Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Các phương pháp ghi nhớ


Các phương pháp ghi nhớ

Muốn học bài mau thuộc nhất thiết phải học có phương pháp. Qua các chương trước chúng tôi đã trình bày một số phương pháp để giúp bạn trong việc học bài sao cho mau thuộc. Trong chương này xin hướng dẫn bạn đi sâu vào chi tiết hơn khi thực hiện các phương pháp ấy.
1. Ghi thành dàn bài:
Thực tế có nhiều bạn chỉ nghe nói ghi dàn bài, nhưng chưa rõ phương thức ghi cụ thể ra sao.
- Trước tiên bạn đọc toàn bài môn bạn đang học 1 lần - 2 lần - hoặc cũng có thể là 3 lần. Ðến lúc bạn nắm chắc yêu cầu bài mới thôi. Vì có hiểu sơ bộ bài, bạn mới lập được dàn bài. Bạn chia nội dung toàn bài thành 3 phần chính (Ví dụ là A - B - C). Trong phần A - có nhiều mục nhỏ, bạn có thể sắp xếp các mục nhỏ ấy gọi là “tiêu đề” bằng những chữ số:1, 2, 3...
- Và tiếp theo các phần B - C cũng thế. Phần nào cũng có những tiêu đề riêng.
- Nhưng trong mỗi phần đều có những yêu cầu quan trọng của nó. Bạn nên ghi nhận cụ thể các phần quan trọng ấy trong mỗi phần của dàn bài, có thể gạch dưới hoặc viết đậm để dễ nhớ.
- Ðã có dàn bài chi tiết rồi sẽ là điều kiện giúp bạn dễ dàng việc học bài sau đó.
2. Nhẩm trong óc:
Bạn hệ thống bài bằng cách “nhẩm trong óc”, nhẩm từng phần một của dàn bài, chỗ nào quên bạn dừng lại, lật dàn bài ra xem lại. Bạn cứ tiếp tục nhẩm sang phần khác và đừng quên các phần quan trọng đáng ghi nhớ, đừng bỏ sót một chi tiết nào. Lần lượt như vậy cho đến hết toàn bài.
- Lần thứ hai, bạn bắt đầu nhẩm lại tất cả có hệ thống toàn bài hơn.
- Lần này bạn ghi nhận phần đã bị quên. Bạn mở sách xem lại, ghi ra giấy hoặc đánh dấu những phần đó. Bạn tìm ý những chỗ quên sót để rồi học lại cho nhuần nhuyễn.
- Lần thứ ba, bạn hệ thống lại bài và bạn đặt thành câu hỏi rồi tự giải quyết trong óc câu hỏi ấy. Bạn xem lại việc trả lời có thông suốt phân minh chưa. Nếu chỗ nào vướng mắc lật dàn bài ra xem.
* Một bài học gọi là được nắm chắc là khi bạn:
- Có kỹ năng trả lời gãy gọn các câu hỏi đặt ra.
- Hiểu bài thông suốt từng phần cũng như toàn bài.
- Nắm vững trọng tâm bài học một cách chuẩn xác. Nếu là môn học như Toán - Lý- Hóa- Sinh thì các quy tắc các công thức, các định lý, định đề... bạn phải thuộc thật nhuần nhuyễn mới được.
Môn Văn: Cần ghi nhớ các tên và tiểu sử tác giả. Thuộc kỹ các bài thơ, các đoạn văn xuôi, chọn lọc và nhớ bài thơ này của tác giả nào, bài văn kia tác giả là ai. Tránh tình trạng lộn xộn, lẫn tên tác giả này với tác giả khác, hoặc bài văn xuôi mà lại ghi tên tác giả là một nhà thơ v.v...
Các phần văn xuôi hay thơ, bạn đều phải nắm bố cục chặt chẽ, chủ đề tư tưởng và nghệ thuật mà tác giả đã sử dụng. Ngoài ra bạn nên trích dẫn những đoạn văn hay, bài thơ hay, ghi vào sổ tay bạn để dễ học thuộc. Thuộc nhiều thơ văn để tạo vốn từ phong phú khi làm bài.
Môn Sử, Ðịa: Cần nắm rõ đặc thù từng môn để dễ học.
- Sử: Cần nhớ chính xác các mốc thời gian của sự kiện và luyện cách phân tích tổng hợp để rút ra được những bài học lịch sử một cách chính xác.
- Ðịa: Nắm rõ đặc điểm địa thế từng bước từng vùng, tên sông, tên núi, nguồn tài nguyên khoáng sản.v.v...
3. Ghi ra giấy:
Ngoài cách ghi thành dàn bài chi tiết, bạn có thể ghi riêng ra giấy. Nhất là những công thức, những định lý, định đề. Từ giấy xếp lại bỏ túi để lâu lâu khi cần nhẩm lại, nếu quên bạn có thể mở ra xem.
Nhưng phải ghi bằng cách nào?
Ghi những điểm chính yếu nhất, còn điều quan trọng là bạn phải học thuộc.
Nói tóm: Khi ghi bạn chỉ tóm tắt phần quan trọng, sao cho khi mở trang giấy ra nhắc nhở bạn hệ thống bài học bằng trí nhớ và một cách hoàn hảo mà không cần mở sách.
Tránh ghi rườm rà, dư thừa, vừa mất thời an vô mà ích lại phí sức.
Nói chung làm thế nào để bạn có thể tổng hợp các phương pháp (nhẩm nhớ - ghi chép - và lập dàn bài) sao cho tạo được điều kiện để bạn đọc bài mau thuộc đó là đíều quan trọng nhất.
Một điểm nữa là bạn phải hết sức sử dụng các phương pháp ấy thật hài hòa và kết hợp chặt chẽ để việc học tập của bạn có kết quả mỹ mãn theo ý muốn.
Không nhất thiết phải áp dụng tất cả các phương pháp mà tùy khả năng vận dụng cho phù hợp.
Nguồn: kynang.edu.vn

Thứ Năm, 3 tháng 11, 2011

30 nguyên tắc vàng trong đối nhân xử thế


30 nguyên tắc vàng trong đối nhân xử thế

1.  Nguyên tắc 1: Không chỉ trích, oán trách hay than phiền.
2.   Nguyên tắc 2: Thành thật khen ngợi cảm kích người khác.
3.  Nguyên tắc 3: Khơi gợi người khác ý muốn thực hiện điều bạn đề nghị họ làm.
4.   Nguyên tắc 4: Chân thành quan tâm người khác.
5.   Nguyên tắc 5: Mỉm cười.
6.  Nguyên tắc 6: Luôn nhớ rằng tên một người là âm thanh êm đềm, ngọt ngào và quan trọng nhất đối với họ.
7.  Nguyên tắc 7: Lắng nghe người khác. Khuyến khích người khác nói về họ.
8.  Nguyên tắc 8: Nói về điều mà người khác quan tâm.
9.  Nguyên tắc 9: Thành thật cho người khác thấy sự quan trọng của họ.
10.  Nguyên tắc 10: Cách giải quyết tranh cãi tốt nhất là đừng để nó xảy ra.
11. Nguyên tắc 11: Tôn trọng ý kiến của người khác. Đừng bao giờ nói “Anh/chị sai rồi”
12.  Nguyên tắc 12: Nếu bạn sai, nhanh chóng và thẳng thắn thừa nhận lỗi lầm.
13.  Nguyên tắc 13: Luôn bắt đầu bằng một thái độ thân thiện.
14. Nguyên tắc 14: Hỏi những câu hỏi khiến người khác đáp “vâng, có” ngay lập tức.
15. Nguyên tắc 15: Tạo điều kiện để người khác được nói thỏa thích.
16. Nguyên tắc 16: Làm người khác tin rằng chính họ là người đưa ra ý tưởng đầu tiên.
17. Nguyên tắc 17: Thành thật nhìn nhận vấn đề theo quan điểm của người khác.
18.  Nguyên tắc 18: Đồng cảm với mong muốn và chia sẻ của người khác.
19.  Nguyên tắc 19: Khơi gợi sự cao thượng ở người khác.
20.   Nguyên tắc 20: Làm sinh động ý tưởng.
21.  Nguyên tắc 21: Thách đố, khơi gợi sự thử thách ở người khác.
22.  Nguyên tắc 22: Bắt đầu bằng những lời khen tặng thành thật.
23.  Nguyên tắc 23: Góp ý sai lầm của người khác một cách gián tiếp.
24. Nguyên tắc 24: Xem xét, nhìn nhận và đánh giá bản thân trước khi góp ý cho người khác.
25.  Nguyên tắc 25: Đặt câu hỏi gợi ý thay vì đưa ra mệnh lệnh.
26.  Nguyên tắc 26: Giữ thể diện cho người khác.
27. Nguyên tắc 27: Nhìn nhận sự nổ lực đóng góp của người khác một cách công bằng, cho dù đó là những đóng góp nhỏ nhất. Động viên, khuyến khích bằng sự chân thành và hưởng ứng nhiệt tình của bạn.
28.  Nguyên tắc 28: Khen ngợi để người khác luôn phấn đấu xứng đáng với lời khen đó.
29. Nguyên tắc 29: Khuyến khích người khác, làm cho họ thấy sai lầm không khó để chỉnh sửa.
30.  Nguyên tắc 30: Làm cho người khác cảm thấy vui vẻ thực hiện chính đề nghị của bạn.
Phuoc Long sưu tầm

Thứ Ba, 1 tháng 11, 2011

Chia sẻ


CHIA SẺ

Một thanh niên trẻ tốt nghiệp đại học một cách xuất sắc nộp đơn xin vào chức vị quản lý nhân sự cho một công ty lớn. Anh đã vượt qua vòng phỏng vấn đầu tiên, và vị giám đốc đang phỏng vấn anh vòng cuối để có quyết định cuối cùng. Vị giám đốc phát hiện ra anh thanh niên này có kết quả rất xuất sắc trong suốt những năm học từ tiểu học đến đại học, trong học bạ không năm nào anh không được thành tích cao.
Vị giám đốc hỏi:
- “Anh được học bổng trong trường phổ thông phải không?”.
Người thanh niên trả lời:
 - “Thưa không”
 - “Vậy chắc cha anh đã trả tiền học phí cho anh?”
 - “Cha tôi đã mất khi tôi lên một tuổi, mẹ tôi đã trả toàn bộ học phí”
 -“Mẹ anh làm gì, ở đâu?”
 -“Mẹ tôi làm thợ giặt”
 Vị giám đốc yêu cầu anh chìa đôi bàn tay ra. Anh đưa đôi bàn tay ra, một đôi tay mịn màn và hoàn hảo.Vị giám đốc hỏi:
 - “Trước đây anh có bao giờ giúp mẹ anh giặt đồ không?”
 - “Không bao giờ, mẹ tôi luôn muốn tôi học hành và đọc sách nhiều hơn. Hơn nữa, mẹ tôi có thể giặt nhanh hơn tôi”. Anh đáp.
Vị giám đốc nói: “Tôi có một yêu cầu. Khi anh về nhà hôm nay, hãy đi rửa tay cho mẹ anh rồi hãy đến gặp tôi vào sáng ngày mai”
Người thanh niên cảm thấy cơ hội kiếm được công việc này khá cao. Khi về nhà, anh sung sướng yêu cầu mẹ mình cho anh được rửa đôi tay của bà. Mẹ anh cảm thấy rất ngạc nhiên, và hạnh phúc với nhiều cảm xúc đan xen, bà chìa đôi tay cho con mình.
Anh thong thả rửa đôi tay cho mẹ mình. Nước mắt trào ra khi anh làm việc đó. Đó là lần đầu tiên anh nhận thấy đôi tay của mẹ mình quá nhăn nheo, thô ráp và thâm tím. Những vết thâm tím đó đau đớn đến nỗi người mẹ phải giật thót khi được kỳ cọ với nước. Đó là lần đầu tiên anh nhận ra rằng đôi tay đó đã phải giặt giũ mỗi ngày để có tiền đóng học phí cho anh. Những vết thâm tím trên đôi tay người mẹ là cái giá mà người mẹ phải trả cho những mảnh bằng tốt nghiệp, cho thành tích học tập và cho tương lai của anh.
Sau khi rửa xong đôi tay cho mẹ, anh lặng lẽ giặt nốt tất cả những áo quần còn lại giúp cho mẹ mình. Tối hôm ấy, hai mẹ con nói chuyện với nhau rất lâu.
Sáng hôm sau, anh đến văn phòng giám đốc. Vị giám đốc hỏi và nhận thấy mắt anh ngấn lệ: “Anh có thể kể tôi nghe anh đã làm và học được điều gì ở nhà trong ngày hôm qua không?
Anh trả lời: “Tôi đã rửa tay cho mẹ tôi, và cũng giặt hết tất cả áo quần còn sót lại.”
Vị giám đốc nói: “Hãy kể cho tôi biết cảm xúc của anh lúc đó”
Anh đáp: “Thứ nhất, giờ đây tôi biết thế nào là cảm kích và tri ân. Không có mẹ tôi thì không có sự thành công của tôi ngày hôm nay. Thứ hai, nhờ cùng làm việc và giúp đỡ mẹ, tôi mới nhận ra rằng, để làm được điều gì đó cũng khó khăn và vất vả biết bao nhiêu. Thứ ba, tôi đã nhận ra được giá trị và sự quan trọng của mối quan hệ trong gia đình.
Vị giám đốc nói, “Đây chính là những điều tôi cần tìm kiếm ở một người quản lý. Tôi muốn tuyển một người biết đánh giá cao sự giúp đỡ của người khác, một người hiểu biết những xúc cảm của người khác khi họ hoàn thành công việc, và là người không coi tiền bạc là mục đích chính của cuộc đời. Anh đã được tuyển dụng”.
Sau đó, người thanh niên đã làm việc rất chăm chỉ và nhận được sự quý trọng của những thuộc cấp. Họ làm việc cần mẫn và đoàn kết. Công ty phát triển rất lớn mạnh.
Một đứa bé thường được bảo vệ và chìu chuộng, sẽ phát triển tâm lý “sai khiến” và luôn nghĩ đến bản thân mình trước tiên. Nó sẽ thờ ơ trước những sự khó nhọc của cha mẹ. Khi nó bắt đầu công việc, nó sẽ luôn cho rằng mọi người đều phải lắng nghe nó, và khi nó trở thành một người quản lý, nó sẽ không bao giờ biết được những nhọc nhằn của những người làm công, và luôn đổ lỗi cho người khác. Đối với những tuýp người này, họ có thể có học vị cao, có thể thành công trong một giai đoạn nào đó, nhưng cuối cùng sẽ không có cảm thấy ý nghĩa của những gì mình có được. Họ sẽ càu nhàu và bực dọc và đấu tranh vì nhiều thứ khác. Nếu chúng ta là bậc cha mẹ kiểu này, chúng ta đã thực sự chứng tỏ tình yêu thương của mình hay là đang hủy hoại con mình?
Bạn có thể cho đứa con mình sống trong một ngôi biệt thự rộng lớn, ăn cao lương mỹ vị, tấu dương cầm, xem một ti vi thật lớn. Nhưng khi bạn đang cắt cỏ hãy để cho chúng cũng được có trải nghiệm này. Sau bữa ăn, hãy để chúng rửa bát đĩa cùng với các anh chị. Đó không phải vì bạn không có tiền thuê người giúp việc, mà là vì bạn muốn thương yêu chúng theo một cách đúng đắn. Bạn muốn chúng hiểu rằng, một ngày nào đó khi tóc hoa râm, cha mẹ giàu có cỡ nào cũng vậy thôi, giống như người mẹ của anh thanh niên này. Điều quan trọng là những đứa con của bạn phải học được cách biết ơn về những sự khổ công, nhọc nhằn và biết cách làm việc như những người khác để hoàn thành mọi việc.
Truc Chi sưu tầm