Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Những chiếc vỏ lon bia của bố

Những chiếc vỏ lon bia của bố

Những chiếc vỏ lon bia của bố

Năm tôi lên 10 tuổi, bố mua về cho một con búp bê. Đó là món quà đầu tiên trong đời tôi nhận được khi kết thúc lớp 4 với kết quả học sinh giỏi. 
Bố làm nghề lái xe ôm, quanh năm đội nắng đội mưa tìm khách để kiếm thêm thu nhập cho gia đình ngoài cái nghề thu mua đồng nát của mẹ. Tuy chạy xe ôm, nhưng ở đâu thấy những lon bia hay lon nước ngọt nằm lăn lóc là bố dừng xe nhặt, mặc cho khách ngồi sau xe tỏ ra khó chịu hay cảm thông cho bố. Nhiều hôm có những vị khách khi thấy hành động của bố đã khen bố là người chồng tử tế, là người bố biết chăm lo gia đình, để khi thanh toán tiền xe họ trịnh trọng “thưởng” thêm cho bố ít tiền và bảo: “Tôi khâm phục những người như anh”.
Mẹ tôi với vành nón lá tả tơi trên vai đôi quang gánh đi từng con hẻm để mua nhôm đồng, nhựa… và những thứ người ta chuẩn bị vứt đi để mong bán lại kiếm chút lời.
Gia đình tôi sống trong con hẻm chật chội nằm ở ngoại thành. Bố mẹ chắt chiu mãi vẫn không xây nổi căn nhà đàng hoàng để che mưa che nắng, chỉ có căn lều che tạm trong cái xóm “ngụ cư”. Từ cái ngày bố mẹ bán đi căn nhà tranh xiêu vẹo, không chống chọi nổi với những cơn bão ở dưới quê để sống tạm bợ nơi khu ổ chuột này, khuôn mặt bố ngày càng gầy thêm, đôi tay mẹ ngày một đen sạm vì nắng.
Thành phố lúc này là không gian thích thú đối với anh em chúng tôi, nhưng với bố mẹ là một sự vật lộn để kiếm từng đồng thu nhập nhỏ nhoi, thầm lặng và lao lực. Tuổi thơ lơ đãng tôi chưa hề để tâm tới.
Cuộc sống thiếu thốn là thế, nhưng gia đình 5 thành viên của chúng tôi luôn rộn rã tiếng cười đùa vì sự chăm sóc chu đáo, hết mức của ba mẹ.
Năm tôi học lớp 12, trong một lần cùng bạn bè đi học về, tình cờ thấy bố đang chở khách trên đường bất ngờ dừng xe lại trước một đống vỏ bia chừng 20 lon, để vị khách ấy ngồi trên xe, bố lấy bao nilon nhặt chúng vào trước những con mắt ngạc nhiên của đám bạn. Tôi đỏ mặt, ù tai khi trong đám bạn có đứa lên tiếng bảo: “Có phải bố của con P. ấy không?”… Tôi chạy một mạch về nhà, bỏ lại đám bạn, bỏ lại một chút tự ti, mặc cảm rất ngây thơ rồi ôm mặt khóc nức nở.
Tôi bỏ cơm tối, nằm lì trên giường. Mẹ đến dò xét mãi tôi mới chịu nói ra là vì sao mình khóc. Khi tôi nói ra những điều đó, mẹ ôm tôi bật khóc. Mẹ kể cho tôi nghe bố tặng tôi con búp bê hồi học lớp 4 là kết quả từ việc nhặt lon bia, rồi tiền mua cái áo nhân lúc sinh nhật, vòng đeo tay, sách vở… tất cả đều là tiền bố ki cóp từ đó mà có. Vì tất cả tiền chạy xe ôm bố đều đưa cho mẹ để trang trải cuộc sống, duy chỉ có thu nhập ít ỏi từ những lon bia là bố giữ lại đợi đến lúc cần thiết sẽ mua quà bánh cho tôi.
“Tất cả những thứ con có đều là từ lon bia đấy con ạ”. Mẹ tôi bảo như thế. Nghe xong những câu nói trong nước mắt của mẹ, tôi khóc như chưa bao giờ được khóc rồi mong bố đi chuyến xe ôm cuối cùng để về nhà sớm, tôi sẽ chạy ào ra ôm bố và bảo: “Bố ơi con thương bố nhiều, con có lỗi với bố”.
Yên Mã Sơn
Nguồn: tin247.com

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

9 thói quen giúp bạn ngủ ngon


9 thói quen tốt giúp bạn ngủ ngon

 

Một giấc ngủ ngon là gốc của một cơ thể khỏe mạnh. Thiếu ngủ không những ảnh hưởng cuộc sống, học tập và công việc bình thường, nghiêm trọng hơn còn có hại cho sức khỏe. Vậy làm thế nào để giải quyết vấn đề mất ngủ?
Nếu bạn kiên trì tạo được chín thói quen tốt sau đây trước khi ngủ, không những có thể giải quyết các vấn đề về giấc ngủ, mà còn giúp bạn tăng cường sức khỏe và làm chậm quá trình lão hóa.
1. Ngâm chân nước nóng
Trong cơ thể của chúng ta, bàn chân là bộ phận cách tim xa nhất, lượng ôxy và máu được cung cấp ít nhất, ngâm chân nước nóng trước khi ngủ sẽ thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu và tăng cường trao đổi chất.
2. Uống sữa mật ong
Chất Tryptophan trong sữa giúp bạn dễ đi vào giấc ngủ, mật ong có ích cho việc giữ cân bằng đường trong máu, tránh bị tỉnh giấc sớm, vì thế uống một cốc sữa pha chút mật ong một tiếng trước khi ngủ có thể giúp bạn có một giấc ngủ ngon lành.
Ngoài ra, cũng có thể ăn một quả chuối tiêu, vì trong chuối tiêu cũng có hàm lượng chất Tryptophan.
3. Rửa mặt bằng nước ấm
Bức xạ có ở khắp nơi trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Vì vậy, rửa mặt trước khi ngủ rất quan trọng.
Rửa mặt bằng nước ấm trước khi ngủ sẽ rửa sạch những hạt bức xạ và bụi lưu lại trên da mặt, một làn da sạch sẽ giúp bạn có một giấc ngủ ngon.
4. Dùng tay chải đầu
Trên đầu có nhiều huyệt vị, chải đầu có tác dụng mát xa và kích thích da đầu, lưu thông khí huyết, nâng cao khả năng tư duy và tăng cường trí nhớ, tăng thêm dinh dưỡng cho chân tóc, giảm rụng tóc, tiêu trừ mệt mỏi cho đại não, sớm đi vào giấc ngủ.
5. Đi bộ 15 phút
Trước khi ngủ, đi bộ tĩnh tâm 15 phút sẽ khiến máu lưu thông xuống phía dưới chân, tuần hoàn toàn bộ cơ thể, giúp bạn sớm đi vào giấc ngủ, ngoài ra còn có tác dụng dưỡng da.
6. Mở cửa sổ lưu thông không khí
Mở cửa sổ để không khí trong phòng ngủ được lưu thông và trong lành. Nếu trời lạnh hoặc gió to, có thể mở hé cửa sổ một lúc, trước khi ngủ đóng cửa sổ lại.
Lưu ý khi ngủ không được trùm chăn kín đầu.
7. Giữ tâm trạng vui vẻ
Có một tâm trạng tốt trước khi ngủ có thể giúp bạn sớm đi vào giấc ngủ, nâng cao chất lượng giấc ngủ.
Để giữ được tâm trạng tốt, có nhiều cách khác nhau, có thể nghe nhạc, nhớ lại những câu chuyện vui, điều quan trọng nhất là không nên nghĩ những chuyện buồn.
8. Vận động một chút
Có thể xem sách hoặc uống một cốc sữa nóng, đến khi buồn ngủ mới lên giường ngủ.
9. Nhiệt độ thích hợp
Nhiệt độ trong phòng ngủ quá cao hoặc quá thấp đều sẽ khiến bạn mất ngủ. Nhiệt độ lý tưởng nhất trong phòng ngủ là 20-22 độ C.
Theo Vietnamplus

Thứ Ba, 27 tháng 12, 2011

Ăn nhiều đường tăng nguy cơ ung thư



Ăn nhiều đường tăng nguy cơ ung thư

Hầu hết mọi người nhận khoảng 430 calo đường trong chế độ ăn hằng ngày. Lượng đường dung nạp vào cơ thể rất khó kiểm soát từ các nguồn thực phẩm khác nhau.
Nghiên cứu khoa học cho kết quả, lượng đường tiêu thụ cao làm tăng nguy cơ bệnh tim và một số loại bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tụy.
Có thể giảm hàm lượng đường cho cơ thể thông qua các loại thực phẩm, chẳng hạn dùng nước ép trái cây hoặc trái cây tươi thay cho bánh ngọt hay chè và nước có gas.
Theo Thanh Niên online

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

Học thuyết âm dương


HỌC THUYẾT ÂM DƯƠNG


Học thuyết âm dương là 1 triết lý của người xưa, được xây dựng qua sự quan sát lâu dài các sự vật trong thế giới tự nhiên. Học thuyết ấy được vận dụng vào y học cổ truyền với mục đích nói lên nguồn gốc phát sinh phát triển của con người, của sức khỏe, bệnh tật, mối quan hệ của con người với thiên nhiên xã hội, các tạng phủ tổ chức trong cơ thể cũng như mối quan hệ phức tạp giữa các hiện tượng sinh lý và bệnh lý của con người.
Học thuyết âm dương được coi là môn học cơ sở của y học cổ truyền.
* Định nghĩa
Học thuyết âm dương là nền tảng tư duy nhận thấy sự vật luôn luôn có mâu thuẫn, nhưng thống nhất với nhau, không ngừng vận động, biến hóa để phát sinh, phát triển và tiêu vong gọi là học thuyết âm dương.
Từ lý luận đến thực hành, trong chẩn đoán bệnh cũng như chữa bệnh, bào chế thuốc và dùng thuốc tất cả đều dựa vào học thuyết âm dương.
1. Nội dung học thuyết âm dương
Âm và dương là tên gọi đặt cho 2 yếu tố cơ bản của một vật, 2 cực của một quá trình vận động và 2 nhóm hiện tượng có mối liên quan biện chứng với nhau.
• Tính cơ bản của âm: Ở phía dưới, ở bên trong, yên tĩnh có xu hướng tích tụ.
• Tính cơ bản của dương: Ở phía trên, ở bên ngoài, hoạt động có xu hướng phân tán.
Dựa vào những thuộc tính cơ bản, người ta phân định tích chất âm dương cho các sự vật và hiện tượng trong tự nhiên và trong xã hội như sau:
2. Các quy luật cơ bản của học thuyết âm dương
2.1. Âm dương đối lập:
Âm dương là 2 từ dùng để chỉ 2 mặt đối lập mà chế ước lẫn nhau của mỗi sự vật.
Đối lập là sự mâu thuẫn, chế ước và đấu tranh giữa 2 mặt âm dương.
Vd: Ngày Đêm; Nước Lửa ; Ức chế Hưng phấn; Khỏe Yếu
2.2. Âm dương hỗ căn
Âm dương cùng 1 cội nguồn, nương tựa giúp đỡ lẫn nhau như vật chất và năng lượng. Cả 2 mặt đều là quá trình phát triển tích cực của sự vật không thể đơn độc phát sinh - phát triển được.
Vd: Cơ năng hoạt động (dương) phải có sự cung cấp của chất dinh dưỡng (âm), chất dinh dưỡng (âm) phải nhờ sự hoạt động của cơ năng (dương) mới trở thành chất hữu dụng để nuôi tạng phủ và cứ như thế không ngừng.
Vd: Có sinh thì có tử hoặc có trong thì có ngoài.
2.3. Âm dương tiêu - trưởng
Tiêu là mất đi, Trưởng là sự phát triển: Nói lên sự vận động không ngừng, sự chuyển hóa lẫn nhau giữa 2 mặt âm dương. Như khí hậu 4 mùa trong năm luôn thay đổi từ lạnh sang nóng, từ nóng sang lạnh. Từ lạnh sang nóng là quá trình “âm tiêu dương trưởng” và từ nóng sang lạnh là quá trình  “dương tiêu âm trưởng” do đó có khí hậu mát, lạnh, ấm, và nóng biểu thị khí hậu của 4 mùa: xuân - hạ - thu - đông.

 


2.4. Âm dương bình hành
Hai mặt âm dương tuy đối lập, vận động không ngừng, nhưng luôn luôn lập lại được thế cân bằng, thế bình quân giữa 2 mặt.
Bình hành là cân bằng cùng tồn tại, sự cân bằng âm dương là sự cân bằng động và cân bằng tĩnh. Nếu sự cân bằng âm dương bị phá vỡ thì sự vật có nguy cơ bị tiêu vong.
* Tóm lại: 4 quy luật cơ bản của âm dương nói lên sự mâu thuẫn, thống nhất, vận động và nương tựa lẫn nhau của vật chất.