn tán vạn thù, thiên địa vạn vật đồng nhất thể), tất cả cũng chỉ là pháp giới, là môi trường, là phương tiện để phục vụ cho cơ tiến hóa chung của nhơn loại mà thôi chứ chúng ta không nên chấp vào những hữu vi sắc tướng ấy mà cứ mãi lo tranh đấu cho sự hơn thua, tốt xấu, hay dở…

Nhứt bổn tán vạn thù

Mặt khác, trong xã hội chúng ta cũng đã từng nhận thấy có người nóng giận nhưng cũng có người hiền hòa, có người tốt nhưng cũng có người xấu, có người có hình tướng này nhưng cũng có người có hình tướng nọ, có người đẹp đẽ lịch lãm nhưng cũng có người tật nguyền thô lỗ, có người căn trí thượng thừa nhưng cũng có người căn trí hạ thừa, có người thông minh lanh lợi nhưng cũng có người si mê đần độn, có người là hiền nhân quân tử nhưng cũng có người độc ác tiểu nhân … tất cả đều đang học và đang trải nghiệm qua từng bài học tiến hóa mà Thượng Đế đã tạo ra tại nơi cảnh thế gian này mà thôi. Sở dĩ có sự khác biệt như vậy là do mỗi chúng sanh đều có căn trí, nghiệp duyên khác nhau, nhận thức về  đời sống tâm linh khác nhau, quá trình đầu thai tiến hóa cũng khác nhau do đó tính cách và nghiệp quả cũng khác nhau.Suy cho cùng con đường tiến hóa của mỗi chúng sanh đều phải trở về nguồn cội ban đầu là hòa cùng với khối Đại Linh Quang. Hành trình tiến hóa của mỗi chúng sanh trải qua từng bài học nhân quả, bài học tiến hóa trong mỗi kiếp mà chúng sanh đó đầu thai. Do vậy đừng vì chấp vào những hành động sai quấy, lời nói sân hận, suy nghĩ tiêu cực… của một người nào đó mà chúng ta lại tỏ vẻ phê phán, ganh ghét, chê bai, chỉ trích, nói xấu, khinh thường họ, mà trong thật tâm của mỗi chúng ta, hãy có một cái nhìn hỉ xả cảm thông và tôn trọng chân thành nhất đối với tất cả mọi người, hãy dùng tình thương yêu chân thành  nhất mà cầu nguyện, hồi hướng và giúp đỡ cho họ. Bỡi lẽ tất cả họ cũng chỉ mới bắt đầu học những bài học nhân quả và tiến hóa mà họ đang trải qua. Rất có thể trong thời điểm hiện tại chúng ta đã thấy được những điều sai quấy mà họ đang làm đó là vì chúng ta cũng đã từng trải qua những bài học nhân quả, bài học tiến hóa đó trong vô lượng kiếp trước rồi, và rất có thể lúc bấy giờ chúng ta cũng đã từng có hành xử sai quấy không khác gì những gì hôm nay chúng ta nhìn thấy họ đang hành xử. Bởi lẽ họ đang học những bài học nhân quả và những bài học tiến hóa mà chúng ta đã từng học qua trong nhiều kiếp trước.Sau nhiều kiếp đầu thai, chúng ta cũng đã từng bị luật nhân quả dồi mài, phải chịu nhiều khổ đau để rồi đến một thời điểm nào đó chúng ta đã thực sự  “thấm nhuần” được những bài học tiến hóa đó, nghĩa là trong tiềm thức nhắc nhở chúng ta không dám làm những điều sai quấy như thế nữa vì nếu làm như vậy mình sẽ bị luật nhân quả chi phối, sẽ phải chịu nhiều khổ đau để trả nghiệp quả do mình đã gây tạo. Hay nói một cách dễ hiểu hơn, trong mỗi chúng ta chắc hẳn không ai chỉ trích hay phê bình một người đang học lớp 1 nhưng tại sao lại không thể giải được bài toán lớp 5? Hãy để cho họ “lên lớp” từ từ qua những bài học tiến hóa, bài học nhân quả đó qua mỗi kiếp đầu thai của họ. Đến một thời điểm nào đó, khi họ học lên được đến lớp 5 thì những bài toán lớp 5 trước đây họ sẽ hoàn toàn có thể giải được một cách rất dễ dàng. Đến lúc đó giả sử chúng ta có yêu cầu họ làm những việc như họ đang làm hôm này thì có lẽ họ đã không bao giờ dám làm như vậy nữa vì họ sợ sẽ phải trả nghiệp quả do mình gây ra.
Mặc khác, chúng ta không nên phân biệt, phê phán hay chỉ trích mà hãy có cái nhìn hỉ xả cảm thông chân thành nhất hơn đối với những gì trước đây mình đã từng quan niệm cho đó là xấu xa, là ác độc, là đen tối, là tội lỗi… Bởi lẽ trong tất cả sự vật hiện tượng đều có 2 mặt âm dương lưỡng cực luôn đối lập và tương hỗ cho nhau, trong âm luôn vốn sẵn có dương ẩn tàng bên trong và ngược lại, hễ âm cực thì dương sanh và dương cực thì âm sanh (Hết ngày đến đêm; hết bỉ đến thái; hết nóng rồi lạnh; hết sinh rồi diệt; hết đông rồi trở lại xuân…; thậm chí ngay cả trong chính nội tâm của mỗi người giữa cái thiện và cái ác luôn tồn tại và luôn đấu tranh lẫn nhau, nếu cái thiện “thắng thế” thì cái ác tạm thời “lắng xuống” nhưng vẫn còn ẩn tàng bên trong chờ cơ hội một khi cái thiện yếu thế là cái ác trỗi dậy lấn áp ngay lập tức). Ngoài ra, nhờ có bóng tối mới thấy được giá trị của ánh sáng, nhờ có tội lỗi xấu xa mới thấy được giá trị của thiện từ tốt đẹp. Nếu như không có những người khó ưa, những người quá đáng ghét thì làm sao chúng ta học được bài học tình thương yêu thật sự đây? Nếu như không có những dị đồng khác biệt, thiên hình vạn trạng, ngàn giống muôn tên… thì làm sao chúng ta học được bài học phá chấp được đây? Do vậy chúng ta hãy thầm cám ơn chân thành từ tận đáy lòng mình đối với những ai ghét mình, cản phá, không ưa mình bởi vì chính nhờ có họ mới giúp mình học được những bài học tình thương có giá trị nhất, sửa chữa được những lỗi lầm của mình đã và đang gây ra. (Có một vấn đề chúng ta cần hiểu rõ hơn về không phê phán chỉ trích, đó là: Việc góp ý mang tinh thần xây dựng với tâm thương yêu để cùng giúp nhau phát triển và tiến bộ là việc làm hết sức cần thiết. Còn phê phán chỉ trích được nêu ra ở đây ý muốn nói lên vấn đề chấp ngã, không dựa trên tinh thần xây dựng và không dựa trên nền tảng của lòng yêu thương chân thành).
Ngoài ra, để học được hạnh yêu thương chúng ta hãy cùng chiêm nghiệm và học tập theo tấm lòng thương yêu vô cùng vô tận đối với tất cả chúng sanh của Đức Mẹ.
“Lòng Từ Mẫu vô cùng vô tận,
Đức Từ Tôn khó nhận khôn lường;
Không lãnh vực, không biên cương,
Bao trùm vũ trụ tình thương vạn loài.” (13)
Chúng ta biết rằng Đức Mẹ Vô Cực Từ Tôn chính là Mẹ linh hồn chung của tất cả vạn linh sanh chúng. Đã là Mẹ của vạn linh thì tình thương yêu của đấng sinh thành dưỡng dục dành đối với tất cả chúng sanh là vô cùng vô tận, tình thương ấy không có giới hạn mà bao trùm cả vũ trụ. Tình thương của Đức Mẹ đối với nhân loại là vô điều kiện. NGƯỜI  thương đều muôn vật, không phân biệt tốt xấu, thiện ác,… vì tất cả chúng sanh đều là con chung của Đức Mẹ (Cũng giống như Mặt Trời, Mặt Trăng luôn chiếu ánh sáng soi đều muôn vật, cho dù một người nào đó có xấu xa tội lỗi, tán tận lương tâm đến mức độ nào đi chăng nữa thì nguồn ánh sáng từ bi ấy vẫn rất chí công vô tư, chan hòa chiếu soi đến tất cả vạn vật mà không thiên vị hay ghét bỏ bất kỳ một ai hay bất kỳ điều gì cả). Điều này cũng giống như trong một gia đình ở thế gian, một người mẹ có thể sanh ra năm bảy người con, có thể có người con thông minh lanh lợi, tướng mạo đẹp đẽ, đỗ đạt thành danh, hiếu thảo nhưng cũng có thể có người con lại bị bất hạnh tật nguyền, phạm tội trộm cắp cướp giựt, ngỗ nghịch bất hiếu. Nhưng với tấm lòng thương yêu quảng đại của người mẹ thì con vẫn đồng con, tình thương dành cho tất cả các người con đều như nhau vì tất cả cũng đều từ khúc ruột của người mẹ ấy dứt ra mà! Thậm chí với những người con kém may mắn hay ngỗ nghịch đó, người mẹ càng thương xót và khổ tâm dành nhiều tình thương yêu dạy dỗ hơn nữa là khác.
Chúng ta có thể tạm mượn đức tính của Đất để có thể hiểu được phần nào tình thương và tấm lòng quảng đại vô lượng vô biên của Đức Mẹ Từ Tôn: cho dù người ta có đổ hay rải lên đất những thứ tinh sạch và thơm tho như hoa hương, nước ngọt, sữa thơm… hoặc những thứ hôi hám và dơ bẩn như máu mủ, nước thải, phân rác… thì đất cũng tiếp nhận những thứ ấy một cách rất thản nhiên, không tỏ vẻ tự hào cũng như không oán hờn tủi nhục. Vì đất có dung lượng rất lớn, có khả năng tiếp nhận và chuyển hóa tất cả.
Phân tích đến đây chắc có lẽ phần nào trong chúng ta cũng đã cảm nhận được tất cả chúng sanh đều là anh em của nhau (vì đều là con chung của Đấng Cha Lành Thượng Đế). Đã là anh em thì phải biết thương yêu nhau chân thành. Để thương được kẻ ghét mình thì trước hết chúng ta hãy tập thương  từ từ, nếu chưa thể thương được ngay thì cũng đừng có ghét nhau. Để dành đó từ từ rồi cũng sẽ có ngày thương được mà thôi. Để làm được điều này đòi hỏi mỗi chúng ta mỗi ngày hãy dành một khoảng thời gian nhất định để luôn mở lòng cầu nguyện, hồi hướng và phụng sự cho tha nhân những gì tốt đẹp nhất, vị tha nhất thì sớm muộn gì tình yêu thương trong tâm của mỗi người sẽ trỗi dậy một cách rất mãnh liệt, đến một lúc nào đó sẽ không còn phân biệt ta người hay phê phán chỉ trích bất kỳ một ai cả.
CẦU NGUYỆN, HỒI HƯỚNG VÀ PHỤNG SỰ CHO THA NHÂN:
Có lẽ trong mỗi chúng ta ai cũng đã từng cảm nhận được rằng mỗi khi mình cho đi bất cứ điều gì với lòng chí thành, vô tư, không vụ lợi thì sẽ tìm thấy được một nguồn an lạc, hạnh phúc thật sự nơi nội tâm của chính mình và ai cũng có thể cảm nhận được rằng nếu như lúc nào trong tâm mình cũng dành một tình yêu thương chân thành cầu nguyện và hồi hướng về cho bá tánh chúng sanh thì tự nhiên lòng mình sẽ có được một nguồn an lạc thư thái nơi nội tâm của chính mình.
Sở dĩ chúng ta còn nhiều đau khổ do mình chỉ nghĩ đến chính mình, gia đình mình, người thân của mình. Bởi lẽ một khi chỉ nghĩ, cầu nguyện riêng cho cá nhân mình, gia đình mình, người thân mình mà nếu như những lời cầu nguyện đó không được như ý sẽ khiến cho chúng ta cảm thấy đau khổ, thất vọng, buồn bã, lo lắng… vì thế sẽ không thể tìm thấy được nguồn an lạc thật sự nơi thân tâm mình.
Một khi chúng ta bắt đầu chuyển từ cầu nguyện riêng cho cá nhân mình sang cầu nguyện chung cho tất cả vạn linh sanh chúng  thì  đây chính là một bước ngoặc rất quan trọng mang lại hiệu quả thật to lớn cho việc mở rộng tâm từ mà mình không thể nào ngờ đến được. Bởi vì mỗi khi chúng ta chí thành cầu nguyện, hồi hướng chung cho vạn linh sanh chúng sẽ giúp cho tâm mình mở rộng không còn phân biệt chấp ngã ta người và lòng ích kỷ khi chỉ biết cầu nguyện riêng cho những người thân mình nữa. Việc mở rộng tình thương yêu dành cho bá tánh ấy giống như hình ảnh hai chú ếch, một chú thì ngồi dưới đáy giếng và chú ếch còn lại thì ngồi trên thành giếng cùng nhìn lên bầu trời, chú ếch ngồi đáy giếng thì cho rằng bầu trời chỉ to bằng nắp vung nhưng chú ếch còn lại cho rằng bầu trời rộng lớn vô cùng. Tâm mình cũng vậy, nếu chỉ cầu nguyện và hồi hướng cho riêng bản thân mình, người thân mình thì tâm mình chỉ bó hẹp trong phạm vi nhỏ hẹp của thường tình ta người. Ngược lại nếu chúng ta mở rộng tâm ra cầu nguyện chung cho cả bá tánh chúng sanh thì tâm từ sẽ phát triển một cách rất vi diệu mà mình không thể nào ngờ đến được.Việc cầu nguyện, hồi hướng và phụng sự chân thành cho tha nhân sẽ mang lại một niềm an lạc thân tâm vô cùng đặc biệt mà trên đời này không phải ai cũng có cái duyên may để được trải nghiệm, mặc dù những cơ hội hương tha như vậy xuất hiện tại mọi lúc mọi nơi. Và niềm vui ấy tự nó đã là một phần thưởng tinh thần vô giá cho chính nội tâm của mỗi người mà chỉ khi nào trải nghiệm thực tế chúng ta mới có được cảm nhận đặc biệt đó mà thôi.
Trong Thánh giáo Cao Đài, Ơn Trên cũng đã có rất nhiều lời khuyên dạy về giá trị và ích lợi của việc cầu nguyện, hồi hướng và phụng sự tha nhân.
Đức Lý Giáo Tông có dạy:
“Lão thấy chư hiền mỗi mỗi đều có tâm thành cầu nguyện. Một là Đại Đạo tiến bộ, hai là quốc thới dân an. Nhưng sự cầu nguyện ấy còn phải quan niệm cho sát thực hơn là cầu nguyện không phải đặt cái ta trên hết. Mà cần phải quan niệm rõ một khi cầu nguyện thì phải tưởng đến đại thể nhơn sanh, quốc gia, xã hội. Phải tưởng đến lòng nhơn đạo để rồi hòa nhịp với hành động đạo đức đi đôi. Để sự cầu nguyện thực tiễn là không nên đặt sự ỷ lại nơi các Đấng mà phải góp phần thực hành theo câu cầu nguyện.”  (14)
“Lời dặn chung đàn nội: Về điểm nguyện cầu của nhơn sanh xin Thiêng Liêng phúc đáp. Hỡi ôi! Đời là bể khổ, thế sự là một thảm kịch quay cuồng. Chính vì đó, dầu Phật, Tiên, Thánh, Thần hiện xuống đủ mặt ở thế gian cũng không làm sao có đủ ngày giờ để thỏa mãn những nguyện cầu ấy, trừ phi Thiêng Liêng thấy nguyện cầu có tánh chất vị tha đại đồng hữu ích cho đại cuộc. Hãy ghi nhớ câu: “Thiện nguyện Thiên tùng, hữu cảm hữu ứng”. Chính trong những lời nguyện lành, tất cả chúng sanh đều có cảm ứng trong hành động, trong lời nói, ở mọi hoàn cảnh, tuy rằng: “Thanh thanh hà xứ tầm, phi cao diệc phi diễn, đô chỉ tại nhân tâm”. Tuy trầm lặng trong chỗ không không, chớ sự ứng hiện mảy lông chẳng sót. Cần có một điều là nguyện phải cho chánh tín; nếu trái lại sẽ bị bàng môn tả đạo dẫn dắt vào mê đồ. Luật vô hình cũng như luật thế gian, kẻ quấy dám làm việc quấy, bất chấp pháp luật…” (15)
Đức Quán Thế Âm cũng đã nêu ra một thí dụ về cầu nguyện như sau: “Ai cũng thường cầu nguyện Thiêng Liêng Trời Phật phò hộ cho mình, cho gia đình mình được an bình hạnh phúc, nhưng có bao giờ cầu nguyện cho mình đủ dạ từ bi để sẻ chia, để thông cảm, xử sự với tha nhân như Đức Chí Tôn đối với chư hiền đệ muội không? Bần Đạo nhận thấy ít có như vậy lắm!” (16)
Đức Lê Đại Tiên có dạy: “Đây là lời dặn chung cho toàn thể chư hiền đệ muội: nhớ niệm danh trong các Đấng Thiêng Liêng mà tín hữu Cao Đài hằng niệm, sẽ được hộ trì khi bịnh hoạn bất kỳ. Nhớ hằng ngày phải để tư tưởng tốt, nghĩa là những tư tưởng lành có ích lợi cho tha nhân thì sự cầu nguyện mới mong kết quả.” (17)
Đức Minh Đức Đạo Nhơn cũng có dạy :
“Phải thật tâm để tìm trong giờ phút thiêng liêng hàng ngày giữa cuộc sống.Giờ phút thiêng liêng ấy luôn luôn đến với những tâm hồn vô tư minh chánh hằng nghĩ đến sự sống còn trong lẽ Đạo. Những người ấy không ước vọng gì riêng tư cho cá nhân mình cả, vì họ đã thông thấu sự công bằng của Tạo Hóa.” (18)
Đức Trần Chơn Nhơn cũng có dạy:
“Chư Hướng Đạo nhờ vô niệm mà thành công, nhờ vô tâm mà đạt pháp, lòng của chúng ta không riêng rẽ cố chấp, lúc nào cũng cầu nguyện cho bốn biển hòa bình, nhơn loại hưởng phước đại đồng, vạn pháp chung về một phương tận độ. Chúng ta không suy nghĩ phái nào sai, người nào kém, mà tôn Quyền trọng Pháp, cung kính các bậc Thiên ân, chiều sớm hướng về Tổ đình duy nhất với lòng vô ngã bất chấp, chư Hướng đạo quyết liệt một mục đích, lèo lái con thuyền, chẳng sợ sóng lớn gió to, xé nước rạch sông xông tới để cứu người hụp bơi đang chờ cứu vớt, lòng ấy đã có, ta cố nuôi dưỡng đến cùng.” (19)
Đức Cao Triều Phát tiền bối cũng có dạy: “Hãy lấy niềm vui khi làm cho kẻ khác. Hãy lấy làm hãnh diện khi xả thân cho tha nhân. Không ai có thể bắt kẻ khác làm cho mình hơn hết là mình làm cho kẻ khác.” (20)
Nhờ vào năng lực cầu nguyện chúng ta sẽ góp một phần giúp cho những chúng sanh hữu duyên sẽ có thêm trợ lực để vượt qua những nghiệp quả tiền khiên mà bản thân chúng sanh đó đã từng gây ra. Ngoài ra có một công quả vô hình rất giá trị  và giúp ích cho chúng sanh rất hiệu nghiệm, đó là  góp phần phá tan điển trược đang tích tụ dẫy đầy khắp cõi trần này. Chúng ta biết rằng, nếu có ai đó vừa mới móng khởi suy nghĩ  hay làm điều gì đó xấu xa tội lỗi thì ngay lập tức xuất hiện một luồng điển trược phóng lên không trung, và nhiều tư tưởng xấu ấy cùng phóng phát lâu ngày sẽ tích tụ thành một khối trược điển khổng lồ. Ở thế gian nếu có ai đó chỉ mới bắt đầu khởi tâm làm điều ác, theo luật nhân quả thì khối trược khí khổng lồ ấy liền tác động đến khiến cho người này bắt tay vào thực hiện hành vi tội lỗi ngay lập tức. Chính vì điều này mà Ơn Trên đã từng dạy: “Công đức tọa thiền lớn biết bao”. Tại sao việc tọa thiền chỉ ngồi một chỗ mà Ơn Trên cho là có công đức lớn quá vậy? Bởi vì khi hành giả ngồi thiền sẽ giúp cho Tâm được thiện lành, trống không, đây chính là khối điển lành (Thanh điển) được phóng lên không trung để chống lại khối trược khí khổng lồ luôn đe dọa chi phối bất kỳ một ai phát khởi tà tâm. Việc cầu nguyện và hồi hướng với lòng thương yêu chân thành đến bá tánh của chúng ta cũng vậy, vì thấy bá tánh chúng sanh còn mãi chịu dập vùi đau khổ trong bể khổ trần ai, chúng ta mới phát tâm chí thành cầu nguyện, hồi hướng điển lành giải khổ cho bá tánh với một tình yêu thương chân thành nhất với tâm không phân biệt và mưu cầu bất kỳ một lợi ích gì cho riêng bản thân mình. Chính những tình thương dành cho bá tánh đó sẽ góp một phần rất lớn trong việc tạo dựng thêm luồng điển thanh chống lại khối điển trược vốn dĩ rất lớn đang tích tụ chung quanh ta. Nếu người người, nhà nhà, nhiều Thánh thất, Thánh tịnh, nhiều Hội Thánh, nhiều tập thể… đều luôn để tâm cầu nguyện hồi hướng thì nguồn thanh điển được phóng lên không trung sẽ rất lớn, từ đó sẽ góp phần không nhỏ tạo nên sự thanh bình, nguồn an lạc cho tất cả vạn linh sanh chúng.
Ơn trên cũng đã từng có nhiều lời khuyên dạy rất có giá trị về cầu nguyện và hồi hướng đối với chúng sanh.
“Thiêng Liêng thường nhắc nhở về sự cầu nguyện hay tịnh tập thể… Sự hữu ích của các thời cầu nguyện hay tịnh tập thể đều do đức tin chơn chánh và bản chất thanh tịnh vô vi của mỗi người. Có đức tin chơn chánh thì không hay tin tưởng loạn động. Có bản chất thanh tịnh vô vi thì thần lực đủ đầy. Hai yếu tố quan trọng nầy để người tu thực hiện được sự cứu độ vô vi. Thế nên cần đến các thời cầu nguyện hay tịnh tập thể để các dòng tư tưởng trọn lành phát xuất từ tâm linh của mỗi tịnh viên hướng lên để cảm hóa cùng Thiên Địa, ứng hiệp với các Đấng Thiêng Liêng như linh quang, như vân võ để biến tỏa thành trận mưa ban phát rưới chan mát mẻ khi con người đang sống trong bầu lửa dục của trần gian.” (21)
“Đêm nay Bần Đạo muốn đề nghị chư hiền đệ muội để dành hai phút hầu bổ túc cho lễ cầu nguyện trong mấy ngày qua để đem lại sự kết quả trọn vẹn. Vậy ngay giữa đàn đây chư hiền đệ muội từ lớn chí bé hãy nhắm mắt lại ngồi ngay xương sống, gom thần lại ngay trán chính giữa hai mí chơn mày. Khi gom thần lại nghe nặng nặng nơi giáp mối chơn mày thì từ trong tâm hướng đưa tất cả lòng cầu nguyện lên không trung tưởng tượng như sẵn sàng tiếp nhận ân điển một bầu nước cam lồ. Sẵn sàng tiếp nhận rồi từ từ đưa lên rải ra tung tóe bốn phương trời cho muôn loài vạn vật đều thọ hưởng.”  (22)
“Chư hiền đệ muội đã có duyên phúc được sinh vào chỗ tương đối an ổn, đã và đang tổ chức cuộc lễ triều kính Thiêng Liêng là vì nhờ tâm đạo công đức chi? nên cơ duyên hạnh phúc đã an bài cho được an ổn tiện bề tu thân hành đạo, hiến lễ. Vậy chư đệ muội hãy hướng tâm linh vào những nơi xa xôi, những vùng đất bất hạnh để cầu nguyện đưa điển lành trợ duyên cho những nơi ấy.” (23)
“Hỡi chư hiền sĩ, chư hiền muội! Giữa đêm trường đầy dẫy lằn hắc khí xung thiên, những lằn hồng quang điển chư hiền nơi đây xung lên, vẹt đám mây mù hắc khí nơi này. Nếu được phổ độ thêm nhiều sanh linh, tạo nhiều hồng quang điển: hễ hồng quang điển đến đâu thì nạn tai tránh xa đến đó. Vì vậy, Bần Đạo khuyên người tín đồ Đại Đạo, không luận chức sắc thiên phong, đều có bổn phận tự giác, giác tha, làm thế nào để được xứng danh nghĩa Tam Kỳ Phổ Độ.” (24)
“Sự cầu nguyện tuy có nhiều hình thức và phương pháp cầu nguyện nhưng nếu hợp nhau lại tổ chức một buổi cầu nguyện chung như vậy sẽ là một niệm lực hùng mạnh dâng lên không trung và bao trùm rải xuống khắp chốn để cảm hóa lòng người hướng về sự ước muốn thái hòa an lạc đó. Chư đệ muội không nguyện cho riêng mình là đã thể hiện tấm lòng vị tha.” (25)
5. NHẬP THẾ VÀ XUẤT THẾ SONG HÀNH:
Đức Bảo Pháp Chơn Quân Thanh Long có dạy:
“Lấy công quả đền bù nợ trước,
Dụng công phu chế ước lòng tà,
Để rồi tự giác giác tha,
Song hành Phước Huệ mới là viên thông”. (26)
Thầy cũng có dạy:
“Nhờ công phu con siêng học Đạo,
Nhờ công phu con bảo toàn căn;
Mới mong sửa tánh thấp hèn,
Mới thâu vọng tưởng mới tăng an hòa.” (27)
Công quả vừa giúp chúng ta rèn luyện tình yêu thương chân thành vừa giúp giải trừ được những oan khiên nghiệp chướng mà mình đã gây tạo từ vô lượng kiếp đến nay (giảm bớt khổ đau); Công phu tịnh luyện chính là một món “bửu bối” rất hiệu nghiệm giúp chúng ta chế ngự được lòng tà, sửa được tánh thấp hèn, thâu được vọng tưởng, phóng tâm. Có tự giác được rồi chúng ta mới có thể giác tha. Có tu, có đức, có trí huệ mới không dẫn dắt người khác đi lầm đường lạc lối. Có thực hiện được như vậy chúng ta mới tìm thấy được nguồn an lạc thật sự nơi thân tâm của chính mình.
            C. THAY LỜI KẾT:
Thế gian là trường tiến hóa, con người đến nơi này để tu học lập công nhằm tiến hóa tâm linh và thuận theo cơ tiến hóa của Trời đất. Vì thế chúng ta phải “cảm” và “đắc” được bản chất của cuộc đời là giả tạm, vô thường, mộng ảo phù du. Có cảm nhận được điều đó mới giúp chúng ta bớt khổ đau, bất hòa, hơn thua, giận hờn, khoe khoang, tự cao tự đại, chấp ngã, phô trương sắc tướng bề ngoài, tranh dành quyền lực, tham lam tiền tài danh vọng… Hơn nữa, chúng ta biết rằng hạnh phúc đích thực của đời người chính là những gì mình làm cho kẻ khác, là cầu nguyện, hồi hướng điển lành và phụng sự cho tha nhân, bên cạnh đó nhờ công phu tịnh luyện để sửa tánh thấp hèn, mới thâu được vọng tưởng. Có làm được những điều như vậy thì nguồn an lạc thật sự sẽ luôn tự nhiên xuất hiện hằng hữu nơi thân tâm của mỗi người.
Chánh Tuân.


====================================
Chú thích:
(1): Đức Quan Âm Bồ Tát, Thánh Thất Tân Định, 15.7 Giáp Thìn (1964)
(2): Đức Di Lạc Thiên Tôn, Trúc Lâm Thiền Điện – Vĩnh Long, 18.7 Kỷ Dậu (1969)
(3): Đức Cao Đài Tiên Ông, 20 tháng 8 – Bính Tý (1936) – Đại Thừa Chơn Giáo
(4): Đức Đông Phương Chưởng Quản, Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời 26-9 Mậu Thân (16-11-1968)
(5): Đức Diêu Trì Kim Mẫu, CQPTGLĐĐ, 13-8 Mậu Ngọ (14-9-1978)
(6): Đức Quan Âm Bồ Tát, Huờn Cung Đàn, Tý thời, 14 rạng  Rằm tháng 5 Ất Tỵ (13-6-1965)
(7): Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Vĩnh Nguyên Tự, 15-8 Quý Sửu (11-9-1973)
(8): Đức Lý Đại Tiên, Thanh Quang Thánh Tịnh, đêm 15-2 Đại Đạo năm thứ 11 (1936) – Trích “Tà Chánh Yếu Ngôn”)
(9): Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, mồng 4 tháng 9, Bính Tý (1936) – Bài Kiên Nhẫn – Đại Thừa Chơn Giáo
(10): Đức Diêu Trì Kim Mẫu,Thiên Lý Đàn, 01-4 Ất Tỵ (01-5-1965)
(11): Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Ngọc Minh Đài, Tuất thời, 29 tháng Chạp Bính Ngọ (8-2-1967)
(12): Đức Diêu Trì Kim Mẫu, CQPTGLĐĐ, Tuất thời 26 tháng Chạp Nhâm Tý (29 – 01 – 1973)
(13): Đức Diêu Trì Kim Mẫu; Thánh giáo sưu tập của CQPTGLĐĐ năm Đinh Mùi 1967)
(14): Đức Lý Giáo Tông, Nam Thành Thánh Thất, 23.8 Tân Sửu (1961)
(15): Đức Lý Thái Bạch, Thiên Lý Đàn 20.5 Ất Tỵ (19.6.1965)
(16): Đức Quan Thế Âm, Nam Thành Thánh Thất, 14.10 Canh Tuất (1970)
(17): Đức Lê Đại Tiên, CQPTGLĐĐ, 29.7 Mậu Thân (1968)
(18):  Đức Minh Đức Đạo Nhơn, CQPTGLĐĐ, ngày 15.11 Giáp Dần (28.12.1974)
(19): Đức Trần Chơn Nhơn (Trần Nguyên Hiệp Lý), Thánh Truyền Trung Hưng tập 3
(20): Đức Cao Triều Phát Tiền Bối, Nam Thành Thánh Thất, 01-01 Ất Tỵ (02-02-1965)
(21): Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn, Vĩnh Nguyên Tự 15.3 Ất Mão (1975)
(22): Đức Lý Giáo Tông, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý 22.4 Nhâm Tý (1972)
(23): Đức Lý Giáo Tông, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo 9.01 Quý Sửu (1973)
(24): Đức Quan Âm Bồ Tát, Huờn Cung Đàn, Tý thời, 14 rạng Rằm tháng 5 Ất Tỵ (13-6-1965)
(25): Đức Lý Giáo Tông, CQPTGLĐĐ, ngày 22.4 Nhâm Tý (1972)
(26): Đức Bảo Pháp Chơn Quân Thanh Long Lương Vĩnh Thuật, Thánh Truyền Trung Hưng tập 4
(27): Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Tý thời, 17 tháng 8 Canh Tý (07-10-1960)