Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2011

Tình thương không lời

 

Tình thương không lời


Cha tôi dường như không biết thể hiện tình yêu thương của mình. Cả gia đình tôi sống vui vẻ và thoải mái, tất cả cũng là nhờ mẹ tôi.
Hàng ngày cha cứ sáng sớm đi làm, chiều tối về nhà. Thế nhưng sau khi nghe mẹ tôi kể về những tội mà chúng tôi phạm phải trong ngày thì cha lại không ngớt lời rầy la chúng tôi.
Có lần tôi ăn trộm một cây kẹo ở cửa tiệm nhỏ đầu phố. Cha biết chuyện và nhất định bắt tôi đem trả. Không những thế cha còn bắt tôi đến quét dọn cửa tiệm để chuộc lại lỗi lầm. Lần ấy duy chỉ có mẹ hiểu bởi dù sao tôi cũng chỉ là đứa trẻ mà thôi.
Tôi chơi bóng sơ ý bị gãy chân. Trên đường đến bệnh viện, người ôm tôi vào lòng là mẹ. Cha dừng xe hơi của ông trước cửa phòng cấp cứu, nhưng người bảo vệ yêu cầu ông đậu xe nơi khác vì chỗ đó chỉ dành cho những xe cấp cứu đỗ mà thôi. Cha nghe xong liền nổi giận: "Thế ông tưởng xe của chúng tôi là xe gì? Xe du lịch chắc?".
Trong những buổi tiệc mừng sinh nhật của tôi, cha chẳng giống một người cha chung vui với tôi chút nào. Cha chỉ mãi lo thổi bong bóng, bày bàn tiệc hoặc làm những việc phục vụ vặt vãnh. Vẫn là mẹ cắm nến lên bánh kem và đưa đến cho tôi thổi.
Xem những album ảnh, bạn bè thường hỏi: "Cha bạn ở đâu vậy?". Chỉ có trời mới hiểu nổi, vì lúc nào cha cũng là người cầm máy chụp hình. Còn mẹ và tôi thì luôn cười tươi như hoa và ảnh chụp dĩ nhiên là vô số.
Tôi còn nhớ có lần mẹ nhờ cha dạy cho tôi tập đi xe đạp. Tôi xin cha khoan hãy buông tay ra, nhưng cha nói đã đến lúc cha không nên vịn xe cho tôi nữa. Và thế là cha buông tay. Tôi té xuống đất, mẹ vội chạy lại đỡ tôi dậy, còn cha thì khoát tay ra hiệu mẹ tránh ra. Lúc đó tôi rất giận, và nhất định phải chứng tỏ cho cha thấy tôi cũng không cần sự giúp đỡ. Nghĩ vậy tôi lập tức gắng leo lại lên xe và chạy một mình cho cha xem. Lúc ấy cha chỉ đứng yên và nở một nụ cười.
Tôi vào đại học, tất cả thư từ đều do mẹ viết cho tôi. Cha chỉ gửi tiền ăn học và duy nhất một bức thư ngắn trong vòng bốn năm trời, nội dung chỉ vẻn vẹn vài dòng về chuyện tôi rời khỏi nhà đi học xa nên chẳng còn ai đá bóng trên thảm cỏ trước nhà nữa khiến thảm cỏ của cha ngày một tươi tốt.
Mỗi lần tôi gọi điện về nhà, cha dường như đều rất muốn trò chuyện với tôi nhưng cuối cùng ông lại nói: "Cha gọi mẹ lại nghe điện nhé!".
Thế rồi tôi cũng kết hôn, lại vẫn là mẹ khóc. Cha chỉ sụt sịt mũi vài cái rồi bước ngay ra khỏi phòng.
Từ bé đến lớn, cha chỉ thường nói với tôi những điều như: Con đi đâu đấy? Mấy giờ về? Xe còn đủ xăng không? Không, không được đi...
Cha hoàn toàn không biết thể hiện tình yêu thương của mình. Trừ phi...Trừ phi... Phải chăng cha đã thể hiện rất nhiều nhưng tôi lại vô tình không cảm nhận được tình thương yêu bao la đó?
Nguồn: www.macnauhoctro.com

Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011

Âm Dương và Ngũ Hành Theo Vũ Trụ Quan Cao Đài


Âm Dương và Ngũ Hành 
Theo Vũ Trụ Quan Cao Đài
Trần Ngọc Tâm

Cứ mỗi độ Xuân về là nhớ đến Kinh Dịch. Bởi Xuân ứng với Đức Nguyên của quẻ Kiền, người học Dịch tuy chưa nắm hết ý nghĩa sâu xa của Thánh Nhân trong Kinh Dịch, tuy với sự hiểu biết còn nông cạn cũng phải viết lên những điều suy nghĩ đã được học hỏi qua lớp Kinh Dịch Căn Bản tại CQPTGL.
a) Lược sử:
Thuyết âm dương ngũ hành đã được đề cập đến trong một tác phẩm thành văn tối cổ Trung Hoa là Kinh Dịch. Bộ Kinh này thâu thập các kiến thức và quan niệm của người xưa từ thời Thánh Phục Hy lưu truyền đến đời Đức Khổng Tử. Đức Khổng Tử góp nhặt và suy diễn thêm cho thành một hệ thống và ghi lại thành văn bản, nhờ đó ngày nay hậu thế có một quyển Bửu Kinh.
Theo truyền thuyết, người đầu tiên nhận thức được các lẽ âm dương biến hóa của Trời Đất, vạn vật là Thánh Phục Hy (khoảng 44 thế kỷ trước Tây lịch), người minh thị đề cập đến cái dụng của Ngũ hành là vua Hạ Vũ (khoảng 22 thế kỷ trước Tây lịch).
Đến thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, tại nước Tề (nay là tỉnh Sơn Đông) có học giả Trâu Diễn, căn cứ vào Kinh Dịch, đã phổ biến hết tinh thần và công dụng của âm dương, ngũ hành không những vào sự vật thiên nhiên mà còn cả vào việc người nữa. Do đó, người đời sau coi Trâu Diễn như người khai sáng ra phái Âm Dương. Phái này chính là nguồn gốc của phái Lý số do các học giả đời Tống sau này sáng lập.
Đến đời Hán, học giả Dương Hùng (53 trước Tây lịch - 20 Tây lịch) tham bác Kinh Dịch và Đạo Đức Kinh mở ra ngành Lý số học sơ khai qua tác phẩm Thái Huyền Kinh.
Đến đời Tống sơ (khoảng thế kỷ thứ 10) một nhân vật đạo gia kiêm nho gia là Trần Đoàn tự là Đồ Nam, hiệu là Hi Di tiên sinh, tinh thông cả Lý số học của các nhà đi trước đã tổng hợp các kiến giả về lý Thái cực của vũ trụ, lấy tượng số mà xét sự vận chuyển của Trời Đất, suy diễn ra hành động của vạn vật rồi áp dụng các hệ quả của Lý thái cực vào Nhân tướng học để giải đoán tâm tình, vận số của con người, mở đầu cho Lý số và Tướng số học. Quan niệm âm dương, ngũ hành được áp dụng rộng rãi trong Đạo học, Triết học, Nhân tướng học…. và thành ra một thành tố bất khả phân trong các môn học đó.
b) Nội dung của thuyết âm dương, ngũ hành:
Lúc đầu vũ trụ chỉ là một khối hỗn độn, không có hình dạng rõ ràng được gọi là thời Hỗn mang. Trong sự Hỗn mang đó, bàng bạc cái lẽ vô hình linh diệu gọi là Thái cực. Tuy nhiên, dẫu không biết được chân tính và chân chất của cái lẽ Thái cực huyền vi song Thánh Nhân dựa vào sự quan sát về tính cách biến hoá của vạn vật mà suy ra được cái động thể của Thái cực. Căn bản của sự biến hoá được biểu lộ bằng hai trạng thái tương phản là Động và Tĩnh. Động gọi là Dương, Tĩnh gọi là Âm. Dương lên đến cực độ thì lại biến ra Âm. Âm cực độ thì biến ra Dương. Hai cái trạng thái tương đối của cái Bản thể nguyên khởi duy nhất (Thái cực) cứ tiếp diễn mãi, điều hợp với nhau, sinh sinh hóa hóa không ngừng mà sinh ra Trời, Đất, Người cùng vạn vật. Vì Âm Dương phối hợp, đun đẩy lẫn nhau chuyển hóa thành thiên hình vạn trạng). Khảo sát thêm bài viết của Michael Jordan: Hình ảnh đối thể tương tác vận động như là những bổ túc cho nhau trong Vũ Trụ hẳn là một trong những biểu tượng triết lý cổ xưa nhất trong lịch sử nhân loại.*
Biến hóa là bề ngoài của Thái cực mà đạo Dịch căn cứ trên sự biến hóa của vũ trụ và vạn vật. Do đó, trong Hệ Từ Thượng Truyện, chương XI, tiết 5 mô tả diễn trình chuyển hoá (Dịch) như sau:
“Thị cố, Dịch hữu thái cực, thị sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái”: Vậy nên, đạo Dịch có Thái Cực, từ đó sinh ra hai nghi, hai nghi sinh ra (Âm và Dương) hai Nghi sinh ra bốn Tượng (bốn trạng thái tượng trưng bằng bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông) bốn tượng sinh ra tám Quẻ (Kiền, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài) tượng trưng cho Trời, Đầm, Lửa, Sấm, Gió, Núi, Nước, Đất).
Khởi đầu của sự biến hoá rất đơn giản, rồi từ cái đơn giản đó mà chuyển hoá dần dần để thành ra phức tạp. Vì Âm Dương là hai thành tố đầu tiên của vũ trụ, nên được Thánh Phục Hy chọn là biểu tượng căn bản và tượng trưng bằng hai cái vạch đơn giản:
(+)Vạch liên tục ( - ) tượng trưng cho Dương
(-)Vạch gián đoạn ( - - ) tượng trưng cho Âm
Giáo Lý Đại Đạo giải thích thêm: “Âm là vũ, dương là trụ. Vũ thì đóng khép trong gầm trời, trụ thì mở rộng. Trụ cũng là thời gian, là âm dương nối tiếp nhau. Còn vũ là không gian, là âm dương đồng thời tương đối."
Bước qua vòng không gian, thời gian, ta còn thấy rộng hơn như trong họa đồ tròn, họa đồ vuông trong Châu Dịch. Tròn (thời gian) vuông (không gian) được đúc kết nên một thể, nhưng không ngoài sự tiêu trưởng của âm dương.” (Yếu Điểm Giáo Lý Đại Đạo, trang 92).
Trong phép biến đổi để sinh ra Bát quái, hai vạch tượng trưng cho Âm Dương lần lượt chồng chất lên nhau theo nền tảng tam tài mà thành ra tám Quẻ căn bản với hình dạng và ý nghĩa tượng trưng sau đây:
1 - Kiền tượng trưng cho Trời
2 - Đoài tượng trưng cho Đầm, Ao
3 - Ly tượng trưng cho Lửa
4 - Chấn tượng trưng cho Sấm
5 - Tốn tượng trưng cho Gió
6 - Cấn tượng trưng cho Núi
7 - Khảm tượng trưng cho Nước
8 - Khôn tượng trưng cho Đất
Đó là tám Quẻ nguyên thủy gọi là “Tiên thiên Bát quái” do vua Phục Hy (4477 - 4363 trước Tây lịch) vạch ra để giải thích cái lẽ Âm Dương biến hoá của Thái cực. Về sau vua Hạ Vũ (2205 - 2163 trước Tây lịch) đặt ra Cửu trù (chín pháp lớn) phối hợp với Bát quái và tính cái số của Ngũ hành trong việc giải thích lẽ biến hoá của vũ trụ và vạn vật.
Tới đời Tây Chu, vua Văn Vương, trong thời gian bị giam ở ngục Dũ Lý (khoảng thế kỷ 11 trước Tây lịch) đã dành thì giờ suy diễn lại các quẻ tiên thiên Bát quái của Thánh Phục Hy thành tám quẻ, Bát quái mới gọi là hậu thiên Bát quái với các ý nghĩa thiên về nhân sự. Về Tiên Thiên và Hậu Thiên thì giáo lý Đại Đạo giải thích thêm: Vũ trụ quan bao hàm thực tại Bản thể và thế giới hiện tượng, bao hàm thường hằng và dịch biến, trong đó Thiên (thái cực) là động năng hóa sanh vạn hữu (hậu thiên) từ Hư vô (tiên thiên). “Nguyên sơ là lúc chưa có Trời Đất, vũ trụ này chỉ là một khí không hư ngưng kết thành một khối hồn nhiên, cực huyền cực diệu. Khối ấy trong Vô Cực hiện ra, gọi là Thái Cực (…) Trước khởi kỳ thỉ, chưa có một tượng hình động tịnh, nên gọi Tiên Thiên (…) Khi Thái cực phân nghi, âm dương hiển hiện, thì Trời Đất được dựng lên, muôn loài sanh sôi nẩy nở (…) (Yếu Điểm Giáo Lý Đại Đạo, trang 92).
Sau Con Văn Vương là Ngài Chu Công Đán viết thêm Hào Từ để giải thích về ý nghĩa và công dụng của các Hào, nhưng rất đơn giản, sau đến đời Đông Chu, Đức Khổng Tử (511 - 478 trước Tây lịch) đem kiến giải của mình bổ sung vào các điều truyền lại của Dịch lý đời Chu, san định lại và viết thành Kinh Dịch trong đó bao gồm cả Âm Dương, Bát quái và Ngũ hành.
Căn cứ theo ý nghĩa thông thường, cổ nhân gán cho Âm Dương Ngũ hành, các ý nghĩa tượng trưng sau đây:
Dương: Tượng trưng cho mặt trời, lửa, ánh sáng, sinh động, cứng cát, ban ngày, đàn ông...
Âm: Tượng trưng cho mặt trăng, tối tăm, nguội lạnh, bất động, mềm nhão, ban đêm, đàn bà...
Kim: Vàng, bạc, hiểu rộng ra là tất cả các chất kim thuộc.
Mộc: Cây trong rừng, nói tổng quát ra là mọi thực vật trên mặt đất.
Thủy: Nước và nói rộng ra là các chất lỏng.
Hỏa: Lửa, hơi ấm.
Thổ: Đất đá, nói chung Thổ bao gồm mọi loại khoáng chất trừ kim loại.
Về phương diện siêu hình, Âm Dương không phải là cái khí vật chất hữu hình hữu thể mà chỉ là biểu thị tượng trưng cho hai trạng thái tương đối, mâu thuẫn như nóng lạnh, sáng với tối, cứng với mềm, sinh với diệt, khoẻ với yếu…
Về phương diện ý nghĩa siêu hình của Ngũ hành, ta cũng đi đến kết quả tương tự Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, ngoài tìm cách vật chất của nó kể trên có một ý nghĩa tượng trưng có tính cách tương sinh tương khắc trong sự biến hoá của muôn vật diễn ra hàng ngày trước mắt.
c) Âm Dương Ngũ Hành trên Thiên Bàn của Cao Đài giáo:
Từ quan niệm là một lý thuyết triết học thuộc phần Hình nhi thượng từ đời Tống trở đi, Âm Dương thuộc Ngũ hành được đem áp dụng vào lãnh vực Hình nhi hạ. Dân tộc Trung Hoa và các dân tộc Á Đông chịu ảnh hưởng văn hóa sâu đậm của Kinh Dịch đã dùng lý thuyết Ngũ hành đem giải thích và gán ghép các đặc tính của vật chất được siêu hình hoá của Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ vào các lãnh vực thường dụng và cả trong tôn giáo, điển hình như sau:
Trong Đại Thừa Chơn Giáo có ghi:
Mượn hữu hình bày tỏ chỗ vô.
Thiên Bàn làm tấm bản đồ.
Coi ngoài mà biết điểm tô trong mình.
Tuy là sự giả hình sắp đặt.
Trái xem sao thì mặt cũng in.
Người tu phải biết giữ gìn,
Chuẩn thằng qui củ mà tìm Thiên cơ.
Đối với người tín đồ Cao Đài, Thiên Bàn vô cùng vi diệu. Dựa vào Dịch lý có thể hiểu cách trưng bày những lễ phẩm trên Thiên Bàn theo hình đồ Lạc Thư, mà cũng là Hậu Thiên Bát Quái đồ, đây cũng là Bí Pháp mà Đức Chí Tôn bày ra để dạy con cái của Ngài nương theo đó tu luyện mà trở về với Ngài.
Đèn Thái Cực.
Giữa Thiên Bàn trên hết là đèn Thái Cực, đèn phải thắp sáng luôn luôn, Ngọn đèn ấy gọi là “Thái Cực Đăng” hay “Tâm Đăng” là biểu tượng cho cái Tâm của Vũ Trụ. Ngọn đèn nầy soi sáng khắp cả Càn Khôn Vũ Trụ, không lay, không chuyển, Vạn loại nhờ đó mà sinh ra, nhờ đó mà an vui. Trời Đất nhờ đó mà Quang Minh, Trường Cửu. Người Tu hành nhờ đó mà tạo Phật tác Tiên, Siêu Phàm Nhập Thánh.
Hai ly nước.
Ly nước Trà tượng trưng cho Âm, ly nước Trắng tượng trưng cho Dương.
Mỗi khi cúng rót vào mỗi ly tám phân nước trắng và nước trà nghĩa là tám lượng Chơn Âm, tám lượng Chơn Dương, cộng lại là mười sáu lượng, hay còn gọi là một cân.
Ba ly rượu.
Ba ly rượu mỗi khi cúng rót vào mỗi ly ba phân, ba ly cộng lại là chín phân. Số ba là con số “Qui Nguyên”, còn số chín là con số “Cửu Thiên Khai Hóa”.
Hai cây đèn.
Hai cây đèn tượng trưng cho Nhựt, Nguyệt, trong Bát Quái Hậu Thiên là hai quẻ Khảm và Ly. Nói rõ thêm, hai chén nước Trà và nước Trắng là Âm Dương tức Lưỡng Nghi của Tiên Thiên, còn hai cây đèn Ly Khảm tức Âm Dương của Hậu Thiên.
Lư Hương.
Trên Lư Hương, mỗi khi cúng đốt năm cây nhang, ba cây hàng ngang bên trong, hai cây bên ngoài.
Khi cắm ba cây nhang bên trong vào lư hương, cắm cây ở giữa trước gọi là Phật, cắm cây thứ hai bên trái gọi là Pháp, cắm cây thứ ba bên phải gọi là Tăng.
Ba cây nhang bên trong gọi là “Án Tam Tài”. Hai cây nhang bên ngoài gọi là “Tượng Ngũ Khí”.
Tam Tài tức Thiên, Địa, Nhân, Trời có ba báu là: Nhựt, Nguyệt, Tinh, Đất có ba báu là: Thủy, Hỏa, Phong. Người có ba báu là: Tinh, Khí, Thần.
Trời nhờ ba báu đó dưỡng dục muôn loài, hóa sanh vạn vật, vận chuyển Càn Khôn, chia ra ngày đêm sáng tối.
Đất nhờ ba báu đó mà phong võ điều hòa, cỏ cây tươi nhuận, phân ra thời tiết: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Người nhờ ba báu đó mà tạo Tiên, tác Phật.
Như thế chúng ta thấy, con người đứng vào bực Tam Tài ngang bằng Trời Đất. Vì con người là Tiểu Vũ Trụ.
Ngũ hành là: Kim, Mộc, Hỏa, Thủy, Thổ.
a) Mộc tượng trưng cho Mùa Xuân, màu Xanh, phương Đông.
Mùa Xuân khí hậu mát mẻ như sương buổi ban mai, biểu hiện khởi đầu của một chu trình biến hoá mới của vạn vận bắt đầu hồi sinh và tăng trưởng. Mặt đất về Mùa Xuân, đâu đâu cũng một màu xanh thắm, Thái dương bắt đầu mọc ở phương đông. Tất cả đều bàng bạc ý nghĩa của Âm Dương tương thôi với Dương lấn lướt Âm một cách tương đối trong cái trung dung của Âm Dương (Âm Dương tỷ hòa thì vạn vật mới sinh). Do đó, cổ nhân đã lấy Mộc tượng trưng cho mùa Xuân, màu Xanh, phương Đông. Theo Dịch: Độn giả thoái dã, vật bất khả dĩ chung Độn, cố thụ chi dĩ Đại Tráng. Độn là thoái lui, sự vật không thể thoái lui đến cùng, cho nên quẻ Đại Tráng tiếp nhận sau đó. (Thời nào cũng có giới hạn. Thời thoái lui cũng có mức của nó, hết lui sẽ có lúc tiến lên và tiến mạnh. Đó là ý nghĩa của thời Đại Tráng. Nó biểu thị cho Dương khí đang lớn mạnh, đẩy âm khí tiêu vong, tượng trưng bằng 2 hào âm ở thượng quái.
b) Hỏa biểu thị mùa Hạ, màu Đỏ, phương Nam. Mùa hè nóng nực bức như lửa thiêu, Dương cương lên đến cùng cực. Hoa lá đặc trưng của mùa này như lụa và phượng vĩ trổ bông màu đỏ, phương Nam gần như ấm áp quanh năm nên Hỏa tượng trưng cho mùa Hạ, màu Đỏ và phương Nam vậy. Theo Dịch Lý khi cực Dương thì Âm sanh trong quẻ Thiên Phong Cấu ở phương Nam, ứng với hành Hỏa. Theo Dịch: Quải giả quyết dã, quyết tất hữu sở ngộ, cố thụ chi dĩ Cấu. Cấu giả ngộ dã. Quải là quyết liệt, quyết liệt ắt có chỗ gặp gỡ, cho nên quẻ Cấu tiếp nhận sau đó. Cấu là gặp gỡ vậy. (Sau khi trải qua giai đoạn quyết liệt giữa quân tử và tiểu nhân, thì tình hình ổn định, có ổn định ắt có sự gặp gỡ, tạo nên những mối tương giao mới trong quan hệ).
c) Kim tiêu biểu cho mùa Thu, màu Trắng, phương Tây. Mùa Thu là giai đoạn cho Âm Dương tương thôi bình hòa khí trời nóng quá, không lạnh lắm, nhưng Dương cương bắt đầu suy, Âm nhu bắt đầu thịnh. Mặt trời lặn ở phương Tây sau khi đã mọc ở Phương Đông. Trời Mùa Thu thường có mây trắng ngà bao phủ, nên cổ nhân mới nhân đó mà chọn Kim tiêu biểu cho mùa Thu, màu trắng và phương Tây. Nói khác đi, theo Ngũ hành thì mùa Thu, sắc trắng phương Tây thuộc Kim. Theo Dịch: Lâm giả đại dã, vật đại nhiên hậu khả quan, cố thụ chi dĩ Quán. Lâm ấy là lớn, vật lớn lên sau đó mới có thể biểu thị (cho người xem), cho nên thời Quán là tiếp nhận sau đó. (Quẻ Lâm ở trên chỉ thị dương khí lớn lên, tức là người quân tử phát huy tài đức để mọi người có thể xem thấy (Quán). Sang tới quẻ Quán, hai hào dương đã lên tới Thượng Quái, các hào âm ở dưới nhìn lên có thể xét cho rõ đạo của quân tử, như thế Quán là xét thấu.
d) Thủy tiêu biểu cho mùa Đông, màu đen, phương Bắc. Hiện tượng độc đáo nhất của mùa Đông là tuyết rơi, giá buốt, cảnh vật ảm đạm, cửa nẻo đóng kín, tối tăm. Tuyết là một trạng thái của nước, phương Bắc thường hay có tuyết nên với tinh thần tượng hình, chuyển ý, cổ nhân Trung Hoa chọn hành Thủy để tượng trưng cho mùa Đông, màu Đen, phương Bắc.
Theo Dịch lý khi cực Âm thì dương sanh, Nhứt Dương sanh trong Quẻ Địa Lôi Phục ở phương Bắc, ứng với hành Thủy trong Ngũ Hành. Theo Dịch: Bác giả bác dã, vật bất khả dĩ chung tận; Bác cùng thượng phản hạ, cố thụ chi dĩ phục. Bác là đẽo gọt, vật không thể dứt hết; Bác lên đến cùng ở trên thì quay xuống dưới, cho nên quẻ Phục (trở lại) là tiếp nhận sau đó. (Vạn vật biến hóa không ngừng trong thiên nhiên, không có gì là chấm dứt hẳn. Cái này dứt thì chuyển hóa thành cái khác. Mặt trời lặn trong buổi hoàng hôn; nhưng sẽ chuyển hóa xoay vần lại làm cho mặt trời xuất hiện trong buổi bình minh. Trong quẻ Bác, hào dương trên cùng bị lấn sẽ đảo xuống mà xuất hiện ở dưới, biến thành hào sơ của quẻ Phục.
e ) Thổ tiêu biểu cho Đất, màu Vàng, Trung ương.
Kinh Dịch phát tích ở lưu vực sông Hoàng Hà, đất đai ở đây màu vàng (hoàng thổ) nên Thánh Nhân xưa dựa vào sự vật để định tên, lấy đất tiêu biểu cho chất Thổ và màu vàng tượng trưng cho sắc Thổ. Bởi Thánh Nhân lấy địa phương (Hoàng Hà) của họ làm trung tâm quan sát, vàng là màu trung ương, Thổ là Hành chủ bao gồm cả bốn hành còn lại với lý do Địa tải sơn hà vạn vật (Sông núi, muôn loài vạn vật đều do đất chứa đựng). Thổ ở trung ương, là Ngôi Hoàng Cực phóng phát ra vạn hữu.
2 - Năm đức tính căn bản của con người:
Trên bình diện đạo đức, năm đức tính căn bản để phân định kẻ lương tri với kẻ bại hoại là Nhân Nghĩa Lễ Trí và Tín, gọi chung là Ngũ thường. Dựa vào ý nghĩa siêu hình của Ngũ hành và đặc tính bao quát của Ngũ thường người ta đã đi đến chỗ Ngũ hành hoá Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín.
a) Nhân ứng với Mộc: Nhân chủ ở chỗ thanh tĩnh, ung dung tự tại, không cạnh tranh bao dung và đãi người đồng đẳng. Thảo mộc, vốn không di động cạnh tranh, loài tùng bách quanh năm xanh tươi, bất chấp gió sương, nóng lạnh, tượng trưng cho thái độ an tĩnh, ung dung tự tại. Cây cỏ còn để người che mưa tránh nắng, không phân biệt một ai. Hoa quả trong chốn sơn lâm ai thưởng thức cũng được. Cái đức tự nhiên lưu hành của thảo mộc tương tự như đức Nhân của bậc thức giả nên Mộc được coi là biểu tượng của đức Nhân ở nhân loại. Do ở ý nghĩa mà Khổng Tử đã nói “Nhân giả nhạo sơn” (Bậc nhân giả thích núi) vì trên núi có thảo mộc tượng trưng cho đức Nhân của tạo vật.
b) Nghĩa ứng với Kim: Luôn luôn thích ứng với phép tắc thiên nhiên hoặc công lý, hằng cửu, không biến chất, cứng cỏi không sờn. Đó là những ý nghĩa bao quát của Nghĩa. Loài Kim thuộc như vàng luôn luôn giữ mãi vẻ sáng cứng rắn, khuyết biết tiết, dù ở nơi này hay nơi khác, lúc nào cũng vậy, phảng phất ý nghĩa của đức Nghĩa nên cổ nhân lấy Kim tượng trưng cho Nghĩa.
c) Lễ ứng với Hỏa: Lễ gồm chung tất cả những gì soi sáng khuôn phép, tạo nên tôn trọng, duy trì giềng mối, phát huy chân lý tự nhiên lưu hành, Tế tự là một hình thức cụ thể của Lễ, biểu dương sự tôn kính. Một trong những cái ứng dụng của Hỏa là soi sáng tại nơi, làm hiển lộng cái tôn kính quỷ thần của con người nên cái dụng (về phương diện ý nghĩa triết học ) của Hoả và Lễ tương đồng, nên Lễ ứng với Hỏa.
d) Trí ứng với Thủy: Kẻ trí không điều gì là không thấu triệt, nước không đâu là không thông qua. Cái đức của Trí và Nước có sự tương đồng đại lược nên người xưa đã nói một cách đầy biểu tượng “Trí giả nhạo Thủy” (Bậc trí giả thích nước). Do đó, Thủy tượng trưng cho Trí.
e) Tín ứng với Thổ: Bản chất của Thổ là không bao giờ sai chạy. Thảo mộc dựa vào đất mà sống và đất cứ theo từng mùa nhất định mà thúc đẩy sự sinh diệt của cây cối theo đúng chu trình chuyển hóa tự nhiên của tạo vật, không bao giờ sai chạy. Do đó, so với Tín thì bản chất của Tín và Thổ về ý nghĩa tổng quát có những nét tương đồng.
Tóm lại, chúng ta tìm hiểu Dịch Lý để có thể hiểu được Đức Chí Tôn muốn nói cho chúng ta biết Ngài là Chủ cả càn khôn thế giái, tất cả đều do Ngài khai mở, nay Hạ Nguơn hầu mãn, Ngài đến thế gian nầy để quy nguyên Tam Giáo, hiệp nhứt Ngũ Chi. Dịch Lý trong Vũ Trụ Quan Cao Đài giúp cho người tu hiểu rõ cội nguồn về Vũ Trụ và ứng dụng trong Nhân sinh. Đối với người tín đồ Cao Đài Ngài dạy lập Thiên bàn là Ngài bày bí pháp để dạy cho con cái Ngài nương theo mà tu luyện để được trở về cùng Ngài theo nguyên lý Nhứt tán vạn, vạn quy Nhứt.

Tài liệu tham khảo:
- Âm Dương Và Ngũ Hành Trong Vũ Trụ Quan Trung Hoa (Internet).
- Dịch Học Tân Thư, Lý Minh Tuấn.
- Yếu Điểm Giáo Lý Đại Đạo.
Trần Ngọc Tâm
Nguồn: www.nhipcaugiaoly.com

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2011

Hồi tâm hướng thiện


HỒI TÂM HƯỚNG THIỆN
THÁNH THẤT BÌNH HÒA
Tý thời 14 rạng Rằm tháng 8 Canh Tuất (14-9-1970)

      DIÊU TRÌ KIM MẪU, Mẹ linh hồn các con! Mẹ mừng các con.
      Mỗi độ Thu sang là mỗi lần các con hội hiệp cùng nhau thiết lễ Trung Thu hiến dâng cho Mẹ. Mẹ rất vui chứng lòng thành của các con, dầu hoa quả ở cõi phàm trần, nhưng các con đã hái từ cội Ðào Tiên đang kết quả đơm hoa trên mảnh tâm điền thiện mỹ của các con. Mẹ sẽ cho Chư Phật Nữ, Tiên Nương đem hiến dâng lên Ðức Chí Tôn Từ Phụ để đãi Chư Phật Tiên Thánh Thần cho các con được hưởng nhờ ân phước, đồng thời Mẹ tưởng thưởng lòng từ bi bác ái chung hòa đoàn kết của các con trong niên trình hành Ðạo. Mẹ ban ơn lành cho các hoa quả trong Yến Bàn Ðào giờ nầy sẽ trở thành những trái phép để ngày mai các con đem chia sớt nhau lớn nhỏ đồng đều, và bảo với chúng hãy để tâm chí thành dùng đó làm sự cứu cánh cho thân tâm được nhẹ nhàng vui vẻ hướng thiện làm lành.
Thi:
Hội Yến Bàn Ðào quả tốt xinh,
Thương con Mẹ bố phép huyền linh;
Cho con thọ hưởng khuây lòng tục,
Nhớ đến căn xưa chốn Ngọc Ðình.
 Thi bài:
Chốn Ngọc Ðình mùi hương phưởng phất,
Cõi trần gian chầu chực hiến dâng;
Xe Loan giá hạc tạm dừng,
Chứng lòng con trẻ Mẹ mừng đoàn viên.
Ánh trăng Thu diệu huyền tỏa khắp,
Gió Thu đưa khúc nhạc du dương;
Ðiện tiền nghi ngút mùi hương,
Nhìn con Mẹ thấy xót thương ngậm ngùi! 
      Mẹ nhắc lại ở đây về trách nhiệm gắn liền với các con. Các con phải cố gắng làm sao đem niềm chung hòa đến cho tất cả mọi người. Có được vậy, các con mới đạt đến thành công trong sứ mạng Tam Kỳ Phổ Ðộ.
      Mẹ là Mẹ linh hồn tất cả vạn linh sanh chúng, không riêng của một thế giới quốc gia nào, không riêng tổ chức nầy hay tổ chức kia, cũng không riêng tôn giáo nầy hay tôn giáo khác, mà cũng chẳng phải riêng cho con. Vì thế nên Mẹ không đặt các con vào phạm vi hạn hẹp. Mẹ bảo tồn con trong khung trời bao la thanh thoát để các con khỏi bị vương víu phiền não chướng ngại hầu thực hiện lòng nhân để gieo rắc tình thương Vô Cực cho thế gian nầy, cho con cái của Mẹ sớm được an lạc tu hành, trở về quê xưa vị cũ.
      Con ôi! Tất cả các con của Mẹ đều có căn lành từ Thượng Ðế phát ban, đến thế gian để tiến hóa lên hàng Phật Tiên Thần Thánh, nên chi các con đều có một điểm thiên lương chơn tánh phát hiện trên cõi đời loạn lạc tế khổ phò nguy hồi tâm hướng thiện. 
      Tuy chia ra nhiều giáo phái, nhiều tổ chức, nhưng cũng cùng trong vòng đạo đức luân lưu, mặc dầu đó là việc làm của hàng Thánh thiện Thánh tâm, song chưa đạt đến chứng vị là vì bởi chấp ngã! Chỉ có sự chấp ngã mới không chung hòa nhau được trên dị biệt dị đồng, hình thức nầy hình thức nọ.
      Từ đây Mẹ khuyên các con cần cố gắng rèn tâm luyện tánh, làm sao cho được thanh cao hòa ái hơn nữa, kiên nhẫn hơn nữa để sớm hoàn thành sứ mạng chung hòa của Mẹ đã phó giao.
      Kìa con! Ðời đang loạn lạc, người người mong vọng hòa bình. Tôn giáo đang chia rẽ, tín đồ đạo hữu mong vọng điều hiệp nhứt. Mà hòa bình do nơi đâu hỡi con? Hòa bình hay hiệp nhứt, Ðức Thượng Ðế đã ban cho mỗi con từ khi mới đến trần gian. Con hãy tìm đem ra mà sử dụng. Tâm con hòa bình, thế giới sẽ hòa bình. Tâm con hiệp nhứt, tôn giáo sẽ hiệp nhứt. Các thứ ấy con không thể cầu ở tha lực mà có đâu con!
      Trung Thu nầy, Mẹ rất vui nhìn thấy các con nam nữ nhứt tâm hành Ðạo. Mẹ sẽ dành hồng ân để hộ độ các con trên đường tu thân hành Ðạo.
      Qua mấy Thu rồi, các con đã lãnh trách nhiệm chung hòa, một trách nhiệm, một sứ mạng mà các con có thể gồng gánh và hoàn thành được trong đời tu hành của các con dầu kiếp phù sinh có ngắn ngủi.
      Mấy Thu rồi, các con đã dốc hết tâm lực tận tụy với trách nhiệm để phục vụ chơn lý, giúp đỡ người đời cơn đau khổ. Các con đã thực hành lòng nhân là chỗ ÐỨC CHÍ TÔN hằng ngự, lại thể hiện được tình thương Vô Cực bao la của Mẹ dầu ở trong tầm tay hạn hữu của các con.
      Mẹ rất vui và mong sao các con cố gắng thêm nữa để xứng đáng ngôi vị Phật Nữ, Tiên Nương trước thềm Bạch Ngọc. Con ơi!
  Thi Bài:
Mấy mươi Thu gặp thời tao loạn,
Phận liễu bồ sứ mạng cam go;
Mênh mông khổ hải lái đò,
Sóng xao mặc sóng, lòng lo rèn lòng.
Nhìn khắp hết trong vòng trần thế,
Thương nhơn loài giọt lệ khôn ngăn;
Quả nhân kết cấu vô ngằn,
Ða mang nghiệp lực oại oằn thân sanh.
Mẹ muốn chọn cây lành giống tốt,
Nhờ tay con đùm bọc vun trồng;
Từ bi bác ái đại đồng,
Tương lai thế hệ Tiên Rồng đảm đương.
  Người đi trước khai đường mở ngõ,
Các con sau khêu tỏ đuốc thần;
Soi qua khắp nẻo hồng trần,
Ðộ người thoát cảnh gian truân khổ nàn.
Trên điện ngọc bỉ bàng yến tiệc,
Quả đào Tiên bất diệt bất sanh;
Hiến dâng với một lòng thành,
Chứng minh Mẹ rưới điển lành ban cho.
  Biển trần tục trên đò Bát Nhã,
Tay lái lèo muôn ngã trần gian;
Tâm con chớ để gió lòn,
Trước cơn bảo táp mà thoàn chinh nghiêng.
Con nhớ quả đào Tiên thuở trước,
Mấy nghìn năm mới được một kỳ;
Bàn Ðào đãi giữa trường thi,
Phật Tiên Thần Thánh đồng quy đồng hành.
Trên Thượng Ðế háo sanh ban bố,
Dưới bệ rồng võ lộ gội nhuần;
An vui trên chốn thượng từng,
Không vào cõi tục trọn phần Thiên Tiên.
Nay các trẻ đào Tiên quả tục,
      Mẹ ban vào hạnh phúc tương lai;
Ðể con giữa chốn trần ai,
Tu tâm luyện tánh Diêu Ðài trùng hoan.
      Hỡi con! Tu là xóa bỏ việc hồng trần, tránh điều phiền lụy, giữ tánh thanh nhàn, vui câu đạo đức. Ngược lại, sự tu hành các con ngày nay phải liệu trước lo sau, từ gia đình đến xã hội, từ Ðạo giáo đến tha nhân, nào bồi công lập đức, nào tế chúng độ nhân, mà chính thân con đã chịu nhiều gian lao khổ cực. Nếu là một kẻ khách quan nhìn vào, sẽ thấy sự cách biệt hai đường lối, hai hoàn cảnh, nhưng đối với bậc chơn tu thì xem đó là một, chỉ là nội tâm và ngoại cảnh mà thôi.
  Thi Bài:
Người tu hành tâm không vọng động,
   Dầu cảnh đời gió lộng sóng xao;
Tâm như gương sáng làu làu,
Không vương phiền não, thoát rào quả nhân.
Tâm đặt vào trong thân huyết nhục,
  Ánh linh quang chẳng chút lu mờ;
Thanh nhàn như trẻ ngây thơ,
Mặc cho ngoại cảnh hửng hờ buồn vui.
Giữa tục lụy không mùi ô nhiễm,
Trong thể phàm đốn tiệm thanh cao;
Thân sanh giữa cõi trần lao,
Riêng tâm, tâm vẫn ra vào Thiên Không.
Cảnh an lạc thân đồng với cảnh,
Thân gian lao vì cảnh đảo điên;
Sống đời nước loạn nhà nghiêng,
Có thân con giữ vẹn tuyền nghĩa nhân.
      Cảnh khai thông là trường huấn luyện,
Là lò rèn xuất hiện Kim Thân;
Là tâm tu niệm đơn thuần,
Thu sang Ðông đến thì Xuân mới về.
 
Ngâm:
  Ðêm Thu Mẹ rưới hồng ân,
Các con nam nữ tinh thần thắm tươi;
Hy thân vì Ðạo vì đời,
Thu sang Xuân đến một Trời vinh quang,
Các con nhớ lấy lời vàng,
Trần trung trẻ tạm, cung loan Mẹ về.
Thăng.

Thứ Ba, 22 tháng 2, 2011

Những công dụng đặc biệt của điện thoại di động




Công dụng đặc biệt của điện thoại di động


Ngoài việc tiện lợi trong việc liên lạc hàng ngày, điện thoại di động (cầm tay) còn có thể hữu ích trong một vài trường hợp khẩn thiết. Thật vậy điện thoại di động có thể cứu mạng sống của chúng ta hoặc giúp chúng ta cẩu cứu khi gặp nạn.

Cấp cứu:
Số gọi cấp cứu toàn cầu của điện thoại di động là 112.  Nếu bạn đang ở ngoài vùng hoạt động của điện thoại di động của bạn  thì khi bạn bấm số 112 điện thoại của bạn sẽ tự động dò tìm bất cứ mạng lưới nào đang hoạt động trong vùng và  chuyển số cấp cứu dùm cho bạn. Điều đáng chú ý là dù bảng nút bấm của máy có bị khoá, bạn vẫn bấm được số 112…không tin bạn hãy cứ thử xem!

Khi quên chìa khoá trong xe:
Xe bạn có hệ thống mở khóa từ xa không cần chìa khoá (remote keyless) phải không? Nếu có thì  tiện lắm. Khi bạn quên chìa khoá trong xe và  nếu bạn để chìa khóa dự phòng  ở nhà thì bạn hãy dùng điện thoại di động gọi về nhà. Sau đó bạn hãy cầm điện thoại của bạn cách xa cửa xe của bạn  1 bộ (chừng 30 cm) rồi yêu cầu người nhà của bạn lấy chiếc chìa khoá dự phòng để  gần điện thoại của  họ và bấm vào nút “unlock”. Như vậy cửa xe sẽ mở  mà bạn khỏi  cần phải nhờ  ai chạy xe đem chìa khóa tới cho bạn. Khoảng cách không thành vấn để dù  là bạn đang ở cách nhà cả trăm dặm miễn sao ở nhà  bạn có người nhận điện thoại và bạn có để chìa khóa “remote” của xe ở nhà.

Pin điện thoại di động bị yếu:
Giả sử pin điện thoại  di động của  bạn  quá yếu. Muốn kích hoạt  lại pin bạn hãy bấm nút  *3370#.  Điện thoại di động sẽ sử dụng điện năng  dự trữ và pin sẽ có 50% gia tăng về điện năng. Tới khi bạn “sạc ”lại máy thì  kho dự trữ  điện năng cũng sẽ  sạc lại luôn.

Điện thoại di động bị lấy cắp:
Muốn kiểm tra số sản xuất  (serial number) điện thoại  di động của bạn thì  bạn hãy bấm *#06#.  Mã số gồm 15 con số sẽ  xuất hiện , bạn hãy ghi lại và cất giữ cẩn thận.
Nếu điện thoại bị đánh cắp, bạn có thể gọi công ty điện thoại  và cho họ biết mã  số nói trên. Họ sẽ “khóa” (block) máy của bạn  lại nên dù kẻ đánh cắp có đổi SIM card thì máy của bạn  vẫn hoàn toàn vô dụng. Tuy bạn không lấy lại được máy, nhưng ít ra bạn cũng biết không ai có thể sử dụng/bán chiếc máy của bạn.

Tránh đừng ghi mối liên hệ với những người có tên trong điện thoại di động:
 




Một bà bị giật mất bóp trong có điện thoại di động, thẻ tín dụng, ví tiền…Và câu chuyện đáng tiếc sau đây đã xảy ra cho bà:
Khoảng 20 phút sau khi bị giật bóp bà đã dùng điện thoại công cộng gọi cho “đức lang quân” để báo tin. Nhưng chồng bà bảo là “Anh đã nhận được thông điệp (message) của em hỏi mã số ngân hàng của chúng ta (PIN number) và anh vừa mới gởi cho em”. Nghe thấy vậy, bà ta đã vội vã cùng chồng chạy  tới ngân hàng thì  hỡi ôi…bọn cắp đã rút hết tiền.
Thì ra bọn cắp đã sử dụng điện thoại di động của bà để gởi thông điệp tới chồng bà ta để lấy mã số trương mục ngân hàng. Tại sao vậy? Vì bên cạnh các số điện thoại liên lạc, bà ta có ghi mối liên hệ với  người được gọi nên bọn cắp tìm ra chồng bà ta.
Vậy thì bạn nên tránh đừng tiêt lộ mối liên hệ của bạn với những người có tên lưu trữ trong điện thoại di động. Bạn hãy tránh dùng những từ như Home, Honey, Hubby, Sweetheart, Dad, Mom

Coi chừng khi dùng điện thoại di động:
1. Hãy giới hạn thời gian dùng đin thoại di động
Các bạn hãy
phóng lớn
thử làm một thí nghiệm với 1 quả trứng sống và 2 điện thoại di động trong 65 phút, với 2 máy nối kết với nhau như hình kế bên:
• Các bạn sẽ thấy, trong 15 phút đầu mà 2 điện thoại liên lạc với nhau, không có gì xảy ra.
• Sau 25 phút, quả trứng sống sẽ bắt đầu nóng lên.
• 45 phút sau nữa, quả trứng sẽ thật nóng.
• Đến 65 phút thì quả trứng bị chín hẳn.
phóng lớn
Kết luận: Sự phát sóng qua lại giữa  hai máy điện thoại di động có tiềm năng biến đổi các protein của quả trứng. Hãy tưởng tượng, chiếc điện thoại này tác động như thế nào đến các protein trong não bộ của bạn, khi bạn nói chuyện thật lâu trên điện thoại.
2. Chớ dùng điện thoại di động đang cắm ổ điện: 
Cách đây vài ngày, một người đang sạc điện máy điện thoại di động. Vừa lúc đó điện thoại reo, anh nhấc điện thoại lên nghe mà không rút dây sạc điện.
Sau vài giây điện truyền không ngừng qua điện thoại và anh ta bị  hất mạnh ngã xuống đất. Bố mẹ  anh chạy vào thấy anh ta nằm bất tỉnh, mạch tim yếu, các ngón tay bị cháy đen. Khi chở vào nhà thương thì anh  tắt thở.
Bạn nên nhớ điện thoại di động rất tiện lợi nhưng cũng có thể là dụng cụ giết người. Bạn chớ bao giờ dùng điện thoại di động khi máy đang cắm vào ổ điện. 
Khi pin máy điện thoại  hết điện tới vạch CHÓT, đừng nên trả lời điện thoại vì bức xạ lúc này cao gấp 1000 lần so mới mức thông thường.
Nguồn: http:\\hoaitrucle1952.multiply.com/journal/item/222/222

Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2011

Mẹ lạnh lắm phải không?


Mẹ lạnh lắm phải không?

Vào một đêm Giánh sinh, một thiếu phụ mang thai lần bước đến nhà một người bạn nhờ giúp đỡ. Con đường ngắn dẫn đến nhà người bạn có một mương sâu với cây cầu bắc ngang. Người thiếu phụ trẻ bỗng trượt chân chúi về phía trước, cơn đau đẻ quặn lên trong chị. Chị hiểu rằng mình không thể đi xa hơn được nữa. Chị bò người phía bên dưới cầu.
Đơn độc giữa những chân cầu, chị đã sinh ra một bé trai. Không có gì ngoài những chiếc áo bông dày đang mặc, chị lần lượt gỡ bỏ áo quần và quấn quanh mình đứa con bé xíu, vòng từng vòng giống như một cái kén. Thế rồi tìm thấy được một miếng bao tải, chị trùm vào người và kiệt sức bên cạnh con.
Sáng hôm sau, một người phụ nữ lái xe đến gần chiếc cầu, chiếc xe bỗng chết máy. Bước ra khỏi xe và băng qua cầu, bà  nghe một tiếng khóc yếu ớt bên dưới. Bà chui xuống cầu để tìm. Nơi đó bà thấy một đứa bé nhỏ xíu, đói lả nhưng vẫn còn ấm, còn người mẹ đã chết cóng.
Bà đem đưa bé về và nuôi dưỡng. Khi lớn lên, cậu bé thường hay đòi mẹ nuôi kể lại câu chuyện đã tìm thấy mình. Vào một ngày lễ giáng sinh, đó là sinh nhật lần thứ 12, cậu bé nhờ mẹ nuôi đưa đến mộ người mẹ tội nghiệp. Khi đến nơi, cậu bé bảo mẹ nuôi đợi ở xa trong lúc cậu cầu nguyện. Cậu bé đứng cạnh ngôi mộ, cúi đầu và khóc. Thế rồi cậu bắt đầu cởi quần áo. Bà mẹ nuôi đứng nhìn sững sờ khi cậu bé lần lượt cởi bỏ tất cả và đặt lên mộ mẹ mình.
"Chắc là cậu sẽ không cởi bỏ tất cả - bà mẹ nuôi nghĩ - cậu sẽ lạnh cóng!", song cậu bé đã tháo bỏ tất cả và đứng run rẩy. Bà mẹ nuôi đi đến bên cạnh và bảo cậu bé mặc đồ trở lại. Bà nghe cậu bé gọi người mẹ mà cậu chưa bao giờ biết:
"Mẹ đã lạnh hơn con lúc này, phải không mẹ?" và cậu bé òa khóc.
Nguồn: matnauhoctro.com