Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2011

Công Quả


CÔNG QUẢ
Văn Phòng Phổ Thông Giáo Lý, Ngọ thời 14 tháng 5 Mậu Thân (9 - 6 - 1968)

Thi:
Nương ánh hồng quang đến cõi trần,
Mượn lời đạo lý khuyến sanh dân,
Tu hành để biết cơ mầu nhiệm,
Biết rõ an nhiên định số phần.

AN HÒA THÁNH NỮ chào chư Thiên mạng, chào chư liệt vị đạo tâm nội ngoại đàn tiền. Thánh Nữ xin mời chư liệt vị toàn thể đồng an tọa.
Hỡi chư liệt vị hướng đạo! Hỡi chư đạo tâm nam nữ! Hỡi con cháu lớn nhỏ! Dầu ở thế giới hữu hình, dầu ở thế giới vô hình, khi đã giác ngộ rồi, mỗi người đều cố gắng lo công quả hành đạo giúp đời, với hình thức nầy hoặc với hình thức khác để lập vị. Lập vị mà Thánh Nữ nói nơi đây không có nghĩa là địa vị vinh diệu cùng đỉnh chung phú quí chốn phù ba ảo ảnh nơi cõi vô thường nầy. Lập vị mà Thánh Nữ muốn nói nơi đây có nghĩa là vị cũ ngôi xưa từ khối Đại Linh Quang chiết ra, mỗi mỗi đi một nơi một ngả, mỗi người lo lập đức lập công để ngày nào đó trở về ngôi xưa vị cũ dâng hiến bao nhiêu công đức làm được kể từ buổi ra đi để xứng với sứ mạng của một tiểu linh quang đã thọ lãnh ngay từ miền thượng giới.
Đề tài Thánh Nữ sắp nói ra đây là: CÔNG QUẢ”.
Danh từ công quả rất thường nghe trên vành môi khóe miệng của mỗi người trong các Đạo Giáo hằng ngày. Cũng rất thường như những danh từ khác, nhưng về quan niệm ý nghĩa sâu sắc của nó không phải tầm thường như những danh từ bị lợi dụng.
Hỡi chư hướng đạo! Hỡi chư đạo tâm nam nữ! Việc làm công quả không phải chỉ phô trương trên hình thức rườm rà, hoặc vì muốn có danh có vị, hoặc vì làm theo dư luận, hoặc vì nể nhau, hoặc vì một quyền hành nào đó gây áp lực hay hoặc vì muốn làm cho xong để khỏi tai tiếng người đời rằng người tu sao nỡ điềm nhiên tọa thị trước cái khổ của người khác.
Nếu quan niệm như vậy thì chưa phải là làm công quả, vì mình chưa hiểu mình, chưa biết mình là ai, chưa hiểu nghĩa công quả là gì, và chưa biết làm thế nào mới đúng danh là CÔNG QUẢ, cũng không tự chủ lấy mình, làm chỉ làm với áp lực của ngoại cảnh mà thôi. CÔNG QUẢ muốn được chánh danh và đúng nghĩa của nó, đúng giá trị của nó và đáng được ghi phần âm chất, phải là công quả xuất phát từ lòng tự giác, tự nguyện và thiết tha với nó, xem nó là nguồn sống của đời người, như cơm ăn, nước uống, hơi thở, áo mặc, nhà ở, và như lương dược trị bịnh.
Đạo lý vẫn trường lưu từ cổ chí kim, từ giàu đến nghèo, từ sang đến hèn, từ già đến trẻ, từ lớn đến bé, từ không gian đến thời gian. Đạo lý vẫn luôn luôn trong muôn loài vạn vật, là cơ tạo Thiên lập Địa, phân Thánh lọc phàm. Vì vậy, công quả phải song song tương ứng, không phân biệt, không ngăn cách vì giá trị hình thức của nó, và phải trường lưu bất tận. Có như vậy, việc làm mới được đến nơi đến chốn, tôn chỉ và mục đích mới được đạt thành, gia đình mới được yên vui, quốc gia mới được phồn thịnh, nhân loại mới được thái hòa, mà nhứt là bản thân mới được yên ổn, chớ không phải vì ngoại cảnh thúc giục mà làm nhứt thời hay trong một giai đoạn nào đó chưa thể gọi là công quả.  hơi thở phải luôn luôn đều đặn nhịp nhàng theo buồng phổi, theo trái tim, nếu gián đoạn giây phút là sự chết đến liền. CÔNG QUẢ cũng vậy. Nếu làm theo giai đoạn, làm theo sở thích, làm theo ngoại cảnh hay một động lực nào đó, là công quả nhứt thời. Mà hễ nhứt thời giai đoạn là phải xáo trộn, sẽ đưa đến cái bắt đầu của cái bắt đầu.
Thường thấy nơi cõi trần gian nầy cũng có thứ công quả mà người có tiền mượn làm, và người không có tiền đi làm giùm. Nếu giá trị công quả ấy đúng với lẽ công bình của Tạo Hóa thì Thái tử Tất Đạt Đa ngày xưa có thể mở kho khai vựa đem hết bảo tàng ra mượn người khác làm để cho mình đắc Đạo, thì có cần chi phải lìa bỏ ngai vàng điện ngọc chu du pháp thí, v.v...
CÔNG QUẢ giá trị là ở từ đáy lòng thiết tha phát khởi mà làm, dầu có phương tiện như hoàn cảnh, của cải tiền tài, dù trong cảnh nghèo nàn túng rối, mà tận đáy lòng thiết tha với công quả, vẫn có giá trị muôn đời.
Mình vừa làm vừa kêu gọi người khác làm, chớ không phải chỉ đưa ra một lý thuyết, một giải pháp cho người khác làm, trong lúc đó mình đi làm những việc khác.
Kiểm điểm lại trên bốn mươi năm qua, từ trong chỗ rừng hoang đồng vắng, vẫn có người xây dựng nên Chùa Thất, Thánh Đường nguy nga đồ sộ, từ trong giới nghèo nàn dốt nát cũng vẫn có những người đạo tâm dám hy sinh từ bản thân và sự nghiệp tạo dựng nên hữu tướng để làm chỗ đào tạo cơ sở dân sanh, dân trí, dân đức, chớ nào phải chỉ ở thành thị thủ đô mới làm được hay sao!
Công quả không phải chỉ ngồi trong văn phòng sáng choang đèn điện quạt máy cùng đủ tiện nghi. Công quả không chỉ ở nơi giàu sang trí thức, lý thuyết khơi khơi, mà công quả từ chỗ tinh thần lý thuyết đến chính mình thực hành phần việc đó.
Hỡi chư hướng đạo! Hỡi chư đạo tâm nam nữ! Trên đời thường nói câu: "Xay lúa giã gạo thì khỏi bồng em", nghĩa là mỗi phần việc đều có công, có giá trị tương đương của nó. Chư liệt vị vào Đạo tu thân là muốn lập công quả để giải trừ nghiệp chướng oan khiên từ nhiều tiền kiếp. Đó là tốt lắm. Thương thay! Trong lúc đó đa số người còn chưa hiểu, chỉ lăn vùi theo thế gian hữu thể, làm theo thị dục, thị thính, thị khán, nên đã phải trả quả nhồi trong giữa thời cộng nghiệp của chúng sanh mà chư liệt vị đã và đang chứng kiến.
Hỡi chư liệt vị! Kinh nhựt tụng có câu: Trung Dung Khổng Thánh chỉ rành”. Tô đậm hai chữ Trung Dung”. Có thể nói hầu hết trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, chưa ai hiểu tận tường và thực hành hai chữ Trung Dung”.
Vì thiếu nó nên sự điều hành guồng máy hành đạo thường vấp phải mọi trở lực. Đó là khi cẩn thận thì cẩn thận quá, không dám làm điều gì. Khi thưa thớt hời hợt quá thì việc làm cũng dễ bị hư. Lúc dễ dãi quá thì quyền pháp đạo luật cùng Thánh Dụ Qui Điều bị giẫm chân. Khi khắt khe quá thì việc làm dễ bị ngưng trệ. Tình thương khi rộng rãi quá, thiếu sự kiểm điểm và làm cho nhẹ danh nghĩa của tổ chức; khi khó khăn quá làm xa lần những bạn có chân tài và thiện chí. Người thì sốt sắng quá, người lại đình trệ lung, người thích làm hơn nói, nhưng nếu không nói chỉ bảo ắt bị làm sai. Khi mến thích thì mọi việc sơ hở đều khoan dung tha thứ mà luật lệ chẳng nghiêm minh; lúc chẳng ưa, dầu việc hay việc phải cũng làm ngơ trong cái giả ngơ. Đó là những điều trong một vài khía cạnh của sự thiếu trung dung.
Trải qua những cơn đen tối chết chóc hãi hùng, tự cho là may, là có Thiêng Liêng ủng hộ. Phải hiểu như vầy: Thượng Đế không đem cái phước cũng như cái họa đến cho ai. Thượng Đế chỉ cầm cân giữ mực công bình. Ai gây tạo những quả lành đương nhiên đơm bông kết quả lành. Ai gây tạo những mầm ác đương nhiên kết quả đơm bông điều ác. Dầu muốn dầu không, dầu ai có thể thêm vào hoặc bớt ra cũng không thể được. Đó là định luật, là công bình của Tạo Hóa. Sự lành, sự dữ, sự rủi, sự may, sự được, sự thất, đều do mình gây tạo mầm móng của nó. Thiêng Liêng luôn luôn vẫn đến với người đời, là khi nào tâm hồn trong sạch, tư tưởng đến việc thiện lương, có ích cho người cho vật. Chớ đừng tưởng rằng Thiêng Liêng lúc nào cũng đến với người tội lỗi, đem vật chất tiền bạc hiến dưng, mà tiền bạc vật chất đó có bởi điều làm chẳng thiện.
Thánh Nữ xin để lời giã ơn chư hướng đạo, chư liệt vị đạo tâm nam nữ và giã ơn tử tôn lớn nhỏ. Xin lui điển, thăng.
Nguồn: tamgiaodongnguyen.com

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2011

Ô Sào Thiền Sư


Ô Sào Thiền Sư 

Sào thiền sư là một cao tăng Trung Hoa vào đời Đường. Khi bà mẹ hạ sanh sư, bà không ưng ý lắm nên đem bỏ con vào một chiếc tổ quạ trên cội đại thọ trước hiên chùa rồi lẫn mất. Sư xuất gia từ đó, và người ta gọi sư là thầy Ô Sào (Ô là quạ, Sào là tổ), tức là ông thầy có xuất xứ từ một chiếc tổ quạ. Tuổi ấu thơ và tráng niên của sư trôi qua bình thản trong bóng mát của tòng lâm cổ kính. Sư thường hành thiền trên quê hương của mình, tức là nơi chảng ba có đặt chiếc tổ quạ ngày xưa mà theo năm tháng, cội cây đã to và rộng đầy đủ để cành nhánh có thể cho sư đặt một chiếc tọa cụ trên ấy.
Cho đến khi ngộ đạo và hành đạo, thiền sư vẫn không rời “quê mẹ.”
Một hôm, quan thị lang Bạch Cư Dị, một thi hào lừng danh đương thời, đi dạo ngang cổng chùa, trông thấy nhà sư đang ngồi vắt vẻo trên tàng cây, vốn không ưa hạng người “lánh nợ đời” như thế, ông cau mày hỏi:
- Bộ hết chỗ rồi hay sao mà thầy lựa chỗ hiểm nghèo như thế để ngồi?
Thiền sư bình thản đáp:
- Chỗ của tôi xem ra còn vững vàng hơn chỗ của quan lớn đang an tọa nhiều.
Quan thị lang nhìn lại chiếc kiệu của mình đang ngồi, ngạc nhiên:
- Chỗ tôi đang ngồi có gì đáng ngại đâu?
- Thưa, chỗ đại quan là dưới vua, trên các quan và trăm họ. Vua thương thì quần thần ghét, được lòng dân thì mất lòng vua. Tính mạng của đại quan cùng thân quyến đều lệ thuộc vào lòng yêu ghét của vua và sự tật đố tị hiềm của bạn bè. Một chiếc ghế được kê trên đầu lưỡi thiên hạ thì làm sao bì được với sự cứng chắc của cội cây này được. Có phải thế không thưa đại quan?
Bạch Cư Dị nghe nhà sư nói chỉ im lặng cúi đầu, giây lâu vị đại quan lão thành mới cất tiếng hỏi:
- Thầy có thể cho tôi biết thế nào là đại ý của Phật pháp chăng?
Thiền sư đáp liền:
- Không gì dễ bằng câu hỏi này. Đại quan hãy nghe tôi trả lời đây, đó là: Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành - Tự tịnh kỳ ý - Thị chư Phật Giáo” (Nghĩa là: Các điều ác chớ làm, các điều lành vâng giữ, tự thanh lọc ý mình, đó là lời Phật dạy).
Bạch Cư Dị nghe xong bảo:
- Những điều thầy vừa đáp, con nít lên ba cũng nói được.
Thiền sư mỉm cười:
- Thưa đại quan, con nít lên ba nói được, nhưng ông lão sáu mươi chưa chắc đã làm xong. Ngài có thấy như thế không?
Bạch Cư Dị lại im lặng cúi đầu. Ông bắt đầu học đạo với thiền sư Ô Sào từ đó. Người ta kể rằng dưới sự dẫn dắt của thiền sư “Tổ quạ”, không bao lâu vị đại quan này “thoát nhiên đại ngộ”. Chuyện kể chỉ có thế, còn việc ông đại ngộ cái gì thì chúng ta đành chịu vậy.         
Như Thủy
Nguồn: Blog anhvutran1963

Vết sẹo của mẹ


VẾT SẸO CỦA MẸ

Một cậu bé mời mẹ tham dự buổi họp phụ huynh đầu tiên ở trường tiểu học.
Điều cậu bé sợ đã thành sự thật, mẹ cậu bé nhận lời. Đây là lần đầu tiên bạn bè và giáo viên chủ nhiệm gặp mẹ cậu bé và cậu rất xấu hổ về vẻ bề ngoài của mẹ mình. Mặc dù cũng là một người phụ nữ đẹp, có một vết sẹo lớn che gần toàn bộ mặt bên phải của cô. Cậu bé không bao giờ muốn hỏi mẹ mình tại sao bị vết sẹo lớn vậy.
Vào buổi họp mặt, mọi người có ấn tượng rất đẹp về sự dịu dàng và vẻ đẹp tự nhiên của người mẹ mặc cho vết sẹo đập vào mắt, nhưng cậu bé vẫn xấu hổ và giấu mình vào một góc tránh mặt mọi người. Ở đó, cậu bé nghe được mẹ mình nói chuyện với cô giáo.
“Làm sao chị bị vết sẹo như vậy trên mặt?” Cô giáo của cậu hỏi.
Người mẹ trả lời, “Khi con tôi còn bé, nó đang ở trong phòng thì lửa bốc lên. Mọi người đều sợ không dám vào vì ngọn lửa đã bốc lên quá cao, và thế là tôi chạy vào. Khi tôi chạy đến chỗ nó, tôi thấy một xà nhà đang rơi xuống người nó và tôi vội vàng lấy mình che cho nó. Tôi bị đánh đến ngất xỉu nhưng thật là may mắn là có một anh lính cứu hỏa đã vào và cứu cả hai mẹ con tôi.”
Người mẹ chạm vào vết sẹo nhăn nhúm trên mặt. “Vết sẹo này không chữa được nữa, nhưng cho tới ngày hôm nay, tôi chưa hề hối tiếc về điều mình đã làm”.
Đến đây, cậu bé chạy ra khỏi chỗ nấp của mình về phía mẹ, nước mắt lưng tròng. Cậu bé ôm lấy mẹ mình và cảm nhận được sự hy sinh của mẹ dành cho mình. Cậu bé nắm chặt tay mẹ suốt cả ngày hôm đó.
Nguồn: matnauhoctro.com

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

Bài thuốc dân gian điều trị bệnh vảy nến



Bài thuốc dân gian điều trị bệnh vảy nến

Thân ái chào quý anh chị em!
Bệnh vảy nến là một loại bệnh mà các tế bào da khi chết dày lên tạo thành những nốt vảy da gây ngứa, các vảy như vảy cá trên da ngày càng phát triển làm cho người bệnh luôn bị ngứa ngáy rất khó chịu.
Chánh Tuân có một người thân bị bệnh vảy nến hơn 10 năm nay, đã đi chữa trị nhiều nơi và sử dụng rất nhiều loại thuốc khác nhau nhưng không thể chữa trị khỏi hoàn toàn căn bệnh này và được các bác sỹ khuyên nên “sống chung hòa bình” với căn bệnh này.
Thật may mắn vì tình cờ gần đây Chánh Tuân được một người quen chỉ cho hai bài thuốc dân gian để điều trị bệnh vảy nến rất đơn giản, dễ làm, chi phí thấp nhưng lại rất hiệu nghiệm (kiên trì thực hiện liên tục ít nhất 2 tháng sẽ thấy kết quả), đến nay người thân của Chánh Tuân đã gần như khỏi hẳn bệnh. Chánh Tuân cũng đã chia sẻ 2 bài thuốc này đến một vài người quen đang bị bệnh vảy nến và cũng đã giúp cho căn bệnh của họ đã được điều trị khỏi hẳn. 
Mọi người chỉ nên sử dụng một trong hai bài thuốc dân gian sau đây:
1. Bài thuốc thứ nhất (Rất hiệu nghiệm, dễ thực hiện và đã có nhiều người khỏi hẳn bệnh mà không còn tái phát nữa):
Dùng lá tươi của cây  Muồng Trâu rửa sạch rồi đâm nhuyễn  lấy nước, sau đó pha với dung dịch kem thuốc điều trị bệnh  lác nhãn hiệu Kentax (loại thuốc được bán rất phổ biến tại các tiệm thuốc Tây dùng để điều trị các bệnh nấm trên da, Tuyp thuốc màu cam, lớn bằng ngón tay út) theo tỷ lệ 2/3  nước lá Muồng Trâu tươi với 1/3  dung dịch kem thuốc lác. Sau đó chấm bông gòn thoa hỗn hợp thuốc này vào vị trí những nơi bị vảy nến.  (Lưu ý: Khi sử dụng bài thuốc này thì mọi người nên hạn chế dùng các loại thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn chiên xào).






Cây Muồng Trâu
(Ở TP.HCM thì cây Muồng Trâu mọc nhiều 2 bên đường tại khu công nghiệp Tân Tạo)




Thuốc trị nấm KenTax

2. Bài thuốc thứ hai:
Lá trầu + rau răm + muối sống (muối hột) + bèo hoa dâu.
Rửa thật sạch bằng nước muối rồi cắt hoặc xé nhỏ tất cả các loại lá trên bỏ vào nồi đun sôi chín nhừ khoản từ 15 - 20 phút, để ấm rồi lấy nước tắm (trước khi tắm nên uống khoảng 1/5 ly rượu nhỏ [loại ly nhỏ dùng để uống rượu] hỗn hợp nước của các loại lá này (Nếu đang mang thai hoặc chuẩn bị có thai hoặc đang cho con bú thì tuyệt đối không nên uống hỗn hợp nước này), sau đó giã nát hỗn hợp các loại lá này rồi lấy bông gòn thấm hút nước từ hỗn hợp lá đã được giã nát này chà xát vào vùng da nơi bị vảy nến để cho các vảy nến bị bong tróc khỏi làn da.
Ghi chú: Số lượng các loại lá được dùng cho mỗi lần nấu nhiều hay ít là tùy thuộc vào bệnh nặng hay nhẹ (mỗi lần nấu có thể sử dụng từ 7 – 20 lá trầu; từ 10 – 20 lá bèo hoa dâu; từ 2 – 4 nắm rau răm; lượng muối hột vừa đủ mặn (không nên quá mặn); lượng nước từ 2 – 3 lít nước). Mỗi ngày nên tắm và thoa hỗn hợp lá này 2 lần (không nên tắm lại bằng nước sạch ngay mà phải đợi khoản 3 – 4 tiếng đồng hồ sau mới tắm lại bằng nước sạch nhằm giúp cho nước từ hỗn hợp lá này thấm sâu vào những vùng bị vảy nến). Nên ngưng sử dụng các loại thuốc tây điều trị bệnh vảy nến trước đây mình đã sử dụng.


 Lá trầu (có thể trồng ngay trong vườn hoặc mua ở chợ)


Rau răm (có thể trồng ngay trong vườn hoặc mua ở chợ)

 Bèo hoa dâu 
(Thường sống ở các ao sen, có thể nuôi bèo ngay trong các ao gần nhà)


Muối hột (muối sống)

Rất mong quý anh chị em cùng chia sẻ 2 bài thuốc dân gian này đến với những ai bị bệnh vảy nến để giúp họ tìm thấy được niềm vui và sự dễ chịu trong cuộc sống hàng ngày. 
Nếu có điều gì chưa rõ về 2 bài thuốc trên thì quý anh chị em có thể liên lạc với Chánh Tuân qua số điện thoại 0937.68.78.79 để cùng trao đổi thêm.
Quý anh chị em có thể vào đường link sau để tham khảo thêm bài viết về chế độ dinh dưỡng dành cho người bị vảy nến:


Chánh Tuân.


Tìm Tag: Bài thuốc nam điều trị bệnh vảy nến, bài thuốc đông y điều trị bệnh vảy nến.

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2011

Hãy thắp lên một que diêm


Hãy thắp lên một que diêm

Một bữa tối tại vận động trường Los Angeles, Mỹ, một diễn giả nổi tiếng - ông John Keller, được mời thuyết trình trước khoảng 100.000 người. Đang diễn thuyết bỗng ông dừng lại và dõng dạc nói:
- Bây giờ xin các bạn đừng sợ! Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này.
Đèn tắt. Cả sân vận động chìm sâu trong boáng tối âm u. Ông John Keller nói tiếp:
- Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm đang cháy thì hãy hô to "Đã thấy!".
Một que diêm được bật lên, cả sân vận động vang lên: "Đã thấy!".
Sau khi đèn được bật sáng trở lại, ông John Keller giải thích:
- Ánh sáng của một hành động nhân ái dù nhỏ bé như một que diêm cũng sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy.
Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại được tắt. Một giọng nói vang lên:
- Tất cả những ai ở đây có mang theo diêm quẹt, xin hãy đốt cháy lên ! Bỗng chốc cả vận động trường rực sáng.

Ông John Keller kết luận:
- Tất cả chúng ta cùng hợp lực nhau có thể chiến thắng bóng tối, chiến tranh, khủng bố, cái ác và oán thù bằng những đóm sáng nhỏ của tình thương, sự tha thứ và lòng tốt của chúng ta. Hoà bình không chỉ là môi trường sống vắng bóng của chiến tranh. Hòa bình không chỉ là cuộc sống chung không tiếng súng. Vì trong sự giao tiếp giữa người với người, đôi khi con người giết hại nhau mà không cần súng đạn, đôi khi con người làm khổ nhau, áp bức bóc lột nhau mà không cần chiến tranh.
Cách tốt nhất để xây dựng hòa bình là tăng thêm thật nhiều những hành động yêu thương và hảo tâm với đồng loại. Những hành động yêu thương xuất phát từ lòng nhân hậu sẽ như những ánh sáng nho nhỏ của một que diêm. Nhưng nếu mọi người cùng đốt lên những ánh sáng bé nhỏ, những hành động yêu thương sẽ có đủ sức mạnh để xua tan bóng tối của những đau khổ và cái ác.
Nguồn: songdepxitrum.net