Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

Đôi điều chiêm nghiệm về Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài




ĐÔI  ĐIỀU CHIÊM NGHIỆM VỀ
PHÁP CHÁNH TRUYỀN CỬU TRÙNG ĐÀI
Chánh Tuân

A.  DẪN NHẬP
Muốn lập một nền Đạo lớn lao như Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ có khả năng truyền giáo đến thất ức niên mà không lập Pháp thì làm sao điều độ được số lượng giáo đồ quá đông gồm toàn thể nhân loại. Do vậy ngay sau Đại Lễ Khai Minh Đại Đạo, vào giờ Tý đêm Rằm rạng sáng 16 tháng 10 năm Bính Dần, Thầy đã ban hành Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài từ Phẩm Giáo Tông đến Lễ Sanh. Về sau Đức Lý Giáo Tông ban hành bổ sung thêm phẩm Chánh Trị Sự, Phó Trị Sự, Thông Sự và Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài Nữ Phái. Đây chính là Chánh Pháp do Đức Chí Tôn ban truyền để ứng dụng  riêng cho cơ Phổ Độ Kỳ Ba này.
Nếu chưa nghiên cứu kỹ về giáo lý Đại Đạo thì chúng ta sẽ rất dễ dàng cho rằng Pháp Chánh Truyền thật ra rất bình thường, không có gì là quan trọng lắm. Tuy nhiên nếu có thời gian chiêm nghiệm kỹ thì Pháp Chánh Truyền tuy với những lời văn mộc mạc súc tích đã nói lên được tôn  chỉ mục đích của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ; Thể hiện được lý dịch thật rõ nét; Tình huynh đệ đại đồng; Quyền Pháp của Đạo và Pháp Chánh Truyền cũng đã cho chúng ta thấy được hình thể của Đức Chí Tôn được  thể hiện rõ ràng qua các qui định của Pháp Chánh Truyền. 
B.  NỘI DUNG
I. TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC LẬP PHÁP CHÁNH TRUYỀN CHO NỀN ĐẠI ĐẠO
Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ chính thức ra mắt nhơn sanh vào ngày Rằm tháng 10 năm Bính Dần (1926). Sau đó một ngày, Đức Chí Tôn liền ban hành Pháp Chánh Truyền Cửu Trùng Đài để làm kim chỉ nam cho Hội Thánh thay mặt Người tại thế gian mà hành đạo cho có trật tự. Sự kiện đó chứng tỏ rằng luật lệ đối với hành chánh Đạo là quan trọng đến dường nào!